Đạo đức học

Triết học và đạo đức học trong thời đại vi-rút Corona

 

TRIẾT HỌC VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC

TRONG THỜI ĐẠI VI-RÚT CORONA

 

HENRIK SYSE(*)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

Thật thú vị khi thấy có bao nhiêu là đài phát thanh tiếp sóng thời sự và phát thanh viên đòi hỏi phải có những góc nhìn và những hiểu biết sáng suốt những ngày này từ cái mà chúng ta thường hay gọi là viễn tượng triết học (philosophical perspective). Khi chúng ta đối mặt với đại dịch COVID-19,tôi là một trong những người được hỏi, và tôi cố gắng góp phần đáp ứng yêu cầu này.

 Thế thì, giờ đây triết học có ích gì?

Lý do tôi được hỏi là vì tôi chuyên nghiên cứu về đạo đức học chiến tranh, nghĩa là đạo đức học và văn hóa mà chúng ta cần đến khi phải đối mặt với những hoàn cảnh cực đoan làm thay đổi cuộc sống. Đấy là chủ đề tôi đã làm việc cùng với đồng nghiệp của tôi là Greg Reichberg và một số người khác tại PRIO.

Câu hỏi là: Tình hình này có thể được so với cuộc chiến tranh không? Có phải chúng ta đang tập trung nhiều nguồn lực như nhau, và đang trải qua nhiều nỗi sợ và thử thách gay go như nhau, như những gì chúng ta làm trong thời chiến hay không?

Sự so sánh bao giờ cũng có cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Tình hình này chắc chắn giống với cuộc chiến khi những sự việc xảy ra và những đòi hỏi của chúng ta có quá nhiều kịch tính. Cũng như bao người cùng thế hệ - sinh ở thập niên 1960 - tôi lớn lên cùng với ba mẹ và bạn bè là những người đã trực tiếp trải qua giai đoạn Na Uy bị chiếm đóng. Những câu chuyện của họ về sự khó khăn gian khổ, nỗi sợ hãi, sự sát cánh bên nhau và cảm giác sâu đậm về nỗi bấp bênh thực sự rất có ấn tượng. Và tôi nhận ra rằng giờ đây chúng ta đang thấy mình ở ngay tại thời điểm có tính bước ngoặt tương tự, cho dù nó chẳng giống chút nào.

Sự tương đồng với chiến tranh không dừng lại ở đó. Các quyết định khác thường phải được đưa ra, nhất là vấn đề về các ưu tiên trong việc chăm sóc sức khỏe. Phải thừa nhận rằng đây là những vấn đề nan giải về đạo đức mà nhiều nhân viên y tế phải đối mặt hàng ngày, nhưng giờ đây chúng trở nên kịch tính và thường xuyên hơn. Nói theo ngôn ngữ y tế thì đây là “ưu tiên trường hợp nguy cấp” (“triage”), nghĩa là trường hợp này xảy ra, nhất là trong chiến tranh, chẳng hạn khi 40 người bị thương mà bạn chỉ có nguồn lực để điều trị cho 10 người. Tình hình COVID-19 như hiện nay - và rất có thể ngày càng trầm trọng thêm - buộc chúng ta phải đối mặt với những thách thức như thế. 

 Mặt khác, đây không phải là chiến tranh. Chẳng có ai tấn công chúng ta bằng vũ khí cả. Không có kẻ thù giấu mặt hoặc được biết đến nào đang ra sức làm nhiễu loạn cuộc sống của chúng ta hay phá hủy cộng đồng của chúng ta. Đây là một hiện tượng tự nhiên, được thúc đẩy bởi cách chúng ta giao tiếp và di chuyển trong thế giới toàn cầu hóa này. Nó không phải do các nhà lãnh đạo ý thức hệ cuồng tín và đói khát quyền lực áp đặt lên chúng ta, cũng không phải do các nhóm vũ trang chiến đấu chống lại sự áp bức hà khắc. Đây chính là điểm khác biệt, nhất là vì nó có thể cho phép chúng ta làm việc cùng nhau tốt hơn và thậm chí có thể coi đây là “kẻ chủ trương bình đẳng tuyệt vời”, như một người bạn của tôi đã nói: Đó là điều mà tất cả chúng ta phải đối mặt với tư cách là một cộng đồng, và vì thế, điều mà chúng ta phải giải quyết là cộng đồng, bằng tấm lòng thiện ý và nỗ lực chung chứ không phải bằng vũ khí.

 Và ngoài ra, không giống như trong chiến tranh, chúng ta có thể ứng phó lại những thách thức này với các nguồn lực tốt nhất có sẵn cho chúng ta trong các xã hội đang sống trong hòa bình. Hy vọng, chúng ta có thể làm điều này trong tình đoàn kết với các quốc gia và dân tộc bị ảnh hưởng trên khắp thế giới, chưa trải nghiệm được những lợi ích và sức mạnh của hòa bình. Chúng ta có thể không được trang bị đầy đủ, bằng bất cứ phương tiện nào, nhưng so với các quốc gia bị chiến tranh làm cho suy kiệt, cả về thể chất lẫn tinh thần, chúng ta thuận lợi hơn rất nhiều.

Đây là thời điểm để chúng ta có những sự can thiệp y tế, vệ sinh nghiêm ngặt, nghiên cứu và nhất là để có các quyết định và quy định chính trị cứng rắn nhưng cần thiết. Nhưng giống như trong chiến tranh, đó cũng là thời điểm chúng ta cần hơn bao giờ hết tình yêu thương, niềm hy vọng và sự quan tâm. Đây là thời điểm chúng ta nên tiếp cận các nguồn lực triết học và tâm linh trong truyền thống của mình, và cho thấy với tấm lòng thiện ý, tinh thần sát cánh bên nhau, đức tin, hy vọng, khoan dung, và thậm chí óc hài hước và nụ cười rằng cuộc khủng hoảng này - và đây đang là một sự khủng hoảng - sẽ không đánh bại được chúng ta.

 


Nguồn: https://blogs.prio.org/2020/03/7666/?fbclid=IwAR2AmRbbKy3RmPVoi2-ZAreU8ZyjXawpT7JcyVTyKKtPy86jFULk2Bczewk

 


(*) Henrik Syse là giáo sư nghiên cứu tại PRIO, chuyên nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại trường Đại học Bjørknes.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt