Logic học | Tư duy phản biện

Đặc điểm chung của khái niệm

 

KHÁI NIỆM

 

Đ. P. GORKI

 


Đ. P. Gorki. Lôgíc học. Chương 2: "Khái niệm". Hà Sĩ Hồ dịch. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1974.


 


§1. ĐẶC ĐIỀM CHUNG CỦA KHÁI NIỆM

 

Những sự vật và hiện tượng của thế giới vật chất xung quanh ta có rất nhiều thuộc tính khác nhau. Chẳng hạn, khi xem xét một cái cốc, chúng ta thấy nó có dạng hình trụ, làm bằng thủy tinh, trong suốt v.v... Một số thuộc tính chỉ có trong các sự vật riêng lẻ, những thuộc tính khác có trong một loạt sự vật. Những thuộc tính chỉ có trong những sự vật riêng lẻ gọi là những thuộc tính cá biệthay những thuộc tính đơn nhất, còn những thuộc tính có trong nhiều sự vật gọi là những thuộc tính chung. Những thuộc tính cá biệt đồng thời cũng là những thuộc tính khác biệt (riêng biệt) chỉ có trong một sự vật riêng lẻ đã cho và không có trong tất cả các sự vật khác. Nhờ những thuộc tính này ta có thể phân biệt được từng sự vật riêng biệt với tất cả các sự vật khác. Chẳng hạn, thuộc tính "là con sông lớn nhất châu Âu" là thuộc tính cá biệt đồng thời cũng là thuộc tính khác biệt. Nhờ thuộc tính này ta có thể phân biệt con sông có tên là « Vônga » với tất cả các con sông khác và nói chung là với tất cả những sự vật khác.

Những thuộc tính chung có thể là những thuộc tính khác biệt đối với một lớp sự vật nào đó và cũng có thể không phải là những thuộc tính như thế. Chẳng hạn, đối với lớp người, thuộc tính "là động vật có xương sống" là thuộc tính chung nhưng không phải là thuộc tính khác biệt: nó có ở tất cả mọi người nhưng không phải chỉ có ở người. Thuộc tính chung của người « có ngôn ngữ phân tiết » có ở tất cả mọi người bình thường và chỉ có ở họ. Nhờ thuộc tính này ta có thể phân biệt được người với tất cả các động vật khác và nói chung là với tất cả các sự vật khác. Vì vậy, đối với lớp người thuộc tính này là thuộc tính khác biệt. Do sự phản ánh những thuộc tính khác biệt (riêng biệt) của các sự vật và hiện tượng khác nhau nên ở người ta hình thành các khái niệm về các sự vật và hiện tượng này. Chẳng hạn, khái niệm « hành tinh » phản ánh những thuộc tính chung, riêng biệt của mỗi hành tinh (sao Thủy, s , sao Kim, Trái đất, sao Hỏa v.v...) « có dạng hình cầu », « quay xung quanh Mặt trời », « quay xung quanh trục của mình » v.v...

Trong các khái niệm không những chỉ phản ánh những thuộc tính chung và những thuộc tính đơn nhất, riêng biệt mà còn phản ánh cả những quan hệ riêng biệt giữa các sự vật và hiện tượng của hiện thực; chẳng hạn như những khái niệm « nguyên nhân », « chức năng ».

Trong lôgic học, tất cả những gì giúp ta phân biệt sự vật này với những sự vật khác được gọi là dấu hiệu. Có thể phân biệt sự vật này với sự vật kia nhờ các thuộc tính của nó (màu sắc, trọng lượng, thể tích, hình dạng v.v...) nhờ các ký hiệu – dấu và tên gọi của nó (có thể phân biệt người này với người kia theo tên gọi, theo những đặc điểm bên ngoài nào đó, có thể phân biệt phố này với phố kia theo tên gọi của nó v.v...), nhờ các quan hệ (những sự vật khác nhau có thể phân biệt theo những quan hệ của chúng đối với một sự vật nào đó, chẳng hạn, sự vật A có thể khác với sự vật B ở chỗ sự vật A lớn hơn sự vật C, còn sự vật B bằng sự vật C).

Các ký hiệu (tên gọi, dấu) khác các thuộc tính ở chỗ, chúng là những dấu hiệu bên ngoài đối với các sự vật (bản thân sự vật không thay đổi khi tên gọi của nó thay đổi), trong khi đó các thuộc tính bộc lộ bản chất của các sự vật ở một mức độ nào đó (mất đi một thuộc tính nào đó sẽ ảnh hưởng đến sự vật: nó thay đổi hình dạng bên ngoài của mình đến một mức độ nào đó, thay đổi bản chất của mình đến một mức độ nào đó). Trong những khái niệm về các sự vật chỉ phản ánh những thuộc tính của các sự vật và những quan hệ giữa chúng với nhau. Các ký hiệu (tức là tên gọi) của các sự vật không được phản ánh vào các khái niệm về các sự vật này.

Trong khi vạch ra những thuộc tính của các sự vật được nghiên cứu, trong khi nhận thức những mối quan hệ (liên hệ) mới giữa các sự vật và những thuộc tính của chúng, ta đã nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn những sự vật này, ta đã đào sâu những tri thức của mình về hiện thực khách quan.

Mỗi dấu hiệu khác biệt vốn có của các sự vật có một ý nghĩa quan trọng đối với việc nhận thức sau này và đối với hoạt động thực tiễn của chúng ta. Nhưng tùy theo những vấn đề khoa học và thực tiễn khác nhau mà những thuộc tính khác biệt hay những quan hệ nào đó được phản ánh trong những khái niệm tương ứng sẽ nổi lên hàng đầu và có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chẳng hạn, những dấu hiệu của nước (sôi ở 100°C», là chất đàn hồi » có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với ngành khoa học như vật lý học; đối với hóa học thì ý nghĩa quan trọng nhất, chẳng hạn, là những dấu hiệu «là một hợp chất », « là chất mà các phân tử được tạo bởi hai nguyên tử hyđrô và một nguyên tử ôxy ».

Trong công tác cứu hỏa dấu hiệu cực kỳ quan trọng của nước là « không duy trì sự cháy », còn dấu hiệu « không hòa tan chất béo » không giữ vai trò quan trọng như vậy. Mặt khác, theo quan điểm của một loạt ngành sản xuất (chẳng hạn như ngành chế tạo bơ), dấu hiệu này có ý nghĩa quan trọng nhất bởi vì nó ảnh hưởng đến việc tổ chức và tinh chất của bản thân ngành sản xuất.

Nhưng nếu mỗi dấu hiệu khác biệt của sự vật được phản ánh trong khái niệm, đối với con người là một dấu hiệu quan trọng về một mặt nào đó, thì không phải mọi dấu hiệu khác biệt đều thể hiện bản chất của sự vật ở mức độ như nhau, có ý nghĩa như nhau đối với việc nhận thức các mối liên hệ có tính chất qui luật. Chẳng hạn, nếu dấu hiệu A thể hiện bản chất của sự vật được nghiên cứu sâu sắc hơn dấu hiệu B thì đối với sự vật này dấu hiệu A quan trọng hơn dấu hiệu B. Chẳng hạn, dấu hiệu của những cây có hoa « có màu lục » kém quan trọng hơn dấu hiệu « là cây cỏ chất diệp lục ». Dấu hiệu thứ hai thể hiện dấu hiệu thứ nhất, vì việc có chất diệp lục trong lá cây là nguyên nhân của màu lục ở cây, chứ không phải ngược lại. Các thuộc tính của sự vật là cái vốn có của bản thân sự vật không tùy thuộc vào chỗ chúng ta nhận thức được chúng hay không, không tùy thuộc vào chỗ, đối với chúng ta chúng là những thuộc tính quan trọng hơn hay ít quan trọng hơn. Bất kỳ khái niệm nào cũng phản ánh những thuộc tính khác biệt và những quan hệ của các sự vật khi những thuộc tính khác biệt và những quan hệ này được thể hiện một cách rành mạch trong lời nói. Tùy theo các quan điểm và các nhiệm vụ khảo sát và sử dụng các sự vật, tùy theo các quan điểm và các nhiệm vụ xây dựng khái niệm mà những thuộc tính và những quan hệ khác biệt này sẽ nổi bật lên khi thì như là những thuộc tính và những quan hệ quan trọng hơn, khi thì như là những thuộc tính và những quan hệ kém quan trọng hơn. Trong số tất cả những thuộc tính khác biệt của các sự vật, khoa học tách ra những thuộc tính và những quan hệ quan trọng nhất đối với việc nhận thức những mối liên hệ có tính chất qui luật giữa các sự vật và các hiện tượng và bằng cách đó hình thành nên những khái niệm khoa học. Do đó, những khái niệm khoa học chỉ là một bộ phận của tất cả những khái niệm mà loài người xây dựng được ở mỗi giai đoạn phát triển lịch sử.

Bản thân các khái niệm khoa học cũng được hoàn thiện cùng với sự phát triển của các khoa học và của thực tiễn xã hội. Chẳng hạn, chúng ta hãy xét xem chỉ trong năm mươi năm gần đây một khái niệm như khái niệm nguyên tử đã thay đổi như thế nào. Nếu ở đầu thế kỷ XX người ta biết rằng, thành phần của nguyên tử gồm hạt tích điện dương – prôtôn và hạt tích điện âm— electrôn, thì ngày nay người ta biết thành phần của hạt nhân nguyên tử gồm có các nơtron – những hạt không tích điện, mêzôn và những hạt cơ bản khác. Nếu trước đây không lâu người ta chưa biết gì về sự chuyển hóa lẫn nhau của các hạt cơ bản tạo thành nguyên tử, thì bây giờ người ta có thể xác định được rằng prôtôn có thể chuyển hóa thành nơtrên và ngược lại trong những điều kiện nhất định nơtrộn có thể chuyển các phôtôn hóa thành prôtôn. Cả những hạt ánh sáng cũng có thể chuyển hóa thành các pôzitron và êlectrôn.

Khái niệm được định nghĩa như sau: khái niệm là một tư tưởng phản ảnh những dấu hiệu bản chất, khác biệt (riêng biệt ) của các sự vật và hiện tượng của hiện thực.

Khác với biểu tượng, khái niệm có tính chất trừu tượng và khái quát hơn. Nếu biểu tượng là hình ảnh trực quan thì khái niệm là tư tưởng về sự vật qua những dấu hiệu khác biệt và bản chất của nó. Trong khi tước bỏ cái ngẫu nhiên, cái không bản chất, trong khi tách ra cái chung, cái bản chất chúng ta đã nhận thức thế giới xung quanh sâu sắc hơn, chúng ta đã khám phá ra những mối liên hệ có tính chất qui luật giữa các sự vật và hiện tượng của hiện thực.

Trong khái niệm có phản ánh cả những thuộc tính và những quan hệ mà chúng ta không thể hình dung dưới dạng hình ảnh trực quan được (chẳng hạn, những tính chất của các nguyên tử, những quan hệ của chúng trong phân tử v.v...). V. I. Lênin đã nhận xét rằng, không thể hình dung được vận tốc của ánh sáng nhưng có thể có khái niệm về vận tốc 300000 km/s. Khi ta đã có khái niệm về vận tốc ánh sáng, ta có thể dễ dàng phân biệt được vận tốc này với mọi vận tốc khác.

 


§2. KHÁI NIỆM VÀ TỪ

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt