Nhập môn triết học

Cách nhận thức bằng lý trí

TRIẾT HỌC TỔNG QUÁT - Mục lục

 

CHƯƠNG I

KHẢ-NĂNG NHẬN-THỨC

 

TIẾT II :

CÁCH NHẬN THỨC BẰNG LÝ TRÍ

 


Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com


 

 

A) TỔNG LUẬN VỀ LÝ-TRÍ

Lý-trí, được bàn tới đây, cũng là lý trí được đề cập trong Luận-lý-học : Lý trí và những nguyên tắc căn bản của Lý trí. Nhưng ở đây, chúng tôi còn đề cập tới lý trí như là khả năng nhận thức được dùng cả trong Triết học, để chuẩn bị câu định nghĩa của Triết học vào cuối phần thứ nhất này 1. Lý trí là tài năng để suy luận hay lý-luận, cũng như giác năng là tài năng để cảm giác và tri giác. Nó là một trong những điểm đặc biệt của con người linh ư vạn vật. Ở trong lý-trí, đã có sẵn hẳn một cơ cấu căn bản làm nền tảng cho mọi cuộc suy luận, tức là hệ thống nguyên tắc tối sơ, sơ thủy hay đệ nhất (principes rationnels, premiers principes, principes directeurs…)

I. Đặc tính

Trước hết, những nguyên tắc tối sơ là những chân lý tự chúng hiển nhiên. Chỉ cần hiểu câu nói A là A, là hiểu ngay, không cần minh chứng gì cả.

Thiếu minh chứng, không phải vì đó chúng trở nên tối tăm, nhưng vì chúng hiển-nhiên không cần minh-chứng bằng chân lý khác nữa. Nguyên tắc tối sơ lại còn khẩn thiết, nghĩa là không có chúng, đời sống tư tưởng không thể sống được. Cả trong trường hợp hoài nghi, muốn bảo rằng hoài nghi, cũng phải dựa vào chúng, để (hoài nghi là hoài nghi), A là A, và để lý trí ta chắc chắn « hoài nghi là hoài nghi » và « tôi hoài nghi tất cả, tôi hoài nghi tất cả ». Do đó, có tính cách phổ biến, trong không gian cũng như thời gian. Đã là người, thời dầu thuộc thượng cổ hay tương lai, cũng đều nghĩ như thế cả. Đã là người, thời người Âu, người Á, người Phi, người Úc đều tư tưởng A là A, và A không thể vừa là A vừa là không A cùng một lúc.

II. Phân loại

Có hai nguyên tắc căn bản hơn cả là nguyên tắc đồng nhất (principe d’identité) và nguyên tắc túc lý (principe de raison suffisante).

1) Công thức nguyên tắc đồng nhất như thế này

A là A. Vì thế, nó có tính cách phân tích : thuộc từ chẳng những ngậm trong chủ-từ, lại còn có khi hệt như chủ từ. Trong trường hợp trước, có tính cách đồng nhất thuộc loại (identité spécfique) nghĩa là trí khôn khám phá ra một điểm chung như nhau, nhưng ở nơi nhiều các vật khác nhau thuộc cùng một loại. Trong trường hợp sau, có tính cách đồng nhất thuộc số (identité numérique) : chúng tôi ở cùng một nhà, nhà đó là một nhà đó, v.v… Nguyên tắc đồng nhất có thể diễn tả bằng một công thức tiêu cực, cũng gọi là nguyên tắc mâu thuẫn (principe de contradiction) ; một vật không thể vừa có vừa không cùng một lúc, A không thể vừa là A vừa không A cùng một lúc. Giữa hai : A và không A, phải có một câu đúng, một câu sai, chứ không thể cả hai đúng hay sai. Đặt vào công thức này, nguyên tắc đồng nhất thành nguyên tắc diệt tam hay khử tam (principe du tiers-exclu : một là A hai là không A, chứ không có giả thuyết thứ ba). Đem nguyên tắc đồng nhất ra áp dụng, có thể đặt ra nhiều công thức khác : vòng A ở trong vòng B, vòng B ở trong vòng C, thời vòng A cũng ở trong C. Cái gì thuộc về nhân tính, thời thuộc về Giáp và Ất, là những cá nhân thuộc nhân loại (xét theo trương độ : extension). Ai có nhân tính, thời có tất cả những gì cốt yếu của nhân tính (xét theo nội dung hay nội hàm : compréhension). Hai lượng bằng lượng thứ ba, tức là bằng nhau.

2) Nguyên-tắc túc-lý diễn bằng công thức sau đây

Tất cả đều phải có lý do, phải có thể hiểu được (không do người này thời do người khác, không do con người thời do thần-minh nào đấy). Nếu có A, hẳn phải do cái gì mới có A : nguyên tắc nhân quả (principe de causalité), ác giả ác báo, luật nghiệp quả của đạo Phật, vật nào đã bắt đầu, phải có nguyên nhân làm cho nó bắt đầu. Nhưng nguyên tắc nhân quả chỉ là một khía cạnh của nguyên tắc túc-lý. Vật nào cũng phải có lý do tồn tại, nhưng không phải tất cả mọi vật có nguyên nhân. Có một hữu thể không có nguyên nhân sinh ra mình, dầu hữu thể đó là nguyên nhân sinh ra các vật khác. Cùng một nguyên nhân trong cũng cùng một trường hợp, phải sinh ra một hiệu quả (công thức này được áp dụng nhất trong khoa học thực nghiệm).

3) Nguyên-tắc túc-lý còn diễn xuất ra nguyên tắc mục đích (Principe de finalité)

Mọi vật đều có mục đích của nó ; hoặc tự nó biết mục đích mình theo đuổi, hoặc tự nó bị chi phối dẫn tới mục đích đặt trước do một vật khác. Hoặc vừa bị chi phối, vừa biết mục đích mình dẫn tới, lại vừa tại mình đun đẩy tới đó. Đem áp dụng nguyên tắc túc lý, ta có nguyên tắc bản thể (principe de substance) : mỗi hiện tượng đòi phải có một bản thể thường xuyên nâng đỡ hiện tượng đó. Có hoạt động, phải có chủ thể hoạt động. Hoạt động đi theo chủ thể (operari sequitur esse), muốn hoạt động phải có chủ thể trước đã.

III. Nguồn gốc

1) Duy nghiệm thuyết

Duy-nghiệm-thuyết cho rằng những nguyên tắc tối sơ đều do kinh nghiệm mà có, vì thế, chúng là những chân lý hậu thiên (à postériori). Trong trường hợp này, chúng ta mất tất cả những đặc tính ta vừa gán cho chúng trên đây. Thay vì khẩn thiết, bất di dịch phổ biến, chúng có tính cách thay đổi, đặc thù và bất tất. Duy-nghiệm-thuyết này có nhiều hình thức : hình thức duy-cảm-giác của Locke và Condillac, hình thức duy-liên-tưởng của Hume và Stuart Mill (association indissoluble), hình thức tiến hóa của Herbert Spencer (do những thế hệ trước mà có), hình thức duy-thực-nghiệm của Auguste Comte, hình thức xã hội thuyết của Durkheim.

2) Duy-lý-thuyết

Phía cực đoan bên kia có thuyết duy lý, chủ trương nguyên tắc tối sơ không do kinh nghiệm, vì những đặc tính của chúng phản hẳn lại kinh nghiệm. Có thứ duy lý khách quan (rationalisme réaliste) dựa trên định lý này : luật của lý trí cũng là luật của sự vật và ngược lại. Có thứ duy lý chủ quan (rationalisme subjectiviste) kiểu Kant : luật của tư tưởng hoàn toàn chủ quan, chứ không dính líu gì với sự vật, vì thế hay thay đổi.

3) Duy-linh-thuyết

Theo triết học duy-linh, tất cả những nguyên tắc này đều do ý-thức nhận ra trong lúc nhìn vào bản ngã tâm-lý. Ngay trong tận đáy ý thức, sẵn có những nguyên tắc thuần-lý. Lúc bàn về lý-trí con người trong Siêu-hình-học, ta thấy lý trí có nhiều nguyên tắc điều khiển (principes directeurs) những tác động nhận thức của mình. Hai nguyên tắc căn bản hơn cả là nguyên tắc đồng nhất và nhân quả. Có nguyên tắc trước, khi nào hai hay nhiều sự kiện là một, hoặc là một cách cụ-thể (identité concrète) như khi một thực-trạng lại có nhiều cách chỉ khác nhau ; hoặc trừu tượng (identité abstraite) khi nào cũng một thực tại nào đó thấy nơi nhiều vật cùng loại. Đồng nhất tính được khám phá ra do sự so sánh hai biểu thị đã có trước. Vậy cần phải có ký ức và ý thức. Ký ức để tìm ra nhiều biểu thị ; ý thức, để nhìn chúng với một cái nhìn tổng hợp. Không có gì đồng nhất với nhau cho bằng đối tượng ý thức và chính ý thức. Khi nào nhìn một cái gì cứ mãi vậy, mặc cho những cái gì khác thay đổi, lúc đó có ý niệm về bản thể. Còn nguyên tắc nhân quả, cũng phải do ý thức khám phá ra ngay trong nội-giới. Ở đây ta mới thấy rõ mối dây liên lạc giữa hai hiện tượng A-B mà A là nhân còn B là quả. Ở lợi ích, nội giới ta thấy rõ nguyên động lực cuối cùng của một hoạt động : Lợi ích là một « lò so sinh-vật » đun đẩy mọi vật sống tới chỗ hoạt động. Nhưng chỉ có con người khám phá ra mối tương quan hay sự hấp dẫn của lợi ích. Đó là tương quan mục đích. Nhận ra nó nơi ta, ta mới đem áp dụng cho những kinh nghiệm, hay những hoạt động của người khác.

Ngoài những quy tắc điều khiển đời sống tư tưởng trong phạm vi lý thuyết, còn có những quy tắc chỉ huy đời sống đạo đức trên phương diện thực hành. Làm lành lánh ác, đó là tiếng nói của lương tri hay là lương tâm, cũng gọi là lý trí thực tiễn gói ghém tất cả những quy tắc đặc thù và có nhiệm vụ hướng dẫn hành vi con người về Thiện, làm sao cho đời sống không mâu thuẫn với những đòi hỏi và những khuynh-hướng chính đáng chôn rễ sâu tận đáy bản ngã : khuynh hướng vị ngã vị tha, vị lý tưởng siêu việt.

4) Thuyết chiết-trung

Thuyết này chủ-trương bất cứ tri-thức nào của con người đều bắt đầu bằng kinh-nghiệm : « Nhil est in intellectu nisi fuerit in sensu » (Aristote, St. Thomas).

Vậy việc nhận ra những nguyên tắc cũng cần phải có kinh-nghiệm, nhưng kinh-nghiệm chỉ là điều kiện hay là cơ hội, để lý trí làm thành hình những nguyên tắc, đồng thời khám phá ra chúng. Việc thành hình và khám phá này phải theo con đường tiến hóa tâm-lý. Theo đường tư tưởng của con người từ khi biết dùng trí khôn, ta thấy xuất hiện đầu tiên nguyên tắc mục đích, rồi đến nguyên tắc nhân quả, là hai nguyên tắc diễn xuất do nguyên tắc túc lý. Lớn lên, con người mới khám phá ra nguyên tắc đồng nhất, dầu mà đời sống tư tưởng phải đặt nền móng tại đây. Nói khác đi, nền sâu thấy sau, nền nông thấy trước.

B) TẦM QUAN-TRỌNG CỦA KHẢ-NĂNG LÝ-TRÍ

Đã có những triết gia quá đề cao lý trí con người, như Aristote (đời thượng cổ), Descartes, Kant, Hegel (đời cận đại), Brunschvicg (đời hiện đại). Cũng đã có những triết-gia quá miệt-thị lý trí, như Pacal (cận đại), Bergson và hầu hết các triết-gia hiện-sinh (hiện đại). Sự thực là : con người phải dùng tới khả năng lý trí rất nhiều, và dùng trong nhiều lãnh vực đối tượng khác nhau.

1) Trong những câu định nghĩa con người

Như ta sẽ thấy, triết học hiện sinh thích định nghĩa con người là hữu thể tự-do là người chính tự do, là vật biết băn khoăn lo âu xao xuyến, chịu sự bấp bênh may rủi trên trần gian. Nhưng, mở lịch-sử Triết-học Tây-phương, Đông phương người ta cũng đã dựa vào lý trí để định nghĩa con người, coi lý trí là cái gì đặc sắc nhất, linh thiêng nhất :

- Người là vật có lý trí (Aristote : « l’homme est un animal raisonnable »).

- Người là tư tưởng (Descartes : « je pense, done je suis »).”

Chữ « trí » là một trong bộ nhân nghĩa lễ trí tín của Nho-giáo. Người ta thường nói, con người là vật biết suy tưởng, lý luận, tranh biện, biện chứng. Nhờ đó, con người vượt xa các vật khác ; tính cách siêu việt này được diễn tả rõ ràng trong câu sách Nho : « Duy nhân vạn vật chi linh », chỉ có người mới là linh (hồn) của vạn vật, giống câu : « Linh ư vạn vật ».

2) Công dụng lý-trí trong các môn học

Tầm quan trọng của lý-trí được bật nổi hơn lên nữa, nếu ta rảo qua công dụng của nó trong các môn học. Nếu khoa học thực nghiệm phải dùng tới khả năng giác quan để quan sát, thí nghiệm, kiểm chứng, thời nó cũng phải dựa vào lý trí để kết cấu, nhất là dựa vào nguyên lý nhân quả có tính cách tất định. Các khoa học nhân văn cũng phải dùng tới lý trí để tìm mối tương quan giữa các hiện tượng nhân văn, lại còn phải áp dụng nguyên lý mục đích và phương pháp suy loại (raisonner par l’analogie), đều thuộc về lý trí cả. Triết-học, khởi điểm từ nhận thức giác-quan, nhưng nó phải dừng lại nơi tinh thần con người, học hiểu về ý nghĩa đời sống với tất cả chiều hướng hiện sinh của nó. Triết-học vận dụng triệt để khả năng ý-thức và khả năng thông cảm. Nhưng triết học cũng tìm những mối tương-quan, nhất là tương quan nhân quả và tương quan mục đích, đẩy về phía nguyên nhân đệ nhất, về hướng mục đích cuối cùng. Muốn thế, Triết-học phải dùng tới lý trí. Chỉ có lý trí mới gián tiếp khám phá ra những gì là siêu hình theo nghĩa là siêu hiện tượng (chứ không phải nghĩa là vô hình vô tượng mà thôi). Lý trí mới tìm ra hòa điệu, trật tự trong các vật, bất cứ thuộc loại nào – vật chất hay tinh thần. Nói Triết học mà bỏ lý trí ra ngoài, là thiếu một đòn bẩy mãnh liệt nhất của nhận thức con người. Triết-học không được là duy lý, nhưng nó không phải chỉ là ngoại lý và nhất là nó không được phép phản lý, cũng như nó không được phủ nhận một cách võ đoán những gì là siêu lý vậy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt