Nhập môn triết học

Giá-trị nhận-thức

TRIẾT HỌC TỔNG QUÁT

 

CHƯƠNG II

GIÁ-TRỊ NHẬN-THỨC

 

Nhận-thức của ta có khách quan không ?

Nhận-thức của ta có thấu đạt sự vật không ?

Nhận-thức của ta có xác-thực không ?

 


Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com


 

 

TIẾT I :

KHÁCH QUAN TÍNH CỦA NHẬN-THỨC

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là : vũ trụ trước mắt tinh thần có phải hoàn toàn là ảo tưởng không, hay là tinh thần nhìn đúng vũ trụ là có thực ở ngoài mình.

A) LẬP TRƯỜNG DUY TÂM

I. Trình bày

Nói chung, thuyết duy-tâm có khuynh hướng quy tất cả thực tại về ý tưởng hay là tư tưởng. Và vì ý tưởng hay tư tưởng ở trong nội giới nơi chủ thể, nên cũng còn gọi là thuyết chủ quan : chỉ những gì trong nội giới mới xác thực. Duy tâm thuyết đã có mầm mống ngay trong triết học của Descartes. Ông này đem chặt đôi con người : hồn một bên, xác một bên. Đôi bên không thông công gì với nhau. Hồn chỉ biết hồn, trực giác được hồn. Còn xác và ngoại vật không được quan tâm đến. Về sau, các môn đệ đi xa hơn nữa : chỉ những gì chủ quan mới thực là có (Malebranche, Leibniz, Berkeley, Kant). Duy tâm thuyết tuyệt đối của bộ ba người Đức Fichte (1782-1814), Scheling (1775-1854) và Hegel (1770-1832) còn đi xa hơn nữa, họ chủ trương rằng : ngoại giới, kể cả thần minh, Thượng đế, nội tại trong tư tưởng, trào lộn với nhau thành một. Thuyết vạn vật nhất thể ra đời (panthéisme).

Họ dựa trên những luận lý sau đây. Ta chỉ tiếp nhận những biểu thị của các vật chứ không phải chính các vật. Thứ đến, ngoại giới được ta tiếp nhận với những đặt tính của tư tưởng (như trật tự và khả niệm tính), nên nó phải thuộc phạm vi tư tưởng và chỉ có một thực tại là thực tại linh thiêng. Sau hết, biết một vật gì ở ngoài tư tưởng, tức là mâu-thuẫn, vì muốn biết vật phải nội tại ở trong tư tưởng.

II. Phê bình

Thuyết duy tâm mâu thuẫn : có việc biểu-thị (représentation) mà không có gì được biểu-thị (représenté). Đàng khác, nếu tư tưởng và thực tại như nhau, sao khoa học khám phá ra vũ trụ vật chất có tư tưởng con người từ ngàn năm ? Sao, nhiều lúc nghĩ thời khác mà sự thật lại khác với điều ta nghĩ ? Duy tâm thuyết phải phủ nhận sự lầm lẫn trong lúc sự lầm lẫn rất thông thường mà không ai tránh khỏi. Duy tâm thuyết dẫn tới chủ quan thuyết rất nguy hại cho đời sống tư tưởng và thực tế. Những lý do thuyết duy tâm đưa ra không minh chứng đủ. Kinh nghiệm cho ta thấy là ta cũng tiếp nhận chính sự vật được biểu thị, nhất là xác của ta. Còn việc cho ngoại giới có khả-niệm tính, chính vì vật chất không phải hoàn toàn hữu chất, nó còn có gì vô chất. Ta tiếp nhận được vật chính là nhờ cái vô chất đó. Sau hết, biết một vật gì ở ngoài tư tưởng không phải là mâu thuẫn, miễn là vật đó nội tại trong ta một cách nào nó : chính cái yếu tố vô chất nội-tại trong ta, nhưng nó chỉ là cái trừu tượng, còn chính sự vật được tư tưởng gồm cả yếu tố hiện tượng và yếu tố siêu-hiện-tượng vẫn ở ngoài. Tư tưởng của tôi chỉ có, khi nào tôi tư tưởng về vật gì. Một tư tưởng chỉ là tư tưởng, không tham chiếu về một vật gì, không thể có được, vì tư tưởng hay ý tưởng chỉ là một hình ảnh trí thức (image intellectuelle) của một vật. Đã là hình ảnh, phải là hình ảnh của một vật nào khác, là lẽ dĩ nhiên.

B) LẬP TRƯỜNG DUY THỰC

I. Trình bày

Duy thực tức là theo sát thực tế. Trong-phạm vi triết học, thuyết duy thực chủ trương lý trí tiếp nhận được các vật thực ở ngoài, chứ không phải chỉ có tên hay chỉ là ảo-tưởng của chủ quan. Có thứ duy-thực tự phát của người dân thường : cảm giác cũng đã cho biết một phần nào rằng có ngoại giới. Nhưng nhất là duy thực thuyết hồi cố dựa vào kiểm chứng mà suy luận mới cho ta biết cách chắc chắn ngoại giới có thực.

Những nhà chủ trương thuyết duy thực hoặc dựa vào trực-giác (intuition) : tôi trực giác ngoại giới ; tuy rằng trực-giác này khác với trực-giác nội-giới. Hoặc dựa vào luân lý : mọi sự chuyển động đều phải có nguyên nhân. Tôi thấy trong tôi có những chuyển động (cảm giác hay tri giác). Vậy chúng phải có nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân đó không ở trong tôi. Nó phải ở ngoài tôi. Sau hết họ dựa vào công ý (sens commun) và dựa vào sự giống nhau giữa việc nhận thức của nhiều người, có giác quan và lý trí lành mạnh.

II. Phê bình

Những lý do của duy-tâm-thuyết, là những điều khó hiểu mà duy-thực-thuyết phải cắt nghĩa. Duy tâm bảo : nếu không có một trí khôn nào để biết, thời sẽ không có một vật nào cả. Nói thế, tức là lẫn lộn hai quan điểm : nếu không có tư tưởng thời sẽ không có điều kiện để biết vật. Không biết vật thời khác, còn vật có thời khác. Duy tâm bảo, nếu có vật ở ngoài khác với tư tưởng ở trong, làm thế nào nội tại với nhau được. Vấn nạn đó do quan niệm nhị nguyên hoàn toàn, theo đó, trong tinh thần không có gì vật chất, không có gì có thể làm đối tượng cho tinh thần. Thế nhưng, ngay chính trong vật chất đã có gì vô chất, và chính tinh thần (con người) liên can mật thiết với cái gì hữu chất, tức là cái xác. Điều này ta thấy nơi con người là một vật chất tinh thần hoá và là một tinh thần nhập thể. Chính nhờ cái xác, ta có tri giác. Nhờ có tri giác mà ta biết có vật ở ngoài.

 

TIẾT II :

THẤU-ĐẠT-TÍNH CỦA NHẬN-THỨC

 

Vấn đề được đặt ra, là : ta có thể biết sự-vật một cách thấu triệt không ?

A) LẬP TRƯỜNG DUY-HIỆN-TƯỢNG

E. Kant, nhà triết-học thời-danh Đức-quốc chủ-trương : ta không thể thấu-đạt được chính vật, nghĩa là biết chúng tự-thể như thế nào (noumènes, en soi). Ta chỉ biết chúng như chúng hiện ra trước mắt trí-khôn, nghĩa là chỉ biết những hiện tượng (phénomènes). Sự vật đổi thay bề ngoài, qua lăng-kính lý-trí con người.

Tuy nhiên, ta phải công nhận và coi như những định đề (postulats) của lý-trí thực-tiễn, một số hữu-thể làm nền tảng cho cuộc sinh hoạt đạo-đức. Đó là :

- Tinh thần bất tử, để bảo-đảm sự thưởng-phạt công-minh ở thế-giới bên kia.

- Tinh thần tự-do, để con người có đủ điều kiện chịu trách nhiệm.

Thượng-đế, để nền đạo-đức có một vị Lập-pháp tối-thượng.

B) LẬP TRƯỜNG TRỰC-GIÁC-THUYẾT

H. Bergson lại chủ trương khác hẳn : ta có thể thấu-triệt sự vật. Nhưng, với một cách khác hẳn cách của triết-học cổ điển nêu ra. Một đàng, phải dùng trực-giác thay vì trí tuệ. Trực giác mới giúp ta hòa mình vào sự-vật, hầu như thông-cảm với sự-vật. Chủ thể nhận thức và sự-vật tương-tại vào nhau, nhờ trực-giác giống người ngắm tranh hòa-mình vào chính bức tranh. Nhờ trực-giác ta thấu hiểu toàn-diện sự-vật bằng cách tiếp-xúc trực-tiếp, không cần qua trung gian các khái-niệm. Đàng khác, sự vật Bergson nói đây là sự vật cụ-thể mà thôi. Trí tuệ thường làm công việc mổ-xẻ trừu-tượng, nên không thấu đạt được sự-vật cụ-thể, với tất cả những gì sự-vật đó có.

 

TIẾT III :

XÁC-THỰC-TÍNH CỦA NHẬN-THỨC

 

Câu hỏi cuối cùng về giá-trị nhận thức, là : nhận thức của ta có đạt được chân lý không ? Hoài-nghi thuyết trả lời : không.

A) TRÌNH BÀY HOÀI-NGHI-THUYẾT

Sẽ phác qua mấy dòng lịch-sử, rồi trình bày những lý-do phát sinh ra thuyết hoài nghi này.

1) Mấy dòng lịch sử

Từ đầu, đời sống tư tưởng Hy-lạp, có nhiều nhà triết-học không tin-tưởng gì vào giác-quan con người, như Héraclite (576-480), Parménide (540 av.J.C). Những gì giác quan cho ta thấy, đều là ảo tưởng cả. Đối với Héraclite, không có chi là thường xuyên vững chãi dầu ngũ quan cho ta thấy nhiều vật tồn tại. Đối với Parménide, lại không có gì động đạt cả, dầu ngũ quan cho ta thấy sự vật chuyển rời. Đồng thời bên Đông có Mặc-Tử (479-481) cũng chủ trương hoài-nghi thuyết, nhưng thiên về trí thức tinh thần, như Protagoras (485-411) bên Tây cho rằng cái đúng cho người này, lại không đúng cho người khác.

Sau đó, Pyrrhon (365-275) ra đời, chủ trương hoài nghi phổ biến : không nên tin tưởng vào giác quan, cũng không nên tin tưởng vào lý trí. Nên đứng trung lập. Sau Pyrrhon, một nhóm khác lại chủ trương không có gì chắc chắn xác thực. Mọi sự đều là cái nhiên (Arcésilas, 315-243). Thuyết này được Cournot (1801-1877) trình bày và áp dụng cả vào toán học (probabilité mathématique).

2) Lý do hoài-nghi thuyết tuyệt đối dựa vào

Trước hết là vô tri. Người ta sinh ra dốt nát, hay có biết chi đi nữa, cũng chỉ biết một phần. Nhưng sự vật liên đới lẫn nhau. Một là phải biết cả, hai là hoài-nghi. Đã vậy, không ai biết cả được. Thứ đến, ngũ quan và lý trí nhầm là thường. Thứ ba, chân lý xem ra có vẻ tương đối. Chả vậy mà bá nhân bá tính, người này mâu thuẫn với người khác đó sao ?

B) PHÊ-BÌNH HOÀI-NGHI-THUYẾT

Nói cách chung, hoài-nghi thuyết tuyệt đối không thể có được, vì mâu thuẫn. Thế nào cũng phải có một điểm chắc chắn không ai có thể hoài nghi được. Anh hoài nghi tất cả ư ? Thời « điểm chắc là anh hoài nghi tất cả ». Hay nói cách khác, anh hoài nghi, tôi nhầm, chúng ta có thể là điên tất cả. Nhưng chắc chắn một điều là muốn hoài-nghi, muốn nhầm, muốn điên phải có trước đã.

Còn về những lý do khiến ta có thể hoài-nghi, cũng có giá-trị. Tuy nhiên, cần phải phân biệt. Không biết toàn diện một vật, nhưng có thể biết một thành phần của vật. Cái biết đó vẫn xác thực tuy rằng chưa được đầy đủ. Ngũ quan, tự chúng không lầm. Chúng lầm là vì có phán đoán kiểm soát. Lý trí có thể lầm. Nhưng cũng có thể đi tới chỗ tránh cái lầm. Còn về mâu thuẫn giữa người với người, phải nhận rằng, người ta bất đồng ý kiến trong nhiều điểm. Nhưng có những quan điểm bất di bất dịch, không ai có thể hoài nghi được, như những nguyên tắc sơ thủy của lý trí và của luân lý. Vậy đã là người linh ư vạn vật, con người được sinh ra để biết chân lý và biết cách xác thực, theo nghĩa chúng tôi ấn định ở chương sau đây.”

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt