PHẦN THỨ BA : QUAN NIỆM TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI
CHƯƠNG IV NHÂN VỊ : MỘT TINH THẦN NHẬP-THỂ
TRẦN VĂN HIẾN MINH
Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com
TIẾT I : TINH-THẦN TÍNH NƠI CON NGƯỜI Con người « linh ư vạn vật » là một trong những câu thường nói nhất của nền văn hóa Viễn đông. Nhưng có lẽ rất ít người hiểu thấu và rõ câu nói đó. Dầu sao, ta có thể để chỉ một đặc tính căn bản nhất của Hồn : linh tính. Do đó, có thuyết nhân vị duy linh. 10 Tinh-thần-tính của linh hồn không thể là đối tượng có thể kinh nghiệm được. Cả kinh nghiệm nội giới cũng không thể khám phá ra. Nó là kết quả của sự suy luận, dựa vào kinh nghiệm (vào hành động của Hồn) và vào nguyên tắc túc lý (hay nhân quả). Trước khi trực tiếp minh chứng, phải cắt nghĩa linh tính muốn nói đây là gì đã. A) QUAN NIỆM VỀ TINH-THẦN-TÍNH Chúng ta không có kinh nghiệm trực tiếp về tinh-thần-tính. Tất cả những gì ta biết đều khởi điểm từ ngũ quan và đối tượng trực tiếp của ngũ quan là những gì hữu chất ở trong không gian và trong thời gian. Một phần nào kinh nghiệm nội giới có thể khám phá những thực tại vô chất. Nhưng vô chất tính mới là đơn-giản-tính, mới là cái gì tương tự như linh tính, chứ chưa phải là chính tinh-thần-tính. Thử cắt nghĩa rõ ràng xem sao ? I. Vô-chất-tính và Tinh-thần-tính Tâm hồn con người không trực tiếp bị không gian và thời gian chi phối. Nó không có trương độ có thể đo lường được. Vậy tâm hồn là thực tại vô chất, nó không phải là cái gì hữu chất. Ai ai cũng nhận điều đó, « không thể nào dùng dao mổ xẻ để móc được linh hồn ra ». Nhưng nhận xét đó có thể làm lung lạc quan niệm về tinh-thần-tính chính cống, vì nơi các vật dưới người ta cũng có cái gì vô chất, tức là đơn giản, không thể chia ra thành phần lượng chất. Nhất là sinh hồn nơi thảo mộc và giác hồn nơi thú vật. Nhưng không ai dám bảo chúng có linh hồn hoàn toàn như ta vị chúng không thể làm được một số động tác như ta. Thế thì vô chất tính là một điều kiện của linh tính, chứ chưa phải là chính tinh-thần-tính. Nhưng sự sống các vật không phải là thực tại hoàn toàn hữu chất. Vậy phải phân biệt ba hạng thực tại : vật chất, hay là thực tại hữu chất ; thực tại đơn giản và vô chất, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào vật chất ; tinh thần hay thực tại linh thiêng. Thực tại thứ nhất gồm những vật có trương độ có thể chia ra từng phần ; thực tại thứ hai gồm mô thể nơi các vật vô tri vô giác và các nguyên sinh lực (principes vitaux) nơi thảo mộc và thú vật ; sau hết, tinh thần gồm hồn con người và các thực tại thuần túy thiêng liêng, như các thần minh, Thượng-đế. Theo sự phân tích trên, ta thấy việc biết vật thiêng liêng không phải là dễ. Quan niệm của ta về tinh-thần-tính có tính cách tiêu cực hơn là tích cực, có tính cách suy loại hơn là trực tiếp. Ta trình bày hai tính cách đó như thế nào. II. Quan niệm tiêu cực về tinh-thần-tính Ta chỉ có một quan niệm tiêu cực về tinh thần-tính. Đi sâu vào nữa, ta không biết nó là cái gì, chỉ biết nó không là cái gì. Như đã nói trên, tinh-thần-tính không phải là vật chất như các nguyên động lực và nguyên-sinh-lực nơi các vật dưới con người. Những vật này hoàn toàn lệ thuộc vào vật chất một cách bất khả tách biệt. Trái lại, hồn con người còn có những hành động không lệ thuộc vào vật chất hay chỉ lệ thuộc một cách ngoại tại (extrinsèquement), nghĩa là cần vật chất như là một điều kiện thôi. Vì tính cách tiêu cực của quan niệm về tinh-thần-tính này mà người ta thường cho tinh-thần-tính (spiritualité) là vô chất tính (immatérialité), vô hình, vô tượng, vô sắc. Trong kinh Dịch có câu : âm dương bất trắc chi vị thần = cái gì không thể đo lường được bằng âm dương (không bị luật âm dương tức là luật vật chất, luật lượng chất chi phối), cái đó gọi là Thần. Mạnh-Tử lại nhấn mạnh hơn tính cách tiêu cực của quan niệm về Thần : bất khả tri, chi vị thần : cái gì không thể biết được gọi là Thần. Rõ là Đông – Tây gặp nhau trong quan niệm tiêu cực về tinh-thần-tính. III. Quan niệm suy loại về tinh-thần-tính Ngôn ngữ nước nào cũng có những danh từ chỉ linh tính, nhưng bắt nguồn nơi những vật hữu chất. Đó là một định luật tâm lý về ngôn ngữ. Đem ngôn ngữ ra phân tích, ta đều thấy, cả những danh từ trừu tượng nhất cũng dựa vào những hình ảnh vật hữu chất. Thí dụ : danh từ justice trong Pháp-văn là do danh từ justitia trong La-văn. Danh từ này, theo phần đông các nhà luật học, có thể do nguyên tự vis, nghĩa là sức mạnh. Công lý không phải là võ lực, nhưng thường dùng sức mạnh để được tôn trọng và đảm bảo. Chữ nghĩa của Nho giáo cũng giống như thế (tay cầm rìu đập con dê), có nghĩa là công lý. Chữ nhân là lòng yêu người được tượng-hình bằng hai người. Cả những thực tại cao siêu nhất, siêu nghiệm nhất cũng được diễn tả bằng những hình ảnh của vật hữu chất. Chữ div tiếng Phạm ngày nay là gốc cho các chữ La tinh để chỉ Thượng-đế (Dieu, Deus, Dios, Dio, divin, divino, divinité, divinitas, v.v…) có nghĩa nguyên thủy là sáng chói (briller). Chữ thần của Nho giáo, gồm chữ thân (phiên âm) và chữ thị (cho người ta xem thấy), thoạt đầu chỉ những hiện tượng tỏa ra (expansion, manifestation) ; hiện giờ có nghĩa là thực tại thiêng liêng (tinh thần). B) NHỮNG CHỨNG CỨ VỀ TINH-THẦN-TÍNH CỦA HỒN CON NGƯỜI Các nhà siêu hình học thường minh chứng tinh-thần-tính bằng hai con đường khác nhau, nhưng bổ túc và kiên-cường lẫn nhau. Con đường thứ nhất khởi điểm từ những hoạt động đặc sắc hay là những khả năng chỉ hồn mới có. Con đường thứ hai đi từ đối tượng hay mục đích của hoạt động nói trên phải tiến tới. Cả hai đều gặp gỡ nhau nơi cùng một câu kết luận. I. Đi từ hoạt động hay là khả năng hoạt động đặc sắc của hồn Có những khả năng hoạt động đặc sắc nhất của hồn không thể do một chủ thể vật chất : đó là những khả năng trừu tượng, khả năng hồi cố hay là phản tỉnh và khả năng hoạt động tự do. 1) Khả năng trừu tượng Ta đã biết trừu tượng là gì rồi. Đây nhắc qua lại Trừu tượng nói chung là dùng trí khôn phân tích một vật ra nhiều yếu tố ; hay là theo nghĩa khoa học và triết học : rút nội dung của một ý tưởng ra khỏi không gian, thời gian. Nói chi tiết, trừu tượng là phân biệt những yếu tố cá thể, với những yếu tố thuộc yếu tính (căn bản) của một vật do ngũ quan đem vào trí khôn. Muốn trừu tượng, trí khôn phải qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất lột những đặc điểm riêng thuộc giới vật lý ra khỏi các vật hữu hình, và chỉ giữ lại những tính chất chung (vạn vật học, vật lý học, v.v…) Giai đoạn thứ hai, chỉ giữ lại chất lượng, còn tạm gác ra ngoài những đặc điểm theo từng cá vật (toán học). Sau hết, trừu tượng, cả chất lượng, khám phá ra và tinh thần bản thể, là một trong những đối tượng của siêu Trừu tượng trong giai hình học, đoạn thứ ba này, mới thật là việc đặc sắc nhất của trí khôn. Một vật hữu chất bị thời gian, không gian chi phối, không thể có khả năng như thế được. 2) Khả năng hồi cố Khả năng hồi cố (possibilité hay faculté de réflexion) tức là khả năng nội quan (faculté introspective) nhờ đó hồn tự uốn mình để có thể quan sát những hiện tượng nội tâm của chính mình. Những gì không thiêng liêng, không thể có khả năng đó được. Ta đã nói trong Tâm lý-học, tâm hồn là một bản thể ở dưới rất nhiều hiện tượng hay là tùy thể. Chúng phân biệt với nhau, nhưng bất khả tách biệt, chúng tương tại vào nhau, tùy-thể nọ tương tại vào tùy-thể kia, toàn thể hiện tượng tương tại vào bản thể, và tất cả bản thể tương tại vào mỗi một hiện tượng. Vật hữu chất cũng có những thành phần, nhưng không thể tương tại vào nhau, chỉ có thể tiếp cận bên nhau. Ta gấp tờ giấy, không phải tờ giấy gấp trên tờ giấy mà là một phần giấy gấp trên một phần giấy khác. Tư tưởng, tâm hồn của ta tự « gấp » trên chính mình được. Vì thế, phải có tinh-thần-tính. 3) Khả năng hoạt động tự do Tự do của ta cũng đòi hồn phải có linh tính. Muốn hiểu câu quyết đoán này, cần phải tránh hai cực đoan : cho tự do là tự phát và cho tự do là hoàn toàn không bị gì chi phối cả. Tự-phát-tính (spontanéité) có cả nơi các sinh vật. Tự phát hay là tự động, là khi một hành động nào đó tự bên trong vật đó phát ra, chứ không do một cưỡng bách ở ngoài vào. Nhưng, nơi các vật dưới con người, sự phát ra đó bị điều khiển do một tất-định-thuyết khắt khe không lối thoát : trong cùng một trường hợp, các vật phản ứng như nhau. Chúng có tự phát, không có tự do. Một cực đoan nữa phải tránh là cho tự do một phạm vi tuyệt đối. Trước hết, tâm hồn con người là một tinh thần nhập thể và sống tập đoàn, vì thế, không thể nào được hoàn toàn giải phóng khỏi những mối dây cơ thể và xã hội. Một hoạt động tự do nào đấy sẽ bị cản trở rất nhiều do khuynh hướng, do bản năng, do khu vực xã hội, như đã nói trong Tâm lý học. Thứ đến, nơi hồn con người cũng còn có phạm vi hoàn toàn theo định mệnh thuyết, như: đã hoạt động phải có lý do hoạt động, bất cứ lý do đó là cái gì. Nói hoạt động mà không nói lý do, tức là phạm đến nguyên tắc túc lý, tức là hoạt động nào đó thiếu lý do mà vẫn xuất hiện và tồn tại. Lý do này, không phải là chính tâm hồn con người. Nó ở ngoài, nó hấp dẫn tâm hồn đi tới chỗ hoạt động. Vì thế, tự do con người bị hạn chế. Nhưng nơi con người, còn một khu vực có lựa chọn, không bị định mệnh chi phối. Tuy rằng bị ngăn trở, nhưng hồn cũng còn lối thoát : « Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ». Tuy bị một lý do tuyệt đối hấp dẫn không điều kiện, nhưng vẫn còn có thể chọn giữa các lý do tương đối để định hướng hoạt động cho mình. Hồn còn tránh được định mệnh thuyết chi phối vật chất. Hồn còn có thể khuất phục nổi vật chất. Hồn phải có tinh thần tính, vì có tự do. II. Đi từ đối tượng hoạt động của hồn Nơi con người, có nhiều khả năng hoạt động, có nhiều hoạt động hạ đẳng thượng đẳng. Nhiều hoạt động tìm đối tượng thỏa mãn nhu cầu vật chất, sinh lý, thể xác. Nhiều hoạt động tìm đối tượng thỏa mãn nhu cầu tinh thần, những đòi hỏi của trí năng, của ý chí, của tình cảm. 1) Chân lý tuyệt đối và tinh thần tính của Hồn Một cách ý thức, hoặc ít hoặc nhiều, hồn tìm chân lý tuyệt đối. Hồn được cấu tạo nên để tìm sự thật, và sự thật không bờ bến. Có những chân lý bán phần do khoa học khám phá ra. Nhưng chúng hãy còn thuộc phạm vi vật chất một phần nào, vì đối tượng khoa học là vật chất Tâm hồn con người còn phải đi xa hơn nữa. Thực nghiệm thuyết đã muốn đóng khung hồn vào khuôn khổ khoa học. Ngoài vật chất ra, họ bảo không còn thực tại nào khác. Nhưng họ vẫn phải nhận có siêu hình là một thế giới bên kia đại dương, nhưng lại bảo không có thuyền buồm để qua được. Thực nghiệm đến đâu cũng có những nhớ nhung về cõi trời vô hạn, cái sức tiến của hồn vẫn còn chưa tìm được chỗ yên nghỉ. Nhiều chân lý bất di bất dịch, như những chân lý quy tắc, sẵn ở trong hồn, chúng thuộc về một thế giới mà ngũ quan không thể khám phá ra được. Vậy chúng phải thuộc về thế giới mà ngũ quan không thể khám phá ra được. Vậy chúng phải thuộc về thế giới siêu việt không có vật chất, không lệ thuộc vào vật chất. Nói khác đi, chúng thuộc về thế giới thiêng liêng, một thế giới được đầy đủ thực hiện nơi Thượng đế. 2) Thiện hảo và tinh thần tính của hồn Hồn còn có khuynh hướng yêu cái Tốt, cái Đẹp. Nhưng cái Tốt, cái Đẹp mắt thấy tai nghe hoàn toàn tương đối. Nhìn lắm cũng nhàm, nghe lắm cũng chán. Trong một đoạn văn tuyệt vời, thánh Augustin tả sức căng thẳng của Hồn về phía cái Tốt, cái Đẹp tuyệt đối như sau :” "Lạy Thượng Đế, con biết chắc con mến yêu Thượng đế. Lời Thượng đế làm rung động lòng con, và làm con mến yêu Thượng đế. Này trời đất cùng muôn vật, tất cả ở chung quanh con đều bảo con để con yêu Thượng đế. Tất cả đều không ngớt nhắc nhở mọi người, để không ai có thể chữa mình được (nếu họ không yêu Thượng đế). Khi con yêu Thượng đế, con yêu cái gì ? Không phải con yêu cái xác đẹp, không yêu trời đất, không yêu ánh sáng dầu làm dịu mắt, không yêu mùi thơm nức của hoa của thuốc, không yêu của ngon mật ngọt, không yêu sự chung chạ xác thịt. Con không yêu những thứ đó khi con yêu Thượng đế… Con yêu Thượng đế, vì chính Thượng đế là Chúa con, là sự sáng, là thanh âm, là mùi thơm, là lương thực, là ấp ủ lòng con, nơi giãi sáng một thực tại không có không gian nào chứa nổi, nơi thơm tỏa một mùi hương không gió nào phân ly, nơi có của ăn mà không biết no, nơi có của luôn luôn thưởng thức mà không biết chán. Đó chính là cái con yêu, mỗi khi con yêu Thượng đế của con ! ” Tóm lại, Hồn ta cần đến cái Thiện vang dội một giọng hát không thời gian nào chấm dứt cái đẹp tuyệt đối. Cái Thiện, cái Đẹp này không thể là vật chất tương đối được. Chúng ta phải tìm trong giới thiêng liêng mà Thượng đế là thuần túy hơn cả. Đối tượng thiêng liêng đòi phải có hoạt động thiêng liêng, hoạt động thiêng liêng đòi phải có một chủ thể thiêng liêng. Chủ thể đó, tức là tâm hồn thiêng liêng vậy. Dĩ nhiên, những đối tượng đó do một câu suy luận khám phá ra. Chúng không sờ sờ trước mắt, ta chỉ nhìn chúng biểu lộ nơi những vật hữu hình. Thế nhưng, nơi bất cứ chân lý, bất cứ cái tốt, cái đẹp bán phần nào, cũng đều tiềm ẩn chúng, còn chính chúng lại không thể đạt được ở thế giới bên này. Đời sống phàm trần hiện tại không đủ giúp ta thỏa mãn những ước vọng sâu xa của ta, của bản tính Hồn ta. Vậy phải ở đâu, những ước vọng đó mới được hoàn toàn thỏa mãn, nếu không là ở thế giới thiêng-liêng ?”
TIẾT II : VẤN ĐỀ HỒN NHẬP THỂ Một điều làm ta khó nhận ra linh tính của hồn là Hồn ta nhập thể, sống trong một cái xác. Vấn đề Hồn nhập thể, thoạt tiên, coi là rất thường. Thế nhưng xem gần, và mở qua lịch sử triết học, nó là đối tượng của bao nhiêu trí khôn tìm kiếm, bao nhiêu hệ thống cắt nghĩa. Sẽ nói qua mấy dòng lịch sử, rồi trình bày thế nào cho đúng sự thực và cho cái xác không làm tổn thương tới linh tính của Hồn. A) MẤY DÒNG LỊCH SỬ VỀ HỒN NHẬP THỂ Đây là những sự kiện do kinh nghiệm : con người vừa có Xác vừa có Hồn. Đôi bên ảnh hưởng lẫn nhau. Lịch sử triết học về con người, gồm những hệ thống hoặc nhất-nguyên (duy vật, duy tâm), hoặc nhị-nguyên tuyệt đối (tâm sinh lý song hành), hoặc hệ thống dung hòa tránh hai cực-đoan nói trên. Những hệ thống đó nhiều khi xuất hiện trong cùng thời kỳ. Ta chia làm ba thời kỳ : thời thượng cổ, trung cổ và cận đại. I. Thời thượng cổ Bên Tây cũng như bên Đông, thuyết luân hồi rất thịnh hành, chủ trương rằng, Hồn đã có từ trước ở thế giới bên kia, thế rồi bị luật quả-báo, phải xuống hạ-giới nhập vào một xác. Pythagore và trước ông, bên Đông, tất cả truyền thống Ấn độ giáo và Phật giáo chủ trương như thế ! Platon tiếp tục quan niệm đó, bảo Hồn nhập vào xác một cách lỏng lẻo hết sức, một cách tùy thể (accidentellement) giống người cỡi ngựa với yên ngựa, thủy thủ với tầu, nhập thể là một hình phạt do tội. Vì thế, theo quan niệm này, xác là trở lực của Hồn. Phản ứng lại quan điểm đó, có thuyết mô chất (mô thể và chất thể : hylémorphisme) của Aristote, cho rằng Hồn Xác là hai yếu tố cấu thành nên cùng một bản thể. Nhưng có lẽ Aristote cũng chưa thoát khỏi quan niệm về tiền hữu của Hồn (Hồn đã có trước xác), vì ông công nhận Hồn ở ngoài vào, chung cho mọi người và thuộc giới thần minh. Chết rồi, Hồn lại trở về giới đó, và chỉ có Hồn chung mới thật là bất tử, chứ không phải Hồn cá nhân. II. Thời trung cổ Đáng chú ý là thời Trung cổ bên Tây. Bắt đầu, có hệ thống thánh Augustin và Pseudo Denys, tiếp tục truyền thống Platon, trong lúc tác phẩm Aristote chưa được biết tới, từ cuốn luận lý học (gọi là Organon). Mãi thế kỷ 13, người Á-rạp chiếm Tây-ban-nha, mới dịch tác phẩm của nhà hiền triết Hy-lạp đó và phổ thông bên Tây. Averroès (1121-1198) có công nhất trong việc này. Truyền thống Platon được thịnh hành, cũng do kinh nghiệm bản thân của những nhà tu đức, nhận thấy giữa xác và hồn, có một cuộc giao tranh, nhiều khi lưu huyết, người ta có thể gọi là tấn bi kịch tâm lý : cuộc ẩu đả giữa xác và hồn, giữa bản năng và lý trí, giữa nết xấu và nhân đức. Nhưng thánh Tôma (1274) lập lại thế quân bình của Aristote, cho rằng hồn là mô thể của xác, cả hai là những yếu tố cấu thành một bản thể là con người. Nhưng hồn là mô thể đặc biệt khác với mô thể của các vật hữu chất ở dưới con người. III. Thời cận đại Thế quân bình được thánh Tôma xây dựng lại bị mất do hệ thống triết học của Descartes. Ông chủ trương nhị nguyên tuyệt đối. Hồn chỉ là một tư tưởng. Tôi có thể hoài nghi tất cả, nhưng không thể hoài nghi về Hồn tức là tư tưởng của tôi được. Trái lại, xác là trương độ, không thể đội trời chung với Hồn vô chất. Hồn và xác là hai bản thể hoàn toàn, vì thế, nếu hiệp với nhau, mối dây đó lỏng lẻo, tùy thể, như mối dây liên hiệp giữa hai người. Thế rồi ông tìm ra những sinh khí (esprit animaux) gán cho chúng vai trò liên lạc. Sau Descartes, một phản ứng mãnh liệt đầu tiên là con người chỉ có Hồn đáng kể : phái Duy tâm ra đời, công nhận nơi con người nhiều giá trị bất diệt. Nhưng lại phủ nhận xác con người, phủ nhận giá trị của cảm giác, của thế giới hữu chất. Sau, phản ứng lại duy tâm có duy vật của Auguste Comte (lúc đầu), của Các-Mác và Cộng-sản ngày nay. Tất cả lại chủ trương nhất nguyên vật chất tuyệt đối, phủ nhận Hồn. B) GIẢI QUYẾT HỢP LÝ HƠN CẢ Một giải pháp vừa giữ thế quân bình, vừa đúng với sự thực, phải dựa vào hai điểm này : Hồn là mô thể của Xác ; nhưng Hồn là mô thể đặc biệt. Cắt nghĩa từng điểm một và nêu ra những hậu quả tất nhiên. I. Hồn là mô thể Xác Mô thể là nguyên nhân thống nhất hóa các thành phần nơi các vật. Mô thể đó, nơi con người, là Hồn. Hồn đóng vai trò quy tụ hay là hội tụ tất cả các hiện tượng tâm linh, là nguyên động lực cuối cùng của các hiện tượng sinh lý nữa. Nó giữ cho xác khỏi đi tới chỗ tan rã, đồng thời nó chỉ huy tất cả cuộc sinh hoạt của con người nhất là cuộc sinh hoạt tri thức. Nhận Hồn là mô thể của Xác, ta cắt nghĩa được đơn nhất tính nơi con người, cắt nghĩa được cả những ảnh hưởng hỗ tương giữa Hồn và Xác, giữa tâm-lý và sinh-lý. Thuyết mô chất này phù hợp với kinh nghiệm tâm-sinh-lý. Thuyết tâm-sinh-lý song hành phá đơn-nhất-tính con người và phải nhờ đến một ngoại-nguyên-nhân điều hòa sự chung chạ giữa Hồn và Xác, trong lúc ngay trong chính con người đã có cuộc phối hợp có tính cách bản thể, và cuộc phối hiệp này đủ để giải thích minh bạch bằng những căn cớ gần những sự kiện do kinh nghiệm. II. Hồn là mô thể đặc biệt Nhưng Hồn không phải là mô thể, như bất cứ một mô thể nào nơi những vật dưới con người. Những mô thể của các vật này hoàn toàn lệ thuộc vào vật chất và lệ thuộc một cách nội tại (intrinsèquement). Mô thể của một thú vật chẳng hạn, tức là giác hồn của nó hoàn toàn lệ thuộc vào xác. Nó không thể thi thố được hành động nào nếu không có sự can thiệp hiện tại và thường xuyên của xác. Hành động của nó là hành động hữu cơ (organique).” Thế rồi nguyên-sinh-lực của nó và cơ quan xác, luôn luôn dính kết vào nhau, làm nên một nguyên nhân hành động, nghĩa là giác hồn còn lệ thuộc vào xác hay vào cơ quan xác một cách nội tại. Trái lại, Hồn con người không hoàn toàn lệ thuộc vào xác. Nó có những hành động không thuộc phạm vi hữu cơ hay sinh lý. Dĩ nhiên, nó cần ít nhiều cơ quan khác nhau để thi thố ít nhiều hành động, như tiêu hóa, xem, nghe… Nhưng còn có những hành động không có cơ quan nào cả. Không có cơ-quan cho tư tưởng, cho tự do. Vẫn chịu có nhiều hành động giác quan chuẩn bị hay là đi theo sau những hành động tư tưởng và tự do. Nhưng đó chỉ là những điều kiện hay là những hậu quả, chứ không là nguyên nhân. Nói khác đi, Hồn lệ thuộc vào xác (nếu có lệ thuộc) một cách ngoại tại (extrinsèquement), chứ không nội tại. Xem như thế, phải nhận rằng : Hồn có hai thứ hoạt động (do đó, có hai thứ tài năng) : hoạt động tinh thần thiêng liêng và hoạt động giác-quan sinh lý. Hoạt động trước mới thực là của Hồn (formellement). Hoạt động sau có được là do tiềm năng của Hồn (virtuellement), với tư cách là một Hồn nhập thể.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC