TRIẾT HỌC TỔNG QUÁT - Mục lục
PHẦN THỨ NHẤT : NHẬN-THỨC-LUẬN
KHẢ-NĂNG NHẬN-THỨC GIÁ-TRỊ NHẬN-THỨC VẤN-ĐỀ CHÂN-LÝ
Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com
CHƯƠNG I KHẢ-NĂNG NHẬN-THỨC
Những cách nhận-thức ngoại-lý Nhận thức bằng lý-trí Là một tinh thần nhập thể, con người thực là một khối khả năng, nhờ đó, nó tiếp xúc với các hữu thể, với các sự vật, với các đối tượng, bất cứ thuộc loại nào, bất cứ ở cấp bực nào, bất cứ dưới hình thức nào. Để dễ xếp đặt tư-tưởng, có thể đại-khái phân ra hai loại nhận-thức : loại ngoại-lý và loại thuần-lý.
TIẾT I : NHỮNG CÁCH NHẬN-THỨC NGOẠI-LÝ
A) KHẢ-NĂNG NHẬN-THỨC GIÁC-QUAN I. Phân-loại đặc tính Khả-năng nhận-thức giác-quan được thực hiện ra ngoài bằng mấy động tác chung : cảm-giác và tri-gịác. Cảm giác cho ta tiếp xúc đầu tiên với sự vật, nên nó có tính cách sơ khai và phiếm định. Sơ khai, nghĩa là nó khởi điểm cho bất cứ nhận thức nào về sau. Muốn nhận thức bất cứ đối tượng nào, kể cả đối tượng vô hình vô tượng như những sự kiện tâm linh, hay đối tượng siêu việt như Thượng đế, phải qua giai đoạn giác quan trước đã. Ở chỗ này, nhận thức của đứa trẻ và nhận thức của nhà bác học và triết học, đều khởi điểm như nhau. Phiếm định, nghĩa là cảm giác mới là một nhận thức lu mờ, ngửi thấy một mùi hương lan tỏa quanh tôi, nhưng chưa biết nó là mùi gì, mùi của hoa hồng hay hoa huệ. Nhìn một cảnh hoàng-hôn, một cảnh bình-minh, lúc cảnh vật còn chìm trong tấm màn mông-lung và bàng-bạc, mới là cái nhìn phiếm định của cảm giác. Tri giác, trái lại, là một nhận thức phức tạp hơn. Nó không còn là sơ khai, nó là tổng hợp những tác động khác nhau, nhất là những hoài niệm : tri giác, rút cục, chỉ là một dịp nhớ lại. Nó đòi hỏi một số kinh nghiệm, đến nỗi, nơi người lớn, cảm giác thuần túy không còn nữa và mỗi nhận thức bằng giác quan, là một tri giác. Nó có tính cách minh bạch rõ rệt : ngửi một mùi thơm, tôi biết đó là mùi hoa hồng hay là mùi hoa huệ, tôi phân biệt được nó với tất cả các thứ mùi thơm khác. II. Công dụng Khả năng nhận thức này, tuy là khởi điểm của bất cứ nhận thức nào, nhưng nó được áp dụng riêng biệt cho khoa học thực nghiệm. Phương pháp khoa học thực nghiệm là quan sát, thí nghiệm, kiểm chứng. Ba tác động này phải nhờ tới giác quan, hoặc giác quan trần, hoặc giác quan được tăng cường nhờ những dụng cụ phòng thí nghiệm. Khoa học thực nghiệm khởi điểm từ giác quan, tiếp tục bằng giác quan và luôn dừng lại ở giác quan. Chính giác quan kiểm soát đường lối của nhà bác học ; dầu có tưởng tượng ra bao nhiêu giả thuyết, dầu có suy luận để diễn dịch ra bao nhiêu khám phá khác, nếu thiếu sự quan sát và nhất là thí nghiệm và kiểm chứng bằng giác quan, thời chưa phải là những sự kiện khoa học chính tông và thực danh được. B) KHẢ-NĂNG NHẬN-THỨC BẰNG Ý-THỨC I. Định-nghĩa Ý-thức là một khả-năng tinh-thần. Nhờ đó con người có thể nhận ra những tâm trạng của chính mình, những sự kiện tinh thần, những hiện tượng tâm linh, những đòi hỏi, những nhu cầu và những khuynh hướng của tâm hồn. Khả năng ý thức này được thực hiện bằng một động tác trực-giác tâm-lý hay là trực-giác tinh-thần. Là một trực-giác, ý-thức nhìn thẳng được chính mình không cần qua trung gian, dầu mà có phải chịu chi-phối do một số điều-kiện. Giữa chủ-thể là chính ý-thức và đối-tượng cũng là chính ý-thức, không có bình-phong nào chắn cả. Ý-thức, do đó, là một khả-năng nhị-trùng (faculté de dédoublement) ý-thức có thể tự gấp lên trên chính mình (réfléchir), để tìm hiểu chính mình được. Khả năng nhị-trùng này không thể có nơi vật chất mà những thành phần chỉ tiếp cận bên nhau, chứ không tương-tại vào nhau. II. Công dụng Nếu giác-quan là khả-năng nhận ra ngoại giới (cảm-giác hay tri-giác) và là then chốt của phương-pháp khoa-học thực-nghiệm, thời ý-thức là khả-năng nhận ra nội-giới (le monde intérieur) và là nòng cốt của phương-pháp các khoa-học nhân-văn và do đó, là cách nhận-thức triết-học chính tông. Muốn nói triết-học, phải trở về mình : Anh hãy tự biết anh (Socrate) ; hay như Thánh Augustin viết : hãy trở về với chúng ta đã, rồi nói Triết-học (ad nos redeamus ; philosophemus). Các thành phần của khoa Triết-học đều phải lấy ý-thức làm cột trụ. Môn tâm-lý-học dùng ý-thức tâm-lý, để khám phá những nếp gấp của cõi lòng. Môn Đạo-đức-học dùng ý-thức đạo-đức (cũng gọi là lương tâm) để tìm ra những giá trị của nhân-vị, những đòi hỏi của thân phận làm người xét như một cá nhân hay xét như sống trong đoàn thể. Môn luận-lý-học dùng ý-thức thuận-ý (trong trực-giác thuần-lý) để tìm ngay nơi tinh-thần những quy-tắc, những đường lối hoạt-động của tinh-thần trên đường tìm Chân-lý. Môn siêu-hình học dùng ý-thức siêu-hình (la conscience métaphysique), để khám phá ra những mối liên-lạc giữa tinh-thần và siêu-việt-giới, đem ra ánh sáng những khuynh-hướng mãnh liệt hướng về Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. C) KHẢ NĂNG NHẬN THỨC BẰNG THÔNG CẢM I. Định nghĩa Nơi con người còn một khả-năng nữa, hết sức linh-động để bắt lấy đối-tượng, là cảm năng. Cảm-năng là khả-năng nhận những trạng-thái khoái-lạc và đau khổ của thể xác hay tinh-thần. Nó là một khả-năng ngoại-lý (irrationnel), đã bị phái duy-lý phủ nhận hay khinh miệt, bị đuổi ra khỏi triết-học. Thế nhưng, dưới ngòi bút của những đại-triết-gia như Thánh Augustin, Pascal và một số triết-gia hiện sinh cận đại và hiện đại, cảm-năng đã được đề cao, và khám phá ra nhiều đối-tượng mà các khả-năng khác không tìm ra được. Pascal đã nói : "Trái tim có những lý do mà lý-trí không biết tới ». (Le coeur a des raisons que la Raison ne connait pas). II. Công dụng Cảm-năng là một khả-năng nhận-thức đặc biệt bén nhậy. Nó cho ta thấu suốt đối-tượng (compréhension), bằng một tác động đồng cảm hay thiện cảm, Bergson gọi nó là một trực-giác (với nghĩa đặc biệt tiên sinh gắn cho nó). Nhờ cảm-năng, ta tự ném mình vào đối-tượng mình muốn biết. Vì thế, nó được thông dụng nhất trong những môn xã-hội-học, để học về tha-nhân giới, tìm mối thông cảm giữa người và người. Nền triết-học nhân-vị ngày nay dựa vào cảm-năng, để coi tha-nhân là một nhân vị chứ không phải là sự vật, là một chủ thể chứ không phải là một đối-tượng, là một mục đích (cứu cánh) chứ không phải là phương tiện. Cảm-năng còn được triệt để khai thác trong tôn-giáo-học. Nó bắc nhịp cầu thông-cảm giữa tinh-thần con người và Thượng-đế. Nhờ cảm-năng, hồn con người như được hòa mình vào với Tình yêu tuyệt đối, trong đó, tự do của ta chẳng những không bị hủy diệt (ngược lại câu nói của Merleau Ponty : « La liberté meurt au contact de l’Absolu ») mà lại còn được tăng cường, vì tham dự vào chính nguồn tự do là Thượng-đế. Chính nhờ-cảm-năng mà thực-hiện được mộng phối Thiên (hợp với Trời) Nho giáo đã nói tới. D) KHẢ NĂNG NHẬN THỨC BẰNG TIN-TƯỞNG I. Định nghĩa Tin tưởng, hay nói vắn-tắt, là tin, bởi chữ tín, gồm chữ nhân và chữ ngôn. Theo nguyên tự, tin là công nhận lời người khác nói là thật. Trong tâm-lý-học nó còn có nghĩa là tự mình tin mình trong khi mình phán đoán. Theo nghĩa chuyên môn muốn nói tới ở đây, tin tưởng là một cách nhận-thức bằng thuận lời người khác, bằng tin vào chứng-cứ của người khác hay của những sự kiện mà chính mình đã không mục kích. Cách biết này dựa trên uy tín của người khác, hay dựa vào giá trị xác thực của một sự kiện, của một biến cố đã quá đáng cho ta tin. II. Công dụng 1) Khả-năng nhận-thức bằng tin tưởng không có giá trị gì trong khoa-học. Khoa-học đòi phải quan sát, thí nghiệm, kiểm chứng. Khoa-học không quyết đoán về những gì chưa quan sát, chưa thí nghiệm, chưa kiểm chứng. Nếu có nói lên một điểm nào chưa có, thời đó mới là giả thuyết mà thôi, chưa xác thực, chưa phải là sự kiện khoa học. Trong triết học, khả năng tin tưởng giúp ta nhận thức cách gián tiếp, có tính cách bổ-sung. Dựa vào uy tín các triết gia, điều nào đó chỉ có giá-trị triết-học khi nào chính nó được chính ta nghiền ngẫm, được chính ta suy tưởng, được chính ta khám phá ra ngay nơi ta. Những triết-ngôn có thể đóng vai trò khích-động, khởi điểm để ta học hay nói Triết-học. 2) Khả năng tin tưởng phải được vận dụng trong sở-học hay trong những môn học tương tự, những môn học về đối tượng không hiện-diện trước mắt hay trước ý-thức. Sử-học đặt trên lòng tin tưởng vào các sử-liệu do đời-xưa để lại hay do những người đã sống trước ta. Qua trung gian sử-liệu, ta biết được những cái ta muốn biết, chứ không thể biết trực tiếp được. Dĩ nhiên, sử-học hiện-đại có hoài bão diễn nghĩa hiện tại và tiên đoán tương lai. Tuy nhiên, hiện tại và tương lai đó sở dĩ được ta hiểu, là nhờ vào những yếu tố đã có rồi, và phải nhờ vào lòng tin tưởng vào-những yếu tố đó ta mới hiểu được hiện tại, đoán được tương lai. 3) Khả năng tin tưởng này được triệt để áp dụng trong Tôn-giáo-học, là môn học nhằm vào những điểm huyền bí, vượt tầm nhận thức trực tiếp của ta. Những điểm này không có tính cách phản lý, nhưng chúng siêu lý. Ta chấp nhận chúng, là vì ta tin tưởng vào chúng và qua chúng, ta tin tưởng vào chính Đấng siêu việt đã biểu lộ chúng, hay nói một cách chuyên môn đã mặc-khải chúng. Càng cao siêu mầu nhiệm, những điều ta tin càng đòi ý-chí phải can thiệp. Vì chúng không hiển nhiên, nên trí khôn một mình không thể ưng thuận được. Để ưng thuận, trí khôn phải được ý-chí thúc đẩy. Xét theo khía cạnh này, lòng tin tưởng tôn-giáo có thể là một kích thích mãnh liệt để sưu tầm triết-học, nhất là khi tôn giáo đặt ra trước những chân trời trí khôn còn cho là lu mờ ; nhưng nhờ lòng tin tưởng, chúng đã có sẵn đấy và hấp dẫn ta để ta sát gần chúng bằng những suy niệm triết-học, để ta thấu hiểu chúng được bằng nào hay bằng ấy. Tình trạng này đã xẩy ra trong đời Trung-cổ bên Âu-châu, đối với nền triết-học kinh-viện. Một phần nào, đó cũng là đường lối của một số triết-gia hiện sinh, nhất là trong các tác phẩm của nhà triết-học Kierkegaard, ông tổ của hiện sinh thuyết. Những đau khổ, lo âu, xao xuyến của nhân sinh, dĩ nhiên, là những kinh nghiệm thường nhật hay là những khám phá của con người trầm-tư mặc-tưởng. Nhưng dưới ngòi bút của nhà triết-học Đan-mạch, chúng đã được diễn tả một cách bi đát hơn, một cách chính cống hơn, nhờ múc nguồn nơi Thánh-Kinh mà từ bé ông vẫn đặt một lòng tin tưởng sắt đá vào đó. Cách cảm hứng này nhiều khi có thể phong-phú-hóa lối tư-tưởng triết-học, nhưng không bao giờ nó thay thế những cách nhận thức khác vẫn được dùng khi tìm những loại đối tượng khác. Nhất là nó không bao giờ thay thế khả năng nhận thức bằng lý trí, mà đến lúc ta nói riêng sau đây.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC