Nhập môn triết học

Thử tìm câu định nghĩa triết học

TRIẾT HỌC TỔNG QUÁT

 

THỬ TÌM CÂU ĐỊNH NGHĨA TRIẾT-HỌC

 

TRẦN VĂN HIẾN MINH

 


Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com


 

 

Trình bày và phê bình ít nhiều câu định nghĩa

Thử đề nghị một câu định nghĩa

Chương này có mục đích kết tinh những ý tưởng rải rác trong các chương trước, thành một cái nhìn đại quan, để biết đâu là Triết-học. Người ta đã định nghĩa Triết-học nhiều cách, nhiều khi mâu thuẫn nhau, nhiều khi có thể bổ sung cho nhau. Chính tính cách bất xác thực này đã làm nhiều người miệt thị Triết-học và làm dịp cho hoài-nghi-thuyết xuất-hiện.”

 

TIẾT I : TRÌNH BÀY VÀ PHÊ BÌNH ÍT NHIỀU CÂU ĐỊNH NGHĨA

Chúng tôi đã có dịp nói qua về vấn đề này trong cuốn Tâm-lý-học rồi. Ở đây chúng tôi thêm vào một số lý do để hiểu các Triết thuyết đã và sẽ còn mọc ra như nấm, qua các thế hệ tư-tưởng-gia và triết-gia.

A) NHẬN XÉT CHUNG VỀ CÁC THUYẾT TRIẾT-HỌC

I. Sự phát triển tuần tự của khả năng nhận thức

1) Xét theo khía cạnh cá nhân

Nhìn vào một người, ta dễ thấy một cuộc phát triển tuần tự nơi khả năng nhận thức của họ. Từ lúc nhỏ tới hết tuổi thiếu niên, con người hầu như chỉ biết hướng ngoại. Những vấn đề nội tâm, đối với tuổi đó, chưa được đặt ra. Nếu cái tuổi đó cứ kéo dài trong phạm vi tâm lý, nghĩa là nếu một người dầu đã lớn cứ quen cái thói hướng ngoại, thời sẽ không lạ gì họ dễ chủ trương chỉ có ngoại giới, chỉ có kinh nghiệm giác quan mới đáng kể, chỉ có cảm giác mới cho ta nhận thức sự vật, v.v… Không lạ gì, những người say mê với khoa học thực nghiệm – nghĩa là chỉ thích hướng ngoại – khó lòng tránh được thuyết duy-thực-nghiệm, như Auguste Comte (trong quãng đời thứ nhất của ông) chẳng hạn. Còn yếu tố tính tình, cũng ảnh hưởng rất lớn tới chủ nghĩa Triết-học, một Lamartine chẳng hạn, làm sao mà tránh được thuyết tình cảm, làm sao có thể rơi vào hố duy lý được ?

2) Xét theo khía cạnh đoàn thể nhân loại

“Khía cạnh này mới thực là quan trọng trong việc tìm hiểu các triết-thuyết. Đoàn thể nhân loại theo một tiến triển giống như một cá nhân. Bắt đầu, cũng mới chỉ biết hướng ngoại. Mở lịch sử Triết-học Tây-phương hay Đông-phương, ta thấy các triết-gia đầu tiên chỉ thích nói tới vũ-trụ (xem chương 2). Các triết-gia Ioniens chủ trương thuyết duy-giác-quan (solution sensualiste) như Thalès, Anaximandre, v.v… Tiếp theo đến phái Eléates vẫn hướng ngoại lại chủ chương duy lý (solution rationaliste) trong việc tìm hiểu vũ trụ, và khinh miệt giác-quan. Đợi mãi tới Socrate (470-399), khả năng nhận thức của nhân loại tiến tới chỗ tinh vi hơn, biết nhìn những gì vượt giới hữu hình, đi vào nội tâm người (ngươi hãy tự biết ngươi !) để chủ trương một thuyết ngày nay ta có thể gọi là nội tại thuyết (immanentisme) hay là tâm-lý-thuyết (psycho-logisme). Và cứ vậy, hai khuynh hướng, hướng ngoại, hướng nội cứ thay nhau chi phối nền tư-tưởng nhân loại (bên Trung-hoa, có thể kể Tống Nho và Tâm học của-Vương-Dương-Minh đại diện cho hai khuynh hướng đó).

II. Tính cách phức tạp của thực tại

Thực tại nào cũng phức tạp, gồm nhiều yếu tố, nhiều khi xem ra mâu thuẫn nhau. Do đó, thường nảy ra hai thái độ triết-học sau đây :

1) Thái độ duy…

Truyện bốn chàng mù xem voi, điển hình cho thái-độ này được. Chàng thứ nhất chỉ sờ chân của voi, bảo voi là cái cột ; chàng thứ hai chỉ sờ vòi của voi, bảo voi là con đỉa ; chàng thứ ba chỉ sờ tai voi, bảo voi là cái quạt ; chàng thứ tư chỉ sờ đuôi voi, bảo voi là cái chổi. Áp dụng câu chuyện trên đây vào Triết-học ta thấy các thuyết duy ra đời : nào là duy giác, duy cảm, duy lý, duy trí, duy chí : nào là duy nghiệm, duy trực giác, duy luận, duy sinh lý, duy tâm, duy vật, duy tâm lý, duy xã hội, v.v…

2) Thái độ chủ…

Mỗi người nhấn mạnh một khía cạnh của sự vật, nhưng không phủ nhận các khía cạnh khác. Hoặc vì hợp với quan điểm của mình hoặc vì hợp với cái lợi nhất thời bắt buộc phải nhấn mạnh như thế, hay vì tính tình, vì khuynh hướng bản thân thích khía cạnh này hơn khía cạnh kia. 8

B) NHỮNG CÂU ĐỊNH-NGHĨA THÁI-QUÁ

Những câu định nghĩa thái quá là những câu gán cho Triết học một đối tượng quá rộng rãi, nhiều khi có thể gói ghém cả đối tượng khoa học (nghĩa hẹp).

I. Định nghĩa tổng-quát quá trừu-tượng

Chúng tôi đan-cử, trước hết, câu định nghĩa của Aristote :

« Triết học là một môn học về hữu thể, xét như hữu thể » (La Philosophie est la science de l’être en tant qu’être). (Metaph. k, 3. 1960b)

Theo chân Aristote, một nhà triết học hiện đại, định nghĩa Triết học như thế này :

« Triết học là một nhận thức khoa học (theo nghĩa rộng) nhờ ánh sáng tự nhiên của trí tuệ, tìm hiểu những nguyên nhân đệ nhất và những lý do cao siêu nhất của tất cả các vật ». (La Philosophie est la connaissance scientifique qui, par la lumière naturelle de notre intelligence, considère les causes premières ou les raisons les plus élevées de toutes choses) (Thonard Précis de Philosophie Paris. s.d., p.16)

Hai câu định nghĩa có ưu điểm, là làm bật nổi tính cách phổ quát của Triết học. Đối tượng triết học, ở đây, là hữu thể. Hữu thể chỉ bất cứ cái gì có, có bất cứ cách nào, dưới bất cứ hình thức nào, bất cứ thuộc giới nào, thuộc tất cả mọi vật, v.v… Vì phổ quát, nên theo hai câu định nghĩa trên, Triết-học phải là linh hồn cho mọi khoa học, phải bàng-bạc trong bất cứ nhận thức nào của con người. Nhưng câu định nghĩa trên có nhiều nhược điểm. Trước hết, nó có vẻ trừu tượng quá. Nó là một triết-học không xương không thịt, một thứ triết-học xuất thế, không ăn nhập gì vào đời sống, vào hiện sinh cụ thể. Nó lại quá bao quát, thành thử chưa làm bật nổi đối-tượng riêng của Triết-học, một môn học có đặc sắc tính của nó. Dĩ nhiên, có thể hiểu Triết-học về tất cả, nhưng dưới khía cạnh khác với khía cạnh khoa học (kinh viện gọi là ratio sub qua). Tuy nhiên, các khía cạnh đó cũng còn quá trừu tượng.

II. Định nghĩa tổng quát thiên về khoa học

Tự điển Hàn lâm viện Pháp năm (1964) định nghĩa triết học là :

«Học về những khoa học và tìm biết những nguyên nhân và nguyên lý của chúng ». (…l’étude des sciences et qui cherche à connaître les choses par leurs causes et leurs principes).

Ngày nay người ta lại định nghĩa Triết học là :

«Toàn thể những môn học và suy xét về tính cách tổng quát tột bậc ». (Tout ensemble d’études et de considérations présentant un très haut degré de généralité).

Hai câu định nghĩa này cũng có một số ưu điểm. Còn nhược điểm lớn là đã không đặt nổi biên giới giữa triết học và khoa học. Điều này làm mất tính cách đặc sắc của triết học.

C) NHỮNG CÂU ĐỊNH NGHĨA BẤT CẬP

Những câu định nghĩa dưới đây, xem ra quá rút hẹp phạm vi triết học lại.

I. Định nghĩa thiên về tinh thần con người

Bunschvicg định nghĩa triết học, là :

« Hoạt động trí khôn tự ý thức về mình ». (L’activité intellectuelle prenant conscience d’elle-même). (La modalité du jugement, p.5)

Paul Valéry coi triết học như là :

« Một cuộc tập luyện tư tưởng trên chính mình ». (Un exercice de la pensée sur elle-même). (IX congrès international de philosophie, 1937).

Những định nghĩa trên đây có ưu điểm, là đã nối triết học với truyền thống Socrate một phần nào, đưa triết học vào nội tâm, dùng phương pháp nội quan để quan sát. Triết học như thể bỏ xa khoa học thực nghiệm mà đối tượng là thiên nhiên, là ngoại giới, là vật chất có lượng, có thể đo lường được.

Tuy nhiên, định nghĩa như thế, có nhược điểm này, là rút hẹp triết học vào tâm lý học, và nhất là tâm lý học nội quan. Ở đây, có cái nguy liệt triết học vào số những tự truyện đầy ảo tưởng, vào số những tâm lý tiểu thuyết !

II. Định nghĩa thiên về Kinh nghiệm nội giới

Những định nghĩa này giống loại định nghĩa trên, nhưng nhấn mạnh khía cạnh kinh nghiệm bản thân và toàn diện, Triết học (mà siêu hình học là tột điểm) là : kinh nghiệm toàn diện. (La métaphysique est l’expérience intégrale). Theo văn mạch và tinh thần triết học của Bergson, kinh nghiệm nói đây phải hiểu trước tiên là kinh nghiệm nội tâm ; hay ít nhất phải hiểu kinh nghiệm nội tâm là chính.

Thực ra, nơi khác ông viết :

« Triết học là một lần nhất quyết nhìn trong mình và chung quanh mình một cách chất phác ». (Elle (la philosophie) n’est que la résolution une fois prise de regarder naïvement en soi et autour de soi).

Những định nghĩa này có tất cả ưu điềm của loại định nghĩa trước. Tuy nhiên, nếu triết học khởi điểm từ kinh nghiệm, thời nó còn có lúc phải siêu việt kinh nghiệm. Một mình ý thức tâm lý chưa đủ để nói triết học, dầu nó rất cần. Còn khả năng lý trí nữa. Phải có khả năng này, triết học mới tìm ra được một số khía cạnh siêu-hiện-tượng của tinh thần con người.

 

Tinh thần con người với những chiều hướng hiện sinh của nó.

 

 

TIẾT II : THỬ ĐỀ NGHỊ MỘT ĐỊNH NGHĨA TRIẾT HỌC

Đây là câu định nghĩa chúng tôi đề nghị : Triết học là môn tìm hiểu ý nghĩa cuộc sinh hoạt tinh thần con người với tất cả chiều hướng hiện-sinh (dimensions existentielles) của nó 9. Chúng tôi tuần-tự cắt nghĩa.

A) ĐÂU LÀ ĐỐI TƯỢNG RIÊNG CỦA TRIẾT-HỌC

Trong chương hai trên đây, ta đã thấy Triết học thay đổi đối-tượng, hay nói đúng hơn, thay đổi quan điểm của đối tượng. Qua vũ trụ, qua nhận thức, Triết học hướng hẳn về hiện sinh, nhưng là hiện sinh đặc sắc của con người là tinh thần với tất cả chiều hướng cụ thể của nó.

I. Đối tượng Triết học khác với đối tượng Khoa học ?

Nhìn vào chương trình Trung học Việt-Nam ta thấy học sinh tuần tự phải hấp thụ những kiến thức khá phức tạp, nhưng có thể quy về hai loại kiến thức : kiến thức Khoa học và kiến thức Triết-học.

Từ đệ Thất tới đệ Nhất, kiến thức khoa học xoay quanh ba môn chính (trừ môn Toán, có thể coi như là trung gian và trộn lẫn với các khoa học một phần nào). Môn vật lý, học về những hiện tượng thiên nhiên, thuộc ngoại giới, như quang học, điện học từ học, cơ học, v.v… Môn Hóa học, học về cơ cấu tinh vi nhất của vật chất, học về những vật thể đơn (corps simples) hay là về những vật có thể phân tích ra được những đơn chất, như dưỡng khí, thán khí, v.v… Môn Vạn vật cũng học về ngoại giới, nhưng dưới khía cạnh thô dại hơn (macrophysique) và học về ba giới (règnes) : khoáng vật giới, thực vật giới, động vật giới. Trong giới sau cùng này, ta thấy con người, nhưng mới là thể xác người, nhờ đó, ta thuộc giới động vật như các thú vật thuộc loài linh trưởng (primates). Như thế, khoa học mới học về một nửa con người. Còn phần nửa quan trọng hơn nhiều : phần tinh thần, chắc chắn không thể là đối-tượng của khoa học được. Vậy, nó chỉ còn có thể là đối tượng riêng của môn Triết học.

Về tinh thần con người, các học sinh Trung học (và ngay cả Tiểu học) đã hấp thụ được ít nhiều kiến thức, trong những lớp công dân giáo dục. Thế nhưng, đó mới chỉ là kiến thức có tính cách thực tiễn (hình nhi hạ), chứ chưa vươn tới những vấn đề sâu xa của triết học chính cống. Triết học chính cống này dành riêng cho các lớp đệ Nhất là lớp chuyển tiếp nhận vào Đại học. Đến đây ta không thể lẫn đối tượng Triết học với đối tượng của Khoa học thực nghiệm được nữa.

II. Những chiều hướng hiện sinh của tinh thần con người

Học về tinh thần, Triết học vẫn không phải là môn học « trên mây trên gió », chính nhờ những chiều hướng hiện sinh của nó. Tinh thần cụ thể con người là tinh thần nhập thể nên không thể nào bị cắt đứt khỏi thế giới sinh lý và vật lý được. Nó còn là một nhân vị, luôn mang theo tính cách cộng đồng, nên triết học còn có tính cách nhập thể (engagé). Nhưng dầu nhập thể (incarné) và nhập thể (être dans le monde), đến đâu đi nữa, tinh thần vẫn còn đời sống tự lập, và vươn mình tới siêu việt giới, tới lý tưởng giới, ở đó chiều hướng hiện sinh của tinh thần mới thực tìm được tầm mức xứng hợp cân đối. Nó múc nghị lực hiện sinh, nó ở đó, để tự phong-phú-hóa mình, để cho thể xác và vũ trụ liên kết chặt chẽ với nó, có một ý nghĩa triết-học.

B) CHIA THÀNH PHẦN TRIẾT-HỌC

Đối tượng Triết-học là tinh thần con người, không thể phân chia. Những sự kiện hay hiện tượng tinh thần không tiếp cận bên nhau như những sự kiện vật lý có thể tách lìa với nhau. Chúng tương-tại thâm-nhập vào nhau. Vậy chia thành phần nói đây, phải hiểu là chia quan điểm (point de vue), chứ không có chuyện chia đối tượng duy nhất và toàn khối. Vậy, theo quan điểm, có thể có những thành phần Triết học như sau.

I. Tâm-lý-học mô tả toàn-thể bộ máy tinh-thần

Nhìn tinh thần toàn diện : đem phân tích rồi tổng hợp các then máy tinh-thần, các lò-so tâm linh, các nếp gấp tâm hồn, kể cả những nếp sâu thẳm nhất (tiềm thức chẳng hạn) ; tìm mối tương-quan giữa hai hay nhiều then máy (như : vô tri bất mộ, liên tưởng củng cố đam mê…) ; chúng có thể nào được diễn tả, được mô tả như vậy… đó là công tác của môn Tâm-lý-học.

Nhìn kỹ, ta thấy môn này có tính cách giải thích sự kiện tinh thần (vừa bằng nguyên lý nhân quả, và nhất là vừa bằng nguyên lý cứu cánh). Phương pháp dùng là phương pháp quan sát (nội quan hay ngoại quan, với những ưu nhược điểm tương đương). Nếu xét theo khía cạnh này, Tâm-lý-học khá giống các khoa-học thực-nghiệm khác (dầu mà đối tượng của hai bên khác nhau một trời một vực, do đó, cách giải thích cũng khác nhau). Có thể nói rằng, Tâm-lý-học là cửa mở để vào Triết-học. Nó đem lại cho Triết-học những « vật liệu », nhìn vào đó tinh thần tự khám phá ra mình, với những chiều hướng hiện sinh hết sức phức tạp. Vì thế, đôi khi, có người lẫn Triết-học với Tâm lý-học như đã nói trước.

II. Luận-lý-học : đánh giá giá-trị-tư-tưởng

Môn này không học về toàn thể sự kiện tinh thần, mà chỉ học khía cạnh tư tưởng của nó. Quan sát kỹ lối chuyển động của tư tưởng, rồi dựa vào đó, đặt ra một số quy tắc để tư tưởng cho đúng : đúng với thực tại và đúng với nguyên lý căn bản của lý trí nữa. Môn này giả thiết có sự tương ứng giữa thực tại và lý trí. Thế nên, Luận-lý-học dạy ta biết (trực giác) thế nào, luận-lý làm sao, biết cách phân tích tổng hợp, tư tưởng phải được điều động cách nào, nghĩa là phải theo phương pháp nào, để tiếp thu đối tượng riêng của mỗi môn học.

Xem như trên, phạm vi đối tượng Luận-lý-học hẹp hơn phạm vi đối tượng Tâm-lý-học, vì chỉ học về tư tưởng để tìm chân lý. Ngoài ra, Luận-lý-học có tính cách quy-phạm, là môn học quy tắc (science normative), đem ra những luật mẹo phải theo. Do đó, Luận-lý-học là môn học về giá trị, nhưng là giá trị của tư tưởng.

III. Đạo-đức-học : đánh giá giá trị hành vi tinh thần

Bỏ phạm vi tư tưởng, ta bước sang phạm vi hành động, hành động bên trong (quyết định, chủ ý…) và hành động bên ngoài (dùng xác thi hành những quyết định, những chủ ý…) Nhằm đánh giá giá trị những hành vi ấy, đưa ra những quy tắc hướng dẫn hành vi để nó có giá trị của một nhân vị ; đặt bậc thang giá trị phải theo, phải nhằm… đó là công tác của đạo-đức-học.

Đạo-đức-học cũng là một môn học quy phạm hay quy tắc (như Luận-lý-học), cũng bàn về giá trị, nhưng là những giá trị thực tiễn, chen lẫn vào hành vi hiện sinh ở đây là lúc này (hic et nunc). Nó nhằm trực tiếp cái thiện đem lại cho con người những bắt buộc, những trách nhiệm, nhưng đồng thời để trước mắt tinh thần một hạnh phúc hấp-dẫn và phải đạt cho được.

IV. Siêu hình học : tột đỉnh của tinh thần học

Với môn-siêu hình học, ta mới thấy rõ được hết các chiều hướng hiện sinh của tinh thần học tinh thần con người.

Nó bàng-bạc tiềm-ẩn trong các khía cạnh của triết học. Khởi điểm từ khía cạnh nào cũng có thể tiến tới siêu hình học.

Cái nhìn siêu hình trong tâm lý học, sẽ là tìm cho ra bản tính sâu xa của tinh thần, đào sâu những khả năng hầu như vô tận của nó, tìm cho ra đâu là nguồn gốc, đâu là cứu cánh hay là định mệnh của tinh thần. Cái nhìn siêu hình trong luận lý học, sẽ là tìm cho ra chân lý tuyệt đối ẩn náu trong mọi tư tưởng của con người. Mỗi chuyển động của tư tưởng là mỗi bước tiến tới chân lý, lý tưởng. Cái nhìn siêu hình trong đạo đức học, là tìm cho ra đâu là cứu cánh cuối cùng của hành vi con người, để hướng dẫn hành vi về đó. Cứu cánh cuối cùng phải là giá trị tuyệt đối, phải là thiện lý tưởng, là hồn của mọi cái thiện bán phần, là tiêu chuẩn cuối cùng phải căn cứ vào đó mà đánh giá giá trị hành vi, mà phân biệt thiện ác, hay thiện hơn kém.”

Nếu nhìn theo một quan điểm khác : quan điểm chiều hướng hiện sinh, siêu hình học hiện ra như một môn học về mối tương quan giữa tinh thần cho người và những thực tại chung quanh. Hướng xuống dưới, tinh thần gặp vũ trụ vật chất, phải tìm hiểu cơ cấu của nó, phải tìm cho nó một ý nghĩa. Nhìn gần hơn, sát ngay bên nó, tinh thần gặp thể xác, phải tìm hiểu vai trò của xác, phải tìm hiểu xác phối hiệp với mình như thế nào, phải ấn định giới hạn ảnh hưởng của nó vào mình : Xác có thể hoàn toàn lấn át nổi tinh thần không, hay tinh thần phải siêu việt xác trong tự do hiện sinh. Nhìn sang bên cạnh, tinh thần gặp tha nhân, gặp tinh thần khác, phải tìm ra tình thông cảm nhân vị trong một cộng đồng tình yêu. Sau hết, nhìn lên trên, tinh thần gặp Thượng-đế, phải tìm cho ra đâu là mối liên lạc giữa mình và Thượng-đế, giữa tinh thần và Tuyệt-đối ; cuộc gặp gỡ với Tuyệt đối có hủy diệt hay trái lại, tăng cường, đảm bảo tự do của hiện sinh ; trong cuộc thăng tiến vĩ đại này, tinh thần sẽ bị tan biến trong lò lửa tuyệt đối, hay vẫn còn giữ được nhân cách, giữ được cá tính của mình trong một cuộc hôn nhân siêu hình với Thượng-đế, nhờ một cộng đồng tình yêu, giống cộng đồng tình yêu với tha-nhân, nhưng thân mật và đằm thắm hơn nhiều.

Nói đúng ra, chính những mối tương quan này là đối tượng của siêu hình học. Tinh thần quả là một « ra-đa » kỳ diệu, bắt liên lạc với mọi thực tại, kể cả thực tại siêu việt, để thu tất cả vật ở dưới về mình và thăng tiến tất cả – kể cả chính mình – về với thực tại vô biên vậy. Những đề tài này sẽ được quảng diễn trong phần thứ hai sau đây.

 

ĐỀ THI

 

1) Hãy chọn một câu định nghĩa Triết học : giải thích và phê bình.

2) Anh (chị) thích định nghĩa Triết học như thế nào ? Trình bày tại sao thích như thế ?

3) Tại sao G. Marcel dùng phương pháp approches concrètes : tới gần, để khảo cứu Triết học ?

4) Nhìn Triết-học, là những cái nhìn một bên (profils, Abschattungen). Giải thích và phê bình kiểu nói đó của K. Jaspers.

5) Giải thích và phê bình khuynh hướng muốn định nghĩa Triết học là Giá trị học (Axiologie, die Wertenphilosophie).

6) Trình bày những chiều hướng hiện sinh (les dimensions existentielles) của Tinh thần.

7) Có phải bất cứ một sự tìm tòi gì về Triết học cũng bắt đầu từ Tâm lý học để đi tới Siêu hình học không ? (Tú tài C D, khóa 2, 1951)

 

 

CÂU HỎI GIÁO KHOA

 

1) Tại sao không thể định nghĩa Triết học như khoa học được ?

2) Triết học phải khởi điểm từ đâu ?

3) Đạo-đức-học và Luận-lý-học giống nhau chỗ nào ? Khác nhau làm sao ?

4) Đối-tượng Triết-học và đối-tượng khoa học khác nhau ở chỗ nào ?

5) Tại sao có nhiều Triết-thuyết ?

6) Những hệ-thống triết-học khác nhau có thể làm ta hoài-nghi về giá trị của Triết học không ?

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt