Nhập môn triết học

Tồn tại của thế giới khách quan

VŨ TRỤ QUAN

 

PHẦN THỨ HAI

 

TỒN TẠI CỦA THẾ GIỚI KHÁCH QUAN

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.


 

IMỘT VẤN ĐỀ, HAI GIẢI ĐÁP

Số nhà triết học xưa nay rất nhiều; các tư tưởng triết học cũng lắm. Triết gia và triết lý tuy nhiều, nhưng xét cho kỹ:

Ai cũng trực tiếp hay gián tiếp giải quyết bằng cách này hay cách khác, vấn đề căn bản của triết học là quan hệ giữa vật chất và tâm hồn.

Ai cũng vô tình hay cố ý, đứng vào một trong hai dinh trận triết học triết lý trái nhau: duy tâm luận và duy vật luận.

Không có một triết học thứ ba; không có triết học nào gọi là “trung lập” “dung hòa” giữa duy tâm luận và duy vật luận.

Lâu nay trong các sách, các trường, người ta nghiên cứu triết học mà chưa hề nhận thấy vấn đề nào là vấn đề căn bản; người ta tưởng đâu vô số vấn đề triết học đều quan trọng như nhau. Thành thử, mỗi một vài nhà tư tưởng lập ra một môn phái triết học, một chủ nghĩa, các thứ chủ nghĩa thi nhau mọc lên như hoa lá mùa xuân, người nghiên cứu khó bề phân biệt rõ.

Kỳ thật trong trăm việc phải làm, có một việc chính hễ bấu vào nó thì đem tới các việc kia; trong nhiều vấn đề triết học phải có một vấn đề căn bản. Nhìn kỹ vô số các mầu triết học, thấy có những dinh trận phân minh chiếu theo cách giải đáp vấn đề căn bản ấy.

Vậy vấn đề căn bản của triết học là vấn đề gì? Trong triết học có những dinh trận nào?

Engels đáp:

Vấn đề tối cao của bất cứ triết học nào và đặc biệt là triết học cận đại, là vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và tồn tại giữa tâm hồn và tự nhiên. Tâm hồn là chính yếu hay tự nhiên là chính yếu ? Tùy theo cách họ giải đáp vấn đề này, các nhà triết học chia ra làm hai phái lớn. Những ai quyết định rằng có tâm hồn trước khi có tự nhiên… là trong học phái duy tâm luận. Những người khác nhận xét rằng tự nhiên có trước tâm hồn, họ thuộc các trường của phái duy vật luận” 1

Lénine nói tiếp theo:

Định nghĩa duy tâm luận và duy vật luận theo một lối nào khác? … chỉ là gây thêm những mờ ám mà thôi2

Vậy bất cứ lối định nghĩa duy tâm và duy vật nào khác hơn là lối định nghĩa của F.Engels đều thiếu xác đáng, thường có ý xuyên tạc, làm mờ ám thêm. Trong bộ sách “Triết học sơ giảng” chúng tôi đã có dịp bày tỏ những cách đặt một vấn đề tâm, vật, và những cách giải quyết khác nhau vấn đề quan hệ giữa tồn tại và tư tưởng. Chúng tôi khỏi phải trở lại nữa, chỉ chú ý đến một việc là tâm trí, linh hồn, tư tưởng, chân lý, tuyệt đối, lương tri, thượng đế… đều là một loại, loại tinh thần; còn tồn tại, tự nhiên, thế giới khách quan, sinh hoạt vật chất, khối óc, điều kiện kinh tế, sự vật hoàn cảnh, châu vi, nhân sinh… cùng đều là một loại vật chất.

Hỏi, quan hệ giữa khối óc và tư tưởng, giữa đời sống vật chất và cách suy tưởng, giữa linh hồn và xác thịt, giữa nhân sinh và nghệ thuật ... đều là những hình thức khác nhau của một câu hỏi chung: quan hệ giữa tồn tại và tư tưởng. Và khi anh dân quê nói: xác chết hồn còn, hay nhà nghệ sĩ nói nghệ thuật phụng sự cho cái đẹp thuần túy… họ vô tình hay cố ý đứng vào một lập trường với nhà triết học duy tâm, tư tưởng sinh tồn tại.

Cho nên vấn đề quan hệ giữa vật chất và tinh thần, chẳng những ở trong triết học thuần túy mà luôn trong khoa học, chính trị nghệ thuật, sinh hoạt hằng ngày nữa.

Cho nên, chớ lầm tưởng rằng duy vật là những ai ham mê vật chất, duy tâm là những kẻ vì lý tưởng, vì tiếng gọi của nỗi lòng; đừng mắc phải dèm pha của bọn duy tâm thường đặt điều nói xấu duy vật luận. Nhà chiến sĩ duy vật quyết sống cho lý tưởng mình, dám chết vì lý tưởng mình, bọn phản động duy tâm, trái lại, luôn luôn đắm đuối với quyền lợi vật chất trụy lạc.

Tranh đấu giữa duy tâm và duy vật luận trong triết học là một trạng thái giai cấp tranh đấu trong xã hội, hai dinh trận tư tưởng phản chiếu rõ rệt hai lập trường của hai dinh trận chính trị. Từ lâu, triết học không còn ở lầu ngà, gác ngọc, xa sự thế; từ lâu triết học mỗi ngày một can thiệp đến cuộc đời, đến tất cả các ngành sinh hoạt của dân sự. Đời nay, chính là những nhà cách mạng tăm tiếng nhất là những nhà triết học uyên thâm nhất và những nhà triết học uyên thâm nhất đều là những tay thực hành giỏi. Nhận thức và thực tiễn đi đôi, tri và hành cộng tác.

II. BA ĐIỂM TRÁI NHAU GIỮA DUY TÂM VÀ DUY VẬT

Từ thiên cổ giữa duy tâm luận và duy vật luận, đã có nhiều điểm bất đồng, tựu trung đều do vấn đề quan hệ giữa vật chất và tinh thần mà sinh ra. Góp tất cả, thì các điểm bất đồng kia thật nhiều. Song xét kỹ lại, có thể góp lại thành ba điểm lớn, ba điểm lớn ấy chính là ba vấn đề lớn nhất triết học xưa và nay; tất cả các vấn đề khác đều quy vào nó, cũng như nó quy vào vấn đề tâm vật đã nói bên trên; ba vấn đề ấy là:

1.Có hay không có thế giới khách quan?

2.Tồn tại sinh tư tưởng hay tư tưởng sinh tồn tại?

3.Người ta có sức hay không có sức biết được vũ trụ và quy luật của vũ trụ?

Nhiều người “thông thái” gọi vấn đề thứ nhất là “vấn đề tồn tại của thế giới khách quan”, còn vấn đề thứ hai là “vấn đề quan hệ giữa tồn tại và tư tưởng”, tức là các vấn đề vật chất, không gian, thời gian, sinh hoạt và tinh thần; họ gọi vấn đề thứ ba là “vấn đề giá trị của nhận thức” hay là vấn đề “đồng nhất giữa tồn tại và tư tưởng”.

Một nhà tư tưởng và cách mạng xuất chúng, lần thứ nhất trong lịch sử triết học, ông Staline, đã vạch rõ những phân biệt quan trọng hơn hết trong hai hệ thống tư tưởng duy tâm, duy vật, và nhân đó, ông đem cho chúng ta cách bày giải súc tích những tư tưởng làm nền móng cho triết học tân thời. Quyển “duy vật biện chứng và duy vật lịch sử” của ông được các nhà học giả Pháp đánh giá là ngang hàng với quyển “Thuyết trình về phương pháp” của Descartes, tuy hai quyển sách, hai công trình cách nhau 3 thế kỷ, mỗi ông Descartes và Staline đã đưa tư tưởng loài người tới một bực cao hơn trước và như mở một kỷ nguyên triết học mới.

Duy tâm luận quả quyết rằng chỉ có trí giác của ta là có thật; còn thế giới vật chất, tồn tại tự nhiên chỉ có trong tâm trí ta thôi, trong sự hình dung và trong quan niệm thôi. Trái lại, duy vật duy vật luận triết học Mác xít khởi thủy từ nguyên tắc này: vật chất, tự nhiên, tồn tại là những sự thật khách quan, có ngoài trí giác, độc lập đối với tri giác; vật chất là điều trước tiên, vì nó là nguồn gốc của cảm giác, của sự hình dung, của trí giác; còn trí giác là điều kế tiếp sau, do gốc vật chất kia mà sinh, vì nó là phản ảnh của vật chất, phản ảnh của tồn tại…1

Đó là vấn đề phân biệt thứ nhất giữa duy tâm và duy vật, hay là vấn đề triết học đầu, gọi là vấn đề “tồn tại của thế giới khách quan”

Có hay không có thế giới khách quan (gọi tất là ngoại giới)?

Duy vật luận quả quyết rằng có; duy tâm luận bảo là không, hay bảo là “chưa chắc”.

III. Ý NGHĨA CỦA VẤN ĐỀ: TỒN TẠI CỦA THẾ GIỚI KHÁCH QUAN

“Có hay không có thế giới khách quan” câu hỏi này mới nghe qua như là câu hỏi của một kẻ điên cuồng. Có lẽ nào ta tự hỏi: ngòi bút ta đang viết, cơm ta đang ăn, mặt trời ta đang hút hơi ấm áp, mái hiên đương che cho ta… cả cái ngoại giới ấy có thật hay không có thật? Nghi làm sao được cái ngoại giới? Ngờ làm sao được cái hoàn cảnh chung quanh mình? Ấy thế mà thành vấn đề mới là lạ!

Con người nhờ sinh sống, nhờ ngoại giới, nhờ khối óc mà lần lần tưởng tượng được một thế giới tinh thần: thượng đế, chân lý, luận lý, pháp lý… Thế rồi họ đi riết tới chỗ nghĩ rằng cái thế giới tinh thần này sống một đời sống độc lập, riêng rẽ, từ bao giờ, đời đời sẵn có, có trước vật chất, có riêng hoàn cảnh; rồi họ đi tới một mực xa hơn nữa là chỉ tin chắc có cái thế giới tinh thần độc lập ấy, và họ đâm ra hoài nghi những ngoại giới vật chất chung quanh họ.

Việc đời là: có thấy vô số quả cam có ăn vô số quả cam, nên có quan niệm trái cam trừu tượng. Nhưng khi đã có quan niệm trái cam trừu tượng thì một số nhà duy tâm tưởng đâu quan niệm trừu tượng ấy có sẵn đâu trong trí, trong tâm ta; rồi thì họ đi xa hơn nữa, họ nghi ngờ không chắc có những quả cam cụ thể; họ đi mãi đến chỗ chỉ tin vào tư tưởng, tức là thế giớI bên trong và không tin có ngoạI vât tức là thế giới bên ngoài hay là tưởng đâu ngoại vật là hiện thân của quan niệm. Độ nọ, trong Nam Bộ tín đồ Cao Đài mải đọc Tây Du và Phong Thần, tin rằng bà huyện S. là hiện thân của Cửu thiên huyền nữ; họ cũng “là người một thuyền một hội đâu xa” với các ông triết học duy tâm.

Mới ngó qua, dường như vấn đề triết học này là một vấn đề nhảm nhí, gàn, bàn để chơi. Nhưng kể ra, nó đã làm tốn hàng tấn giấy, hàng vạn lọ mực; người ta đã cãi nhau chung quanh nó hằng mấy thế kỷ nay, và những lời giải đáp vấn đề “tồn tại của ngoại giới” tiêu biểu được tư tưởng, xu hướng, thâm ý và hy vọng của các hạng người trong xã hội, nhất là xã hội cận đại.

Tôi nói: “Không chắc có ngoại giới” hay là tôi nói: “Chắc có thiên đàng, địa ngục sau khi người chết”, hai câu nói ấy tuy khác mà giống, chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Tôi nói không chắc có ngoại giới hay tôi nói không cần chiến đấu làm gì trong cuộc đời tạm thời, bảo anh này, hai câu nói tuy hai mà một, nó là hai anh em sinh đôi. Cứ theo ý nghĩa đó, ai cũng trông thấy ngay triết học gần gụi với tranh đấu của xã hội, với giai cấp phân tranh, với chính trị; cho nên vấn đề “tồn tại của ngoại giới” thật ra không phải là vấn đề viển vông mà thiết thực; nhà triết học không phải cãi để cãi, gàn cho đã nư gàn, thật ra nếu họ đáp phúc vấn đề một cách nào là theo thái độ, chính kiến, lợi ích gần hay xa của nhóm người mà họ thay mặt một cách vô tình hay cố ý. Chúng ta sẽ có những bằng chứng rõ rệt.

Vài bằng chứng sau đây chứng tỏ rằng vấn đề tồn tại của ngoại giới là một vấn đề rất sôi nổi trong triết học trong tư tưởng con người, chớ không phải là một vấn đề bất thành vấn đề:

a. Lachelier (một danh nhân Pháp hồi cuối thế kỷ 19) đã viết cho nhà triết học Boutroux những dòng sau đây:

Chắc ông có đọc một bài lạ thường của Marion về gia đình tiền sử. Việc ấy thật là ghê tởm. Phải nói rằng …lịch sử là một ảo mộng, quá khứ là một cái bóng; chỉ có lý tưởng và tuyệt đối là thực mà thôi…Dả sử là thực, lịch sử là sai1

b. Cứ theo giáo sư triết học Bachelard (xem quyển “Tinh thần khoa học mới”), mà riêng gì Bachelard, cả Bergson, Boutroux, Lachelier, cứ theo họ thì “cái gì tồn tại trong khoa học ? - Cái gì có ý nghĩa trong khoa học ? - Chỉ là tinh thần khoa học mà thôi, chứ không phải là vũ trụ khách quan mà ta tìm biết một cách khoa học, chỉ là hoạt động của tinh thần, chớ không phải là hành động của con người. Chỉ là thế giới bên trong chứ không phải địa vị của người trong vũ trụ”2

Vậy thì một số khá đông nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà chính trị, hoặc ra mặt hoặc dấu mặt, có ý định bằng cách này hay cách khác, thủ tiêu thế giới khách quan, thế giới vật chất mà họ gọi là đê hèn. Với họ thế giới này hoặc không có, hoặc không cần thiết phải có, hoặc có đi nữa thì cứ kể như nó không có đi.

Họ có thâm ý gì đây chứ ?

Và khi nhà triết học duy vật trả lời rằng ngoại giới là thực tại, chẳng những là để trả lời cho các ông duy tâm, mà cũng có cái lý do khoa học, và trước hết có lý do khoa học.

Nói một cách khác, vấn đề tồn tại của ngoại giới là một vấn đề thiết thực, quan trọng.

IV. GIẢI ĐÁP CỦA CÁC MÔN PHÁI DUY TÂM TRƯỚC VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA NGOẠI GIỚI

1. Duy tâm vô vật của Berkeley (1685-1753)

Trong mười mấy thế kỷ, kể từ đế chế La mã suy vong ở Tây phương, hễ người ta nghiên cứu, học hỏi, là nghiên cứu, học hỏi những sách vở của Platon, Aristote, Kinh Thánh; ở Đông phương mình cũng thế: trong hai ngàn năm dài, hễ nghiên cứu, học hỏi là chuyên trị những tứ thơ, ngũ kinh của Thánh, Hiền. Muốn làm bằng chứng tỏ rằng đấy là lẽ phải thì người ta chỉ cần có câu “Tử viết” (magistes dixil) hay là “Aristote nói”

Đến thế kỷ 16, ông Bacon, người Anh bảo phải học hỏi “trong quyển sách vĩ đại của tự nhiên”, gần như ông Tăng Tử bảo phải “Trí tri tại cách vật”. Nhưng “trí tri tại cách vật” của Tăng tử không có tiếng dội; sau ông, người ta chỉ “trí tri tại đọc thơ”. Trái lại Bacon đã phát động được phong trào nghiên cứu, học hỏi tìm tòi bằng quan sát và thí nghiệm, nhân tư bản chủ nghĩa bắt đầu phát triển khá ở Anh và Âu châu.

Quan sát, thí nghiệm, tư bản phát triển, cả thảy đều thúc đẩy duy vật luận tới trước.

Duy vật luận của tư bản lúc ấy đương tiến bộ chống lại duy thần luận của phong kiến, công giáo. Độc tài của nhà thờ đối với tâm trí nhân dân, bị duy vật luận của Bacon, Locke, Boyle đánh lùi, suýt ngã. Cho nên ông Berkeley, giám mục ở Cloyne mới nghĩ: muốn bênh vực công giáo và duy thần luận, phải chống duy vật luận, muốn chống duy vật luận, phải đánh tan căn cỗi của nó là vật chất, thế giới khách quan; ông đặt cho ông một cái nhiệm vụ thiêng liêng là đánh đuổi vật chất ra khỏi vũ trụ, cũng như Khổng Lô đòi tát cạn nước biển Đông. Ông Khổng Lô thì tát nước, ông Berkeley thì lý luận. Ông lý luận cách nào ?

Cứ theo những ý trong ba bài “Nói chuyện” của Berkeley thì: 

Nếu chúng ta lột những thuộc tính của vật chất, thì chúng ta không thể biết được vật chất là gì; ta biết vật chất chẳng là bởi thuộc tính của nó. Mà làm sao có những thuộc tính kia ngoài tinh thần của ta ? Người ta nói những thuộc tính của vật do tinh thần ta mà có, tại có tinh thần mới có nó là thuộc tính thứ nhì, hẳn như thế rồi. Nhưng thuộc tính thứ nhất, như bể rộng lớn, cũng là do tinh thần mà ra nữa… “Vật chất”, không gian, đều là sự trừu tượng, nghĩa là sự không có… Như thế, những ngoại vật, chung quy chỉ là cảm giác của ta thôi. “Vì sự vật cảm súc” là cái gì mà ta trực tiếp nhận được, cái mà ta trực tiếp nhận được là cảm giác, đâu phải ngoại vật ?”1

Nói cho dễ hiểu hơn, Berkeley bảo rằng không có sự vật bên ngoài; tôi không nhận được sự vật, tôi chỉ nhận được cái cảm giác của tôi thôi. Mà chắc gì hễ đã có cảm giác là có sự vật. Có việc tôi thấy mà không có thật: thấy chân trời, nhưng mà làm gì có chân trời ? Có việc như thế này mà tôi thấy thế kia, tay sưởi nóng, cảm nước này lạnh, mà tay ngâm lạnh cảm nước ấy lại nóng. Vậy thì tất cả sự vật đều là cảm giác, đều là ảo ảnh, là trừu tượng, là không có.

Đứa con tinh thần của ông Berkeley vừa đẻ ra đời, ông đặt cho nó cái tên “Duy tâm vô vật”.

Theo ông, không có thế giới nào gọi là khách quan, vật chất cả. Chỉ có thế giới cảm xúc mà thôi. Ông tự ý thủ tiêu vật chất, thủ tiêu ngoại giới, bằng cách không thèm biết đến nó nữa. Chắc thằng Tây thực dân nó học ông Berkeley, cho nên, gọi là muốn “hòa bình” ở Việt Nam, nó nói nó chỉ biết có tướng “không quân” Văn Xuân, Bảo Đại, nó nói nó không thèm biết đến mấy trăm trung đoàn Vệ quốc của ta. Chẳng biết có phải vì nó “không thèm” biết đến chúng ta là không có chúng ta chăng ? Chớ ông Berkeley không thèm biết đến vật chất mà, tôi thấy, vật chất chưa tùy ý riêng của ông Berkeley để biến mất đi đâu.

2. Thuyết “Hòa hợp thiên nhiên” của Leibnitz

Leibnitz trợ chiến cho Berkeley:

Thế giới khách quan, như chúng ta nhận được nó, là thuần túy “hiện tượng” nó là kết quả của sức tưởng tượng của chúng ta, nghĩa là của tư tưởng hỗn độn2

Theo lý này thì Leibnitz không hơn gì Berkeley. Nhưng khác với Berkeley, ông Leibnitz nghĩ rằng, mặc dầu ngoại giới là kết quả của tưởng tượng, nó không phải chỉ là bảo ảnh; bản chất của nó, Leibnitz gọi là nguyên nhất (monades), mà nguyên nhất cao cả hơn hết tức là Thượng đế; Thượng đế sắp xếp mọi việc trên đời chuyển vận theo ý tứ của ngài; ý tứ đó, ông gọi là sự “hòa hợp thiên nhiên”, ngoài cái ý tứ thiêng liêng ấy, không có gì gọi là quy luật khách quan của sự vật hết.

Vậy thì một phần nào, Leibnitz nhận có thế giới khách quan, nhưng ông xem sự vật ấy chẳng qua là ý muốn của Thượng đế, ông hoàn toàn phủ nhận những quy luật khách quan của thực tại; ông nói rằng cái mà người ta tưởng là quy luật chẳng qua là tài năng của Thượng đế thôi:

Thiên nhiên có mục đích dẫn ánh sáng từ một điểm này tới một điểm khác bằng con đường dễ dàng nhất.

Trời muốn thế! Trời bảo thế! Mục đích của trời sinh cỏ là để là nuôi bò ! Theo Leibnitz không phải tại có cỏ mà có nuôi bò; trái lại, tại có nuôi bò mà trời sinh cỏ!!”

Không rõ mục đích của Thượng đế là gì khi ông sinh ra con muỗi sốt rét nó bảo tôi run rẩy mấy bữa rày!

Theo ông, không có cái gì gọi là nguyên nhân luận của hiện tượng, chỉ có mục đích luận của Thượng đế mà thôi ! Nhà Giám mục Berkeley cố tiêu diệt vật chất còn có cái lý của nghề ông; nhà khoa học Leibnitz - người sáng tạo vi phân học - lại cắt nghĩa tất cả bằng ý trời, nói “Khoa học là phòng chờ của siêu hình học” thì quả trái đờI! Ông muốn cắt nghĩa một điều không khó hiểu bằng một điều càng khó hiểu hơn nữa: cắt nghĩa hiện tượng bằng Thượng đế.

3. Quan niệm luận của Kant (1724-1804)

Viết quyển “Phê bình lý trí thuần túy” ông Kant tiến một bước trên đường duy vật luận (1781). Rồi viết quyển “Phê bình lý trí thực tiễn”, ông lùi hai bước về ngả duy tâm luận (1788).

Khác với Berkeley và Leibnitz, Kant không hề cầu viện Thượng đế trợ lực với ông, ông nhận có ngoại giới và quy luật khách quan. Nhưng ông nhận có phân nửa thôi; ông nhận có ngoại giới gọi là hiện tượng, còn một phần khác gọi là ngoại giới “tự tại” thì, theo ông, nó mơ hồ, không thể biết được.

Nói một cách khác, ông chia ngoại giới ra làm hai, một bên là hiện tượng ta có thể biết được, một bên là bản chất thần bí, không thể biết được.

Hơn nữa ông nói rằng ngoài cái thế giới khách quan này có những “nguyên lý siêu việt” sẵn có trong trí ta; ta sinh ra đã sẵn có những nguyên lý siêu việt ấy rồi; nguyên lý siêu việt có trước kinh nghiệm ngoài kinh nghiệm, cao hơn kinh nghiệm; nó là những quy luật riêng của tinh thần do tinh thần đặt ra, ví dụ như quan niệm về không gian và thời gian để cho trí ta có thể nhận thức được sự vật (Kant; “Prolégomènes”).

Kant không cắt nghĩa cho ta biết những quan niệm siêu việt ấy, trí thức của ta tạo nó bằng cách nào, hồi nào, hồi ta mới tưởng trong bụng mẹ hay là hồi ta mới lọt lòng mẹ, trẻ con, người ăn lông ở lỗ, có sẵn trong trí những quan niệm thời gian, không gian như ông Kant hay không?

Thuyết của Kant nhắc lại cho ta cái thuyết “sinh nhi tri” của nhà nho khi nhà nho nói đến tài lực của bực “thánh” khác với “học nhi tri” của bực hiền và “khó nhi tri” của bậc bần gia. Nhưng, chính Khổng Tử đã đính chính ý đó, ngài nói rằng ngài nhờ học mới biết.

4. Duy tâm khách quan, tuyệt đối của Hégel (1776-1841) Fichte (1762-1814) và Schelling (1795-1854)

Thuyết duy tâm vì vấn đề tồn tại của ngoại giới cũng nhắc nhở cho chúng ta câu chuyện sau đây trong kinh sách của học trò ông Phật Gautama bịa hay chép ra: một hôm hai học trò của Phật ngó thấy gió thổi, buồm căng, thuyền lướt sóng, hai người cãi nhau; ông nói: gió động; ông nói: thuyền động; không ai chịu cả; cả hai kéo nhau vào hỏi Phật, Phật nói: gió không động, thuyền không động, chỉ con tâm của hai người động ! Nếu quả như ý kiến của kẻ viết chuyện này thì đây cũng là một cách phủ nhận sự thật bên ngoài, chỉ thấy, chỉ kể đến việc của tâm và tưởng ngược rằng tâm là gốc của vật, ý là gốc của thực, tại tâm động và mắt thấy gió động, thuyền trôi. Ai cũng biết rằng ý này là sai hẳn; kẻ chóng mặt thấy nhà cửa quay tròn, người say rượu thấy trời nghiêng, nhưng vì nó say rượu, nó chóng mặt.

Trái với Kant, ông Fichte nói: không có cái gì là “vật tư thân” hay “vật cho ta” cả; ngoại giới là gì ? - là cái “không phải tôi” (phi ngã) do cái “tôi” (bản ngã) sinh ra, bầy ra. Bản ngã, tôi, mới là thực tại duy nhất còn ngoại giới, phi ngã, chẳng qua là sản vật, là thuộc tính của bản ngã của tôi thôi.

Người ta gọi triết học này là duy ngã luận. Về mặt triết học thuần túy, ông Fichte đi đến mục duy tâm cực đoan. Đến ông chỉ còn có “tôi” là thật; tất cả cái gì khác tôi đều là hư vô, không có. Nhưng về tư tưởng xã hội, ông tiến bộ hơn.

Còn theo Schelling, thực tại vừa chẳng phải là bản ngã, vừa chẳng phải là ngoại giới. Thực tại là cái gì khác hơn, cao hơn, đặt cho nó cái tên “Tuyệt đối”, tất cả vũ trụ, tôi và ngoài tôi, đều do tuyệt đối sinh ra cả.

Vậy xét cho kỹ tuyệt đối tức là: Thượng đế, Thượng đế bị duy vật luận truy nã quá nên lấy “bí danh” là tuyệt đối. Song biến hóa cách nào cho khỏi mắt quan sát của Đời.

Khác với Fichte và Schelling, ông Hégel, một giáo sư triết học đã làm chúa nền tư tưởng Đức một thời ở trường Đại học Berlin, bầy ra thuyết duy tâm khách quan luận mà có người gọi là duy tâm tuyệt đối. Theo ông, phải nhìn nhận có thế giới khách quan, phải nhìn nhận có thực tại ngoài ta; hơn nữa, hễ cái gì là thực tại, cái đó là hợp lý, và cái gì hợp lý thì nó trở thành thực tại. Cái ngoại giới này sở dĩ có là tại lý trí tuyệt đối sinh ra. Trước khi có vũ trụ vật chất, đã có lý trí tuyệt đối từ bao giờ; lý trí tuyệt đối này trước tiên là một chân lý trừu tượng, hoàn toàn. Nó tự phủ định sinh ra vạn vật, vạn vật tự phủ định sinh ra khoa học, khoa học là hình ảnh của lý trí tuyệt đối, vạn vật là sản phẩm của chân lý hoàn toàn. Hégel chưa hề cho ta biết trước khi có vũ trụ vật chất này, làm sao có lý trí tuyệt đối, và làm sao lý trí ấy lại hiện hình thành vũ trụ vật chất ấy được? 

V. Đại ý của các nhà duy tâm và ý nghĩa xã hội của học thuyết của những triết gia ấy

Trên đây là những ý kiến của những triết gia có tăm tiếng nhất ở Âu châu về vấn đề tồn tại của ngoại giới. Đại để thì:

1. Hoặc những ông duy tâm triệt để nhất nghĩ rằng chỉ có tư tưởng, tinh thần là thực tại mà thôi, còn tất cả những sự vật bên ngoài đều là hình ảnh của tư tưởng, đều là mơ hồ, không có thật. Họ đi đến duy tâm chủ quan hay duy ngã.

2. Hoặc những ông duy tâm khách quan nhìn nhận có ngoại giới chắc chắn; song họ bảo rằng thực tại khách quan ấy đều do một ý chí tuyệt đối, một Thượng đế, một tư tưởng toàn lượng, toàn năng nào đó sản sinh ra hay hiện hình thành.

3. Hoặc dè dặt hơn, họ nhận có ngoại giới khách quan không bảo rằng lý trí hay Thượng đế sinh nó ra, mà bảo rằng ngoài ngoại giới ấy, trên ngoại giới ấy, có những nguyên lý siêu việt, thiêng liêng của trí giác tạo ra để cho ta nhận thức ngoại vật; và ngoại giới phải hợp với nguyên lý siêu việt kia, với quan niệm kia, mới thật là đúng. Nhiều hay ít họ chia sự vật ra làm hai tính, tính thứ nhất như rộng lớn, như thời gian và khách quan, tính thứ nhì như nóng lạnh, xanh đỏ, là chủ quan, hoặc chia vật làm hai, “vật tự nó” không thể biết nổi và “vật cho ta” hay gọi là hiện tượng thì ta có thể biết được.

Thật là những món ăn rất khó tiêu hóa.

Dầu sao, mấy luồng tư tưởng triết học trên đây phản chiếu những mâu thuẫn xã hội của thời đại, thời đại quá độ từ phong kiến sang tư bản, trong lúc phong kiến đương tàn tạ mà tư bản đương lên. Cho nên xem xét kỹ thấy có ba xu hướng rõ rệt:

a. Tư tưởng phản động của những giai cấp đương suy tàn; chúng nó phủ nhận giá trị căn bản của những thực tại, chúng nó thoát ly đời sống hiện tại để quay về quá khứ, quay về thần bí và thượng đế, quay về cái chết và cái hư vô.

Schelling tiêu biểu cho tư tưởng phản cách mạng của phong kiến suy tàn; ông lên án sự tiến bộ, lên án cái tương lai, lên án cái gì phá trật tự sẵn có. Theo ông, hiện tại sở dĩ có giá trị chẳng qua là bởi căn nguyên của nó, bởi quá khứ của nó; vậy phải trở về quá khứ mà tìm chân giá trị của hiện tại, phải căn cứ vào quá khứ mà tổ chức hiện tại.

Berkeley cũng thuộc về xu hướng phản động như Schelling. Và xét trong văn học Việt Nam, ngó lại những cuộc thảo luận về Kim Vân Kiều, Nho giáo, ta sẽ thấy Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh đã cố gắng làm như thế, như Schelling Berkeley, nhưng làm một cách thiếu triết học; thiếu nghệ thuật cho nên không làm tròn nhiệm vụ của đế quốc giao cho là cố gieo rắc và kiện toàn một tâm hồn thủ cựu về văn học.

b. .Xu hướng bảo thủ cố biện hộ cho những hạng người đương nắm chính quyền: họ lên án cái quá khứ hư hỏng đã bị qua mất, nhưng họ ngừng sức tiến hóa ở hiện tại thôi; theo họ hiện tại mới có giá trị tuyệt đối, hiện tại là tiêu biểu cho chân lý vĩnh hằng.

Hégel không biện hộ cho quá khứ; ông cho việc đã qua là việc quá thời rồi, nhưng ông ngừng sự tiến hóa ở hiện tại, cho rằng hiện tại đã là hình ảnh của chân lý tuyệt đối: “cái gì thực tại, cái đó là chí lý”; ông bênh vực nhà nước Phổ lỗ sĩ, nói rằng nó đã là chân lý hiện thân rồi.

Tư tưởng của  Kant tiêu biểu cho giai cấp tư bản lừng chừng, tới không dám tới mạnh, lùi chẳng nỡ lùi xa, một bên là muốn chống trật tự phong kiến, để hoàn thành thống trị của giai cấp tư bản đương phát triển, một bên là sợ dân chúng sau mình càn lưng tư bản mà đứng lên; nhị nguyên luận, bất khả tri luận của Kant rõ ràng tiêu biểu một thái độ của tư bản Đức lúc ấy trước thực tại xã hội…

c. Thứ ba là xu hướng cách mạng ảo tưởng của những hạng lao khổ đương tiến triển mà thiếu giác ngộ, nó đánh đổ hiện tại, nó không ngó về quá khứ, nhưng họ chỉ trông tương lai qua những mộng tưởng của cá nhân, họ chưa thấy rõ tương lai là thế nào. Họ cần phá đổ cái cũ mà chưa biết xây dựng cái gì mới. Họ cần giải phóng mà chưa biết phải giải phóng bằng cách nào. Ông Fichte, qua cái duy ngã luận của ông, đã dựng lên một tin tưởng kiến thiết không tin vào hiện tại bất công mà đứng trước một tương lai còn mờ mịt.

Phải đến duy vật luận thì tư tưởng cách mạng của nhân dân trong triết học mới vững vàng: nhận thức ngoại giới để cải tạo ngoại giới theo lợi ích mình.

VI. PHÊ BÌNH CÁC LỜI GIẢI ĐÁP DUY TÂM

1. Không có thế giới khách quan chăng ?

Từ chỗ giác quan đôi khi gạt gẫm ta mà đi đến kết luận rằng không có ngoại giới thì sai hẳn. Ta trông lên không trung thấy có lưng trời, mà thật ra không có lưng trời; ta thấy sao nhỏ mà sao to; ta thấy mặt trời dẹp mà mặt trời tròn; rồi do chỗ thấy sai đó, ta nói rằng không có không khí, không có ngôi sao, không có mặt trời, thì sao phải lẽ. Mùa hạ trời nóng ta thấy nước suối mát lạnh mùa đông trời lạnh ta thấy nước suối đó ấm nóng; rồi nếu do đó ta nói rằng không có nước thì lầm to. Anh tình duyên lờ vờ với chị, anh chị thương nhau mà sâm thương đôi ngả thì có vì lý ấy mà anh nói rằng không có chị và chị nói rằng không có anh được chăng ? - Không. 

Nếu quả ông Berkeley hiểu đúng lý phải thì không có cây bút ông viết, miếng bánh ông ăn, cái nhà ông ở, bức tượng ông thờ, mà chính ông cũng là ảo mộng của cảm giác nữa vì đối với kẻ khác đương quan sát ông, ông là một sự vật như cái nhà, chiếc bút, miếng bánh. Trước khi ông sinh, đã có ngoại giới; từ ngày ông chết ngoại giới hãy còn. Vậy ngoại giới rõ rằng là một sự thật khách quan, vật chất.

Thật tình, chúng tôi không hiểu tại sao ông Diderot lại bảo rằng tư tưởng Berkeley là tư tưởng vô lý nhất mà khó công kích nhất (xem “bức thư về người mù”). Vô lý nhất thì đúng, khó công kích nhất là sai.

Chính Berkeley cũng đã bị công giáo công kích nữa vì ông đi quá trớn, cho đến đỗi, nếu sự vật bên ngoài đều là mơ hồ thì hoặc là nhà thờ, thánh giá, bức tượng mơ hồ hoặc là Thượng đế đã ngớ ngẩn mà tạo ra việc mơ hồ, chánh Thượng đế không ở trong ta mà ở ngoài ta sẽ là một điều mơ hồ nốt. Cái mâu thuẫn nan giải của ông Berkeley chính là khốn nạn chung cho tất cả các nhà duy tâm vậy. 

Bây giờ, bên phái duy tâm luận không còn ai công nhiên bảo vệ Berkeley nữa, không còn ai dám trực tiếp nêu ra thuyết duy tâm chủ quan, duy ngã nữa, vì nó tuyệt đối trái với khoa học, trái với nhận định thông thường của mỗi người.

Tin có trời, Phật, Thánh, Thần phò hộ, tuy trái khoa học mà còn có người tin được, tin vào tồn tại của đấng thần linh; nhưng tin rằng không có đình chùa, chuông, mõ, không có cha, cố, sư sãi thì còn ai tin được, còn ai hiểu được ?

2. Thượng đế hay lý trí tuyệt đối sinh ra vạn vật chăng ?

Trước khi có loài người đã có vạn vật, loài người phải phát triển hàng mấy chục vạn năm, trí não mới mở mang, trí não có mở mang mới có quan niệm về Thượng đế, về lý trí tuyệt đối; vậy cả Thượng đế và lý trí tuyệt đối đều là con đẻ của con người, thì chúng nó làm sao sinh ra vạn vật được. Hậu sinh sinh sao được tiền sinh ? Phê bình siêu hình học, Voltaire viết:

Những hệ thống siêu hình học giúp vui cho nhà triết học, như tiểu thuyết giúp vui cho đàn bà” (“trả lời ngắn cho diễn thuyết dài của một bác sĩ Đức”)

Hay là:

Siêu hình học vui hơn là hình học, thường thường nó là tiểu thuyết của trí tuệ ? Học hình học phải làm toán, phải đo lường. Như vậy thì bận rộn luôn, nên nhiều ông muốn êm đềm mơ mộng hơn là muốn mệt trí. 1

Hay là:

“Tranh luận về siêu hình học giống như những quả bóng hơi mà người ta trao qua lại cho vui; quả bóng vỡ đi, hơi bay ra, không có gì nữa cả ”.

Voltaire công kích “mục đích luận” của Leibnitz và bè bạn:

“Một cánh đồng xanh cỏ vì chất đất của nó, vì mưa tưới vào, chớ nào phải vì bầy ngựa cần ăn cỏ, ăn bông mà có bông có cỏ ? ”

Marx xem Hégel như một bậc tiền bối đáng kính của mình, nhưng Marx công kích rất mạnh “lý trí tuyệt đối” có trước vạn vật của Hégel.

Luận về những chỗ phân biệt giữa ông Hégel, Karx Marx viết:

“Phương pháp biện chứng của tôi chẳng những khác trong căn bản, mà trái hẳn với phương pháp của Hégel, theo Hégel vận động của tư tưởng mà ông gọi là ý kiến, là mẹ đẻ của thực tại, chỉ là hình thức hiện tượng của ý kiến. Theo tôi, trái lại, vận động của tư tưởng chỉ là phản ảnh của vận động thực tại đem vào, để vào trong trí não của con người.” 1

3. Vật có hai thứ thuộc tính, thuộc tính thứ nhất là khách quan, thuộc tính thứ nhì là chủ quan chăng ?

Những nhà triết học duy tâm nào không duy tâm triệt để, hay những nhà duy vật không duy vật triệt để, thì vừa nhận có thế giới khách quan, vừa nói rằng vật có hai tính, một thứ tự nó có, một thứ do ta nhận thức nó mà sinh ra. Thuộc tính thứ nhất như rộng lớn, cứng rắn v.v… là khách quan, do vật; thuộc tính nhì, như màu mè, nóng lạnh v.v… là chủ quan do ta.

Hiểu như vậy cũng sai nữa. Sự vật đã là khách quan thì thuộc tính nào của nó cũng là khách quan cả. Cây to, cây nhỏ, to nhỏ là khách quan, không anh, không tôi, nó cứ to hay nhỏ. Cây cháy lên, nó nóng, anh sờ vào thì nóng, kiến bò lên thì chết thiêu, củ khoai gần nó phải chín; thế thì nóng ấy có phải chủ quan đâu; anh có cảm giác chắc chắn, còn củ khoai thì có cảm giác gì ?

Đã là sự vật thì khách quan, hoàn toàn khách quan. Và ngay anh, thân thể anh, trí não anh, tư tưởng anh, cảm giác anh cũng là khách quan đối với tôi rồi, nó chỉ là đều chủ quan đối với anh mà thôi.

a. Có vật tự tại “bất khả tri” chăng ?

Engels phê bình “vật tự tại” “vật tự nó” của Kant như sau đây:

Nếu chúng ta chứng thật được quan điểm của chúng ta về một hiện tượng tự nhiên, bằng cách tạo nó ra, bằng cách nhờ những điều kiện của nó mà sinh ra nó, mà thứ nhất là dùng nó để đạt mục đích của chúng ta, thì còn chi cái “vật tự nó” không thể nắm được của Kant.

Những chất hóa học sinh ra trong cơ thể của thảo mộc và của cầm thú, trước kia ta tưởng đâu là “vật tự nó” cho đến ngày hóa học có thể đã chế tạo được những chất ấy, chất này rồi chổ chất khác; từ đó, “vật tự nó” trở thành ra “vật cho ta”; tỉ dụ như chất màu a-li-ga-rin của cây ga-răng, xưa kia ta lấy trong một thứ cây trồng ngoài đông, bây giờ ta lấy trong cặn than đá, lấy dễ hơn, lại rẻ hơn. Hệ thống mặt trời của Copernic, trong ba trăm năm dài là: một giả thuyết mà ta có thể đánh cá mất trăm, ngàn, vạn, ăn chỉ một thôi, nhưng dù sao nó chỉ là một giả thuyết. Mãi đến khi nhờ những con số đo hệ thống ấy chỉ dẫn ra, ông Leverner chẳng những làm toán mà biết rằng nhất định phải có một tinh tú chưa tìm thấy, mà lại biết trước rằng tinh tú ấy nhất định ở nơi nào trong không gian và từ khi ông Galilée về sau tìm thấy tinh tú ấy, thì hệ thống của Copernic đã được chứng thật1

Bản chất nguyên tử của vật, lâu nay là “vật tự tại” là “bất khả tri”; bây giờ, người ta phá vỡ nguyên tử, dội bom nguyên tử xuống Hiroshima, làm pin nguyên tử thì cái “bất khả tri” hóa thành cái “khả tri”, cái “vật tự tại” cho nó, thành ra cái vật thiết thực cho ta.

Nói tóm lại, chỉ có vật; không có vật tự tại, vật tự nó, khác với hiện tượng của vật như Kant bày đặt ra. Không có lý do gì xác đáng để vừa nhận có thế giới khách quan, vừa dấu phần nửa cái thế giới khách quan ấy trong chiếc màn thần bí cả.

b. Có những “quan niệm trời cho” có những “nguyên lý siêu việt” không ?

Làm gì có những “quan niệm trời cho”, “những nguyên lý siêu việt”, trước khi con người có kinh nghiệm thực tế. Quan niệm trời cho hồi nào ? Sao anh nông dân dốt nát của rừng núi Phi châu cũng là người như Kant, Leibnitz, Mallebranche, mà không có quan niệm trừu tượng về không gian, về thượng đế, về hình tam giác ? Đời này sang đời nọ, nếu không thấy tuyết, không thể có quan niệm về tuyết. Đời này sang đời nọ, nếu không có thấy tàu bay, làm sao có quan niệm về tàu bay.

Phải có nhiều kinh nghiệm thực tế rồi trí não con người mới trừu tượng hóa những điều nhận thấy được mà sinh ra quan niệm. Như quan niệm hình tam giác sỡ dĩ có được là bởi ta dùng, ta vẽ, ta thấy vô số các hình tam giác cụ thể.

Trước khi ta biết dùng công thức a2 thì ta đã mấy ngàn mấy vạn lần nhân số 2 cho 2, số 3 cho 3, số 4 cho 4, v.v… Sau đó mới biết dùng “A” đại thể cho bất cứ số nào, và viết a2.

Trước khi có công thức RI2T ( định luận Joule về điện học), học giả đã làm toán biết bao nhiêu lần mới tìm ra định luật, thí nghiệm bao nhiêu lần để đo vô số điện trở (R) của giây, cường độ của luồng điện (I), phải dùng đồng hồ để xem điện chạy lâu hay mau (T).. rồi phải làm bao nhiêu tính toán mới tìm ra định luật “RI2T” , chứ đâu có phải ông Joule moi cái bùa “RI2T” từ trong óc thông minh của ông ra đâu ?

Toán học dù sâu xa mấy, cho đến giải tích, vi phân, đều phát khởi điểm ở cách đếm một, hai, ba trên ngón tay hay ghi vội trên gỗ, đá.

Vậy nguyên lý không phải là khởi điểm của sự nghiên cứu, của kinh nghiệm thực tế, nó là kết quả của sự nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, sau đó mới đặt dần được thực nghiệm. Và hễ khi nào nó hợp với thực tế là nó đúng, sai với thực tế là nó lầm.

Nhiều nhà duy tâm còn đi xa hơn Descartes, Kant, để nói rằng “chính quan niệm mới là bản tính của sự vật”: ví như trái cam, trái quýt, trái bí, trái cà, tất cả các thứ trái đều là hình thái phát triển của quan niệm trái cây trừu tượng; sự vật là hình ảnh, mà quan niệm mới là thực tế.

Quả là để đầu xuống đất, đưa chân lên trời ! Quả là lấy bóng làm hình, lấy hình làm bóng.

Họ đi sâu vào trừu tượng, vào quan niệm rồi tưởng đâu thực tại là quan niệm, dè đâu nếu không có các thức trái cây thực tế, làm gì có quan niệm trái cây trừu tượng. Những nguyên lý siêu việt, phi kinh nghiệm kia cũng thế thôi.

Các nhà duy tâm quan niệm luận này, đi từ chỗ nhận có thế giới khách quan để tới chỗ tạo ra một thế giới quan niệm mà họ cho là thực tại, rồi họ cho thế giới khách quan là hình ảnh của thế giới quan niệm xa thực tại kia. Họ giống như anh thợ chạm lấy gỗ, chạm hình ông thần, đốt hương trước mặt gỗ, lạy gỗ, rồi mãi như thế, anh tin có ông thần thật, còn miếng gỗ chánh là ông thần ấy.

c. Tinh thần khoa học mới” giáo sư Bachelard không có gì mới cả mà chỉ duy tâm thôi

Giáo sư Bachelard, trong quyển “Tinh thần khoa học mới” đã thảo luận rất dài về những phát kiến của khoa học trong những năm gần đây. Sau khi nhắc đến các nhà bác học có tài như De Broglie, Dirac, Einstein, nhắc đến những phát kiến của các ông ấy, thì trên lập trường triết học, ông Bachelard kết luận rằng:

Tinh tuý của thực tại là toán học” (Le vérilable  est d’essence mathématique)

“Vật chất bị hủy thể, tiêu tán đi” (La matière s’évanouit)

Các nhà bác học đều tư tưởng nghịch lại với trí não của các ông” (Les savants pensent contre leur cerveau)

Không riêng gì ông Bachelard ! Các nhà tư tưởng duy tâm của thời đại khoa học thịnh hành này - thời đại nguyên tử này - đều vô tình hay cố ý, cố ý hơn là vô tình, tiếp nối cái công trình của tiền bối duy tâm của họ, để cố gắng thủ tiêu vật chất, thủ tiêu thực tại hay là xem thực tại như là kết quả của tư tưởng, xem tư tưởng (toán học) như là thực tại đầu tiên, và nhà khoa học đi từ những phương trình toán học.

Phương trình toán học là thực tại đầu tiên, căn bản chăng ?

Vì tính cách vòng đầu của không gian ( do học thuyết và toán học của Einstein) mà các vật, các tinh tú xô nhau, hút nhau chăng ?  

Ông Bachelard chỉ có công đem đại thể cái “phương trình” toán học cho “ý kiến trời cho” của những nhà duy tâm như Leibnitz, Mallebranche. Ông cố ý bảo nhà bác học đi từ lý luận tới thí nghiệm khoa học, đi từ ý kiến tới thực tại, đi từ tinh thần tới vật chất. Trái lại mới đúng; phải đi từ vật chất tới tinh thần. từ thực tại tới ý kiến, từ thí nghiệm tới lý luận. Toán học, lý học ngày nay dễ làm cho các nhà triết học mờ mắt, chỉ còn trông thấy những “phương trình” mà không cần thấy thực tại nữa. Nhưng họ lầm. Các lý thuyết, các giả thuyết thay đổi để đúng sự thật của kinh nghiệm khoa học, và khi nào nó trái với kinh nghiệm thực tế thì phải can đảm bỏ nó đi hay sửa nó đi. Thuyết quang tuyến Z, quang tuyến N sai thực tại nên tiêu ma; các thuyết về vũ trụ, về khoa học, kế tiếp nhau mà tiến, mà thay, thay để tiến gần thực tại; vậy thực tế, ngoại giới mới quả là điều căn bản, còn phương trình toán học tuy quan trọng vô cùng, vẫn là điều kế tiếp, phụ thuộc cho thực tại.

Ông Bachelard lấy làm lạ tại sao, từ phương trình toán học của Dirac, người ta làm toán thấy có 2 trọng khối chớ không phải là một: trọng khối dương và trọng khối âm. Rồi ông tưởng đâu phương trình Dirac sinh ra trọng khối âm, dè đâu có trọng khối âm thì phương trình Dirac mới được xác nhận cũng như có điện lượng âm và điện lượng dương thì thuyết của Marxwell mới được chứng nhận phần nào.

Lẽ phải quyết định vẫn ở trong chân lý khách quan, trong thực tại, không phải ở trong giả thuyết, trong phương trình toán học nào đó học giả tự ý bày ra. Sau khi ông Leverrier làm toán, quả quyết có một ngôi sao đâu đó thì ông Gall tìm ra sao Hải vương (Neptune). Như thế không phải là sao Neptune thực hiện phương trình toán học của Leverrier đâu, mà chánh là phải có tìm được sao Neptune thì phương trình toán học của Leverrier mới có ý nghĩa thực. Mấy năm sau, chính ông Leverrier theo cách cũ làm toán và tin rằng có một ngôi sao khác làm cho sao Mercure chuyển vận bất thường, thì tìm mãi không thấy ngôi sao bí mật ấy. Phương trình toán học đó phải sửa đổi lại, chớ không phải nhà thiên văn phải tạo một ngôi sao để chứng thực phương trình toán học của Leverrier.

Trước kia người duy tâm muốn không thèm nhận có vật chất, bây giờ người duy tâm nói vật chất tự tiêu tán. Trước kia, người duy tâm bảo Thượng đế, Lý trí, Chân lý sinh ra vật chất, thì bây giờ nhà duy tâm cố ý tìm thực tại từ trong các “phương trình toán học” ra. Họ làm một công việc trong hai thời, họ đều thất bại, vì trái khoa học. Không thể buộc tự nhiên, sự vật thích hợp và nguyên lý của ta bày đặt vào quan niệm của tri giác mà bắt buộc quan niệm, nguyên lý phải hợp với thực tế trong đời, nói mới đứng đắn và có ích.

“Vật chất tiêu tan đi rồi”, ông Bachelard hô lên, ông nói: xưa kia người ta nói “vật chất có năng lượng” bây giờ phải nói “vật chất là năng lượng”. Nhưng, ông quên nói năng lượng là vật chất; vật chất hóa thành năng lượng, có phải vì thế mà vật chất tiêu tan như giọt dầu xăng trên lòng bàn tay đâu ! Không ! Nó chỉ biến đổi ra một hình thức khác, một phẩm chất khác nhưng nó vẫn là vật chất; và năng lượng ấy, người ta đo được, lượng được, dùng được, nó không phải là hiện tượng tâm hồn của thiên thần hay lý trí nào đâu (Hơn nữa ngày nay khoa học đã đi tới chỗ làm cho năng lượng biến thành vật chất).

Vật chất không tiêu tan đâu. Nó chỉ biến hóa thôi. Và tự năng lượng nó có thể biến hóa thành một vật rờ dụng được chiếm phần không gian. Khoa học tiến đến trình độ phát minh năng lượng nguyên tử chẳng những không đánh đổ nổi duy vật luận mà còn làm sáng tỏ thêm duy vật luận biện chứng pháp. Bachelard và học phái duy tâm ngày nay cố tiếp nối theo Berkeley, nhưng cũng không may mắn hơn Berkeley đâu! 

Nói chung, các mầu duy tâm luận đứng trước vấn đề tồn tại của ngoại giới, đều phạm vào một lỗi tổ tông là: chủ quan, tách tinh thần ra khỏi sự vật, lấy hình làm bóng, lấy bóng làm hình. Chừng nào sau ngọn đèn, bóng tôi trên vách sinh ra tôi, chừng nào trước tấm gương, tại ảnh của anh cười, nên người anh cười thì, chừng ấy duy tâm luận mới đứng được.

VII. GIẢI ĐÁP CỦA DUY VẬT LUẬN

1. Trước Karl Marx

Từ lâu, duy vật luận đã có thái độ rõ rệt trước vấn đề tồn tại của thế giới khách quan. Cứ theo ý kiến của Héraclite thì:

“Thế giới là một, không có thượng đế nào, người nào tạo ra ra nó cả; nó đã là, đương là và sẽ là một ngọn lửa vĩnh viễn sống, ngọn lửa bùng lên và tắt xuống tùy theo quy luật nhất định”.

Dựa bên ý kiến sâu xa của những nhà triết học, có ý kiến thông tục của dân chúng; duy vật luận thông tục của dân chúng chưa hề nghi ngờ là không có ngoại giới; làm ruộng, cấy lúa, bị nắng hạn, hay lụt lội, được mùa hay mất mùa, v.v… thì còn ai nghĩ được rằng mưa, nắng, lúa, ruộng kia là mơ mộng của cảm giác đâu ? Cho đến những kẻ thất tình cũng chưa hề cho tình nhân là ảnh tượng trong giấc mộng.

Tuy nhiên nhược điểm của thường dân là hoàn toàn tin cậy vào nhận thức của giác quan, thấy vật thế nào thì tưởng tin rằng nó thế ấy; khoa học còn kém thì nhận thức của lý trí chưa đủ kiểm soát, sửa chữa những nhận thức của cảm giác, đó là lẽ tự nhiên cho nên lạ gì mà dân dốt nát tưởng đâu ngôi sao nhỏ hơn mặt trăng và mặt trời xoay chung quanh trái đất. Nhưng dẫu sai chi đi nữa, họ không sai lầm cho đến đỗi nói ngôi sao, trái đất, mặt trời là ảo mộng của tâm trí ta.

Một phần nào, Aristote đại diện cho thứ duy vật luận thông tục ấy, ông chỉ thấy hình thức của vật, nghĩ rằng vật tức là hình thức của nó; ông chỉ thấy một số thuộc tính của nó, rồi nghĩ rằng vật tức là số thuộc tính ấy thôi, như nóng, lạnh, tròn, vuông, to, nhỏ, chưa thấy bản thể vật chất của nó là gì, vật chất là thế nào. Nói một cách khác, ông chưa thấy rõ ràng phân biệt mà thống nhất giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, chưa rõ sự biến hóa của sự vật, cho nên bị duy tâm luận dễ bề công kích. Kể ra, hồi hơn hai ngàn năm về trước, lúc con người chưa rõ hẳn bề ngoài của sự vật mà chúng ta đòi họ biết bản tánh của vật thể đòi hỏi làm sao ?

Descartes, Locke là những nhà triết học duy vật trong đại thể, nhận có ngoại giới khách quan; hai ông hỏng ở chỗ phân chia thuộc tính của vật ra làm hai, thuộc tính khách quan và thuộc tính chủ quan; sự phân biệt độc đoán ấy giống như bậc thang cho duy tâm luận trèo lên. Hai ông ở trong thời khoa học chưa tiến mấy, thì chỗ sơ suất kia, ta có thể hiểu dùm cho hai ông ấy được.

Descartes đi qua sân duy tâm luận để vào nhà duy vật luận; tuy ông chưa hề hoài nghi sự tồn tại của ngoại giới, nhưng phương pháp hoài nghi của ông bắt đầu từ chỗ hoài nghi sự tồn tại của chính ông, rồi dường như ông đem tư tưởng làm bằng chứng cho tồn tại; ý tưởng siêu hình đó là khởi điểm của bao nhiêu học thuyết duy tâm như học thuyết của Mallebranche, Leibnitz, còn lý học duy vật của ông được La Mettric, Diderot, tiếp nối: một ông thầy, hai thứ trò trái nghịch nhau.

Locke nói: ta nhận thức nhờ cảm giác; ông nói như thế là đúng mà thiếu; thiếu ở chỗ ông chưa trông thấy rằng ta nhận thức trước hết vì ta hành động, vì ta thực hành; hóa ra các nhà triết học sau ông, một cánh môn đồ duy tâm như Berkeley thì bảo; nếu quả ta nhận thức nhờ cảm giác thì ta chỉ nhận thức cái cảm giác của ta thôi, chưa phải là nhận thức ngoại giới; còn cánh môn đồ duy vật như Diderot, lại dựa vào phần duy vật luận của Locke và Descartes.

Marx phê bình duy vật luận trước Marx như sau đây:

“Sai lầm chánh của duy vật luận đã qua - kể luôn duy vật luận của Feuerbach – là họ chỉ xem sự vật thực tại, xem thế giới cảm xúc như là những vật  hay là những hình thái của trực giác chớ không xem thực tại như là hành động cụ thể của người, như là thực tiễn…” 1

2. Chủ nghĩa Mác về vấn đề tồn tại của thế giới khách quan

Chủ nghĩa Mác về vấn đề này có những điểm chính sau đây:

a.“Ngoại giới là khách quan, thực tại, không chối cãi được; nó không tuỳ ý thức ta mà có, không tuỳ cảm giác ta mà sinh”

b.“Duy vật luận triết học của Mác phát khởi từ nguyên tắc này: trong bản tính của nó, thế giới là vật chất”

c. “Vô số những hiện tượng của vũ trụ toàn là những trạng thái khác nhau của vật chất vận động”

d. “Các hiện tượng quan hệ nhau, làm điều kiện lẫn cho nhau, là những quy luật tất yếu của sự phát triển của vật chất vận động”

e. “Vũ trụ phát triển theo quy luật vận động của vật chất và không cần thiết phải có “tinh thần thế giới” nào cả” 2

  Thật là rõ ràng, thật là đầy đủ, Staline đã bầy giải quan điểm của chủ nghĩa Mác, của duy vật luận biện chứng pháp về vấn đề đầu tiên của triết học: tồn tại của thế giới khách quan; trời, đất, người, cả thế giới chung quanh ta; kể luôn ta, đều là thực tại, là vật chất trong căn bản; dầu tinh tú, không khí, nắng mưa, cây trái, thú, người, đất đá, sống chết, tất cả đều là những hình trạng khác nhau của một thứ vật chất; vật chất luôn luôn biến hóa, biến hóa không phải một cách hỗn độn mà biến hóa theo quy luật tất yếu, quy luật tất yếu này cũng là sự thật khách quan, quy luật của sự vật, của vật chất chứ không phải quy luật của ông Thượng đế hay lý trí, hay tinh thần siêu phàm nào cả.

Staline đánh đổ tất cả các mầu thần bí, các lối nhận thức chủ quan, mục đích luận, duy tâm, các thái độ hoài nghi, do dự.

Chưa khi nào có một nhà triết học giải đáp vấn đề “tồn tại của ngoại giới” một cách đầy đủ, rành mạch và súc tích như Staline.

Trước chủ nghĩa Mác, những nhà duy vật cơ giới xem xét thế giới khách quan ngoài sự hành động thực tế của con người. Cho nên rốt cục, họ chỉ tạo nên được một học thuyết bàng quan thiếu năng lực giúp họ nhận thức rõ ràng, thế giới khách quan và cải tạo thế giới khách quan ấy.

Trái lại với duy vật luận cơ giới, những nhà triết học duy tâm, một mặt quy ngoại giới về tinh thần, họ tự tiện thủ tiêu tính chất thực tại và khách quan của sự vật; một mặt nữa, họ chỉ thấy sự hoạt động của tri giác để nhận thức ngoại giới, mà không thấy rằng sỡ dĩ con người nhận thức được ngoại giới nào phải vì suy tưởng mà trước hết vì hành động, vì thực hành, vì lao động. Lao động mới thật là cái nối liền giữa người và vật, giữa khách quan và chủ quan, làm cho người thâm nhập vào tự nhiên, tự nhiên thâm nhập vào người và người vật, tâm vật, chủ khách trở thành thống nhất thực sự, không tách rời nhau hẳn, không tuyệt đối mâu thuẫn nhau.

“Có hay không có thế giới khách quan ?”

Nhà duy vật trả lời rằng có. Và thêm: thế giới ấy là vật chất, vật chất vận động với thiên hình vạn trạng của nó, vận động với quy luật khách quan của nó, không cần có lực lượng nào thần bí can thiệp vào.

Đến đây, triết học tự đặt một vấn đề khác: Vật chất là gì? Quan hệ với sinh hoạt, với tinh thần ra sao ? Đó là vấn đề của bài sau

3. Ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cách giải đáp của chúng ta

Nói tóm một câu, vũ trụ quan duy vật là gì?

Vũ trụ là thực tại, vật chất  biến đổi theo quy luật khách quan, và ta có thể biết nó.

Chính vì hiểu như thế, nhận thức như thế cho nên:

a. Học giả duy vật thấy trước mắt mình không có giới hạn nào ngăn trở đường tiến bộ của người; người cần phải làm chủ tự nhiên, cố sức làm chủ được tự nhiên. Nếu nghiên cứu mà nghi ngờ rằng sức ta có hạn, ta không thể biết được, thì lòng hăng hái sức tìm tìm tòi phải vì đó mà giảm đi, ý tin cậy thiếu vững vàng, A.E. Fersman, trong hàn lâm khoa học Liên xô viết:

“Chỉ quả quyết rằng có thể biết được vũ trụ, là một khuyến khích căn bản cho hoạt động khoa học của chúng ta. Vũ trụ quan của chúng ta căn cứ vào sức tin chắc chắn rằng tất cả những quá trình tự nhiên đều theo quy luật”.

b. Nếu quả trong vũ trụ có những quy luật khách quan, thì nhiệm vụ của các nhà bác học không phải là tùy ý riêng mình, tùy những phương trình toán học xa thực tại mà tìm thực tại; trái lại tuy thí nghiệm khoa học mà sửa chữa mãi ý thức của mình, phương trình toán học của mình cho hiệp với thực tại, quy luật khách quan.

Biết là gì? nếu không phải là nhận thức được, làm chủ được những quy luật khách quan ấy ?

Chính vì trong tự nhiên có quy luật khách quan nên nhận thức của ta mới thành khoa học.

Xã hội là bộ phận của tự nhiên, của vũ trụ không thể không có những luật khách quan quyết định sự liên đới của nó, thì chánh đảng cách mạng, người cách mạng cần hiểu quy luật ấy, hành động theo một chương trình khoa học chứ không phải tùy ý riêng của từng cá nhân.

c. Nếu quả vũ trụ là thực tại và vật chất, không có tinh thần nào, lý trí nào tạo nó ra, thì tức nhiên các mầu thần bí đều tiêu ma, chỉ còn có khoa học mà không còn thần học. Và, thực tại đó, vật chất đó là nền tảng quyết định tất cả các sự biến đổi chính.

d. Bài học quan trọng là bất cứ ai, dầu nhà khoa học, dầu nhà chính trị, dầu nhà quân sự… đều phải xét đoán một cách khách quan; có thể xét đoán mới đúng và hành động mới đúng. Lấy ý mình cho là thực tế, lấy lòng mình làm chứng cho sự thật là chủ quan. Đã chủ quan thì không rõ hết thực tại bên ngoài ta, hành động tất nhiên phải sai lạc, phải bị thất bại, chủ quan là một màu triết học duy tâm, một cách vô tình hay cố ý không thừa nhận ngoại giới, ngoại vật, không thừa nhận thực tại.

Trong quyển “Sửa đổi lối làm việc”, ông X.Y.Z cho nó là một chứng bệnh, là bệnh quan trọng nhất mà mỗi người cần phải sửa chữa trước hết. Vô hình trung ông X.Y.Z tuy không trực tiếp bàn đến triết học, giải đáp một cách thiết thực, giải đáp theo duy vật luận.

Ký hiệp định 6-3-1946 giữa lúc 99% đồng bào muốn đánh, cụ HỒ CHÍ MINH tỏ ra là một nhà chính trị tài cao mà cũng là một nhà triết học sâu sắc, chín chắn, không vì bồng bột của tấm lòng mà phủ nhận hay xem rẻ thực tại khách quan.

Thái độ khách quan là thái độ khoa học; là chìa khóa của các sự thành công, bất cứ về phương diện nào.

Khách quan không phải là bàng quan. Bàng quan là xem cho biết, chỉ biết rồi thôi, như người xem hát. Khách quan là hiểu cho rõ, rõ để cải tạo, để tiến bộ, để xoay chuyển cả một cuộc đời.

 



1 Fr.Engels, L.Feuerbach, quyển , ES, 1945, các tr 18-14.

2 V.Lénine, Marx, Engels và chủ nghĩa Marx, E.S.I,  1935, tr. 17.

1 J.Staline,Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, 1945, tr 13.

1 Thơ tín, tr. 113-114)

2 H.Mougin, Tinh thần bách khoa và truyền thống triết học Pháp, Tạp san La Pensée số 5, 6, 7 năm 1946.

1 Nói chuyện giữa Hylas và Phnonous

2 Monadologie

1 Từ điển triết học.

1 Karl Marx, Tư bản luận, quyển 1, B.E, 1938, tr. 29.

1  Engels, L. Feuerbach, E.S,1945. tr..15.

1 Luận cương về Feuerbach.

2 Staline, Duy vt bin chng và duy vt lch s, E.S, tr. 18)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt