Nhập môn triết học

Triết học cho người không chuyên

 

Triết học cho người không chuyên

 

BERTRAND RUSSELL (1872-1970)

NGUYỄN HUY HOÀNG dịch

 


Bertrand Russell, “Philosophy for Laymen,” Universities Quarterly 1 (Nov. 1946), 38-49. Repr. Unpopular Essays, Chapter 2 (George Allen & Unwin, 1951).


 

Loài người, kể từ khi xuất hiện các cộng đồng văn minh đã phải đương đầu với những vấn đề thuộc hai loại khác nhau. Một mặt tồn tại vấn đề làm chủ các lực lượng tự nhiên, thu thập kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm ra công cụ và vũ khí và khuyến khích Tự nhiên tạo ra những loài động thực vật hữu ích. Vấn đề này, trong thế giới hiện đại, được giải quyết bằng khoa học và kỹ thuật khoa học, và kinh nghiệm cho thấy để giải quyết được nó một cách thỏa đáng thì cần đào tạo một số lượng lớn các chuyên gia thuộc các lĩnh vực tương đối hẹp.

Nhưng còn một vấn đề thứ hai, kém rõ ràng hơn, và bị hiểu sai bởi một số người là không quan trọng—tôi muốn nói đến vấn đề làm sao tận dụng tốt nhất sự làm chủ của chúng ta đối với các lực lượng của tự nhiên. Điều này bao gồm những vấn đề nóng như dân chủ với độc tài, chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, chính phủ quốc tế với vô chính phủ quốc tế, suy đoán tự do với giáo điều chuyên chế. Với những vấn đề này phòng thí nghiệm không thể đưa ra chỉ dẫn dứt khoát nào. Loại kiến thức có ích nhất trong việc giải quyết những vấn đề như vậy là một cuộc khảo sát rộng lớn về cuộc sống con người, trong quá khứ cũng như hiện tại, và một đánh giá về những nguồn gốc của đau khổ hay thỏa mãn như chúng xuất hiện trong lịch sử. Chúng ta sẽ thấy là sự tăng cường kỹ năng sẽ không, tự thân nó, đảm bảo bất cứ sự gia tăng nào trong hạnh phúc hay phúc lợi của con người. Lần đầu học cách khai khẩn đất đai, con người đã dùng kiến thức của mình để lập nên một thứ tà giáo hiến tế con người. Những người đầu tiên thuần hóa ngựa đã dùng nó để cướp bóc và nô dịch các nhóm dân hòa bình. Khi, trong thời kỳ sơ khai của cách mạng công nghiệp, con người khám phá ra cách sản xuất các sản phẩm bông bằng máy móc, kết quả thật kinh khủng: phong trào giải phóng nô lệ của Jefferson ở Mỹ, sắp thành công, đã bị giết chết; lao động trẻ em ở Anh đã phát triển đến một mức độ độc ác kinh hoàng; và chủ nghĩa đế quốc tàn nhẫn ở châu Phi đã được kích thích trong hy vọng là có thể thuyết phục người da đen mặc đồ sợi bông. Trong thời đại của chúng ta tài năng khoa học và kỹ năng kỹ thuật kết hợp lại đã tạo ra bom nguyên tử, nhưng tạo ra nó rồi chúng ta lại sợ hãi, và không biết phải làm gì với nó. Những ví dụ này, từ những giai đoạn lịch sử khác nhau, cho thấy cần phải có một cái gì đó hơn cả kỹ năng, một cái gì đó có lẽ có thể gọi là “minh triết.” Đây là cái phải học, nếu có thể học được, thông qua những nghiên cứu khác hơn là những nghiên cứu cần thiết cho kỹ thuật khoa học. Và nó là cái hiện nay cần thiết hơn bao giờ hết, vì sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật đã làm những thói quen suy nghĩ và hành động xưa trở nên không phù hợp hơn bất cứ lúc nào trước đây.

“Triết học” nghĩa là “tình yêu đối với sự thông thái,” và triết học theo nghĩa này là cái con người phải có được nếu không muốn những quyền lực mới do các nhà kỹ thuật tạo ra và giao vào tay của những con người bình thường đưa con người vào một cơn đại hồng thủy kinh hoàng. Nhưng cái triết học nên là một phần của nền giáo dục phổ thông không phải là cái triết học của các chuyên gia. Không chỉ trong triết học, mà còn trong tất cả các nhánh học thuật, có một sự khác biệt giữa cái có giá trị văn hoá và cái chỉ có mối quan tâm chuyên môn. Các sử gia có thể tranh luận chuyện gì đã xảy ra với cuộc viễn chinh không thành công của Sennacherib năm 698 TCN, nhưng những người không phải là sử gia thì không cần biết sự khác biệt giữa nó với cuộc viễn chinh thành công ba năm trước đó. Các chuyên gia Hy Lạp cổ đại có thể thảo luận hữu ích về một cách hiểu còn tranh cãi trong một vở kịch của Aeschylus, nhưng những vấn đề như vậy không dành cho những người muốn, bất chấp cuộc sống bận rộn, có chút kiến thức về thành tựu của người Hy Lạp. Tương tự, những người cống hiến cuộc đời mình cho triết học phải xem xét những vấn đề mà công chúng được giáo dục phổ thông có quyền bỏ qua, chẳng hạn như khác biệt giữa thuyết về những cái chung (theory of universals) của Aquinas và của Duns Scotus, hoặc những đặc điểm mà một ngôn ngữ phải có nếu nó muốn có khả năng nói về chính nó, mà không rơi vào vô nghĩa. Những vấn đề như vậy thuộc về những khía cạnh kỹ thuật của triết học, và thảo luận về chúng không thể tạo thành một phần đóng góp của nó vào văn hoá chung.

Nền giáo dục học thuật nên hướng vào việc đưa ra, như một sự điều hòa sự chuyên môn hóa mà sự gia tăng kiến thức đã làm cho nó không thể tránh khỏi, càng nhiều càng tốt trong thời gian cho phép về cái có giá trị văn hóa trong những nghiên cứu như vậy như lịch sử, văn chương, và triết học. Nó nên tạo điều kiện cho một thanh niên trẻ không biết tiếng Hy Lạp cũng có được qua những bản dịch chút kiến thức, dù không đầy đủ, về thành tựu của người Hy Lạp. Thay vì nghiên cứu đi nghiên cứu lại các vị vua Anglo-Saxon ở trường, cần có một nỗ lực nhằm đưa ra một bản đại cương lịch sử thế giới, đưa những vấn đề của thời đại chúng ta vào mối quan hệ với những vấn đề của các linh mục Ai Cập, các vị vua Babylon, và các nhà cải cách Athens, cũng như với tất cả những hy vọng và tuyệt vọng của những thế kỷ xen giữa. Nhưng tôi chỉ muốn viết về triết học, nhìn từ một quan điểm tương tự.

Triết học từ những ngày đầu của nó có hai đối tượng khác nhau được cho là có quan hệ mật thiết với nhau. Một mặt, nó hướng đến một hiểu biết lý thuyết về cấu trúc của thế giới; mặt khác, nó cố gắng tìm ra và ghi dấu lối sống tốt đẹp nhất có thể. Từ Heraclitus đến Hegel, thậm chí đến Marx, nó luôn tập trung vào cả hai mục tiêu; nó không thuần túy lý thuyết hay thuần túy thực tiễn, mà vươn đến một lý thuyết về vũ trụ để dựa lên đó một đạo đức thực tiễn.

Triết học bởi vậy có liên quan mật thiết với khoa học ở một mặt, và với tôn giáo ở mặt khác. Hãy xem xét mối quan hệ đầu tiên với khoa học. Đến thế kỷ 18 khoa học vẫn được gộp vào cái gọi chung là “triết học,” nhưng kể từ đó từ “triết học” đã bị giới hạn, ở mặt lý thuyết của nó, vào những cái mang tính suy đoán và tổng quát hơn trong những chủ đề mà khoa học giải quyết. Người ta thường nói triết học thì không tiến bộ, nhưng đây chủ yếu là một vấn đề từ ngữ: ngay khi tìm được cách tiến đến một kiến thức xác định về một vấn đề xưa cũ nào đó thì kiến thức mới lại được coi là thuộc về “khoa học,” và “triết học” bị tước mất công lao. Trong thời Hy Lạp, và đến thời Newton, lý thuyết hành tinh thuộc về “triết học,” vì nó bất định và mang tính suy đoán, nhưng Newton đã đưa chủ đề này ra khỏi địa hạt tự do của giả thuyết, và biến nó thành một chủ đề đòi hỏi một loại kỹ năng khác với loại kỹ năng mà nó đòi hỏi khi nó còn có những nghi ngờ căn bản. Anaximander, ở thế kỷ 6 TCN, đã có một thuyết tiến hóa, và cho rằng con người là hậu duệ của cá. Đây là triết học vì nó là một suy đoán không được hỗ trợ bởi bằng chứng chi tiết, nhưng thuyết của Darwin là khoa học, vì nó dựa trên sự nối tiếp các hình thái sự sống như được tìm thấy trong hóa thạch, và trên sự phân bố các loại động thực vật ở nhiều nơi trên thế giới. Người ta có thể nói, với đủ sự thật để biện minh cho một câu đùa: “Khoa học là cái chúng ta biết, còn triết học là cái chúng ta không biết.” Nhưng nên nói thêm là suy đoán triết học về cái chúng ta chưa biết đã chứng tỏ mình là sự trù bị có giá trị cho kiến thức khoa học chính xác. Ước đoán của các môn đồ của Pythagoras trong thiên văn học, của Anaximander và Empedocles trong tiến hóa sinh học, và của Democritus về cấu tạo nguyên tử của vật chất, đã cho con người khoa học ở những thời đại sau này những giả thuyết mà nếu không có các triết gia thì có thể đã không bao giờ đi vào tâm trí họ. Chúng ta có thể nói rằng, ở mặt lý thuyết của nó, triết học cốt ở, ít nhất là một phần, việc đặt ra những giả thuyết tổng quát lớn mà khoa học chưa có khả năng kiểm chứng; nhưng khi có thể kiểm chứng những giả thuyết ấy thì chúng trở thành, nếu được xác minh, một phần của khoa học, và không còn được xem là “triết học.”

Tính hữu dụng của triết học, ở mặt lý thuyết, không chỉ giới hạn trong những suy đoán mà chúng ta có thể hy vọng thấy được khoa học xác nhận hoặc phủ nhận trong một khoảng thời gian có thể đo đếm được. Có những người quá ấn tượng trước cái khoa học biết đến nỗi họ quên mất cái nó không biết; có người lại quan tâm đến cái nó không biết hơn là cái nó biết đến nỗi họ hạ thấp những thành tựu của nó. Những người nghĩ khoa học là tất cả thì trở nên tự mãn và quá tự tin, và chê bai mọi mối quan tâm đối với những vấn đề không có tính xác định giới hạn vốn cần thiết cho cách tiếp cận khoa học. Trong các vấn đề thực tiễn họ có xu hướng cho rằng kỹ năng có thể thay thế cho sự thông thái, và giết hại nhau bằng công nghệ mới nhất thì “tiến bộ” hơn, và do đó tốt hơn là giữ mạng sống cho nhau bằng những phương pháp lỗi thời. Mặt khác, những người xem nhẹ khoa học thì trở về, như một quy luật, với một điều mê tín cổ xưa và nguy hại nào đó, và từ chối thừa nhận sự gia tăng rất lớn của hạnh phúc con người mà khoa học, nếu sử dụng rộng rãi, có thể cho phép. Cả hai thái độ này đều đáng trách, và triết học là cái cho thấy thái độ đúng đắn, bằng cách cùng lúc làm rõ phạm vi và những hạn chế của kiến thức khoa học.

Tạm thời bỏ qua một bên mọi vấn đề liên quan đến đạo đức hay giá trị, còn rất nhiều vấn đề lý thuyết thuần túy, nhận được mối quan tâm nồng nhiệt và vĩnh cửu, mà khoa học không thể trả lời, bất luận thế nào ở hiện tại. Chúng ta có sống sót qua cái chết theo bất kỳ ý nghĩa nào hay không, và nếu có, chúng ta sẽ sống sót trong một thời gian hay là mãi mãi? Tinh thần có thể thống trị vật chất, hay vật chất hoàn hoàn thống trị tinh thần, hay có lẽ, mỗi cái đều có một sự độc lập hạn chế nào đó? Vũ trụ có mục đích nào không? Hay nó được thúc đẩy bởi một sự tất yếu mà chúng ta không biết được? Hay nó chỉ là hỗn mang và lộn xộn, trong đó những quy luật tự nhiên mà chúng ta nghĩ mình tìm ra chỉ là một ảo tưởng mà tình yêu đối với trật tự của chúng ta tạo ra? Nếu có một hệ thống vũ trụ, liệu sự sống trong đó có quan trọng hơn những gì mà thiên văn học sẽ làm chúng ta nghĩ, hay tầm quan trọng mà chúng ta đặt lên sự sống chỉ là chủ nghĩa hẹp hòi và tự cho mình là quan trọng? Tôi không biết câu trả lời cho những câu hỏi này, và cũng không tin là ai có, nhưng tôi nghĩ cuộc sống con người sẽ trở nên bần cùng nếu chúng bị lãng quên, hay nếu những câu trả lời chắc chắn được chấp nhận mà không có bằng chứng đầy đủ. Duy trì mối quan tâm đối với những vấn như vậy, và xem xét các câu trả lời gợi ý, là một trong những chức năng của triết học.

Những người nóng lòng muốn được đền đáp nhanh chóng và muốn có kết quả tương xứng với nỗ lực bỏ ra có thể cảm thấy mất kiên nhẫn với một ngành nghiên cứu vốn không thể, trong tình hình tri thức hiện tại của chúng ta, đạt được những sự chắc chắn và khuyến khích cái có thể bị cho là việc làm phí thời gian suy nghĩ vô ích về những vấn đề không thể giải quyết được. Tôi không thể đồng ý với quan điểm này ở bất kỳ mức độ nào. Có thứ triết học cần thiết cho gần như tất cả những người vô tư nhất, và khi không có kiến thức thì nó gần như chắc chắn là một thứ triết học ngớ ngẩn. Kết quả của điều này là nhân loại bị chia rẽ thành các nhóm cuồng tín đối đầu, mỗi nhóm đều hết mực tin rằng thứ tín điều vô lý của mình là chân lý thiêng liêng, trong khi của phía bên kia là dị tín đáng khinh. Người theo chủ nghĩa Arius và người Công giáo, quân Thập tự chinh và người Hồi giáo, tín đồ Tin Lành với những người ủng hộ Giáo Hoàng, Cộng sản và Phát xít, đã lấp đầy phần lớn 1.600 năm qua bằng các cuộc xung đột vô ích, khi mà một triết lý nhỏ bé đã có thể cho cả hai bên trong tất cả các cuộc xung đột ấy thấy rằng cả hai đều không có lý do chính đáng nào để tin là mình đúng. Chủ nghĩa giáo điều là kẻ thù của hòa bình, và là một rào cản không thể vượt qua đối với nền dân chủ. Trong thời đại hiện nay, ít nhất cũng giống như trước đây, nó là trở ngại tinh thần lớn nhất trong những trở ngại tinh thần đối với hạnh phúc của con người.

Đòi hỏi sự chắc chắn là một đòi hỏi tự nhiên của con người, nhưng dù sao vẫn là một thói xấu trí thức. Nếu đưa con đi dã ngoại vào một ngày khó đoán, chúng sẽ đòi hỏi một câu trả lời phải chắn chắn là trời đẹp hay trời mưa, và sẽ thất vọng với bạn khi bạn không thể biết chắc. Lớn hơn, những người đảm đương việc dẫn dắt dân chúng vào Miền đất Hứa cũng bị đòi hỏi kiểu đảm bảo ấy. “Hãy thanh toán bọn tư bản rồi những người còn sống sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.” “Tiêu diệt người Do Thái rồi mọi người sẽ có đức hạnh.” “Hãy giết người Croatia và để người Serb cai trị.” “Hãy giết người Serb và để người Croatia cai trị.” Đó là những mẫu khẩu hiệu đã giành được sự chấp nhận rộng rãi của công chúng trong thời đại chúng ta. Ngay cả một chút triết lý cũng sẽ khiến người ta không thể chấp nhận những thứ vô nghĩa khát máu như vậy. Nhưng chừng nào còn chưa được tôi luyện để không đưa ra đánh giá khi không có bằng chứng thì con người còn bị những nhà tiên tri quá tự tin làm cho lạc lối, và rất có thể các nhà lãnh đạo của họ cũng là những kẻ cuồng tín vô tri hoặc những kẻ bịp bợm bất lương. Chịu đựng sự không chắc chắn là rất khó, nhưng hầu hết các đức tính khác cũng thế. Để học mỗi đức tính thì đều có một kỷ luật phù hợp, và để học kìm hãm đánh giá thì kỷ luật tốt nhất là triết học.

Nhưng nếu muốn phục vụ một mục đích tích cực thì triết học không được phép chỉ dạy chủ nghĩa hoài nghi, vì trong khi kẻ giáo điều có hại thì kẻ hoài nghi lại vô dụng. Chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hoài nghi đều, theo một nghĩa nào đó, là những triết lý tuyệt đối; một thì chắc chắn về sự biết, một thì chắc chắn về sự không biết. Cái mà triết học nên làm tiêu tan là sự chắc chắn, dù về kiến thức hay về sự vô tri. Kiến thức không phải là một khái niệm chính xác như người ta thường nghĩ. Thay vì nói “Tôi biết cái này,” chúng ta nên nói “Tôi biết ít nhiều về cái gì đó ít nhiều giống như cái này.” Đúng là điều kiện này gần như không cần thiết nếu đang nói đến bảng cửu chương, nhưng kiến thức trong các vấn đề thực tiễn thì không có sự chắc chắn hay chính xác của số học. Giả sử tôi nói “dân chủ là một điều tốt”: tôi phải thừa nhận, thứ nhất, cái này tôi không chắc chắn bằng hai cộng hai bằng bốn, và thứ hai, “dân chủ” là một thuật ngữ có phần mơ hồ mà tôi không thể định nghĩa chính xác. Do đó, chúng ta nên nói: “Tôi khá chắc chắn là nếu một chính phủ có cái gì đó trong những đặc điểm chung của Hiến pháp Anh và Hiến pháp Mỹ thì đó là một điều tốt,” hoặc đại loại như vậy. Và một trong những mục đích của giáo dục nên là khiến một câu nói như vậy trở nên hiệu quả hơn từ một cương lĩnh chính trị hơn là kiểu khẩu hiệu chính trị thông thường.

[Đó là] vì nhận ra rằng mọi kiến thức của chúng ta, ở một mức độ lớn nhỏ, đều không chắc chắn và mơ hồ thôi chưa đủ; đồng thời, chúng ta cần học cách hành động dựa trên giả thuyết tốt nhất mà không tin tưởng nó một cách giáo điều. Trở lại cuộc dã ngoại: dù thừa nhận trời có thể mưa nhưng bạn vẫn khởi hành nếu bạn tin thời tiết có thể sẽ đẹp, nhưng bạn cũng tính đến khả năng ngược lại bằng cách mang theo áo mưa. Nếu là kẻ giáo điều thì bạn sẽ bỏ áo mưa ở nhà. Những nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho các vấn đề quan trọng hơn. Có thể nói rộng hơn: tất cả những gì có thể xem là tri thức đều có thể được sắp xếp vào một hệ thống thứ bậc theo mức độ chắc chắn, với số học và các thực tế tri nhận ở trên cùng. Hai cộng hai bằng bốn, tôi đang ngồi viết trong phòng, là những tuyên bố mà nếu tôi nghiêm túc nghi ngờ nó thì sẽ là bệnh hoạn. Tôi gần như chắc chắn hôm qua là ngày đẹp trời, nhưng không hoàn toàn chắc, vì trí nhớ đôi khi cũng giở quẻ. Ký ức càng xa thì càng đáng ngờ, đặc biệt là nếu có một lý do cảm xúc mãnh liệt nào đó làm sai lệch trí nhớ, ví dụ như cái làm vua George IV nhớ mình có mặt trong trận Waterloo. Các quy luật khoa học có thể gần như rất chắc chắn, hoặc chỉ có chút khả năng, tùy vào tình trạng bằng chứng. Khi hành động dựa trên một giả thuyết mà bạn biết là không chắc chắn, hành động của bạn nên là hành động không có những kết quả rất có hại nếu giả thuyết kia là sai. Trong cuộc dã ngoại, bạn có thể chấp nhận bị ướt nếu mọi người đều khỏe, nhưng không nếu có người ốm yếu có nguy cơ bị viêm phổi. Hoặc giả bạn gặp một người theo phong trào Muggleton, bạn có thể cãi nhau với anh ta, vì sẽ không hại gì nếu ngài Muggleton đúng thật là một con người vĩ đại như các môn đồ của ông ta nói, nhưng bạn thiêu sống anh ta trên cọc thì không được, vì hậu quả của việc bị thiêu sống thì chắc chắn hơn bất cứ mệnh đề thần học nào. Dĩ nhiên nếu người theo phong trào Muggleton có quá đông và quá cuồng tín đến mức hoặc bạn hoặc họ phải chết thì vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, nhưng nguyên tắc chung vẫn đúng, đó là một giả thuyết không chắc chắn không thể biện minh cho một hậu quả chắc chắn trừ khi một hậu quả tương tự cũng chắc chắn tương tự ở giả thuyết ngược lại.

Triết học, chúng ta nói, có cả mục tiêu lý thuyết lẫn thực tiễn. Giờ là lúc xem xét mục tiêu thứ hai.

Đối với hầu hết các nhà triết học cổ đại đều có một mối liên hệ chặt chẽ giữa quan điểm về vũ trụ và chủ thuyết về lối sống tốt đẹp nhất. Một số người thành lập những cộng đồng có sự tương đồng nhất định với những trật tự tu viện sau này. Socrates và Plato đã bị sốc trước các nhà thông thái (sophist) vì họ không có mục đích tôn giáo. Nếu muốn có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của những người không phải là chuyên gia, triết học không được phép thôi chủ trương một lối sống nào đó. Làm như vậy nó tìm cách làm một điều mà tôn giáo đã làm nhưng với những khác biệt nhất định. Khác biệt lớn nhất là không có sự viện đến thẩm quyền, dù là của truyền thống hay là của một cuốn sách thiêng. Khác biệt thứ hai là một triết gia thì không nên cố lập ra một Giáo hội; Auguste Comte đã cố, và thất bại, như ông ta đáng bị. Thứ ba là nên nhấn mạnh vào các đức tính trí thức hơn là cái đã trở thành thông lệ kể từ khi nền văn minh Hy Lạp tan rã.

Có một sự khác biệt quan trọng giữa những lời dạy đạo đức của các triết gia cổ đại với những lời dạy phù hợp với thời đại của chúng ta. Các triết gia cổ đại thu hút những quý tộc nhàn nhã, những người có thể sống như họ muốn, và thậm chí có thể, nếu họ chọn, lập ra một Thành phố riêng có luật lệ là hiện thân của các chủ thuyết của ông thầy. Phần lớn những người có giáo dục hiện đại thì không được tự do như vậy; họ phải kiếm sống trong khuôn khổ sẵn có của xã hội, và họ không thể tạo ra những thay đổi quan trọng trong lối sống của mình trừ khi trước tiên họ có thể đảm bảo những thay đổi quan trọng trong tổ chức xã hội và kinh tế. Hệ quả là những niềm tin đạo đức của một người phải được thể hiện nhiều hơn trong chủ trương chính trị, và ít hơn trong hành vi cá nhân của anh ta, so với trong thời cổ đại. Và quan niệm về một lối sống tốt đẹp phải là một quan niệm xã hội hơn là một quan niệm cá nhân. Ngay cả với người cổ đại, nó đã được Plato thảo ra trong cuốn Cộng hòa, nhưng nhiều người trong số họ đã có một quan niệm mang tính cá nhân hơn về những mục đích của cuộc sống.

Với điều kiện này, hãy xem triết học có gì để nói về chủ đề đạo đức.

Bắt đầu với các đức tính trí thức: Việc theo đuổi triết học là dựa trên niềm tin rằng tri thức là tốt, ngay cả khi cái biết được sẽ gây đau đớn. Một người thấm nhuần tinh thần triết học, dù có phải là triết gia chuyên nghiệp hay không, sẽ muốn những niềm tin của mình được đúng như anh ta có thể làm cho chúng đúng, và sẽ, ở mức độ như nhau, yêu hiểu biết và ghét mắc phải lỗi lầm. Nguyên tắc này có phạm vi rộng lớn hơn so với vẻ thoạt nhìn. Niềm tin của chúng ta xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau: cái chúng ta được bố mẹ và thầy cô dạy dỗ hồi nhỏ, cái mà các tổ chức Quyền lực bảo chúng ta để bắt chúng ta làm như họ muốn, cái là hiện thân hay làm dịu đi nỗi sợ của chúng ta, cái chăm sóc lòng tự tôn của chúng ta, vân vân. Và bất cứ nguyên nhân nào trong số này cũng có thể dẫn chúng ta đến những niềm tin đích thực, nhưng nhiều khả năng hơn là dẫn chúng ta đi theo hướng ngược lại. Sự tỉnh táo trí thức do đó sẽ dẫn chúng ta đến chỗ xem xét những niềm tin của mình một cách kỹ lưỡng, với mục đích tìm ra niềm tin nào trong số đó có lý do gì để tin là đúng. Nếu chúng ta thông thái, chúng ta sẽ áp dụng dung môi phê phán (solvent criticism)[1] đặc biệt là với những niềm tin mà chúng ta thấy nghi ngờ nó là đau đớn nhất, và với những niềm tin rất có thể sẽ kéo chúng ta vào xung đột với những người có những niềm tin đối nghịch nhưng tương tự cũng không có cơ sở. Nếu thái độ này có thể trở nên phổ biến thì lợi ích trong việc giảm độ gay gắt của các tranh chấp sẽ là không thể tính toán được.

Còn một đức tính trí thức nữa, đó là đức tính trí thức tổng quan hay khách quan. Tôi đề nghị bài tập sau: Khi, trong một câu thể hiện quan điểm chính trị, có những từ gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ nhưng khác nhau ở những độc giả khác nhau, hãy cố gắng thay thế chúng bằng những ký hiệu, A, B, C, vân vân, và quên đi ý nghĩa cụ thể của các ký hiệu. Giả sử A là Anh, B là Đức và C là Nga. Chừng nào bạn còn nhớ các ký hiệu này có ý nghĩa gì thì hầu hết những thứ bạn sẽ tin sẽ phụ thuộc vào việc bạn là người Anh, người Đức hay người Nga, tức là không liên quan về mặt luận lý. Khi, trong đại số cơ bản, bạn làm toán về ba người A, B, và C leo lên núi, bạn không có mối quan tâm cảm xúc đến những người trong bài, và bạn cố hết sức để giải quyết nó bằng sự đúng đắn khách quan. Nhưng nếu bạn nghĩ A là mình, B là đối thủ bạn ghét và C là thầy hiệu trưởng ra đề, tính toán của bạn sẽ bị xiên xẹo, và chắc chắn bạn sẽ thấy A đến đích đầu tiên và C đến cuối cùng. Khi suy nghĩ về các vấn đề chính trị kiểu thiên vị cảm xúc này tất yếu sẽ hiện diện, và chỉ sự chú tâm và thực hành mới có thể cho phép bạn suy nghĩ khách quan như trong bài toán số.

Tư duy bằng từ ngữ trừu tượng dĩ nhiên không phải là cách duy nhất để đạt được tinh thần tổng quan đạo đức; nó cũng có thể đạt được tương tự, có lẽ còn tốt hơn, nếu bạn có thể cảm nhận được những cảm xúc tổng quát hóa. Nhưng điều này rất khó đối với hầu hết mọi người. Nếu đói, bạn sẽ cố gắng hết sức, nếu cần, để có đồ ăn; nếu con bạn đói, có thể bạn còn cảm thấy cấp bách hơn. Nếu một người bạn đang chết đói, có lẽ bạn sẽ cố gắng xoay xở để giảm bớt nỗi khổ cho anh ta. Nhưng nếu nghe được rằng vài triệu người Ấn Độ hay Trung Quốc đang có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng, vấn đề lại rộng lớn và xa xôi đến mức trừ khi bạn có một trách nhiệm quan chức nào đó thì có lẽ bạn sẽ nhanh chóng quên đi nó. Tuy nhiên, nếu có năng lực cảm xúc để cảm nhận những cái ác xa xôi một cách mãnh liệt, bạn có thể đạt được tinh thần tổng quan đạo đức thông qua việc cảm nhận. Nếu không có cái tài tương đối hiếm này, thói quen nhìn các vấn đề thực tiễn một cách trừu tượng cũng như cụ thể là cái thay thế khả dĩ tốt nhất.

Mối tương quan của tinh thần tổng quan luận lý và cảm xúc trong đạo đức là một chủ đề thú vị. “Thương người như thể thương thân” ghi dấu tổng quan đạo đức; “các tuyên bố đạo đức không nên chứa tên riêng” ghi dấu tổng quan luận lý. Hai quy tắc này nghe rất khác nhau, nhưng khi xem xét chúng ta sẽ thấy chúng gần như không thể phân biệt được trong giá trị thực tiễn. Con người nhân ái sẽ ưa hình thức truyền thống; con người luận lý có thể sẽ ưa cái còn lại. Tôi không biết tầng lớp nào nhỏ hơn. Cả hai hình thức tuyên bố, nếu được các chính khách chấp nhận và người dân mà họ đại diện dung nạp, sẽ nhanh chóng dẫn đến thiên niên kỷ mới. Người Do Thái và người Ả Rập sẽ đến với nhau và nói “Chúng ta sẽ xem làm thế nào để đạt được lợi ích lớn nhất cho cả hai bên, mà không xem xét quá kỹ lưỡng cách nó được phân phối giữa chúng ta.” Hiển nhiên mỗi nhóm sẽ có nhiều cái dẫn đến hạnh phúc của họ hơn so với họ có thể có trong hiện tại. Điều này cũng đúng với người Hindu và người Hồi giáo, cộng sản Trung Quốc với những người ủng hộ Tưởng Giới Thạch, người Ý và người Nam Tư, người Nga và các nhà dân chủ phương Tây. Nhưng than ôi! không thể mong chờ lòng nhân ái hay luận lý ở cả hai bên trong bất cứ tranh chấp nào trong số này.

Không thể cho là những thanh niên trẻ đang bận rộn tích lũy kiến thức chuyên môn có giá trị có thể dành nhiều thời gian cho nghiên cứu triết học, nhưng ngay cả trong khoảng thời gian có thể dễ dàng dành ra mà không thiệt hại gì để học các kỹ năng kỹ thuật, triết học cũng có thể đem lại một số thứ sẽ tăng cường đáng kể giá trị của người học với tư cách là một con người và với tư cách là một công dân. Nó có thể đem lại thói quen tư duy chính xác và cẩn thận, không chỉ trong toán học và khoa học, mà còn trong những vấn đề có giá trị thực tiễn lớn. Nó có thể đem lại một bề rộng và phạm vi khách quan cho quan niệm về những mục đích của cuộc sống. Nó có thể đem lại cho cá nhân một thước đo chính xác về mình trong mối quan hệ với xã hội, về con người trong hiện tại với con người trong quá khứ và tương lai, và về toàn bộ lịch sử loài người trong mối quan hệ với vũ trụ thiên văn. Bằng cách mở rộng những đối tượng trong suy nghĩ của anh ta nó cung cấp thuốc giải cho những lo lắng và phiền muộn của hiện tại, và cho phép có cách tiếp cận gần nhất đến sự yên bình có thể đạt được cho một tâm hồn nhạy cảm trong thế giới bị tra tấn và bất định của chúng ta.

 


Bertrand Russell (1872–1970) là nhà triết học và nhà toán học người Anh. Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1950 cho những tác phẩm đề cao các lý tưởng nhân đạo và tự do tư tưởng của mình.

Copyright © 1946 by Bertrand Russell | Bản dịch © 2017 Nguyễn Huy Hoàng. Link: https://hoanghannom.com/2017/08/22/philosophy-for-laymen/

 



[1] Có lẽ Russell chơi chữ, so sánh tinh thần phê phán (“criticism”) với dung môi (“solvent”), chất hòa tan một chất khác để tạo ra dung dịch (“solution”), chữ này cũng mang nghĩa “giải pháp.”

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đặng Trường Chinh - 21:10 10/02/2019
cảm ơn bạn rất nhiều!!!
Tuan Anh Nguyen - 14:40 30/08/2019
Cách viết của tác giả khó hiểu quá, khiến mình bị nhầm tưởng là gg dịch. Mình muốn tìm hiểu thêm về triết học nên bấm vào tiêu đề, nhưng sau khi đọc thì không thấy giống một bài viết cho người không chuyên chút nào :DD
Trần Hoàng Nam - 14:31 13/11/2020
Quan điểm cá nhân của tôi là hơi khó hiểu so với bài cụ Phạm Quỳnh
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt