Tạp chí Nam Phong
Số 13, tháng 8.1918, tr. 24-6
TRIẾT HỌC NƯỚC PHÁP
HENRI BERGSON
V
Triết học nước Pháp về thế kỷ thứ 19 chia ra làm hai phần. Một phần mới thuật đó là chủ về đường sinh lý học, tâm lý học, xã hội học. Còn một phần nữa thì vẫn kế thiệu cái học thống các đời trước mà lấy vạn vật, lấy linh tinh người ta làm mục đích cho sự tư tưởng.
Từ đầu thế kỷ thứ 19, nước Pháp đã có một nhà siêu hình học hiển hách nhất tự đời ông Descartes, ông Malebranche đến giờ: nhà ấy tức là ông Maine de Biran (1766-8124). Cái học thuyết của ông khi mới xuất hiện không có mấy người biết, nhưng từ đấy đến nay ảnh hưởng cứ mỗi ngày một to rộng mãi ra. Có nhẽ cái đường lối của siêu hình học tất phải đi đến vậy. Người ta thường gọi ông là “ông Kant của nước Pháp”, nhưng cái tư tưởng của ông thực là trái với cái tư tưởng của nhà triết học Đức. Nhà triết học Đức dạy rằng trí tuệ người ta không thể tới được cái tuyệt đích; ông thì nói rằng trí tuệ người ta có thể tới được cái tuyệt đích, nên lấy cái tuyệt đích làm mục đích cho sự tư tưởng của mình. Như khi ta gắng sức làm việc gì, ta biết rằng ta gắng sức, ta biết rằng sự gắng sức ấy là ở ta mà ra, thế thì cái sự biết ấy không phải là sự biết thường, thực là một sự biết đặc biệt, vì không phải biết cái hiện tượng ở ngoài là sự gắng sức, mà biết cái chân tướng ở trong là cái bởi đó mà sinh ra sự gắng sức ấy; cái chân tướng ấy tức ông Kant gọi là “bản thể” (la réalité en soi), mà nói rằng người ta không bao giờ tới đến mà biết được. Nói gút lại thì cái siêu hình học của ông Maine de Biran là muốn cho càng ngày cái tri thức người ta càng xét sâu mãi vào trong “nội tâm thế giới”, thì tất thấy càng ngày tự mình lại càng cao mãi lên, càng siêu việt mãi lên, cho đến đạt tới cái mối “tuyệt đích” của giời đất vậy. Ông xướng ra cái tư tưởng ấy mà ông suy diễn mãi cho đến cùng, không phải là chỉ chủ dựng thành “thuyết hệ”, sây thành cái lâu đài huyền ảo mà thôi đâu.[1]
Muốn nghiệm xem cái học thuyết của ông Maine de Biran có giống cái học của ông Pascal không, thì cứ xét ngay cái triết học của ông Ravaisson (1813-1900) là đủ biết. Ông Ravaisson vừa kế cái học thống của ông Pascal, lại vừa tổ thuật ông Maine de Biran, lại vừa ham cái triết học cổ, mĩ thuật cổ của Hi Lạp, thực là một mình gồm cả mấy đời tư tưởng vậy. Xem thế thì biết các nhà triết học Pháp, tuy mỗi người vẫn có một cái học thuyết riêng, nhưng không phải là không liền tiếp với một cái cựu truyền nào trong nước, không phải là không thuộc vào một cái học thống cũ nào. Như ông Descartes tuy là phản đối với triết học đời Cổ đại, nhưng chính cái học của ông vẫn là giữ được sự điều độ, sự trật tự, là hai cái đặc tính của triết học cổ Hi Lạp. Ông Ravaisson cũng là phát minh cái phần người cho cực mạnh, cực hoàn toàn, thì tự nhiên là đến được cái tuyệt phẩm trong đạo lý.
Mấy ông ấy là những nhà triết học cận thời. Ta gọi là kể thiệp liệp mà thôi, không thể nói về mỗi ông cho thực tường được. Trong thế kỷ thứ 19 còn hai nhà triết học trứ danh nữa, chưa kịp thuật đến: là ông Renouvier và ông Cournot.
Ông Renouvier thì khởi điểm tự cái “kiểm điểm chủ nghĩa” (criticisme)[2] của ông Kant, rồi tiến mãi lên mà kết luận đến cái nghĩa tự do, xướng ra một cái luân lý rất là có ảnh hưởng đến sự tư tưởng đương thời.
Ông Cournot thì khởi điểm tự số học, rồi đặt ra một cái “kiểm điểm chủ nghĩa” lối mới, khác với cái lối của ông Kant, vì lối này vừa xét cả cái hình, vừa xét cả cái chất của sự tri thức, tức là vừa xét cái phương phép, vừa xét cả cái kết quả của sự học nữa. Nhờ cái “kiểm điểm chủ nghĩa” ấy mà ông đã phát minh ra được nhiều tư tưởng mới lạ sâu sắc, thực có thể liệt vào bậc các nhà triết học đại danh vậy.
Sau hết cũng nên nói mấy nhời về cái triết học của người làm bài này (tức là ông Bergson)[3]. Bỉ nhân có làm sách “Sáng tạo đích tiến hóa luận” (L’Evolution créatrice), muốn đem cái siêu hình học vào trường thực nghiệm, vừa dùng thực học, vừa dùng ý thức, vừa dùng cái sức trực giác (intuition) ở trong người để mong dựng ra một cái triết học mới có thể lý hội được không những là những lý tưởng chung mà đến cả những sự thực riêng nữa. Triết học mà được như thế thì cũng đích xác bằng khoa học, chẳng kém gì; cũng mỗi ngày một tiến lên như khoa học, mỗi ngày một thêm những kết quả mới vào kết quả cũ đã thành. Nhưng cái triết học ấy còn có một mục đích nữa, bởi đó mà phân biệt với khoa học, là muốn cho cái trí biết người ta mỗi ngày một rộng mãi ra, phá cả khuôn phép mà khoáng trương mãi ra, khiến cho cái tư tưởng của người ta có thể bành trướng đến vô cùng vậy.[4]
PH.Q. dịch
Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 13, tháng 8.1918, trang 24-6. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] Cái học thuyết của ông Maine de Biran là chủ nhất sự nghiên cứu trong nội tâm người ta. Càng nghiên cứu vào sâu bao nhiêu thì cái tâm tính mình lại càng cao lên bấy nhiêu, nghiên cứu đến cùng thì tất tới được cái “bản thể” là cái tuyệt đích của vũ trụ.
[2] “Kiểm điểm chủ nghĩa” (criticisme) là cái chủ nghĩa xướng ra tự ông Kant, muốn kiểm điểm sát hạch hết thẩy để định giới hạn cho cái tri thức của người ta.
[3] Đây là tiên sinh tự thuật cái triết học của mình.
[4] Cái tôn chỉ của triết học tiên dinh là muốn cho cái trí tư tưởng của người ta gồm được hết cả sự vật. Nên tiên sinh tham bác cả các khoa học thực nghiệm, cùng các khoa học siêu hình; phá cả những khuôn phép của triết học cũ, vụ cho gây được một cái triết học mới rất hoàn toàn, hình dung được toàn thể của vũ trụ. Đến ngày cái triết học ấy thành thì cái công tư tưởng của nước Pháp, không những của một nước Pháp, của cả thế giới nữa, sẽ được kết quả to nhất từ đời có lịch sử đến nay.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC