Nhập môn triết học

Triết học nước Pháp [phần 01]

Tạp chí Nam Phong

Số 8, năm 1918

TRIẾT HỌC NƯỚC PHÁP

[phần 01]

HENRI BERGSON

 

Bản báo trong số thứ 1[1] bàn về văn minh học thuật nước Pháp có nói qua mấy nhời về triết học nước Pháp. Nhưng muốn biết rõ cái công tư tưởng của người Pháp, thì phải thuộc lịch sử triết học ở nước Pháp từ đầu đời Cận đại đến giờ. Những sách thuật lại cái lịch sử ấy cũng nhiều, nhưng không sách nào rõ bằng, tường bằng, thâm thiết và trước minh bằng tập “Pháp quốc triết học đại quan” (La Philosophie française) của Bối Nhĩ Tôn tiên sinh (Henri Bergson). Tiên sinh là một nhà triết học đệ nhất trong thế giới bây giờ. Phàm bọn trí thức trong các nước đều chịu cảm hóa của tiên sinh nhiều lắm. Vì cái học thuyết của tiên sinh chủ sự hoạt động, lấy cái sức sinh tạo biến hóa làm cái nguyên động lực của thế giới, thực là hợp với cái đời tư tưởng  tự do này vậy. Năm 1915, Học bộ nước Pháp muốn dự vào cuộc “Vạn quốc trại hội” ở Cựu Kim Sơn (San Francisco) bên Mĩ một cách đặc biệt, định biên tập một bộ sách kể cái công nghiệp nước Pháp trong các khoa học đời nay, để tặng những người đến xem hội. Sách đề là “Học thuật nước Pháp” (La Science française), gồm các nhà bác học trong nước, mỗi người chuyên trị một môn, người nói về giáo dục, kẻ bàn về xã hội, người này kể thiên văn học, người kia thuật địa chất học, họp lại như bức gấm trăm hoa, thực là hình dung được hết cái công phu học vấn của nước Pháp trong thế kỷ mới này. Tiên sinh thì soạn riêng mục “Triết học”, mà thêu nên cái hoa đẹp nhất trong các hoa khác, đẹp không phải bởi cái vẻ sán lạn sặc sỡ như bài văn chương sốc nổi, đẹp bởi cái vẻ thuần túy tinh hoa như mối tư tưởng thâm trầm! Vậy muốn giúp cho học giới ta biết đại khái cái lịch sử của triết học nước Pháp, tưởng không gì bằng lược dịch ra quốc văn tập sách của tiên sinh: nhập môn khoa triết lý, còn ông thầy nào đích đáng bằng!

PH. Q.

I

    Địa vị nước Pháp trong sự tiến hóa của triết học đời nay thực là rõ ràng lắm: nước Pháp là nước có cái công khởi xướng rất to. Các nước khác không phải là không có những nhà triết học đại tài; nhưng không đâu có cái mạch triết học đều đặn liên tiếp bằng ở nước Pháp vậy. Các nước khác hoặc nghiên cứu một cái lý tưởng nào sâu hơn, hoặc kết cấu bằng cái tài liệu nào khéo hơn, hoặc phát đạt một cái phương pháp nào mạnh hơn; nhưng thường thường cái lý tưởng ấy, cái tài liệu ấy, cái phương pháp ấy là tự nước Pháp đem lại vậy. Trong bài này không thể thuật lại hết các học thuyết, kể được hết các tên người từ xưa đến nay. Ta sẽ kén chọn cái gì nên nói mới nói, rồi ta cố biện biệt lấy đặc tính của cái triết học tư tưởng nước Pháp. Ta sẽ xét xem bởi đâu mà tư tưởng ấy có cái tài sáng tạo, cái sức ảnh hưởng mạnh như thế.

    Cả triết học đời nay khởi nguyên từ ông Địch Cát Đức[2] (Descartes). Học thuyết của ông thì không thể tóm lược lại được: ngày nay khoa học triết học tiến được bước nào, xét trong cái học thuyết ấy lại rõ ra một phương diện mới, thành ra cái học thuyết ấy cũng ví như một cái công trình thiên nhiên, cứu xét không bao giờ cùng được. Nhưng nhà “giải phẫu học”[3] muốn xét một cái cơ thể hay một tấm thịt nào, phải cắt nó ra một lượt mà xét riêng từng mảnh một, vậy thì ta cũng bắt chước mà đem cái học thuyết của ông Địch Cát Đức cắt ra từng mảng ngang nhau, mảnh nọ ở dưới mảnh kia, để càng xét thì càng nhìn sâu mãi xuống được.

    Ta xét một từng thứ nhất thì thấy gọi là cái “triết học những lý tưởng rõ ràng phân biệt (philosophie des idées claires et distinctes). Cái triết học ấy thực đã giúp cho sự tư tưởng đời nay thoát khỏi vòng áp chế, biết lấy sự rõ ràng minh bạch mà xét cái chân lý.

    Ta xét xuống một từng nữa, nghiền kỹ cái nghĩa ba chữ “minh bạch”, “rõ ràng”, “phân biệt”, thì ta tìm được một cái phương pháp về triết học. Ông Địch là nhà triết học, lại vừa là nhà số học nữa. Ông từng sáng nghĩ ra một lối kỷ hà học mới, vậy ông thực là tinh nhưng phương pháp về số học. Cái phương pháp ấy ông muốn đem ứng dụng ra triết học, nên lấy sự phân minh rõ ràng làm cốt.[4]

    Ta xét sâu xuống nữa mà nghiền kỹ về cái phương pháp của số học đem ứng dụng ra triết học ấy, thì ta thấy một cái quan niệm chung về vũ trụ[a]. Cứ cái phương pháp ấy thì ông Địch lấy vũ trụ là một cái máy nhớn, vận động theo những phép tắc thuộc về số học. Ông xướng ra cái lý thuyết ấy thực là mở đường lối, đặt khuôn phép cho khoa lý học ngày nay. Các nhà triết học về sau đặt ra những cái “cơ giới đích học thuyết”[5] cũng là tổ thuật cái tư tưởng của ông vậy.

    Dưới cái lý thuyết về vũ trụ ấy lại thấy một cái lý thuyết nữa về linh tính người ta, tức ông Địch gọi là cái “trí tư tưởng” của người ta. Ông muốn phân tách cái trí tư tưởng đó ra thành từng nguyên tố, thực là mở đường cho các nhà triết học về sau, như La Khắc (Locke), Công Địch Lạp (Condillac) các tiên sinh. Ông lại xướng lên rằng cái trí tư tưởng ấy là vốn nó có từ trước, cái hiện tượng thế giới[6] là rồi sau mới phụ thêm vào cái thế giới ấy bất quá cũng là sự hình dung của cái linh tính mà thôi. Cả cái duy tâm chủ nghĩa đời nay thực là phát nguyên tự đấy, thứ nhất là cái duy tâm chủ nghĩa của các nhà triết học Đức vậy.

    Sau hết, trong lý thuyết về trí tư tưởng ấy, lại còn có cái khuynh hướng muốn đem sự tư tưởng tùy theo vào cái ý chí (la volonté). Bởi thế mà các phái triết học thuộc về ý chí xướng ra trong thế kỷ 19 cũng là có liên lạc với cái triết học của ông Địch Cát Đức cả. Cũng bởi thế nữa mà có người gọi cái triết học của ông là một cái triết học chủ sự tự do vậy.[7]

(còn tiếp)

PHẠM QUỲNH dịch


[1] Xem Nam Phong, số 1, trang 13-14.

[2] Tàu dịch là Địch Tạp Nhi 笛卡 兒. Ông sinh năm 1596 mất năm 1650.

[3] Giải phẫu học (anatomie) là giải bầy trong thân thể ra để xét từng phần một.

[4] Số học là mẫu sự phân minh rõ ràng. Hai với hai là bốn thực là sác nhiên, không còn ai cãi được nữa. Ông Địch muốn cho triết học cũng có cái tính cách sác nhiên như thế, nên mượn phép số học mà đem ứng dụng cho triết học.

[5] “Cơ giới đích học thuyết” (conception mécannistique de l’univers) là những môn học coi vạn vật như máy móc, vận động theo những phép tắc nhất định; những phép tắc ấy các nhà triết học khoa học phải tìm tòi mà phát minh ra.

[6] “Hiện tượng thế giới” (monde phénoménal) là cái thế giới có hình, đối với cái trí tư tưởng là thuộc về thế giới vô hình

[7]« Ý chí » là cái ý muốn. Người ta được tùy ý mình muốn, tức là có tự do, những phái trọng ý chí tức là chủ tự do.



[a] Bản gốc in nhầm là “vũ-trũ”, chúng tôi sửa lại – chú thích của triethoc.edu.vn.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Van Thuong - 00:47 08/04/2024
Ngày 3: 🧐
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt