Tạp chí Nam Phong
Số 12, năm 1918, tr. 355-7
TRIẾT HỌC NƯỚC PHÁP[1]
[Phần 3]
IV
Ấy là đại khái cái lịch sử triết học nước Pháp trong hai thế kỷ thứ 17 và 18. Ta mới gọi là thuật lại qua qua đó mà thôi, không thể kể được hết các nhà tư tưởng của nước Pháp, chỉ nói đến những người trước danh nhất mà thôi. Thế mà cũng đã được bấy nhiêu tên rồi. Đến thế kỷ 19 này thì còn nhiều biết bao nhiêu! Vì trong thế kỷ này không có một nhà bác học, một nhà văn sĩ Pháp nào là không có phần trong cái công triết học của nước Pháp vậy.
Ba thế kỷ trước là đề xướng ra các khoa học thuần lý cùng các khoa học thuộc về “vô cơ vật chất” (matière inorganique) – như số học, trọng học, thiên văn học, vật lý học, hóa học, - thế kỷ thứ 19 này lại nghiên cứu thêm các khoa học thuộc về sinh hoạt nữa; không những sự sinh hoạt của cái “hữu cơ vật chất” (matière organique), mà cả đến sự sinh hoạt của các xã hội nữa. Về các môn học ấy người Pháp cũng là người khởi xướng ra đầu. Cái phương phép học là do người Pháp đặt ra; một phần kết quả của sự học cũng là bởi người Pháp gây nên. Hai nhà tư tưởng Pháp trước danh nhất trong thời kỳ này là ông Claude Bernard (1813-1878) và ông Auguste Comte (1798-1857).
Ông Claude Bernard có làm một bộ sách đề là “Thực nghiệm Y học tổng quát luận” (Introduction à la médecine expérimentale): sách ấy đối với các khoa học thực nghiệm cái giá trị cũng chẳng kém gì sách “Phương pháp luận” (Discours de la méthode) của ông Descartes đối với các khoa học thuần lý vậy. Tức là sách của một nhà sinh lý học đại tài tự hỏi mình về cái phương phép học của mình, lấy sự kinh nghiệm riêng mà đặt thành phép tắc để giúp cho việc thí nghiệm nghiên cứu về sau. Sự nghiên cứu về khoa học như ông Claude Bernard đã định như thế, thực là một bài vấn đáp của người ta với tạo vật vậy. Người ta hỏi tạo vật thế này, tạo vật đáp lại thế kia, khiến cho người ta lại phải hỏi ra thế khác, tạo vật cũng lại đáp ra thế khác nữa, càng ngày càng kỳ, càng ngày càng lạ, cứ mãi cho đến vô cùng. Vậy thì khoa học không phải là bởi sự thực, không phải là bởi tư tưởng mà thành ra; thực là bởi tư tưởng của ngưởi ta cùng với sự thực của tạo vật giúp lẫn nhau mà làm thành ra, nên khoa học bao giờ cũng vẫn là chỉ cái hiện tượng mà thôi. Cái tôn chỉ trong phép học của ông Claude Bernard là lấy rằng cái lý của người ta với cái lý của tạo vật thực là cách nhau lắm[2]. Về phương diện ấy thì ông thực là khai đường mở lối cho phái “thực vụ” (pragmatisme) ngày nay.
Sách “Thực nghiệm triết học” (Cours de Philosophie positive) của ông Auguste Comte là một công trình to lớn nhất trong triết học đời nay. Từ ông Comte xướng lên cái lý tưởng rằng các khoa học phải có trật tự, bắt đầu tự số học mà cùng tận đến xã hội học, thì cái lý tưởng ấy đã thâm nhập vào trong trí não ta mà thành một cái chân lý tuyệt đối. Tuy cái xã hội học của ông có một đôi chỗ ngày nay có thể biện bác được, nhưng ông thực là đã có công sáng tạo ra môn học ấy, đặt cho có chương trình, có phạm vi, để người sau cứ thế mà theo. Ông cũng là một nhà cải cách trong tư tưởng giới như ông Socrate ngày xưa, ông cũng lấy câu của ông Socrate: “Ngươi nên tự biết lấy mình ngươi” (Connais-toi toi-même) làm câu châm ngôn của ông, nhưng ông không dùng câu ấy đối với người ta, mà lại dùng đối với các xã hội, lấy rằng cái mục đích tối cao của sự học vấn, nhất là của triết học, là phải nghiên cứu cho biết cái cách người ta ăn ở trong xã hội thế nào. Ông gọi là “thực nghiệm triết học” (positivevisme), ông tuy tự xưng là phản đối với mọi sự học vấn siêu hình, nhưng cái tâm hồn trí não ông thực là cái tâm hồn trí não một nhà siêu hình học, hậu thế tất cho ông đã phá đổ các thần thánh, các tôn giáo cũ là chỉ để lập ra một tôn giáo mới, đặt ra một vị thần mới là cái thần “Nhân loại” vậy. Ông yêu mến sùng trọng loài người đến thế là cùng vậy.[3]
Mới xét thì tưởng cái triết học của ông Renan (1823-1892) không giống gì với cái triết học của ông Comte. Nhưng thực ra thì ông Renan cũng một lòng thờ nhân loại như ông Comte, duy thờ ra một cách khác mà thôi. Ông cảm hóa người đương thời một cách rất đầm thấm mà rất sâu xa, là bởi nhiều nhẽ. Một là bởi cái văn chương ông thực là tuyệt đích, cái văn chương ấy không biết có còn gọi là văn chương được nữa không, vì đọc đến cái văn ấy tựa hồ như quên cả rằng trong văn có dùng đến nhời đến chữ, mà tưởng như cái tư tưởng của ông tự nó rót vào cái tư tưởng của ta vậy. Lại cái lạc quan chủ nghĩa về lịch sử[4] của ông cũng là thích hợp với cái thế kỷ thứ 19 này, là cái thế kỷ đã khôi phục cùng phát đạt các khoa học về lịch sử. Ông nói rằng lịch sử là để biên chép cái công tiến bộ của loài người, sự tiến bộ ấy từ xưa đến nay không bao giờ dứt, mà từ nay về sau cũng không bao giờ cùng. Ông lại xướng lên rằng sự học có thể đem mà thay vì triết học, thay gì tôn giáo được. Bởi thế mà cái ảnh hưởng ông trong thế kỷ thứ 19 này thực là sâu xa vô cùng vậy.
Có một nhà triết học nữa, cái ảnh hưởng ở trong nước Pháp cũng mạnh bằng cái ảnh hưởng của ông Renan, mà ở ngoài nước Pháp có lẽ lại mạnh nhiều hơn nữa. Nhà triết học ấy là ông Taine (1828-1893). Ông cũng một lòng tín ngưỡng sự học vấn, nhất là các môn học về người ta. Ông muốn đem những phương pháp của nhà bác vật, nhà lý học mà dùng về sự học những công nghiệp của loài người ta, về đường văn chương, mĩ thuật, lịch sử. Ông lại cảm hóa cái học của các tiền triết nhiều, ông cũng tin cái lẽ tất nhiên trong vũ trụ như ông Spinoza, ông cũng tin cái sức tư tưởng của người ta như ông Aristote và ông Platon ngày xưa. Như thế thì ra ông cũng thiên về cái siêu hình học cũ. Nhưng ông hạn cái siêu hình học ấy trong vòng nhân loại cùng những việc thuộc về nhân loại mà thôi. Cái học của ông cũng không giống cái học của ông Comte như cái học của ông Renan. Thế mà người ta thường liệt ông vào phái “thực nghiệm” cũng như ông Renan, không phải là không có lẽ vậy. Vì cái “thực nghiệm triết học” (le positivisme) tuy có thể định nghĩa ra nhiều cách được, nhưng rút lại cũng chỉ là một sự quan niệm về thế giới lấy loài người ta làm trung tâm[5]. Xét thế thì dù ông Comte, dù ông Renan, hay dù ông Taine cũng cùng có một cái quan niệm như thế cả, nên tuy không giống nhau mà đều là thuộc về cái “thực nghiệm triết học” vậy.
Ta đã xét cái sinh lý triết học (philosophie biologique) với cái xã hội triết học (philosophie sociale), trong thế kỷ thứ 19, một phần nhiều là bởi tinh thần người Pháp gây dựng nên. Ngoài hai môn học ấy, còn có một môn nữa, riêng cho thế kỷ 19 này, là môn tâm lý học (psychologie). Không phải rằng các thế kỷ trước, nhất là ở nước Pháp, nước Anh cùng đất Ecosse, không đã từng có nhiều nhà tâm lý học sâu sắc. Nhưng [..]1* sự quan sát về nội tâm người ta, từ xưa đến nay chỉ chủ yếu xét những cái thường trạng mà thôi, nên chưa vào sâu được khắp các vùng trong tâm giới, nhất là cái vùng xa xôi u ám gọi là vùng “tiềm thức” (subconscience)[6]. Đến thế kỷ thứ 19 thì tuy vẫn còn giữ cái phép nội tâm quan sát cũ, nhưng lại dùng thêm hai phép nữa: một là cái phép đo lường của các nhà thí nghiệm, hai là cái phép thuộc về bệnh học để nghiên cứu những sự biến trạng trong tâm tính. Trong hai phép ấy thì phép thứ nhất là phép đo lường dùng ở nước Đức nhiều hơn cả, tuy cũng là một phép hay, nhưng cái phần ích lợi cho sự học không được mấy tí. Đến như cái phép thứ nhì là phép thuộc về bệnh học thì hiện nay đã thành hiệu được nhiều lắm, sau này còn có nhẽ kết quả được nhiều hơn nữa. Vậy mà xét cái phép sau ấy cũng là căn nguyên tự nước Pháp, cũng là thịnh hành nhất ở Pháp. Khởi xướng ra tự mấy nhà y học Pháp chuyên môn những bệnh thần kinh về đầu thế kỷ 19, đến ông Moreau de Tours thì cái phái tâm lý học ấy mới thực là lập thành, tự bấy đến nay ở nước Pháp vẫn có những bậc danh sư chuyên trị, hoặc là nhân bệnh học mà chuyển sang tâm lý học, hoặc là nhân tâm lý học mà đổi ra học các bệnh thuộc về tinh thần. Có mấy nhà trước danh nên nhớ tên là mấy ông Charcot, Ribot, Pierre Janet, Georges Dumas.
(còn tiếp)
PHẠM QUỲNH dịch
Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 12, năm 1918, trang 355-357. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] Xem Nam Phong, số 9, trang 155-157.
[2] Người ta trông những lúc tự cho tưởng rằng lấy một cái lý tính của mình mà thông quán được cả sự vật, không biết rằng tạo vật củng có cái lý của tạo vật, cần gì đến cái lý của người ta. Người ta phải tùy theo sự thực của tạo vật, tạo vật chưa từng tùy theo cái tư tưởng của người ta bao giờ. Nên các nhà thực học không hể dự tưởng về sự vật, chỉ đợi cho sự vật phát hiện ra, rồi nhân đấy mà suy diễn ra thôi. Muốn lấy lý suy mà nói rằng giời tròn hay đất vuông, thì giời đất có hề gì, giời đất không có bao giờ muốn theo cái ý của ta mà đương tròn hóa ra vuông, đương vuông hóa ra tròn được. Cho nên nói rằng lý người với lý giời không giống nhau là thế. Người ta cho cái lý của mình phải là khi nào nó tiện cho mình mà thôi.
[3] Bởi ông sùng trọng loài người ta như thế, nên ông tin rằng loài người là cái công hoàn toàn nhất, cái mục đích tối cao của Tạo vật. Cứ nghiên cứu một loài người ta cũng đủ giải được cái lẽ cùng của tạo vật, nên mượn tới thần quyền làm chi nữa? Nhưng ông tự xưng là không tin thần quyền, mà ông lại biến nhân loại thành thần, thì chẳng phải là đặt một cái thần quyền lối mới ư? Nên nói ông Comte tuy là tổ phái thực nghiệm mà vẫn là chưa ra khỏi siêu hình học.
[4] Lạc quan chủ nghĩa về lịch sử (optimisme historique) là cái chủ nghĩa lấy lịch sử làm cái gương để chứng cho sự tiến bộ của người ta. Ông Renan tin loài người có cái sức tiến bộ vô cùng, nên ông tin cả đến lịch sử là sự biên chép những công nghiệp của loài người.
[5] Tiếng Tây là conception anthropocentrique de l’univers. Theo cái thuyết thực nghiệm triết học thì người ta là giống hoàn toàn nhất trong thế giới, phàm quan niệm về thế giới phải bắt đầu tự người ta, lấy người ta làm chủ. Nên các nhà triết học về phái ấy như ông Conte, ông Renan, ông Taine trọng nhất là những khoa học về người ta, như xã hội học, lịch sử học, v.v., thực là khác với các nhà triết học đời trước chỉ bàn về nguyên lý, bản thể.
1* có một chữ đọc không rõ – chú thích của triethoc.edu.vn
[6] Trong tâm hồn người ta có hai phần: một phần trên là “ý thức” (conscience) là cái phần cảm biết trong người, gồm những tình ý rõ ràng phân minh; một phần dưới là “tiềm thức” (subconscience) là cái ý thức ngầm, cái phần gồm những tình ý tích lũy di truyền, u ám hỗn độn, tuy chưa thành hình mà có sức ngầm rất mạnh. Các nhà tâm lý học ngày xưa chỉ nghiên cứu một cái ý thức mà thôi. Các nhà ngày nay mới phát minh ra rằng cái phần ý thức ấy chưa đủ làm chủ động cho tâm tính người ta, thực chủ động là cái phần tiềm thức. Nhưng cái tiềm thức ấy không dễ mà biết, lúc bình thường thì nó không lộ ra, chỉ khi bệnh trung mới có thể nghiên cứu được nó. Bởi thế môn học về các bệnh thần kinh ngày nay giúp được cho tâm lý học nhiều lắm.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC