Nhập môn triết học

Tương lai của triết học

 

TƯƠNG LAI CỦA TRIẾT HỌC

JOACHIM JUNG

 

TÓM TẮT: Nền giáo dục đại học toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm ngân sách và sự cạn kiệt nguồn tài chính. Hiện nay, khoa học và nền học thuật chỉ có thể được thừa nhận rộng rãi khi những nỗ lực của chúng mang lại những thành công thiết thực. Nếu phải chịu sự khắc nghiệt của thị trường, thì các bộ môn khoa học nhân văn không có triển vọng phát triển; và coi bộ trong bảng thứ hạng các bộ môn mang lại lợi nhuận thì triết học nằm ở hạng bét. Để môn triết học trong trường đại học tự nó trụ vững được trong thời gian này, ta phải theo đuổi nhất quán hai mục tiêu sau: a) triết học phải tập trung vào các vấn đề lợi ích thiết thực, chẳng hạn nhu nhu cầu đạo đức, nhu cầu xã hội, và thậm chí những nhu cầu có tính cách siêu hình học, trình bày chúng sao cho ai cũng có thể hiểu được; b) các triết gia phải lấy các bộ môn khoa học khác như: ngôn ngữ học, sinh lý học thần kinh, khảo cổ học, sinh vật học, tâm lý học, toán học, thiên văn học và các chuyên ngành khác, làm chất liệu cho sự tư biện của riêng mình, tận dụng các chức năng hội nhập của triết học để thúc đẩy sự cộng tác giữa tất cả các môn học. Tình trạng thoái bộ của môn triết học hàn lâm trong thời chúng ta một phần là do chính sách sai lầm của nó. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy triết học, với tư cách là một hoạt động chung của con người, sẽ còn tồn tại lâu dài bởi vì nó dựa vào một nhu cầu nền tảng: xét lại tri thức và tiếp tục công việc tra vấn khi hoạt động nghiên cứu thường nghiệm đã đạt tới những giới hạn của nó.

 

Bất cứ cuộc bàn luận nào về ‘tương lai của triết học’ cũng đều là câu chuyện dài hơi. Để có được một điểm xuất phát rõ ràng và cụ thể, tôi muốn giới hạn một chút chủ đề của mình bằng cách đặt câu hỏi: Triết học có tương lai không? Việc nghiên cứu triết học có thể nào tiến hành mãi được không? Có gì lấy làm chắc rằng những thành tựu triết học của chúng ta sẽ còn có được một độc giả nào đó thích thú trong thế kỷ tới [thế kỷ 21 - ND] không? Bất cứ học giả nào bàn về triết học đương đại đều không thể tránh khỏi việc phải quan tâm đến tình trạng hiện nay trong bộ môn của mình. Việc cắt giảm nguồn tài trợ, thu hẹp uy tín và thiếu sức ảnh hưởng tới công chúng đang ngày càng tác động đến những nền tảng của nền triết học đại học. Cách đây không lâu triết gia người Mỹ Marthe Nussbaum (Chicago) đã phàn nàn rằng: “Chúng ta được miêu tả là những kẻ vừa lười nhác vừa khó hiểu: đó là khi chúng ta không chỉ né tránh những hoạt động có ý nghĩa, mà chúng ta còn viết ra những công trình chẳng dành cho ai trừ chính những người trong giới, và thậm chí trong nhiều trường hợp chúng ta cũng chẳng dành cho chính chúng ta nữa”. Các bài viết trên các tạp chí hàn lâm, vốn được coi là những kho chứa chẳng có giá trị gì mấy đối với những tác phẩm tẻ nhạt, chỉ xoay quanh cuộc đấu tranh giành quyền lực, đời sống trí thức như là một đời sống bị máy móc hóa mà ở đó các ý tưởng lớn của chủ nghĩa nhân văn xưa không còn có bất cứ giá trị hiệu lực gì. Việc hỗ trợ cho các triết gia vô trách nhiệm, chẳng tác dụng soi sáng gì cho ai nói trên được cho là lãng phí nguồn tài trợ công và tư. Ở thời chúng ta, mối đe dọa mà tất cả chúng ta phải đối mặt là nguồn tài trợ đã bị chấm dứt, điều đó có nghĩa là đa số những người học triết học sẽ không có tương lai”.[1]

Những lời than vãn như thế không có gì mới. Ngay từ năm 1935, nhà xã hội học người Đức là Helmuth Plessner đã phát biểu rằng triết học đã mất đi những chức năng của nó và chủ yếu là đề cập đến “việc đấu tranh chống tình trạng ‘đời thừa’ của nó”.[2] Cách đây vài năm, chính nhà vật lý học người Đức là Gerhard Vollmer đã diễn đạt theo cách y như vậy: “Các triết gia đã không thể nào nói rõ được là họ thực sự có thể có ích cho việc gì” (Die Philosophen haben versumt klarzumachen, wozu man sie eigentlich brauchen kann.).[3] Tiếp tục ý tưởng này, tôi muốn đặt câu hỏi: Triết học thực hiện chức năng gì? Nó phục vụ cho mục đích gì trong phạm vi của các cuộc điều tra nghiên cứu khoa học? Và xã hội có thể được lợi gì từ nó? Có rất nhiều câu trả lời có thể được đưa ra cho các câu hỏi trên tùy thuộc vào quan điểm ý hệ của triết gia mà ta đang bàn.

Quan điểm của cá nhân tôi là quan điểm coi triết học như là bộ môn trung giới của hoạt động nghiên cứu liên ngành. Nếu đưa ra được những điều kiện lý tưởng đó, thì triết học sẽ hoạt động với tư cách là một chất xúc tác trí tuệ giữa các bộ môn học thuật, một sự hòa giải trung gian giữa các bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Nếu tổ chức đúng đắn thì các công trình triết học như là chất keo kết dính các lĩnh vực khác nhau của việc nghiên cứu học thuật. Nếu các triết gia thực sự hợp tác với những người đang hoạt động trong một chuyên ngành nào đó thì họ sẽ tiếp tục làm tròn chức năng có ý nghĩa trong đời sống học thuật, đúng như họ đã làm cách đây một trăm năm, hai trăm năm.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi đặt triết học vào sự quy chiếu đến các lĩnh vực trí tuệ khác. Triết học hoàn toàn dựa vào chất liệu của các hoạt động khoa học, học thuật hay văn hóa cung cấp. Triết học không có bất cứ nguồn chất liệu nào để tùy nghi sử dụng. Nó chỉ làm mỗi việc là tư duy lại và xem xét lại những sự kiện do những đại biểu của các bộ môn khoa học khác thiết lập. Cơ chế này tồn tại ngay cả trong lĩnh vực mà chẳng ai nghĩ rằng nó có, cụ thể là trong siêu hình học. Không còn nghi ngờ gì nữa, siêu hình học vượt khỏi lĩnh vực nghiên cứu khoa học; tuy nhiên, nếu truy tới nguồn gốc của nó, ta sẽ bắt gặp những cơ sở thần học, hay theo nghĩa rộng hơn, những khái niệm huyền thoại và tôn giáo của các dân tộc thời tiền sử.

Triết học phụ thuộc vào thế giới kinh nghiệm và những lối lý giải được quy định về mặt văn hóa của nó. Nó thu thập nguyên liệu từ các lĩnh vực khác và sắp xếp chúng lại bằng cách thiết lập các nối kết chéo, mở rộng dần những ngữ cảnh chung và trình bày lại theo một hình thức có tính hệ thống. Để làm rõ quy trình làm việc này, ta hãy xét bộ môn triết học chính trị. Nếu khảo sát các công trình của Hobbes và Montesquieu, ta có thể nói rằng những khởi điểm của sự phản tư trong các công trình ấy đều dựa vào Kinh Thánh, những tác phẩm của các sử gia thời cổ đại, những tài liệu du ký, những tài liệu mô tả về các hiến pháp chính trị và những nguồn khác; chứ tự họ, họ không khai triển được chất liệu làm chỗ dựa cho các công trình của mình.

Tuy nhiên, chính việc dùng tài liệu đã qua sử dụng (second-hand existence) này làm cho triết học rất dễ bị công phá. Chức năng của triết học có thể bị đặt thành vấn đề khi các nhà xã hội học, dân tộc học, tâm lý học, sử học, ngữ văn học, giáo dục học và các chuyên gia thuộc các môn khoa học xã hội khác không còn hạn chế mình vào việc nghiên cứu thường nghiệm, mà đã bắt đầu phản tư về những môn học của họ theo phương cách triết học. Các nhà tư tưởng lớn theo hướng truyền thống đang dần dần bị tước mất các lĩnh vực trí tuệ của mình. Triết học không còn là đặc quyền của những người hành nghề triết học. Sự hợp nhất các bộ môn có liên quan tới triết học bị tan vỡ.

Vì vậy, triết học đã mất đi nhiều lĩnh vực hoạt động mà trước đây vốn là bộ phận không thể tách rời của nó. Bạn có thể lấy lại ví dụ về triết học chính trị mà tôi đã đề cập ở trên để minh họa. Hiện nay, hầu hết các sách bách khoa toàn thư đều xem Samuel Huntington là một nhà khoa học chính trị, trong khi đó một trong những bậc tiền bối về trí tuệ của ông là Oswald Spengler thì lại được chúng xem là một triết gia. Việc cả hai nhà tư tưởng này được gán cho những bộ môn khác nhau không xuất phát từ những cấu trúc của hệ thống lý thuyết hay từ những phương pháp nghiên cứu của họ, mà về những điều này thì họ có nhiều điểm chung. Sự phân định này chỉ căn cứ vào thực tế là những đường biên của triết học đã chuyển dịch trong 80 năm qua. Vào thời của Spengler, Huntington ắt sẽ được coi là một triết gia, trong khi đó, Spengler, nếu sống ở thời nay, ắt sẽ được gán cho cái nhãn là nhà xã hội học hay nhà khoa học chính trị.

Việc các bộ môn khoa học nhân văn tách ra khỏi triết học đã tước đi bao vẻ đẹp quyến rũ và sức ảnh hưởng của cựu “nữ hoàng của các khoa học”. Nhưng, người bị đáng bị trách cứ vì tiến trình [tách rời] này là các triết gia hơn là các nhà nghiên cứu thường nghiệm. Cách đây không lâu, tôi đã đảm nhiệm việc điều tra nghiên cứu tình trạng suy giảm của triết học trong luận án “Sự suy đồi của lý tính”,[4] trong đó tôi hết sức lưu ý đến nền triết học hàn lâm ở các nước nói tiếng Đức. Điều đáng chú ý là triết học ở Trung Âu đã thất bại một cách đích đáng khi gặp những thách thức của nghiên cứu thường nghiệm. Thay vì vẫn giữ mối tiếp xúc với các bộ môn khoa học và nhân văn, các triết gia đã rút lui ra khỏi đời sống khoa học và thỏa mãn với việc vun trồng những giá trị và những chân lý được cho là vĩnh cửu. Các triết gia Đức thời hậu chiến chỉ lo mỗi việc diễn giải các tác phẩm của những người nổi tiếng trong quá khứ. Việc dồn sức phục vụ cho lịch sử triết học đã làm tiêu tốn những nguồn lực tài chính và trí tuệ, do đó, làm cản trở sự tiến hóa của những lối tiếp cận có tính sáng tạo. Hầu hết các đại biểu của triết học Đức đương đại đều coi các công trình kinh điển trong bộ môn của họ là những khuôn mẫu cho nguồn sản sinh bất tận hơn là những động cơ dẫn đến cuộc thảo luận mới. Một triết gia người Đức là Lorenz Puntel, từ Munich, đã miêu tả tình hình trong đề tài của ông như sau: “Chẳng có gì là cường điệu khi khẳng định rằng nền giáo dục triết học ở Đức hầu như chỉ cốt ở chỗ giáo dục toàn diện về lịch sử triết học, không hơn không kém.”[5] Nhiều triết gia Đức không có khả năng xem xét và xử lý một chủ đề triết học như là một chủ đề hay vấn đề thuần túy mang tính hệ thống. Họ thường không bàn các vấn đề triết học như là những vấn đề có tính hệ thống, nghĩa là chỉ xem xét nội dung thuần túy mang tính triết học, mà thường bàn luận, kiến tạo lại và trình bày không biết bao nhiêu lần những ý kiến của các triết gia trong quá khứ về các vấn đề này, cũng như ngữ cảnh lịch sử của chúng. […] Cái được gọi là triết học Đức đương đại, về đại thể, giống với một cửa hàng lưu niệm hơn là một công xưởng.[6]

Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình có liên quan tới những lời than vãn ở trong giới về “sự bội bạc” của các môn khoa học nhân văn khác và – dùng một ẩn dụ quen thuộc – về “những đứa con bạc tình bạc nghĩa” ít đoái hoài đến công ơn của bà mẹ của các môn khoa học, người đã nuôi dưỡng chúng. Tôi nghĩ rằng những lời than phiền như thế này không ảnh hưởng gì đến ta thêm nữa. Cái ta cần là một chính sách chủ động tích cực, nêu rõ rằng triết học phải tham gia vào đời sống khoa học. Thay vì tiếc thương cho ánh hào quang đã phai mờ trong quá khứ, triết học phải nhằm vào việc giành lại lãnh địa đã mất và tập hợp lại tất cả các bộ môn, vốn trước đây đã từng thuộc về nó, trên một nền tảng chung. Triết học hàn lâm có thể hồi sinh nếu nó giữ vai trò là một diễn đàn liên ngành ở đó các học giả thuộc từng chuyên ngành trao đổi với nhau về những lối tiếp cận tư liệu của riêng họ. Bằng cách tập hợp các bộ môn khoa học và nhân văn riêng lẻ lại và tăng cường mối tương giao giữa chúng, triết học có thể lấy lại được một vị trí danh giá trong đời sống học thuật. Triết học phải đối mặt với những thách thức nảy sinh từ sự gia tăng không ngừng của tri thức. Ở cái thời mà bộ môn sinh lý học thần kinh và công nghệ gen đang tiến bộ không ngừng, triết học không còn được phép rút lui khỏi những cấu tạo và những khái niệm tiên nghiệm của lý tính thuần túy. Việc làm thế nào khiến người ta quan tâm đến các vấn đề khoa học cụ thể đã được nhiều phân khoa triết học ở Mỹ chứng minh một cách thành công. Trong mấy thập niên qua, các triết gia Mỹ đã khai triển một số lối tiếp cận đầy hứa hẹn nhưng vẫn giữ được chủ đề của mình khỏi bị chết ngạt trong truyền thống của chính nó.

Biện pháp thứ hai có thể làm cho triết học thoát khỏi tình trạng trì trệ chính là thường xuyên dựa vào cuộc sống thực tế. Các triết gia phải thể hiện cam kết với tất cả những vấn đề mang tính thời sự, các vấn đề chính trị và xã hội, khi chúng được dấy lên bởi các phương tiện truyền thông. Nếu các triết gia có thói quen bình luận các vấn đề xã hội một cách công khai ở bất cứ chỗ nào và vào bất kỳ lúc nào họ có mặt, thì việc tra hỏi xem bộ môn của họ có ích lợi gì không sẽ tự động biến mất. Chỉ có điều là hầu hết các đại biểu của môn học của chúng ta không nghĩ đến việc tự họ phải tham gia vào những vấn đề có tính thời sự. Ở Pháp và Đức, các triết gia thường coi việc bàn luận những điều đó với các công dân bình thường là không xứng với vị thế “chiếu trên” của họ. Đối với họ, đáp ứng những đòi của người bình thường dứt khoát không phải là công việc của họ. Vì thế, những người ghiền triết học [philosophy-ridden enthusiasts] đã nghĩ ra những sáng kiến của công dân nhằm xem xét triết học theo phương cách định hướng vấn đề mang tính thể nghiệm. Tại Pháp xuất hiện các chương trình café-philo [cà phê-triết học]. Chúng là những quán cà phê bình thường, nơi đó những triết gia không theo những qui ước xã hội cứ mỗi tuần lại gặp gỡ nhau, thuyết trình rồi thảo luận. Thông thường, những buổi thuyết trình này được nhiều người đủ mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp xã hội đến tham dự. Các quán café-philo cho thấy nhu cầu thảo luận triết học ngày càng nhiều và sự bất lực hoàn toàn của tổ chức hàn lâm trong việc đáp ứng nhu cầu ấy. Ở Đức, các phòng mạch triết học (philosophischePraxen) mọc lên như nấm. Chúng do những cá nhân được đào tạo chuyên nghiệp thành lập và điều hành. Họ mở các phòng dịch vụ đón chờ những ai có nhu cầu tư vấn triết học. Khác với những người tương nhiệm bên Pháp, các nhà tư vấn triết học Đức phải trả phí kết nạp hay phí thành viên. Trong các giáo trình của mình, họ thường bàn đến nhiều chủ đề. Rất nhiều người thích thú với việc được chỉ dẫn về các vấn đề tâm lý học, gần giống với tâm lý liệu pháp truyền thống, cũng như với những lời tư vấn về việc quản trị và tổ chức kinh tế. Điểm chung ở tất cả những nhà tư vấn là muốn để mắt đến những vấn đề cụ thể của cuộc sống con người. Vì nơi duy nhất bạn có thể học bơi là ở trong nước, nên chỉ trong mối tương tác với đời sống thực tế hay hoạt động nghiên cứu khoa học thì bạn mới có thể bàn luận triết học được.

Các quán café-philo và các phòng mạch mọc lên như là những định chế đi ngược lại nền triết học hàn lâm, tức là nền triết học thường né tránh các vấn đề có tính thời sự bằng cách dồn hết tất cả vào việc đọc và biên soạn các công trình triết học kinh điển. Khi nói điều này, dĩ nhiên tôi không muốn nói rằng việc quan tâm tới lịch sử triết học là hoàn toàn vô giá trị. Chắc chắn là, các công trình kinh điển mang lại cho ta nguồn cảm hứng độc nhất vô nhị và cho ta thấy cách thức để giải quyết những vấn đề triết học một cách có phương pháp. Điều tôi phản đối là việc bắt chước một cách mù quáng và lặp đi lặp lại không ngừng những giáo điều đã được chứng minh là sai lầm hay ít ra là mơ hồ. Triết học không thể mang lại những câu trả lời dứt khoát cũng như không thể đưa ra những chân lý không thể bác bỏ được như đã hứa suốt cả chiều dài lịch sử tư tưởng. Nhưng nó có tác dụng thúc đẩy và kích thích cho những hoạt động phản tư của chính chúng ta. Nó có thể giữ vai trò  'zurErhebung und Herzerquickung’ (làm ta căng tràn nhiệt huyết và tăng cường dũng khí trong ta) như Edmund Husserl có lần nói.[7]

Có một số bằng chứng cho thấy số người quan tâm đến triết học đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Sự ra đời của thể loại truyện kể triết học và trên hết sự thành công của những cuốn tiểu thuyết của Jostein Gaarder đã cho thấy rằng phần lớn người ta không xem triết học là một công việc đang tàn lụi. Các triết gia hàn lâm nên sử dụng quả bom này cho những mục đích của riêng mình thì tốt hơn. Tình trạng cắt giảm ngân sách và sự suy giảm việc làm, do đó, không phải là số phận bất hạnh bất khả hoán cải mà họ phải chịu. Cuộc khủng hoảng của triết học được định chế hóa có thể khắc phục được nếu các đại biểu của chúng có ý chí và trí tuệ vững chắc để thực hiện các biện pháp thích hợp. Chẳng có lợi gì nếu ta đổ lỗi cho khoa học, vốn là thứ dễ có được nguồn tài trợ đáng kể và có rất nhiều phát hiện mới. Nếu Descartes, Leibniz và Kant đã có thể hưởng lợi từ khoa học trong thời đại của họ, thì người kế tục họ hẳn phải ở trong vị trí cạnh tranh với nhau. Tương lai của nền triết học hàn lâm, tức vấn đề nó sẽ hồi phục hay tiếp tục suy tàn, chỉ phụ thuộc vào năng lực thích ứng của nó trước những đòi hỏi của thời đại chúng ta. Công việc của triết học, sự tư biện thuần lý tự do, được bắt rễ sâu xa trong bản tính người, và không có bằng chứng nào cho thấy rằng nó sẽ ngày càng đi đến chỗ cáo chung.

CÙ NGỌC PHƯƠNG dịch

Joachim Jung là biên tập viên của tạp chí triết học "Kontroversen in der Philosophie" và là phó giáo sư (assistant professor) của Viện Ludwig Boltzmann Institute for Modern Austrian Intellectual History ở Vienna.

Bản dịch tiếng Việt đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 233, ngày 25.11.2012.



[1] Proceedings and Addresses of the American Philosophical Association November 1995, Vol. 69, No. 2, p. 144f.

[2] Helmuth Plessner: Die versptete Nation. ber die politische Verfhrbarkeit brgerlichen Geistes (1935). Stuttgart 1959 (Kohlhammer), pp. 150, 176

[3] Conversation Gerhard Vollmer - Joachim Jung 24.8.1994

[4] Nhan đề bằng tiếng Đức: 'Der Niedergang der Vernunft. Kritik der deutschsprachigen Universittsphilosophie', Frankfurt 1997, Campus Publ.

[5]  Lorenz B. Puntel: “The History of Philosophy in Contemporary Philosophy: The View from Germany”, Topoi 10/1991, p. 147

[6] ibid. p. 151f.

[7]  Edmund Husserl: Philosophie als strenge Wissenschaft. Frankfurt 1965 (Klostermann), p. 66 {SEITE|9}

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt