Nhập môn triết học

Vấn-đề chân-lý

TRIẾT HỌC TỔNG QUÁT

 

CHƯƠNG III :

VẤN-ĐỀ CHÂN-LÝ

 


Trần Văn Hiến Minh. Triết học tổng quát. Nxb. Tủ Sách Ra Khơi, 1965. | Phiên bản điện tử: http://tusachtiengviet.com



 

Chân lý là gì ?

Vài đặc tính của chân lý

 

TIẾT I : CHÂN-LÝ LÀ GÌ ?

A) TIÊU-CHUẨN CHÂN-LÝ

Trước hết, đặt vấn đề : dựa vào đâu để bảo rằng điều ta quyết đoán hay phủ-nhận là thực ? Hỏi như thế tức là đặt vấn đề tiêu-chuẩn chân-lý.

Người ta nêu ra rất nhiều tiêu-chuẩn tùy màu sắc triết-học. Đối với những người tự ti mặc cảm, không tin tưởng vào chính mình, thời chân lý dựa trên thế giá hay là uy tín của một cá nhân, hay là trên ý kiến phần đông. Những loại tiêu-chuẩn này có tính cách ngoại tại (extrinsèque) chúng gây áp lực cho chủ thể nhận thức nên thường ít giá-trị trong phạm-vi nhận-thức khoa-học hay triết-học. Chúng tương ứng với cách nhận-thức bằng tin tưởng đã nhắc tới ở trên. Người ta thường đem ra tiêu-chuẩn hiển nhiên (évidence). Đúng hay là thật, là cái gì hiển nhiên, như hai với hai là bốn. Họ quên rằng, trong nhiều trường hợp (khoa-học hay triết-học) chân lý có thể là hiển nhiên tự nó (tự tại, en soi), nhưng lại không hiển nhiên đối với tôi (pour moi). Vậy hiển nhiên ở đây, phải hiểu là hiển nhiên hồi cố (évidence réfléchie), nghĩa là hiển nhiên chỉ xuất hiện sau khi chủ thể đã kiểm điểm cân nhắc các lý do. Nói cùng ra, chính chân-lý, hay là : chính thực tại là tiêu chuẩn cho chính mình, như ánh sáng làm cho ta xem các vật khác, đồng thời chính nó là cái ta xem cách chính tông hơn cả ; các vật khác được ta xem, vì chúng được gọi trong ánh sáng.

Ngày nay, người ta đem ra nhiều tiêu chuẩn khác, không có tính cách khách quan và phổ quát. Có người chủ trương, thật, là cái giúp ta thành công : duy dụng chủ nghĩa (pragmatisme) ; người khác : thật, là cái có thể kiểm chứng được bằng giác quan, duy-khoa-học hay duy-thực-nghiệm (scientisme, positivisme). Nhóm người thứ ba lại chủ trương, thật, là có cái lợi cái có ích (duy ích chủ-nghĩa, utili-tarisme) ; thật, là cái do xã hội (xã-hội-thuyết, sociologisme) ; thật là cái luôn luôn phải tiến hóa, phải biến dịch (tiến-hóa-thuyết, của Bergson, của H. Spencer), v.v… Những tiêu chuẩn trên đây hoàn toàn tương đối và chủ-quan, làm cho chân-lý thiếu tính cách phổ quát và bất di dịch.

B) ĐI SÂU VÀO CÂU ĐỊNH-NGHĨA CHÂN-LÝ

Có thể định-nghĩa chân lý theo hai quan-điểm : quan điểm phân tích và quan điểm tổng hợp.

I. Theo quan điểm phân tích

Nói phân tích tức là nói riêng từng thành phần một, về phía chủ thể nhận thức, cũng như về phía đối tượng được nhận thức. Nơi con người nhận thức có nhiều khả năng phức tạp. Từ dưới lên trên, trước hết ta có giác quan, quen gọi là ngũ quan. Chúng tiếp xúc với ngoại giới một cách khác nhau, tùy theo sở trường chuyên môn của mỗi giác quan. Như thế, việc nhận thức của mắt được thực hiện khác với việc nhận thức của lưỡi, và nhằm một khía cạnh đối-tượng khác. Nhìn, quả cam thời khác và nếm quả cam thời khác. Nhìn, cho ta biết mầu sắc ; nếm cho ta biết vị quả cam. Dĩ nhiên, đôi khi, ta nhìn, cũng biết được một phần mùi vị quả cam. Nhưng việc biết mùi vị không phải sở trường chuyên môn của mắt (thị giác) mà là của lưỡi (vị giác). Cũng có những trường hợp, tuy không phải sở trường chuyên môn, nhưng sự nhận thức rất cần cho ta nhìn mà biết nóng lạnh, nhất là nóng, để ta không cần lấy tay sờ cục sắt nung đỏ, chẳng hạn. Như thế tránh được bỏng tay.

Đi sâu vào đời sống tâm lý con người, khả năng chủ thể cũng rất phức tạp. Các nhà tâm-lý-học đem giản lược vào ba khả năng chính : là trí năng (hay là lý trí, ý thức) ý chí và tình cảm. Mỗi khả năng tiếp xúc với đối tượng một cách khác nhau. Trí năng giữ công tác nhận thức, và nhằm khía cạnh « chân » (sự thật) của sự vật. Ý chí lo việc đun đẩy hoạt động, cùng với bản năng mà ta có thể gọi là nguồn hoạt động hạ đẳng. Ý chí nhằm khía cạnh « thiện » (sự tốt) của sự vật, và hướng về sự vật, thu hút do sự vật như là mục đích hay phương tiện để tiến tới mục đích. Sau hết, cảm-tình giữ công-tác làm vui khoái chủ thể, và nhằm khía cạnh « mỹ » của sự vật, khiến chủ thể thưởng được đối tượng.

Sau khi phân tích qua chúng ta đi tới câu định nghĩa chân lý, theo quan điểm phân tích. Theo quan điểm này : « chân lý là sự tương ứng giữa trí năng và sự vật dưới khía cạnh « chân ». Câu định nghĩa này đã thành cổ điển và không phủ nhận các khía cạnh khác của sự vật. Lý do tại sao định nghĩa chân lý theo một khía cạnh như thế có thể tóm vào hai lý do chính này. Lý do thứ nhất là vấn đề phân công giữa các khả năng của chủ thể. Như trên ta đã nói, mỗi khả năng có sở trường chuyên môn riêng, tuy rằng đôi khi ra ngoài phạm-vi sở trường của mình. Nhưng cả trong trường hợp này, khả năng đó cũng vẫn không ra ngoài phạm vi chuyên môn. Mắt chuyên môn xem ánh sáng, nhưng cũng biết được dài rộng, xa gần. Nhưng biết được dài, rộng, xa, gần, cũng phải dựa vào ánh sáng. Mắt không nhận-thức được dài, rộng, xa, gần, trong đêm tối. Ở đây cũng vậy, chân lý là một khía cạnh của sự vật khi nào được biết tới, nghĩa là khi ta biết vật đó là cái gì, biết vật đó là có thực. Cuộc gặp gỡ của đối tượng dưới khía cạnh có và có thực (hay là hữu thể) phải được thực hiện nơi trí năng. Lý do thứ hai, là vì hữu thể (hay là có thực) gồm nhiều đặc tính siêu nghiệm (nghĩa là bao giờ cũng gồm trong hữu thể) là chân, thiện, mỹ. Hai đặc tính sau phải giả sử có đặc tính trước. Có thiện, mỹ, vì có chân. Và nếu có chân, hẳn phải có thiện và mỹ, dầu không nói rõ ra. Lấy cái chính để nói thay cho cái phụ, lấy cái cốt trụ nhưng không phủ nhận những cái dựa vào cốt trụ đó. Nói mặt trời, tức là hiểu ngầm ánh sáng và sức nóng. Nói chân, tức là hiểu ngầm thiện và mỹ.

II. Theo quan điểm tổng hợp

Tổng hợp là nhìn toàn diện, chớ không nhìn từng khía cạnh một. Nhìn toàn diện chủ thể nhận thức, đem ra ánh sáng tất cả các khả năng liên can tới việc nhận thức, đồng thời nhìn mối dây liên lạc giữa chúng với nhau. Trong việc nhận ra chân lý, giác quan có, ý thức có, trí năng hay lý trí có, ý chí hoạt động có, cảm tình có. Tất cả đều tiếp xúc với đối tượng. Con người tiếp xúc với chân lý, bằng biết, bằng hành động, bằng yêu, bằng thiện cảm. Tất cả đều được động-viên để ra đón đối tượng vào chủ thể. Chỉ một khả năng tiếp xúc, chưa gọi là chân lý. Hay già lắm, mới chỉ là chân lý khô khan và lạnh nhạt. Chân lý như thế, mới thỏa mãn được tính tò mò của ta, nhưng chưa đun đẩy ta tới chỗ hành động, chưa làm cho ta thưởng thức được sự vật.

Về phía đối tượng cũng vậy. Cần phải nhằm tất cả các khía cạnh của đối tượng. Có những khía cạnh dễ nhận thức bằng khái niệm. Có những khía cạnh khác thoạt đầu xem ra dễ, nhưng mỗi lần ta muốn diễn tả bằng khái niệm, thời chúng trốn ẩn, như những hiện tượng thời gian, tình yêu, tính tình của một người. Trong những trường hợp này, một trí năng hay lý trí mà thôi không cho ta nhận ra tất cả các khía cạnh phức tạp và uyển chuyển. Ngoài ra, còn có những hiện tượng mà Heidegger gọi là hoàn toàn bị chôn vùi (verschutete phanomene). Tự chúng, chúng có thể được nhận ra dưới khía cạnh khái niệm và bằng trí năng, nhưng đối với người khác, chúng vẫn không được nhận ra, hoặc do thiên kiến, hoặc do hoàn cảnh khu vực. Những người duy vật, vì thiên kiến, họ không hiểu thế nào là một thực tại tinh thần và ngược lại, những người duy tâm, không thể lĩnh hội thế nào là một vật không phải là sự kiện tâm lý, nên phải trình bày cho họ sự vật dưới một khía cạnh của sự vật mà họ dễ thấy hơn, hay dễ cảm kích họ hơn, nhưng cũng bảo họ không được phủ nhận khía cạnh khác.

Vậy chân lý theo quan điểm tổng hợp là sự tương ứng giữa chủ thể toàn diện và đối tượng toàn diện, với tất cả những mối tương quan giữa chúng, chứ không phải chỉ giữa trí năng và sự vật dưới khía cạnh chân mà thôi. Định nghĩa này cũng đúng, với điều kiện là không phủ nhận sự phân công nói trên trong câu định nghĩa theo quan điểm phân tích. Với phong trào triết học thiên về hiện tượng và tả chân, người ta thích câu định nghĩa theo quan điểm tổng hợp hơn. Đó cũng là một phản ứng chính đáng, sau bao nhiêu năm phân tích quá chớn. Phân tích mà không phủ nhận tổng hợp, như ta thấy trong triết học Âu châu thế kỷ mười ba, thời là một thế quân bình lý tưởng. Phân tích để đi đến chỗ tách biệt cả trong thực tế những yếu tố bất khả tách biệt, thời quả là một nhầm lẫn lớn, như ta thấy trong triết học duy tâm, duy lý hay duy khoa học. Sự phân tích quá chớn – trong phạm vi khoa học chẳng hạn – đã tách hẳn hai phạm vi tri và hành. Người ta biết chỉ để biết, chứ không màng tới việc biết đó giúp con người làm thiện và cho họ hạnh phúc hay không. Triết học mới đã phản ứng lại và bắt ta phải trở về chủ thể và đối tượng toàn diện. Nhưng nhiều khi, Triết học mới lại đi sang cực đoan bên kia, tới chỗ tổng hợp quá chớn, làm đảo lộn tất cả những ý niệm, mất cả chính danh định phận trong phạm vi Triết học, trở thành những áng văn-chương tiểu thuyết lu mờ mông lung, tả những trạng huống tâm tình bi đát, mà không tìm ra manh mối bằng những ý niệm rõ rệt hay là tiến tới chỗ rõ rệt. Do đó, chân lý bị lu mờ uyển chuyển, không làm mẫu mực cho đời sống con người, ít là trong những điểm then chốt nền tảng.”

 

TIẾT II : ĐẶC TÍNH CỦA CHÂN-LÝ

Nói đặc tính của chân lý ở đây, là nói đặc tính của chân lý đã thành hình rồi nghĩa là một sự gặp gỡ giữa chủ thể và đối tượng. Sự gặp gỡ này muốn được gọi là chân lý, phải giả sử tất cả – hay một phần – những điều kiện phải có. Bên chủ thể, phải có điều kiện để có thể nhận ra đối tượng, như có thật. Bên đối tượng, cũng phải có những điều kiện để có thể được nhận ra, một khi đứng trước một chủ thể lành lặn. Nếu thiếu những điều kiện song phương đó, thời thiếu sự tương ứng tức là thiếu chân lý, hay chỉ là chân lý chủ quan chứ không khách quan. Vậy, một khi đã có chân lý khách quan như thế nó có những đặc tính chính nào ?

A) CHÂN-LÝ TUYỆT-ĐỐI HAY TƯƠNG-ĐỐI ?

I. Chân lý tuyệt-đối

Phải trả lời ngay, đã là chân-lý, là phải tuyệt đối. Phải hiểu thế nào ? Chân lý phải có tính cách tuyệt đối, vì có là có, không là không. Nếu  bảo không, hay nếu không bảo , là sai. Nhìn một vài khía cạnh của sự vật, là chắc chắn nhìn một vài khía cạnh đó. Và nhìn toàn thể khía cạnh của sự vật, là chắc chắnnhìn được toàn thể khía cạnh. Nếu tôi thấy anh bạn tôi ngồi lúc này, thời chắc chắn là anh bạn tôi ngồi. Việc anh bạn tôi ngồi là thật và sẽ còn thật mãi mãi, dầu sau đó bạn tôi thay đổi dáng bộ bao nhiêu lần đi nữa. Việc anh bạn tôi ngồi là một sự kiện không ai có mắt lành có thể chối cãi được và sau mấy ngàn năm, sự kiện đó vẫn là sự kiện có thật, đã xẩy ra thật. Các sự kiện khoa-học đã xẩy ra, đã được minh chứng kỹ-lưỡng đều thật cả. Những chân lý tối sơ hay là sơ đẳng xuất hiện lúc con người biết tiếp xúc và hiểu sự vật, cũng đều là thật cả. Nếu đã là thật thời sẽ thật mãi mãi. Cuộc sinh tồn cụ thể đã được cấu tạo, và đang sẵn có đấy, cũng là thật và luôn luôn thật. Tính cách tuyệt đối nói đây không được hiểu theo nghĩa Leibnitz cho rằng, có như thế, là vì có sự đồng nhất hiển nhiên giữa hai khái niệm minh bạch. Nhưng phải hiểu là vì những khái-niệm đó luôn hướng về sự vật ở ngoài, nhờ một tác động ta gọi là tri-giác, nếu là những chân lý về sự vật hữu hình.

II. Nhưng có thể bảo một chân lý tương đối không ?

Nhiều nhà triết-học hiện-đại đã trả lời rằng có. Không kể những người quá hoài nghi, nghi ngờ tất cả kiểu Pyrrhon, hay là một số người khác như K. Jaspers và Merleau-Ponty chủ trương con người là mẫu mực chân-lý. Ta có thể hiểu câu trả lời trên theo một nghĩa có thể nhận được. Một đàng chân lý tương đối ở chỗ chủ thể nhận-thức có khả năng hơn kém. Một người nào đó, lúc còn nhỏ, nhìn sự vật không hoàn hảo bằng lúc lớn. Một người thường dân nhìn sự vật cách đơn sơ và lu mờ hơn một nhà bác học. Một người mọi rợ nhìn vũ trụ không bằng người văn minh. Chủ thể nhận thức là con người chúng ta, bị chi phối do nhiều điều kiện vật lý và sinh lý. Tinh thần con người là tinh thần nhập thể trong một cái xác, và qua cái xác, nhập thể trong vũ trụ vật chất. Tinh thần đó, lúc đầu mới là hòn ngọc quí-giá, nhưng ngọc bất trác, bất thành khí. Nếu ta không tập tành rèn luyện, tinh thần khó trở nên một dụng cụ sắc bén được. Mỗi một thời đại, là tinh thần nói riêng và chủ thể nhận thức nói chung, như được tăng sức điện (survolté) để có thể nhìn đối tượng một cách rõ ràng và đầy đủ hơn. Tương đương với chủ thể, đối tượng cũng phức tạp. Mỗi đối tượng là một thành phần trong một toàn phần, gắn bó vào các thành phần khác. Rồi mỗi thành phần lại có một số vô hạn định những khía cạnh, và biết đâu, mỗi thành phần lại không có nhiều khía cạnh nho nhỏ khác. Vì thế, cũng một đối tượng nhưng được tuần tự khám phá ra, theo các khía cạnh. Mỗi lúc, mỗi thời đại, khám phá được khía cạnh mới hay là nhìn khía cạnh (đã khám phá được) một cách rõ ràng hơn. Nhưng tuần tự tiến như thế, cũng vẫn có là có, không là không. Và đó là chân lý bất di dịch. Dầu chủ quan có thay đổi, nó vẫn nhằm đối tượng và dầu đối tượng phức tạp nhưng những cái nó có, những khía cạnh nó có, vẫn là thật, vẫn có đấy, để đợi cho chủ thể đến khám phá ra. Và như thế, vẫn giữ được tính cách tuyệt đối của chân lý.

B) CHÂN-LÝ BẮT BUỘC HAY KHÔNG ?

Bắt buộc ở đây phải hiểu theo nghĩa luân lý, nghĩa là khi đứng trước chân lý, hay là khi chủ thể nhìn đối tượng, có bắt buộc phải nhận và theo đối tượng không. Vì là phạm vi luân lý, nên con người còn có tự do, có thể không nhận và theo, và còn có vấn đề trách nhiệm. Vì thế, nên phân biệt hai phạm vi : phạm vi của chân lý bắt buộc và phạm vi trách nhiệm nơi chủ thể.

I. Chân-lý bắt buộc phải theo nó

Nếu đối tượng đứng trước chủ thể nhận thức, thời chủ thể bị nó bắt buộc phải nhận ra nó và theo nó. Tự nó, đối tượng hiển nhiên, không thể chối cãi và không cần minh chứng. Đối tượng là một dữ kiện (donnée), hay là một quà tặng (don) đòi phải được ta tiếp nhận (originar gebende Anschauung, như Triết học hiện sinh nói). Mắt mở trước ánh sáng, ánh sáng bắt buộc mắt phải xem ánh sáng và một khi đã xem thấy một lần, còn bắt buộc phải bảo rằng ánh sáng có và thật có. Những nguyên tắc tối sơ (premiers principes) vì xuất hiện nơi sự vật và do sự vật, cũng buộc chủ thể phải nhận một khi chủ thể tiếp xúc với chúng. Những nguyên tắc chỉ huy đời sống luân lý và tôn giáo (tự nhiên) cũng là những chân lý, do sự gặp gỡ giữa ý thức đạo đức và trật tự cùng những đòi hỏi của đời sống. Chúng cũng có sức bắt buộc. Dĩ nhiên, sức bắt buộc cũng có những cấp bậc hơn kém, tùy như những chân lý đó liên hệ mật thiết hay không, xa hay gần, tới đời sống hạnh phúc cách riêng. Theo nhận xét này, một chân-lý lý-hóa không có sức bắt buộc bằng một chân-lý luân-lý, xã-hội hay tôn giáo. Nhưng đã là người, mang cái thân phận là người (condition humaine), thời phải chịu bất cứ chân lý nào bó buộc mình, vì mình không tạo ra chân-lý và chỉ tìm ra chân-lý, tìm ra chân lý với tất cả khía cạnh và ý nghĩa (Sinndeutung) của chân-lý. Chân lý bắt buộc nhưng bắt buộc con người tự-do, vì thế đặt vấn đề trách nhiệm.

II. Trách nhiệm nơi chủ thể

Trách nhiệm thứ nhất, là phải tự do đối thoại với chân-lý, tự-do tìm ra chân lý, tự do hạn chế phạm vi chủ quan của mình để cởi mở đón nhận chân lý, tự do ưng thuận với chân-lý, với những gì có (consentement à l’être : A Forest). Và đó là tự do thật, một thứ tự do rộng mở, chứ không tự nhắm mắt trước ánh sáng, để trở thành mù. Nhưng về phương diện trách nhiệm, nhiều khi được giảm bớt hay mất hẳn. Một đàng, tự do chưa đủ điều kiện vật lý hay sinh lý để thực hiện điều mình muốn, là nhận và theo chân lý. Và chưa đủ như thể không tại lỗi mình lười hay ngoan cố nhắm mắt trước ánh sáng. Đàng khác, đối tượng nhiều khi đã được gói trong một khung cảnh đóng. Khung cảnh này như bức bình phong chắn đối tượng hay một phần của đối tượng. Nếu sau bao nhiêu cố gắng, đối tượng vẫn chưa hiện ra hay hiện chưa rõ, lúc đó chủ thể không chịu trách nhiệm. Nhưng sức bắt buộc của đối tượng vẫn còn nguyên vẹn. Vậy, bao lâu chưa thấy, phải tìm ; tìm được bao nhiêu, phải theo bấy nhiêu. Đó là trách nhiệm của ta đối với chân lý.

Chân-lý là, nếu có bảo có, nếu không bảo không. Ta không tạo ra chân-lý. Ta tìm ra chân lý, đó là luật của con người, mọi rợ hay văn minh. Nhưng phản lại luật đó, thường có chứng ảo tưởng : không có bảo có, hay chứng sai tưởng : có một đàng bảo một nẻo. Muốn tránh hai chứng bệnh nói trên, cần phải giáo dục : giáo dục về phía chủ thể nhận thức : ngọc bất trác, bất thành khí. Không rèn luyện, không thể nhận thức chân-ý được ; giáo dục về phía đối tượng : tìm ra sự vật. Khi nào có cuộc giáo dục song phương đó, sẽ có chân lý và nền giáo dục càng tăng, thời chân lý càng tỏ, sự tương ứng (adéquation) giữa chủ thể và đối tượng hay giữa trí năng và sự vật, càng thêm khắt khe mật thiết.

*

*      *

ĐỀ THI

 

1) Giải thích và phê bình câu của Kant : « Tất cả nhận thức của ta bắt đầu với kinh nghiệm, nhưng không phải vì đó mà tất cả đều do kinh nghiệm ». (Si toute notre connaissance commence avec l’expérience, il n’en résulte pas qu’elle dérive toute de l’expérience).

2) Lý trí và kinh nghiệm.

3) Những yếu tố của vấn đề giá trị nhận thức.

4) Kinh nghiệm có phải là điều kiện cần, có phải là điều kiện đủ trong việc tư tưởng không ?

5) Nguồn gốc của nguyên lý căn bản của lý trí.

6) Giá trị của nguyên lý đồng nhất, nhân quả và cứu cánh. (Tú tài 2 CD, 1951)

7) Có phải bất cứ mọi sự tìm tòi gì về triết-học cũng bắt đầu từ Tâm-lý-học để đi tới Siêu-hình-học không ? (Tú tài 2, C D, khóa 2, 1951)

8) Trí tuệ loài người có biết được sự thật không ? (Ban C D, khóa 2,1951)

9) Giảng nghĩa và phê bình câu của Leibnitz : « Không có gì trong trí tuệ mà trước kia không có trong giác quan, trừ phi chính là trí tuệ ». (Ban C D, 1954)

10) Có thể chủ trương lý trí vẫn là một, bất chấp ý kiến bất đồng và trí khôn không đều nhau không ?

11) Câu nói : « Nhận thức của con người chỉ là tương đối », phải hiểu thế nào ?

12) Cắt nghĩa câu của Pascal : « Trái tim có những lý lẽ mà Lý-trí không biết tới ». (Ban C D, 1951)”

13) Thông cảm (hay tình yêu) có phải là một cách nhận thức không ?

14) Hiển nhiên có phải là tiêu chuẩn đủ để phân biệt thiệt hư không ?

*

*       *

CÂU HỎI GIÁO KHOA

1) Nguyên-lý đồng nhất là gì ?

2) Nguyên-lý túc-lý là gì ?

3) Nguyên-lý nhân quả là gì ?

4) Có thể nói lý-trí tiến-hóa được không ?

5) Chân-lý là gì ?

6) Chân-lý (vérité) và thực tại (réalité) có như nhau không ?

7) Tương-quan giữa chân-lý và hành động.

8) Lợi-ích có phải là tiêu-chuẩn đủ của chân-lý không ?

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt