Chủ nghĩa Marx

Đồ thức luận về vũ trụ

CHỐNG ĐUY-RINH - MỤC LỤC

 

Phần thứ nhất: TRIẾT HỌC

IV.

ĐỒ THỨC LUẬN VỀ VŨ TRỤ

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 

 

"Tồn tại bao trùm tất cả là duy nhất. Vốn mang tính chất độc lập nên nó không chịu để một cái gì bên cạnh hay bên trên nó. Ghép vào nó một tồn tại thứ hai sẽ có nghĩa là làm cho nó trở thành một cái gì không phải nó, tức là thành một bộ phận hay một yếu tố của một chính thể rộng hơn. Do chỗ chúng ta mở rộng tư duy thống nhất của chúng ta như một cái khung, cho nên không có cái gì bao gồm trong thể thống nhất ấy của tư duy lại có thể giữ được tính nhị nguyên trong bản thân nó. Nhưng cũng không có cái gì có thể nằm ngoài thể thống nhất ấy của tư duy... Bản chất của mọi tư duy là ở chỗ hợp nhất những yếu tố của ý thức thành một thể thống nhất nào đó... Chính nhờ khả năng hợp nhất đó của tư duy mà nảy sinh khái niệm không thể chia cắt được về thế giới, và vũ trụ, như bản thân từ này đã chỉ rõ, cũng được coi là một cái gì trong đó tất cả mọi cái đều hợp nhất thành một thể thống nhất nào đó".

Ông Đuy-rinh đã nói như vậy. Cái phương pháp toán học, mà theo nó thì

"mọi vấn đề đều phải được giải quyết bằng định đề, dựa trên những hình thức cơ bản đơn giản, dường như vấn đề ở đây là những nguyên lý... đơn giản của toán học vậy",-

phương pháp đó đã được áp dụng lần đầu tiên ở đây.

"Tồn tại bao trùm tất cả là duy nhất". Nếu lời nói trùng lặp, việc lặp lại một cách đơn giản trong vị ngữ đều đã nói trong chủ từ - là một định đề, thì chúng ta có ở đây một định đề thuần tuý nhất. Trong chủ từ, ông Đuy-rinh nói với chúng ta rằng tồn tại bao trùm tất cả, và trong vị ngữ, ông ta dũng cảm quả quyết rằng trong trường hợp đó không có cái gì nằm ngoài tồn tại cả. Cái "tư tưởng sáng tạo ra hệ thống" thật mới đồ sộ làm sao!

Quả thật là có tính chất "sáng tạo ra hệ thống". Đọc chưa quá sáu dòng chúng ta đã thấy ông Đuy-rinh, bằng "tư duy thống nhất của chúng ta", đã biến tính duy nhất của tồn tại thành tính thống nhất của tồn tại. Vì theo ông Đuy-rinh, thì bản chất của mọi tư duy là sự hợp nhất thành một thể thống nhất nào đó, cho nên tồn tại một khi được người ta suy nghĩ đến thì nó chỉ được tư duy như là một thể thống nhất, và khái niệm về thế giới là một khái niệm không thể chia cắt được; và một khi tồn tại được tư duy, khái niệm về thế giới là thống nhất, thì cả tồn tại hiện thực, thế giới hiện thực, cũng là một thể thống nhất không thể chia cắt được. Và vì vậy,

"không còn chỗ nào cho thế giới bên kia nữa, một khi tinh thần đã học được cách bao quát tồn tại trong tính phổ biến thuần nhất của nó".

Đó là một chiến dịch đã làm lu mờ hẳn các chiến dịch Ô-xtéc-lít và I-ê-na, Khuê-ních-grét-xơ và Xê-đan[1]. Bằng hai - ba mệnh đề, qua chưa đầy một trang, - kể từ đoạn chúng ta huy động định đề thứ nhất - chúng ta đã xoá bỏ, loại trừ, tiêu diệt được tất cả thế giới bên kia, thượng đế, thiên binh, trời, địa ngục, luyện ngục, cùng với sự bất diệt của linh hồn.

Bằng cách nào mà từ tính duy nhất của tồn tại chúng ta tới được tính thống nhất của tồn tại? Bằng cách là nói chung, chúng ta hình dung sự tồn tại ấy. Một khi chúng ta đem tư duy thống nhất của chúng ta giăng ra như một cái khung bao trùm tồn tại duy nhất, thì tồn tại duy nhất liền trở thành một tồn tại thống nhất trong tư duy, thành một thể thống nhất của tư duy, bởi vì bản chất của mọi tư duy là ở chỗ hợp nhất những yếu tố của ý thức lại thành một thể thống nhất nào đó.

Mệnh đề sau là hoàn toàn sai lầm. Một là, tư duy bao hàm ở chỗ đem những đối tượng của nhận thức ra phân thành các yếu tố, cũng như đem những yếu tố có quan hệ với nhau hợp thành một thể thống nhất nào đó. Không có phân tích thì không có tổng hợp. Hai là, nếu tư duy không phạm sai lầm thì nó chỉ có thể đem hợp nhất thành một thể thống nhất nào đó những yếu tố của ý thức chỉ trong trường hợp nếu trong đó hoặc trong những nguyên hình hiện thực của chúng, sự thống nhất này đã có sẵn từ trước. Nếu tôi gộp cái bàn chải giày vào phạm trù thống nhất của loài có vú, thì cũng không phải vì thế mà nó sẽ mọc ra những tuyến vú được. Vậy thì sự thống nhất của tồn tại, và do đó, tính chất hợp pháp của quan niệm coi tồn tại là thể thống nhất, và đồng thời là điều cần phải chứng minh. Và nếu ông Đuy-rinh cam đoan với chúng ta rằng ông ta cũng quan niệm tồn tại là thể thống nhất chứ không phải là thể nhị nguyên chẳng hạn, thì như thế chẳng qua ông ta chỉ mới nói cho chúng ta biết ý kiến cá nhân của ông mà thôi, ý kiến đó không có tính chất bắt buộc đối với ai cả.

Nếu chúng ta muốn hình dung tiến trình tư duy của ông ta dưới dạng thuần tuý, thì nó là như thế này "Tôi bắt đầu từ tồn tại. Do đó, tôi tư duy về tồn tại. Tư duy về tồn tại là thống nhất. Nhưng tư duy và tồn tại phải phù hợp với nhau, chúng tương ứng với nhau, "bù trừ cho nhau". Do đó, trong hiện thực, tồn tại cũng là thống nhất. Do đó, không có cái "thế giới bên kia"". Nhưng nếu ông Đuy-rinh nói với chúng ta một cách thẳng thắn như vậy, chứ không chiêu đãi chúng ta bằng những lời tiên tri trên đây, thì toàn bộ hệ tư tưởng của ông ta đã bộc lộ rõ rồi. Muốn dùng sự đồng nhất giữa tư duy và tồn tại để chứng minh tính hiện thực của một kết quả nào đó của tư duy, thì đó chính là một trong những điều tưởng tượng mê sảng điên rồ nhất của... một ngài Hê-ghen nào đó.

Ngay nếu như toàn bộ sự chứng minh của ông Đuy-rinh có đúng đi nữa thì ông ta cũng vẫn chưa giành được một tấc đất nào của những người duy linh chủ nghĩa. Những người duy linh chủ nghĩa sẽ trả lời ông ta một cách ngắn gọn "đối với chúng tôi, thế giới là không thể phân chia được; việc phân thành trần thế và thế giới bên kia chỉ tồn tại đối với quan điểm đặc biệt trần thế, mang nặng tội tổ tông mà thôi; còn tự nó tức là trong bản thân thượng đế, thì toàn bộ tồn tại là thống nhất". Và họ sẽ đi theo ông Đuy-rinh đến những thiên thể khác yêu thích nhất của ông, và họ sẽ chỉ cho ông ta thấy một hay nhiều thiên thể ở đó không có tội tổ tông, do đó không có sự đối lập giữa trần thế và thế giới bên kia, và ở đó tính thống nhất của thế giới là một tín điều.

Điều khôi hài nhất trong việc này là muốn xuất phát từ khái niệm tồn tại để chứng minh rằng thượng đế không tồn tại, ông Đuy-rinh đã sử dụng ngay cách chứng minh của bản thể luận về sự tồn tại của thượng đế. Cách chứng minh đó như thế này: "Khi chúng ta suy nghĩ về thượng đế, thì chúng ta suy nghĩ về thượng đế như là một tổng hoà của mọi sự hoàn thiện. Nhưng trong tổng hoà của mọi sự hoàn thiện này trước hết phải kể đến sự tồn tại, vì một sinh vật không tồn tại thì nhất định không hoàn thiện. Vì vậy trong những tính hoàn thiện của thượng đế, chúng ta phải kể cả sự tồn tại. Vì vậy thượng đế phải tồn tại". - Ông Đuy-rinh cũng suy luận đúng hệt như vậy: "Khi chúng ta suy nghĩ về sự tồn tại, chúng ta suy nghĩ về tồn tại như là một khái niệm. Cái gì đã được bao trùm trong một khái niệm thì cái ấy là thống nhất. Do đó, nếu tồn tại không thống nhất thì nó sẽ không phù hợp với khái niệm của bản thân nó. Cho nên, nó phải là thống nhất. Cho nên không có thượng đế, v.v.".

Khi chúng ta nói đến tồn tại và chỉ nói đến tồn tại thôi thì tính thống nhất chỉ có thể bao hàm ở chỗ: tất cả những đối tượng mà chúng ta nói đến, đều có, đều tồn tại. Chúng được tư duy tập hợp lại trong thể thống nhất của tồn tại ấy, chứ không phải trong thể thống nhất nào khác; và lời khẳng định chung cho tất cả những đối tượng đó nói rằng tất cả chúng đang tồn tại, không những không thể mang lại cho chúng những thuộc tính khác, chung hay không chung, mà lúc đầu còn gạt tất cả những thuộc tính ấy ra khỏi sự nghiên cứu. Bởi vì nếu chúng ta xa rời, dù chỉ là một ly: cái sự thật cơ bản giản đơn là tất cả những sự vật đó đều có thuộc tính chung là tồn tại thì trước mắt chúng ta liền xuất hiện những sự khác biệt giữa những sự vật ấy. Còn tìm hiểu xem những sự khác biệt đó là ở chỗ cái này đen, cái kia trắng, cái này có linh hồn, cái kia không có linh hồn, hoặc cái này thuộc về trần thế, cái kia thuộc về thế giới bên kia, thì chúng ta không thể kết luận được về tất cả những cái đó nếu chỉ căn cứ vào một việc là tất cả các sự vật đều có cùng một thuộc tính là tồn tại.

Tính thống nhất của thế giới không phải ở sự tồn tại của nó, mặc dù tồn tại là tiền đề của tính thống nhất của nó, vì trước khi thế giới có thể là một thể thống nhất thì trước hết thế giới phải tồn tại đã. Tồn tại nói chung là một vấn đề còn bỏ ngỏ, kể từ cái giới hạn mà ở đó tầm nhìn của chúng ta chấm dứt. Tính thống nhất thực sự của thế giới là ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này được chứng minh không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà bằng một sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên.

Chúng ta hãy đọc tiếp. Tồn tại mà ông Đuy-rinh nói với chúng ta không phải là

"cái tồn tại thuần tuý, không biến đổi, không được có những tính quy định đặc thù nào, và thực ra chỉ là cái giống như sự hư không của tư duy, hay nói cách khác là sự không có tư duy."

Nhưng ngay sau đó chúng ta sẽ thấy rằng thế giới của ông Đuy-rinh quả thật bắt đầu bằng một thứ tồn tại hoàn toàn không có mọi khác biệt bên trong nào, không có mọi sự vận động và biến hoá nào, và do đó trên thực tế chỉ là cái giống như sự hư không của tư duy, tức là một sự hư không thật sự. Trạng thái khác biệt, biến đổi hiện nay của thế giới, trạng thái biểu hiện sự phát triển, sự sinh thành chỉ được phát triển từ sự tồn tại - hư không ấy; và chỉ sau khi chúng ta hiểu điều đó, chúng ta mới có thể và đồng thời trong sự chuyển hoá vĩnh cửu ấy,

"nắm được khái niệm về tồn tại phổ biến, không biến đổi".

Thế là giờ đây chúng ta có được khái niệm tồn tại ở một trình độ cao hơn, ở đó nó bao hàm tính cố định cũng như tính biến đổi, tồn tại cũng như sự hình thành. Đến đây chúng ta thấy rằng

"giống và loài, hay nói chung cái phổ biến và cái đặc thù là những phương pháp đơn giản nhất để phân biệt, mà không có những phương pháp đó thì không thể hiểu được kết cấu của sự vật".

Nhưng đó là những phương pháp để phân biệt về chất; và sau khi đã xem xét chúng, chúng ta lại đọc tiếp:

"đối lập với giống là khái niệm về đại lượng, coi đó là cái thuần nhất, trong đó không còn có sự phân biệt nào về loài nữa"

nghĩa là từ chất chúng ta chuyển sang lượng và lượng thì bao giờ cũng "có thể đo được".

Bây giờ chúng ta thử đem "những đồ thức có hiệu lực chung được phác hoạ một cách nghiêm ngặt" và cái "quan điểm thực sự phê phán" đó ra so sánh với những sự thô thiển, những ý kiến hồ đồ và những điều tưởng tượng mê sảng của một ngài Hê-ghen nào đó xem sao. Chúng ta thấy rằng lô-gích học của Hê-ghen bắt đầu từ tồn tại - hệt như ở ông Đuy-rinh; rằng tồn tại thể hiện ra là hư không, giống như ở ông Đuy-rinh; rằng từ "tồn tại - hư không" ấy, thực hiện bước chuyển sang sự sinh thành mà kết quả của sự sinh thành là tồn tại hiện có, tức là một hình thức cao hơn, được chứa đầy hơn của tồn tại, - hoàn toàn giống như ở ông Đuy-rinh. Tồn tại hiện có dẫn đến chất, chất dẫn đến lượng - cũng hoàn toàn giống như ở ông Đuy-rinh. Để không còn thiếu sót gì về căn bản, nhân một cơ hội khác, ông Đuy-rinh kể với chúng ta:

"Bất chấp tất cả tính chất tiệm tiến về lượng, bước chuyển từ lĩnh vực không có cảm giác qua lĩnh vực có cảm giác chỉ được thực hiện bằng một bước nhảy vọt về chất, một bước nhảy mà chúng ta... có thể khẳng định rằng nó khác đến vô cùng tận với sự tăng giảm dần dần đơn thuần của cùng một thuộc tính".

Đó chính là cái đường cơ bản của những quan hệ về độ của Hê-ghen, mà ở đó sự tăng thêm hay giảm bớt thuần tuý về lượng sẽ gây nên một bước nhảy vọt về chất, tại các điểm nút, ví dụ như khi làm cho nước nóng thêm hay lạnh đi thì điểm sôi và điểm đóng băng là những điểm nút, ở đó - dưới áp suất bình thường của không khí - bước nhảy vọt sang trạng thái kết tụ mới sẽ diễn ra, tức là ở đó lượng biến thành chất.

Chúng ta cũng đã thử nghiên cứu đến tận gốc rễ của sự việc, và đã tìm thấy trong gốc rễ của những đồ thức cơ bản hết sức sâu sắc của ông Đuy-rinh... "những điều tưởng tượng mê sảng" của một ngài Hê-ghen nào đó, những phạm trù của "Lô-gích học" của Hê-ghen (phần I, Học thuyết về tồn tại)[2] theo đúng cái "trình tự" của Hê-ghen trước kia và hầu như chẳng có một mưu toan nào nhằm che đậy sự cóp nhặt!

Nhưng không tự bằng lòng với việc mượn của người tiền bối - bị ông ta vu khống nhiều hơn cả - toàn bộ cái đồ thức về tồn tại mà ông ta đưa ra, ông Đuy-rinh, sau khi tự mình nêu ra ví dụ trên đây về bước chuyển có tính chất nhẩy vọt từ lượng sang chất, còn trâng tráo nói về Mác:

"Lẽ nào lại không buồn cười khi thấy lời viện dẫn" (của Mác) "chẳng hạn, đến cái quan niệm rối rắm và mơ hồ của Hê-ghen nói rằng lượng chuyển hoá thành chất".

Quan niệm rối rắm và mơ hồ ư! Vậy thì ở đây, ai là người đã bị chuyển hoá, và ai là người đáng buồn cười, thưa ngài Đuy-rinh?

Như vậy là tất cả những lời châu ngọc đó không những không "được giải quyết bằng những định đề" như đã quy định mà chỉ giản đơn được đưa từ ngoài vào, tức là từ "Lô gích học" của Hê-ghen. Hơn nữa lại được đưa vào đến mức mà trong toàn chương người ta không thấy có ngay cả bóng dáng một mối liên hệ bên trong nào mà lại không mượn của Hê-ghen, và rốt cuộc thì tất cả đều quy thành một sự triết lý rỗng tuếch về không gian và thời gian, về sự cố định và sự biến đổi.

Từ tồn tại, Hê-ghen chuyển sang bản chất, sang biện chứng. Ở đây, ông xem xét những quy định của tư duy, những mặt đối lập và những mâu thuẫn bên trong của các tính quy định đó, ví dụ như khẳng định và phủ định, rồi ông đi đến tính nhân quả, hay là quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, và ông kết thúc bằng tính tất yếu. Ông Đuy-rinh cũng không làm cái gì khác hơn. Cái mà Hê-ghen gọi là học thuyết về bản chất, thì ông Đuy-rinh chuyển sang ngôn ngữ của ông ta là: "những thuộc tính lô-gích của tồn tại". Những thuộc tính này trước hết là ở trong "sự đối kháng của các lực lượng", trong các mặt đối lập. Còn về các mâu thuẫn thì, ngược lại, ông Đuy-rinh triệt để phủ nhận; sau này chúng ta sẽ trở lại đề tài này. Sau đó ông ta chuyển sang tính nhân quả, và từ đó chuyển sang tính tất yếu. Do đó, nếu ông Đuy-rinh nói về mình rằng:

"Chúng tôi, những người không triết lý từ cái lồng",

thì chắc hẳn là ông ta muốn nói rằng ông ta triết lý trong cái lồng, cụ thể là trong cái lồng đồ thức luận về những phạm trù của Hê-ghen.



[1] Ăng-ghen kể một số trận đánh lớn nhất trong các cuộc chiến tranh ở châu Âu vào thế kỷ XIX.

Trận Ô-xtéc-lít ngày 2 tháng Chạp (20 tháng Mười một) 1805 giữa quân Nga và Phổ một bên và quân Pháp một bên, kết thúc với sự chiến thắng của Na-pô-lê-ông I.

Trận I-ê-na giữa quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của Na-pô-lê-ông và quân Phổ diễn ra vào ngày 14 tháng Mười 1806. Bằng sự thất bại của quân đội Phổ, trận I-ê-na đã gây hậu quả là nước Phổ đầu hàng nước Pháp của Na-pô-lê-ông.

Trận Khuê-ních-grét-xơ (ngày nay là Gra-đê-txơ - Cra-lô-va) diễn ra vào ngày 3 tháng Bảy 1866 ở Tréc-khi-a giữa một bên là quân áo và quân Xắc-xông và bên kia là quân Phổ, và là trận quyết định trong cuộc chiến tranh áo - Phổ năm 1866 và đã kết thúc bằng thắng lợi của Phổ. Trong lịch sử, trận này được nhiều người biết đến và cũng gọi là trận Xa-đô-va.

Trận Xê-đan vào ngày 1 - 2 tháng Chín 1870 trong đó quân Phổ đã chiến thắng quân Pháp của Mác-Ma-hông và buộc nó đầu hàng, đây là trận đánh quyết định của cuộc chiến tranh Pháp - Phổ những năm 1870 - 1871.

[2] G. W. F. Hegel. "Wissenschafl der Logik". Nỹrnberg, 1812 - 1816 (G. V. Ph. Hê-ghen. "Khoa học lô-gích". Nu-ren-be, 1812-1816). Tác phẩm này gồm ba tập: 1) Lô-gích khách quan, thuyết về tồn tại (xuất bản năm 1812); 2) Lô-gích khách quan, thuyết về bản chất (xuất bản năm 1813); 3) Lô-gích chủ quan, hay là thuyết về khái niệm (xuất bản năm 1816).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt