Triết học cho trẻ em

Cái cây rộng lượng

CÁI CÂY RỘNG LƯỢNG

SHEL SILVERSTEIN

HARPER COLLINS

 

Tóm tắt

Ngày xửa ngày xưa có một cái cây… vô cùng thương yêu một cậu bé nọ. Hằng ngày cậu bé đều tìm đến cái cây để ăn quả, đánh đu trên cành cây, hoặc trượt xuống thân cây… và cái cây rất hạnh phúc vì điều đó. Nhưng khi lớn lên, cậu bắt đầu muốn nhận được nhiều hơn từ cái cây, và cái cây cứ thế cho đi, cho đi mãi.

Hướng dẫn thảo luận triết học

THOMAS WARTENBERG

JAYME JOHNSON hiệu đính

Câu chuyện về cậu bé và cái cây trong truyện Cái cây rộng lượng của Shel Silverstein đặt ra câu hỏi về mối quan hệ thích hợp giữa con người và tự nhiên. Trong đó, mối quan hệ giữa cậu bé và cái cây trải qua nhiều biến đổi. Mỗi giai đoạn trong quá trình biến đổi này đồng thời tượng trưng cho một giai đoạn trong quá trình phát triển của loài người, và những nguồn tài nguyên sẵn có nhằm đáp ứng cho nhu cầu và mong muốn của con người trong giai đoạn ấy.

Suốt một thời gian dài, theo chỉ dẫn của Kinh Thánh, các nhà triết học tin rằng con người có quyền lực thống trị đối với thế giới tự nhiên. Điều đó tức là con người có thể làm bất kì điều gì với sự vật tự nhiên, miễn sao thỏa mãn mục đích của họ. Tất cả những thứ này đơn thuần là dành cho chúng ta. Thế nhưng, đặc biệt trong nửa cuối thế kỉ XX, khi hậu quả tàn phá của giả định này ngày càng trở nên hiển nhiên hơn, các nhà triết học đang nỗ lực trình bày rõ ràng một mối quan hệ mà họ xem là thích hợp hơn giữa con người và thế giới tự nhiên. Một đề xuất phổ biến là chúng ta nên xem bản thân như là quản gia của một thế giới nên được giữ gìn vẹn nguyên cho con cháu đời sau. Bản chất chính xác của mối quan hệ quản gia như thế vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi, cũng như câu hỏi liệu thế giới tự nhiên có những quyền của riêng nó mà con người nên tôn trọng hay không.

Câu hỏi về cách đối xử phù hợp của con người đối với các sự vật tự nhiên được trình bày thuyết phục trong câu chuyện Cái cây rộng lượng. Mục tiêu của bạn khi thảo luận cuốn sách này với trẻ em là gợi cho các em suy nghĩ về việc chúng ta nên đối xử với các sự vật tự nhiên như thế nào, bằng cách tập trung vào những thay đổi trong mối quan hệ giữa cậu bé với cái cây ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời cậu. Ban đầu, cậu bé dùng cái cây và những đặc điểm khác của nó làm thú vui cho mình, cậu làm vậy theo một cách không gây hại đến cái cây. Ta có thể mô tả mối quan hệ này như sau: Cậu bé tôn trọng cái cây và tính toàn bộ của nó. Nhưng trong ba giai đoạn tiếp theo – đó là khi cậu là thiếu niên, thanh niên, và người trưởng thành – mối quan hệ của cậu chuyển sang hướng ngày càng hủy hoại cái cây hơn, ban đầu cậu lấy quả đem bán, sau đó cắt cành, và cuối cùng lấy cả thân cây. Khi quay trở lại là một ông lão, cậu chọn một mối quan hệ ít xâm lấn hơn với phần còn lại của cái cây – là gốc cây – và chỉ đơn thuần ngồi xuống và nghỉ ngơi. Bằng cách thảo luận chính xác xem đâu là mối quan hệ thích hợp với cái cây và lý do tại sao, trẻ em sẽ bắt đầu đi vào giải quyết những vấn đề cơ bản trong đạo đức môi trường.

Câu hỏi thảo luận triết học

Cho đi và lòng vị tha

Cái cây cứ cho cậu bé mãi cho đến khi nó không còn gì để cho đi nữa. Mặt khác, cậu bé thì không hề cho cái cây bất cứ điều gì.

  1. Bạn có nghĩ cậu bé là người ích kỷ không? Tại sao có và tại sao không?
  2. Có từ nào dành cho một người luôn cho đi mà không nghĩ gì đến bản thân hoặc không hề mong đợi nhận lại gì cả?
  3. Tại sao bạn cho rằng cái cây không còn hạnh phúc sau khi cho cậu bé phần thân của mình?

Bản chất của việc cho đi và quà tặng

Trong câu chuyện này, cái cây trao cho cậu bé rất nhiều món quà.

  1. Bạn có bao giờ cho đi món đồ nào và sau đó ước gì mình đã không làm như vậy chưa?
  2. Có dễ dàng hơn khi cho đi một món quà nếu biết người nhận sẽ thật sự cảm kích nó không?
  3. Khi trao cho ai đó một thứ gì, bạn có trông mong sẽ nhận lại gì đó không?
  4. Khi được nhận gì đó, bạn có cảm thấy mình nợ người tặng quà cái gì đó không?
  5. Nếu người mà bạn yêu quý rất cần một thứ gì đó, bạn có cho họ dù mình cũng rất cần nó không?

Bản chất của tình yêu thương

Ngay từ đầu cuốn sách, chúng ta đọc thấy cái cây rất yêu thương cậu bé.

  1. Tại sao bạn nghĩ ở đầu truyện cái cây lại yêu thương cậu bé?
  2. Tại sao bạn nghĩ cậu bé yêu thương cái cây?
  3. Hai “tình yêu” đó có giống nhau không?
  4. Người ta có cần lý do để yêu thương ai đó không?
  5. Bạn có đối xử với người bạn yêu khác với những người bạn không yêu không?
  6. Khi yêu thương ai đó, bạn thể hiện cho họ thấy điều đó như thế nào?
  7. Bạn có bao giờ nổi giận với người mình yêu bởi vì họ đi xa một thời gian, hay vì họ làm điều gì đó mà bạn không thích chưa?
  8. Bạn có thể nổi giận và yêu thương ai đó cùng một lúc không?

Hạnh phúc

Cái cây không thật sự hạnh phúc sau khi trao cho cậu bé phần thân của mình.

  1. Cậu bé có hạnh phúc vào cuối câu chuyện không?
  2. Cái cây có hạnh phúc không?
  3. Nếu bạn là cái cây thì bạn có hạnh phúc không? Tại sao?
  4. Bạn có bao giờ làm điều gì chỉ để khiến ai đó hạnh phúc chưa?
  5. Làm điều khiến người khác hạnh phúc có làm bạn hạnh phúc không?
  6. Bạn có cần đến người khác để cảm thấy hạnh phúc không?
  7. Bạn có cần lý do để cảm thấy hạnh phúc không, hay là bạn có thể hạnh phúc mà không vì lý do gì cả?
  8. Bạn có thể vừa vui vừa buồn vào cùng một lúc không?

 

LÊ THỊ NGỌC HÀ dịch


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/TheGivingTree. | Phiên bản phim của câu chuyện: https://www.youtube.com/watch?v=ArQmOUw-dK8&t=102s


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt