CƠN ÁC MỘNG CỦA BENJAMIN (tác giả Alan Baker, Công ty sách J.B. Lippincott)
Tóm tắt
Một đêm nọ, do không ngủ được, Benjamin quyết định tìm gì đó để ăn nhẹ. Nhưng thay vì thế, nó lại thấy mình rơi vào hàng loạt những chuyến phiêu lưu đầy bất ngờ với đống thức ăn, pháo, nước, và bong bóng trước khi quay trở lại giường. Phải chăng tất cả chỉ là một giấc mộng?!
Hướng dẫn thảo luận triết học SOMERA KHAN và TARYN HARGROVE Đây là câu chuyện về cuộc phiêu lưu của chú chuột Benjamin vào một đêm khi nó không ngủ được và dậy tìm thức ăn nhẹ. Những điều dị thường và ngẫu nhiên xảy đến với chú ta và, mặc dù cảm giác rất thực, hóa ra mọi chuyện chỉ là mơ. Câu chuyện này bao hàm những vấn đề triết học bàn đến hiện thực, giấc mộng, cảm giác (cả thể chất lẫn tinh thần), sự mạo hiểm, và lòng can đảm. Nhóm câu hỏi thứ nhất được thiết kế nhằm gợi lên thảo luận về sự khác biệt giữa mộng và thực. Hoạt động xem xét có thể bao gồm nhận dạng những điểm đặc trưng của thực và mộng, đồng thời hiểu rõ những cảm giác và kinh nghiệm khác nhau mà phân biệt hai điều trên. Chủ đề này đặt ra vấn đề giấc mơ thực sự là gì. Ta có thể hiểu mộng là sự tưởng tượng của một người, những hình ảnh tinh thần và/hoặc cảm xúc. Một ý nghĩa sâu xa hơn của nguyên nhân và cách thức chúng ta mơ được phân tích. Vài đứa trẻ thậm chí còn tin rằng ở một độ tuổi nhất định, ta sẽ không còn nằm mơ nữa. Mâu thuẫn nảy sinh giữa hai quan điểm: giấc mơ có thực và giấc mơ không thực. Vài em cho rằng suy nghĩ của ta là thực. Vì thế, có thể xem mộng là thực bởi vì chúng ta hình dung và/hoặc nghĩ ra chúng. Các em khác tin rằng giấc mơ không phải là thực bởi lẽ một cái gì muốn là thực thì sự tồn tại của nó phải được xác minh. Do đó, các câu hỏi này sẽ giúp khám phá những điểm khác biệt, nếu có, giữa mộng và thực.
Nhóm câu hỏi thứ hai là để mở rộng hơn về ý niệm hiện thực. Có thể cho các em thảo luận về đặc tính và nhân tố xác định của những điều thực. Bởi vì một vài giấc mộng mang cảm giác rất thực, phần thảo luận này có thể bao gồm phân tích về đặc tính “thực.” Các câu hỏi này có thể dẫn dắt đến việc thảo luận về những tiêu chuẩn mà một người dựa vào để đánh giá xem cái gì thực sự tồn tại và cái gì không. Ví dụ bạn có thể nêu ra câu hỏi như “Kì lân hay quái vật có thực hay không?” để hiểu thêm về những đặc điểm của hiện thực. Nhóm câu hỏi này cũng có thể dùng để khám phá ra vị trí của những giấc mộng trong hiện thực. Một luận cứ có thể được đưa ra như sau, “Bởi vì giấc mơ mang cảm giác như thực và là một kinh nghiệm, cho nên nó là thực,” trong khi một người khác có thể đáp lại rằng, “Giấc mơ không có thực bởi vì nó không xảy ra trong đời thực.” Thảo luận như thế có tiềm năng đưa đến sự thấu hiểu về hiện thực và tồn tại. Mặc dù sự khác biệt giữa “sống” và “thực” không phải là một khái niệm được giới thiệu rõ ràng trong nhóm câu hỏi này, nhưng tùy vào hướng đi của cuộc thảo luận, đây cũng có thể là một khái niệm được tranh luận. Nhóm câu hỏi tiếp theo giải quyết ý niệm “cảm giác.” Điều này đòi hỏi chúng ta quay lại với ý niệm về việc cảm thấy điều gì đó trong giấc mơ và liệu cảm giác ấy có thực hay không. Thêm nữa, nhóm câu hỏi này được thiết kế nhằm phát động thảo luận về sự khác biệt có thể có giữa cảm giác bằng con tim/tâm trí (tinh thần cảm thấy lạnh) và cảm giác bằng cơ thể (thân thể cảm thấy lạnh). Trong giấc mơ, một người có thể cảm thấy như thế nào đó và rồi tiếp tục mang cảm giác ấy khi thức dậy, dù cho khi đó giấc mơ và tình huống trong mơ đã chấm dứt. Điều anfy đưa đến những luận cứ như, “nếu tâm trí/con tim truyền thông tin đến cơ thể, nói rằng bạn cảm thấy lạnh, thì tức là bạn đang thấy lạnh,” đối nghịch với, “nếu cơ thể bạn không thực sự cảm thấy lạnh, thì tức là bạn không hề lạnh, bất kể bạn có nghĩ như thế nào.” Điều này có khả năng đưa đến một thảo luận về cảm giác nào là thực và/hoặc sự khác biệt giữa cảm giác và cảm xúc (còn tùy thuộc vào hướng thảo luận).
Ý nghĩa của sự mạo hiểm được phân tích trong nhóm câu hỏi kế tiếp. Lần cuối bạn mạo hiểm là khi nào? Lúc ấy bạn cảm thấy hồi hộp, sợ hãi, hay cả hai điều trên? Sự mạo hiểm có thể chỉ hoàn toàn là phiêu lưu hoặc là thực hiện một quyết định bước ngoặc thay đổi cuộc đời. Hoạt động thảo luận sẽ bàn đến câu hỏi thực sự mạo hiểm nghĩa là thế nào. Có ý kiến nói rằng điều đó còn tùy thuộc vào cảm giác của mỗi cá nhân. Mạo hiểm có thể là bất cứ hành động nào mà một người sợ không dám thực hiện. Sự mạo hiểm không hề giống nhau giữa người này với người khác, bởi lẽ điều mạo hiểm với người khác có thể chẳng là gì đối với bạn. Sự mạo hiểm là tốt hay xấu hay là vừa tốt vừa xấu? Một số nói rằng mạo hiểm là tốt vì nó sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số khác lại bảo rằng mạo hiểm là xấu bởi vì bạn tự đặt bản thân vào một tình thế khủng khiếp. Nói chung, hành vi mạo hiểm mà chúng ta thực hiện có thể cho biết rất nhiều về con người ta. Hơn nữa, người ta sẽ đi đến khái quát rằng mạo hiểm là một hành động can đảm. Nhóm câu hỏi cuối cùng được thiết kế cho phần thảo luận câu hỏi thế nào là can đảm. Hành động can đảm có thể “dao động” từ việc để một con nhện bò lên chân bạn cho đến mạo hiểm mạng sống vì người khác. Bạn có can đảm không nếu bạn làm điều gì đó không hề nguy hiểm? Hành động can đảm có thể khác biệt tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Người ta có thể cảm thấy sợ nếu họ làm điều gì đó can đảm. Liệu chúng ta có thể can đảm và không sợ hãi hay không? Câu hỏi thảo luận triết học Ý nghĩa của giấc mộng Khi thức giấc, Benjamin đã đặt câu hỏi, “Phải chăng tất cả chỉ là cơn ác mộng?” Benjamin không biết có phải mình đã nằm mơ không.
1. Bạn có nghĩ là Benjamin đã nằm mơ không? 2. Tại sao có hoặc tại sao không? 3. Bạn nghĩ thế nào là một giấc mơ? 4. Có phải ai cũng mơ không? 5. Có độ tuổi nào mà người ta ngừng mơ không? 6. Động vật có mơ không? 7. Làm thế nào bạn biết khi nào mình đang mơ? 1. Bạn chỉ mơ khi ngủ thôi sao? 2. Chúng ta mơ như thế nào? 3. Mộng có cảm giác như thực không? 4. Một vài giấc mơ có thể trở thành hiện thực không? 5. Mộng trở thành thực như thế nào? 6. Những gì bạn mơ thấy có tồn tại trên thực tế không? Hãy giải thích. 7. Nếu mộng có cảm giác như thực, thì liệu nó có phải là thực không? Hiện thực 1. Kì lân và quái vật có thực không? 2. Làm sao để biết cái gì là thực hay không? 3. Để cái gì đó là thực, nó có bắt buộc phải hít thở, ăn và ngủ không? 4. Đồ vật có thực không? 5. Để cái gì đó là thực, bạn có bắt buộc phải nhìn hay cảm nhận thấy nó không? 6. Suy nghĩ có thực không? 7. Nếu có cái gì đó không thực, nó là gì? 8. Bạn có tin cái gì đó là thực bởi vì người ta nói nó là thực không? Bản tính của cảm giác Benjamin cảm thấy rất nhiều điều trong giấc mơ, từ cảm xúc cho đến cảm giác ướt sũng do xô nước gây ra. 1. Cơ thể bạn có cảm thấy lạnh dù cho nó đang nóng không? 2. Bạn có buộc phải cảm nhận cái lạnh bằng cơ thể hay tâm trí/trái tim bạn cũng cảm thấy lạnh như cơ thể? 3. Bạn có thể vừa vui vừa buồn cùng một lúc không? 4. Cảm giác thể chất có điều khiển cảm giác tinh thần của bạn không? 5. Cảm giác tinh thần có điều khiển cảm giác thể chất của bạn không? Mạo hiểm Benjamin mạo hiểm với lấy quả táo và kết cục là rơi vào một vùng xa lạ.
1. Thế nào là mạo hiểm? 2. Mạo hiểm tốt hay xấu? 3. Khi bạn mạo hiểm, điều đó đáng sợ, hồi hộp, hay cả hai? 4. Bạn cảm thấy thế nào khi mạo hiểm? 5. Bạn có cần phải can đảm để mạo hiểm không? Ý nghĩa của lòng can đảm Benjamin quyết định bám vào tên lửa và để nó đưa mình đi bất cứ nơi nào nó đến? 1. Đó có phải là hành động can đảm của Benjamin không? 2. Can đảm là như thế nào? 3. Bạn đã từng làm điều gì can đảm chưa? 4. Tại sao điều đó là can đảm? 5. Bạn có bắt buộc phải làm điều gì nguy hiểm để được xem là can đảm không? 6. Bạn có can đảm không nếu bạn làm điều gì đó không nguy hiểm? 7. Can đảm có phải là một cảm giác tuyệt vời không? Tại sao có và tại sao không? 8. Bạn có bắt buộc phải cảm thấy sợ hãi để can đảm không? 9. Nếu không sợ hãi thì bạn có can đảm không? LÊ THỊ NGỌC HÀ dịch Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/BenjaminsDreadfulDream
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC