Triết học cho trẻ em

Dạy triết cho trẻ em? Một ý tưởng tuyệt vời

 

DẠY TRIẾT CHO TRẺ EM? MỘT Ý TƯỞNG TUYỆT VỜI

 

MICHELLE SOWEY

 


Michelle Sowey . “Teaching philosophy to children? It's a great idea”, đăng trên phiên bản điện tử tờ The Guardian (2013). Lê Thị Ngọc Hà dịch. | Bản dịch tiếng Việt đăng lần đầu trên triethoc.edu.vn


 

Học triết giúp trau dồi sự hoài nghi nhưng không mang đến cảm giác bất lực, và lòng tự tin nhưng không hề ngạo mạn. Tôi đã quan sát bọn trẻ lớn lên trở nên lý trí và cởi mở đầu óc hơn nhờ có triết học.

Gần đây tôi có đọc nhiều bài báo viết về chủ đề “triết học có thể giúp gì cho bạn”, tập trung vào những thành tích xuất sắc mà sinh viên triết đạt được trong các bài kiểm tra chuẩn hóa, tính thị trường của kỹ năng triết học, và triển vọng ấn tượng về thu nhập của sinh viên tốt nghiệp khoa triết. Tôi thậm chí còn nhìn thấy những lời rao như: “Nếu bạn muốn thành công trong kinh doanh, đừng lấy bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh). Thay vào đó, hãy đi học triết học.” Tôi thấy điều này lạ lắm, bởi vì thăng tiến trong sự nghiệp và thành công thương mại là những thứ nằm ngoài lợi ích của triết học nhất.

Trong những tháng ngày học đại học, vẫn chưa chắc chắn về định hướng tương lai của bản thân, tôi bắt gặp lời trích dẫn khó quên của Alex Pozdnyakov, một sinh viên triết ở phía bên kia trái đất: “Khi ai đó hỏi tôi tại sao lại chọn triết học, tôi hay trả lời họ bằng cụm từ kì quặc này. Tôi nói với họ rằng mình muốn trở thành một tồn tại người chuyên nghiệp.”

Tuyệt vời, tôi nghĩ. Đó là điều tôi muốn trở thành.

Kể từ đó, đào tạo trong nhiều công việc khác nhau đã giúp tôi trở nên chuyên nghiệp theo nhiều kiểu, nhưng không chương trình đào tạo nào lại định hình nhân tính của tôi sâu sắc như triết học. Không một môn học nào gợi lên trong tôi sự ngạc nhiên đến như vậy về thế giới, hay là cung cấp cho tôi những công cụ tư duy có thể áp dụng rộng rãi đối với những khúc mắc chúng ta phải đương đầu với tư cách con người.

Khi mới bắt đầu tổ chức các buổi hội thảo triết học cho học sinh tiểu học, tôi nhanh chóng nhận ra trẻ con cũng có khả năng đặt câu hỏi triết học từ khi còn rất bé. Bọn trẻ nhanh trí khi chơi đùa với các ý tưởng và khéo léo bổ sung vào luận cứ của nhau. Các em không ngừng tò mò, thắc mắc về những giá trị (“Đồ vật quý giá nhất thế giới là gì?”), siêu hình học (“Trái đất có ngẫu nhên không?”), ngôn ngữ (“Nếu người Thượng cổ chỉ biết ‘ugh-ugh-ugh’ thì sao chúng ta học cách nói được?”) và nhận thức luận (“Vì bạn có thể có mơ trong mơ, làm thế nào bạn biết khi nào thì mình đang mơ?”).

Khi được phân thành những nhóm nhỏ, các em thảo luận về trí tuệ nhân tạo, đạo đức môi trường, giao tiếp giữa các loài và tính xác thực trong nghệ thuật. Các em suy ngẫm về sự tồn tại của tự do ý chí, giới hạn của tri thức, tính khả thi của công bằng và vô số vấn đề khác trong lịch sử tư tưởng triết học. Bằng cách liên tục đặt câu hỏi, nghi ngờ và đánh giá những ý niệm, trẻ em có thể tự mình nhìn thấy lý do tại sao một số luận cứ thất bại trong khi các luận cứ khác lại vượt qua được sự xem xét kỹ lưỡng.

Học triết giúp trau dồi sự hoài nghi nhưng không mang đến cảm giác bất lực, và lòng tự tin nhưng không hề ngạo mạn. Tôi đã quan sát bọn trẻ lớn lên trở nên lý trí, hoài nghi và cởi mở đầu óc hơn, và tôi đã thấy các em tương tác một cách hợp tác và không thiên vị. Trích lời một bé 10 tuổi, “Em đã bắt đầu thực sự giải quyết tranh luận và rắc rối bằng triết học. Và điều đó hiệu quả hơn bạo lực hay bất kì cái gì khác.”

Hơn 400 năm trước, nhà văn người Pháp Michel de Montaigne đặt câu hỏi: “Bởi vì triết học chính là nghệ thuật chỉ dạy ta cách sống, và bởi vì trẻ em cũng cần học triết nhiều như chúng ta ở những độ tuổi khác, vậy tại sao ta lại không hướng dẫn các em đi vào triết học?” Ngày nay chúng ta cũng cần cấp bách đặt câu hỏi này cho chính mình.

Vị trí trung tâm của Lý luận nhận thức (Theory of Knowledge) trong Bằng tú tài Quốc tế (International Baccalaureate) (tấm bằng tú tài được công nhận toàn cầu) phản ánh sự đánh giá đúng đắn trên khắp thế giới về tầm quan trọng của triết học – môn học cơ sở cho tất cả những môn học hàn lâm khác. Một phong trào quốc tế đang lớn dần mời gọi các em nhỏ tranh luận triết học ở trường tiểu học tại Hoa Kỳ, Anh và nhiều nơi khác – nhưng ở Úc thì lại khá chậm.

Mặc dù triết học có trong chương trình giảng dạy trung học phổ thông ở hầu hết các tiểu bang nước Úc, chỉ có một số ít trường tiểu học dành thời gian trên lớp cho việc tìm hiểu triết học khái quát hoặc giảng dạy rõ ràng về lối tư duy biện luận và tư duy sáng tạo.

Nếu được áp dụng rộng rãi hơn, việc thực hành tìm hiểu triết học trong trường tiểu học có thể khiến sự dạy dỗ ở nhà trường trở nên ý nghĩa và cuốn hút hơn đối với các em học sinh. Điều đó chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự phát triển luận cứ chặt chẽ hợp lý và lối tư duy có trình tự cao hơn – những kỹ năng làm nền tảng cho quá trình học tập ở phần lớn các lĩnh vực khác (bao gồm cả đọc viết và tính toán) và là những kỹ năng thiết yếu để thực hiện cam kết công dân có trách nhiệm.

Bằng cách sắp đặt cho trẻ em bước đi trên con đường tìm hiểu triết học ngay từ sớm trong đời, ta có thể mang đến cho các em những món quà không thể thay thế: sự nhận thức về những chiều kích đạo đức, thẩm mỹ và chính trị trong cuộc sống; khả năng trình bày suy nghĩ rõ ràng và đánh giá chúng trung thực; và lòng tự tin để đưa ra đánh giá độc lập và thực hiện tự sửa đổi. Hơn thế nữa, cho các em làm quen sớm với những đối thoại triết học sẽ thúc đẩy lòng tôn trọng lớn hơn dành cho sự đa dạng và sự đồng cảm sâu sắc hơn đối với trải nghiệm của người khác, cũng như hiểu biết quan trọng về cách sử dụng lý lẽ để giải quyết bất đồng.

Giá mà những thầy dạy triết ở Úc có thể tiếp cận các nguồn tài trợ thích đáng cũng như sự hỗ trợ về mặt tổ chức, các em học sinh sẽ nhận được những lợi ích trên. Những hỗ trợ như vậy do các tổ chức từ thiện như Quỹ triết học (Philosophy Foundation) ở Anh Quốc và Quỹ Squire (Squire Foundation) ở Hoa Kỳ cung cấp, đây là những tổ chức dẫn đầu trong việc đưa triết học vào chương trình đào tạo bậc tiểu học. Trừ khi ở đây chúng ta có thể tiếp cận quỹ tài trợ để chi trả cho các triết gia lão luyện hoặc để đào tạo nghiêm khắc các giáo viên đứng lớp, con trẻ của chúng ta buộc phải từ bỏ những phần thưởng dồi dào mà triết học hứa hẹn – hoặc phải chịu đựng cấp độ chuyên nghiệp không ổn định, vốn là đặc điểm của nhiều chương trình giáo dục tình nguyện.

Đây là một vài ý cho ta suy nghĩ vào ngày Quốc tế Triết học: mặc dù thành tựu học thuật, thăng tiến trong sự nghiệp và thành công về mặt tài chính không phải là chuyện vặt, chúng chỉ là những lớp vỏ hữu hình bao quanh đời sống triết học. Phần nhân ẩn giấu bên trong được cấu thành từ sự tự do, thông suốt về mặt tư tưởng, và sự tinh thông chuyên sâu về ý nghĩa của việc là con người. Đấy là những phẩm chất ta nên tìm kiếm cho con trẻ, bất kể chúng có lớn lên như thế nào.

LÊ THỊ NGỌC HÀ dịch

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt