Nghệ thuật của Emily (tác giả: Peter Catalanotto, NXB Simon & Schuster)
Tóm tắt
Khi được giáo viên thông báo về cuộc thi vẽ, Emily ngập ngừng tự hỏi, “Làm sao giám khảo biết bức tranh nào đẹp hơn bức tranh nào?” Lần trước, khi bức tranh vẽ chú chó nhỏ của Emily bị giám khảo loại, vì bà ấy ghét chó, cô bé thôi không vẽ nữa. Nhưng, chẳng bao lâu sau, các bạn cùng lớp, giáo viên của Emily, và chính bản thân cô bé nữa, nhận ra rằng cái “đẹp nhất” hiếm khi được đo lường và đánh giá hợp lý. Hướng dẫn thảo luận triết học KATE VIGOUR & LINDSAY KURAHARA “Nghệ thuật của Emily” của Peter Catalanotto là một cuốn sách quan trọng dành cho thiếu nhi vì nó đặt ra những câu hỏi như: Nghệ thuật là gì? “Nghệ sĩ” là ai? Dựa vào tiêu chuẩn nào để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật? Nghệ thuật được tạo ra như thế nào? Nghệ thuật được thưởng ngoạn và diễn giải ra sao?
Mở đầu câu chuyện là cuộc đối thoại giữa giáo viên, cô Fair, và học sinh. Nhóm câu hỏi triết học đầu tiên rút ra từ phần này của sách, nó nói đến những cuộc thi và tính chủ quan đối lập với tính khách quan. Các câu hỏi cho phép học sinh thảo luận về sự khác biệt giữa những điều chủ quan và những điều khách quan khi so sánh cuộc thi vẽ với cuộc thi khoa học. Với cuộc thi khoa học, những người tham gia phải có mục giả thuyết, mục các phương pháp thí nghiệm, cùng với đó là mục các kết quả và kết luận. Trong khi đó, cuộc thi vẽ lại thường không có tiêu chuẩn nào cả. Vì cuộc thi khoa học luôn có những tiêu chuẩn nhất định, việc đánh giá kết quả thường dễ dàng hơn và ít khi bị các quan điểm và cảm xúc khác chi phối. Cuộc thi vẽ thì lại khó đánh giá được vì nó liên quan đến sự tri nhận, diễn giải, định kiến cá nhân đối với chủ đề, màu sắc và/hay bố cục, v.v. Nhóm câu hỏi tiếp theo khảo sát bộ phận mỹ học của triết học qua việc bàn luận định nghĩa về nghệ thuật, làm thế nào để biết được Emily đang làm nghệ thuật, và cô bé có là nghệ sĩ hay không. Câu hỏi triết học “nghệ thuật là gì” xuất hiện từ rất lâu và vẫn còn được tranh luận trong giới triết gia thời nay. Với những câu hỏi này, ta có thể đối thoại với nhau để bàn xem những thứ như âm nhạc, khiêu vũ, và ca hát có được coi là nghệ thuật không. Một hình vuông màu xanh trên giấy có là một tác phẩm nghệ thuật? Nghệ thuật phải là do con người tạo ra? Ai là người có thẩm quyền quyết định cái gì đó là nghệ thuật hay không là nghệ thuật? Hơn nữa, điều gì làm nên người nghệ sĩ? Phải là người nổi tiếng thì người ta mới được coi là nghệ sĩ “thực thụ” sao? Nếu tôi nói tôi là một nghệ sĩ, thì có thực như thế không? Nếu không, tôi phải làm gì để người ta thực sự coi tôi là một nghệ sĩ?
Nhóm câu hỏi thứ ba và thứ tư thảo luận về vấn đề đánh giá trong “Nghệ thuật của Emily.” Triết học đạo đức được đề cập khi trẻ em tranh luận về tính công bằng của sự đánh giá trong cuốn sách. Vị giám khảo tuyên bố bà có thể đảm nhận chức vụ này vì cháu của bà đã kết hôn với một họa sĩ. Đây không phải là lý do cần hay đủ để làm giám khảo cuộc thi nghệ thuật. Người cháu của bà ấy kết hôn với ai hay có sự hiểu biết nào về nghệ thuật, đấy không phải là điều quan trọng. Lời tuyên bố này làm nảy sinh vấn đề về việc chọn lựa giám khảo, và loại hình tác phẩm sẽ đạt giải. Vị giám khảo không nên dùng tiên kiến (prejudice) của riêng mình để quyết định bức tranh nào là “đẹp nhất”. Ta nên đánh giá nghệ thuật như thế nào – có cách đánh giá nào công minh không, hay bao giờ nó cũng có sự chi phối của định kiến (bias)? Nhóm câu hỏi thứ năm thảo luận về nghĩa của cụm từ “làm tổn thương trái tim của ai đó.” Khi Emily nói câu này với cô y tá thì cô bé đang dùng nghĩa đen hay nghĩa ẩn dụ? Đến đây, học sinh có thể đi quanh một vòng, nhớ lại và nói ngắn gọn về những lần chúng bị tổn thương. Trái tim bạn bị tổn thương, điều đó có nghĩa là gì? Thực sự thì chuyện gì đã xảy ra với Emily, tại sao trái tim cô bé bị tổn thương? Việc bị tổn thương ở tim hay ở phần khác của thân thể, như chân chẳng hạn, có là điều gì đó tồi tệ? Đâu là sự khác biệt giữa hai kiểu đau này, và quá trình “phục hồi” khác nhau ra sao? Chủ đề triết học cuối cùng giúp học sinh tìm hiểu vấn đề ý đồ của người nghệ sĩ và sự diễn giải của người xem. Khi nghĩ Emily vẽ một con thỏ, bà giám khảo nghĩ bức tranh của cô bé là bức tranh đẹp nhất. Nhưng biết bức tranh ấy vẽ con chó, mà bà là người sợ chó, thì bà chọn ngay một bức tranh khác. Một trong những phương diện đầy thú vị của nghệ thuật đó là ta rất khó xác định nó và không bao giờ có chuyện ta thưởng lãm và diễn giải nó giống nhau trong hai lần. Nghệ thuật không nhất thiết phải được diễn giải đúng với ý đồ của người nghệ sĩ. Hơn nữa, người nghệ sĩ cũng không nhất thiết phải có một ý đồ nào. Người ta cho rằng nghệ thuật là sản phẩm của sự thăm dò xúc cảm. Nếu điều này đúng thì nghệ sĩ không thể sáng tác với thành phẩm sau cùng trong tâm trí. Mặt khác, nó không phải là nghệ thuật thực sự, theo một số triết gia. Câu chuyện này đặt ra nhiều vấn đề triết học quan trọng về nghệ thuật và những vấn đề này nên được thảo luận. Câu hỏi thảo luận triết học Trong câu chuyện này, trường của Emily có một cuộc thi vẽ và học sinh thảo luận về các kiểu thi đua khác nhau.
Bản chất của các cuộc thi 1. Ai đã tham gia cuộc thi vẽ? 2. Các loại hình nghệ thuật khác mà bạn đã tham gia là gì? 3. Liệu một cuộc thi có luôn luôn là một cuộc đua? 4. Có ai trong số các bạn đã từng tham gia một ngày hội khoa học chưa? 5. Làm sao để xác định quán quân trong cuộc thi chạy? Ngày hội khoa học? Cuộc thi vẽ? 6. Có sự khác biệt giữa ngày hội khoa học với cuộc thi chạy không – mặc dù chúng đều chọn ra người thắng cuộc? Nếu có, thì là gì? 7. Liệu việc đánh giá/chiến thắng trong hai cuộc thi có khác nhau không? Nếu có thì như thế nào? 8. Cuộc thi này có dễ hơn cuộc thi kia không? Nếu dễ hơn thì dễ hơn như thế nào? Nghệ thuật là gì? Trong sách, bức tranh của Emily không được giải nhất. 1. Theo bạn, cái gì được coi là nghệ thuật? 2. Điều gì làm cho một cái gì đó trở thành tác phẩm nghệ thuật? 3. Nghệ thuật là gì? 4. Nghệ thuật có phải là sản phẩm của con người? 5. Ai quyết định một cái gì đó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời hay không? 6. Điều gì một ai đó trở thành nghệ sĩ? 7. Ta phải làm gì để được coi là một nghệ sĩ? 8. Ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ được sao? Hội họa phi hiện thực vs Hội họa Hiện thực Một bức họa do Emily vẽ miêu tả bốn người mẹ. Cô bé nói vì mẹ của cô bé thường rất bận vào buổi sáng.
1. Emily có ý gì khi nói như thế? 2. Có điểm đặc biệt gì ở bức tranh của cô bé? 3. Vì bức tranh của Emily vẽ những điều không có trong cuộc sống thực, thì nó có kém hơn những bức tranh khác không? Tại sao có và tại sao không? 4. Ai có thể quyết định t bức tranh là đẹp hay không đẹp? 5. Ai cũng có thể là người phán xét “tác phẩm nghệ thuật hay”? 6. Điều gì diễn ra nếu hai người bất đồng ý kiến với nhau về việc một tác phẩm nào đó đẹp hay không đẹp? 7. Ý kiến của ai sẽ thắng? Ai sẽ đánh giá? Để chọn người thắng cuộc, thì phải có người đánh giá. Vị giám khảo trong cuốn sách là mẹ của thầy hiệu trường. Bà nói, cháu của bà đã kết hôn với một họa sĩ. Đó là lý do bà làm giám khảo. 1. Điều đó có làm bà hoàn thành tốt vai trò của mình không? Giải thích? 2. Nên có một người đặc biệt làm giám khảo trong cuộc thi hay không? 3. Làm cách nào để chọn giám khảm? 4. Làm cách nào giám khảo chọn ra bức tranh đẹp nhất? 5. Bức tranh đoạt giải có nhất thiết phải thực tế hay đẹp không? Bản tính của cảm xúc Emily đi khám bệnh khi cô cảm thấy không khỏe. Y tá nói rằng cô đã nhầm. 1. Ai nhớ điều mà Emily nói? 2. Có thật là cô bé bị tổn thương? 3. Emily muốn nói gì khi nói rằng “trái tim cô bé bị tổn thương? 4. Có ai đã từng bị tổn thương chưa? 5. Tại sao trái tim của Emily bị tổn thương? 6. Làm tổn thương tim bạn khác thế nào với việc làm tổn thương các phần khác của thân thể, như tay chân chẳng hạn? 7. Quá trình phục hồi của hai kiểu đau hay tổn thương này có khác nhau không? Diễn giải tự nhiên về nghệ thuật Giảm khảo thích bức tranh của Emily khi nghĩ rằng đó là một con thỏ nhưng khi giáo viên nói đó là một con chó, bà thay đổi quyết định và chọn bức tranh khác. 1. Tại sao bà làm thế? 2. Đó có phải là cách một bức tranh được đánh giá không? 3. Bà giám khảo coi bức tranh của Emily như thế này, còn Emile lại nghĩ khác, điều đó có quan trọng không? 4. Ta có thể biết họa sĩ nghĩ gì khi người ấy vẽ một bức tranh hay không? 5. Làm sao đế biết cái bạn cho là ý nghĩa của một bức tranh thực sự là ý nghĩa của nó? 6. Có vấn đề gì không khi có nhiều quan điểm khác nhau về nghệ thuật là gì?
ĐỖ TIẾN ĐỨC dịch ĐINH HỒNG PHÚC hiệu đính
Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/EmilysArt
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC