Triết học cho trẻ em

Những cô con gái xinh đẹp của Mufaro

NHỮNG CÔ CON GÁI XINH ĐẸP CỦA MUFARO

(tác giả John Steptoe)

 

Tóm tắt

Ông lão Mufaro có hai cô con gái đều rất xinh đẹp nhưng người chị rất xấu tính trong khi người em gái lại rất tốt bụng. Một ngày nọ, nhà Vua nước sở tại truyền lệnh xuống yêu cầu hai cô gái cùng trình diện trước người để nhà vua có thể chọn một người làm hoàng hậu. Người con gái lớn xấu tính kiêu ngạo quyết định khởi hành vào lúc nửa đêm để cô có thể đến nơi trước. Trong suốt cuộc hành trình, đã có rất nhiều sự kiện xảy ra giúp bộc lộ nhân cách thật của mỗi người. Khởi hành vào sáng hôm sau, người em gái tốt bụng dù đi cùng lộ trình nhưng cô đã có những quyết định hoàn toàn khác với chị mình, điều này đã dẫn đến những kết quả hoàn toàn khác cùng với một cái kết bất ngờ.

Hướng dẫn thảo luận triết học

DANIEL LOWINGER

Câu chuyện “Những cô con gái xinh đẹp của Mufaro” kể về hai chị em gái, Manyara và Nyasha, những cô gái có vẻ ngoài đều rất xinh đẹp nhưng tính cách thì hoàn toàn trái ngược. Tính tình Manyara ích kỷ và quyết đoán trong khi cô em Nyasha mang tính cách vị tha và đức độ. Khi họ được thông báo rằng rằng nhà Vua đang tìm kiếm những cô gái “xinh đẹp và xứng đáng” để chọn một người làm hoàng hậu, cả hai cô gái đều cùng khởi hành đến hoàng cung dự tuyển. Tuy nhiên dọc đường đi họ đã nhận được lời yêu cầu giúp đỡ từ những người có hoàn cảnh bất hạnh khác nhau mà không biết rằng những người này được nhà Vua sắp đặt để kiểm tra nhân cách của hai chị em. Manyara, trong sự hối hả để đến được hoàng cung, đã cư xử thô lỗ và phớt lờ đi những người này. Mặt khác, Nyasha đã dừng lại để giúp đỡ từng người bằng cách sẻ chia những thứ cô ấy có. Khi cả hai đến hoàng cung, Nyasha đã được chọn làm hoàng hậu.

Ngụ ý đạo đức của câu chuyện này, những người tử tế và vị tha sẽ xứng đáng có được phần thưởng trong khi những kẻ vị kỉ và thèm khát quyền lực thì không xứng đáng, có lẽ đã gợi lên một câu hỏi triết học cơ bản xuất phát từ thời Hy lạp xa xưa: “Cuộc sống nào đáng để sống nhất?” Ở đây, chúng ta muốn hướng trẻ suy ngẫm về những luân thường đạo lý và chức năng của tính cách. Đây là một vấn đề không hề đơn giản. Lấy ví dụ về khía cạnh tiến hóa, tính cách của Manyara có lẽ sẽ hữu ích đối với sự trường tồn của nhân loại hơn là tính cách của Nyasha. Nếu ý nghĩa của cuộc sống nhân loại là tồn tại và duy trì nòi giống, có lẽ chúng ta sẽ cần tính cách của Manyara hơn. Nhưng ý nghĩa thực sự của cuộc sống nhân loại là gì? Xét về khía cạnh luân lý thì tính cách như của Manyara có được xem là sai trái không? Và điều sai trái đó có thể là gì? Trong cuốn sách Cộng hòa của Plato, một luận điểm được đưa ra đó là trong sâu thẳm mỗi con người chúng ta đều giống Manyara, tuy nhiên chúng ta hành xử như Nyasha đơn giản là vì chúng ta e ngại sự chỉ trích từ dư luận xã hội. Nhưng giả sử nếu không ai tìm ra chúng ta, chúng ta sẽ hành xử như thế nào? Là một người giàu có, hay lợi dụng người khác nhưng được tiếng là kẻ tử tế và độ lượng hay là một người tử tế và độ lượng nhưng bị mang tiếng là kẻ giàu hay lợi dụng người khác, đằng nào tốt hơn?

 Một cách tốt khác để gợi dẫn ra các câu hỏi triết học là lấy ra một khái niệm và hỏi “bản chất của khái niệm đó là gì?” Trong câu chuyện này, Nyasha được trao tặng quyền lực thông qua việc trở thành hoàng hậu. Do đó, câu hỏi được đặt ra là “Bản chất của quyền lực là gì?” Chính xác thì nhà vua và hoàng hậu có những gì mà những người dân thường không có? Và họ đang thiếu đi điều gì mà những người dân thường đều có? Trong cuốn sách Chiến Tranh và Hòa Bình, Leo Tolstoy tranh luận rằng các nhà lãnh đạo không có ảnh hưởng thực sự đến các thần dân của họ vì các thần dân chỉ tuân theo những mệnh lệnh không xâm phạm đến bản chất thiết yếu của họ. Chẳng hạn như một ngày nào đó, một nhà lãnh đạo quyết định yêu cầu toàn thể người dân (bao gồm cả quân đội và cảnh sát) cùng đi bộ trên đại dương, sẽ không có bất kỳ ai tuân lệnh bởi vì mệnh lệnh này rất vô lý và nó xâm phạm bản chất của con người (trong trường hợp này là những sinh vật có lý trí). Điều đó có nghĩa là, nếu việc tuân theo mệnh lệnh là sự lựa chọn của thần dân, cũng như bất cứ những gì họ làm cũng đều là sự lựa chọn bất kể đó có là kết quả của một mệnh lệnh hay không, thì suy cho cùng một nhà lãnh đạo có những đặc quyền gì? Nếu bạn cho rằng kiểm soát các công cụ trừng phạt, chẳng hạn như là cảnh sát, sẽ tạo nên sức mạnh của một nhà lãnh đạo thì hãy nhớ rằng lập luận của của Leo Tolstoy cũng áp dụng trong trường hợp này. Điều gì có thể khiến cho một người sĩ quan phục tùng mệnh lệnh nếu không phải là anh ta sợ hãi sự trừng phạt đến từ một cấp thẩm quyền cao hơn? Nhưng điều gì khiến cho quyền lực phải được tuân thủ khi mà cấp cao nhất của quyền lực – người lãnh đạo – là một người không có năng lực tự thân để trừng phạt?

Câu chuyện cũng đặt ra một cặp câu hỏi về bản chất của sự xứng đáng và mối quan hệ của nó với cái đẹp. Trong câu chuyện, nhà vua mong muốn tìm được người con gái xứng đáng nhất và xinh đẹp nhất trong xứ sở của mình. Sự xứng đáng ở đây là gì? Và chúng ta có nhất thiết phải xinh đẹp để trở nên xứng đáng hay không? Nếu không, tại sao nhà Vua lại yêu cầu thêm rằng người con gái ấy phải đẹp? Có thể nào nhà Vua sẽ bác bỏ một nữ hoàng tuy xứng đáng nhưng lại không xinh đẹp, hoặc một nữ hoàng tuy xinh đẹp nhưng lại không xứng đáng? Theo bạn thì sự lựa chọn nào sẽ tốt hơn? Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích ý của nhà Vua là ngài muốn có một người vợ vừa có khả năng cai quản mọi việc lại vừa xinh đẹp. Nhưng liệu cách giải thích này có làm ảnh hưởng đến giá trị của nhà vua hay không? Nếu một quân vương quyết định loại bỏ một ứng cử viên hoàng hậu tuy xứng đáng nhưng lại không xinh đẹp thì anh ta có còn xứng đáng là một minh quân nữa không? Cuối cùng, kết nối tất cả lại với nhau thì định nghĩa một người có năng lực cai trị là như thế nào? Một người lãnh đạo cần có những tố chất gì để làm một nhà lãnh đạo tài ba?

Một câu hỏi triết học khác cũng được nêu lên trong câu chuyện đó là bản chất của hạnh phúc. Câu chuyện khẳng định rằng người cha của hai cô gái, ông Mufaro, cảm thấy hạnh phúc vì ông ấy tự hào về các cô con gái của mình. Nhưng niềm hạnh phúc này vốn không thật vì người cha không biết rõ tính cách thật sự của Manyara. Phải chăng trở nên vô minh là hạnh phúc? Một người có thật sự có hạnh phúc không khi người đó đang sống với sự giả dối? Câu hỏi này vốn bắt nguồn từ cuốn sách Cộng hòa của Plato với câu chuyện ngụ ngôn về cái hang và gần đây nó đã được nhắc lại trong bộ phim Ma trận (The Matrix). Bạn sẽ chọn điều gì cho mình: chấp nhận sự phiền muộn để biết sự thật hay chấp nhận sự giả dối để đánh đổi lấy niềm hạnh phúc? Giả sử chúng ta nói dối để làm một ai đó cảm thấy vui vẻ hạnh phúc thì chúng ta có đang làm một điều đúng đắn không? Trong câu chuyện này, Manyara có đúng không khi che giấu bản chất thật trước cha ruột của mình?

Các câu hỏi thảo luận triết học

Về luân lý

  1. Tính cách của Manyara trong câu chuyện này như thế nào?
  2. Tính cách của Nyasha trong câu chuyện này như thế nào?
  3. Tính cách của bạn giống với tính cách của ai hơn?
  4. Ai đã trở thành hoàng hậu? Ngụ ý của tác giả là gì?
  5. Bạn đồng tình hay không đồng tình với ngụ ý này của tác giả?
  6. Bạn có nghĩ rằng một người có tính ích kỷ sẽ tồi tệ hơn một người có tính khiêm tốn/vị tha/tử tế không? Tại sao có hoặc tại sao không?

Về giới tính

  1. Phần thưởng mà Nyasha nhận được trong câu chuyện là gì?
  2. Bạn nghĩ gì về phần thưởng này?
  3. Những điều gì mà Nhà vua và Hoàng hậu sở hữu trong khi dân thường lại không?
  4. Những điều gì mà dân thường sở hữu trong khi Nhà vua và Hoàng hậu lại không?
  5. Bạn có muốn trở thành một nhà vua hay một hoàng hậu không? Tại sao?
  6. Bạn có nghĩ rằng một người có tính ích kỷ sẽ tồi tệ hơn một người có tính khiêm tốn/vị tha/tử tế không? Tại sao có hoặc tại sao không?
  7. Nhà Vua có nên có tính cách khác với Hoàng hậu không? Nếu có, thì những sự khác biệt đó là gì?
  8. Tính cách của Nyahsa có thích hợp để trở thành một Hoàng hậu tốt không? Tại sao?

Về cái đẹp

  1. Điều gì làm nên sự xứng đáng của một nhà Vua hay một Hoàng hậu?
  2. Điều gì làm nên sự xứng đáng của mỗi con người?
  3. Bạn định nghĩa thế nào về sự xứng đáng?
  4. Trong câu chuyện, nhà Vua muốn tìm kiếm một cô gái “xứng đáng và xinh đẹp nhất”, vậy xinh đẹp làm cho sự xứng đáng của một người tăng thêm hay giảm đi?
  5. Có phải xinh đẹp và xứng đáng là hai khái niệm khác nhau không?
  6. Tại sao nhà Vua lại tìm kiếm một người vừa xứng đáng lại vừa xinh đẹp thay vì chỉ tìm kiếm một người xứng đáng hay một người xinh đẹp?

Về hạnh phúc

  1. Tính cách của Manyara trong câu chuyện này như thế nào?
  2. Tính cách của Nyasha trong câu chuyện này như thế nào?
  3. Trong câu chuyện này, cha của các cô gái, ông Mufaro, được miêu tả rằng ông cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn vì ông không biết rằng Manyara là một người ích kỷ. Vậy một người có thể thực
  4. sự hạnh phúc không khi người đó không hề biết sự thật về hoàn cảnh của một người khác?
  5. Bạn sẽ chọn điều gì: tin vào sự giả dối để đổi lấy niềm hạnh phúc hay đón nhận sự phiền muộn từ việc biết được sự thật? Tại sao?
  6. Đối với những người bạn yêu thương, chẳng hạn như bố mẹ bạn, bạn sẽ quyết định như thế nào: để họ tin vào một điều giả dối nhưng họ sẽ luôn vui vẻ hay để họ biết được sự thật và trở nên ưu phiền?
  7. Nếu có một sự thật bạn biết sẽ làm người bạn yêu thương đau lòng, bạn có nói sự thật đó ra với họ không?
  8. Manyara có nên nói sự thật với cha của mình không?
  9. Còn Nyasha thì sao?
  10. Nếu Nyasha nói sự thật với cha mình, cô ấy sẽ đối xử tử tế hay ích kỷ với ông ấy?
  11. Bạn có đồng ý rằng Nyasha là một cô con gái ngoan vì cô ấy không nói sự thật với cha mình?

Về đạo đức

  1. Tính cách của Manyara trong câu chuyện này như thế nào?
  2. Tính cách của Nyasha trong câu chuyện này như thế nào?
  3. Trong câu chuyện, nhà Vua đã lừa dối hai cô gái bằng việc hóa thân thành một con rắn và sắp đặt các thử thách mà không nói cho họ biết trước. Đây có phải là một ý tưởng hay không?
  4. Mục đích của việc này là gì? Và kết quả thu được như thế nào?
  5. Nhà Vua có thành công với mục đích của mình không?
  6. Đặt trường hợp bạn là nhà Vua, bạn có làm điều tương tự không?
  7. Bạn có nghĩ là nhà Vua đã bất công khi đánh lừa hai cô gái không? Hoặc bạn có nghĩ việc nhà Vua đánh lừa hai cô gái là chấp nhận được không? Tại sao?
  8. Thông thường, việc đánh lừa ai đó có được chấp nhận không? Nếu có thì tại sao? Nếu không thì tại sao?
  9. Có trường hợp đặc biệt nào khác khiến sự đánh lừa được chấp nhận như trong câu chuyện này không?
  10. Tại sao trường hợp trong câu chuyện này đặc biệt?
  11. Làm sao chúng ta có thể biết được một trường hợp nào đó là đặc biệt

TUỆ LIÊN dịch

 


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/MufarosBeautifulDaughters


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt