NHỮNG CON SÓI BÊN TRONG BỨC TƯỜNG (Tác giả NEIL GAIMAN)
Tóm tắt Lucy tin rằng có những con sói sống bên trong bức tường trong căn nhà cô bé – và, như mọi người đều nói, nếu những con sói thoát ra khỏi bức tường thì mọi chuyện sẽ trở nên kinh khủng, tất cả sẽ chấm dứt. Nhưng gia đình cô bé không tin chuyện này. Rồi một ngày nọ, lũ sói thực sự thoát ra ngoài. Nhưng đó chưa phải là kết thúc, mà thay vào đó, cuộc chiến của Lucy với lũ sói chỉ mới bắt đầu. Hướng dẫn thảo luận triết học ARIEL SYKES Câu chuyện Những Con Sói Bên Trong Bức Tường của Neil Gaiman đã đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề triết học liên quan đến nhận thức, siêu hình học và đạo đức học. Khi nhân vật chính của câu chuyện, Lucy, nghe được có những con sói sống bên trong bức tường nhà mình, không ai trong gia đình tin lời cô bé cả. Thay vào đó, họ gạt đi mối bận tâm của Lucy và nhắc nhở cô bé về câu tục ngữ: “Con biết người ta nói gì không, “nếu lũ sói thoát ra ngoài, tất cả mọi chuyện sẽ kết thúc””. Lucy thắc mắc về ý nghĩa thực sự đằng sau câu tục ngữ đó, nhưng không ai trong gia đình có thể giải thích rõ ràng cho cô bé được. Và ở đây, vấn đề triết học “nhận thức là gì?” và vai trò của tục ngữ, châm ngôn, hay “chân lý phổ quát”, được đưa ra ánh sáng. Theo câu chuyện diễn biến, nan đề “Bằng cách nào chúng ta biết được những gì chúng ta biết” trở nên sáng tỏ hơn.
Câu hỏi siêu hình học về thực tại là gì cũng đóng một vai trò quan trọng trong quyển sách này, khi độc giả bắt đầu tự hỏi liệu những gì cha mẹ Lucy nói có đáng tin hơn những gì mà Lucy hay anh trai cô bé nói hay không. Lucy tin rằng có những con sói ở bên trong bức tường, trong khi cha mẹ cô bé bỏ qua những tiếng ồn vì đơn giản cho rằng chúng do những con chuột gây nên. Khi Lucy nói cho cha mẹ mình về những tiếng động đó, họ lại dọa cô bé bằng cách lặp lại câu tục ngữ “Nếu lũ sói thoát ra khỏi bức tường, tất cả sẽ kết thúc”. Vấn đề mang tính đạo đức này có khả năng liên hệ với mọi đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ đều từng trải qua việc bị một người lớn đe dọa không được làm gì đó bằng cách nhắc nhở chúng về một điều xấu có thể xảy ra nếu như chúng làm việc đó. Nhiều câu tục ngữ, châm ngôn phổ biến được nhắc đến ở đây, và điều quan trọng với những đứa trẻ chính là việc chúng bắt đầu nghi vấn tính hiệu lực và căn cứ của những phát biểu đó. Đơn giản chỉ vì một điều gì đó được khẳng định là sự thật không làm cho nó trở nên ít đáng tin cậy. Thông qua kết nối việc sử dụng câu tục ngữ “Nếu lũ sói thoát ra khỏi bức tường, tất cả sẽ kết thúc” với cách mà cha mẹ Lucy tương tác với mối bận tâm của cô bé về lũ sói, ta sẽ dễ dàng đề xuất một cuộc thảo luận về cách thức chúng ta biết về những điều mà chúng ta quả quyết rằng mình biết và cách thức mà chúng ta mù quáng chấp nhận những điều đó như là những chân lý hay sự kiện bất khả nghi.
Bằng cách nhìn vào việc Lucy đối diện với nỗi sợ hãi của cô bé và gia đình trong câu chuyện, trẻ em bắt đầu cân nhắc điều gì mới là thứ thực sự đáng sợ và tại sao. Liệu sự can đảm có được xác định chỉ bằng mỗi hành động không sợ hãi không hay hành động dũng cảm có thể phát sinh từ một khoảnh khắc đầy sợ hãi? Có phải một người được xem là dũng cảm chỉ khi những người khác có thể nhận biết được sự can đảm bộc lộ qua hành động, cách hành xử hay ngoại hình của người đó? Tầm quan trọng của việc đối diện với nỗi sợ hãi nảy sinh khi Lucy lén trở vào nhà để cứu con lợn rối của mình. Một cuộc thảo luận về vấn đề liệu đây là một hành động dũng cảm hay nguy hiểm có thể dẫn dắt trẻ em suy nghĩ về sự khác biệt giữa lòng can đảm và sự ngu ngốc cũng như mối quan hệ giữa nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm.
Vào cuối quyển sách, Lucy bắt đầu nghe thấy tiếng những con voi bên trong bức tường. Những trang cuối cùng này làm sáng tỏ hai vấn đề triết học rất quan trọng trong lĩnh vực siêu hình học và đạo đức học. Lucy nói chuyện với con lợn rối của mình và hỏi có nên chăng việc nói với gia đình mình về những con voi. Con lợn rối đáp lại, trấn an cô bé rằng, “Mình chắc chắn họ sẽ sớm tìm ra nó thôi”. Trong suốt câu chuyện, Lucy đối xử với con lợn rối của mình như thể nó là một vật có sự sống. Việc Lucy tin rằng con lợn rối thật sự nói chuyện với mình có làm cho điều đó trở thành sự thật không? Ở đây, nảy sinh sự khác biệt giữa những điều có thực và những thứ chỉ có trong tưởng tượng, cùng với đó là câu hỏi “Điều gì khiến ta xác định được một việc là có thực?” Có phải tất cả những thứ có thật đều là những thứ có sự sống không, và có sự khác biệt nào giữa những điều có thực và những thứ trông có vẻ như thật không? Thêm vào đó, có phải khi làm những việc cần đến trí óc, có khả năng đi lại, nói chuyện, chuyển động, ăn và ngủ có nghĩa là có sự sống không? Ở đây, bản chất của thực tại và vấn đề về điều làm ta xác định một thứ có sự sống trở nên rõ ràng, và sẽ là hợp lý khi đặt câu hỏi rằng liệu sự thân thiết giữa Lucy và con lợn rối của cô bé có khác biệt nào với tình bạn của cô bé với những người bạn khác không. Trẻ em có thể dễ dàng tiếp nhận vấn đề này, vì chúng có thể chia sẻ câu chuyện về mối quan hệ đặc biệt của chúng với thú bông hay đồ chơi. Điều quan trọng là gợi cho các em suy nghĩ về bản chất của trí tưởng tượng và điều gì thực sự làm ta xác định một việc là có thực. Đó cũng là một việc hữu ích cho trẻ khi chúng thảo luận khi nào thì sự phân biệt này là cần thiết và khi nào thì không.
Việc Lucy quyết định không kể cho cha mẹ mình về những con voi làm nảy sinh một vấn đề mang tính đạo đức. Lucy có nói dối cha mẹ không khi đã không kể cho họ nghe về những con voi? Khái niệm về sự dối trá kích thích trí tò mò của trẻ em, vì chúng thường phải đối mặt với các quyết định hằng ngày dựa vào định nghĩa điều gì là đúng và điều gì là sai cho bản thân và những người khác. Triết gia Kant tin rằng, việc không bao giờ nói dối là trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức của con người, trong khi nhiều triết gia khác đưa ra luận điểm rằng trách nhiệm phải luôn nói sự thật này có thể được bỏ qua trong một số tình huống cụ thể. Ví dụ, nếu mạng sống của một người đang bị de dọa bởi một kẻ giết người, và kẻ giết người này đang tìm kiếm người đó, thì có thể xem là hợp lý khi nói dối cho kẻ giết người về vị trí của người đang bị săn đuổi. Hành động này có thể được biện minh bằng nguyên tắc vị lợi liên quan đến đạo đức: một hành động được xem là “đúng” khi và chỉ khi nó mang lại hạnh phúc ở mức độ lớn nhất. Chủ đề gây tranh cãi về những lời nói dối vô hại, những lời nói dối một nửa, và việc giữ lại những thông tin quan trọng có thể được thảo luận với trẻ em thông qua quyển sách này, chúng có thể bắt đầu phân tích và cân nhắc kết quả của những hành động đó. Quyển sách Những Con Sói Bên Trong Bức Tường kết hợp một câu chuyện kể hấp dẫn với các hình minh họa đầy kịch tính và độc đáo sẽ thu hút trẻ em ở mọi lứa tuổi. Câu chuyện này mở ra cơ hội thuận lợi để khởi xướng và thu hút sinh viên vào các cuộc thảo luận mang tính triết học về lòng dũng cảm, thực tại, và đạo đức. Xuyên suốt quyển sách này là vấn đề triết học bao quát về xung đột giữa niềm tin và tri thức, và về cách thức làm thế nào mà chúng ta trong thân phận con người có thể chấp nhận một số chân lý nhất định như là thực tại. Một cuộc thảo luận về những nghi vấn này sẽ cho phép trẻ em tiếp cận và xem xét những vấn đề triết học quan trọng theo một cách khác.
Câu hỏi thảo luận triết học
Những câu tục ngữ, châm ngôn Khi mẹ của Lucy nhắc nhở cô bé về câu tục ngữ “Nếu lũ sói thoát ra ngoài, tất cả sẽ kết thúc”, Lucy đã thắc mắc điều đó có nghĩa là gì.
1. Người lớn đã từng bao giờ nói với bạn một câu tục ngữ tương tự như cha mẹ Lucy nói với cô bé chưa? Nếu có, bạn có thể cho vài ví dụ không?
2. Bạn có luôn luôn hiểu được một câu tục ngữ, ví dụ như “một mũi khâu đúng lúc sẽ tiết kiệm được chín mũi chỉ” nghĩa là gì hoặc hiểu chúng thực sự nói lên điều gì không?
3. Bạn nghĩ rằng những câu tục ngữ như vậy có nguồn gốc từ đâu?
4. Tại sao chúng ta có những câu tục ngữ này?
Trong quyển sách, cả mẹ và cha Lucy đều không thể trả lời thắc mắc của cô bé là “cái gì kết thúc”? và “ai nói?”
1. Làm thế nào bạn nói ra được điều mà bạn thực sự không hiểu?
2 Việc này có từng bao giờ xảy đến với bạn chưa? Bạn có thể cho một vài ví dụ không?
3 Có phải câu tục ngữ, “nếu lũ sói thoát ra khỏi bức tường, tất cả sẽ kết thúc”, giúp Lucy và gia đình cô bé không?
4. Những câu tục ngữ như vậy có thể sai không? Nếu có, chúng ta nói ra điều đó bằng cách nào?
5. Đã có tình huống nào bạn nói điều gì đó mà bạn không biết chắc được điều bạn nói là đúng hay sai không?
Lòng dũng cảm
Lucy là người đầu tiên quay trở lại vào nhà để cứu con lợn rối của cô bé, trong khi mọi người còn lại gia đình thì lại quá sợ hãi lũ sói.
1. Vì sao cha mẹ Lucy không quay trở vào nhà đầu tiên?
2. Bạn có nghĩ Lucy đã dũng cảm trong việc quay trở lại cứu con lợn rối của mình không?
3. Nếu là bạn, bạn có thể sẽ làm như vậy trong trường hợp này không?
4. Điều gì đã khiến Lucy trở nên dũng cảm như vậy?
5. Có phải để trở nên dũng cảm thì cần phải làm những việc nguy hiểm không?
Thực tại
Trong quyển sách, Lucy nói chuyện với con lợn rối của mình như một người bạn, nhưng những người lớn trong gia đình lại cho đó là một việc ngớ ngẩn.
1. Bạn đã từng có một con thú bông nào như con rối của Lucy mà bạn cũng nói chuyện với chúng chưa?
2. Bạn có nghĩ sự thân thiết của Lucy với con rối của cô bé là ngớ ngẩn không?
3. Đây có phải là những thứ mà người lớn nghĩ là ngớ ngẩn không?
4. Có phải lúc nào người lớn cũng đúng về việc này không?
5. Bạn cho rằng vì sao mà Lucy nói chuyện với con lợn rối của mình?
6. Con lợn rối có phải là một vật có sự sống không?
7. Có phải một thứ phải có khả năng nói chuyện, di chuyển, ăn và ngủ mới là có sự sống không?
Đạo đức
Trong phần cuối quyển sách, Lucy bắt đầu nghe thấy tiếng những con voi trong bức tường.
1. Lucy quyết định không cảnh báo cho gia đình mình, đây có phải là việc làm đúng không?
2. Bạn nghĩ rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu Lucy nói cho gia đình cô bé biết về việc cô bé nghe được những con voi trong bức tường?
3. Lucy có đang dối trá không khi không nói cho gia đình mình biết?
4. Liệu có đúng không khi không cho một người biết về việc gì đó, và nếu vậy, làm cách nào bạn biết được khi nào nên nói với họ sự thật?
5. Bạn có từng biết được sự thật nào đó nhưng không nói cho mọi người không? Nếu có, tại sao bạn không nói?
6. Liệu có thực sự ổn không khi nói một lời nói dối vô hại hoặc giữ lại thông tin? 7. Vậy còn quy tắc vàng thì sao? Không phải lúc nào bạn cũng muốn được nghe tất cả mọi thứ và nghe tất cả mọi sự thật đúng không? VŨ HOÀNG LAN PHƯƠNG dịch
Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/TheWolvesInTheWalls
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC