Triết học lịch sử

Khái niệm "Diễn giải" trong Sử học

KHÁI NIM S HC:

 

DIỄN GIẢI

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                               

 

HARRY RITTER

ĐINH HNG PHÚC dch

 


Harry Ritter, Interpretation, in Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, 1986. pp.  243-50.


 

DIỄN GIẢI (t.Anh: Interpretation). Tập hợp các thao tác phương pháp qua đó nhà sử học – theo viễn tượng cá nhân, tính khí, điều kiện xã hội, và lựa chọn có ý thức – áp đặt một mô hình ý nghĩa hay biểu nghĩa về chủ đề của mình; quá trình chọn lọc, sắp xếp, nhấn mạnh và tổng hợp các sự kiện lịch sử xác lập thể loại riêng của cá nhân nhà sử học về việc nghiên cứu quá khứ.

Diễn giải đã được sử dụng rộng rãi cho dù từ này phần nào còn chưa rõ ràng trong lý thuyết sử luận từ đầu thế kỷ 20. Ở Mỹ, việc nhấn mạnh tới sự diễn giải bắt đầu từ sự nổi lên của phái Sử học mới trước năm 1919 với quan niệm chức năng theo định hướng hiện tại của nó về nhận thức lịch sử; sự ảnh hưởng của Frederick Jackson Turner có tầm quan trọng đặc biệt, luận đề biên giới [frontier thesis] của ông về sự phát triển xã hội Mỹ minh họa cho thành quả đầy tiềm năng của lối tiếp cận quá khứ theo lối “diễn giải” một cách tự giác (Randall and Haines, 1946: 44-45).

Giờ đây nhiều người nhất trí rằng diễn giải là một phần “không thể tiêu tan được” của công việc sử học (White, [1972-73] 1978: 51), có lẽ thậm chí là “nhân tố sống còn” của nó (Carr, [1961] 1964: 28). Học giả Đức Gerhard Ritter (1961-62: 266-67) phản ánh ý kiến chủ lưu khi phát biểu rằng sử học “nhất định phải là Deutungsversuch [sự tìm kiếm ý nghĩa], một nỗ lực của tinh thần tư duy làm cho sự hỗn độn của các hiện tượng rời rạc thành sự mạch lạc có ý nghĩa qua sự diễn giải”. Quá khứ, ông giải thích: “thực sự đã chết; nó chỉ nói với chúng ta qua chứng cứ được bảo lưu trong các di văn, và có vô vàn các hiện tượng riêng biệt không thể quy giản lẫn nhau mà những sự nối kết nội tại của chúng có vẻ như hết sức hàm hồ. Lịch sử thành văn không phải là thuật nhiếp ảnh … mà đúng hơn là cái có thể so sánh với hoạt động sáng tạo của họa sĩ vốn người đã sáng tạo ra những bức tranh bằng cách nối kết những nét bút riêng biệt nhau thành một toàn bộ … Các bức tranh lịch sử không phải là những tấm ảnh chụp thực tại quá khứ mà là công việc tạo tác một bản thể cực kỳ phổ biến mà thoạt đầu nó xuất hiện ở trạng thái vô hình thức.” (tr. 266-67)

 Giờ đây nhìn chung người ta cho rằng sử học khác với “biên niên đơn thuần” ở chỗ biên niên là việc sắp xếp các sự kiện theo chuỗi đơn giản, trong khi đó sử học thực sự đòi hỏi phải có “việc cấu trúc các sự kiện thành một tự sự mạch lạc và sự diễn giải các sự kiện này liên quan đến các nguyên nhân và ý nghĩa của các sự biến trong quá khứ” (Meiland, 1965: 17). Tuy nhiên, ngay cả khi biên niên có thể được cho là bao hàm sự diễn giải vì người viết biên niên phải chọn cách bỏ qua những điều gì đó. Thực vậy, theo tính chính thống hiện nay chính ý niệm rằng các nhà sử học có thể khỏi cần đến diễn giải “tự nó đã là sự diễn giải” (Beale, 1946: 55, 87).

Bất chấp tính phổ cập của ý niệm này, cả nhà sử học lẫn nhà triết học thường không cung cấp các định nghĩa minh nhiên về diễn giải, trong khi thúc giục nhà lý luận phải gán cho ý niệm cái nhãn “phạm trù bị bỏ mặc” còn cần “tháo dở chi tiết” (Levich, 1964-65: 338, 341; xem thêm: Gruner, 1967: 151-53; White, [1972-73] 1978: 51). Ý niệm này thường được dùng trong sự kết hợp lỏng lẻo với các từ “trí tưởng tượng” (ví dụ Strayer, [1943] 1950: 16; Beard, 1946: 10) và nhất là “giải thích” (chẳng hạn Beale, 1946: 56), mặc dù các tác gia ngôn ngữ Anh hiếm khi làm sáng tỏ mối quan hệ giữa diễn giải và giải thích. Levich (1964-65: 338-41), theo tiền lệ Âu châu lục địa, cho rằng nên có sự phân biệt lôgic giữa diễn giải và giải thích; từ sau [giải thích], ông gợi ý, dùng để chỉ những luận cứ trả lời cho các câu hỏi nguyên nhân – “tại sao” các sự biến diễn ra và các sự biến diễn ra “bằng cách nào”, trong khi đó diễn giải quy chiếu tới việc xác lập “ý nghĩa và nội dung”. Những người biện hộ cách phân biệt này đã biện hộ, theo lối truyền thống, cho nhận thức luận nhị nguyên, bằng cách lập luận rằng các khoa học tinh thần [hay các khoa học nhân văn] sử dụng lối tiếp cận nhận thức khác với lối tiếp cận của khoa học tự nhiên. Những người này sẽ gộp lôgic của mọi hình thức nghiên cứu vào dưới đầu đề khoa học, mặt khác, sử dụng giải thích như là một thuật ngữ tổng quát và bỏ qua phạm trù diễn giải.

Trên thực tế, cả nhà sử học lẫn nhà triết học thường sử dụng diễn giải  để quy chiếu tới các triết học tư biện về lịch sử (chẳng hạn triết học của Hegel, Marx hay Toynbee) có ngụ ý là bộc lộ toàn bộ “ý nghĩa” của toàn thể lịch sử nhân loại (Levich, 1964-65: 339; White, [1972-73] 1978: 52). Vì hầu hết các nhà sử học và triết học nói tiếng Anh hiện nay nghi ngờ rằng ý nghĩa của toàn bộ lịch sử con người có thể được biết, nên cách sử dụng này có những gợi ý xấu. Một số triết gia nào đó cũng sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa hẹp thuần túy có tính mô tả để chỉ thao tác phương pháp qua đó các nhà sử học “hiểu” các sự biến bằng cách xác định chúng vào trong khuôn khổ của các hoàn cảnh trong đó chúng xảy ra (Levich, 1964-65: 339).

So sánh nhiều cách sử dụng khác nhau trong bối cảnh, tuy nhiên, gợi ý rằng các nhà sử học chuyên nghiệp thường dùng chữ này để nói đến vai trò cá nhân (hay ‘chủ thể’) của cá nhân nhà sử học trong việc chọn lọc, đánh giá, sắp xếp và hệ thống hóa các sự kiện của ông ta và trong việc quyết định mức độ của việc nhấn mạnh mà ông ta sẽ nhất trí với các phương diện đặc thù của chủ đề của ông ta (ví dụ: Beard, [1935] 1972: 319, 325; Strayer, [1943] 1950: 7-8; Beale, 1946: 56; Randall và Haines, 1946: 22; Carr, [1961] 1964: 11; hite, [1972-73] 1978: 51). Charles ([1935] 1972: 325), người đã làm cũng giống với bất cứ ai khác muốn hình thức hóa từ vựng tiếng Anh bao quanh khái niệm về diễn giải sử học, nói về “sự chọn lọc và tổ chức các sự kiện, từ đó sự diễn giải.” Những từ ngữ xuất hiện hầu như thường xuyên trong những ám chỉ đến chủ đề này là chọn lọc và tổ chức hay sắp xếp. Đối với Strayer ([1943] 1950: 7-8, 13) đây chẳng khác gì việc tìm kiếm một “mô hình” trong “sự đa tạp các sự kiện cá biệt”, và đỉnh điểm của việc này là xác lập “ý nghĩa” hay “biểu nghĩa”. Ernst Breisach tóm tắt lập trường này khi ông phát biểu rằng “toàn bộ hành vi tái tạo quá khứ” bao hàm “trí tưởng tượng sáng tạo của nhà sử học trong việc nối kết các thức nhận riêng lẻ thành một toàn bộ mạch lạc theo một đồ thức khái niệm ngự trị nào đó – nói đơn giản là sự diễn giải… Thừa nhận sự diễn giải như là một phần không thể thiếu của sử luận là công nhận mối liên hệ giữa nghiên cứu sử học với con người của nhà sử học. (1983: 409).

Diễn giải vì thế là sự biểu hiện của tính khí và điều kiện xã hội của học giả; các nhà sử học, bản thân họ là những sản phẩm xã hội, nhìn nhận quá khứ từ bên trong các “khung quy chiếu” duy nhất của họ (Beard và Hook, 1946: 125-26). Những kết luận của họ do đó sẽ mang tính ngập ngừng và tuân theo sự biến cải trong ánh sáng của những hoàn cảnh mới; “các khoa học xã hội sẽ luôn nhận thấy chính mình bị thêu dệt trong cuộc xung đột của những sự diễn giải… nếu không thì bằng cách ấy chúng sẽ mang tính phục tùng, tự mãn, và nghèo nàn” (Hoy, 1980: 661). Những sự diễn giải có sức tác động hay có tính kịp thời có thể xác lập các truyền thống lý thuyết, các trường phái diễn giải như “kinh tế học”, “tâm lý học” hay “văn hóa” chẳng hạn.

Toàn bộ sự định hướng này đối lập với quan niệm thịnh hành ở cuối thế kỷ 19 xem công việc đích thực của nhà sử học chỉ thuần túy là xác lập sự kiện; một khi được xác lập, các sự kiện (mà nhiều người nghĩ là) sẽ “nói cho chính họ” (Becler, [1932] 1935: 248; [1955] 1959: 129-30; Carr, [1961] 1964: 11). Trong ngữ cảnh này, sự diễn giải được đồng nhất với sự có dụng ý và sự tư biện vô căn cứ (Randall và Haines, 1946: 32) – “tư kiến” hay ý kiến cá nhân [opinion] mang tính võ đoán có thể, và thường là nên, được tránh. Đối với hiện nay, một số nhà lý luận Anh-Mỹ nghĩ sự diễn giải như là cái gì đó không phải là “nhận thức mà chỉ là tư kiến” (White, [1972-73] 1978: 54). Nhưng quan niệm về sự diễn giải như là “thứ bột nhão” không cần thiết bao quanh “nhóm các sự kiện nòng cốt” đã bị loại bỏ bởi phần đông các nhà sử học vốn là những người đi tới chỗ tin rằng ngay cả khi việc xác lập sự kiện lịch sử nhất thiết phải bao hàm mức độ lựa chọn cá nhân nào đó và nhấn mạnh đến bộ phận của cá nhân nhà học giả (Carr, [1961] 1964: 9-15).

Trên thực tế, các đánh giá hiện nay về tầm quan trọng của sự diễn giải được xây dựng trên các truyền thống cũ – tạm thời bị đè nén ở cuối thế kỷ 19 –, truyền thống ấy nối kết sử luận với tu từ học và các nghệ thuật. Phép loại suy hội họa của Ritter mang âm hưởng một chủ đề chung với các tác gia của thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19: Voltaire (1972: 38), chẳng hạn, giả định rằng các nhà sử học giống với người nghệ sĩ “đang cố cho thấy, bằng một cây cọ yếu ớt nhưng đáng tin cậy, con người đúng thật là con người”; tương tự như vậy, T. B Macaulay ([1828] 1972: 74-75) đã so sánh các nhà sử học lớn với các họa sĩ là những người có thể “dồn thời gian vào một điểm, và phô bày, chỉ một lần thoáng nhìn, toàn bộ lịch sử của những cuộc đời lộn xộn và đầy biến cố.”

Sử luận duy tâm Đức cuối thế kỷ 19 cũng chấp nhận một vai trò quan trọng đối với sự diễn giải – chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy rằng các kĩ thuật phân tích và lối tiếp cận tổng quát của những người tiên phong của nền học thuật sử học chuyên nghiệp như Barthold Geor Nieburh (1776-1831) và Leopold von Ranke (1795-1886) chủ yếu phái sinh từ các phương pháp “thông diễn” của diễn giải Kinh thánh và triết học, ban đầu được phát triển ở thế kỷ 17 và 18 để rút ý nghĩa ra từ các bản văn Kinh thánh và các văn bản bí truyền thời cổ đại (Palmer, 1969; Liebel, 1971: 381; Blanke, Fleischer và Rüsen, 1984: 338-39, 342-43). Các nhà thông diễn học [hermeneutics] Đức – một nhánh triết học chủ yếu xem xét các vấn đề phương pháp luận về việc làm thế nào để đạt được sự thông hiểu và diễn giải đúng đắn các văn bản” (Hoy, 1980: 649) – đến lượt mình, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lý thuyết hiện đại của Âu châu lục địa về sự thông hiểu lịch sử, nhất là qua công trình của Johann Gustav Droysen (1804-84) (Maclean, 1982; Burger, 1977) và Wilhelm Dilthey (1833-1911).

Theo truyền thống thông diễn học – được xây dựng một cách chi tiết đầu tiên bởi nhà thần học Tin Lành Friedrich Schleiermacher (1768-1834) (Palmer, 1969: 84-97) – sự hiểu [Verstehen] của sử học về cơ bản là khác với sự giải thích [Erklären] của khoa học tự nhiên ở chỗ các đối tượng của nó là con người và những biểu hiện đời sống của họ - các văn bản viết, các tượng đài, các định chế, và v.v.. – được hiểu theo bối cảnh thời gian và không gian. Trong lối tiếp cận này, các thuật ngữ diễn giải và hiểu có thể dùng thay thế cho nhau (chẳng hạn, Maclean, 1982: 356; Hoy, 1980: 658). Diễn giải, do đó, tiền giả định một năng lực “dự đoán” (Palmer, 1969: 90), “liên nhân” [interpersonal] (Maclean, 1982: 356) để “làm sống lại” đời sống nội tâm trong tinh thần của các cá nhân trước đó và trải nghiệm lại những hoàn cảnh của các thế hệ trước, dựa trên sự đồng cảm và trí tưởng tượng của trực quan mà các giải thích thuần túy mang tính thường nghiệm và thuần lý của thế giới vật lý và “các phạm trù tĩnh tại” của nó không đòi hỏi phải có.

Các khoa học giải thích giới tự nhiên; các nghiên cứu nhân văn hiểu các biểu hiện của đời sống con người. Hiểu nắm bắt thực thể cá biệt, còn khoa học thì luôn coi cái cá biệt như là sự biểu hiện của một loại hình phổ biến. Phương diện mấu chốt của quan niệm này (cái về sau nuôi dưỡng học thuyết của thuyết tương đối lịch sử) là ý niệm cho rằng ý nghĩa không bao giờ được “cố định và vững chắc” mà là mang tính “lịch sử: nó thay đổi theo thời gian; nó là vấn đề về mối quan hệ, luôn gắn liền với một viễn tượng từ đó các sự biến hay biến cố được xem xét… Sự diễn giải luôn đứng trong hoàn cảnh mà bản thân người diễn giải đứng trong đó; ý nghĩa xoay quanh hoàn cảnh này” (Palmer, 1969: 119-20).  Sự nhấn mạnh đến “viễn tượng” đã có trong ý niệm của Dilthey về Weltanschauungen (“các thế giới quan”), các định hướng tinh thần đặc trưng cho toàn bộ các xã hội, và sau này trong quan niệm của Beard ([1935] 1972: 319; [1934] 1959: 151) rằng nhà sử học không có cách nào khác là phải coi quá khứ từ “góc nhìn” hay “khung quy chiếu” riêng của mình. Mặc dù viễn tượng [perspective] thường được coi là một sự hạn định có xu hướng làm yếu dần tính khách quan yếu ở đầu thế kỷ 20, khoảng giữa thế kỷ [ấy] hầu hết các nhà sử học đi đến chỗ xem nó là một “cơ hội tích cực để quan sát các sự việc còn mù mờ” từ các điểm nhìn khác nhau (Hollinger, 1973: 388; Higham, 1965: 136).

Triết học Anh-Mỹ theo hướng duy nghiệm ở thế kỷ 20, trong khi chấp nhận ý niệm về viễn tượng, nhìn chung là hoài nghi truyền thống Âu châu lục địa này, và cứ thế dựa trên ý niệm rằng phần bản chất của sự hiểu lịch sử liên quan đến một “quá trình huyền bí của sự chuyển trao tinh thần” (Palmer, 1969: 104); thế nhưng, nhất là qua sự ảnh hưởng của triết gia Ý Benedetto Croce, truyền thống thông diễn học đã có một vài cuộc đột nhập đáng kể vào lý thuyết sử luận của ngôn ngữ Anh như được biểu hiện, chẳng hạn, trong học thuyết của thuyết tương đối lịch sử thịnh hành trong các thập niên 1920 và 1930, trong thuyết duy tâm lịch sử của Michael Oakeshott và R. G. Collingwood ([1946] 1956), và trong cái có lẽ là lý thuyết tỉ mỉ nhất về sự diễn giải lịch sử được đề xuất bởi một nhà sử học thế kỷ 20 là Hayden White.

Được gợi hứng bởi ví dụ của các nhà lý luận thế kỷ 19 như Hegel, Droysen, Nietzsche và Croce và chủ yếu dựa vào công trình của các nhà phê bình văn học thế kỷ 20 như Northrop Frye và Kenneth Burke, White ([1972-73] 1978) khai triển một mô hình đa tầng phức tạp cho cơ chế diễn giải lịch sử - một lý thuyết có ý đồ cho thấy một cách chính xác cách thức nhà sử học có thể dùng để chọn lọc các sự kiện của ông ta và xây dựng các mối liên kết để tạo ra một khuôn mẫu ý nghĩa bao quát. Sự diễn giải, theo ông, nên được hiểu qua những sự nối kết khả hữu khác nhau của (được cho là có ý thức hay không có ý thức) các chiến lược thi ca, lôgic học và tu từ học diễn ra ở 4 cấp độ.

(1) Cấp độ “mỹ học” (White, [1972-73] 1978: 70) trong đó nhà sử học nhào nặn các sự kiện của ông không những thành “câu chuyện” mà còn thành “câu chuyện thuộc một loại đặc thù” (ví dụ: hài kịch, bi kịch, tiểu thuyết, sử thi, trào phúng). White lưu ý (tr. 59) rằng sự diễn ra này của “ráp nối cốt truyện” “không diễn ra một cách tùy tiện … [mà] theo những quy ước văn chương …quen thuộc, các quy ước mà nhà sử học, giống như nhà thơ, bắt đầu tiếp thu ngay từ lúc đầu tiên mà ông ta được kể lúc còn bé.” (tr. 59). Các hình thức cốt truyện này cấu tạo nên một “kho các kinh nghiệm huyền bí [fund of mythoi”] mà ông ta có thể viện đến để gợi ra “hương vị của ý nghĩa hay biểu nghĩa” cho độc giả của ông ta (tr. 60); như trong vở kịch hay truyện, ý nghĩa được nắm bắt khi khán thính giả nhận ra loại câu chuyện nào đó đang được kể ra.

2. Cấp độ “nhận thức luận” (tr. 70), đây là cấp độ của “luận cứ hình thức” hay “giải thích” (tr. 63) (ở đây giải thích được hiểu là một phạm trù nhỏ của khái niệm rộng lớn hơn là diễn giải). Trên bình diện này, nhà sử học có thể sử dụng nhiều lối tiếp cận, hay nhiều “hệ hình” giải thích: một sự phác họa đơn giản về các sự kiện đặc thù (phương pháp “mô tả cái riêng” [‘ideographic’]), sự tổng hợp hữu cơ, sự nối kết sự kiện  (tức là định vị những cái riêng trong ngữ cảnh), hay “sự quy giản máy móc của lĩnh vực liên quan tới các quy luật nhân quả phổ quát” (tr. 65).

3. Cấp độ “tinh thần hay tư tưởng hệ” – cấp độ của phán đoán giá trị, của chính trị hay bất cứ thứ gì khác. Đi theo Marx và những người khác, White cho rằng “mọi nghiên cứu lịch sử thuộc bất cứ phạm vi hay bề sâu nào đều lấy một tập hợp các cam kết tư tưởng hệ cụ thể nào đó làm điều kiện tiên quyết” (tr. 68); ông thấy có bốn loại hình cơ bản của sự cam kết đạo đức học: tự do, bảo thủ, cấp tiến và vô chính phủ.

4. Cấp độ ẩn dụ hay “chuyển nghĩa”. Đối với White, đây là cơ tầng “mang tính bản chất” nhất và sâu xa nhất (tr. 75), cấp độ ở đó “ý nghĩa … sẽ được cấu tạo bằng các tình thái khả hữu của bản thân ngôn ngữ tự nhiên, và nhất là bằng các chiến lược chuyển nghĩa chủ đạo qua đó các hiện tượng chưa được biết đến hay còn chưa quen thuộc được mang lại bằng các ý nghĩa bởi các loại chiếm đoạt ẩn dụ khác nhau.” Theo sau Kenneth Burke, ông nhận diện bốn “phép chuyển nghĩa chủ đạo”: ẩn dụ, hoán dụ, đề dụ, và mỉa mai (tr. 72). Trong sơ đồ lý thuyết của White, “các phép chuyển nghĩa” này giữ chức năng là “các hình thái tư tưởng” làm điều kiện và, theo cách nào đó, định hướng hay kiểm soát một cách căn bản các kiểu lựa chọn và kết hợp các chiến lược mỹ học, giải thích và đạo đức mà cá nhân các nhà sử học có thể chọn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Beal, Howard K. 1946. “What historians have said about the causes of the Civil War [Các nhà sử học đã nói gì về các nguyên nhân của cuộc Nội chiến].” Trong Bull. 54: 53-92.
  2. Beard, Charled, A. 1946. “Grounds for a reconsideration of historiography [Các cơ sở cho việc xem xét lại môn sử luận].” Trong Bull. 54: 3-14.
  3. ---. [1934] 1959. “Written history as an act of faith [Lịch sử thành văn như là một hành vi của đức tin].” Trong Meyerhoff: 140-51.
  4. ----. [1935] 1972. “That noble dream.” Trong Stern: 315-28.
  5. Beard, Charles A., và Hook, Sysney. 1946. “Problems of terminology in historical writing: the need for greater precision in the use of historical terms. Illustrations [Các vấn đề về hệ thuật ngữ trong viết sử: cần có sự chính xác hơn trong  việc sử dụng các thuật ngữ sử học. Các ví dụ minh họa].” trong Bull. 54: 103-30.
  6. Berker, Carl L. [1932] 1935. “Everyman his own historian.” Trong Carl L. Becker, Everyman his own historian: essays on history and politics. New York: 233-55.
  7. ----.[1955] 1959’ “What are historical facts [Các sự kiện lịch sử là gì].” Trong Meyerhoff: 120-37.
  8. Blanke, Horst Walter; Fleischer, Dirk; và Rüsen, Jörn. “Theory of history in historical lectures: the German tradition of Historik 1750-1900 [Lý thuyết về lịch sử trong các bài giảng sử học: Truyền thống Đức trong Sử học 1750-1900].” History and Theory 23: 331-56.
  9. Briesach, Ernst. 1983. Historiography: ancient, medieval, and modern [Sử luận: cổ đại, trung đại, và hiện đại]. Chicago.
  10. Burger, Thomas. 1977. “Droysen’s defense of historiography: a note [Biện hộ của Droysen cho sử luận: chú thích” History and Theory 16: 168-73.
  11. Carr, E. H. [1961] 1964. What is history [Lịch sử là gì?] Harmindsworth.
  12. Collingwood, R.G. [1946] 1956. The Idea of history [Ý niệm lịch sử]. New York.
  13. Ermarh, Michael. 1978. Wilhelm Dilthey: the critique of historical reason [Wilhelm Dilthey: Phê phán lý tính lịch sử]. Chicago.
  14. Gruner, Rolf. 1967. “Understanding in the social sciences and history [Sự thông hiểu trong các khoa học xã hội và sử học].” Inquiry 10: 151-63.
  15. Higham, John. 1965. History. Englewood Cliffs, N.J.
  16. Hirsch, E. D., Jr. 1967. Validity in interpretation [Giá trị hiệu lực trong sự diễn giải]. New Haven, Conn.
  17. Hollinger, David A. 1973. “T. S. Kuhn’s theory of Science and its implications for history [Lý thuyết khoa học của Thomas Kuhn và những hàm ý của nó đối với sử học]. The American Historical Review 78: 370-93.
  18. Ho, David Couzens. 1980. “Hereneutics [Thông diễn học].” Social Research 47: 649-71.
  19. Levich, Marvin. 1964-65. Review of Sidney Hook, chủ biên, Philosophy and history: a symposium [Điểm sách Triết học và lịch sử: một cuộc hội tiệc do Sidney Hook chủ biên]. History and Theory 4: 328-49.
  20. Liebel, Helen P. 1971. “The Enlightenment and the rise of historicism in German thought [Phong trào Khai minh và sự nảy sinh của thuyết duy sử trong tư tưởng Đức].” Eighteenth-Century Studies 4: 359-85.
  21. Macaulay, Thomas Babinton. [1828] 1972. “On history”. Trong Stern: 72-89.
  22. Maclean, Michael J. 1982. “Johann Gustav Droysen and the development of historical hermeneutics [Johann Gustav Droysen và sự phát triển của thông diễn học lịch sử].” History and Theory 21: 347-65.
  23. Meiland, Jack W. 1965. Scepticism and historical knowledge [Thuyết hoài nghi và nhận thức lịch sử]. New York.
  24. Palmer, Richard E. 1969. Hermeneutics: interpretation theory in Schleiermacher, Dilthey, Heidegger, and Gadamer [Thông diễn học: lý thuyết diễn giải ở Schleiermacher, Dilthey, Heidegger, và Gadamer]. Evanston, III.
  25. Randall, John Herman, Jr., and Haines, George, IV. 1964. 9146. “Controlling assumptions in the practice of American historians[Các giả định đối chứng trong thực hành của các nhà sử học Mỹ].” Trong Bull. 54: 15-52.
  26. Reill, Peter Hanns. 1973. “History and Hermeneutics in the Aufklärung: the thought of Johann Christoph Gatterer [Sử học và thông diễn học trong thời đại Khai minh: tư tưởng của Johann Christoph Gatterer].” The Journal of Modern History 45: 24-51.
  27. Ritter, Gerhard. 1961-62. “Scientific history, contemporary history, and political science [Lịch sử khoa học, lịch sử đương đại và khoa học chính trị].” History and Theory 1: 261-79.
  28. Strayer, Joseph R. [1934] 1950. “Introduction [Dẫn luận].” Trong Strayer, ed., The interpretation of history [Diễn giải lịch sử], p. 3-26.
  29. White, Hayden. [1972-73] 1978. “Interpretation in history [Diễn giải trong sử học].” trong Hayden White, Tropics od discourse [Vùng nhiệt đới của diễn ngôn] Baltimore: 51-80.

 


(*) Giáo sư sử học, Trường Đại học Western Washington.

(**) Thạc sĩ Triết học. Trưởng Ban Biên dịch, Trường Đại học Thủ Dầu Một.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt