Triết học lịch sử

Khái niệm "Văn hóa" trong sử học

KHÁI NIỆM SỬ HỌC

 

VĂN HÓA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                               

 

HARRY RITTER

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Harry Ritter. 1986. “Culture”. In Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, pp. 39-44.


 

VĂN HÓA (t.Anh: Culture). 1. Toàn bộ phức thể của đời sống trí tuệ và vật chất của một xã hội đặc thù. 2. Điều kiện của sự tinh tế về đạo đức và trí tuệ mà các cá thể cá nhân đạt được. 3. Một trình độ phát triển do toàn bộ một xã hội nào đó đạt được. 4. Các môn nghệ thuật nói chung – âm nhạc, nghệ thuật thị giác, văn chương, v.v..

Thuật ngữ văn hóa là “một trong hai hay ba chữ phức tạp nhất trong ngôn ngữ Anh” (Williams, 1976: 76). Từ thế kỷ 18, tức khi bắt đầu trở nên phổ biến, nó có liên hệ mật thiết với từ vựng của lịch sử triết học và lịch sử bản thân môn sử học. Các lý thuyết sử học về văn hóa, trên chừng mực lớn, đều là sản phẩm của những sự trật khớp được gắn với các quá trình hợp lý hóa và công nghiệp hóa của xã hội, đôi khi được đề cập một cách chung chung là hiện đại hóa (Meyer, 1952: 405; Ward, 1969: 16).

Ta có thể phân biệt hai hệ nghĩa của từ: nghĩa “nhân bản” và nghĩa “nhân học” (Barnard, 1973: 614). Cả hai nghĩa này được kết hợp lại với nhau trong tư tưởng của các nhà lý thuyết xã học và các nhà sử học có ảnh hưởng, như Johann Gottfries Herder và Jacob Burckhardt. Các khái niệm nhân bản luận về văn hóa đều mang tính chuẩn tắc và chọn lọc. Chúng hàm ý rằng một số hoạt động nhất định của con người – được gán nhãn “văn hóa” – cao hơn các loại hoạt động khác và bao gồm các định nghĩa 2 trong số 4 định nghĩa nói trên. Trái lại, khái niệm “nhân học” – định nghĩa 1- là khái niệm mô tả, trung tính và có tính bao gồm.

Bản thân từ này có gốc từ động từ La-tinh colere, vốn có nhiều nghĩa ở thời cổ đại: “cư lưu, vun trồng, bảo vệ, thờ tự” (Williams, 1976: 77). Cultura, có gốc từ colere, sở đắc được ý nghĩa là sự trồng trọt trên đất đai. Những sự liên tưởng của từ này chủ yếu còn mang sắc thái nông nghiệp, mặc dù Cicero, trong Tusculanae disputationes của mình, đã đặt ra một tiền lệ độc nhất cho các ý nghĩa xã hội sau này khi ông so sánh “sự vun bồi linh hồn” (“culture of the soul”) với các lĩnh vực trồng trọt đơm hoa kết trái. Cùng với sự quan tâm trở lại nền học thuật La Mã ở thời Phục hưng, cách dùng của Cicero được khơi gợi lại, và từ thế kỷ 16 trở đi, thuật ngữ này trở nên gắn chặt với ý niệm về sự phát triển con người. Ý nghĩa xã hội này tồn tại rõ ràng, ví dụ, trong công trình của học giả người Đức Samuel von Pufendorf (1632-94), là người đã dùng chữ cultura để nói tới sự phát triển của trí tuệ và cảm xúc của cả cá nhân lẫn xã hội xét như là một toàn thể. Đối với Pufendort, cultura bao gồm tất cả những gì không phải do giới tự nhiên mang lại mà do con người tạo ra (Rauhut, 1953: 81-83).

Vào giữa thế kỷ 18, một thuật ngữ cũng phức tạp không kém là “văn minh” được sử dụng rộng rãi ở Pháp, và từ này dần dần dính líu vào mối quan hệ phức tạp với thuật ngữ “văn hóa”, đặc biệt là ở Đức. Ban đầu, các tác gia Đức thế kỷ 18 dùng chữ Cultur như là từ đồng nghĩa với chữ civilisation (văn minh) trong tiếng Pháp, để biểu thị “một quá trình trở nên ‘được văn minh hóa’ hay ‘được vun bồi’ phổ biến” hoặc “một quá trình phát triển con người theo hướng thế tục”, nghĩa là sự trau dồi mở mang tri thức (Williams, 1976: 78). Herder, chẳng hạn, dùng chữ Cultur để chỉ “một quá trình vun trồng hay phát triển các năng lực theo hướng tiến bộ” (Kroeber và Kluckhon, 1952: 32, 39). Nhưng Herder cũng đưa vào một sắc thái ý nghĩa mới quan trọng khi ông nói về “các nền văn hóa” của con người ở dạng số nhiều. Khi làm như thế ông đã biến chữ văn hóa thành một danh từ dùng để chỉ toàn bộ lối sống của một xã hội nhất định, và ông cho rằng mỗi một dân tộc đều có hình thức văn hóa độc đáo và có giá trị nội tại của nó. Hẳn là cách dùng này phát triển thành nghĩa nhân học của từ, dù tương đối hiếm hoi ở Đức cho đến giữa thế kỷ 18 và ở Anh cho đến cuối thế kỷ 19 (Williams, 1976: 78-79).

Một sự phát triển quan trọng khác đã diễn ra trong thế kỷ 19, cụ thể là ở Đức. Mặc dù vẫn còn thói quen đặt “văn hóa” và “văn minh” ngang hàng với nhau ở thế kỷ 18, có lẽ trong phần lớn các trường hợp (Kroeber và Kluckhohn, 1952: 30), một số tác gia bắt đầu vạch ra những sự phân biệt hoàn toàn đối nhau giữa hai thuật ngữ này. Thuật ngữ này (văn hóa hoặc văn minh, tùy tác giả) được gắn với các giá trị và sự phát triển về mặt vật chất và kĩ nghệ (hay “nhân tạo”), thuật ngữ kia được gắn với các giá trị và sự phát triển về mặt xã hội và “tinh thần” (và có hàm ý là “cao hơn”). Nhà sử học Leopold von Ranke (1795-1886), chẳng hạn, phân biệt “văn minh” (lĩnh vực công nghệ của xã hội) và bản tính mở rộng của sự phát triển “văn hóa” (lĩnh vực tinh thần của xã hội” (Krieger, 1951: 490, số15). Ngay đầu thế kỷ 20, cách dùng của người Đức đã xác lập văn hóa như là đích đến thích hợp cho các hình thái “tinh thần” cao hơn của đời sống xã hội; văn minh trở thành nghĩa xấu để chỉ các phương diện “cơ giới” hay “giả tạo” thấp kém của sự phát triển tinh thần và xã hội (Gilbert, 1960: 40). Trong Chiến tranh thế giới lần I, những chữ này trở thành công cụ tuyên truyền cho các tác gia Đức, vốn là những người đã dùng chữ văn hóa để chỉ hình thái “lành mạnh” của đời sống xã hội do Đức đại diện và văn minh dùng để chỉ truyền thống xã hội Tây Âu có tính “giả tạo” và “duy vật”. Cách dùng này đã sản sinh ra một cuốn sách tư liệu có tính luận chiến (xem Bruford, 1962), và có sự cường điệu nào đó để loại bỏ cách xem văn hóa “chủ yếu là một triệu chứng trong tư tưởng Đức” (Kroeber và Kluckhohn, 1952: 29); các tác gia Anh quan trọng của thế kỷ 19 như Samuel Taylor Coleridge và Matthew Arnold cũng có sự phân biệt của họ trong vấn đề này. Cuốn sách có lượng độc giả đông đảo của C. P. Snow Hai nền văn hóa (The Two Cultures, 1960) phản ánh thực tế là sự phân biệt vẫn còn được nêu ra trong thế giới nói tiếng Anh giữa thế kỷ 20 (Barnard, 1973: 617). Tuy nhiên, ở các nước nói tiếng Anh ngày nay hai thuật ngữ ‘văn hóa’ và ‘văn minh’ thường được dùng như là những từ ngầm đồng nghĩa với nhau (Gilbert, 1960: 41, 52).

Một cấp độ ý nghĩa khác có ảnh hưởng lâu bền hơn, cả theo cách dùng tổng quát lẫn trong cách dùng sử luận: văn hóa sở đắc (hoặc tích cực hoặc tiêu cực) các nội hàm của giai cấp xã hội và trở nên gắn với “sự tinh tế” có tính thẩm mỹ và riêng tư của cá nhân. Ở đây văn hóa được hiểu là “giá trị được duy trì và bảo vệ” (Gilbert, 1960: 45). Quan niệm này đã được xác lập ở Đức vào giữa thế kỷ 18, ở đó thuật ngữ Bildung [đào luyện văn hóa] được dùng rộng rãi để biểu thị sự vun bồi nhân cách cá nhân; nghĩa này được kết tinh trong công trình của Christoph Wieland (1733-1813), là người đã dùng chữ Bildung để biểu thị cultura animi (“sự vun bồi tinh thần”) của Cicero (Rauhut, 1953: 89). Hiện tượng đánh đồng “văn hóa” với “văn hóa cao”, hay “những thứ tinh tế hơn của tinh thần” (Weintraub, 1966: 9; Kroeber và Kluchkohn, 1952: 56, 60-61) – rất thịnh hành trong các hình thức lịch sử văn hóa xưa cũ hơn (như trong công trình của nhà sử học Thụy Sĩ Jacob Burckhardt) – được xác lập ở Anh trong cuộc tranh cãi xoay quanh việc xuất bản cuốn Văn hóa và Vô chính phủ (Culture and Anarchy) của Matthew Arnold vào năm 1869. Arnold định nghĩa văn hóa là một hoạt động của cá nhân, theo đuổi sự hoàn hảo hoàn toàn bằng sự hiểu biết, về tất cả những vấn đề ta quan tâm nhất, cái tốt nhất đã được nghĩ nói ra trong thế giới” (trích trong Kroeber và Kluchkohn, 1952: 54).

Tuy nhiên, từ lập trường của sử luận hiện nay mà xét thì việc giới học giả lần lượt chấp nhận khái niệm văn hóa, theo nghĩa “nhân học” hay “dân tộc học” của Herder là bước phát triển quan trọng nhất của thế kỷ 19. Khái niệm mô tả không mang tính đánh giá này biểu thị “các phương diện vật chất và kĩ thuật cũng như tinh thần và nghệ thuật của hoạt động của con người (Gilbert, 1960: 40) và hiện nay đang lan rộng ở Đức, Scandicavian, Slavic và nền học thuật nói tiếng Anh, dù cách sử dụng của Pháp hay Italia không thông dụng như thế (Williams, 1976: 81). Trong sử học, nghĩa này xuất hiện công nhiên trong bộ sách mười quyển Allgemeine Culturgeschichte der Menschheit / Lịch sử văn hóa tổng quát của nhân loại (1843-52) của Gustav E.Klemm. Mặc dù văn bản của Klemm vẫn để lộ ra những liên tưởng quen thuộc của thế kỷ 18 về “sự tiến lên” hay “cải tiến”, ông cũng dùng văn hóa như là một thuật ngữ trung tính để biểu thị khuôn mẫu đời sống chung của một nhóm người cụ thể. Cách hiểu này sau đó được Jacob Burkhardt truyền bá rộng rãi qua bộ sách nổi tiếng của mình Die Cultur der Renaissance in Italien / Bàn về văn hóa Phục hưng ở Italia (1860), đó là tác phẩm trình bày đời sống của Italia cuối thời trung đại và đầu thời hiện đại bằng một khuôn mẫu đan cài vào nhau. Cách dùng của Burckhardt sớm được các nhà sử học văn hóa khác chấp nhận, chẳng hạn như, Karl Lamprecht (1856-1915), người đã hiểu văn hóa là “toàn bộ đời sống mà một dân tộc biểu hiện ra” (Weintraub, 1966: 170). Trong ấn bản đầu tiên của công trình phương pháp luận đầy ảnh hưởng của mình Lehrbuch der historischen Methode / Tập bài giảng về phương pháp sử học (1889), Ernst Bernheim đã định nghĩa văn hóa là “toàn bộ ‘các hình thái và các quá trình của đời sống xã hội, của phương tiện và kết quả lao động, về mặt tinh thần cũng như vật chất’.” Nghĩa này của từ được nhà nhân học tiên phong người Anh là E. B. Tylor  du nhập vào tiếng Anh trong cuốn Văn hóa nguyên thủy (1871) của ông (Kroeber và Kluckhohn, 1952: 31, 11).

Một sự cải tiến quan trọng sau đó là vào những năm 1930 người ta thừa nhận rằng trong một xã hội đặc thù có thể có “những cấp độ hay cơ tầng văn hóa khác nhau”, chẳng hạn như: “khu vực trồng trọt của cư dân hay các tầng lớp bị trị có thể vẫn còn nguyên chưa bị đụng đến hay chỉ từ từ chấp nhận đời sống văn hóa của các thành phố hay nhóm cai trị … cụ thể là ở thời hiện đại, sự hiện hữu của các tầng lớp khác nhau đang yêu sách sự bình đẳng về vị thế đòi hỏi phải có một bức tranh đa nguyên, vì mỗi tầng lớp có nền văn hóa riêng của nó.” (Gilbert, 1960: 50)

Khái niệm nhân học về văn hóa có nhiều ảnh hưởng đến quá trình khái niệm hóa của sử học trong thế kỷ 20, bất chấp thực tế nó bị phản bác ở một vài nơi (Bazun [1956] 1972: 392-93). Ngay từ năm 1939 Hội Sử học Mỹ đã dành một cuộc hội thảo thường niên cho chủ đề lịch sử văn hóa (Ware, 1940). Sau năm 1945, ý niệm nhân học tạo động lực mạnh mẽ cho các chương trình “nghiên cứu khu vực”, như phong trào “Nghiên cứu châu Mỹ” ở Hoa Kỳ, trong đó “các giáo sư văn chương, nghệ thuật, âm nhạc cũng như sử học Mỹ nhận thấy rằng toàn bộ các chuyên môn hẹp của họ thực sự đều cùng làm công việc về cơ bản là giống nhau được chứa đựng trong nét nghĩa mới của văn hóa” (Berkhofer [1972] 1973: 81; xem thêm Sykes,1963). Trong thập niên 1950, hai công trình quan trọng đề cử một cách công nhiên cách dùng khái niệm nhân học: Tập san Social Science Research Council 64 (1954) và People of Plent (1954) của David Potter. Trong thập niên 1960, H. Stuart Hughes (1960; 1964) cho rằng nhân học, cùng với khái niệm đặc thù của nó về văn hóa, là một bộ môn học thuật có quan hệ chặt chẽ với sử học nhất.

Bất chấp gợi ý của Berkhofer ([1972] 1973: 98) rằng các nhà sử học “cảm thấy sâu sắc hơn nữa nhu cầu cần phải vượt ra khỏi sự phân tích văn hóa về lịch sử”, ngày càng có nhiều người viện đến khái niệm nhân học hơn (chẳng hạn,Ward, 1969; Kinser, 1971: 708, số 3; Sheehan, 1981: 7, số 14; Burke, 1978: xi), họ nhấn mạnh đến ý tưởng rằng văn hóa bao hàm “sự chia sẻ”, “ý nghĩa” và “biểu trưng” xã hội. Đây là kết quả của sự cải tiến hơn nữa trong khái niệm nhân học, từ thập niên 1920 và 1930 (cho dù đã ngầm nói đến trong công trình của Burkhardt và Huizinga) – nghĩa là, ý niệm rằng sự phân tích văn hóa nên bao gồm sự khảo sát “các thành tố quan niệm” ẩn sau các khuôn mẫu của đời sống xã hội Berkhofer, [1972] 1973: 80). Ở thập niên 1970, người ta càng chứng kiến rõ hơn mối quan tâm đến sự thích ứng lịch sử của những cải tiến mới nhất trong lý thuyết nhân học (xem Walters, 1980; Higham và Conkin, 1979), trong đó các ý tưởng của nhà nhân học Clifford Geertz, xem văn hóa như là “lôgic phi hình thức của đời sống hiện thực” (Walter, 1980: 542) có ảnh hưởng đặc biệt.

Cũng nên lưu ý, có một xu hướng khá phổ biến là người ta pha trộn các nét nghĩa khi dùng thuật ngữ này. Weintraub (1966): 11), chẳng hạn, sử dụng từ này chủ yếu theo nghĩa nhân học nhưng cũng tin rằng “văn hóa” là thẩm quyền của con người, sự nỗ lực sáng tạo qua đó con người cứu mình ra khỏi sự hỗn độn, buồn chán, trụy lạc, và sự man rợ” – một quan điểm phảng phất cách dùng của các nhà đạo đức học thế kỷ 18.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Barnard, Rrederick M. 1973. “Culture and Civilization in Modern Times.” Dictionary of the History of Ideas: 613-21.

Bazun, Jacques. [1951] 1972. “Cultural History as a Synthesis.” In Fritz Stern. The Varieties of History: FromVoltaire to the Present (1956, 2d ed., New York, 1972): 387-402.

Berkhofer, Robert F., Jr. ([1972] 1973. “Clio and the Culture Concept: Some of a changing Relationship in American Historiography.” In Louis Scheider and Charles M. Bonjean, eds., The Idea of Culture in the Social Sciences. Cambridge: 77-100.

Bruford, W. H. 1962. Culture and Society in Classical Weinar, 1775-1806. Cambridge.

Burke, Peter. 1978. Popular Culture in Early Modern Europe. New York.

Gilbert, Felix. 1960. “Cultural History and Its Problem.” Commité International des Sciences HistoriquesRapport 1:40-52.

Higham, John, and Conkin, Paul H., ed., 1979. New Directions in American Intellectual History. Baltimore.

Hughes, H. Stuart. 1960. “The Historianand the Social Scientist.” The American Historical Review 66: 20-46.

_________. 1964. History as Art and as Science: Twin Vistas on the Past. New York.

Kinser, Samuel, 1971. “Ideas of Temporal Change and Cultural Process in France, 1470-1535.” In Anthony Molho and John A Tedeshi, eds., Renaissance Studies in Honor of Hans Baron. Dekelb.

Krieger, Leonard. 1951. “The Idea of Progress.” The Review of Metaphysics 4: 483-94.

Kroeber, A. L., and Kluckhohn, Clyde, 1952. Culture: A Critical Review of Concepts and Definitions. New York.

Meyer, Alfred G. 1952. “Historical Notes on Ideological Aspects of the Concept of Culture in Germany and Russia.” In A. L. Kroeber, A. L., and Kluckhohn, Culture: A Critical Review of Concepts and Definitions. New York: 403-13.

Rauhut, Franz, 1953. “Die Herkunft der Worte un Begriffe, ‘Kultur’, ‘Civilisation’, und ‘Bildung’. Germanisch-Romanische Monatsschrift, N. S., 3: 81-91.

Sheehan, James J. 1981. “What is German History? Refelections on the Role of the Nation in German History and Historiography.” The Journal of Modern History 53: 1-23.

Sykes, Richard E. 1963. “American Studies and the Concept of Culture: A Theory and Method.” American Quarterly 15: 253-70.

Walter, Ronald G. 1980.”Signs of the Times: Clifford Geertz and Historians.” Social Research 47: 537-56.

Ward, John William. 1969. Red, White,and Blue: Men, Books, and Ideas in American Culture, New York.

Ware, Caroline, ed.,1940. The Cultural Approach to History. New York.

Weintraub, Karl. Visions of Culture (Chicago, 1966).

William, Raymond. 1976. Keywords: A Vocabulary of Culture and Society. New York.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt