Triết học lịch sử

Khái niệm "Trí tưởng tượng" trong Sử học

KHÁI NIỆM SỬ HỌC

 

TRÍ TƯỞNG TƯỢNG

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                               

 

HARRY RITTER

       ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Harry Ritter. 1986. “Imagination”. In Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, pp. 216-222.


 

TRÍ TƯỞNG TƯỢNG (t.Anh: Imagination). 1. Năng lực tinh thần cho phép các nhà sử học xác lập mối quan hệ giữa các đơn vị chứng cứ lịch sử để kiến tạo nên một bức tranh có ý nghĩa về quá khứ. 2. Năng lực đạt được sự thông hiểu có tính đồng cảm các sự kiện và hoàn cảnh trong quá khứ, cũng như các giá trị và các tiền giả định của thời đại riêng của mình. 3. Năng lực sử dụng ngôn ngữ để tạo ra bức tranh sống động về quá khứ. 4. Năng lực tiếp cận theo cách độc đáo và mới mẻ những chứng cứ nào có liên quan đến quá khứ.

Chữ trí tưởng tượng hiện nay được các nhà lý luận nghệ thuật, phê bình nghệ thuật, triết gia và sử gia sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau. Trong sử học, các ý nghĩa khả hữu của thuật ngữ này hay đi đôi với các ý nghĩa của chữ ‘phong cách’ (‘style’). Ngành phê bình mỹ học hiện nay hay bám vào thuật ngữ này một cách thiếu cân nhắc đến mức biến nó thành một từ sáo rỗng. Nó cũng chẳng mấy khi xuất hiện trong sử luận và cách người ta sử dụng nó theo kiểu quy ước trong lĩnh vực ấy cũng lỏng lẽo, gây mù mờ lẫn lộn, chẳng có gì đặc sắc. Đối với những ai không thừa nhận sử học có thể là một khoa học chính xác, chẳng hạn, đều có xu hướng dùng chữ này để gây ra cái cảm giác ‘chẳng có gì đặc sắc’ rằng “nói theo cách nào đó thì mọi sự nghiên cứu lịch sử đều là ‘thứ làm đẹp (‘artistic’) mà thôi” (White [1975] 1978: 107). Hơn nữa, các nhà sử học thường trộn các ý nghĩa của thuật ngữ này hay liên kết nó một cách mơ hồ với ‘giác quan thứ sáu’ hay ‘cái khiếu tự nhiên’ của trực quan, vì thế mà các sự kiện là ‘đời sống được mang lại’ (‘given life’) (Curtis, 1970: 274; Trevor-Roper, 1958: 357; Hughes, 1960: 46). Cách dùng ấy đã làm cho ý niệm trí tưởng tượng trở nên đối lập một cách không cần thiết với các truyền thống học thuật và phương pháp khoa học chặt chẽ.

Mặc dù phạm vi ý nghĩa của thuật ngữ này tương đối rộng, nhưng ta có thể sử dụng nó để nhận diện ‘sự giống nhau như của các thành viên  trong gia đình’ (‘family likeness’) và như thế sẽ làm cho khái niệm ‘trí tưởng tượng’ trở nên có hiệu lực và hữu dụng (Manser, 1967: 138). Trước thế kỷ 19, sử học thường được coi là một nhánh của văn học, và bản tính ‘hư cấu’ của nó thì hầu như là đương nhiên được chấp nhận (Whit, [1976] 1978: 123). (Ở đây hư cấu không có nghĩa là nghĩ ra những điều không thật (‘fantasy’) mà là ‘hành động nhào nặn hay mô phỏng’, ở đó trí tưởng tượng được hiểu là “quan năng của tinh thần qua đó những hình ảnh và khái niệm về các đối tượng bên ngoài không trình hiện ra trước giác quan, và các quan hệ của chúng được hình thành” [OED].) Hầu hết các lý thuyết gia hiện đại thời kỳ đầu đều thừa nhận “tính không thể tránh khỏi của việc phải dựa vào các kĩ thuật hư cấu trong việc trình bày các biến cố hiện thực” (White, [1976], 1978: 123), và đây thường là nguồn suối của tâm thế hoài nghi về giá trị nhận thức của tác phẩm lịch sử.

Khoảng năm 1800, cách phản tư của Immanuel Kant về quan năng của trí tưởng tượng bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà duy tâm Đức, nhất là Wilhelm von Humboldt (1767-1835), vị triết gia này đã hiểu trí tưởng tượng là một phương diện của nhận thức – hoạt động cấu tạo của tinh thần xét cho cùng cũng chỉ là sự tưởng tượng (‘fancy’). Trong bài viết “Bàn về nhiệm vụ của nhà sử học”, ông nhận thấy rằng “Chân lý hay sự thật của bất cứ biến cố nào cũng đều dựa trên cơ sở bổ sung thêm … phần không thể nhìn thấy của mọi sự kiện, và vì thế chính phần không nhìn thấy này là cái nhà sử học thêm vào. Nếu nhìn nhận theo lối này, những gì nhà sử học làm đều mang tính tích cực, và thậm chí là mang tính sáng tạo – không phải bằng cách chế ra những cái không có thật mà bằng chính năng lực của mình ông ta định hình nên những gì mà nếu chỉ đơn thuần dựa vào trực quan ông ta sẽ không thể nào tri giác được chúng đúng với những gì chúng xảy ra trên thực tế. Khác với nhà thơ, nhưng lại giống trong cách làm, ông ta buộc phải ghép các mảnh được thu thập thành một tổng thể, … nếu nhà sử học … có thể phơi bày ra được chân lý hay sự thật của một biến cố qua cách ông trình bày, tô điểm và nối kết các mảnh rời rạc của sự quan sát trực tiếp, thì cũng như nhà thơ, ông ta chỉ có thể làm được điều đó qua trí tưởng tượng của mình. Sự khác biệt mấu chốt [giữa nhà thơ và nhà sử học] … là ở chỗ nhà sử học phụ thuộc vào trí tưởng tượng của mình để trải nghiệm và nghiên cứu thực tại. Trong sự phụ thuộc này, trí tưởng tượng không hoạt động như là sự mường tượng thuần túy, và vì thế, được gọi một cách đúng đắn hơn là năng lực trực quan hay năng lực nối kết.” ([1821] 1967: 58-59).

Tuy nhiên, ở đầu và giữa thế kỷ 19, đối với nhà sử học mà nói, việc phân biệt sự kiện với hư cấu và coi trí tưởng tượng là một trở ngại cho sự trình bày thực tại trong quá khứ đã trở thành lệ thường. Thái độ của Leopold von Ranke (1795-1886), người đã đặt sự hư cấu lịch sử vào vị trí bên cạnh bản thân lịch sử, là một biểu hiện: “Tác phẩm lịch sử không thể nào hi vọng có được sự khai triển tự do các chủ đề của nó, ít ra là về mặt lý thuyết, giống như tác phẩm văn học … Sự trình bày chặt chẽ các sự kiện, cho dù đó là các sự kiện ngẫu nhiên hay tẻ nhạt, chắc chắn là quy luật quan trọng nhất.” ([1824] 1972: 57). Sau khi so sánh lịch sử và tiểu thuyết lịch sử, Ranke phát hiện ra rằng “chân lý thú vị và đẹp hơn … tiểu thuyết. Tôi đã quay lưng ngoảnh mặt nó và kiên quyết tránh né mọi sự bịa đặt và tưởng tượng trong các công trình của tôi và kiên trì bám chặt các sự kiện” (trích theo Gooch, [1913] 1959: 74). Theo những giả định của thuyết duy thực lịch sử (historical realism) thế kỷ 19, nhiệm vụ của nhà sử học không phải là ‘sáng tạo’; trái lại, ông ta phải hướng đến việc phát hiện ra ‘câu chuyện chưa được kể’ về quá khứ (Mink, 1978: 134-35), khai mở ra mối liên kết có lẽ là đã có giữa các sự kiện. Còn sự bàn luận nào mang tính tư biện về trí tưởng tượng lịch sử - hay ‘chân thực’ – khả hữu thì hãy để nó cho nhà mỹ học và các tác gia viết sách hư cấu như George Eliot (Deegan, 1972: 25) làm.

Điều chắc chắn là quan niệm của Humbold coi trí tưởng tượng là ‘năng lực nối kết’ không hoàn toàn mất đi. Chẳng hạn, Albert Bushnell Hart (1910: 246), vị chủ tịch thời kỳ đầu của Hiệp hội Sử học Mỹ, thừa nhận “sự kiện tự chúng là không thể nắm bắt được” và cho thấy vai trò ‘thiết yếu’ của trí tưởng tượng trong sử học, ông hiểu trí tưởng tượng là “quan năng thu gom những bộ xương khô [của các sự kiện] và làm cho chúng trở nên sinh động”. Nhưng Hart lại trình bày tư tưởng của mình giống như bài thuyết đạo, với những ngôn từ bóng bẩy thiếu độ nghiêm xác đến mức làm cho các nhà sử học phải e dè nó. Hơn nữa, Hart đã trộn lẫn các cấp độ ý nghĩa thành một khi ông nối kết vấn đề liên kết các sự kiện trên thực tế với ‘quan năng’ thần bí làm cho các sự kiện trở nên ‘sống động’.

Nhìn chung, các nhà sử học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã sử dụng trí tưởng tượng theo hai nghĩa (đôi khi chúng chồng lợp lên nhau), một nghĩa tích cực, một nghĩa khi thì tích cực khi thì tiêu cực. Cách dùng thứ nhất liên quan đến năng lực hiểu hay thấu hiểu bản tính của quá khứ, cách dùng thứ hai liên quan tới năng lực của nhà sử học trong việc trình bày hay thông báo cái hiểu ấy cho độc giả của mình. Theo nghĩa thứ nhất, hay nghĩa tích cực, từ này [trí tưởng tượng] được gắn với xúc cảm về việc đặt sai niên đại (anachronism) đã được coi là điều thiết yếu trong thái độ của nhà sử học đối với quá khứ. Ở đây, trí tưởng tượng biểu thị sự đồng cảm qua đó nhà nghiên cứu, bị ngập trong các ghi chép về giai đoạn trong quá khứ, đạt tới một xúc cảm thân tình đối với thời đại đó bằng chính những giá trị và giả định, bên cạnh các giá trị của chính thời đại mình. Các dùng thứ nhất được minh họa trong lời phát biểu của Hart (1910: 230) rằng “một chút tưởng tượng giúp ta đồng cảm với những con người vĩ đại trong quá khứ; hiểu được những hạn chế của những gì bao quanh họ.” Chính theo nghĩa này mà ý niệm trí tưởng tượng vẫn còn được nhiều nhà sử học và triết học coi là đương nhiên (xem: Hugues, 1964: 97; Wedgwood, 1960: 68; Cutis, 1970: 274; Walsh, [1951] 1960: 105-6).

 Cách dùng thứ hai – cũng là cách dùng hiện nay – ngụ ý nhà sử học phải có ‘nghệ thuật’, nhà sử học được ví như là một nghệ nhân trong lĩnh vực chữ nghĩa, tức là ông ta phải có năng lực dựa vào con chữ mà phỏng đoán ra ý nghĩa của mối quan hệ trực tiếp với quá khứ, trình bày quá khứ bằng ngôn từ sao cho quá khứ ấy trở nên ‘sinh động’. Đây là tư tưởng được gợi ý từ Macaulay ([1828] 1972): 72) ở thế kỷ 19, vị học giả người Anh này tin rằng ‘nhà sử học hoàn hảo phải có năng lực tưởng tượng đủ mạnh để tô thắm cho câu chuyện tự sự của mình.” Ở đây, thực chất trí tưởng tượng là cái ngoài nhận thức và nó được gắn với một nghĩa của khái niệm ‘phong cách’ – tức là, năng lực sử dụng ngôn ngữ (các diễn tả, ẩn dụ, v.v.) để gợi ra cảm xúc sống động đối với giai đoạn và sự kiện đang bàn luận, để tạo nên một bức tranh, hay ‘hình ảnh’, đầy ý thức về quá khứ cho độc giả (xem: Wedwood, 1960: 88). Tuy nhiên, trí tưởng tượng theo cách dùng này có thể có nghĩa tiêu cực cũng như tích cực. Ngay cả khi Macaulay, người ủng hộ quan trọng cho quan niệm ‘lịch sử như là văn học’, cũng không tín nhiệm trí tưởng tượng theo nghĩa này khi cảnh báo rằng nhà sử học “cần phải hoàn toàn kiểm soát nó để bằng lòng với những tài liệu mình có được và kiềm chế việc tự ý bổ sung theo ý thích chỗ nào bị thiếu sót.” ([1828] 1972: 72-71).

Ở cuối thế kỷ 19, ý niệm trí tưởng tượng theo nghĩa là ‘viết hay’ dần dần đi tới chỗ chỉ có nghĩa ‘tô vẽ’ hay ‘trang trí’ và hầu như được coi là chướng ngại cho cách hiểu lịch sử thực sự mang tính ‘khoa học’. Tốt hơn hết, nó nên là cái gì đó được kiểm soát chặt chẽ. Cái làm cơ sở cho sự thận trọng này là giả định ‘thực chứng luận’ rằng ‘nhận thức lịch sử đi trước nghệ thuật tu từ học’ (Henderson, 1974: xvii), nghĩa là, ‘nghệ thuật’ ấy là cái gì đó được thêm vào cho lịch sử sau khi ‘sự kiện’ đã được xác lập.

Cấp độ nghĩa thứ ba cũng được gắn với từ này vào đầu thế kỷ 20 và hiện nay được gặp thấy khá thường xuyên: năng lực tiếp cận và diễn giải sao cho mới mẻ và độc đáo những chứng cứ liên quan đến quá khứ (xem: Stannard, 1980: 155).

Gần đây, người ta phục hồi lại nghĩa ‘năng lực nối kết’ do Humboldt nêu ra cho khái niệm trí tưởng tượng, dễ thấy nhất là ở các đại diện của truyền thống thuyết duy tâm sử học. Sự phục hồi này có liên quan nhất định đến sự ra đời của ‘xã hội học nhận thức’, đó là bộ môn nâng đỡ cho tư tưởng rằng ‘cái thực tại duy nhất có sẵn (cho bất cứ ai chứ chẳng riêng gì đối với nhà sử học và tiểu thuyết gia) là cái kiến tạo tưởng tượng’ (Weinstein, 1976: 270). Mối quan tâm hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ công trình của triết gia Anh R. G. Collingwood ([1946] 1956), người đã nhào nặn ra một khái niệm minh nhiên là ‘trí tưởng tượng lịch sử’ vào những năm 1930 và 1940.

Collingwood tin rằng ‘ý niệm bản thân lịch sử’ là ‘ý niệm một bức tranh tưởng tượng về quá khứ; tức là nó mang tính bẩm sinh (innate) như cách nói của  Descartes, hay mang tính tiên nghiệm (a priori) như cách nói của Kant. Nó không phải là sản phẩm tình cờ của các nguyên nhân tâm lý; nó là một ý niệm mà ai cũng có như là một phần của trí óc con người.’ Ông du nhập khái niệm ‘sự kiến tạo [hay cấu tạo] lịch sử’ mà ông định nghĩa theo kiểu nội suy (interpolation): ‘những uy quyền của nhà sử học chỉ bảo cho ông ta biết về pha này hay pha nọ trong một tiến trình mà các pha trực tiếp trước đó vẫn còn chưa được mô tả; thế là ông ta nội suy [tức là lồng vào] các pha này cho mình … bằng cách dựa vào sức mạnh của mình và kiến tạo cho mình quyền uy của chính mình” (Collingwood, 1946: 237, 248). Đây chính là cái mà Colingwood gọi là ‘trí tưởng tượng tiên nghiệm’; đó là một hoạt động, bằng cách kết nối những khoảng cách giữa những  gì quyền uy của ta nói với ta, mang lại cho câu chuyện hay mô tả lịch sử tính liên tục của nó (tr. 240-41). Theo lời Collingwood, Macaulay “đã đánh giá thấp vai trò của trí tưởng tượng lịch sử, nó không phải là cái mang tính tô điểm mà là cái mang tính cấu trúc. Nếu không có nó, nhà sử học ắt sẽ chẳng có tự sự nào để trang điểm cả … chính cái này [trí tưởng tượng] là cái, không làm việc một cách thất thường như trí hư cấu mà làm việc trong hình thức tiên nghiệm của nó, làm toàn bộ công việc kiến tạo lịch sử.” (tr. 241)

‘Trí tưởng tượng kiến tạo’ tạo ra một mạng lưới kiến tạo tưởng tượng, “để có giá trị hiệu lực, thay vì dựa vào giá đỡ của các sự kiện cho sẵn … sử dụng trên thực tế như là viên đá thử vàng qua đó ta quyết định cái được cho là sự kiện này có xác thực hay không”; nó không phải là ảo tưởng và vô-bản thể mà là cái gì đó ‘vững chắc và mạnh mẽ’ (tr. 242, 244).

Collingwood lưu ý đến những nét tương đồng và khác biệt giữa loại trí tưởng tượng này với loại trí tưởng tượng được các nhà tiểu thuyết sử dụng. “Với tư cách là công việc của trí tượng, công việc của nhà sử học và của nhà tiểu thuyết khác nhau. Chỗ họ khác nhau đó là bức tranh của nhà sử học được cho là đúng thật. Nhà tiểu thuyết chỉ có nhiệm vụ duy nhất: cấu tạo nên một bức tranh mạch lạc, một bức tranh có nghĩa. Nhà sử học có nhiệm vụ gấp đôi: không những làm cả công việc đó mà còn cấu tạo nên bức tranh về sự vật đúng với bản thân chúng trên thực tế và về các sự biến (events) đúng như chúng đã xảy ra.” (tr. 246)

Theo nghĩa quan trọng nhất, điều này có nghĩa là: “Bức tranh của nhà sử học nằm trong mối quan hệ chỉ dành riêng cho cái ta gọi là bằng chứng. Muốn đưa ra phán đoán, thậm chí là chỉ để thăm dò, về tính đúng thật hay chân lý của bức tranh đó, nhà sử học hay bất kỳ ai đó khác chỉ còn một cách duy nhất là phải xem xét mối quan hệ này; và thực tế thì chúng tôi muốn nói rằng giá trị chân lý của phán đoán sử học nằm ở chỗ nó có được biện minh bằng chứng cứ hay không. (tr. 246)

Các nhà bình giải Collingwood phàn nàn rằng cách ông mô tả trí tưởng tượng lịch sử là quá chủ quan (Weinstein, 1976: 265), là ‘lan man và hay mơ hồ’ (D. White, 1972: 17) và không chặt chẽ về lôgic (Donaga, 1962: 211), hay cho rằng ông đã xét lại một cách căn bản lập trường của mình ở những năm về sau (Mink, 1969: 183-86). Tuy nhiên, quan điểm của ông về ‘trí tưởng tượng cấu tạo’ trong sử học vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Điều này được phản ánh, ít ra là một phần, trong công trình của các triết gia ủng hộ một lý thuyết nhận thức lịch sử mà chúng ta biết tới đó là thuyết kiến tạo (constructualism), cho dù các nhà lý thuyết này hầu như đã không dùng đến thuật ngữ trí tưởng tượng nữa. Ảnh hưởng của Collingwood là điểm nổi bật dễ thấy trong các công trình của những nhà sử học nào gắn trí tưởng tượng với sự hình thành các giả thuyết giải thích trong sử học và sự giải thích nói chung (Sewell, 1967: 217; Hughes, 1960: 46; Lewis, 1976) hay với quan niệm cho rằng nhà sử học muốn kiến tạo lại quá khứ thì ông ta phải có ‘sự đồng cảm’ hay ‘sự tái dựng có tính tưởng tượng’ (‘imaginative re-enactment’) (Beer, 1963-64: 22-23; Walzer, 1963-64: 76-79). Mới gần đây, nhà sử học đương đại người Anh là H. R. Trevor-Roper (1981: 356, 360-61) cũng đã dùng thuật ngữ này để nói đến năng lực đánh giá của nhà sử học trước khả năng có những hậu quả khác nhưng chưa thành hiện thực trong các sự biến của quá khứ. Ảnh hưởng của Collingwood cũng được nhận thấy rõ ở một lý thuyết rất phức tạp về trí tưởng tượng của châu Âu thế kỷ 19 do Hayden White (1972; 1973; [1976] 1978) gợi ra. Bên cạnh công trình nghiên cứu của Collingwood, tác phẩm Siêu lịch sử (1973) cho đến giờ là sự nỗ lực kiên trì và quan trọng nhất trong việc giải quyết khái niệm trí tưởng tượng lịch sử. Tuy nhiên, White đã không hiểu sức mạnh của ‘hình tượng’ trong siêu hình học, mà nói theo ngôn ngữ của Kant, nó như là một phần của ‘quan năng tinh thần’ đã có sẵn từ lúc mới sinh ra; đúng hơn, ông cho rằng trí tưởng tượng có tính ‘cấu tạo’ trong sử học là sự phản tư ít nhiều có tính cao cả về những quy ước của ngôn ngữ hình tượng và sự quy định văn hóa-xã hội. Quan niệm của ông, vốn lấy cảm hứng từ các công trình trong lĩnh vực ngôn ngữ học và thi học, đòi hòi phải “nắm bắt những cách thức làm cơ sở cho những phương thức kể chuyện truyền thống để biết bằng cách nào mà nền văn hóa của chúng ta lại có thể mang lại nhiều ý nghĩa khác nhau cho cùng một nhóm các sự biến” (D. White, 1972: 19). Ở đây, trí tưởng tượng được hình dung như là một phương diện của “tất định luận ngôn ngữ học mà lối tự sự có tính quy ước của nhà sử học vẫn còn bị nô dịch”. (H. White, [1975] 1978: 117). Muốn có cái nhìn đầy đủ hơn về tư tưởng của White, mời độc giả xem mục từ “Diễn giải” (Thông tin Khoa học Lịch sử, số 43, tháng 7-2016, tr. 56-62)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Beer, Samuel H. 1963-64. “Causal explanation and imaginative re-eanactment” HT 3: 6-29.

Collingwood, R. G. [1946] 1956. The idea of history. Oxford.

Curtis, L. P., Jr. 1970. “Of images and imagination in history.” In L. P. Curtis, Jr., The historian’s workshop. New York: 245-76.

Deegan, Thomas. 1972. “Goerge Eliot’s novels of historical imagination.” Clio 1: 21-33.

Donagan, Alan. 1962. The later philosophy of R. G. Collingwood. Oxford.

Gooch, G. P. [1913] 1959. History and historians in the nineteenth century. Boston.

Henderson, Harry B. III. 1974. Versions of the past: the historical imagination in American fiction. New York.

Hughes, H. Stuart. 1960. “The historian and the social scientist.” The American Historical Review 66: 20-46.

Humboldt Wilhelm von. [1821] 1967. “On the historian’s task.” History and theory 6: 57-71.

Lewis, Merrill. 1976. “Language, literature, rhetoric, and the shaping of the historical imagination of Frederick Jackson Trurner.” Pacific Historical Review 45: 399-424.

Macaulay, Thomas Babington. [1828] 1972. “History”. In Fritz Stern, ed., The varieties of history: from Voltaire to the present (1956; 2d ed., New York, 1972: 72-89).

Manser, A. R. 1967. “Imagination” Encyclopedia of philosophy, ed. Paul Edwards (New York, 1967, vol. 4: 136-39.

Mink, Louis O. 1969. Mind, history, and dialectic: the philosophy of R. G. Collingwood. Bloomington, Ind.

___________. 1978. “Narrative form as a cognitive instrument”. I Canary and Kozicki: 129-49.

Ranke, Leopold von. [1824] 1972. Preface to Histories of the Latin and Germanic nations from 1494-1541. In Fritz Stern, ed., The varieties of history: from Voltaire to the present (1956; 2d ed., New York, 1972: 55-58).

Sewell, William H., Jr., 1967. “Marc Bloch and the logic of comparative history.” History and theory 6: 208-18.

Stannard, David E. 1980. Shrinking history: on Freud and the failure of psychohistory. New York.

Trevor-Roper, Hugh. 1958. “Historical imagination.” The Listener 59 (Feb. 27, 1958);

_____________. 1981. “History and imagination.” In Hugh Lloyd-Jones, Valerie Pearl, and Blair Worden, eds., Histoy and imagination: essays in honour of H. R. Trevor-Roper. London: 356-69.

Walsh, W. H. [1951] 1960. Philosophy of history: An introduction. New York.

Walzer, Michael. 1963-64. “Puritanism as a revolutionary ideology.” History and theory 3: 59-90.

Wedwood, C. V. 1960. Truth and opinion: historical essays. New York.

Weinstein. Mark A. 1976. “The Creative Imagination in fiction and history.” Genre 9: 263-77.

White, David A. 1972. “Imagination and description: Collingwood and the historical consciousness” Clio 1, no 2: 14-28.

White, Hayden. 1972. “The structure of historical narrative.” Clio 1: 5-20.

_____________. 1973. Metahistory: the historical imagination in nineteenth century Europe. Baltimore.

_____________. [1975] 1978. “Historicism, history and the figurative imagination.” In Hayden White, Tropics of discourse: essay in cultural criticism. Baltimore: 101-20.

_____________. [1976] 1978. ‘The fiction of factual representation.” In Hayden White, Tropics of discourse: essay in cultural criticism. Baltimore: 121-34.

 


(*) Giáo sư sử học, Trường Đại học Western Washington.

(**) Thạc sĩ Triết học. Trưởng Ban Biên dịch, Trường Đại học Thủ Dầu Một.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt