TỔNG LUẬN THẦN HỌC
Câu hỏi 94 TÌNH TRẠNG VÀ THÂN PHẬN CỦA CON NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐỐI VỚI TRÍ NĂNG (4 tiết)
THOMAS AQUINO (1225-1274) Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU dịch
Thomas Aquino. “Câu hỏi 36: Các nguyên nhân của sự buồn rầu hoặc của sự đau đớn”. Tổng luận thần học. Quyển II, Phần 1, tập II. Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính.| Bản dịch tiếng Anh: https://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum104.htm
Chúng ta nghiên cứu tình trạng hay thân phận của con người đầu tiên: thứ nhất, đối với linh hồn; thứ nhì, đối với thân thể (Q. 97). Vấn đề thứ nhất, chúng ta tìm hiểu hai điều:
Về mục thứ nhất, có bốn điểm:
TIẾT 1 CON NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐÃ TRÔNG THẤY THIÊN CHÚA NHỜ YẾU TÍNH CỦA NGÀI? VẤN NẠN: Xem ra con người đầu tiên đã trông thấy Thiên Chúa nhờ yếu tính của Ngài. 1. Hạnh phúc của người ta cốt tại sự trông thấy yếu tính Thiên Chúa. Mà người ta đầu tiên được sắp đặt ở vườn địa đàng, sống một đời sống hạnh phúc được thưởng thức tất cả các sự vật, như thánh Damascênô nói (De Fide Orth. 2,11). Và thánh Augustinô nói: “Nếu những người đầu tiên có những tình cảm như chúng ta có hiện nay, họ đã được hạnh phúc biết dường nào trong một nơi hạnh phúc tả khôn xiết, tức là ở vườn địa đàng (De Civit. Dei. 14,10). Vậy con người đầu tiên trong vườn địa đàng đã trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài. 2. Thánh Augustinô nói: Con người đầu tiên không thiếu thứ gì mà một thiện ý muốn có” (De Civit. Dei. 14.10). Mà một thiện ý không thể muốn được cái gì tốt hơn sự trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài. 3. Sự trông thấy Thiên Chúa trong yếu tính Ngài là một sự trông thấy mà nhờ đó Thiên Chúa được trông thấy không cần đến trung gian, và không bí ẩn. Mà con người đầu tiên trong tình trạng vô tội đã trông thấy Thiên Chúa một cách trực tiếp, như Thầy của Đề Kiến Thư xác nhận (Sent. 4.1.5). Con người đầu tiên đã trông thấy một cách không có trung gian và không có bí ẩn. Vì bí ẩn bao hàm sự tối tăm, như thánh Augustinô nói (De Trin. 15.9). Mà sự tối tăm phát xuất bởi tội. Vậy con người trong tình trạng đầu tiên đã trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài. TRÁI LẠI: Thánh Phao-lô nói: “Cái đã có trước tiên không phải là cái siêu nhiên, nhưng là cái tự nhiên” (1 Cr 15.46)[1]. Mà trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài là siêu nhiên nhất. Vậy con người đầu tiên đã không trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài. TRẢ LỜI: Con người đầu tiên đã không trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài, nếu chúng ta xem xét tình trạng bình thường của sự sống đó, trừ phi được xuất thần như đã nói: “Thiên Chúa khiến Adong ngủ say” (St. 2.21)[2]. Lý do chứng tỏ sự xác nhận này, là bởi vì yếu tính Thiên Chúa chính là sự hạnh phúc, trí năng con người ta mà trông thấy yếu tính Thiên Chúa, thì ở trong tình trạng đối với Thiên Chúa cũng một tương quan đối với hạnh phúc. Mà rõ ràng người ta không thể có một cách tự ý quay khỏi hạnh phúc, vì người ta muốn hạnh phúc một cách tự nhiên và tất yếu, cũng tránh sự vô phúc. Vậy không người nào trông thấy yếu tính Thiên Chúa mà có thể quay đi khỏi Thiên Chúa, tức là có thể phạm tội. Do đó tất cả những ai trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Thiên Chúa được kiên cố rất vững vàng trong tình yêu Thiên Chúa đến nỗi đời đời họ không có thể phạm tội bao giờ. Vậy, vì Adong đã phạm tội, thì rõ ràng ông đã không trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài. Tuy nhiên, Adong hiểu biết Thiên Chúa bằng một sự hiểu biết hoàn hảo hơn chúng ta hiểu biết hiện nay. Vậy sự hiểu biết của ông ở giữa sự hiểu biết của chúng ta trong hiện trạng và sự hiểu biết của chúng ta sẽ có trên thiên đàng, khi chúng ta trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài. Để làm sáng tỏ điều này, chúng ta phải xét sự trông thấy Thiên Chúa bởi yếu tính Ngài tương phản với sự trông thấy Thiên Chúa bởi các thụ tạo của Ngài. Thì ra thụ tạo càng cao cấp, và càng tương tự với Thiên Chúa, thì Thiên Chúa được trông thấy trong nó càng rõ ràng, như một người được trông thấy rõ ràng hơn bởi tấm gương mà trong đó hình ảnh của mình được biểu lộ rõ ràng hơn. Như vậy, Thiên Chúa được trông thấy theo một thể cách rất hoàn hảo bởi các hiệu quả khả niệm của Ngài hơn là bởi các hiệu quả khả giác hay hữu hình. Mà trong hiện trạng của mình, nhân loại bị ngăn trở đối với sự xem xét đầy đủ và rõ ràng về các hiệu quả khả niệm của Thiên Chúa, bởi vì họ bị phân tâm và quá bận rộn bởi các sự vật khả giác. Thì ra, có lời ghi chép: “Thiên Chúa tạo thành người ta ngay thẳng” (Hc 7.30). Và người ta được tạo thành ngay thẳng bởi Thiên Chúa, theo ý nghĩa này là trong người ta các năng lực hạ tầng phục vụ các năng lực thượng tầng, các bản tính thượng tầng được tạo thành theo một thể cách để không bị bản tính hạ tầng ngăn trở. Do đó, con người đầu tiên đã không bị ngăn trở bởi các sự vật ngoại giới trong việc chiêm ngưỡng sáng suốt và vững chắc các hiệu quả khả niệm mà con người đầu tiên đã hiểu biết bởi chân lý đệ nhất chiếu sáng, hoặc bằng sự hiểu biết tự nhiên, hoặc bằng sự hiểu biết do ơn Thiên Chúa. Bởi đó, thánh Augustinô nói: “Có lẽ Thiên Chúa quen nói chuyện với con người đầu tiên như Ngài đã nói với các thiên thần, bằng cách tỏ ra trong tinh thần một tia sáng của sự thật bất di bất dịch mà không làm cho họ sự kinh nghiệm mà các thiên thần có khả năng lãnh nhận bởi tham dự vào yếu tính Thiên Chúa (De genesi ad Litt. 11.33). Vậy bởi các hiệu quả khả niệm của Thiên Chúa, các người đầu tiên đã hiểu biết Thiên Chúa rõ ràng hơn chúng ta hiểu biết Ngài hiện giờ. GIẢI ĐÁP: 1. Người ta đã được hạnh phúc trong vườn địa đàng, nhưng không phải hạnh phúc hoàn hảo mà họ được định cho; và mối hạnh phúc này là cốt tại trông thấy yếu tính Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ được ban cho đời sống hạnh phúc theo một chừng mực nào đó, như thánh Augustinô nói (De genesi ad Litt. 11.18), vì họ được ban cho trạng thái nguyên tuyển cùng sự hoàn hảo nào đó thích hợp với họ. 2. Thiện ý là ý chí sắp đặt theo trật tự. Mà ý chí của con người đầu tiên không được sắp đặt theo trật tự, nếu trong thời gian lập công đức, nó muốn có điều đã được hứa sẽ ban cho nó để làm phần thưởng. 3. Trung gian có hai thứ: một trung gian bởi nó và đồng thời trong nó, mà một sự vật nào được trông thấy; như thí dụ, một người được trông thấy bởi tấm gương, và được trông thấy với tấm gương; một thứ trung gian nữa là trung gian mà bởi nó chúng ta đạt tới sự hiểu biết một sự vật chưa được hiểu biết, như trung từ trong sự minh chứng. Trong tình trạng vô tội, người ta trông thấy Thiên Chúa không cần đến trung gian thứ hai này, nhưng phải có trung gian thứ nhất. Vì con người đầu tiên, để đạt tới sự hiểu biết Thiên Chúa, không cần đến sự minh chứng rút lấy bởi hiệu quả nào, như chúng ta cần đến; bởi vì ông theo thể cách của mình, đồng thời hiểu biết Thiên Chúa với các hiệu quả của Ngài, nhất là với các hiệu quả khả niệm của Ngài. Lại nữa, chúng ta phải lưu ý sự tối tăm được bao hàm trong từ ngữ bí ẩn có thể có hai thứ. Thứ nhất, theo mức độ bất cứ thụ tạo nào đều là vật tối tăm khi so sánh với sự xán lạn bao la của Thiên Chúa; và như vậy Adong trông thấy Thiên Chúa trong sự bí ẩn, bởi vì ông trông thấy Ngài trong hiệu quả thụ tạo. Thứ nhì, chúng ta có thể coi sự tối tăm là hiệu quả của tội, theo mức độ người ta bị ngăn trở trong việc xem xét các vật khả niệm, bị bận trí với các vật khả giác; theo ý nghĩa này Adong đã trông thấy Thiên Chúa trong sự bí ẩn.
TIẾT 2 ADONG TRONG TÌNH TRẠNG VÔ TỘI, ĐÃ TRÔNG THẤY CÁC THIÊN THẦN BỞI YẾU TÍNH CỦA CHÍNH CÁC ĐẤNG NÀY KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra Adong trong tình trạng vô tội, đã trông thấy các thiên thần bởi yếu tính của chính các đấng này. 1. Thánh Grêgôriô nói: “Trong vườn địa đàng người ta quen thưởng thức lời nói của Thiên Chúa, và bởi tâm hồn trong sạch và sự trông thấy cao thượng, người ta đã quen tiếp xúc với các thiên thần lành.” (Dial. 4.1) 2. Linh hồn trong hiện tại bị ngăn trở trong việc hiểu biết các bản thể tách rời bởi phối hợp với thân thể có thể tiêu hư và là gánh nặng cho linh hồn, như có lời ghi chép: “Xác thịt lăng loàn hay đàn áp tinh thần (Kn 9, 15)[3]. Vậy linh hồn bị tách rời có thể trông thấy các bản thể tách rời, như đã giải thích (Q.98, a.1). Mà thân thể của con người đầu tiên không phải là gánh nặng cho linh hồn vì nó không thể bị tiêu hư. Vậy con người đầu tiên đã có khả năng trông thấy các bản thể tách rời. 3. Bản thể tách rời này hiểu biết bản thể tách rời kia bằng cách hiểu biết chính mình (De Causis, 13). Mà linh hồn của con người đầu tiên hiểu biết chính mình. Vậy nó hiểu biết các bản thể tách rời. TRÁI LẠI: Linh hồn của Adong thuộc về cũng một bản tính như linh hồn chúng ta. Mà linh hồn chúng ta hiện giờ không có thể hiểu các bản thể tách rời. Vậy linh hồn của Adong cũng vậy. TRẢ LỜI: Tình trạng của linh hồn được phân biệt theo hai thể cách. Thứ nhất, tùy theo tạp-đa-tính về thể cách của sự hiện hữu tự nhiên của linh hồn; và theo thể cách này tình trạng của linh hồn tách rời phân biệt với tình trạng của linh hồn phối hợp với thân thể. Thứ nhì, tình trạng của linh hồn được phân biệt theo tình trạng nguyên tuyền và sự tiêu hư, đang khi tình trạng hiện hữu tự nhiên tồn tại cũng là một: như vậy tình trạng vô tội được phân biệt với tình trạng của người ta sau khi phạm tội. Vì trong tình trạng vô tội, linh hồn được thích hợp, để làm cho hoàn hảo và cai trị thân thể, như chính hiện nay. Do đó, con người đầu tiên được nói là đã được tạo thành linh hồn sống (St 2,7)[4], nghĩa là linh hồn đem đến sự sống cho thân thể, tức là sự sống của thú vật. Mà con người đầu tiên ban phú cho tình trạng nguyên tuyền của sự sống này, là thân thể hoàn toàn tùng phục linh hồn, không ngăn trở linh hồn trong một thể cách nào cả, như chúng ta đã nói ở trước. Điều này rõ ràng do nhiều điều được trình bày ở trước, là linh hồn được tạo thành thích hợp cai trị và làm cho hoàn hảo thân thể theo sự sống thú vật, thì thể cách hiểu như thế này thích hợp cho linh hồn là hiểu bằng cách quay lại với các ảnh tượng. Do đó, thể cách hiểu thế này cũng thích hợp với linh hồn người ta. Theo thể cách hiểu này, sự chuyển động nào đó được gặp thấy trong linh hồn ở ba bậc như Denys nói (De Div. Nom. 4,9). Sự chuyển động thứ nhất là sự chuyển động mà linh hồn đi qua từ các sự vật bên ngoài để tập trung các năng lực của mình với chính mình; sự chuyển động thứ nhì là linh hồn đi lên để kết hợp với các năng lực cấp trên đã liên hợp nhau, tức là các thiên thần; sự chuyển động thứ ba, là linh hồn được đưa đi xa hơn, đến cùng sự thiện tối thượng, tức là đến Thiên Chúa. Nhờ sự chuyển động thứ nhất của linh hồn từ các sự vật bên ngoài về với chính mình, linh hồn đạt được sự hiểu biết hoàn hảo tại sự. Sở dĩ được hiểu biết như vậy, là vì hành động của trí năng trong linh hồn có sự sắp đặt tự nhiên hướng về các sự vật bên ngoài, như chúng ta đã nói ở trước (Q.8, a.3). Và do đó bởi sự hiểu biết các sự vật bên ngoài này, hành động của trí năng chúng ta có thể được hiểu biết một cách hoàn hảo, bởi vì hành động được hiểu biết bởi các đối tượng mình. Và bởi chính sự hành động của trí năng, trí năng nhân loại có thể được hiểu biết hoàn hảo, vì năng lực được hiểu biết bởi hành động riêng của mình. Còn trong sự chuyển động thứ nhì chúng ta không gặp được sự hiểu biết hoàn hảo. Vì các thiên thần không hiểu bằng cách quay đến các ảnh tượng, nhưng theo một thể cách hoàn toàn hơn nhiều, như đã nói ở trước (Q.55, a.2), thể cách hiểu biết đã được đề cập đến ở trước mà do đó linh hồn hiểu biết chính mình, không đủ để hướng dẫn đến hiểu biết thiên thần. Sự chuyển động thứ ba càng không có thể đưa tới sự hiểu biết hoàn hảo, vì ngay các thiên thần, bởi sự kiện hiểu biết chính mình, cũng không có thể đạt được sự hiểu biết về bản thể Thiên Chúa. Vậy linh hồn của con người đầu tiên không trông thấy các thiên thần trong yếu tính thiên thần. Tuy nhiên, con người đầu tiên đã có thể cách hiểu biết hoàn toàn đối với các thiên thần hơn chúng ta. Và vì chính sự ưu tú này trong sự hiểu biết mà thánh Grêgôriô nói: con người đầu tiên tiếp xúc với các thiên thần (Dial. 4,1). GIẢI ĐÁP: 1. Điều vừa nói ở trên làm sáng tỏ lời giải đáp ở vấn nạn 1. 2. Việc linh hồn của con người đầu tiên không có sự hiểu biết về các bản thể tách rời không phải do sự kiện thân thể là gánh nặn gcho nó; nhưng do sự kiện đối tượng đồng nhiên của nó không có sự ưu tú của các bản thể tách rời. Còn chúng ta không hiểu biết các bản thể tách rời vì cả hai lý do này. 3. Linh hồn của con người đầu tiên khả thể đạt tới sự hiểu biết về các bản thể tách rời bằng cách hiểu biết chính mình, như chúng ta đã trình bày ở trước, vì ngay mỗi một bản thể tách rời hiểu biết các bản thể tách rời khác theo thể cách của mình.
TIẾT 3 CON NGƯỜI ĐẦU TIÊN HIỂU BIẾT TẤT CẢ CÁC SỰ VẬT KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra con người đầu tiên không hiểu biết tất cả sự vật. 1. Nếu ông có sự hiểu biết như thế, sự hiểu biết này hẳn đã được thu lượm hoặc bởi các ảnh niệm đặc thù, hoặc bởi các ảnh niệm đồng nhiên, hoặc bởi các ảnh niệm thiên phú. Tuy nhiên, đó không phải là sự hiểu biết bởi các ảnh niệm đặc thù, vì thứ hiểu biết này thu lượm được do kinh nghiệm, như đã được xác định trong Siêu hình học (Aristote, Metaph. 1,1); và con người đầu tiên không có kinh nghiệm về tất cả các sự vật. Cũng không phải bởi các ảnh niệm đồng nhiên, bởi vì người đầu tiên thuộc về cũng một loại bản tính như chúng ta: linh hồn chúng ta, như Triết gia nói: “bạch bản trên đó không viết gì cả” (Aristote, Metaph. 1,1). Và nếu sự hiểu biết của người đầu tiên phát xuất bởi các ảnh niệm thiên phú, thì sự hiểu biết này hẳn thuộc loại hiểu biết dị biệt với sự hiểu biết của chúng ta, vì chúng ta thu lượm được sự hiểu biết bởi chính các sự vật. 2. Cá thể thuộc về cũng một loại có cùng một thể cách tiến tới sự hoàn hảo. Mà các người khác từ ban đầu không có sự hiểu biết về tất cả các sự vật, nhưng thu lượm nó theo dòng thời gian tùy theo khả năng của mình. Vậy Adong cũng không thể hiểu biết tất cả các sự vật khi được sáng tạo. 3. Hiện trạng của đời sống được ban cho nhân loại để linh hồn của họ có thể tiến triển trong sự hiểu biết và công đức; vì linh hồn xem ra được phối hợp với thân thể vì mục đích này. Mà con người đầu tiên đã tiến triển về công đức trong tình trạng của đời sống ấy; vậy cũng tiến triển trong sự hiểu biết, nên ông cũng không được ban phú cho sự hiểu biết về tất cả các sự vật. TRÁI LẠI: Con người đầu tiên đã đặt tên các thú vật (St 2,20)[5]. Mà các tên hẳn được thích hợp với bản tính của các vật. Vậy Adong hiểu biết các bản tính của tất cả các thú vật; và cũng vậy, ông được sự hiểu biết về tất cả các sự vật khác. TRẢ LỜI: Mọi sự tự nhiên là cái hoàn hảo đi trước cái bất hoàn hảo, như hiện thể đi trước tiềm-thể-tính; vì bất cứ cái gì ở tiềm thể chỉ được trở nên hiện thể bởi cái gì hiện thể. Và bởi vì Thiên Chúa lúc ban đầu sáng tạo các vật không những cho chúng hiện hữu theo phần của chúng, mà còn cho chúng trở nên các nguyên lý cho các vật khác; như vậy, các thụ tạo đã được tạo thành trong tình trạng hoàn hảo của chúng để trở nên nguyên lý đối với các vật khác. Thì ra người ta có thể làm nguyên lý cho người ta nữa, không những bằng cách sinh sản hữu hình, mà còn bằng sự giáo dục và cai trị. Do đó, con người đầu tiên được tạo thành trong tình trạng thân thể hoàn hảo cho công việc sinh sản, cũng vậy linh hồn của ông được sáng tạo nên trong tình trạng hoàn hảo để giáo dục và cai trị người khác. Nhưng không ai có thể giáo dục kẻ khác trừ phi kẻ ấy có sự hiểu biết; và như vậy người đầu tiên đã được Thiên Chúa tạo nên theo một thể cách nào đó để có sự hiểu biết về tất cả các sự vật mà ông có thích-nghi-tính tự nhiên để hiểu biết. Thế là tất cả những gì một cách tiềm tàng được chứa đựng trong các nguyên lý sơ thủy thì được hiểu biết cách trước tiên, nghĩa là bất cứ chân lý nào mà người ta đầu tiên một cách tự nhiên có thể hiểu biết. Lại nữa, để điều khiển đời sống riêng của mình và đời sống của các kẻ khác, ông cần phải hiểu biết không những các sự vật có thể được hiểu biết một cách tự nhiên, mà còn các sự vật vượt qua sự hiểu biết tự nhiên, bởi vì sự sống của người ta được hướng về mục đích siêu nhiên, như chúng ta cần thiết phải hiểu biết các chân lý của đức tin để hướng dẫn đời chúng ta. Vậy người đầu tiên được ban phú cho một sự hiểu biết như thế về các chân lý siêu nhiên theo sự cần thiết để hướng dẫn đời sống nhân loại trong tình trạng ấy. Còn các sự vật không có thể được sự hiểu biết bởi sự cố gắng thuần túy nhân loại và không cần thiết để hướng dẫn đời sống nhân loại, thì không được con người đầu tiên hiểu biết: thí dụ, các tư tưởng của nhân loại, các biến cố bất tất tương lai, và một số sự kiện cá thể, như số hòn đá cuội trong suối, và những cái tương tự. GIẢI ĐÁP: 1. Người đầu tiên có sự hiểu biết về tất cả các sự vật bởi các ảnh niệm thiên phú. Tuy nhiên, sự hiểu biết của ông không phân biệt với sự hiểu biết của chúng ta; như con mắt được cho bởi bản tính. 2. Adong là người ta đầu tiên được ban cho bậc hoàn hảo mà những người khác không có. Và điều này thật sự hiển hiện do các điều đã nói ở trước. 3. Adong đã tiến triển trong sự hiểu biết tự nhiên, không phải theo số các sự vật được hiểu biết, nhưng theo thể cách hiểu biết; bởi vì điều mà ông hiểu biết cách suy lý, về sau ông có thể hiểu biết bằng kinh nghiệm. Nhưng đối với sự hiểu biết siêu nhiên, ông hẳn có sự tiến triển theo số các sự vật được hiểu biết, bằng sự mặc khải sâu xa hơn’ như các thiên thần tiến triển nhờ các sự chiếu sáng sâu xa hơn. Lại nữa, không có sự so sánh giữa sự tiến triển hiểu biết và sự tiến triển công đức; bởi vì người này không thể làm nguyên lý lập công đức cho người kia, mặc dầu có thể làm nguyên lý hiểu biết cho người kia.
TIẾT 4 CON NGƯỜI TRONG TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CÓ BỊ LỪA DỐI KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra người ta trong tình trạng đầu tiên có thể bị lừa dối. 1. Thánh Phao-lô nói: “Bà Evà bị lừa dối mà phạm lỗi lề luật” (1 Tm 2, 14)[6]. 2. Thầy của Đề Kiến Thư nói đàn bà không bị con rắn đang nói chuyện làm hoảng sợ, vì bà nghĩ rằng nó đã lãnh nhận khả năng nói bởi Thiên Chúa (Pierre Lombard, Sent, 2,21,4). Mà điều này không đúng. Vậy trước khi phạm tội, thì người đàn bà đã bị lừa dối. 3. Hơn nữa, một điều tự nhiên là bất cứ cái gì càng ở cách xa chúng ta thì càng xem ra bé nhỏ. Mà bản tính các con mắt đã không bị thay đổi bởi tội. Chính điều đó cũng đã có như vậy trong tình trạng vô tội. Vậy con người đầu tiên hẳn đã có thể bị lừa dối với độ lớn của sự vật ông trông thấy, như chúng ta bị lừa dối hiện nay. 4. Thánh Augustinô nói: Linh hồn trong giấc ngủ dính bám vào hình ảnh các sự vật dường như chúng là chính các sự vật (De genesi ad Litt 12,2). Mà trong tình trạng vô tội, con người đầu tiên cũng ăn, cũng ngủ, cũng mơ; vậy ông cũng bị lừa dối trong việc dính bám vào các hình ảnh dường như dính bám vào các thực tại. 5. Con người đầu tiên có thể không biết tư tưởng của kẻ khác và các biến cố bất tất trong tương lai, như đã nói ở trước. Vậy giả như có kẻ nào nói với ông điều sai lầm về các sự vật đó, thì ông hẳn bị lừa dối. TRÁI LẠI: Thánh Augustinô nói: “Việc coi sự thật như là sự sai lầm không phải là tự nhiên đối với con người đã được sáng tạo, nhưng là hình phạt cho con người bị án phạt” (De Lib. arb. 3,18). TRẢ LỜI: Theo ý kiến của một số người, sự lừa dối có hai ý nghĩa. Hoặc nó biểu thị một sự phỏng đoán yếu ớt mà người ta lưu ý đến điều sai lầm dường như nó là sự thật, chứ không thừa nhận bằng sự tin tưởng vững chắc; hoặc sự sai lầm biểu thị sự tin tưởng vững chắc. Vậy trước khi phạm tội, Adong không thể bị lừa dối theo các thể cách này đối với các sự vật mà sự hiểu biết của ông có thể mở rộng tới; còn đối với sự vật mà sự hiểu biết của ông không thể mở rộng đến, ông có thể bị lừa dối theo ý nghĩa rộng của từ ngữ đối với sự phán đoán mà không có sự thừa nhận tin tưởng. Việc chủ trương ý kiến sai lầm như thế trong những vấn đề như vậy, không có gì tai hại cho người ta và nếu người ta không thừa nhận một cách không suy nghĩ không có gì phải bị khiển trách. Tuy nhiên, một ý kiến như thế không hòa hợp với tính trọn vẹn của đời sống trong tình trạng đầu tiên; bởi vì, như thánh Augustinô nói: “trong tình trạng đời sống ấy, tội lỗi được tránh khỏi mà không cần đến chiến đấu, và trong tình trạng ấy tồn tại thì không một sự xấu nào có thể hiện hữu” (De Civit. Dei. 14,10). Như vậy rõ ràng sự thật là sự tốt của trí năng và sự sai lầm là sự xấu cho nó, như lời Triết gia nói (Aristote, Métaph. 1,1). Do đó, bao lâu tình trạng vô tội tồn tại, trí năng người ta không thể thừa nhận sự sai lầm dường như nó là sự thật. Như một vài sự hoàn hảo, sự sáng sủa, thiếu đối với các phần chi thể thân thể của con người đầu tiên, ở đó không có sự xấu nào; cũng vậy, có thể trí năng không có một vài sự hiểu biết, nhưng không có ý kiến sai lầm. Điều này được sáng tỏ bởi sự ngay thẳng của tình trạng đầu tiên mà nhờ đó đang khi linh hồn tồn tại tùng phục Thiên Chúa, các năng lực thượng tầng và không ngăn trở hành động của chúng. Do những điều đã được nói ở trước, rõ ràng là trí năng đối với đối tượng riêng của mình thì luôn luôn thật (Q. 17, a.3; Q.85 a.6). Do đó, trí năng không bao giờ bị lừa dối tại sự, nhưng bất cứ sự lừa dối nào xảy ra đều do ở năng lực hạ tầng, chẳng hạn tưởng tượng và các tương tự. Bởi đó, chúng ta trông thấy khi năng lực tự nhiên của sự phán đoán được tự do, chúng ta không bị các ảnh tượng như thế lừa dối, nhưng chỉ lúc nào nó không tự do như trường hợp giấc ngủ. Vậy rõ ràng là sự ngay thẳng của tình trạng đầu tiên bất-khả-hợp với bất cứ sự lừa dối nào trong trí năng. GIẢI ĐÁP: 1. Dầu người đàn bà bị lừa dối trước khi bà phạm tội bằng hành động bên ngoài, nhưng là hành động phạm tội sau khi bà kiêu ngạo bên trong. Vì thánh Augustinô nói: “Người đàn bà hẳn đã không tin lời con rắn, giả như bà không ưng thuộc về sự yêu riêng về quyền lực của mình và tự phụ kiêu ngạo” (De genesi ad Litt. 11,30). 2. Người đàn bà tưởng nghĩ con rắn đã lãnh nhận khả năng này, không phải với tính cách hành động theo bản tính, nhưng bởi hành động siêu nhiên nào đó. Tuy nhiên ở điểm này, chúng ta không theo ý kiến của Thầy Đề Kiến Thư. 3. Giả như sự vật nào được biểu lộ trong tưởng tượng hoặc trong giác quan của người đầu tiên mà không phù hợp với bản tính của các sự vật, ông không bị lừa dối, vì trí năng của ông đã được khả năng phán đoán về sự thật. 4. Nhân loại không bị trách nhiệm về cái gì xuất hiện trong giấc ngủ, vì lúc đó họ không sử dụng đến trí năng của mình, mà hành động riêng của nhân loại cốt tại đó. 5. Giả như kẻ nào nói cái gì không thật, đối với các bất-tất-hữu hoặc đối với các tư tưởng bí mật, người ta trong tình trạng đầu tiên không tin tưởng là có như thế, nhưng tin tưởng sự vật như thế thì có thể; và như vậy không phải là chấp nhận một ý kiến sai lầm. Cũng có thể nói con người đầu tiên này được Thiên Chúa hướng dẫn để không bị lừa dối trong vấn đề mà sự hiểu biết của mình không được mở rộng đến. Nếu ai phản đối, như một số người làm vậy, nói rằng con người đầu tiên không được hướng dẫn lúc bị cám dỗ, dầu mà rất cần đến sự hướng dẫn, thì chúng ta trả lời con người đầu tiên này đã phạm tội trong lòng mình trước, và không cầu xin ơn Thiên Chúa trợ giúp.
[1] “Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó.” (Kinh Thánh, “Thư 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô”, 2:14. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 2146) – Chú thích của Triethoc.edu.vn [2] “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lặp thịt thế vào” (Kinh Thánh, “Sách Sáng thế”, 2:15. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 35) – Chú thích của Triethoc.edu.vn [3] “Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.” ((Kinh Thánh, “Sách Khôn ngoan”, 9:15. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 2258) – Chú thích của Triethoc.edu.vn [4] “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (Kinh Thánh, “Sách Sáng thế”, 2:7. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 35) – Chú thích của Triethoc.edu.vn [5] “Con người đặt tên cho mọi loại súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (Kinh Thánh, “Sách Sáng thế”, 2:20. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 35) – Chú thích của Triethoc.edu.vn. [6] “Cũng không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ” (Kinh Thánh, “Thư 1 gửi ông Ti-mô-thê”, 2:14. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 2210) – Chú thích của Triethoc.edu.vn
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC