Triết học tôn giáo

Bản chất [Thượng đế như là] ánh sáng

 

TÔN GIÁO TỰ NHIÊN

 

a

BẢN CHẤT [THƯỢNG ĐẾ NHƯ LÀ] ÁNH SÁNG*

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 1339-1358. | Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 685

Thoạt đầu, Tinh thần, với tư cách là cái Bản chất [Hữu thể-tuyệt đối], là Tự-ý thức; – hay nói cách khác, Bản chất tự-giác là tất cả chân lý và nhận biết tất cả hiện thực như là chính mình – chỉ đơn thuần là Khái niệm [nguyên tắc] về Tinh thần, đối lập lại với thực tại (Realität) mà Tinh thần mang lại cho chính mình trong tiến trình vận động của ý thức của nó. | Và Khái niệm này, như cái gì đối lập lại với ánh sáng ban ngày sáng tỏ của sự phát triển minh nhiên, là đêm tối của cái bản chất [đời sống nội tại]; và, đối lập lại với sự hiện hữu [bên ngoài] (Dasein) của những yếu tố khác nhau của nó như là những hình thái độc lập, Khái niệm ấy là bí nhiệm sáng tạo của sự đản sinh ra nó[1]. Bí nhiệm này có sự khai mở bên trong chính nó; bởi sự hiện hữu [của những yếu tố của nó] có chỗ đứng tất yếu trong Khái niệm này, vì Khái niệm này là Tinh thần tự nhận biết chính mình, và vì thế, có trong bản chất của nó mô-men (Moment) phải tồn tại như là ý thức và [có nghĩa là] phải hình dung chính mình một cách khách quan [như đối tượng]. Đó là cái Ngã thuần túy (das reine Ich), và trong sự xuất nhượng (Entäusserung: ngoại tại hóa) của nó có bên trong nó sự xác tín về [Tự ngã của] mình như là đối tượng phổ biến; nói cách khác, đối với cái Ngã, đối tượng phổ biến này là sự thâm nhập lẫn nhau của mọi tư tưởng và mọi hiện thực[2].

§ 686

Khi sự phân đôi [hay phân liệt] (Entzweiung) đã xảy ra lần đầu tiên và trực tiếp bên trong Tinh thần-tuyệt đối tự nhận biết chính mình, hình thái của nó mang sự quy định vốn thuộc về ý thức trực tiếp hay thuộc về sự xác tín cảm tính. Tinh thần trực quan chính mình trong hình thức của sự tồn tại (Sein), nhưng không phải “sự tồn tại” trong ý nghĩa của cái gì không có Tinh thần, chỉ chứa đựng toàn là những quy định bất tất của cảm giác, tức loại tồn tại thuộc về sự xác tín cảm tính. [Xem lại: Chương I]. | Trái lại, sự tồn tại của Tinh thần [ở đây] được lấp đầy bằng Tinh thần. Nó cũng bao hàm bên trong nó hình thức đã xuất hiện trong trường hợp của Tự-ý thức trực tiếp, tức hình thức của ÔNG CHỦ [xem lại: §190] đối lập với Tự-ý thức của Tinh thần đang rút lui khỏi đối tượng của mình[3].

Vậy, sự tồn tại này – với nội dung được lấp đầy bằng Khái niệm về Tinh thần – là hình thái của mối quan hệ đơn giản của Tinh thần với chính mình, hay nói cách khác, là hình thái của tính vô-hình thái [hình thái không mang hình thái nào cả]. Do đặc điểm ấy, hình thái này là Ánh sáng của Mặt trời mọc, thuần túy, chứa đựng tất cả, ngập tràn tất cả, tự bảo tồn chính mình trong tính bản thể không có hình thể (formlos) của mình. Cái tồn tại-khác [cái đối cực] của nó là cái phủ định cũng đơn giản như thế: Bóng Tối. | Các tiến trình vận động của sự xuất nhượng ra bên ngoài (Entäusserung) [ngoại tại hóa] của nó, những kết quả sáng tạo của nó trong môi trường (Element) thụ động, không đề kháng của cái tồn tại-khác nói trên của nó chính là những chùm ánh sáng. | Trong tính đơn giản của mình, những chùm ánh sáng đồng thời là phương cách của sự tồn tại này [Ánh Sáng] để trở thành cái gì “cho-mình” (sein Fürsichwerden) và là sự quay trở lại của nó từ sự hiện hữu khách quan, là những dòng suối lửa thiêu hủy [mọi] hình thái hiện thân [có thể nhìn thấy được] của nó. Tuy rằng sự phân biệt mà nó mang lại cho chính mình phát triển thịnh mậu ở trong bản thể của sự hiện hữu và hiện thân thành những hình thức đa tạp của Tự nhiên, nhưng tính đơn giản thuộc bản chất của tư tưởng của nó lang thang không có định hướng, không có sự tự tồn, không tự giác (unverständig) ở trong những hình thức ấy, mở rộng những ranh giới của nó đến chỗ vô độ và vẻ đẹp của nó – đã được tăng lên đến độ lộng lẫy – tan rã hết trong tính cao cả của chính nó.

§ 687

Do đó, nội dung mà [giai đoạn] tồn tại thuần túy này đã phát triển, tức sự hoạt động [ở cấp độ] tri giác của nó là một màn phụ diễn (Beiherspielen) không có bản chất nơi cái bản thể này; một bản thể chỉ đơn thuần “mọc lên” [thành Ánh sáng của mặt trời mọc] chứ không “lặn xuống” vào trong bề sâu của chính mình để trở thành Chủ thể và để củng cố những sự dị biệt của mình thông qua Tự ngã[4]. Những sự quy định của bản thể ấy chỉ đơn thuần là những tùy thể (Attribute) không phát triển được thành tính độc lập tự chủ; trái lại, chỉ mãi mãi là những tên gọi của cái Một được mang nhiều tên gọi khác nhau. Cái Một này được khoác lấy tấm áo của những quyền năng đa tạp của sự hiện hữu và của những hình thái của hiện thực như một vật trang sức vô hồn, không có Tự ngã: chúng chỉ là những sứ giả vô quyền, không có ý chí riêng, chỉ đại diện cho quyền năng của cái Một; là những sự trực quan trước sự vinh quang của cái Một, là những tiếng nói trong sự ca tụng cái Một[5].

§ 688

Tuy nhiên, cuộc sống chệnh choạng[6] [trên cõi Trời] này phải tự quy định thành sự tồn tại-cho-mình và phải mang lại sự tự tồn lâu bền cho những hình thái nhất thời và bị tiêu biến đi của nó. Bản thân sự tồn tại trực tiếp [thuần túy], trong đó cuộc sống này tự đối lập với ý thức của mình, là sức mạnh phủ định, giải thể những sự phân biệt của nó. Như thế, trong tính chân lý đúng thật, tồn tại này là Tự ngã; và vì thế, Tinh thần chuyển hóa sang việc nhận biết chính mình trong hình thức của Tự ngã. Ánh sáng thuần túy ném tung tính đơn giản của nó ra thành một tính vô tận của những hình thức tách biệt và hy sinh bản thân cho cái tồn tại-cho-mình, làm cho cái cá biệt có thể có được sự tự tồn (das Bestehen) từ cái bản thể này của chính mình.



* Về mặt lịch sử, tôn giáo thờ Ánh sáng (thờ Lửa) là tôn giáo của người Ba tư cổ đại do Zoroastre sáng lập (xem thêm: Hegel: Triết học về tôn giáo, WW, XIII, phần 2, Chương I, tr. 195). Ở đây, tính quy định về cái Tuyệt đối đối với ý thức là tính quy định của sự “xác tín cảm tính”. (§90 và tiếp)

[1] Tôn giáo thoạt đầu mới là Khái niệm [Nguyên tắc] đơn thuần; và sự đối lập đầu tiên là sự đối lập giữa cái tồn tại và cái không-tồn tại: ở đây là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối.

[2] Về mặt triết học, sự hình dung này về Tinh thần-tuyệt đối là sự hình dung về Bản thể, tức về sự thống nhất giữa tư duy và hiện thực; nhưng Bản thể này (Ánh sáng) chưa phải là Chủ thể.

[3] Theo Hegel, trong mọi tôn giáo của phương đông cổ đại, cái Tuyệt đối xuất hiện ra như là sự phủ định đối với Tự ngã, mang hình thức ông Chủ trong quan hệ với con người như là với Nô. Quan hệ Chủ-Nô này là đặc điểm của Tinh thần-hiện thực trong hình thức tôn giáo tương ứng. (Trong các nghiên cứu thần học thời trẻ, Hegel xét đạo Do Thái trên cơ sở mối quan hệ Chủ-Nô này giữa Thượng đế và con người). Ngoài ra, như các chú thích cho §§680, 681 đã nói, hình thái tôn giáo này vừa tương ứng với sự xác tín cảm tính, vừa vượt khỏi sự xác tín cảm tính của cấp độ ý thức, và đồng thời mang cả đặc điểm của Chủ-Nô trong cấp độ của Tự-ý thức.

[4] Hegel dùng hình ảnh mặt trời mọc lên (aufgehen) nhưng không lặn xuống (niedergehen) để ám chỉ tôn giáo nguyên thủy của phương đông không làm cho Bản thể tiêu biến đi vào trong Chủ thể. Sự vận động là đi từ Bản thể đến Chủ thể, nên theo hình ảnh ấy, sự vận động “mọc lên” từ phương đông và sẽ “lặn xuống” ở phương tây. (Xem thêm: §721 và tiếp).

[5] Quan hệ của cái Một và cái Nhiều ở đây là ở cấp độ của sự xác tín cảm tính, tức một quan hệ không có chiều sâu. Tính đa tạp chỉ đơn thuần là thuộc tính, tùy thể.

[6] “taumelnd”: lảo đảo, ngây ngất, thiếu tính tỉnh táo và chặt chẽ.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt