Triết học tôn giáo

Câu hỏi 29. Các ngôi vị Thiên Chúa

 

CÂU HỎI 29

CÁC NGÔI VỊ THIÊN CHÚA

                                                                      


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Chúng ta đã trình bày các khái niệm một cách cần thiết liên hệ đến các sự phát xuất và các tương quan; giờ đây chúng ta nói tới vấn đề các Ngôi Vị.

Trước tiên, chúng ta nghiên cứu các Ngôi Vị cách tuyệt đối, và sau đó, nghiên cứu các Ngôi Vị đối chiếu với nhau. (Q.39). Về vấn đề thứ nhất, ta tìm hiểu Ngôi Vị cách tổng quát, rồi đến từng Ngôi Vị riêng rẽ (Q.33).

Sự nghiên cứu tổng quát về các Ngôi Vị bao gồm 4 điểm :

1. Ý nghĩa tiếng Ngôi Vị (q.29).

2. Số các Ngôi Vị (q.30).

3. Những gì thuộc về đơn-nhất-tính và phức-số-tính tính tổng quát (q.31).

4. Sự tri thức về các Ngôi Vị trong Thiên Chúa (q.32). Nói về ý nghĩa của từ “Ngôi Vị”, chúng ta đề cập đến 4 điểm :

1. Định nghĩa Ngôi Vị.

2. So sánh từ ngữ này với từ ngữ yếu tính, sự lập hữu và bản vị (Ngôi Vị).

3. Ngôi Vị có thích hợp với Thiên Chúa không ?

4. Ngôi Vị có ý nghĩa gì trong Thiên Chúa ?

 

Tiết 1

ĐỊNH NGHĨA TIẾNG “NGÔI VỊ”

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra lời định nghĩa về Ngôi Vị Thiên Chúa không đầy đủ.

1. Boèce định nghĩa : “Ngôi Vị là bản thể cá thể có bản tính, có trí năng”. Mà lời định nghĩa này xem ra không chấp nhận được. Quả thế, người ta không định nghĩa đơn-độc-hữu; vậy đưa ra lời định nghĩa đó là việc sai lầm.

2. Trong lời định nghĩa này, từ ngữ bản thể được hiểu hoặc theo ý nghĩa bản thể đệ nhất hoặc theo ý nghĩa bản thể đệ nhị. Một từ ngữ, nếu người ta đề cập đến bản thể đệ nhất, mà bản thể đệ nhất là bản thể cá thể, thì từ ngữ “cá thể” dư thừa; còn nếu người ta đề cập đến bản thể đệ nhị, thì từ ngữ “cá thể” làm cho lời định nghĩa sai lầm và mâẫu thuẫn trong các từ ngữ của mình. Vì đó, chính các giống và loại mà người ta gọi là các bản thể đệ nhị. Vậy, lời định nghĩa này sai lầm.

3. Trong lời định nghĩa một sự vật, người ta không được xen vào từ ngữ biểu thị niệm thức luận-lý-học. Thí dụ, lời định nghĩa sau đây : “Người ta là một loại thủ vật”, không phải là lời định nghĩa tốt, vì người ta biểu thị một thực tại, trong khi loại biểu thị một niệm thức luận-lý-học. Như vậy, bởi vì ngôi vị biểu thị một thực tại, tức là một bản thể có bàn tính có trí năng, thì việc đem từ ngữ cá thể vào lời định nghĩa nó thì từ ngữ cá thể là sự sai lầm, vì cá thể biểu thị niệm thức luận-lý-học.

4. Bản tính là nguyên lý của sự động và sự nghỉ, trong các sự vật mà nó ở cách nguyên thường, chứ không phải cách ngẫu trừ, như Triết gia nói (Phys., 2,1). Nhưng “Ngôi Vị” được gặp thấy trong các sự vật bất dịch bất biến, như trong Thiên Chúa và các thiên thần. Bởi đó từ ngữ bản tính không được đặt vào trong lời định nghĩa của Ngôi Vị; nhưng từ ngữ có thể đúng hơn, đó là từ ngữ yếu tính.

5. Linh hồn đã tách rời, là một bản thể cá thể thuộc bản tính có trí năng; nhưng nó không phải là Ngôi Vị. Bởi đó ngôi vị không được định nghĩa cách đúng như nói trên.

TRẢ LỜI :

Dầu phổ-quát-hữu và đặc thù hiện hữu trong tất cả mọi giống; tuy nhiên, theo một thể cách riêng biệt, chúng thuộc về giống bản thể. Vì bản thể được cá-thể-hóa do chính mình, còn các tùy thể được cá thể hóa nhờ chủ thể, tức là, nhờ bản thể. Vì màu trắng đặc thù này được gọi là này, bởi vì nó hiện hữu trong chủ thể đặc thù này. Và cũng vậy, một cách hợp lý, các cá thể của giống bản thể, có thể có tên đặc thù riêng của mình : người ta gọi chúng là “ngôi” hay “bản thể đệ nhất” (cf. Boèce, De duab. nat.. 3).

Hơn nữa, theo một thể cách đặc biệt và hoàn hảo hơn, cái đặc thù và cá thể gặp được trong các bản thể có trí năng là những bản thể có chủ quyền trên các hành động riêng của mình, và là những bản thể được tạo thành, không những để hành động, mà còn để hành động do chính mình; vì các hành động thuộc về các đơn độc hữu. Bởi đó, các cá thể thuộc về bản tính có trí năng cũng có một tên đặc biệt ở giữa các bản thể khác; và cái tên này là ngôi vị.

Như vậy từ ngữ “bản thể cá thể” được đặt vào trong lời định nghĩa của Ngôi Vị với tính cách biểu thị một đơn-độc-hữu trong giống bản thể, và từ ngữ “bản tính” có trí năng được thêm vào đối với tính cách biểu thị đơn-độc-hữu trong hạng các bản thể có trí năng.

GIẢI ĐÁP :

1. Dầu đơn-độc-hữu này hoặc đơn độc hữu kia không thể được định nghĩa, nhưng cái gì thuộc về ý tưởng tổng quát về đơn-độc-tính có thể được định nghĩa. Và như thế, Triết gia đã định nghĩa bản thể đệ nhất (Cat.. 5). Đây cũng là đường lối mà Boèce đã đi để định nghĩa từ ngữ Ngôi Vị.

2. Theo ý kiến của một số người, từ ngữ “bản thể” trong lời định nghĩa về “ngôi Vị” thay thế “bản thể đệ nhất”, mà bản thể đệ nhất được gọi là ngôi (Richard of St. Victor, De Trin.4,4); và từ ngữ cá thể được thêm vào không phải dư thừa, vì bởi cái tên ngôi hoặc bản thể đệ nhất, thì ý tưởng về phổ-quát-tính và về phần được trục xuất. Vì chúng ta không nói người ta cách tổng quát là ngôi, cũng không nói cái bàn tay là ngôi, bởi vì nó chỉ là một phần. Những khi cá thể được thêm vào, thì ý tưởng về sự có thể được chiếm lấy bị trục xuất khỏi ngôi Vị, vì bản tính người ta trong Đức Kitô không phải là ngôi Vị, bởi vì nó được chiếm lấy bởi sự vật lớn hơn, nghĩa là, bởi Ngôi lời của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tốt hơn là nói bản thể, ở đây, được hiểu ở ý nghĩa tổng quát, với tính cách được phân chia ra là bản thể đệ nhất và bản thể đệ nhị, và khi cá thể được thêm vào, thì bản thể được hạn chế, thành ra bản thể đệ nhất.

3. Bởi vì, các sự dị biệt thuộc bản thể không được chúng ta tri thức, hoặc ít nhất không được chúng ta đặt tên, thì đôi khi cần thiết sử dụng các dị biệt tùy thể mà thay thế chúng; như thí dụ, chúng ta có thể nói lửa là một vật thể đơn giản, nóng và khô : vì các tùy thể cố hữu là những hiệu quả của các mô thể bản thể, và làm cho các mô thể được tri thức.

Cũng vậy, các từ ngữ biểu lộ niệm thức có thể được sử dụng trong việc định nghĩa các thực tại, nếu được sử dụng để biểu thị các sự vật không được đặt tên. Và như vậy, từ ngữ “cá thể” được đặt trong lời định nghĩa của “Ngôi Vị” để biểu thị thể cách lập hữu thuộc về bản thể đặc thù.

4. Theo Triết gia, từ ngữ “bản tính” được dùng trước tiên để biểu thị sự sinh sản của các sinh vật : sự sinh sản này được gọi là sự sinh đẻ (Metaph.,4,4). Và bởi vì thứ sinh sản này xảy ra do một nguyên nhân nội khởi, từ ngữ này được mở rộng để biểu thị nguyên nhân nội khởi của bất cứ sự chuyển động nào. Theo ý nghĩa này, ông định nghĩa từ ngữ bản tính (Aristote, Phys., 2,1). Và vì thứ nguyên nhân này hoặc thuộc mô thể, hoặc thuộc về chất thể, thì vừa mô thể vừa chất thể hợp nhất lại, được gọi là bản tính. Và yếu tính của bất cứ sự vật nào, được hoàn thành do mô thể; vì lý do này, yếu tính của bất cứ sự vật nào, được biểu thị do lời định nghĩa, thì cách chung, được gọi là bản tính. Và ở đây, bản tính được hiểu biết theo ý nghĩa này. Do đó, Boèce nói : bản tính là dị biệt loại thuộc cho mỗi sự vật bằng mô thể của nó (De Duab. Nat., 1), bởi vì sự dị biệt làm hoàn thành lời định nghĩa và do mô thể riêng của sự vật. Vậy, trong lời định nghĩa của ngôi Vị được nói là đơn-độc-hữu trong một giống nhất định, thì Boèce sử dụng từ ngữ “bản tính” đúng hơn là từ ngữ “yếu tính”, bởi vì yếu tính được lấy ra từ sự hiện hữu, mà sự hiện hữu là chung hơn hết.

5. Linh hồn là một phần của người ta. Và như vậy, dầu nó hiện hữu trong tình trạng tách rời, nhưng vì nó giữ lại bản tính với khả năng hợp thành của nó, không được gọi là bản thể cá thể, tức là ngôi hoặc bản thể đệ nhất, cũng như bàn tay hoặc bất cứ phần nào trong người ta đều cũng không có thể. Do đó, không lời định nghĩa nào, cũng không tên nào của Ngôi Vị mà thuộc về nó.

 

Tiết 2

PHẢI CHĂNG NGÔI VỊ CŨNG LÀ MỘT VỚI NGÔI (BẢN VỊ),

SỰ LẬP HỮU VÀ YẾU TÍNH?

 

(Utrum persona sit idem quod hypostasis, subsistentia et essentia)

VẤN NẠN :

Có thể xem ra Ngôi Vị cũng là một với ngôi, sự lập hữu và yếu tính

1. Boèce nói : “Người Hy lạp gọi bản thể cá thể thuộc bản tính có trí năng bằng tên ngôi” (Metaph., 4,4). Nhưng với chúng ta, ngôi biểu thị Ngôi Vị. Bởi đó, Ngôi Vị hoàn toàn là một với ngôi.

2. Hơn nữa, như chúng ta nói có ba Ngôi Vị trong Thiên Chúa, vậy chúng ta nói có ba sự lập hữu trong Thiên Chúa; và điều này nói lên Ngôi Vị và sự lập hữu cùng có một ý nghĩa. Vậy, Ngôi Vị và sự lập hữu cùng là một

3. Boèce nói : “Tiếng ousia có nghĩa là yếu tính, biểu thị mỗi hợp vật được hợp thành bởi chất thể và mô thể (Cat., trist., 1). Mà cái gì được hợp thành bằng chất thể và mô thể là cá thể thuộc về giống bản thể được gọi là ngôi hay là ngôi vị. Bởi đó, tất cả mọi tên đã được nói trước, đều có cũng một ý nghĩa.

TRÁI LẠI :

4. Boèce cũng nói các giống và các loại chỉ lập hữu mà thôi; còn các cá thể, thì không những lập hữu, mà còn lập thể (De Duab., Nat., 3). Nhưng các sự lập hữu được gọi như vậy do việc tự lập. Còn bản thể hoặc ngôi được gọi như thế do việc đứng ở dưới, Bởi đó, vì các giống và các loại không phải là các ngôi hoặc Ngôi Vị, nên hai cái này không phải cùng là một với sự lập hữu.

5. Boèce nói : Chất thể gọi là ngôi và mô thể gọi là sự lập hữu (De Cat., Arist., 1, De Subsist). Nhưng mô thể và chất thể đều không có thể được gọi là ngôi Vị. Vậy ngôi Vị phân biệt với tất cả mọi cái khác.

TRẢ LỜI :

Theo Triết gia, bản thể có hai thứ. Theo ý nghĩa thứ nhất, bản thể biểu thị niệm tính của một sự vật, được biểu lộ do lời định nghĩa, và như vậy, chúng ta nói lời định nghĩa biểu thị bản thể của một sự vật; theo ý nghĩa này, bản thể được người Hy lạp gọi là ousia mà chúng ta có thể gọi là yếu tính. Theo ý nghĩa thứ hai, bản thể biểu thị một chủ thể hoặc một cá thể, tồn tại trong giống bản thể. Từ ngữ cá thể được sử dụng theo ý nghĩa tổng quát, có thể lãnh nhận cái tên biểu lộ niệm thức luận-lý-học và do đó, nó được gọi là Suppositum (cá thể), một từ ngữ La văn, nghĩa là được đặt dưới. Nó được gọi ba tên biểu thị một thực tại, tức là, một sự vật của bản tính, sự lập hữu và ngôi, tùy theo ba nhận xét về bản thể đã được đặt tên như vậy. Vì khi cá thể hiện hữu chính trong, chứ không một sự vật khác, thì nó được gọi là sự lập hữu, vì chúng ta có thể nói các sự vật lập hữu, thì tồn tại trong chính chúng nó, chứ không trong sự vật khác. Khi nó được đặt dưới một bản tính chung nào đó, thì được gọi là sự vật của bản tính; như, thí dụ, một người đặc thù này là một thực tại của bản tính nhân loại. Khi nó được đặt dưới các tùy thể, thì được gọi là ngôi hoặc bản thể. Điều mà ba tên này bằng cách chung cùng biểu thị trong toàn thể giống của bản thể, thì từ ngôi vị biểu thị trong giống của các bản thể có trí năng.

GIẢI ĐÁP :

1. Với người Hy lạp, từ ngữ “ngôi”, được hiểu biết theo ý nghĩa chính xác của từ ngữ, biểu thị bất cứ cá thể nào thuộc giống bản thể, nhưng theo cách nói thông dụng, nó biểu thị cá thể thuộc về bản tính có trí năng vì sự tuyệt hảo của bản tính này.

2. Như chúng ta sử dụng số nhiều ba Ngôi Vị hoặc ba lập hữu, thì người Hy lạp cũng nói ba Ngôi. Nhưng bởi vì từ ngữ bản thể, nói cách đích xác, tương xứng với ngôi, nên được chúng ta sử dụng cách dị nghĩa, vì đôi khi nó biểu thị yếu tính và cũng đôi khi biểu thị ngôi; để khỏi tạo cơ hội cho sự sai lầm, họ đã muốn sử dụng thay thế từ ngữ ngôi, bằng từ ngữ lập hữu, hơn là bằng từ ngữ bản thể.

3. Nói cách chính xác, yếu tính là cái gì được biểu thị bởi lời định nghĩa. Nhưng lời định nghĩa bao hàm các nguyên nhân của loại, nhưng không bao hàm các nguyên nhân của cá thể. Do đó, trong các sự vật được hợp thành bằng chất thể và mô thể, yếu tính biểu thị không những mô thể, và chất thể; mà còn cái gì được hợp thành bằng chất thể và mô thể chung, như các nguyên nhân của loại. Nhưng, cái gì được hợp thành bằng chất thể và mô thể này, có bản tính của ngôi và của ngôi vị. Vì linh hồn, thịt và xương, thuộc về bản tính của người ta; còn linh hồn này, thịt này và xương này, thuộc về bản tính của người này. Bởi đó, ngôi và Ngôi Vị thêm các nguyên nhân cá thể vào cho ý niệm của yếu tính; và các nguyên nhân cá thể này không đồng-nhất-hóa với yếu tính của sự vật được hợp thành bằng chất thể và mô thể, như đã nói trước, lúc nghiên cứu đơn-giản-tính của Thiên Chúa (Q.3, a.4).

4. Boèce nói : Các giống và các loại lập hữu, theo mức độ một số sự vật cá thể lập hữu. Vì việc này có lý do là các giống và các loại được bao gồm trong phạm trù bản thể, chữ không phải bởi vì chính các loại và các giống tự lập hữu trừ phi theo ý kiến của Platon chủ trương các loại sự vật lập hữu cách tách rời ngoài các đơn-độc-hữu. Còn việc lập thể thuộc về các đơn-độc-hữu đối với các tùy thể. Vì các tùy thể ở ngoài yếu tính của các giống và các loại.

5. Cá thể được hợp thành bằng chất thể và mô thể, thì lập thể trong tương quan với tùy thể, do bản tính thật sự của chất thể. Do đó, Boèce nói : “Một mô thể đơn giản không thể là một chủ thể” (De Trin., 2.2). Tuy nhiên, sự tự lập hữu của nó đi ra từ bản tính của mô thể của nó : Mô thể này không đi vào một sự vật đã lập hữu, nhưng cho sự hiện hữu hiện thể cho chất thể, và như vậy, làm cho cá thể có khả năng lập hữu. Bởi đó, với việc như vậy, nó quy ngôi vào cho chất thể, hoặc quy sự lập hữu vào cho mô thể. vì chất thể là nguyên lý của việc lập hữu.

 

Tiết 3

TÊN NGÔI VỊ

CÓ ĐƯỢC NÓI VỀ THIÊN CHÚA KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra tên “Ngôi Vị” không được nói về Thiên Chúa.

1. Denys nói : “Không ai bao giờ dám nói hoặc nghỉ sự vật gì về Thiên tính huyền bí và siêu-bản-thể, ngoài điều Thiên Chúa đã bày tỏ trong Kinh thánh” (De Div. Nom., 1,1). Mà tên Ngôi Vị đã không được bày tỏ cho chúng ta trong Cựu ước cũng như Tân ước. Vậy. “Ngôi Vị” không được sử dụng cho Thiên Chúa.

2. Boèce nói : “Từ ngữ 'Ngôi Vị' xem ra được lấy ở những mặt nạ tiêu biểu các nhân vật trong hài kịch và bị kịch. Vì 'Ngôi Vị' xuất phát do từ ngữ “vang dội ra”, vì sức âm thanh to lớn được sản xuất qua lỗ hổng trong mặt nạ. Các “ngôi Vị” này hoặc các mặt nạ này người Hy lạp gọi là prosopa, vì được mang trước mặt và che mặt, không cho mắt khán giả trông thấy (De Duab., Nat., 3). Tuy nhiên, “Ngôi Vị” được ứng dụng cho Thiên Chúa theo ý nghĩa ẩn dụ mà thôi. Vậy từ ngữ “Ngôi Vị” chỉ ứng dụng cho Thiên Chúa cách ẩn dụ.

3. Mỗi ngôi vị là ngôi. Nhưng từ ngữ “ngôi”, không được ứng dụng cho Thiên Chúa, vì, như Boèce nói, ngôi biểu thị cái gì làm chủ thể cho các tùy thể, mà các tùy thể không hiện hữu trong Thiên Chúa. Thánh Giêrônimô cũng nói : “Trong từ ngữ “ngôi”, thuốc độc ẩn núp trong mật ong (Epist.15). Vậy, từ ngữ “ngôi Vị” không được nói được về Thiên Chúa.

4. Nếu một lời định nghĩa bị phủ định về một sự vật nào, sự vật được định nghĩa này cũng bị phủ định về nó. Nhưng lời định nghĩa về “Ngôi Vị” như đã trình bày trên, không ứng dụng cho Thiên Chúa. Bởi vì lý trí bao hàm một sự tri thức suy luận, không được ứng dụng về Thiên Chúa, như đã được minh chứng trước (Q.14, a.3); và như vậy, Thiên Chúa không được gọi là một bản thể cá thể, bởi vì nguyên nhân cá-thể-hóa là chất thể; đang khi Thiên Chúa vô chất.

Ngài cũng không có tùy thể, để Ngài được gọi là bản thể Bởi đó, từ ngữ “ngôi vị” không nên chỉ về Thiên Chúa.

TRÁI LẠI :

Trong kinh Tin kính của thánh Athanaxiô, chúng ta đọc: “Cha là một Ngôi Vị, Con là một Ngôi Vị, và Thánh Thần là một Ngôi Vị” nữa (Symb.. “quicumque”. Denzinger. No. 39).

TRẢ LỜI :

Ngôi Vị biểu thị cái gì hoàn hảo nhất trong tất cả bản tính, nghĩa là, một cá thể lập hữu thuộc bản tính có trí năng. Do đó, bởi vì mỗi sự vật hoàn hảo phải được chỉ về Thiên Chúa; tuy nhiên, không phải theo thể cách nó được ứng dụng cho các thụ tạo, nhưng theo thể cách tuyệt hảo hơn. Trường hợp này cũng đúng đối với mọi tên khác, mà chúng ta chỉ về Thiên Chúa, mặc dầu chúng ta đã đặt các tên ấy cho các thụ tạo, như đã trình bày, khi nghiên cứu về các tên của Thiên Chúa (Q.13, a.3).

GIẢI ĐÁP :

1. Dầu từ ngữ “Ngôi Vị” không gặp đã được ứng dụng trong Kinh thánh hoặc trong Cựu ước, hoặc trong Tân ước: tuy nhiên cái mà từ ngữ này biểu thị, được gặp chỉ về Thiên Chúa nhiều nơi trong Kinh thánh, như Thiên Chúa hữu thể tự lập hữu tối cao, là hữu thể có trí năng hoàn hảo nhất. Giả như chúng ta có thể chỉ nói về Thiên Chúa với các từ ngữ thật sự thuộc về Kinh thánh mà thôi, không ai được dùng lời nói khác để nói về Thiên Chúa, mà chỉ được dùng những lời nói trước đã truyền lại trong Cựu ước và Tân ước. Sự cấp bách minh chứng sự lầm lẫn những người lạc giáo, khiến cần thiết tạo nên các từ ngữ mới để bày tỏ sự tin tưởng thời cổ đối với Đức Kitô. Và thứ mới lạ thể ấy không cần phải tránh, vì nó không trần tục tí nào, nó không đưa chúng ta lạc đường đối với ý nghĩa Kinh thánh. Những điều mà thánh Phaolô cho chúng ta biết trước để xa tránh, đó là : “Hỡi Timôthê, con hãy xa lánh những tiếng mới lạ trần tục” (1 Tm 6,20).

2. Dầu tên “ngôi vị” có thể không thuộc về Thiên Chúa, đối với nguồn gốc của từ ngữ này, tuy nhiên, một cách tuyệt hảo tột bậc, nó thuộc về Thiên Chúa, trong ý nghĩa khách quan của mình. Vì như các nhân vật danh tiếng, được diễn trong hài kịch và bi kịch, tên “ngôi vị” được sử dụng để biểu thị các nhân vật có chức vị cao trọng. Do đó, một số người định nghĩa ngôi vị là ngôi phân biệt bởi lý do chức vị cao trọng (Alain de Lille, Theol. Reg., 33). Và bởi vì, sự lập hữu trong bản tính có trí năng có chức vị cao trọng, do đó mà mỗi cá thể thuộc bản tính có trí năng được gọi là ngôi vị. Mà chức vị cao trọng bản tính Thiên Chúa tuyệt hảo vượt qua tất cả mọi chức vị cao trọng khác; và như vậy, tên “ngôi vị” một cách tuyệt hảo tuyệt trác thuộc về Thiên Chúa.

3. Tên “ngôi vị” không ứng dụng về Thiên Chúa đối với nguồn gốc của từ ngữ, bởi vì Thiên Chúa không ở dự ở dưới các thể; nhưng nó được ứng ý nghĩa khách quan của nó, vì nó được đặt ra để biểu thị một thực tại lập hữu. Thánh Giêrônimô nói : “Thuốc độc ẩn núp dưới từ ngữ này, vì trước khi nó được Giáo hội Công giáo La tinh, hiểu biết đầy đủ ý nghĩa, thì các người lạc giáo đã dùng từ ngữ ngôi vị để đánh lừa người đơn sơ, khiến họ tuyên xưng nhiều yếu tính như họ tuyên xưng nhiều ngôi vị, bởi vì từ ngữ bản thể tương xứng với từ ngữ ngôi trong tiếng Hy lạp, được thông dụng đối với chúng ta để biểu thị yếu tính.

4. Có thể nói Thiên Chúa chiếm hữu bản tính có lý tính, nếu lý tính được sử dụng biểu thị không phải một tư tưởng luận lý học, nhưng theo ý nghĩa tổng quát, biểu thị một bản tính có trí năng. Nhưng Thiên Chúa không thể được gọi một cá thể theo ý nghĩa mà chất thể làm nguyên lý cá thể hóa, nhưng chỉ theo ý nghĩa cá thể bao gồm bất khả-thông tính Bản thể có thể ứng dụng cho Thiên Chúa, theo ý nghĩa biểu thị sự tự-lập-hữu. Tuy nhiên, có những người nói lời định nghĩa của Boèce đã được trích ở trước, không phải là lời định nghĩa của ngôi vị theo ý nghĩa chúng ta dùng, khi nói về các Ngôi Vị trong Thiên Chúa (Richard de St. Victor, De Trin., 4,21). Bởi đó, Richard de St. Victor sửa cho tốt thêm lời định nghĩa này, bằng cách thêm ngôi vị trong Thiên Chúa là sự hiện hữu bất khả-thông của bản tính Thiên Chúa (Richard de St. Victor, De Trin., 4,21).

 

Tiết 4

TIẾNG NGÔI VỊ

CÓ NGHĨA LÀ SỰ TƯƠNG QUAN KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra từ ngữ Ngôi Vị với tính cách được ứng dụng về Thiên Chúa, không biểu thị tương quan, nhưng biểu thị bản thể.

1. Thánh Augustinô nói : “Khi ta nói về ngôi vị Đức Chúa Cha, chúng ta không có ý biểu thị cái gì khác ngoài bản thể của Đức Chúa Cha, vì ngôi vị được nói về Chúa Cha mà thôi, chứ không nói về Đức Chúa Con” (De Trin.,6,6).

-------------------

thiếu 2 trang 273 và 274 (lỗi dàn trang của sách khiến sách bị mất trang). Cảm phiền độc giả đọc qua bản tiếng Anh phần thiếu sót này: Article 4. Whether this word "person" signifies relation?

-------------------

người ta, và không được bao gồm trong từ ngữ thú vật. Do đó, tìm hiểu về ý nghĩa của thú vật là một việc, và một việc khác là tìm hiểu biết ý nghĩa con thủ vật gọi là người ta. Cũng vậy, tìm hiểu biết ý nghĩa tên ngôi vị cách tổng quát là một việc, và một việc khác nữa, là tìm hiểu biết ý nghĩa của ngôi vị được ứng dụng về Thiên Chúa. Vì ngôi vị, cách tổng quát biểu thị bản thể cá thể thuộc về bản tính có lý tính. Nhưng cá thể trong chính nó, thì bất phân, nhưng phân biệt với các sự vật khác. Bởi đó, ngôi vị, trong bất cứ bản tính nào, biểu thị cái gì được phân biệt trong bản tính đó : như trong bản tính nhân loại, nó biểu thị thịt này, những xương này, và linh hồn này, là những nguyên lý cá-thể-hóa của một người, và mặc dầu không thuộc về ngôi vị cách tổng quát, vẫn thật sự thuộc về ý nghĩa của một ngôi vị nhân loại. Nhưng sự phân biệt trong Thiên Chúa hiện hữu chỉ do tương quan về nguồn gốc, như đã trình bày trước (Q.28, a.3). Mà tương quan trong Thiên Chúa, không phải với tính cách là một tùy thể trong chủ thể, nhưng là chính yếu tính Thiên Chúa; và như thế nó lập hữu, vì yếu tính Thiên Chúa lập hữu. Bởi đó, như bản tính Thiên Chúa là Thiên Chúa, cũng vậy, tư cách Cha của Thiên Chúa, là Thiên Chúa Cha, là một ngôi vị Thiên Chúa. Bởi đó, một ngôi vị Thiên Chúa biểu thị một tương quan với tính cách là lập hữu. Và điều này nói lên sự tương quan cách bản thể : bản thể này là ngôi lập hữu trong bản tính Thiên Chúa; dầu cái lập hữu trong bản tính, chính là bản tính Thiên Chúa. Như vậy, điều này đúng sự thật, là việc chủ trương tên “Ngôi Vị” biểu thị tương quan cách trực tiếp và biểu thị yếu tính cách gián tiếp; tuy nhiên, tương quan không với tính cách là tương quan, nhưng với tính cách được biểu lộ cách ngôi. Nhưng trong Thiên Chúa, ngôi được biểu lộ với tính cách là phân biệt với tương quan; và như vậy, tương quan được biểu thị với tính cách là tương quan, thì đi vào trong ý niệm của Ngôi vị cách gián tiếp.

Như vậy, chúng ta cũng có thể nói ý nghĩa của từ ngữ “ngôi vị” đã không được lãnh hội cách rõ ràng trước khi bị các người lạc giáo tấn công. Do đó, từ ngữ “ngôi vị đã được sử dụng đúng như các từ ngữ tuyệt đối khác. Nhưng về sau, nó được ứng dụng để biểu lộ tương quan, một cách phù hợp với bản tính của nó : để nó biểu lộ tương quan không những do sự ứng dụng và thông dụng, như ý kiến thứ nhất chủ trương mà còn do ý nghĩa chính xác riêng của nó.

GIẢI ĐÁP :

1. Từ ngữ ngôi vị được nói trong tương quan với chính nó, chứ không phải với một sự vật khác; vì nó biểu thị tương quan, không phải với tính cách là như thế, nhưng với tính cách một bản thể, gọi là ngôi. Theo ý nghĩa này, thánh Augustinô nói nó biểu thị yếu tính, vì trong Thiên Chúa, yếu tính cũng là một với ngôi, bởi vì trong Thiên Chúa, Ngài là cái gì và bởi cái gì mà Ngài hiện hữu : hai cái này cũng là một.

2. Vấn từ “cái gì” đi đôi khi quan hệ với bản tính được bày tỏ trong lời định nghĩa, như khi chúng ta hỏi : người ta là cái gì? và chúng ta trả lời : là con thú vật có lý tính hay chết. Đôi khi nó quan hệ với cá thể, như khi chúng ta hỏi : cái gì lội bơi trong biển, và chúng ta trả lời : con cá. Cũng vậy, với những người đang hiểu biết vấn đề đang được thảo luận này, chúng ta hỏi : Ba cái gì? Chúng ta trả lời: Ba Ngôi Vị.

3. Trong Thiên Chúa, cá thể, nghĩa là, bản thể phân biệt và bất-khả-thông, bao gồm ý tưởng về tương quan, như đã nói trước.

4. Ý nghĩa khác nhau về từ ngữ kém chung hơn, không gây nên sự dị nghĩa ở trong sự vật chung hơn. Dầu một con ngựa và một con lừa có các lời định nghĩa riêng của chúng nó, tuy nhiên chúng hòa hợp nhau cách đồng nghĩa trong thú vật, vì lời định nghĩa chung về con thú vật được ứng dụng cho cả hai. Vậy, không do đó, mà từ ngữ “ngôi vị” được sử dụng, theo cách dị nghĩa cho Thiên Chúa và các thụ tạo, như đã trình bày trước, mặc dầu tương quan được chứa đựng trong ý nghĩa ngôi vị Thiên Chúa, nhưng không được chứa đựng trong ý nghĩa ngôi vị thiên thần và nhân loại. Và ngôi vị cũng không được sử dụng cách đơn nghĩa, bởi vì không cái gì được sử dụng cách đơn nghĩa cho Thiên Chúa và các thụ tạo như đã trình bày (Q.13, a.5).

 


CÂU HỎI 30
CÂU HỎI 28

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt