CÂU HỎI 28
CÁC TƯƠNG QUAN CỦA THIÊN CHÚA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh
Các tương quan của Thiên Chúa sắp được nghiên cứu trong bốn điểm : 1. Có các tương quan thực tại trong Thiên Chúa không? 2. Các tương quan này chính là yếu tính của Thiên Chúa, hoặc là ở ngoài yếu tính Thiên Chúa ? 3. Trong Thiên Chúa có nhiều tương quan thật sự phân biệt nhau không ? 4. Số của các tương quan này.
Tiết 1 CÓ CÁC TƯƠNG QUAN THỰC TẠI TRONG THIÊN CHÚA KHÔNG ?
VẤN NẠN : Xem ra không có các tương quan thực tại trong Thiên Chúa. 1. Boèce nói : “Tất cả mọi phạm trù khả hữu, đã được sử dụng đối với bản tính của Thiên Chúa, thì có giống bản thể; vì không cái gì được chỉ về Thiên Chúa cách tương đối (De Trin. 4). Mà cái gì thật sự hiện hữu trong Thiên Chúa, có thể chỉ về Ngài. Vậy, không tương quan thực tại nào hiện hữu trong Thiên Chúa. 2. Boèce nói : “Tương quan trong Ba Ngôi Vị của Đức Chúa Cha đối với Đức Chúa Con và của cả hai Ngôi đối với Đức Chúa Thánh Thần, là tương quan của cũng một Đấng đối với cũng một Đấng này” (De Trin. 4). Nhưng một sự tương quan thuộc về loại này, chỉ là một tương quan luận lý, vì mỗi tương quan thực tại đòi và bao hàm hai bên trong thực tại. Vậy, các tương quan của Thiên Chúa, không phải là những tương quan thực tại, nhưng chỉ được cấu tạo do trí năng. 3. Tương quan phụ tử là tương quan nguyên lý. Nhưng nói Thiên Chúa là nguyên nhân của các thụ tạo, không biểu thị tương quan thực tại, nhưng chỉ một tương quan luận-lý học. Bởi đó, tình phụ tử trong Thiên Chúa, không phải là một tương quan thực tại, và cũng vì lý do này, các tương quan khác, nếu có ở trong Thiên Chúa, cũng không phải là tương quan thực tại. 4. Sự sinh sản của Thiên Chúa phát xuất theo đường lối lời nói khả niệm. Mà các tương quan đi theo hành động của trí năng, là những tương quan luận-lý-học. Vậy, tư cách là Cha và tư cách là Con trong Thiên Chúa, đi theo sau sự sinh sản, thì chỉ là các tương quan luận-lý-học. TRÁI LẠI : Đức Chúa Cha được gọi tên chỉ do tư cách là Cha; và Đức Chúa Con được gọi tên chỉ do tư cách là Con. Bởi đó, giả như không hiện hữu tư cách cha thực tại và tư cách con thực tại trong Thiên Chúa, do đó mà Thiên Chúa không thật sự là Cha, cũng không thật sự là Con, nhưng chỉ là Cha hoặc là Con trong thể cách biểu biết của chúng ta mà thôi; và đây là dị giáo Sabelllus. TRẢ LỜI : Các tương quan hiện hữu trong Thiên Chúa cách thực tại. Để minh chứng điều này, chúng có thể xem xét trong phạm trù các tương quan, sẽ gặp được một cái gì chỉ hiện hữu trong sự lãnh hội của trí năng mà thôi, chứ không ở trong thực tại. Điều này không gặp được trong các giống khác, vì các giống khác, như lượng và phẩm chất, theo ý nghĩa chính xác và riêng, biểu thị một cái gì dính với chủ thể là sự vật khác, nhưng tương quan trọng ý nghĩa riêng và chính xác chỉ biểu thị “Một cái gì liên hệ với cái khác”. Một tương quan như thế đôi khi hiện hữu trong bản tính của các sự vật, khi các sự vật thực tại do bản tính thật sự riêng của chính mình được sắp đặt đối với nhau và có khuynh hướng hỗ tương. Các tương quan thể ấy, một cách tất yếu, phải là thực tại, như trong một vật thể nặng, gặp được khuynh hướng và trật tự đối với trung tâm của vũ trụ; và do đó, hiện hữu trong vật thể nặng này một tương quan nào đó với trung tâm vũ trụ; và cũng một định luật này được ứng dụng cho các sự vật khác. Tuy nhiên, đôi khi, sự liên hệ này với sự vật khác, được biểu thị bằng tiếng tương quan, thì gặp được trong sự lãnh hội của trí năng so với sự vật này hay sự vật khác, và chỉ là tương quan luận-lý-học mà thôi; như, thí dụ, khi trí năng so sánh người ta với thú vật mà chỉ xem xét ở đó loại với giống. Còn khi một cái gì phát xuất từ một nguyên lý, có cũng một bản tính theo số, thì tất yếu cả hai, tức là sự vật phát xuất và nguồn gốc của sự phát xuất giao tiếp với nhau trong cũng một trật tự; và như vậy, chúng nó có tương quan với nhau cách thực tại. Bởi đó, vì các sự phát xuất trong Thiên Chúa, hiện hữu trong đồng-nhất-tính của cũng một bản tính, như đã giải thích trước (Q.27, a.3, a.2), các tương quan này đi theo các sự phát xuất của Thiên Chúa, thì một cách tất yếu, là những tương quan thực tại. GIẢI ĐÁP : 1. Tương-quan-tính không được chỉ về cho Thiên Chúa tùy theo ý nghĩa riêng và mô thể của mình, nghĩa là, theo mức độ ý nghĩa riêng của nó biểu lộ liên hệ với một sự vật nào mà sự tương quan thuộc về đó, nhưng chỉ với tính cách biểu lộ sự liên hệ với một sự vật khác thôi. Tuy nhiên, Boèce đã không trục xuất tương quan trọng Thiên Chúa; nhưng ông đã muốn bày tỏ rằng tương quan không được chỉ về Thiên Chúa theo thể cách ở chính trong Thiên Chúa với ý nghĩa chính xác của tương quan, những đúng hơn là theo đường lối tương quan với sự vật khác. 2. Sự tương quan được biểu thị bởi từ ngữ “cũng là một” thì chỉ là tương quan luận-lý-học mà thôi, nếu nó được sử dụng cách tuyệt đối với cũng một sự vật; bởi vì một tương quan thể ấy chỉ có thể hiện hữu trong một trật tự nào được xem xét do trí năng là trật tự của một sự vật nào đối với chính mình tùy theo hai sự nhận xét về nó trong hai phương diện của nó. Tuy nhiên, trường hợp sẽ khác, khi các sự vật được gọi là “cũng là một”, không phải theo số, nhưng theo giống hoặc theo loại. Như thế, Boèce đồng hóa các sự tương quan của Thiên Chúa với tương quan của đồng-nhất-tính, không phải theo tất cả mọi phương diện, nhưng chỉ theo điều này là bản thể không được làm cho có nhiều thứ do các tương quan này, cũng không do tương quan của đồng nhất tính. 3. Dầu thụ tạo phát xuất từ Thiên Chúa trong nhiều thứ bản tính khác nhau, Thiên Chúa ở ngoài trật tự này của tất cả các thụ tạo, và cũng không làm cho tương quan với thụ tạo phát xuất từ bản tính của Ngài; vì Ngài không tạo thành các thụ tạo do tất yếu-tính của bản tính Ngài, nhưng do trí năng và ý chí, như đã giải thích trước (Q.14, a.8; q.19, a.4) Bởi đó, không có tương quan thực tại nào trong Thiên Chúa đối với các thụ tạo; còn trong các thụ tạo, thì có tương quan thực tại đối với Thiên Chúa; bởi vì các thụ tạo được chứa đựng trong trật tự của Thiên Chúa, và bản tính thật sự của chúng sinh ra lệ thuộc vào Thiên Chúa. Đàng khác, các sự phát xuất trong Thiên Chúa ở trong cũng một bản tính duy nhất. Do đó, không có sự song song đối chiếu. 4. Các tương quan là những kết quả được gây ra trong các sự vật do hành động của trí năng mà thôi, chỉ là các tương quan luận-lý-học, vì trí năng xem xét chúng nó dường như hiện hữu giữa hai sự vật đã được hiểu biết. Còn các tương quan phát xuất bởi các hành động của trí năng và hiện hữu giữa lời nói phát xuất cách khả niệm và cái nguồn gốc mà nó phát xuất, thì không phải là các tương quan luận-lý-học thuần túy, nhưng là các tượng quan thực tại, bởi vì chính trí năng là sự vật thực tại có quan hệ với sự vật phát xuất do nó cách khả niệm, như một sự vật hữu hình có quan hệ với sự vật phát xuất do nó bằng cách hữu hình. Như vậy, tư cách Cha và tư cách Con là những tương quan thực tại trong Thiên Chúa.
Tiết 2 TƯƠNG QUAN TRỌNG THIÊN CHÚA CŨNG LÀ MỘT VỚI YẾU TÍNH THIÊN CHÚA KHÔNG?
VẤN NẠN : Có thể xem ra tương quan trong Thiên Chúa không cũng là một với yếu tính Thiên Chúa. 1. Thánh Augustinô nói : “Không phải tất cả cái gì được nói về Thiên Chúa, được nói về bản thể Ngài, vì chúng ta nói một vài điều cách tương đối, như Đức Chúa Cha đối với Đức Chúa Con. Mà các điều như thế không quan hệ với bản thể” (De Trin., 5,5). Vậy, tương quan không phải là yếu tính Thiên Chúa. 2. Thánh Augustinô nói : “Mỗi sự bày tỏ tương đối là một cái gì ở ngoài một tương quan đã được công nhận như ông chủ là người ta và người nô lệ là người ta” (De Trin. 7,1). Bởi đó, nếu các tương quan hiện hữu trong Thiên Chúa, phải có một cái gì khác ở ngoài tương quan trong Thiên Chúa, điều này chỉ có thể là yếu tính Thiên Chúa. Vậy yếu tính Thiên Chúa phân biệt với các tương quan của Ngài. 3. Sự hiện hữu của sự vật có tương quan là sự hiện hữu liên hệ với sự vật khác, như Triết gia nói (Cat., 7). Vậy nếu tương quan là yếu tính Thiên Chúa, sự hiện hữu của yếu tính Thiên Chúa cốt tại việc nó quy về sự vật khác. Mà điều đó không tương hợp với sự hoàn hảo của sự hiện hữu Thiên Chúa, là sự hiện hữu tột bậc thuần túy tuyệt đối và tự lập hữu (Q.3, a.4). Vậy tương quan không phải là yếu tính Thiên Chúa. TRÁI LẠI : Mỗi sự vật không phải là yếu tính Thiên Chúa, thì đó là thụ tạo. Mà tương quan thực tại trong Thiên Chúa, nếu nó không phải yếu tính Thiên Chúa, nó là thụ tạo, và nó không có thể đòi sự thờ phượng Thiên Chúa, trái ngược với điều được hát trong Kinh Tiền tụng : Chúng con tôn thờ Ba Ngôi riêng biệt, một bản thể duy nhất và một uy quyền như nhau. TRẢ LỜI : Người ta nói ông Gilbert de la Porrée sai lầm ở điều này (In De Trin., in De Praedicat. trium Pers., PL. 64,1309), và ông đã bỏ sự sai lầm này trong Công đồng Reims (cf. St. Barnard in Cant, Serm. 80). Vì ông đã nói các tương quan của Thiên Chúa có tính cách phụ hoặc được gắn vào ở bên Ngài. Để nhận thức sự sai lầm được trình bày ở đây, chúng ta phải nghiên cứu trong mỗi tùy thể trong 9 thứ tùy thể, có hai điều phải được chú ý. Điều một là bản tính thuộc mỗi tùy thể trong 9 tùy thể được coi là tùy thể, nghĩa là, trong trường hợp của tất cả chúng nó, sự hiện hữu của chúng nó “thì ở trong một chủ thể”; vì sự hiện hữu của một tùy thể là ở trong chủ thể. Điểm hai của sự chú ý, là bản tính riêng của mỗi tùy thể trong 9 thứ này. Trong 9 giống tùy thể này, ngoài tùy thể tương quan, như lượng và phẩm chất thì chính ý niệm của chúng nó là hiện hữu trong chủ thể, vì lượng được gọi là đơn vị đo lường bản thể, và phẩm chất là sự sắp đặt của bản thể. Nhưng ý niệm thật sự của tương quan không được nhận thức do nó quan hệ với sự vật mà nó ở trong đó, nhưng do nó có quan hệ một cái gì ở bên ngoài. Vậy, chính trong các thụ tạo, các tương quan nhận thấy là phụ và được gắn vào ở bên ngoài; vì chúng nó “tự mình hướng đến sự vật khác”. Còn nếu tương quan được coi là một tùy thể, thì nó ở trong một chủ thể, và có sự hiện hữu tùy thể trong chủ thể này. Gilbert de la Porrée đã xem xét tương quan theo thể cách một mà thôi. Nhưng bất cứ cái gì có sự hiện hữu tùy thể trong các thụ tạo, khi được đem về Thiên Chúa, có sự hiện hữu thuộc bản thể; vì không có tùy thể trong Thiên Chúa, bởi vì tất cả mọi sự vật trong Ngài là yếu tính Ngài. Vậy nếu người ta xem xét sự tương quan ở phương diện mà đối với các thụ tạo nó có sự hiện hữu tùy thể trong chủ thể, tương quan hiện hữu thực tại trong Thiên Chúa có sự hiện hữu của yếu tính Thiên Chúa bằng cách nó đồng nhất với yếu tính Ngài. Còn với tư cách là tương quan, nó không biểu thị quan hệ nào với yếu tính, song đúng hơn, nó có quan hệ với đối-lập-hữu của mình. Vậy điều này hiển hiện là tương quan thực tại hiện hữu trong Thiên Chúa thật sự đồng nhất với yếu tính Ngài, và chỉ phân biệt với nó theo sự xem xét của trí năng trong tư cách sự tương quan nói lên mối quan hệ với đối-lập-hữu của mình, trong khi quan hệ này không được biểu thị do từ ngữ yếu tính. Vậy rõ ràng trong Thiên Chúa tương quan và yếu tính không phân biệt nhau, nhưng đồng nhất và đơn nhất. GIẢI ĐÁP : 1. Các lời nói này của thánh Augustinô không có nghĩa là phủ định tư cách Cha hoặc tương quan nào khác trong Thiên Chúa, về sự hiện hữu của mình, đồng nhất với yếu tính Thiên Chúa; chúng nói từ cách Cha hoặc một tương quan nào khác đó, vì hiện hữu trong Thiên Chúa và được ứng dụng cho Thiên Chúa, không được chỉ về Ngài theo thể cách của bản thể, nghĩa là như một thực tại hiện hữu trong một chủ thể, nhưng với tính cách một tương quan. Như vậy, người ta nói được chỉ có hai phạm trù trong Thiên Chúa, tức là phạm trù bản thể và tương quan; bởi vì các phạm trù khác biểu thị tương quan với chủ thể của mình vừa theo thể hiện hữu, vừa ở trong bản tính giống thuộc hay loại thuộc; do đó cái gì hiện hữu trong Thiên Chúa thì không có chủ thể trong đó nó hiện hữu hay được quy về đó, cũng không có tương quan nào khác ngoài tương quan về đồng-nhất-tính do đơn-nhất-tính tộc bậc của Thiên Chúa. 2. Như tương quan hiện hữu trong các thụ tạo, không những chỉ có quan hệ với cái khác, mà còn có một cái gì tuyệt đối nào đó, thì với Thiên Chúa cũng vậy; nhưng không phải theo cũng một thể cách. Cái gì được chứa đựng trong thụ tạo, ở trên và vượt qua cái gì được chứa đựng trong ý nghĩa của tương quan, nó là cái gì khác ngoài tương quan này; còn ở trong Thiên Chúa, không có sự phân biệt; cả hai là đơn nhất và cũng là một thực tại; và điều này không được hoàn toàn biểu lộ bởi từ ngữ “tương quan”, vì thực tại duy nhất này không được bao gồm hết ý nghĩa của mình trong từ ngữ này. Vì khi nghiên cứu về các tên của Thiên Chúa, chúng ta đã giải thích điều được chứa đựng thì nhiều trong sự hoàn hảo của yếu tính Thiên Chúa, hơn là nó được biểu thị bởi một tên nào (Q.13, a.2). Vậy nếu trong Thiên Chúa cái tuyệt đối thêm vào cho cái tương đối, không phải là một thực tại khác, nhưng là cái gì được biểu thị của một tên này làm đầy đủ cái gì được biểu thị bởi một tên khác. 3. Nếu trong sự hoàn hảo của Thiên Chúa chỉ chứa đựng cái gì được biểu thị bởi các tên tương đối, thì sự hiện hữu của Thiên Chúa bất hoàn hảo, vì như vậy sự hiện hữu Ngài có quan hệ với sự vật khác; nếu trong sự hoàn hảo của Thiên Chúa không được chứa đựng cái gì hơn điều được biểu thị bởi tên “khôn ngoan”, thì sự hiện hữu, trong trường hợp này, không phải là cái gì lập hữu. Nhưng bởi vì sự hoàn hảo của yếu tính Thiên Chúa to lớn đến nỗi không có thể được bao gồm trong một tên nào; do đó, nếu từ ngữ tương đối hoặc một tên nào khác được ứng dụng cho Thiên Chúa, biểu thị một cái gì bất hoàn hảo, thì yếu tính Thiên Chúa không “bất hoàn hảo” một cách nào, vì yếu tính Thiên Chúa bao hàm trong chính mình sự hoàn hảo của mọi giống (Q.4, a.2).
Tiết 3 CÁC TƯƠNG QUAN TRỌNG THIÊN CHÚA THẬT SỰ PHÂN BIỆT NHAU KHÔNG?
VẤN NẠN : Có thể xem ra các tương quan của Thiên Chúa không thật sự phân biệt nhau. 1. Các sự vật được đồng-nhất-hóa với cùng một sự vật, thì đồng-nhất-hóa với nhau. Mà mỗi tương quan trọng Thiên Chúa thật sự cũng là một với yếu tính Thiên Chúa. Vậy, các tương quan không thật sự phân biệt nhau. 2. Như tư cách Cha và tư cách Con, do cái tên, phân biệt với yếu tính Thiên Chúa, thì thiện tính và năng lực của Thiên Chúa cũng vậy. Mà loại phân biệt này không làm cho có sự phân biệt thực tại về thiện tính và năng lực của Thiên Chúa. Vậy, cũng không làm cho sự phân biệt thực tại về tư cách Cha và tư cách Con. 3. Trong Thiên Chúa không có sự phân biệt thực tại nào ngoài sự phân biệt về nguồn gốc. Mà tương quan này xem ra không phải do tương quan kia mà có. Vậy, các tương quan không thật sự phân biệt nhau. TRÁI LẠI : Boèce nói : “Trong Thiên Chúa, bản thể chứa đựng đơn-nhất-tính; và tương quan nhân lên nhiều các Ngôi Vị” (De Trin., 6). Vậy, giả như các tương quan không thật sự phân biệt nhau, hẳn không có ba Ngôi Vị thực tại trong Thiên Chúa, nhưng chỉ có ba Ngôi Vị luận-lý-học : đây là sự sai lầm của Sabellius (St. Augustin, De Haeres., 41). TRẢ LỜI : Sự chỉ một cái gì về cho một sự vật khác, có sự chỉ một cái gì được chứa đựng trong sự vật này. Vậy, khi từ ngữ “người ta” được chỉ về cho người nào, thì bản tính có trí năng được chỉ về cho người ấy. Tuy nhiên, ý tưởng về tương quan, một cách tất yếu, biểu thị quan hệ của người này đối với người kia, tùy theo người này tương đối đối lập với người kia. Vậy, như trong Thiên Chúa, có tương quan thực tại, thì cũng phải có sự đối lập thực tại. Bản tính đích thực của tương quan bao hàm sự phân biệt. Do đó, phải có sự phân biệt trong Thiên Chúa, thật sự không tùy theo sự vật tuyệt đối, tức là yếu tính, vì trong yếu tính có sự đơn-nhất-tính và đơn-giản-tính tột bậc; những tùy theo thực tại tương đối. GIẢI ĐÁP : 1. Theo Triết gia, chứng cứ này, tức là, chứng cứ “bất cứ những sự vật nào đồng-nhất-hóa với cùng một sự vật thì đồng-nhất-hóa với nhau”, đứng vững, nếu đồng nhất-tính là thực tại và luận-lý-học, như thí dụ, áo sơ mi và quần áo; nhưng không đứng vững, nếu các sự vật chỉ phân biệt nhaucách luận-lý-học (Phys., 3,3). Do đó, cũng ở đấy, Triết gia nói : dầu hành động cũng là một với sự động, và sự thụ động cũng vậy; không do đó mà hành động và sự thụ động cũng là một, bởi vì sự hành động bao hàm quan hệ với một sự vật nào mà do đó có sự động trong sự vật bị động; còn sự thụ động bao hàm quan hệ với một sự vật hiện hữu bởi sự vật khác. Cũng vậy, dầu tư cách Cha, như tư cách Con, thật sự cũng là một với yếu tính; tuy nhiên, hai tư cách này, trong ý niệm và định nghĩa riêng của mình, thì nói lên những tương quan đối lập nhau. 2. Năng lực và thiện tính không biểu thị sự đối lập nào trong các bản tính riêng của mình; và do đó, không có chứng cứ song song. 3. Dầu các tương quan, nói cách chính xác, không đi ra hoặc phát xuất từ lẫn nhau; tuy nhiên, chúng nó được coi như đối lập nhau tùy theo sự phát xuất của một cái gì bởi một nguyên lý.
Tiết 4 PHẢI CHĂNG TRONG THIÊN CHÚA CÓ 4 TƯƠNG QUAN THỰC TẠI : TƯ CÁCH CHA, TƯ CÁCH CON, XUY PHÁT VÀ SỰ PHÁT XUẤT?
VẤN NẠN : Có thể xem ra trong Thiên Chúa, không chỉ có 4 tương quan thực tại : Tư cách Cha, tư cách Con, xuy phát và sự phát xuất mà thôi. 1. Phải xét xem trong Thiên Chúa hiện hữu các tương quan của trí năng với đối tượng được hiểu biết và của ý chí đối với đối tượng được muốn; các tương quan này là những tương quan thực tại không được bao gồm trong các tương quan đã kể trên. Bởi đó, không phải chỉ có 4 tương quanthực tại trong Thiên Chúa mà thôi. 2. Các tương quan thực tại trong Thiên Chúa đã được hiểu biết xuất hiện từ sự phát xuất khả niệm của Ngôi Lời. Nhưng các tương quan khả niệm được nhân lên nhiều vô cùng, như Avicena nói (Metaph.. 3.1.10). Vậy trong Thiên Chúa hiện hữu những hàng vô cùng các tương quan thực tại. 3. Các ý tưởng trong Thiên Chúa thì vĩnh cửu (Q.15, a.2); và chỉ phân biệt nhau bởi lý do tương quan của chúng nó với các sự vật, như đã nói trước. Vậy trong Thiên Chúa, có nhiều tương quan vĩnh cửu hơn. 4. Sự bằng nhau, sự tương tự, và đồng nhất-tính là những tương quan : và chúng nó ở trong Thiên Chúa, từ vĩnh cửu. Vậy, có nhiều tương quan vĩnh cửu trong Thiên Chúa hơn các tương quan đã kể ở trước. 5. Có thể nói ngược lại, là trong Thiên Chúa có ít tương quan hơn đã được kể tên ở trước. Vì, theo Triết gia, con đường từ thành Nhã Điển đến thành Thêba cũng là một với con đường từ Thêba đến thành Nhã Điển (Phys., 3.3). Con đường lý luận cũng vậy, có cũng một tương quan từ Cha đến Con (tương quan phụ tử) và từ con đến Cha (tương quan tử phụ) và như vậy, không có bốn tương quan trong Thiên Chúa. TRẢ LỜI : Theo Triết gia, mỗi tương quan căn cứ hoặc là trên lượng, như gấp hai và một nửa, hoặc trên hành động và thụ động, như người làm và việc làm, cha và con, chủ và đầy tớ, và những tương tự (Metaph., 4,15). Nhưng không có lượng trong Thiên Chúa, vì Ngài vĩ đại không có lượng, như thánh Augustinô nói (Contra Epist., Munich., 15); do đó mà tương quan thực tại trong Thiên Chúa chỉ được căn cứ trên hành động mà thôi. Các tương quan thể ấy không căn cứ trên hành động của Thiên Chúa tùy theo một sự xuất phát bên ngoài nào, bởi vì các tương quan của Thiên Chúa với các thụ tạo không phải là những tương quan thực tại trong Thiên Chúa (Q.13, a.7). Vậy, do đó mà các tương quan thực tại trong Thiên Chúa chỉ được hiểu biết mà thôi trong quan hệ với các hành động mà theo các hành động, thì có những sự phát xuất trong Thiên Chúa, những sự phát xuất thuộc bên trong, chứ không phải bên ngoài. Các sự phát xuất này chỉ có hai, như đã trình bày trước (Q.27, a.7). Phát xuất thứ nhất, đi ra từ hành động của trí năng, sự phát xuất của Ngôi Lời; phát xuất thứ hai, đi ra từ hành động của ý chí, sự phát xuất của tình yêu. Quan hệ với một trong hai phát xuất này, thì hai tương quan đối lập xảy ra : một trong hai tương quan đối lập này là tương quan của Ngôi Vị phát xuất từ nguyên lý; tương quan hai, là tương quan của chính nguyên lý. Sự phát xuất của Ngôi Lời được gọi là sự sinh sản theo ý nghĩa chính xác của từ ngữ, nhờ đó, nó được ứng dụng cho các sinh vật. Nhưng tương quan của nguyên lý của sự sinh sản trong các sinh vật hoàn hảo được gọi là từ cách Cha; và tương quan của hữu thể phát xuất từ nguyên lý được gọi là từ cách Con. Nhưng sự phát xuất của tình yêu không có tên riêng thuộc về riêng của nó (Q.27, a.4), và như vậy, các tương quan do đó mà ra, cũng không có tên riêng thuộc riêng của mình. Tương quan của nguyên lý của sự phát xuất này được gọi là xuy phát và tương quan của Ngôi Vị phát xuất, được gọi là sự phát xuất; dầu hai tên này thuộc về các sự phát xuất hoặc chính các nguồn gốc, chứ không thuộc tương quan. GIẢI ĐÁP : 1. Trong các sự vật mà có sự phân biệt giữa trí năng và đối tượng của nó, giữa ý chí và đối tượng của nó, có thể có sự tương quan thực tại vừa cho sự tri thức và đối tượng của nó, vừa cho sự muốn và đối tượng được muốn. Tuy nhiên, trong Thiên Chúa, trí năng và đối tượng của nó là đơn nhất và đồng nhất. Bởi vì, rằng cách hiểu biết chính Ngài, Thiên Chúa hiểu biết tất cả mọi sự vật khác; và ứng dụng cùng một đường lối cho ý muốn của Thiên Chúa và đối tượng Ngài muốn. Do đó mà trong Thiên Chúa, các tương quan này không thực tại; như tương quan của một sự vật đối với chính nó, cũng không thực tại. Tuy nhiên, tương quan đối với Ngôi Lời, là một tương quan thực tại, bởi vì Ngôi Lời được hiểu biết là phát xuất do một hành động khả niệm, chứ không phải với tính cách một sự vật được hiểu biết : Vì khi chúng ta hiểu biết một hòn đá, điều mà trí năng ý niệm về sự vật đã hiểu biết, được gọi là lời nói. 2. Các tương quan khả niệm trong chính chúng ta, được nhân lên nhiều vô cùng; bởi vì người ta hiểu biết hòn đá bằng một hành động duy nhất, và nhờ một hành động khác, nó hiểu biết mình hiểu biết hòn đá này, và còn nhờ hành động khác nữa, nó hiểu mình hiểu biết điều này; như vậy, các hành động của sự hiểu biết được nhân lên vô cùng; và một cách hợp lý, các tương quan được hiểu biết cũng vậy. Điều này không ứng dụng cho Thiên Chúa, vì Ngài hiểu biết tất cả mọi sự vật bằng một hành động đơn nhất và duy nhất. 3. Các tương quan của các ý tưởng là đối tượng của sự hiểu biết của Thiên Chúa. Phức-số-tính của chúng không tạo nên số nhiều các tương quan trong Thiên Chúa, nhưng do đó Thiên Chúa hiểu biết tương quan. 4. Sự bằng nhau và sự tương tự trong Thiên Chúa, không phải là những tương quan thực tại, nhưng chỉ là những tương quan luận-lý-học như sẽ trình bày sau (Q.42,a.1,ad 1). 5. Con đường từ bên này đến bên kia và ngược lại, thì cũng là một; tuy nhiên, các tương quan hỗ tương không phải cũng là một. Do đó, chúng ta không được kết luận tương quan cha với con cũng một tương quan con với cha; nhưng chúng ta có thể kết luận điều này về một cái gì tuyệt đối được đặt ở giữa họ.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC