CÂU HỎI 33 NGÔI VỊ CỦA ĐỨC CHÚA CHA
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh
Giờ đây, chúng ta nghiên cứu các ngôi vị cách cá biệt; và trước tiên, ngôi vị của Đức Chúa Cha, đưa ra bốn điểm cần bàn : 1. Đức Chúa Cha có phải là nguyên lý không ? 2. Ngôi vị của Đức Chúa Cha được biểu thị cách chính xác bởi tên “cha” không ? 3. Tên “cha” trong Thiên Chúa, được nói cách ngôi vị, trước khi được nói cách yếu tính không ? 4. Phải chăng “không được sinh sản” chỉ thuộc về Đức Chúa Cha ?
Tiết 1 ĐỨC CHÚA CHA LÀ NGUYÊN LÝ, CÓ THÍCH HỢP KHÔNG ?
VẤN NẠN : Có thể xem ra Đức Chúa Cha không có thể được gọi là nguyên lý của Đức Chúa Con, hoặc của Đức Chúa Thánh Thần. 1. Theo Triết gia, nguyên lý và nguyên nhân cũng là một (Metaph. 3,2). Mà, chúng ta không nói Đức Chúa Cha là nguyên nhân của Đức Chúa Con. Vậy, chúng ta không nên nói Ngài là nguyên lý của Đức Chúa Con. 2. Một nguyên lý được gọi như vậy trong tương quan với sự vật đã được khởi đầu. Vậy nếu Đức Chúa Cha là nguyên lý của Đức Chúa Con, do đó mà Đức Chúa Con là ngôi vị đã được khởi đầu, tức là, Ngài đã được sáng tạo; điều này xem ra sai lầm. 3. Từ ngữ “nguyên lý” phát xuất do sự ưu tiên. Mà trong Thiên Chúa không có cái trước, cũng không có cái sau, như thánh Athanaxiô nói (cf. symb. “Quicumque” Denzinger, M.39). Vậy, khi nói về Thiên Chúa, chúng ta không được sử dụng từ ngữ “nguyên lý”. TRÁI LẠI : Thánh Augustinô nói : Đức Chúa Cha là nguyên lý của tất cả thiên tính (De Trin. 4,20). TRẢ LỜI : Từ ngữ “nguyên lý” chỉ biểu thị một cái gì mà do đó một sự vật khác phát xuất, bởi vì bất cứ cái gì mà do đó một sự vật khác phát xuất bất cứ cách nào thì được chúng ta gọi là nguyên lý; và ngược lại. Vậy, bởi vì Đức Chúa Cha là một Đấng mà do đó một Đấng khác phát xuất, do đó mà Đức Chúa Cha là nguyên lý. GIẢI ĐÁP : 1. Các người Hy lạp sử dụng các từ ngữ nguyên nhân và nguyên lý theo một thể cách khác nhau, khi nói về Thiên Chúa; còn các người Tiến sĩ La tinh không sử dụng từ ngữ “nguyên nhân” (causa), mà chỉ sử dụng từ ngữ nguyên lý (principium). Lý do là bởi vì từ ngữ nguyên lý là từ ngữ rộng nghĩa hơn từ ngữ nguyên nhân, như nguyên nhân chung hơn yếu tố (Elementum). Vì điểm thứ nhất của một sự vật, cũng như phần thứ nhất, được gọi là “nguyên lý”, chứ không được gọi là nguyên nhân. Nhưng từ ngữ càng rộng, nó càng thích hợp để được sử dụng đối với Thiên Chúa (Q.13, a.11), bởi vì các từ ngữ càng riêng biệt, thì chúng nó biểu thị thể cách thích hợp với các thụ tạo, bằng một thể cách xác định hơn. Do đó, từ ngữ nguyên nhân xem ra biểu thị tạp-đa-tính của bản thể và sự lệ thuộc của sự vật này vào sự vật khác; điều này không được bao hàm trong từ ngữ nguyên lý. Vì trong tất cả mọi thứ nguyên nhân, luôn luôn gặp được giữa nguyên nhân và hiệu quả, một khoảng cách về sự hoàn hảo hoặc về năng lực : còn chúng ta sử dụng từ ngữ nguyên lý ngay trong các sự vật không có sự dị biệt như thế, nhưng chỉ có một trật tự nào đó đối với nhau; như khi chúng ta nói một điểm là nguyên lý của một đường hoặc khi chúng ta cũng nói phần thứ nhất của một đường, là nguyên lý của con đường. 2. Thói quen của các người Hy-lạp, thì nói Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần được khởi đầu. Tuy nhiên, đây không phải là thói quen của các nhà Tiến sĩ của chúng ta. Bởi vì, mặc dầu chúng ta chỉ về Đức Chúa Cha một cái gì thuộc về quyền năng, nhưng chúng ta không chỉ một cái gì bị bắt buộc hoặc thuộc cấp dưới, về cho Đức Chúa Con, hoặc cho Đức Chúa Thánh Thần, để tránh cơ hội sai lầm. Về đường hướng này, thánh Hilariô nói : “Do quyền năng của người cho, Đức Chúa Cha lớn hơn; tuy nhiên, Đức Chúa Con không kém hơn, vì được ban cho đơn-nhất-tính của bản tính” (De Trin, 9). 3. Dầu từ ngữ nguyên lý, về gốc của nó bởi đâu mà ra, xem ra được lấy từ sự ưu tiên, nhưng nó không biểu thị sự ưu tiên, mà biểu thị nguồn gốc. Vì cái gì được biểu thị bởi một từ ngữ, và lý do tại sao một từ ngữ được đặt ra, thì không phải là cũng một sự vật, như đã nói trước (Q.13, a3, ad 2; a.8).
Tiết 2 TÊN “CHA” MỘT CÁCH ĐÍCH XÁC LÀ TÊN CỦA MỘT NGÔI VỊ THIÊN CHÚA KHÔNG?
VẤN NẠN : Có thể xem ra tên “Cha” không một cách chính xác là tên của một ngôi vị Thiên Chúa. 1. Tên cha biểu thị tương quan. Mà ngôi vị là một bản thể cá thể. Vậy, tên “Cha” một cách chính xác không phải là tên biểu thị một ngôi vị. 2. Người sinh đẻ chung hơn cha, vì tất cả mọi người cha là người sinh đẻ; chứ không ngược trở lại như vậy. Mà một từ ngữ càng chung, thì càng có thể được ứng dụng cho Thiên Chúa. Vậy, tên đích xác cho Ngôi vị của Thiên Chúa Cha, là kẻ sinh đẻ, là kẻ sinh sản, hơn là tên “Cha”. 3. Một từ ngữ ẩn dụ không có thể là tên đích xác cho người nào. Nhưng lời nói của trí năng chúng ta, một cách ẩn dụ, được gọi là được sinh đẻ, hoặc là con cái; và một cách hợp lý, người nào mà có lời nói thuộc về mình, thì được gọi là cha. Bởi đó, nguyên lý của Lời nói trong Thiên Chúa được gọi là cha theo thể cách không chính xác. 4. Mỗi sự vật được nói về Thiên Chúa cách chính xác, thì được nói về Thiên Chúa cách ưu tiên, và nói về các thụ tạo cách phụ thuộc. Mà sự sinh sản một cách rõ ràng được ứng dụng chung cho các thụ tạo trước Thiên Chúa, bởi vì sự sinh sản xem ra thật sự hơn, khi sự vật phát xuất, thì, không những về tương quan, mà còn về yếu tính, phân biệt với sự vật do đó nó phát xuất. Bởi đó, tên “Cha” được lấy ra bởi sự sinh sản, thì xem ra không là tên chính xác cho bất cứ ngôi vị nào trong Thiên Chúa. TRÁI LẠI : Đã có lời ghi chép : Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân phụ tôi” (Tv 88,27). TRẢ LỜI : Tên chính xác của bất cứ ngôi vị nào biểu thị điều mà nhờ đó ngôi vị này phân biệt với tất cả các ngôi vị khác. Vì như thân thể và linh hồn thuộc về bản tính nhân loại, thì cũng vậy, theo Triết gia, khái niệm về một người đặc thù này, bao gồm linh hồn này và thân thể này, như đã nói ở siêu hình học (Metaph. 6,11); và do các điểm đặc thù này, thì người đặc thù này được phân biệt với tất cả mọi người khác. Nhưng chính tư cách làm Cha phân biệt ngôi vị của Đức Chúa Cha với tất cả các ngôi vị khác. Do đó, tên “Cha”, biểu thị tư cách làm Cha, là tên thích đáng cho ngôi vị của Đức Chúa Cha. GIẢI ĐÁP : 1. Với chúng ta, tương quan không phải là ngôi vị lập hữu. Vậy từ “Cha”, đối với chúng ta, không biểu thị một ngôi vị, nhưng là một tương quan của một ngôi vị. Tuy nhiên, trong Thiên Chúa tương quan không phải như vậy, như một số người tư tưởng sai lầm; vì trong Thiên Chúa, tương quan được biểu thị bởi tên “Cha”, thì là một ngôi vị lập hữu. Do đó, như đã giải thích trước, tên “ngôi vị” trong Thiên Chúa, biểu thị một tương quan lập hữu trong bản tính của Thiên Chúa (Q.29, a.4). 2. Theo Triết gia, một sự vật được gọi tên một cách chủ yếu do sự hoàn hảo của mình, và do mục đích của mình (De An. 2,4). Nhưng, sự sinh sản biểu thị một sự vật nào đó, đang ở trong chuyển động được tạo thành, còn tư cách làm cha biểu thị sự sinh sản là một cái gì đã được hoàn thành; và do đó, tên “Cha” có tính cách biểu lộ hơn tên “kẻ sinh sản” và “kẻ sinh đẻ”. 3. Trong bản tính nhân loại, lời nói không phải là cái gì lập hữu, và do đó, lời nói không được gọi một cách chính xác là kẻ được sinh đẻ hoặc là con. Nhưng lời nói của Thiên Chúa là cái gì lập hữu trong bản tính Thiên Chúa; và do đó, Ngài được gọi là Con cách chính xác, chứ không phải cách ẩn dụ; và nguyên lý của Ngài, được gọi là “Cha”. 4. Các từ ngữ “sinh sản” và tư cách làm cha, tương tự với các từ ngữ khác được ứng dụng về Thiên Chúa cách chính xác, thì được nói về Thiên Chúa trước khi được nói về các thụ tạo, theo sự vật được biểu thị, chứ không phải theo thể cách biểu thị. Do đó, chính thánh Phaolô cũng nói : “Vì thế, tôi quì gối trước mặt Chúa, là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất” (Ep 3,14). Điều này được giải thích như vậy. Rõ ràng là sự sinh sản lãnh nhận cái loại của mình do đích điểm của mình, tức là, do mô thể của sự vật được sinh sản; mà đích điểm này càng tương tự với mô thể của kẻ sinh sản, thì sự sinh sản càng thật và càng hoàn hảo; như sự sinh sản đơn nghĩa thì hoàn hảo hơn sự sinh sản không đơn nghĩa, vì điều thuộc về yếu tính của kẻ sinh sản, là sinh sản cái tương tự với mình trong mô thể. Do đó, sự kiện thực tại, là trong sự sinh sản của Thiên Chúa, mô thể của Đấng sinh sản và Đấng được sinh sản là cũng một theo số, còn trong các thụ tạo, sự sinh sản không cũng một theo số, nhưng chỉ theo loại, thì bày tỏ sự sinh sản, và do đó, tư cách làm cha, được ứng dụng cho Thiên Chúa trước khi cho các thụ tạo. Bởi đó, sự kiện thực sự trong Thiên Chúa, hiện hữu sự phân biệt của Đấng được sinh sản với Đấng sinh sản, về sự tương quan mà thôi, thì thuộc về sự thật của sự sinh sản trong Thiên Chúa và tư cách làm cha.
Tiết 3 TÊN “CHA” MỘT CÁCH ƯU TIÊN ĐƯỢC ỨNG DỤNG CHO THIÊN CHÚA VỚI TÍNH CÁCH LÀ MỘT TÊN THUỘC VỀ NGÔI VỊ KHÔNG?
VẤN NẠN : Có thể xem ra tên “Cha” không được ứng dụng cho Thiên Chúa với tính cách là một tên thuộc về ngôi vị bằng một thể cách ưu tiên. 1. Với trí năng chúng ta, cái chung đi trước cái riêng. Nhưng tên “Cha”, với tính cách là một tên thuộc ngôi vị, thì thuộc về ngôi vị Thiên Chúa Cha và được sử dụng theo ý nghĩa thuộc yếu tính, thì nó chung cho toàn thể Ba ngôi, vì chúng ta nói “Cha chúng tôi” cho toàn thể Ba ngôi. Bởi đó, Cha trước tiên đến với tính cách một tên thuộc về yếu tính, trước khi đến với ý nghĩa thuộc về ngôi vị. 2. Trong các sự vật có ý niệm như nhau, thì không có ưu tiên về sự được thích dụng. Nhưng tư cách là cha và tư cách là con xem ra thuộc về cùng một bản tính theo điều một ngôi vị Thiên Chúa là Cha của Đức Chúa Con, và toàn thể Ba ngôi là Cha của chúng ta, tức là Cha của thụ tạo; vì, theo thánh Basiliô (Hom. 15, De Fide), việc lãnh nhận sự hiện hữu là chung cho các thụ tạo và cho Đức Chúa Con. Bởi đó, tên Cha trong Thiên Chúa được sử dụng với tính cách một tên thuộc yếu tính trước khi được sử dụng các ngôi vị. 3. Không có thể so sánh các sự vật không có cùng một ý niệm chung. Nhưng Đức Chúa Con được so sánh với thụ tạo, vì lý do tư cách là con hoặc sự sinh sản, theo thư gởi cho giáo đoàn Côlôsê : “Đức Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình và là Anh trưởng của mọi loài thụ tạo” (CI 1,15). Bởi đó, tư cách làm Cha được sử dụng theo ý nghĩa thuộc về ngôi vị, thì không được sử dụng trước theo ý nghĩa thuộc về yếu tính, dầu theo hai ý nghĩa này, nó cùng có cũng một ý niệm. TRÁI LẠI : Cái gì vĩnh cửu, thì có trước cái thuộc về thời gian. Nhưng Thiên Chúa là Cha của Đức Chúa Con từ vĩnh cửu; đang khi Ngài là Cha của các thụ tạo trong thời gian. Do đó, tư-cách-làm-cha trong Thiên Chúa được sử dụng theo ý nghĩa thuộc ngôi vị đối với Đức Chúa Con, trước khi nó được sử dụng như vậy đối với thụ tạo. TRẢ LỜI : Một tên được ứng dụng cho một sự vật, bao hàm cách nguyên vẹn hoàn toàn sự biểu thị của mình trước khi được ứng dụng cho sự vật chỉ bao hàm một phần sự biểu thị của mình; vì sự vật sau mang tên này vì lý do một thứ tương tự nào đó đối với sự vật một cách hoàn toàn đáp lại sự biểu thị của tên này, vì tất cả mọi sự vật bất hoàn hảo được lấy ra từ các sự vật hoàn hảo. Do đó, tên “sư tử” được ứng dụng trước tiên cho con vật chứa đựng nguyên vẹn bản tính của con sư tử, và con vật này được gọi như vậy một cách chính xác; trước khi tên này được ứng dụng cho một người bày tỏ một cái gì thuộc về bản tính của sư tử, như sự can đảm, hoặc sức mạnh, hoặc các sự tương tự; vì được nói về người ta theo thể cách tương tự. Nhưng do nhiều điều đã được trình bày trước, thì thấy được rõ ràng ý tưởng hoàn hảo về tư cách làm cha và về tư cách làm con, phải được gặp trong Thiên-Chúa-Cha và trong Thiên-Chúa-Con; bởi vì bản tính và vinh quang của Đức Chúa Cha và của Đức Chúa Con là đồng nhất (Q.27, a.2; q.28, a.4). Nhưng trong thụ tạo, tư-cách-làm-con được gặp thấy trong tương quan với Thiên Chúa, không theo thể cách hoàn hảo, bởi vì Đấng sáng tạo và thụ tạo không có cùng một bản tính, nhưng theo thể cách một tương tự nào, mà thể cách tương tự này càng hoàn hảo, thì chúng ta càng đến gần với bản tính thật của tư cách làm con. Vì Thiên Chúa được gọi là Cha của một số thụ tạo, chỉ vì lý do một dấu vết, thí dụ, dấu vết của các thụ tạo không có lý tính, theo Gióp, “Ai là Cha của mưa móc ? hoặc ai sinh ra các hạt sương ?” (G 38,28). Thiên Chúa được gọi là Cha vì lý do có sự tương tự với hình ảnh của Ngài, theo sách Đệ nhị luật “Ngài không phải là Cha đã sáng tạo ngươi sao? Ngài đã không tạo thành và gây dựng người sao ?” (Đnl 33,6). Và Thiên Chúa là Cha của các kẻ khác nữa, Ngài là Cha do sự tương tự về ân sủng, và các kẻ này cũng được gọi là những người con (nghĩa tử), được sắp đặt đến hưởng gia tài vinh quang vĩnh cửu nhờ vật tặng ấn sủng mà họ lãnhnhận, theo thư gửi giáo đoàn Rôma : “Chúa Thánh Thần minh chứng cho tâm trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Nếu là con, thì cũng là người thừa tự” (Rm 8,16-17). Cuối cùng, Thiên Chúa còn là Cha của những kẻ khác nữa do sự tương tự về vinh quang, vì họ đã chiếm hữu gia tài vinh quang, cũng trong thư gửi giáo đoàn Rôma “Chúng ta hãnh diện trước hy vọng được vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 5,2). Do đó, thấy được rõ ràng tư-cách-làm-cha, bằng cách ưu tiên, được ứng dụng cho Thiên Chúa, với tính cách biểu thị tương quan một ngôi vị đối với ngôi vị khác, trước khi nó biểu thị tương quan của Thiên Chúa đối với các thụ tạo. GIẢI ĐÁP : 1. Các từ ngữ chung, được sử dụng cách tuyệt đối đến trước các từ ngữ riêng theo trật tự của trí năng chúng ta, bởi vì chúng được bao gồm trong sự hiểu biết các từ ngữ riêng; nhưng không ngược lại. Vì ở ý niệm về ngôi vị Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa được hiểu biết; nhưng không ngược lại. Nhưng các từ ngữ chung biểu thị tương quan với thụ tạo đến sau các từ ngữ riêng biểu thị các tương quan thuộc các ngôi vị, bởi vì ngôi vị phát xuất trong Thiên Chúa, thì phát xuất với tính cách là nguyên lý của sự sản xuất các thụ tạo. Vì như lời nói được ý niệm trong trí năng của nhà mỹ thuật, thì được hiểu biết là phát xuất từ nhà mỹ thuật trước sự phát xuất của mỹ-thuật-phẩm, được sản xuất theo sự tương tự của lời nói đã được ý niệm trong trí năng của nhà mỹ thuật; cũng vậy Đức Chúa Con phát xuất do Đức Chúa Cha trước các thụ tạo, mà cái tên thuộc về tư-cách-làm-con, được ứng dụng cho thụ tạo, vì thụ tạo dự phần sự tương tự của Đức Chúa Con. Điều này được sáng tỏ do các lời đã ghi trong thư gửi giáo đoàn Rôma : “Những kẻ được Thiên Chúa tiền-tri-thức, thì cũng được Ngài tiền định nên giống hình ảnh Con của Ngài” (Rm 8,29). 2. Lãnh nhận được nói là chung cho thụ tạo và cho Đức Chúa Con, không phải theo thể cách đơn nghĩa, nhưng theo một sự tương tự nào đó, mà nhờ đó Ngài được gọi là Trưởng Tử trong các thụ tạo. Bởi đó, thể giá đã được dẫn chứng, thư Rôma nói tiếp : “Hầu Đức Chúa Con nên Trưởng Tử trong nhiều anh em” (Rm 8,29), sau khi nói rằng một số người đã nên tưởng tự với hình ảnh của Con Thiên Chúa. Nhưng Con Thiên Chúa chiếm hữu một vị trí đơn độc trên tất cả mọi kẻ khác, bằng cách do bản tính mà Ngài lãnh nhận, như thánh Basiliô cũng nói rõ ràng (Hom. 15, De Fide); do đó, Ngài được gọi là Con Một, Con Một ở trong lòng Thiên Chúa Cha, chính Con Một này đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta (Ga 1,18). Do sự giải đáp này, cũng được giải quyết cho vấn nạn 3.
Tiết 4 KHÔNG ĐƯỢC SINH SẢN LÀ ĐIỀU RIÊNG BIỆT CHO ĐỨC CHÚA CHA KHÔNG ?
VẤN NẠN : Có thể xem ra việc không được sinh sản không phải là riêng biệt cho Đức Chúa Cha. 1. Mỗi một đặc tính giả định một cái gì tích cực trong sự vật mà nó là đặc tính. Nhưng “không được sinh sản” không giả định sự gì trong Đức Chúa Cha; nó chỉ cất đi một cái gì. Vậy, nó không biểu thị một đặc tính trong Đức Chúa Cha 2. “Không được sinh sản” được hiểu biết hoặc theo ý nghĩa chỉ sự không có, hoặc theo ý nghĩa phủ định. Nếu theo ý nghĩa phủ định, thì bất cứ cái gì không được sinh sản, thì gọi là không được sinh sản. Nhưng Đức Chúa Thánh Trần không được sinh sản; yếu tính Thiên Chúa cũng không được sinh sản. Do đó, “không được sinh sản” cũng thuộc về yếu tính của Thiên Chúa; như vậy nó không phải là riêng biệt cho Đức Chúa Cha. Nhưng nếu theo ý nghĩa chỉ sự không có, bởi vì tất cả mọi tình trạng không có, biểu thị sự bất hoàn hảo trong sự vật bị tình trạng không có, thì do đó mà Ngôi vị của Đức Chúa Cha, là bất hoàn hảo; điều này không thể có. 3. Trong Thiên Chúa, “không được sinh sản” không phải là tương quan, vì nó không được sử dụng cách tương đối. Bởi đó, nó biểu thị bản thể, và do đó, không được sinh sản và được sinh sản phân biệt nhau trong bản thể. Nhưng Đức Chúa Con, là Đấng đã được sinh sản, không phân biệt với Đức Chúa Cha trong bản thể. Bởi đó, Đức Chúa Cha không phải được gọi là “không được sinh sản”. 4. Đặc tính biểu thị cái gì thuộc về một sự vật duy nhất mà thôi. Vậy, bởi vì trong Thiên Chúa, có hơn một Đấng phát xuất bởi Đấng khác, thì không có gì trở ngại việc nhiều Đấng lãnh nhận sự hiện hữu bởi Đấng khác. Bởi đó, Đức Chúa Cha không phải là Đấng không được sinh sản duy nhất. 5. Như Đức Chúa Cha là nguyên lý của Ngôi vị được sinh sản, thì cũng vậy, Ngài là nguyên lý của ngôi vị phát xuất. Vậy, nếu vì lý do Ngài đối lập với ngôi vị đã được sinh sản, mà chính xác Đức Chúa Cha không được sinh sản; do đó mà Ngài, một cách chính xác, cũng “là không phát xuất”. TRÁI LẠI : Thánh Hilariô nói : “Một đơn nhất thể phát xuất bởi một đơn nhất thể, nghĩa là Đấng được sinh sản phát xuất bởi Đấng không được sinh sản : Đấng này có sự không được sinh sản, Đấng kia có nguồn gốc” (De Trin. 4). TRẢ LỜI : Như ở các thụ tạo, có nguyên lý đệ nhất và nguyên lý đệ nhị, thì cũng vậy, trong các Ngôi vị Thiên Chúa không có trước không có sau, gặp thấy được nguyên lý không bởi một nguyên lý nào, đó là Đức Chúa Cha, và gặp được nguyên lý bởi nguyên lý, đó là Đức Chúa Con. Nhưng trong các vật thụ tạo, nguyên lý đệ nhất được tri thức theo hai thể cách. Theo thể cách một, nguyên lý độ nhất được tri thức bởi lý do nó có tương quan với điều phát xuất do chính mình; theo thể cách hai, nguyên lý để lệ nhất được tri thức bởi lý do nó không hiện hữu bởi nguyễn lý khác. Vậy Đức Chúa Cha cũng được tri thức vừa bởi tư-cách-làm-Cha, vừa bởi xuy phát chung trong tương quan với các ngôi vị phát xuất bởi Ngài. Nhưng Ngài là nguyên lý, chứ không phải Ngài bởi nguyên lý, nên Ngài được tri thức do sự kiện Ngài không hiện hữu bởi nguyên lý khác; và điều này thuộc về sự không thể được sinh sản, được biểu thị bởi từ ngữ “không được sinh sản”. GIẢI ĐÁP : 1. Một số người nói sự “Không thể được sinh sản”, được biểu thị bởi từ ngữ “Không được sinh sản”, với tính cách là một đặc tính của Đức Chúa Cha, không phải là một từ ngữ phủ định mà thôi, nhưng hoặc là nó biểu thị cả hai điều này chung với nhau, tức là Đức Chúa Cha không hiện hữu do một chủ thể nào, và Ngài là nguyên lý của các hữu thể khác Ngài hoặc có sự tác thành phổ quát hoặc có sự sung mãn là nguồn mạch của mọi hữu thể (Summa Aurea 1, tr.8, ch.5) Tuy nhiên, điều này xem ra không đúng sự thật, vì như vậy, sự không thể được sinh sản không phải là đặc tính phân biệt với tư-cách-làm-Cha và xuy phát, nhưng hẳn bao hàm chúng như cái riêng biệt bao hàm cái chung. Vì nguồn mạch và sự tác thành không biểu thị trong Thiên Chúa một cái gì ngoài nguyên lý về nguồn gốc. Bởi đó, chúng ta phải nói với thánh Augustinô rằng : “Không được sinh sản” biểu thị sự phủ định sự sinh sản thụ động (De Trin. 5,17). Vì ông nói không được sinh sản có cùng một ý nghĩa như không-phải-là-con. Và không do đó mà “không được sinh sản” không phải là ý niệm chính xác về Đức Chúa Cha; vì các sự vật đệ nhất và đơn giản thì được tri thức nhờ các sự phủ định như, thí dụ, một điểm được định nghĩa là một cái gì không có phần. 2. Không được sinh sản đôi khi được sử dụng theo ý nghĩa phủ định mà thôi; và theo ý nghĩa này, thánh Giêrônimô nói Đức Chúa Thánh Thần không được sinh sản (cf. Pierre Lombard, Seul, 1.13). Vậy không được sinh sản cũng có thể được sử dụng theo một thứ ý nghĩa về tình trạng không có, dầu không với tính cách bao hàm sự bất hoàn hảo. Vì tình trạng không có thể được sử dụng theo nhiều thể cách. Theo thể cách một, khi một sự vật, theo bản tính, không có điều thuộc về sự vật khác, mặc dầu theo bản tính, nó không có điều đó. Như, thí dụ, nếu một hòn đá được gọi là một sự vật chết với tính cách nó không chiếm hữu sự sống, mà sự sống, theo bản tính, thuộc về các sự vật khác. Theo thể cách hai, tình trạng không có được gọi như thế, khi một sự vật, không có điều thuộc về một số sự vật trong giống của nó; thí dụ, người ta nói con chuột chũi mù. Theo thể cách ba, tình trạngkhông có biểu thị sự vắng mặt của cái gì mà một sự vật phải có; theo thể cách này, tình trạng không có biểu thị sự bất hoàn toàn. Theo ý nghĩa này, “không được sinh sản” không được chỉ về cho Đức Chúa Cha với tính cách là tình trạng không có; nhưng như vậy, có thể chỉ về cho Đức Chúa Cha theo ý nghĩa hai, biểu thị một ngôi vị nào đó thuộc về bản tính Thiên Chúa, không được sinh sản, đang khi một ngôi vị nào đó cũng thuộc về một bản tính duy nhất, thì được sinh sản. Tuy nhiên, theo ý nghĩa này, từ ngữ không được sinh sản có thể được ứng dụng cho Đức Chúa Thánh Thần. Do đó, nếu người ta coi nó là từ ngữ riêng biệt cho Đức Chúa Cha duy nhất, thì phải hiểu biết một cách rộng hơn, phải hiểu biết đó là tên không được sinh sản thuộc về một ngôi vị Thiên Chúa với tính cách là nguyên lý của ngôi vị khác; như vậy, phải hiểu tên này nói lên sự phủ định trong loại nguyên lý được sử dụng trong Thiên Chúa với tính cách ngôi vị. Hoặc nói cách khác, chúng ta phải hiểu trong từ ngữ không được sinh sản, Đức Chúa Cha hoàn toàn không hiện hữu bằng một thể cách nào bởi hữu thể khác, chứ không phải là không hiện hữu bởi hữu thể khác chỉ do sự sinh sản mà thôi. Theo ý nghĩa này, từ ngữ không được sinh sản không một thể cách nào thuộc về Đức Chúa Thánh Thần, là Đấng hiện hữu bởi hữu thể khác do sự phát xuất và với tính cách là một ngôi vị lập hữu; nó cũng không thuộc về yếu tính Thiên Chúa là yếu tính ở trong Đức Chúa Con hoặc ở trong Đức Chúa Thánh Thần, thì hiện hữu do ngôi vị khác, tức là, do Đức Chúa Cha 3. Theo thánh Damascenô, từ ngữ “không được sinh sản” theo một ý nghĩa thì biểu thị một điều như từ ngữ “không được sáng tạo” (De Fide Orth 1,8); và như vậy nó được ứng dụng cho bản thể, và do đó, bản thể thụ tạo phân biệt với bản thể không được sáng tạo. Theo ý nghĩa khác, nó biểu thị cái gì không được sinh sản, và theo ý nghĩa này, nó là một từ ngữ tương đối; như sự phủ định được qui về giống khẳng định, như không người ta được qui về giống bản thể, và không trắng được qui về giống phẩm chất. Do đó, bởi vì “được sinh sản” bao hàm tương quan, thì không được sinh sản” cũng thuộc về tương quan. Như vậy, không do đó mà Thiên Chúa Cha “không được sinh sản” được phản biệt cách bản thể với Đức Chúa Con, nhưng chỉ phân biệt do tương quan; nghĩa là, vì tương quan của Đức Chúa Con được phủ định về Đức Chúa Cha. 4. Trong mỗi giống, phải có cái gì thứ nhất; vậy trong bản tính Thiên Chúa, phải có một nguyên lý nào, mà nguyên lý này không hiện hữu do nguyên lý khác, và chúng ta gọi nguyên lý này là không được sinh sản. Thừa nhận có hai hữu thể không thể được sinh sản, là giả thiết có hai Thiên Chúa, và hai bản tính Thiên Chúa. Do đó, thánh Hilariô nói : Vì chỉ có một Thiên Chúa, thì không thể có hai hữu thể “không thể được sinh sản” (De Synod. PL. 10,5,21). Nhất là bởi vì, giả như hiện hữu hai hữu thể “không thể được sinh sản”, thì trong hai hữu thể, hữu thể này không hiện hữu bởi hữu thể kia, và cả hai không phân biệt nhau do sự đối lập tương đối : bởi đó, cả hai phân biệt nhau bằng tạp-đa tính của bản tính. 5. Đặc tính của Đức Chúa Cha, nhờ đó mà Ngài không hiện hữu bởi hữu thể khác, thì được biểu thị cách rõ ràng hơn do bỏ đi sự sinh sản của Đức Chúa Con, hơn là do bỏ đi sự phát xuất của Đức Chúa Thánh Thần; phần thì bởi vì sự phát xuất của Đức Chúa Thánh Thần không có tên riêng biệt, như đã trình bày trước (Q.27, a.4 ad 3); phần thì theo trật tự của bản tính, sự phát xuất của Đức Chúa Thánh Thần tiền-giả định sự sinh sản của Đức Chúa Con. Do đó, một khi phủ định Đức Chúa Cha không được sinh sản, thì, mặc dầu Ngài là nguyên lý của sự sinh sản, vẫn một cách hợp lý. Ngài không phát xuất do sự phát xuất của Đức Chúa Thánh Thần, vì Đức Chúa Thánh Thần không phải là nguyên lý của sự sinh sản, nhưng Ngài phát xuất bởi ngôi vị đã được sinh sản.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC