Triết học tôn giáo

Câu hỏi 36. Ngôi vị của Đức Chúa Thánh Thần

 

CÂU HỎI 36

NGÔI VỊ

CỦA ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

 


Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Bây giờ, chúng ta thảo luận những điều thuộc về Đức Chúa Thánh Thần là Đấng được gọi không những là Đức Chúa Thánh Thần, mà còn là Tình Yêu và Ân Huệ của Thiên Chúa.

Về tên của Chúa Thánh Thần, chúng ta có 4 điểm cần bàn :

1. Tên “Đức Chúa Thánh Thần” là riêng biệt của ngôi vị Thiên Chúa nào không?

2. Ngôi vị Thiên Chúa, được gọi là Chúa Thánh Thần, phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không ?

3. Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha, nhờ Đức Chúa Con không ?

4. Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý duy nhất của Đức Chúa Thánh Thần không ?

 

Tiết 1

TÊN “ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN” LÀ TÊN RIÊNG BIỆT

CỦA NGÔI VỊ THIÊN CHÚA NÀO KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra tên “Thánh Thần” không phải là tên riêng biệt của ngôi vị Thiên Chúa nào.

1. Không tên nào chung cho Ngôi vị, mà là tên riêng biệt cho bất cứ một Ngôi vị nào. Nhưng tên “Thánh Thần” chung cho ba Ngôi vị; vì thánh Hilariô (De Trin. 8,8) trình bày Thánh Thần Thiên Chúa đội khi có nghĩa là Đức Chúa Cha, như lời nói của tiền tri Isaia (Is 11,1): Thánh Thần Thiên Chúa ngự trên tôi. Thánh Thần Thiên Chúa đôi khi có nghĩa là Đức Chúa Con, như khi Đức Chúa Con nói : “Trong Thánh Thần Thiên Chúa, Ta trừ quỉ” (Mt 12,28), bày tỏ Ngài trừ quỉ do năng lực tự nhiên của Ngài; và đôi khi Thánh Thần Thiên Chúa có nghĩa là Đức Chúa Thánh Thần, như lời tiên tri Giôen (Ge 2,28) : “Ta sẽ đổ Thánh Thần Ta trên mọi người”. Vậy tên “Thánh Thần” không phải là tên riêng biệt của một ngôi vị Thiên Chúa.

2. Các tên của các ngôi vị Thiên Chúa là những từ ngữ tương đối, theo Boèce nói (De Trin. 5). Nhưng tên Thánh Thần không phải là từ ngữ tương đối. Bởi đó, tên này không phải là tên riêng biệt của một ngôi vị Thiên Chúa.

3. Vì Đức Chúa Con là tên của một Ngôi vị Thiên Chúa, Ngài không có thể được gọi là Con của hữu thể này hoặc của hữu thể kia. Nhưng Thần được nói về người này hoặc người kia, như rõ ràng trong lời Kinh thánh : “Thiên Chúa phán cùng Mô-sê : Ta sẽ lấy Thần của ngươi mà trao cho họ” (Ds 11,17); và lời Thần của tiên tri Êlia lưu lại trên tiên tri Êlisê (2 V 2,15). Bởi đó, Thánh Thần xem ra không phải là tên biêng biệt của một ngôi vị Thiên Chúa.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : Có Ba Đấng làm chứng : Cha, Lời và Thánh Thần (1 Ga 5,7). Và thánh Augustinô nói : “Khi chúng ta hỏi, ba cái gì ? thì chúng ta nói : Ba Ngôi vị” (De Trin. 7,4; 5,9). Bởi đó, Chúa Thánh Thần là tên của một Ngôi vị Thiên Chúa.

TRẢ LỜI :

Đang khi có hai sự phát xuất trong Thiên Chúa, thì một trong hai phát xuất, tức là, sự phát xuất của tình yêu, thì không có tên riêng biệt của nó, như đã nói trước (Q.27, a.4, ad 3). Do đó, các tương quan có do sự phát xuất này, cũng không có tên (Q.28, a.4). Vì lý do này. Ngôi vị phát xuất theo thể cách ấy, không có tên riêng biệt. Nhưng, bởi vì một vài tên được làm cho thích hợp bởi cách thức thông dụng nói để biểu thị các tương quan đã nói trước, như khi chúng ta sử dụng các tên “phát xuất” và “xuy phát”, mà các tên này, theo sát nghĩa, thì một cách thích hợp hơn, biểu thị các hành động ý niệm hơn là các tương quan; bởi vậy, để biểu thị Ngôi vị Thiên Chúa phát xuất theo thể cách tình yêu, tên “Chúa Thánh Thần” do ngôn ngữ của Kinh thánh đã được làm thích hợp với Ngài. Sự làm cho thích hợp của tên này có thể được bày tỏ theo hai thể cách. Thể cách một, do sự kiện Ngôi vị được gọi là Chúa Thánh Thần, có một cái gì chung với các Ngôi vị khác. Vì, theo lời nói của thánh Augustinô : “Chúa Thánh Thần chung cho cả hai Ngôi vị, Ngài được gọi cách riêng biệt bằng một tên mà hai Ngôi vị khác được gọi là cách chung. Vì Đức Chúa Cha là Thần, Đức Chúa Con là Thần và Đức Chúa Cha là Thánh, Đức Chúa Con là Thánh” (De Trin. 15,19). Thể cách hai, do ý nghĩa riêng biệt của tên này. Vì thần dịch bởi tiếng La tinh Spiritus; spiritus biểu thị sự xúc động và sự chuyển động; vì chúng ta gọi hơi thở và gió bằng từ ngữ spiritus (khí). Nhưng đó là đặc tính của tình yêu, là xúc động và thúc giục ý chí của người yêu đối với đối tượng được yêu. Hơn nữa, sự thánh thiện được chỉ về cho bất cứ sự gì được sắp đặt trong trật tự với Thiên Chúa. Bởi đó, vì Ngôi vị này phát xuất theo thể cách tình yêu mà do đó Thiên Chúa được yêu mến, thì Ngôi vị này, một cách rất riêng biệt được gọi là Thánh Thần (Sanctus Spiritus).

GIẢI ĐÁP :

1. Từ ngữ “Thánh Thần”, nếu được sử dụng với tính cách là hai từ, thì có thể được ứng dụng cho toàn thể Ba Ngôi; vì do từ Thần (Spiritus), vô-chất-tính của bản thể Thiên Chúa được biểu thị; đang khi thần hữu hình hay hơi thở không có thể được trông thấy, nhưng có chất thể chút ít. Do đó, chúng ta ứng dụng từ ngữ thần cho tất cả các bản thể vô chất và không thể trông thấy được. Và thêm từ Thánh vào, chúng ta bày tỏ sự trong sạch của thiện tính Thiên Chúa. Nhưng nếu Thánh Thần được sử dụng với tính cách là một từ duy nhất, thì theo sự thông dụng trong Hội thánh được thích nghi để biểu thị một trong ba Ngôi vị phát xuất theo thể cách tình yêu, vì lý do đã trình bày trước.

2. Mặc dầu tên “Thánh Thần” không bày tỏ tương quan nhưng nó thay thế một từ ngữ tương đối, vì nó được thích nghi để biểu thị một Ngôi vị phân biệt với hai Ngôi vị khác bằng tương quan mà thôi. Mà tên này có thể được hiểu biết với tính cách bao hàm tương quan, nếu chúng ta hiểu biết Thánh Thần với tính cách có nghĩa là Đấng được “xuy phát” [spiratus].

3. Trong tên “Con”, chúng ta chỉ hiểu biết tương quan của vật bởi nguyên lý và hướng về nguyên lý; nhưng trong tên “Cha”, thị hiểu biết được tượng quan của nguyên lý; và cũng vậy, trong tên “Thần”, chúng ta hiểu biết một năng lực chuyển động. Nhưng không thụ tạo nào, theo yếu tính, có thể là nguyên lý trong tương quan với Ngôi vị Thiên Chúa nào; mà có sự ngược trở lại. Bởi đó, chúng ta có thể nói Đức Chúa Cha của chúng tôi, Đức Chúa Thánh Thần của chúng tôi; nhưng chúng ta không thể nói Đức Chúa Con của chúng tôi.

 

Tiết 2

ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

PHÁT XUẤT BỞI ĐỨC CHÚA CON KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra Đức Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Con.

1. Denys nói : “Chúng ta không nên nói sự gì về thiên tính bản thể ngoài điều đã được Thiên Chúa biểu lộ cho chúng ta trong Kinh thánh” (De Div. Nom. 1,1). Những trong Kinh thánh, chúng ta không được dạy cho biết Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Con, nhưng chỉ biết Ngài phátxuất bởi Đức Chúa Cha, như ta thấy trong Phúc âm thánh Gioan : “Thần Chân lý, Đấng phát xuất bởi Đức Chúa Cha” (Ga 15,26). Bởi đó, Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Con.

2. Trong Kinh Tin Kính Công đồng Constantinôpôli chúng ta đọc : “Chúng tôi tin Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Đấng phát xuất bởi Đức Chúa Cha, và là Đấng cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, được phụng thờ và tôn vinh (Symb. Niceano - Constantinopolitanum, Denzinger, N. 86). Bởi đó, trong Kinh Tin Kính, chúng ta không thêm rằng : Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Con, và những kẻ đã thêm vào điều như vậy, thì xem ra đáng phạt tuyệt thông.

3. Hơn nữa, thánh Damascenô nói : “Chúng ta nói Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu do Đức Chúa Cha, và chúng ta gọi Ngài là Thần của Đức Chúa Cha; nhưng chúng ta không nói Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu do Đức Chúa Con, nhưng chúng ta gọi Ngài là Thần của Đức Chúa Con” (De Fide Orth. 1,8). Bởi đó, Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Con.

4. Không cái gì phát xuất bởi sự vật nào mà lại tồn tại trong đó. Nhưng Chúa Thánh Thần tồn tại trong Đức Chúa Con, vì có nói trong truyện thánh Anrê : “Bình an ở cùng anh chị em và cùng tất cả mọi người tin một Thiên Chúa Cha, và một Thiên Chúa Con của Ngài, Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và một Thiên Chúa Thánh Thần, phát xuất bởi Đức Chúa Cha, và ở trong Đức Chúa con” (Acta St. Andre). Bởi đó Đức Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Con

5. Đức Chúa Con phát xuất với tính cách là Lời; nhưng hơi thở của chúng ta (spiritus) không xem ra phát xuất trong chúng ta bởi lời chúng ta. Bởi đó Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Con.

6. Đức Chúa Thánh Thần phát xuất cách hoàn hảo bởi Đức Chúa Cha. Bởi đó, thật là dư thừa mà nói Ngài phát xuất bởi Đức Chúa Con.

7. Hiện thực và khả hữu không phân biệt nhau trong các sự vật vĩnh cửu (Aristote., Phys., 3,4), và càng không có chút nào như vậy trong Thiên Chúa. Nhưng Chúa Thánh Thần vẫn có thể phân biệt với Đức Chúa Con cho dẫu không phát xuất bởi Ngài. Vì thánh Ansenmô nói : “Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần có sự hiện hữu do Đức Chúa Cha, nhưng mỗi Đấng theo một thể cách khác; một Đấng bởi sự sinh sản, và Đấng kịa bởi sự phát xuất, ngõ hầu hai Đấng nhờ đó mà phân biệt nhau (De process. Spir. Sancti, 4). Lại nữa, ông nói : vì cho dầu Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần không được phân biệt nhau vì lý do nào khác, thì điều này đã đủ (De process. Spir. Sancti, 4). Bởi đó, Đức Chúa Thánh Thần phân biệt với Đức Chúa Con, mà không phát xuất bởi Ngài.

TRÁI LẠI :

Thánh Athanaxiô nói : Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con; Ngài không được tạo thành, không được sáng tạo, cũng không được sinh ra, nhưng phát xuất (Symb. Quicumque, Denzinger, N° 39).

TRẢ LỜI :

Phải nói Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu do Đức Chúa Con. Vì giả như Đức Chúa Thánh Thần không hiện hữu do Đức Chúa Con, thì không cách nào phân biệt với Đức Chúa Con bằng cách ngôi vị. Điều này rõ ràng bởi các điều đã trình bày trước (Q.28, a.3q.30, a.2). Không thể nói theo mộtcái gì tuyệt đối mà các Ngôi Vị Thiên Chúa phân biệt nhau: vì hẳn do đó mà không có một yếu tính duy nhất của ba Ngôi Vị; song bất cứ cái gì trong Thiên Chúa, được nói cách tuyệt đối, thì thuộc về đơn nhất tính của yếu tính. Vậy phải nói các Ngôi Vị Thiên Chúa phân biệt nhau chỉ do các tương quan. Nhưng các tương quan không thể phân biệt các Ngôi Vị, trừ phi chúng là những tương quan đối lập nhau; điều này rõ ràng do sự kiện của Đức Chúa Cha có hai tương quan: do một trong hai tương quan này. Ngài quan hệ với Đức Chúa Thánh Thần; nhưng hai tương quan không phải là những tương quan đối lập, và do đó, chúng không tạo nên hai ngôi vị, nhưng chỉ thuộc về một ngôi vị Thiên Chúa Cha mà thôi. Bởi đó, giả như trong Đức Chúa Con và trong Đức Chúa Thánh Thần, chỉ hiện hữu hai tương quan. Và nhờ hai tương quan này Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần quan hệ với Đức Chúa Cha, thì hai tương quan này không đối lập nhau, cũng như không có sự đối lập trong hai tương quan Đức hệ với đó, như Ngôi Vị của Đức chúa cha là duy nhất, thì cũng vậy, hẳn Ngôi Vị của Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần là duy nhất, vì có hai tương quan đối lập với hai tương quan của Đức Chúa Cha. Nhưng đó là lạc giáo, vì phá hủy sự tin ở Ba Ngôi. Bởi đó, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần phải quan hệ với nhau bằng hai tương quan đối lập nhau. Nhưng trong Thiên Chúa không thể có các tương quan nào đối lập nhau, ngoài các tương quan về nguồn gốc, như đã minh chứng trước (Q.28, a.4). Mà các tương quan đối lập nhau về nguồn gốc, phải được hiểu biết là thuộc về nguyên lý và thuộc về sự vật hiện hữu do nguyên lý này. Bởi đó, tất yếu chúng ta phải kết luận hoặc là Đức Chúa Con hiện hữu do Đức Chúa Thánh Thần; điều này không ai nói đến; hoặc là Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu do Đức Chúa Con : điều này, thì chúng ta tuyên xưng.

Hơn nữa, bản tính của sự phát xuất của mỗi trong hai ngôi vị này phù hợp với câu kết luận đây. Vì đã nói trước. Đức Chúa Con phát xuất theo thể cách của trí năng, với tính cách là Lời, và Đức Chúa Thánh Thần phát xuất theo thể cách của ý chí, với tính cách là tình yêu (Q.27, a.2 và 4q.28, a.4). Nhưng tình yêu phải phát xuất bởi lời. Vì chúng ta không yêu thương cái gì, trừ phi chúng ta lãnh hội nó nhờ ý niệm của trí năng. Do đó, theo thể cách này, chúng ta cũng thấy rõ rằng Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Con.

Chúng ta rút lấy sự tri thức về cũng một chân lý này do trật tự thật sự của chính thiên nhiên. Chúng ta không gặp ở đâu nhiều sự vật phát xuất bởi một sự vật duy nhất mà không có trật tự, ngoài các sự vật chỉ phân biệt nhau bằng chất thể của chúng; như, thí dụ, thợ rèn sản xuất nhiều con dao phân biệt nhau bằng cách hữu chất mà thôi; chứ chúng nó không có trật tự nào đối với nhau; còn trong các sự vật, không những có sự phân biệt bằng chất thể mà thôi, mà chúng ta còn luôn luôn gặp thấy một trật tự nào đó trong số nhiều được sản xuất. Do đó, trong trật tự các thụ tạo được tạo thành, chính sự tốt đẹp của sự khôn ngoan vô cùng Thiên Chúa, được biểu dương. Vậy, nếu do một Ngôi Vị Chúa Cha phát xuất hai Ngôi Vị, tức là Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, thì có một trật tự giữa hai Ngôi Vị này. Và không chỉ định được một trật tự nào, ngoài trật tự của bản tính của hai Ngôi Vị này mà nhờ đó Ngôi Vị này phân biệt với Ngôi Vị kia. Bởi đó không nói được Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần phát xuất do Đức Chúa Cha thể ấy đến nỗi không Đấng nào trong hai Đấng này phát xuất do Đấng kia, nếu chúng ta không thừa nhận giữa hai Đấng này có sự phân biệt hữu chất : điều này bất khả.

Do đó, ngay cả chính các Tiến sĩ Hy lạp thừa nhận sự phát xuất của Chúa Thánh Thần có một trật tự nào với Đức Chúa Con. Vì họ chấp nhận Đức Chúa Thánh Thần, là Thần của Đức Chúa Con và Ngài hiện hữu do Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Con. Một vài người trong họ được nói là cũng công nhận Chúa Thánh Thần hiện hữu do Đức Chúa Con; hoặc Đức Chúa Thánh Thân chảy ra từ Đức Chúa Con, chứ không phát xuất đều này xem ra do sự vô tri hoặc ngoan cố. Vì một sự nghiên cứu chính xác sẽ làm cho bất cứ ai cũng nhận thấy từ ngữ phát xuất thông dụng nhất trong tất cả các từ ngữ biểu thị tất cả các nguồn gốc. Vì chúng ta sử dụng từ ngữ này để miêu tả bất cứ nguồn gốc nào; như khi chúng ta nói đường phát xuất điểm tia sáng từ mặt trời, con suối từ nguồn mạch, và cũng như vậy trong tất cả mọi sự vật khác. Do đó, cho dầu Đức Chúa Thánh Thần do Đức Chúa Con mà ra bất cứ bằng thể cách nào, thì chúng ta vẫn có thể kết luận Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Con.

GIẢI ĐÁP :

1. Chúng ta không nên nói về Thiên Chúa bất cứ điều gì không gặp nay được trong Kinh thánh hoặc bằng cách minh nhiên, hoặc bằng ẩn tàng. Nhưng mặc dầu chúng ta không gặp được cách rõ ràng bằng từ ngữ biểu lộ Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Con, chúng ta vẫn gặp được điều này trong ý nghĩa của Kinh thánh, nhất là ở nơi Đức Chúa Con, khi nói về Chúa Thánh Thần : “Ngài sẽ làm cho Thầy được vinh hiển, vì Ngài sẽ lãnh nhận ở nơi Thầy” (Ga 16,14). Đây cũng là một qui tắc của Kinh thánh là bất cứ điều gì được nói về Đức Chúa Cha thì ứng dụng cho Đức Chúa Con, mặc dầu có thêm từ ngữ trục xuất; chỉ ngoài điều gì thuộc về các tương quan đối lập, mà do đó Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con phân biệt nhau. Và khi Đức Chúa Con nói: “Không ai tri thức Đức Chúa Con, ngoài Đức Chúa Cha”, thì ý tưởng của Đức Chúa Con tri thức chính Ngài, không bị trục xuất. Như vậy, khi chúng ta nói Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha, mặc dầu có nói thêm : Ngài phát xuất bởi Đức Chúa Cha, thì Đức Chúa Con cũng không vì đó mà bị trục xuất; vì trong nguyên lý của Đức Chúa Thánh Thần, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không đối lập nhau, nhưng chỉ đối lập nhau do sự kiện một Đấng là Cha và Đấng kia là Con.

2. Trong mỗi Công đồng của Hội thánh, một Kinh Tin kính được đặt ra để đối phó sự sai lầm bị lên án trong Công đồng vào lúc bấy giờ. Do đó, các Công đồng kế tiếp sau không được mô tả với tính cách đặt Kinh Tin Kính mới; nhưng điều gì đã được chứa đựng cách ẩn tàng trong kinh Tin kính nhất, thì được giải thích nhờ các điều được thêm vào để chống lại các lạc giác đang nổi lên. Do đó, trong sự quyết định của Công đồng Chalcêdônense đã công bố, các nghị phụ họp trong Công đồng Constantinôpôli đã lưu truyền giáo thuyết về Đức Chúa Thánh Thần. Điều này không có nghĩa là có cái gì thiếu sót trong giáo thyết của các tiền nhân đã họp ở Công đồng Nicêa; các Nghị phụ ở Chalcedônense, chống lại các người lạc giáo, đã giải thích những điều mà các nghị phụ Nicée đã hiểu biết về vấn đề này (Concilium Chalcedonense, 5). Do đó, bởi vì vào thời gian các Công đồng trước, sự sai lầm của những người chủ trương, Đức Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Con, chưa xuất hiện, thì không cần thiết đưa ra bản công bố rõ ràng về điểm này. Còn về sau, lúc một vài sai lầm xuất hiện, một Công đồng nữa đã họp ở Phương Tây, thì vấn đề này đã rõ ràng xác định do thẩm quyền của Giám mục Roma, là Đấng cũng đã triệu tập và phê chuẩn các Công đồng trước. Tuy nhiên, chân lý này được chứa đựng cách ẩn tàng trong sự tin Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha.

3. Các người lạc giáo theo Nestoriô là những người đầu tiên đã đem đến sự sai lầm Đức Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Con, như thấy rõ ràng trong Kinh Tin Kính của Nestoriô đã bị lên án trong Cộng đồng Êphêsô (Ephesiona synodus, 6). Sự sai lầm này, ông Theodoreta người theo lạc giáo Nestoriô chấp nhận và sau ông, đến một số người khác, trong đó có thánh Damascenô (De Fide Orth, 1,8). Do đó, về điều này, ý kiến của thánh Damascen không tuyên xưng Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Con và các lời ông nói cũng không biểu lộ sự phủ nhận điều ấy.

4. Khi nói Đức Chúa Thánh Thần lưu lại hoặc ở nơi Đức Chúa Con, thì không có ý nói Ngài không phát xuất bởi Đức Chúa Con; vì cũng nói Đức Chúa Con ở trong Đức Chúa Cha, mặc dầu Ngài phát xuất bởi Đức Chúa Cha. Vậy cũng nói Đức Chúa Thánh Thần lưu lại trong Đức Chúa Con, hoặc như tình yêu của người yêu ở trong kẻ được yêu; hoặc như đối với nhân tính của Đức Kitô mà đã có lời ghi chép : “Ngươi thấy Thánh Thần hiện xuống và ngự trên ai, thì đó là chính kẻ làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

5. Lời ở trong Thiên Chúa không được sử dụng theo sự tương tự của lời nói ra bên ngoài, mà do lời này, không có phát xuất hơi thở (Spiritus); vì như vậy Lời chỉ là có ý nghĩa ẩn dụ thôi; nhưng theo sự tương tự của tâm từ mà do đó tình yêu phát xuất.

6. Vì lý do Đức Chúa Thánh Thần phát xuất cách hoàn hảo bởi Đức Chúa Cha, thì không những không dư thừa để nói Ngài phát xuất bởi Đức Chúa Con, mà đúng hơn nói như vậy là tuyệt đối cần thiết. Vì một quyền năng đơn nhất thuộc về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con; và bất cứ cái gì hiện hữu do Đức Chúa Cha, thì phải hiện hữu do Đức Chúa Con, trừ phi điều ấy đối lập với đặc tính của tư-cách-làm-con; Đức Chúa Con không hiện hữu do chính Ngài, dầu Ngài hiện hữu do Đức Chúa Cha. Đức Chúa Thánh Thần được phân biệt theo cách ngôi vị với Đức Chúa Con, vì nguồn gốc của Đấng này phân biệt với nguồn gốc của Đấng kia; nhưng chính sự phân biệt về nguồn gốc xuất hiện do sự kiện Đức Chúa Con chỉ hiện hữu do Đức Chúa Cha mà thôi, còn Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu do Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Nếu cách khác, thì hẳn các sự phát xuất không được phân biệt nhau, như đã giải thích trước.

7. Đức Chúa Thánh Thần bằng cách ngôi vị phân biệt với Đức Chúa Con, vì nguồn gốc Đấng này phân biệt với nguồn gốc Đấng kia. Mà sự dị biệt về nguồn gốc này cốt tại Đức Chúa Con chỉ phát xuất bởi Đức Chúa Cha mà thôi, còn Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Nếu cách khác, thì hai sự phát xuất này không phân biệt nhau.

 

Tiết 3

ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN PHÁT XUẤT BỞI ĐỨC CHÚA CHA

NHỜ ĐỨC CHÚA CON?

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra Đức Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Còn.

1. Bất cứ cái gì phát xuất bởi sự vật này, nhờ sự vật khác, thì không phát xuất cách trực tiếp. Bởi đó, nếu Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Con, Ngài không phát xuất trực tiếp bởi Đức Chúa Cha; điều này xem ra không thích hợp.

2. Nếu Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Con, Ngài không phát xuất bởi Đức Chúa Con, trừ phi do Đức Chúa Cha. Đó là do cả hai, nhưng do Đức Chúa Cha nhiều hơn. Bởi đó, Đức Chúa Thánh Thần phát xuất do Đức Chúa Cha nhiều hơn là do Đức Chúa Con.

3. Đức Chúa Con có sự hiện hữu của Ngài nhờ sự sinh sản. Bởi đó, nếu Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu bởi Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Con, do đó mà Đức Chúa Con được sinh sản trước và về sau Đức Chúa Thánh Thần phát xuất; và như vậy sự phát xuất của Đức Chúa Thánh Thần không vĩnh cửu : điều này là lạc giáo.

4. Khi bất cứ ai được nói là hành động nhờ người khác, thì được nói cách ngược lại. Vì như chúng ta nói ông vua hành động nhờ người đại diện; thì cũng có thể nói ngược lại là người đại diện hành động nhờ ông vua. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể nói Đức Chúa Con xuy phát ra Đức Chúa Thánh Thần nhờ Đức Chúa Cha. Bởi đó, không bao giờ có thể nói Đức Chúa Cha xuy phát Đức Chúa Thánh Thần nhờ Đức Chúa Con.

TRÁI LẠI :

Thánh Hilariô nói : “Xin gìn giữ con, con cầu xin trong sự bày tỏ thể này về niềm tin của con, là con được chiếm hữu luôn mãi Đức Chúa Cha, tức là, chính Cha; con được tôn thờ Đức Chúa Con cùng với Cha; và con đáng được Đức Chúa Thánh Thần của Cha là Đấng hiện hữu nhờ Con Một của Cha” (De Trin, 12).

TRẢ LỜI :

Bất cứ khi nào một người được nói là hành động nhờ người khác, thì tiếng “nhờ”, về quan hệ với nguyên nhân, bày tỏ nguyên nhân hay nguyên lý nào đó của hành động này.

Nhưng bởi vì hành động ở giữa tác nhân và sự vật được hành động, thì đôi khi sự vật được tiếng nhờ thêm vào, là nguyên nhân của hành động này với tính cách được phát xuất từ tác nhân; và trong trường hợp này, sự vật đó là nguyên nhân tại sự (tác nhân hành động, hoặc nó là nguyên nhân mục đích, hay là nguyên nhân mô thể, hoặc nó là nguyên nhân hiện hữu hoặc nguyên nhân chủ động). Nó là nguyên nhân mục đích khi chúng ta nói, thí dụ, người thủ công làm việc nhờ lệnh của kẻ khác. Tuy nhiên, đôi khi sự vật được tiếng nhờ thêm vào, là nguyên nhân của hành động với tính cách là được chấm dứt trong sự vật đã được hành động; như thí dụ, khi chúng ta nói, người thủ công làm việc nhờ cái búa, vì điều này không biểu thị cái búa là nguyên nhân làm cho người thủ công hành động, nhưng nó là nguyên nhân làm cho sự vật được sản xuất, phát xuất từ người thủ công; mà đặc tính này, thì nó lãnh nhận từ người thủ công. Do đó, có thể nói tiếng “nhờ” đôi khi bày tỏ sự tác thành trực tiếp, như khi chúng ta nói ông vua làm việc nhờ người đại diện; và đôi khi bày tỏ sự tác thành gián tiếp, như khi chúng ta nói, người đại diện làm việc nhờ ông vua.

Do đó, bởi vì Đức Chúa Con lãnh nhận từ Đức Chúa Cha việc Đức Chúa Thánh Thần phát xuất từ Đức Chúa Con, thì có thể nói Đức Chúa Cha xuy phát Đức Chúa Thánh Thần nhờ Đức Chúa Con, hoặc Đức Chúa Thánh Thần phát xuất từ Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Con. Ý nghĩa cũng là một.

GIẢI ĐÁP :

1. Trong một hành động, hai sự vật phải được nghiên cứu : “Cá thể hành động, và năng lực nhờ đó cá thể hành động”. Thí dụ, lửa đốt nóng nhờ sự nóng. Vậy nếu chúng ta xem xét kỹ trong Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con năng lực mà nhờ đó cả hai Đấng xuy phát ra Đức Chúa Thánh Thần, thì không có trung gian, vì đó chỉ là một năng lực đơn nhất và duy nhất. Nhưng chúng ta quan sát chính các Ngôi Vị xuy phát ra Đức Chúa Thánh Thần, vì Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi cả hai Ngôi Vị Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con thì Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha cách trực tiếp, với tính cách phát xuất từ Đức Chúa Con và như thế Đức Chúa Thánh Thần được nói là phát xuất bởi Đức Chúa Cha nhờ Đức Chúa Con. Cũng thế, Abel trực tiếp phát xuất từ Adong, vì Adong là cha của Abel; và một cách gián tiếp phát xuất từ bà Evà, vì bà Evà là mẹ của Ael, mà bà đã phát xuất từ ông Adong; mặc dầu một cách nhất định, thí dụ này thuộc về sự phát xuất hữu chất, không có khả năng biểu thị sự phát xuất vô chất các ngôi vị Thiên Chúa.

2. Giả như Đức Chúa Con lãnh nhận từ Đức Chúa Cha năng lực phân biệt theo số để xuy phát Đức Chúa Thánh Thần, thì hẳn do đó mà Đức Chúa Ccn là nguyên nhân đệ nhị và dụng cụ; và như vậy Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha nhiều hơn là bởi Đức Chúa Con; trái lại, cũng một năng lực xuv phát thuộc về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con; và do đó Đức Chúa Thánh Thần phát xuất cách bằng nhau bởi cả hai Ngôi Vị, mặc dầu đôi khi Đức Chúa Thánh Thần được nói phát xuất cách chủ yếu hoặc cách chính xác bởi Đức Chúa Cha, bởi vì Đức Chúa Con có năng lực do Đức Chúa Cha.

3. Như sự sinh sản Đức Chúa Con là đồng vĩnh cửu với Đấng sinh sản và do Đức Chúa Cha không hiện hữu trước sự sinh sản của Đức Chúa Con, cũng vậy, sự phát xuất Đức Chúa Thánh Thần là đồng vĩnh cửu với nguyên lý của Ngài. Do đó, Đức Chúa Con không được sinh sản trước khi Đức Chúa Thánh Thần phát xuất, nhưng mỗi hành động trong hai hành động là vĩnh cửu.

4. Khi một người nào được nói là làm việc nhờ một sự vật nào, thì chuyển hoán để không luôn luôn đúng. Vì chúng ta không nói cái búa làm việc nhờ người thợ; còn chúng ta nói người đại diện làm việc nhờ ông Vua. Vì làm việc thuộc về đại diện, vì ông làm chủ hành động của ông; nhưng sự làm việc không thuộc về cái búa, nhưng cái búa bị hành động: do đó, cái búa chỉ được sử dụng với tính cách là dụng cụ. Tuy nhiên, người đại diện được nói là hành động nhờ nhà vua, mặc dầu tiếng “nhờ” biểu thị một trung gian; vì cả thể càng có trước hành động, thì năng lực của nó càng trực tiếp với hiệu quả, vì năng lực của nguyên nhân đệ nhất kết hợp nguyên nhân đệ nhi với hiệu quả. Do đó, các nguyên lý sơ thủy được nói là trực tiếp trong các môn học minh chứng. Bởi đó, theo mức độ người đại diện được nói là trung gian trong trật tự các nguyên nhân hành động, thì ông vua được nói là làm việc nhờ người đại diện; nhưng theo trật tự năng lực, thì người đại diện được nói là hành động nhờ ông vua, chính quyền ông hành động của ông đại diện được hiệu quả. Nhưng không có trật tự giữa Đức chúa Cha và Đức Chúa Con, ngoài trật tự "các cá thể”; do đó chúng ta nói Đức Chúa Cha xuy phát ra Đức Chúa Thánh Thần nhờ Đức Chúa Con và không ngược lại.

 

Tiết 4

ĐỨC CHÚA CHA VÀ ĐỨC CHÚA CON LÀ MỘT NGUYÊN LÝ ĐƠN NHẤT

CỦA ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không phải là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

1. Đức Chúa Thánh Thần không phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con theo như hai Đấng là đơn nhất không theo như hai Đấng đơn nhất trong bản tính, vì hẳn Đức Chúa Thánh Thần theo thể cách này, phát xuất bởi chính Ngài, vì Ngài đơn nhất trong bản tính với hai Đấng; cũng không theo như hai Đấng hợp nhất trong một đặc tính đơn nhất, vì rõ ràng là đặc tính đơn nhất không thể thuộc về hai chủ thể. Bởi đó, Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con trong tính cách phân biệt nhau. Bởi đó, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không phải là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

2. Hơn nữa, trong mệnh đề này Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần, chúng ta không biểu thị đơn-nhất-tính về ngôi vị, bởi vì trong trường hợp này Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con chỉ là một ngôi vị. Lại nữa chúng ta cũng không biểu thị đơn-nhất-tính về đặc tính, bởi vì, giả như một đặc tính đơn nhất là lý do cho Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần, thì cũng vậy, vì có hai đặc tính, Đức Chúa Cha có thể là hai nguyên lý của Đức Chúa Con và của Đức Chúa Thánh Thần; điều này không thể được chấp nhận. Bởi đó Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không phải là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

3. Đức Chúa Con không phải là đơn nhất với Đức Chúa Cha hơn Đức Chúa Thánh Thần. Mà Đức Chúa Thánh Thần và Đức Chúa Cha không phải là một nguyên lý đơn nhất đối với ngôi vị Thiên Chúa nào. Vậy Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cũng không.

4. Nếu Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần, thì đơn nhất thể này hoặc là Đức Chúa Cha, hoặc không phải là Đức Chúa Cha, như chúng ta không thể xác nhận một cái nào trong hai trường hợp này, vì nếu đơn-nhất-thể này là Đức Chúa Cha, thì do đó mà Đức Chúa Con là Đức Chúa Cha; và nếu đơn-nhất-thể này không phải là Đức Chúa Cha, do đó mà Đức Chúa Cha không phải là Đức Chúa Cha. Bởi đó, chúng ta không thể nói Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

5. Nếu Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Chúa Thánh Thần, thì xem ra cần thiết phải nói cách ngược lại, một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thành Thần là Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Những điều này xem ra sai lầm, vì từ ngữ nguyên lý thay thế hoặc ngôi vị Chúa Cha, hoặc ngôi vị Chúa Con; và có sự sai lầm theo hai ý nghĩa. Do đó mệnh đề này cũng sai lầm là Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

6. Đơn-nhất-tính trong bản thể tạo nên đồng-nhất-tính. Vậy nếu Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần : thì do đó mà hai Đấng này cho là cũng một nguyên lý; điều này bị nhiều người phủ nhận. Bởi đó chúng ta không thể chấp nhận Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

7. Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần được gọi là một Đấng sáng tạo đơn nhất. Vì ba Đấng là một nguyên lý đơn nhất của các thụ tạo. Nhưng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không phải là một Đấng xuy phát, nhưng là hai, như nhiều người xác nhận (xin coi ghi chú trong lời giải đáp vấn nạn này); và điều này cũng phù hợp với lời nói của thánh Hilariô : “Đức Chúa Thánh Thần phải được tuyên xưng với tính cách phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là hai Đấng tác thành” (De trin, 2). Bởi đó Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không phải là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

TRÁI LẠI :

Thánh Augustinô nói : “Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con không phải hai nguyên lý, nhưng là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần” (De Trin, 2).

TRẢ LỜI :

Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là đơn nhất trong tất cả mọi sự vật mà trong đó không có sự phân biệt giữa hai Đấng về tương quan đối lập. Do đó, vì không có sự đối lập trương đối giữa hai Đấng với tính cách là nguyên lý của Đức Chúa Thánh Thần, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên một số người quả quyết mệnh đề này không đúng: Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần : Pater et Filius sunt unum principium Spiritus Sancti. Đây là lý luận của họ : Theo câu La ngữ, từ ngữ principium (nguyên lý) được sử dụng ở số ít, không biểu thị ngôi vị, nhưng biểu thị đặc tính, nên được sử dụng bởi tính cách một tĩnh từ (Alaine de Lille, Theol. Reg. 2); và bởi vì một tĩnh từ không thể được đổi nghĩa bởi một tĩnh từ khác, thì một cách chính xác, không thể nói Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Chúa Thánh Thần, trừ phi tiếng unum (một đơn nhất) được sử dụng như một trạng từ, để có ý nghĩa : Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất, tức là, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con ở trong cùng một thể cách đơn nhất. Nhưng cũng đúng để nói Đức Chúa Cha là hai thể cách của Đức Chúa Con và của Đức Chúa Thánh Thần, tức là ở trong hai thể cách. Bởi đó chúng ta phải nói, mặc dầu từ ngữ “principium” (nguyên lý) biểu thị đặc tính, nó vẫn biểu thị đặctính này theo thể cách một danh từ, như danh từ “cha” hoặc con trong các sự vật thụ tạo. Do đó nó lấy số của mình do mô thể của nó biểu thị, như các danh từ khác. Bởi đó, như Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một Thiên Chúa đơn nhất, do đơn-nhất-tính của mô thể được biểu thị bởi từ ngữ Thiên Chúa, cũng vậy hai Đấng là một nguyên lý duy nhất của Đức Chúa Thánh Thần do đơn nhất-tính của đặc tinh được biểu thị trong từ ngữ “principium” (nguyên lý).

GIẢI ĐÁP :

1. Nếu chúng ta suy xét năng lực của xuy phát, thì Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con với tính cách hai Đấng là đơn nhất trong năng lực xuy phát, mà năng lực xuy phát biểu thị một bản tính với đặc tính, như chúng ta sẽ thấy sau (Q.41, a.5). Cũng không có lý do nào ngăn trở việc một đặc tính đơn nhất ở trong hai “cá thể” chiếm hữu một bản tính đơn nhất chung. Nhưng chúng ta suy xét các cá thể của xuy phát, thì chúng ta có thể nói Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, với tính cách là hai “cá thể”; vì Ngài phát xuất với tính cách tình yêu kết hợp hai Đấng.

2. Trong mệnh đề Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần, một đặc tính đơn nhất về xuy phát được biểu thị, tức là mô thể được biểu thị do từ ngữ nguyên lý. Nhưng không do đó mà hai đặc tính của Đức Chúa Cha và có thể gọi là nhiều nguyên lý, vì điều này hẳn bao hàm trong Ngài phức-số-tính các cá thể.

3. Không phải vì lý do các đặc tính tương đối mà chúng ta nói đến sự tương tự và sự không tương tự trong Thiên Chúa; nhưng bởi lý do yếu tính. Do đó, như Đức Chúa Cha không tương tự hơn với Đức Chúa Con, thì cũng vậy, Đức Chúa Con không tương tự với Đức Chúa Cha hơn Đức Chúa Thánh Thần.

4. Hai mệnh đề này Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất, mà nguyên lý đơn nhất là Đức Chúa Cha và một nguyên lý đơn nhất không phải là Đức Chúa Cha, thì không mâu thuẫn nhau. Và do đó không cần thiết phải xác nhận mệnh đề này hoặc mệnh đề kia. Vì khi chúng ta nói Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất, thì từ ngữ nguyên lý không có ý nghĩa xác định của nó, nhưng đúng hơn bằng một cách vô định, nó thay thế hai ngôi vị chung với nhau. Do đó, có một lối ngụy biện về tu từ pháp, khi kết luận từ ý nghĩa vô định đến ý nghĩa xác định.

5. Mệnh đề này cũng đúng : “Một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”, bởi vì từ ngữ nguyên lý không thay thế một ngôi vị duy nhất mà thôi, mà còn bằng một cách vô định thay thế hai ngôi vị, như đã giải thích.

6. Không có lý do ngăn trở việc nói Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là cùng một nguyên lý, vì từ ngữ nguyên lý bằng một cách không rõ và vô định, thay thế hai ngôi vị chung cùng với nhau.

7. Một số người nói : “Dầu Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là một nguyên lý đơn nhất của Đức Chúa Thánh Thần, thì vẫn có hai Đấng xuy phát” (Duo spiratores), bởi lý do có sự phân biệt của “cá thể”, như có hai Đấng đang là xuy phát (Duo spirantes), vì các tác dụng quan hệ với các “cá thể” (Alex. de Halès, summa Theol., 2,493). Với từ ngữ Đấng sáng tạo thì khác : Đức Chúa Thánh Thần phát xuất bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con với tính cách hai ngôi vị phân biệt nhau như đã giải thích trước; còn thụ tạo phát xuất bởi ba Ngôi Vị phân biệt nhau, nhưng với tính cách hiệp nhất trong yếu tính. Song xem ra tốt hơn để nói, vì đang làm xuy phát (spirans) là tĩnh từ, còn “Đấng xuy phát” (Spirator) là danh từ; chúng ta có thể nói Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là hai Đấng làm xuy phát, vì phức số tính của các cá thể; chứ không phải là “hai Đấng xuy phát” (Duo spiratores), vì chỉ có một xuy phát đơn nhất. Nhưng từ ngữ tĩnh từ có số tùy theo các cá thể; còn các danh từ do chính chúng mà có số tùy theo mô thể được biểu thị. Còn về điều thánh Hilariô nói, là Đức Chúa Thánh Thần hiện hữu bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, hai Đấng tác thành, thì phải trình bày ông đã sử dụng danh từ để thay thế tĩnh từ.

 


CÂU HỎI 37
CÂU HỎI 35

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt