Triết học tôn giáo

Buổi đầu của cơn khủng hoảng về giáo lý thế kỷ IV. Đức tin được tra vấn lại bởi Arius

GIÁO PHỤ - Mục lục

 

BUỔI ÐẦU CỦA CƠN KHỦNG HOẢNG VỀ GIÁO LÝ THẾ KỶ IV

ÐỨC TIN ÐƯỢC TRA VẤN LẠI BỞI ARIUS

 

J. LIÉBAERT

 


J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Phân III: "Bình minh của một giai đoạn mới - Các giáo phụ đầu tiên của thế kỷ IV". Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.


 

CÂU TRẢ LỜI CỦA NICÉE

Chúng ta không thể đọc và hiểu các Giáo Phụ thế kỷ IV nếu không biết về một trong những vấn đề trọng yếu đối với các ngài: đó là chủ thuyết Arius, tên một linh mục Alexandrie, với sự phổ biến tư tưởng của Arius, bắt đầu từ khoảng năm 320, Giáo Hội bước vào một cuộc tranh luận mấu chốt, và nó sẽ huy động năng lực của Giáo Hội trong một thời gian dài. Những vấn đề nêu ra chắc chắn không phải là mới nhưng chúng lại bùng lên với sức mạnh hồi sinh  Thiên Chúa mà các Kitô hữu tin là Ðấng nào ? Ðức Giêsu Kitô là ai trong tương quan với Thiên Chúa và với con người ?

Chúng ta đã biết ý tưởng về một hay nhiều trung gian giữa Thiên Chúa, mà tự thân là bất khả đạt thấu, và thế giới, là một ý tưởng có sức quyến rũ như thế nào, từ thánh Justin tới Origène rồi tới Lactance, cũng như từ Philon tới Plotin, nơi các nhà thần học Kitô giáo, khi trình bày Ngôi Lời và Thần Khí như là có mối liên hệ với thế giới, một mối liên hệ được coi là bất xứng với Chúa Cha, và khi gắn liền với chính hiện hữu của các vị với hiện hữu của thế giới thì dễ có nguy cơ xúc phạm đến thần tính trọn vẹn của Ngôi Lời và Thần Khí. Ðức tin sâu xa của các nhà hộ giáo và các Giáo Phụ thế kỷ III đã giúp họ tránh được những kết luận không thể chấp nhận, nhưng vẫn không loại bỏ được sự hàm hồ mà người ta còn thấy nơi một Eusèbe de Césarée, hoặc theo người ta nói, nơi một Lucien dAntioche, người mà Arius theo học một thời.

Chúng ta không rõ thần học của Arius hình thành đích xác là như thế nào, nhưng chắc chắn nó theo lối suy tư gần với một trong những khuynh hướng triết học thời bấy giờ. Khốn thay, vì không có ý thức về đức tin của Giáo Hội mà những người đi trước ông đã chứng tỏ, Arius đẩy tư tưởng đi theo một thứ luận lý đến nỗi cuối cùng hoàn toàn xa rời đức tin truyền thống. "Tín biểu" của Công Ðồng Nicée (325), nguồn gốc của Kinh Tin Kính đọc trong phụng vụ, mãi mãi làm chứng về sự rung chuyển do cuộc tranh luận này gây ra và về phản ứng của dân Kitô giáo. Vì do tầm quan trọng của những vấn đề đặt ra, chủ thuyết Arius trước tiên là sự việc của Giáo Hội và của đức tin không chỉ đơn giản là cuộc tranh luận giữa các nhà thần học hoặc là cơ hội chính trị thuận lợi do một số hoàng đế thời đó khai thác.

 

NHỮNG ÐIỀU HÀM HỒ TRONG

THẦN HỌC CỦA ORIGÈNE

Thần học của Origène có thể đem lại những luận chứng cho Arius do khuynh hướng hạ phục thuyết của ông.

 

"Chúng tôi nói rằng Ðấng Cứu Thế, cũng như Thánh Thần, siêu vượt trên mọi thụ tạo, không bởi so sánh nhưng bởi tính siêu việt tuyệt đối, nhưng chính Ngài lại bị Chúa Cha siêu vượt trên cũng bằng ấy và ngay cả hơn thế, và Thánh Thần siêu vượt hơn các hữu thể khác, tuy vậy những hữu thể đó không phải là không đáng kể. Quả vậy, Thánh Thần là hình ảnh lòng nhân từ của Ngài và là sự chiếu tỏa, không phải của Thiên Chúa, nhưng là của vinh quang Ngài và của ánh sáng vĩnh hằng của Ngài, Thánh Thần là sự tỏa phát, không phải của Cha nhưng là của quyền năng Ngài, là lưu xuất thuần lý của vinh quang Toàn Năng của Ngài, là gương soi không tỳ vết phản chiếu hoạt động của Ngài, (gương soi) qua đó Phaolô, Phêrô va những người như họ nhìn thấy Thiên Chúa, vì Ngài đã nói: "Ai thấy Ta là thấy Cha, Ðấng đã sai Ta".

Nhưng Origène cũng đã bác bỏ trước các kết luận của Arius :

Trong Ba Ngôi, không gì có thể nói được là lớn hơn hay ít lớn hơn, vì nguồn suối độc nhất của thần tính nắm giữ mọi sự bằng Lời của Người hay lý trí và Người thánh hóa bằng Thần Khí (Hơi Thở) miệng Người tất cả những gì xứng đáng được thánh hóa . Nhưng ngoài hoạt động đó, còn có một hoạt động riêng của Chúa Cha, qua hoạt động này Người ban sự hữu cho mọi người theo bản tính riêng biệt của Người ; cũng có một tác vụ riêng của Chúa Giêsu Kitô đối với những kẻ Ngài ban lý trí, theo bản tính riêng biệt của Ngài : nhờ có lý trí, thêm vào sự hữu, họ được ban cho hiện hữu phù hợp với sự thiện. Cuối cùng, cũng có ân sủng của Thánh Thần, được ban cho những người xứng đáng lãnh nhận: ân sủng đó được Ðức Kitô ban phát và do Chúa Cha thực hiện, dựa theo công phúc của những người có khả năng lãnh nhận. Ðiều này Tông Ðồ Phaolô đã chỉ dạy rõ ràng khi trình bày hành vi của Ba Ngôi là duy nhất và đồng nhất, lúc ngài nói: "Ðặc sủng chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thần Khí. Tác vụ chia làm nhiều, nhưng cũng là một Chúa, kỳ công chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thiên Chúa, Ðấng ra uy làm nên mọi sự nơi mọi người". (1Cor 12, 4 - 7)

Ðoạn văn này cho thấy một cách hết sức rõ ràng rằng trong Ba Ngôi không hề có bất cứ sự khác biệt nào : những điều là đặc sủng của Thánh Thần thì do Chúa Con ban cho và do Thiên Chúa Cha thực hiện.

Chú giải Phúc Âm thánh Gioan XIII, 151 - 153

Sources Chrétiennes no. 120, p. 113 - 115

Khảo luận Des Prinipes 1. 3. 7 bản dịch M. Harl, p 54 - 55

 

 

THIÊN CHÚA CỦA ARIUS

Mối bận tâm căn bản của Arius dường như là muốn gìn giữ một ý tưởng về Thiên Chúa : Ðấng siêu việt cách triệt để trên thế giới, độc nhất, hiện hữu phi-khởi-nguyên, khôn tả, bất khả đạt thấu, bất biến, "bất khả thụ" (theo nghĩa Người không thể chịu hay bị bất cứ điều gì), không lệ thuộc thời gian. Thuật ngữ là thuật triết học hơn là thuật Kinh Thánh ; mối quan tâm bảo vệ tính tuyệt đối của Thiên Chúa dầu vậy vẫn diễn tả phần chân lý chứa đựng trong thuyết Arius.

Ðiểm yếu của thần học Arius nằm trong con đường suy tư của ông. Thay vì đặt định nghĩa đó dưới ánh sáng của đức tin mạc khải, thì ngược lại ông lấy đó làm tiêu chuẩn giải thích đức tin Thiên Chúa là khởi nguyên phi-khởi-nguyên, tách biệt khỏi mọi hữu thể khác bằng một hố thẳm không thể vượt qua. Trong khi đó Ngôi Lời không phải là không có khởi nguyên vì lẽ Ngài phát xuất từ Chúa Cha : Ngài có liên lạc với thế giới, và hơn thế nữa, khi nhập thể, Ngài cho thấy mình là "khả biến", "khả thụ", lệ thuộc thời gian. Như thế, Arius kết luận, Ngài không thuộc hàng Tuyệt Ðối Thần Linh, nhưng thuộc hàng hữu thể "phát xuất" (dérivés), cho dù chỉ có mình Ngài là phát xuất từ Chúa Cha và là tác giả của các hữu thể khác. Như vậy, chỉ mình Chúa Cha là "Thiên Chúa thật", còn Ngôi Lời, huống hồ là Thần Khí, chỉ có thể được gọi là Thiên Chúa cách hoàn toàn tương đối.

Việc không chấp nhận đồng hóa Chúa Con và Chúa Thánh Thần với Ðấng độc nhất có vẻ như là sự quay về với chủ thuyết độc thần của Cựu Ước. Nhưng trước hết người ta phải hẳn liên tưởng tới bộ ba của thuyết Tân-Platon : Plotin đặt "Nhất thể" trên chóp đỉnh của mọi sự, tuyệt đối siêu việt, "bên kia hữu thể", từ Nhất Thể lưu xuất ra Trí Tuệ, rồi đến Hồn của thế giới, và từ Hồn phát xuất ra các tinh thần thấp hơn. Người ta ngờ rằng, ẩn sau chủ thuyết Arius là thứ thần học mang chiều kích vũ trụ luận và lược đồ phân cấp nói trên. Thế nhưng, các bản văn của chính Arius, không để lộ nền trời triết học đó, luận chứng của ông chủ yếu là luận chứng Thánh Kinh, lợi dụng các bản văn Cựu Ước, chẳng hạn Cách Ngôn 8, 22 ("Giavê đã dựng nên ta, tiên thường của công trình Người") trong đó Khôn Ngoan được các Giáo Phụ nhất trí đồng hóa với Ngôi Lời, và các bản văn khó hiểu liên quan đến Kitô học trong Tân Ước : Marcô 13, 22 ("Con không biết ngày phán xét") ; Gioan 14, 28 ("Cha cao trọng hơn Ta") ; Colosê 1, 15 (Ðức Kitô "Trưởng Tử" mọi thụ tạo) .v.v.

Arius hiển nhiên đặt ra những câu hỏi cho đức tin : Nghĩ thế nào được việc Thiên Chúa lại đến trong thế giới, trong thời gian tuyệt đối lại dấn mình vào tương đối ? Celse đã từng nêu vấn nạn như thế. Làm sao giải thích sự "trung gian" của Ðức Kitô giữa Thiên Chúa và loài người (lòng đạo đức tự nhiên lại không có khuynh hướng nhìn Ðức Kitô như một vị trung gian, đứng giữa Thiên Chúa và chúng ta hay sao ?). Quan niệm và nói thế nào về Ðấng Ðộc Nhất đồng thời lại là Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần ? Nhưng đức tin cũng chất vấn Arius : nếu người ta đi theo ông thì mạc khải cụ thể của Vị Thiên Chúa của Thánh Kinh và của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng quả là Hoàn Toàn Khác nhưng cũng là Ðấng Hoàn Toàn Gần Gũi, sẽ nên như thế nào ? Phải chăng nhập thể và cứu độ chỉ cho chúng ta được tương giao với Thiên Chúa cách gián tiếp, có trung gian xen giữa, chứ không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu Kitô ? Ðức Giêsu Kitô của Arius không còn là Emmanuel : Thiên Chúa ở cùng chúng ta để cứu độ chúng ta, Ngài chỉ là Ngôi Lời "khả biến", tạm thời biến thành linh hồn nhân loại để chịu một cuộc thử thách nhờ đó mà Ngài đáng được những tước hiệu của Thiên Chúa : một lịch sử siêu việt của Logos chứ không còn là lịch sử của chúng ta nữa. Cách hiểu như thế làm cho mầu nhiệm bị huỷ hoại và người ta không còn nhận ra đâu là Ðức Kitô của các Giáo Phụ thời trước, đâu là "Trinitas" của Tertullien, hay Thiên Chúa của Origène nữa. Nội dung đức tin và giải thích Thánh Kinh phải khuôn theo một ý tưởng định sẵn về Thiên Chúa và theo lối luận lý diễn dịch cứng nhắc. Cuộc khủng hoảng do Arius, với những biến chuyển về tín lý của nó, cho thấy vị thế khó khăn của đức tin phản tỉnh, giữa một bên là phải tuân theo dữ kiện mạc khải, và bên kia là những đòi hỏi của lý trí và những quyến rũ của tinh thần.

 

LỜI TUYÊN XƯNG ÐỨC TIN CỦA ARIUS

TRƯỚC (KHI CÓ) CÔNG ÐỒNG NICÉE

Lời tuyên xưng đức tin của Arius với Giám Mục Alexandrie thành Alexandrie (trước Công Ðồng Nicée) :

 

"Ðức tin mà chúng tôi lãnh nhận từ cha ông của chúng ta và chúng ta đã được học biết từ nơi Ngài. Thưa Cha rất kính mến, đức tin đó là thế này : Chúng tôi nhận biết một Thiên Chúa, chỉ có Người là không được sinh ra, chỉ có Người là vĩnh cửu, chỉ có Người là không có khởi nguyên, chỉ có Người là Thiên Chúa thật, bất tử, chỉ có Người là khôn ngoan, chỉ có Người là thiện hảo, chỉ có Người là toàn năng, chỉ có Người là thẩm phán, Ðấng điều hành và cai quản mọi sự, bất biến và không đổi thay . Người đã sinh ra Con độc nhất của Người trước muôn đời muôn thuở, nhờ Ngài, Người đã tạo nên các thời đại và mọi vật mọi loài, (Con) được sinh ra, không theo vẻ bề ngoài, nhưng là thực sự, tồn hữu do một hiệu lực của thánh ý bất biến và không thay đổi của Người, là thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa, nhưng không phải như một trong các thụ tạo : được tạo thành, nhưng không phải như một trong các vật được tạo thành.

Nhưng, như chúng tôi nói, Ngài đã được tạo dựng nên cùng với các thời gian và từ trước muôn đời và Ngài đã lãnh nhận từ Cha sự sống và hiện hữu, và những huy hoàng rạng rỡ của vinh quang mà Cha đã ban cho Ngài. Quả vậy, khi cho Ngài thừa kế mọi sự Chúa Cha không để mình mất đi điều có nơi Người, không để mất việc Người hiện hữu không có khởi nguyên. Vì Người là nguồn suối của tất cả.

Chính vì vậy có ba bản thể : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa, chính là nguyên nhân của mọi hữu thể, tuyệt đối chỉ có Người là không có khởi nguyên. Chúa Con, được sinh ra ngoài thời gian bởi Chúa Cha, được tạo dựng và được thiết lập từ trước muôn đời, Ngài không hiện hữu trước khi được sinh ra, nhưng được sinh ra ngoài thời gian trước tất cả mọi sự, chỉ có Ngài là được tạo thành bởi một mình Chúa Cha. Ngài không vĩnh cửu, không đồng vĩnh cửu và không dự phần vào việc không được sinh ra như và cùng với Chúa Cha. Ngài không hiện hữu cùng với Chúa Cha, như một số kẻ nói như thế về cả hai khi khẳng định hai khởi nguyên không được sinh ra. Nhưng, vì là duy nhất và là khởi nguyên của tất cả, Thiên chúa hiện hữu trước mọi sự. Và vì vậy, Người cũng hiện hữu trước Ðức Kitô . xét về chính hiện hữu của Ngài, sự sống của Ngài, vinh quang của Ngài và tất cả những gì được ban cho Ngài đều đến từ Thiên Chúa, nên Thiên Chúa là khởi nguyên của Ngài. Người ở trên Ngài như là Thiên Chúa của Ngài và Người có hiện hữu của Người trước Ngài : còn Ngài, Ngài lảnh lấy hiện hữu từ Thiên Chúa".

(Dịch theo Ortiz de Urbina,

Nicée et Constantipole, 1963, p. 252 - 253)

 

NẠI TỚI THÁNH KINH ÐỂ CHỐNG LẠI ARIUS

Trước Công Ðồng Nicée, trong một luân thư gửi hàng Giám Mục Alexandrie thành Alexandrie đã dùng Thánh Kinh bác bỏ các luận đề của Arius :

 

Có ai từng nghe thấy những điều như thế bao giờ ? Và bây giờ khi nghe những điều đó, có ai lại không bịt tai để những lời đê tiện đó không lọt vào tai mình ? Khi nghe Gioan nói : "Lúc khởi nguyên đã có Lời" (Yn 1, 1) có ai lại không kết án những kẻ nói : có một thời gian Ngài đã không hiện hữu ? Khi nghe những lời này của Phúc Âm : "Con độc nhất của Thiên Chúa" (Yn 1, 18) và "nhờ Ngài mọi sự đã được dựng nên" (Yn 1, 3) còn ai mà lại không căm ghét những kẻ khẳng định rằng Chúa Con chỉ là một trong các thụ tạo ? Làm sao Ngài có thể ngang bằng với những vật mà nhờ Ngài được dựng nên ? Làm sao Ngài có thể là Con độc nhất, khi mà người ta xếp Ngài cùng hàng với mọi vật, vào trong hạng của chúng ? Làm sao Ngài lại xuất từ hư vô trong khi Chúa Cha nói : "Từ lòng Ta, ngay trước rạng đông, Ta đã sinh ra Con" (Tv 106, 3) ? Làm sao Ngài lại khác với Chúa Cha về bản thể, trong khi Ngài là hình ảnh hoàn hảo và là phản ánh huy hoàng của Cha (2Cor 4, 4 ; Hr 1, 3) và là Ðấng đã nói : "Ai thấy Ta là thấy Cha" (Yn 14, 9) ? Nếu Con là Lời và là Khôn Ngoan của Cha, làm sao lại có một thời gian Ngài đã không hiện hữu ? Như thể họ muốn nói rằng đã có một thời gian Thiên chúa không có Lời và không có Khôn Ngoan. Ðấng đã nói về chính mình : "Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta" (Yn 10, 38) và "Ta và Cha là một" và là Ðấng đã nói qua các tiên tri : "Hãy xem Ta, Ta là, Ta không hề thay đổi" (Ma 3, 6), chẳng lẽ Ngài lại phải chịu sự thay đổi và biến tính hay sao ? Ngay cả khi người ta nghĩ rằng lời đó có thể là nói về chính Chúa Cha, thế nhưng, bây giờ phải xem đó là lời nói về Ðức Kitô thì có lẽ thích đáng hơn, vì rằng, khi làm người, Ngài không thay đổi, nhưng như thánh Tông Ðồ nói : "Ðức Giêsu Kitô hôm qua và hôm nay vẫn là một và cho đến muôn đời" (Hr, 13, 8). Ai buộc chúng phải nói rằng vì chúng ta mà Ngài đã được dựng nên, trong khi thánh Phaolô nói : "Vì Ngài và do bởi Ngài mà mọi vật hiện hữu" (Hr 2, 10) ? Còn về lời quả quyết lộng ngôn phạm thượng của chúng cho rằng Con không hoàn toàn biết Cha, thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì một khi chúng quyết định chống lại Ðức Kitô, thì chúng cũng khinh thường Lời của chính Chúa, Ðấng đã nói : "Như Cha biết Ta, Ta cũng biết Cha" (Yn 10, 15). 

Ortiz de Urbina, Nicée et Constantinople, Paris 1963, p. 250 - 251

 

ÐỨC TIN CỦA NICÉE

Tín biểu của Nicée, đối chiếu với tín biểu của Césarée de Palestine, tín biểu này là nền tảng để soạn tín biểu Nicée. Những kiểu nói có gạch dưới đã được thêm vào để chống lại Arius:

 

Tín biểu của Césarée

Tín biểu của Nicée

Chúng tôi tin một Thiên Chúa là Cha toàn năng.                          

Chúng tôi tin một Thiên Chúa là Cha toàn năng

Ðấng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình.    

Ðấng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình

Và tin một Chúa Giêsu Kitô

Và tin một Chúa Giêsu Kitô

Ngôi Lời Thiên Chúa

Con duy nhất sinh bởi Chúa cha nghĩa là từ bản Thể Chúa Cha

Thiên chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng.                                         

Thiên Chúa bởi Thiên Chúa ánh sáng bởi ánh sáng

Sự sống bởi sự sống.

Thiên chúa thật bởi Thiên Chúa thật

Con Một, Trưởng tử mọi tạo vật

 

Sinh bởi chúa cha từ trước muôn đời

Ðược sinh ra mà không phải được tạo dựng, đồng bản thể với Chúa Cha

Nhờ Người mà muôn vật được thành 

Nhờ Người mà muôn vật trên trời dưới đất được tạo thành

Ðể cứu rỗi chúng tôi

Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi Người đã xuống thế

Người đã mặc lây xác phàm và đã cư ngụ giữa chúng tôi.              

Người đã hóa thành nhục thể và đã làm người.

Người đã chịu khổ hình

Người đã chịu khổ hình

Ngày thứ ba Người đã sống lại

Ngày thứ ba Người đã sống lại

Người lên cùng Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.                                                    

Người lên trời, từ nơi đó Người sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết

Chúng tôi cũng tin một Chúa Thánh Thần.                                               

 

 

 

 

 

 

 

Và tin vào Chúa Thánh Thần.

Còn những kẻ nói: đã có một thời gian Người đã không hiện hữu, hoặc; Người đã xuất từ hư vô, hoặc rằng Con Thiên Chúa có bản thể khác hoặc rằng: 

Người đã được tạo dựng nên hoặc rằng: 

Người không phải là bất biến nhưng lệ thuộc sự thay đổi.

 Giáo Hội ra vạ tuyệt thông cho những kẻ đó.

 

 

THIÊN CHÚA CỦA CÁC GIÁO PHỤ: TÍN BIỂU NICÉE

Tuy nhiên, từ năm 325, Công Ðồng "chung" đầu tiên (oecuménique) (từ Hylạp có nghĩa là "phổ quát" nhóm họp do sáng kiến của Constantin trả lời cho thần học của Arius qua việc đưa ra tín biểu nổi tiếng mà sau này trở thành "quy luật" đức tin đối với các Giáo Phụ thế kỷ IV. Tín biểu Nicée tương ứng với phần đầu của Kinh Tin Kính đọc trong phung vụ cho tới những chữ : "Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần". Tín biểu này dựa vào tín biểu của Césarée nhưng xác định rõ hơn, khẳng quyết Chúa Con sinh "từ bản thể Chúa Cha", Ngài là "Thiên Chúa sinh bởi Thiên Chúa" "đồng bản thể với Chúa Cha". Một đàng, Tín Biểu trở về với Thánh Kinh khi dựa vào ý niệm về tử hệ của Ngôi Lời ("được sinh ra chứ không phải được tạo thành") để khẳng định thần tính của Ngài, đàng khác nó không chỉ xử dụng ngôn ngữ của Thánh Kinh để trả lời cho các vấn nạn : từ ngữ then chốt "đồng bản thể" (consubstantiel), vay mượn ở ngôn ngữ triết học, nhằm loại bỏ mọi ý tưởng về một sự khác biệt về bản tính hoặc "bản thể" (Substance) giữa Chúa Cha và Chúa Con, ngang bằng nhau về thần tính, có "cùng một bản thể" và ngay cả có "một bản thể duy nhất" theo nghĩa được minh nhiên gán cho từ ngữ này sau Công Ðồng Nicée. Ðây chính là sự bác bỏ một Ðức Kitô trung gian thuộc về vũ trụ, được phú ban một thần tính thấp kém hơn. Nicée nói với chúng ta rằng nơi Ðức Giêsu Kitô chúng ta gặp được chính Ðấng Tuyệt Ðối là Thiên Chúa, một Thiên Chúa thật sự dấn thân vào trong thế giới chúng ta. Ðức tin hệ tại ở việc Ngài tự mạc khải thế nào thì ta đón nhận Ngài thể ấy.

Tại Công Ðồng Nicée, chỉ có hai Giám Mục từ chối ký vào bản Tín Biểu, nhưng một số khác trong số các Giám Mục Hylạp thì chỉ chấp nhận với thái độ do dự, vì e ngại cách giải thích theo hình thái thuyết về từ ngữ "đồng bản thể". Từ ngữ này sẽ còn là trọng tâm của cuộc tranh luận trong nhiều thập kỷ.

Bên Ðông phương, có ba khuôn mặt Giám Mục nổi bật, mỗi người một cách, minh họa cho chúng ta giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng trầm trọng về tín lý ở thế kỷ IV này : Eusèbe thành Césarée, Eustache thành Antioche và Athanase thành Alexandrie. Bên Tây phương, có thánh Hilaire, vị đại tiến sĩ đầu tiên của thế kỷ IV.

 

SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM

 

I. ORTIZ DE URBINA. Nicée et Constantinople coll. "Histoire des Conciles oecuméniques" Paris. LOrante, 1963 (với các tài liệu được phiên dịch).

E. BOULARAND. Lhérésie dArius et al "foi" de Nicée. Paris, Letouzey et Ané, 1972, 2 vol.

B. DE MARGERIE. La Trinité chrétienne dans lhistoire coll. "Théologie histoirique" Paris. Beauchesne1975

Encyclopédie Catholicisme . "Nicée", t.IX, 1982 coll. 1196 - 1200           

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt