CÁC GIÁO PHỤ CAPPADOCE BASILE DE CÉSARÉE
JACQUES LIÉBAERT
J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 2: Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Phần I: "Đông Phương trong hậu bán thế kỷ 4". Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.
Dù là một tỉnh hẻo lánh của đế quốc Roma nằm lọt giữa vùng Tiểu Á, Cappadoce vẫn được tiếp xúc rất sớm với văn hóa Hylạp, cũng như với Kitô giáo (1P 1, 1). Ở thế kỷ III, có một số Giám Mục nổi danh thuộc Cappadoce, trong đó có Grégoire được gọi là Thaumaturge (Người làm phép lạ) một nhà truyền giáo xuất thân từ tỉnh này. Nhưng Cappadoce chỉ hoàn toàn được Hylạp hóa vào thế kỷ IV, bấy giờ nó mới tỏa chiếu rạng rỡ trong Giáo Hội nhờ một thế hệ của những đầu óc vĩ đại, những vị thánh nam nữ đích thực. Tuy nhiên sự tỏa sáng này tương đối ngắn, nó lụi tàn rất nhanh ở thế kỷ V, và bắt đầu từ thế kỷ VI, các cuộc xâm lăng của Batư rồi của Ảrập làm xáo trộn hẳn bước phát triển này của đế quốc Byzantine. Tuy vậy, toàn Giáo Hội, dĩ nhiên trước hết là Giáo Hội Ðông phương, vẫn nổi bật nhờ ảnh hưởng trí thức và đạo đức của "ba con người vĩ đại của Cappadoce", đó là Basile de Césarée, em ngài là Grégoire de Nysse và người bạn chung là Grégoire de Naziance : một bộ ba kỳ tình. Các ngài đóng góp rất nhiều cho thần học về Ba Ngôi. Càng tìm hiểu tường tận bút ký của các ngài, người ta càng thấy ảnh hưởng này sâu đậm. Nghiên cứu về các vị Cappadoce là một trong những đề tài chính yếu và ngày nay được nghiên cứu nhiều hơn hết khi tìm hiểu lịch sử Giáo Hội ở thế kỷ IV, đồng thời đây cũng là một trong những đề tài hấp dẫn nhất, vì qua các tác phẩm và các hoạt động của các ngài, con người của các ngài tỏ lộ ra cho chúng ta một cách hết sức sống động, với những diện mạo rất người, với những phẩm chất và những yếu điểm, với thiên kiến đặc biệt của những nhà thần học đồng thời là những nhà tu đức, những mục tử. Người đứng đầu trong ba vị hẳn nhiên là Basile. I. ÐƯỜNG HỌC VẤN Basile và người em kế là Grégoire, Giám Mục tương lai của Nysse, cả hai thuộc gia đình đại chủ đã tòng giáo từ nhiều đời trước : Bà nội Macrine và ông nội đã sống ẩn dật trong miền rừng Pont và đã bị mất hết tài sản vào lúc xảy ra cuộc bách hại lớn, còn ông ngoại thì đã được phúc tử đạo. Basile sinh vào khoảng năm 330, có lẽ tại Néocésarée thuộc vùng Pont : cùng một tổ ấm gồm mười anh em, Basile đã học vỡ lòng với cha ngài, là thầy dạy môn tu từ, và với bà mẹ đạo hạnh là Emmelie, theo nề nếp của những gia đình khá giả, ngài được gửi theo học các bậc thầy nổi danh : tại Césarée (thuộc Cappadoce), rồi tại Constantinople, cuối cùng tại Athène, một trung tâm trí thức mà ảnh hưởng còn đang rất lớn. Tại Athène, ngài kết thân với một người đồng hương mà ngài đã từng gặp ở Césarée và sẽ trở thành người bạn tri kỷ của ngài là Grégoire, sinh khoảng năm 329, gần Naziance, và đã đến thủ đô vào khoảng năm 350, trước Basile ít lâu. Hai sinh viên này rất khác nhau về tính tình : Basile thì táo bạo và quả quyết, còn Grégoire, tuy lạc quan nhưng do dự và hơi mơ mộng, ít có khả năng đương đầu với những xung đột. Tình bạn của hai người thường có những xáo động, lớn tiếng với nhau. Tuy nhiên, cả hai lại có nhiều điểm tương hợp : thích ngôn ngữ và văn chương cổ, ưa sống ẩn dật. Trong nhiều năm, cả hai đều theo học các bậc thầy về hùng biện nổi danh, ngoại giáo có, Kitô giáo có, làm đồ đệ nhiệt thành của cả đôi bên, dễ dàng hội nhập vào nền văn hóa đương thời. Ở đây chúng ta chứng kiến sự khởi đầu của một truyền thống nhân bản Kitô giáo đích thực. Tuy nhiên mãi sau này Basile mới thật sự khẳng định điều đó qua tác phẩm "Gửi thanh niên, về cách lợi dụng nền văn chương Hylạp" : văn chương đời có thể dùng làm môn dự bị cho khoa học thánh. Khi học xong, hai vị rời bỏ Athène trong niềm luyến tiếc.
II. ÐƯỜNG TU TRÌ NHỮNG BƯỚC ÐẦU Từ lúc trở về Césarée vào năm 355, có lẽ sau một thời gian ngắn dạy môn tu từ, Basile thôi nghề giáo. Ngài chịu rửa tội và quyết chí tu trì theo gương các người thân trong gia tộc. Macrine, chị ngài, linh hướng của gia đình, và bà góa Emmélie, mẹ ngài, cả hai đã lập một cộng đoàn ở Pont, bên sông Iris, thuộc lãnh địa Annésoi, nơi mà một người em của Basile đang sống ẩn tu. Khi ấy Basile có liên hệ với một nhà khổ tu ở Tiểu Á là Eustathe, vị này đã từng là Giám Mục Sébaste, thuộc Arménie, dù đã có liên lụy với thuyết Arius. Về sau vị này còn chối cả thần tính của Chúa Thánh Thần. Eustathe chủ trương một lối khổ tu rất nghiêm khắc, muốn sống theo Tin Mừng cách độc đáo, có phần nguy hiểm, và ông muốn áp đặt lối sống từ bỏ của mình cho cả cộng đồng Kitô giáo. Basile cũng không kém phần kính nể vị này. Có lã theo lời khuyên của ông mà vào khoảng 357 - 358, Basile quyết một phen tìm đến những vùng mà chế độ khổ tu phát triển : Syrie, Mesopotamie, nhất là Aicập, chiếc nôi của chế độ đan tu. Ngài không để lại cho chúng ta kỷ niệm gì về chuyến hành hương tận các nguồn này. Dù vậy, khi trở về, ngài đã cương quyết thử nghiệm đời sống đan tu, củng cố ảnh hưởng vẫn có của phong trào khổ tu trên các gia đình đương thời. Cùng với các đồ đệ, Basile liền tới trụ trì gần Annésoi. Ngài chỉ lôi cuốn được bạn Grégoire của ngài thỉnh thoảng lưu lại đó một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cùng với bạn, ngài thảo những luật đầu tiên của cộng đoàn, cả hai cùng nhau học hỏi Kinh Thánh dựa theo Philon và nhất là theo Origène, theo hướng của Grégoire le Thaumaturge, nhờ sự hợp tác này mà chúng ta hiện còn được một sưu tập quý giá về các bản văn của Origène, quyển Philocalie. Cũng như tác phẩm của Grégoire de Nysse, là người tuy không tham gia nhưng cũng được thừa hưởng những khám phá của nhóm này, tác phẩm của hai vị vẫn giữ được nét nhiệt thành, say mê của Philon và Origène. Tại Ansénoi, đời sống đan tu đi vào đường trí thức. LUẬT CỦA BASILE Trong thư thứ hai, Basile đã mô tả lối sống ấy khi tại nơi tĩnh tu này ; cầu nguyện liên lĩ ngày đêm, học hỏi Kinh Thánh, lao động tray chân, luật về ăn mặc ngủ nghỉ rất kham khổ ; nhưng về các lãnh vực khác, lại rất tự do : không đòi từ bỏ đồ đạc cá nhân, không phải vâng lời một bề trên theo kiểu tu viện, cũng không có kỷ luật chi tiết. Ðây là những nhóm nhỏ giản dị theo kiểu của Eustathe, hơn là chế độ tu viện được tổ chức chặt chẽ theo kiểu Aicập. Ðóng góp chính của Basile cho phong trào đan tu có lẽ là đề ra lối sống theo Tin mừng có trật tự, chừng mực hơn so với chủ trương sống theo Tin Mừng một cách triệt để, thái quá của Eustathe. Phân tích các tác phẩm của Basile về đời sống đan tu, tuần tự theo niên biểu, cho thấy có sự tiến triển từ đề xướng lúc đầu sống theo Tin Mừng cách đơn thuần, chịu ảnh hưởng của Eustathe, nhưng khó xác định mức độ (Règles Morales, khởi thảo đầu tiên của cuốn Askétikon, được gọi là Petit Askétikon) đến việc tổ chức được thể hiện, chẳng hạn qua chức vụ của một vị bề trên. Cho đến khi qua đời, Basile luôn tiếp tục sát cánh với anh em và giải đáp những thắc mắc của họ, cứ như thế, ngài dần dà minh định chương trình tu đức của ngài. Toàn bộ công trình này được thâu tập lại trong Grand Askétikon và đã trở thành tu luật cho vùng Ðông phương Byzantin. Hầu hết các tu viện ở Ðông phương đều sống theo "qui luật" này của thánh Basile. Bản dịch ra tiếng Latinh của Rufin trước cuối thể kỷ IV, đã đưa ảnh hưởng của bộ luật ấy lan tới Tây phương, nơi Cassien và thánh Benoit.
II. HOẠT ÐỘNG MỤC VỤ KHỞI ÐẦU HOẠT ÐỘNG Basile không hưởng đời tu viện được lâu. Ngài không thể dửng dưng trước những tác hại của cơn khủng hoảng do bè Arius gây nên, lúc bấy giờ đang hồi dữ dội. Ở Césarée, tình thế căng thẳng sau việc nhượng bộ của các Giám Mục Ðông phương tại Séleucie (Liébaert I, p. 292). Basile thụ phong linh mục do Giám Mục Dianios, có lẽ vào năm 362, ngài ra mặt chống lại những người theo bè Arius (Contre Eunome, trước 364) và, sau vài lần lưu chuyển, ngài đến ở hẳn tại Césarée, vào năm 365, theo yêu cầu của vị tân Giám Mục Eusèbe là mong được một cộng tác viên có tầm cỡ sát cánh bên mình, vào lúc mà thuyết Arius lại trở nên hùng hổ. Dù kém sức khoẻ, Basile vẫn lập tức chứng tỏ mình là người hoạt động cương nghị và hữu hiệu, điển hình là việc ngài tổ chức các cuộc cứu tế lúc xảy ra nạn đói năm 368, giữa cảnh hỗn loạn mọi mặt, và không ngại đích thân tham gia vào việc phân phát đồ ăn. Ngài bán gia sản riêng để lo cho những người túng quẫn, vào năm 370, ngài được chọn làm Giám Mục Césarée, đứng đầu toàn Hội Thánh Cappadoce, và trên thực tế là Thượng Phụ của "Giáo Phận" Pont. Trong một bối cảnh đời và đạo đặc biệt khó khăn, với khoảng vỏn vẹn tám năm rưỡi, ngài đã hoạt động nhiều đến lạ lùng, một số thư từ rất lớn còn giữ lại được, phần lớn viết vào thời ngài làm Giám Mục, cho thấy điều đó : đây là nguồn tài liệu chính cho việc nghiên cứu lịch sử thời kỳ này. GIÁM MỤC TRÊN MỌI TRẬN TUYẾN Trong trách nhiệm đối với Ðịa Phận, Basile là một Giám Mục gần gũi với hàng giáo sĩ của mình, và chú tâm đến những vấn đề thường ngày của một đoàn chiên rất mến mộ ngài. Những bức thư của ngài cho thấy ngài không ngừng quan tâm đến việc đấu tranh chống lại những chính sách độc tài, mà thường là bạo ngược, chống lại hệ thống thuế khóa, hoặc những bất công gây ra do việc thu tích của cải nơi các nhà cầm quyền. Lời rao giảng của ngài cũng hỗ trợ cho những can thiệp của ngài. Với một giọng cay nghiệt hiếm có, nhất là lúc xảy ra nạn đói năm 368, ngài công kích kẻ giàu "nghèo nhân nghĩa, nghèo lòng tin, nghèo về niềm hy vọng vĩnh cửu - : "Chỉ nguyên tủ quần áo của ngươi cũng đủ mặc cho cả một đoàn rét mướt ... Ngươi trang sức cho ngựa của ngươi, còn người anh em rách rưới thì ngươi lại khinh miệt".Ngài mô tả một cách phẫn nộ "kiểu sống xa hoa và ham hố" của họ. Ngài coi tài sản kếch xù là sự chiếm dụng của cải dành cho mọi người, cách riêng ngài tố giác bọn cho vay nặng lãi là những kẻ "tích góp thêm vốn tội của họ". Ngài can người nghèo khổ chớ có đi vay, của vay mượn là "con quái vật đẻ nợ", ngài mô tả cách thương tâm cảnh chủ nợ "siết cổ" và con nợ "bị nghẹt thở vì sợi thừng" tự sát. Ngài không ngớt kêu mời chia sẻ. Trong một xã hội tàn nhẫn đối với những kẻ hèn yếu, Basile đóng trọn vai trò trung gian và bù đắp mà cương vị Giám Mục lúc bấy giờ có thể làm. Hoàng đế Julien đã phải nhận rằng, tình tương thân tương ái, không thấy có nơi dân ngoại, nhưng lại thật đáng kể nơi các Kitô hữu. Bên cạnh rất nhiều sáng kiến mang tính cách cá nhân và địa phương, Basile còn khởi xướng một tổ chức hoạt động xã hội cấp tỉnh và lập một trung tâm ở Césarée, sau này được gọi là "Trung tâm Basile" (Basiliade). Khu cứu tế này dựa theo kiểu thực hiện của Eustathe de Sébaste, gồm nhà thương, nhà trọ, dưỡng đường, viện cô nhi ... ngài Basile cũng quả là một thánh Vincent de Paul. Trên bình diện Giáo Hội, hoạt động của Basile vượt xa ngoài Tiểu Á. Ngài sống chức vụ Giám Mục trong một Giáo Hội bị xé rách từng mảnh cách bi đát. Các Giám Mục theo bè Arius vẫn chỉ là thiểu số, nhưng ngược lại các vị bảo vệ cho Nicée lúc bấy giờ cũng chỉ là thành phần nhỏ, có khi còn chia rẽ nội bộ nữa. Ở Antioche, có sự đụng độ dữ dội giữa một bên là các vị thừa kế Thượng Phụ Eustathe, được Athanase và Tây phương đỡ đầu và bên kia là Giám Mục Mélèce, bạn của Basile. Ðược những người Arius đưa lên vào năm 361, Mélèce đã sớm thông hảo lại với đức tin của Công Ðồng Nicée. Ban đầu Basile cũng đi với cánh Homéousiens, những sau ngài cũng đã trở lại. Tuy nhiên, xung quanh hai vị này, đa số các Giám Mục Ðông phương có thái độ lơ lửng, thậm chí xu thời nữa. Cơn sóng gió cũng đã làm tổn thương mối quan hệ giữa hai hàng Giám Mục Ðông và Tây phương. Các Giám Mục Tây phương có khuynh hướng coi tất cả các Giám Mục Ðông phương đều theo thuyết Arius cả, ngoại trừ Athanase và các bạn thân của ngài. VỊ MỤC TỬ HÒA GIẢI Một trong những bận tâm lớn của Basile là việc hòa giải các Giáo Hội, và sự hiệp nhất chung quanh của đức tin Nicée. Ngài phải chạm trán với những trở ngại lớn. Vào năm 364, vị tân hoàng đế Valens lại áp đặt lên Ðông phương một chính sách thân Arius, và ông muốn khống chế hàng Giám Mục chống đối. Suốt mùa đông năm 371 - 372, ông lưu lại Césarée : vừa vuốt ve vừa đe dọa để thu phục Basile, nhưng đành bó tay tước sự cương quyết của vị Giám Mục và đã phải kiêng nể uy thế của ngài, Basile tiếp tục chu toàn các phận vụ của mình cách tự do, y như Athanase d'Alexandrie ở cùng thời.
Nhưng Basile còn khổ tâm hơn nhiều do những trở ngại gặp phải trong chính Giáo Hội. Ngài phải nỗ lực rất nhiều, nhưng mềm dẽo hơn Athanase, nhằm nương tay với những người lừng khừng, do dự, người ta trách cứ ngài về điều này, nhưng một số khác lại buộc tội ngài là không biết khoan nhượng. Cuộc tranh luận tín lý về Chúa Thánh Thần khiến ngài đau lòng đoạn giao với người thầy cũ là Eutathe de Sébaste. Sự kiên trì của ngài đã được đền bù ngay sau khi ngài qua đời : vào năm 379, Công Ðồng Antioche de Mélèce qui tụ, gồm 150 Giám Mục theo Nicée, và vào năm 381, Công Ðồng chung thứ hai thực sự đánh dấu kết thúc cuộc khủng hoảng do Arius gây ra trong Giáo Hội. Basile đã góp công lớn trong kết quả này. Sau khi Athanase qua đời vào năm 373, chính Basile đã đảm nhận vai trò lãnh đạo tinh thần Giáo Hội Ðông phương. Ðối với Roma, Basile tìm cách tái lập các quan hệ bằng cách vượt qua những hiểu lầm và ngờ vực. Ngài buồn phiền với những thái độ "cau mày của Tây phương". Lâu nay các thư từ cũng như phúc trình của ngài vẫn không được Ðức Giáo Hoàng Damase lưu ý tới, vì Ðức Damase được biết rõ tình thế hết sức rối ren của Ðông phương. Có những lúc ngài cảm thấy cay đắng và thối chí, chỉ tới khoảng năm 376, sau khi một lần nữa gửi lời kêu gọi trợ giúp cho các phần tử chính thống Ðông phương, ngài mới nhận được lời phúc đáp thân tình và tin tưởng của Ðức Giáo Hoàng Damase. Cả trong vấn đề này, hoạt động của ngài sẽ mang lại kết quả sau khi ngài qua đời. Trong một Giáo Hội bị xâu xé, Basile đã là người hòa giải, ngài đã đóng góp rất nhiều vào việc "tạo lại tình thân hữu giữa các Hội Thánh của Chúa", theo như cách diễn tả của ngài. Ðấy là một trong những công phúc lớn của ngài trong cương vị Giám Mục. IV. CÔNG TRÌNH THẦN HỌC GIÁO LÝ VỀ CÁC NGÔI VỊ Cũng với cương vị là Giám Mục, Basile đã truyền đạt giáo lý trong các bài giảng lễ của ngài, đặc biệt về sách Khởi Nguyên. Hơn nữa, ngài đích thực là nhà thần học, theo phong cách riêng của mình, không thuần túy suy lý hoặc suy tư có hệ thống, nhưng do sự thúc bách của cuộc khủng hoảng về tín lý mà chủ yếu là về niềm tin Ba Ngôi. Ngài luôn luôn tránh đi vào cuộc tranh luận nảy sinh chung quanh Ngôi vị của Ðức Kitô : tiêu biểu cho nền thần học chính thống của Nicée vào giai đoạn II. Ở giai đoạn này, sau khẳng định về sự duy nhất và ngang bằng giữa Chúa Cha và Chúa Con, thì giáo lý về sự phân biệt các "Ngôi Vị" Thiên Chúa và thần học về Chúa Thánh Thần được soạn thảo : hai điểm này còn bị bỏ ngỏ trong bản Tuyên Tín năm 325, các khảo luận "Contre Eunome và Sur le Saint-Esprit" của ngài bàn đến hai điểm này. Basile đã đương đầu với hai hình thái mới nảy sinh và mang tính cách triệt để của thuyết Arius : một hình thức chỉ muốn sử dụng cách nói thuộc Kinh Thánh và loại bỏ mọi từ ngữ không được Kinh Thánh dùng (homéisme) ; ngược lại, hình thức kia tinh tế mang tính chuyên môn và trí thức hơn, nhưng có khuynh hướng quá duy lý : đó là thần học của Eunome de Cyzique. Ông này cho rằng trí tuệ con người có khả năng "định nghĩa" hữu thể Thiên Chúa (trong khi đối với Arius, chính Chúa Con cũng không hoàn toàn thấu hiểu Chúa Cha) ; Thiên Chúa là "Nhất thể tuyệt đối" (L'un absolu), và chỉ hiện hữu bởi chính mình , như vậy Chúa Con và Chúa Thánh Thần không được nhìn nhận là Thiên Chúa (anoméisme). Chủ trương duy lý này đã khiến các Giáo Phụ Cappadoce hết sức phẫn nộ, vì nơi các ngài, niềm tin tưởng thành thực vào khả năng trí tuệ luôn luôn gắn liền với cảm thức sâu xa về huyền nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Kinh Thánh. Vì thế, các vị cùng nhau, nhất là Basile, dốc hết trí lực chống lại Eunome, bằng cách dựa trên Tân Ước, trên đức tin sống động của Giáo Hội, đặc biệt trong cử hành Phép Rửa, và cả trên suy tư triết học cũng như thần học. Những vấn nạn do đối phương nêu lên đã khiến Basile đưa thần học của mình đi sâu vào một suy tư độc đáo về khả năng con người trong việc nhận biết Thiên Chúa, về những giới hạn của ngôn ngữ được áp dụng cho Thiên Chúa, ngay cả ngôn ngữ của Kinh Thánh, về Hữu Thể, ở bên kia các từ ngữ nhằm nói về Người, bên kia mọi đặc tính biểu lộ Người ... Từ đó ngài cố gắng giảng nghĩa điều được nói lên khi chúng ta tuyên xưng vị Thiên Chúa đồng thời là ba và là một, chính ngài cũng do dự về chữ "đồng bản tính" (consubstanciel) của Nicée, vì sợ lối giải thích theo hình thái thuyết. Ngài đã thuận dùng chữ ấy, nhưng đồng thời tìm cách xác định rõ phân biệt giữa các ngôi vị Thiên Chúa. Dần dà ngài nghiêng về khẳng định "Ba hypostase" (Tam Vị) trong "Một bản thể duy nhất" (Unique substance) của Thiên Chúa. Từ ngữ "hypostase"mà sau này người Latinh dịch là "subsistance" riêng được hai vị Grégoire hiểu là một "cách thể hiện hữu riêng" (mode propre d'exister) (chứ không chỉ là một hình thái biểu lộ - mode de manifestation - theo kiểu những người chủ trương hình thái thuyết - modalisme) đặc điểm của cách thế này hệ tại ở các tương quan về nguồn gốc (relations d'origine), tương quan Cha, Con chẳng hạn. Sở dĩ duy nhất hoàn toàn về bản thể (substance) là vì các ngôi vị (Hypostases) Thiên Chúa chỉ phân biệt nhau do các tương quan, tất cả còn lại đều chung nhau. Sở dĩ ngôi vị Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều hiện hữu viên mãn, vì những tương quan này, xét là những tương quan theo nguồn gốc, khiến các vị hoàn toàn phân biệt nhau : có thể nói rằng, ngay từ thế kỷ IV, nhờ Basile, công thức này hoàn toàn chiếm ưu thế, đặt những khái niệm nền tảng cho thần học Ba Ngôi cổ điển ở Ðông phương cũng như Tây phương.
CÒN CHÚA THÁNH THẦN ? Tuy vậy, chính Basile mới chỉ triển khai phần nào những khái niệm này, và ai cũng biết ngài tỏ ra dè dặt trong việc áp dụng các khái niệm ấy cho Chúa Thánh Thần - thần tính của Chúa Thánh Thần bị các người theo bè Arius và một số thuộc phe chủ trương "homéousios" như Eustathe de Sébaste đem ra bàn cãi. Một vài năm trước khi qua đời, vị Giám Mục thành Césarée này đã soạn khảo luận "Du Saint-Esprit", nhằm phi bác những chống báng của họ ; sở dĩ ngài tránh gọi Chúa Thánh Thần là đồng bản thể và là "Thiên Chúa", vì ưu tư đại kết tránh chạm trán với các bạn cũ. Bản tuyên tín của Công Ðồng Constnatinople vào năm 381 (Kinh Tin Kính của thánh lễ) mang dấu tích "cách xử sự" của Basile (politique basilienne) ; Thần tính của Ngôi Ba được khẳng định bằng những từ ngữ gián tiếp : "được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha"... Bù lại, Basile nhấn mạnh hoạt động của Chúa Thánh Thần cho con người được nên giống Thiên Chúa, được thông phần, được thần hóa : "Khi đã được Thánh Thần soi sáng, tâm trí chúng ta chăm chú vào Chúa Con, như nơi một hình ảnh, tâm trí chiêm ngưỡng Chúa Cha". Rõ ràng là Basile đã đóng góp nhiều vào việc xây dựng linh đạo, nhất là linh đạo đan viện, và vào việc hình thành tuyên tín của Giáo Hội. Ðông phương còn giữ được di niệm về tác phẩm giáo luật và phụng vụ của ngài. Người ta tìm thấy nhiều ghi chú trong những bút ký vủa ngài, về việc hướng nhìn về Ðông phương, biểu tượng của Thiên Ðàng đã mất và lại tìm thấy, về cử chỉ đứng đọc kinh vào ngày thứ Nhất trong tuần, cũng là ngày thứ tám, triệu báo của "ngày không tàn", về Thánh Thể, được chịu "ngay cả mỗi ngày", có thể lưu giữ tại nhà riêng và tự rước lấy ... Grégoire de Nazianze có thuật lại rằng Basile đã điều chỉnh "phần kinh nguyện" ở Césarée. Trong số các nghi lễ phụng vụ lớn thuộc Byzantin, vẫn còn một nghi lễ hiện đang được thực hành, gọi là phụng vụ của thánh Basile. Dù sao công trình của ngài trong lãnh vực này, kèm theo công trình của thánh Jean Chrysostome, đã theo kịp bước phát triển về Thánh Thi (hymnologie) nơi các vị cùng thời bên Tây phương : Hilaire, Ambroise hay Damase. Basile de Césarée thật đáng được gọi là "Cả" (Le Grand). Giữa một hoạt động đáng khâm phục, ngài vẫn thực hiện được trong rất nhiều lãnh vực một công trình đáng kể, mà ở nhiều phương diện, đã gây tác động trong Giáo Hội toàn cầu. Những điều đó ngài đã thực hiện trong khoảng nửa cuộc đời. Ngài mất ngày 01.01.379. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC