Triết học tôn giáo

Các giáo phụ Cappadoce: Grégoire de Nazianze

GIÁO PHỤ - Mục lục

 

CÁC GIÁO PHỤ CAPPADOCE:

GRÉGOIRE DE NAZIANZE

 

JACQUES LIÉBAERT

 


J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 2: Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Phần I: "Đông Phương trong hậu bán thế kỷ 4". Nxb. Trở Về Nguồn. 


 

Grégoire và Basile là bạn với nhau từ thời còn đi học, nhưng như người ta nói, tính tình lại thật khác nhau. Nói đúng theo khoa tâm lý thì có một thế giới chia cắt hai người. Từ Basile qua Grégoire là đi từ chóp đỉnh của sự điềm tĩnh xuống tận sự áy náy hoặc do dự, từ phong thái của nhà điều hành có phương pháp và từ cách hành xử quyền bính lúc nào cũng thung dung xuống đến một vị phụ trách miễn cưỡng, bất ổn, vướng víu trong việc thi hành quyền bính như phải khoác một bộ đồ không đúng cỡ. Grégoire không được nhạy bén về con người và về những tình thế cụ thể như Basile. Lòng can đảm sẵn có, lòng quảng đại Kitô giáo của ngài, cũng như do áp lực của những người xung quanh, vì người ta đoán rằng ngài có rất nhiều tài năng, tất cả đã khiến ngài dần dần lãnh các trách vụ cho đến những chức vụ cao nhất, nhưng cứ mỗi lần như vậy, ngài cảm thấy khổ sở đến độ hôm sau lại trốn lên núi. Tiểu sử của ngài hẳn phải được đặt tựa đề là "hết thoái thác này đến thoái thác khác", như tiểu sử của Athanase là "hết lưu đày này đến lưu đày khác", và của Jérome . "hết cơn giận này đấn cơn giận khác".

Grégoire là người nhạy cảm : ngài vừa thèm khát tình bạn, vừa mê sống cô tịch. Ngài nói : "Mỗi người đều có điểm yếu, cái yếu của tôi đó là tình bạn và các bạn hữu". Ngài cần tới sự thông hiểu, nâng đỡ, cảm thông, ngay cả trong chức vụ. Ngài viết cho Basile : "Ðời mình có được gì là cũng do tình thân và việc thăm nom của bạn". Ngài giải bày tâm sự qua thư từ, thi phú và ngay trong diễn từ chính thức nhất của ngài. Grégoire là một trong những Giáo Phụ để lộ rõ con người qua tác phẩm của mình hơn hết.

Có nên trách ngài về tính khí ấy không ? Nhưng trước hết, phải chăng chúng ta bực mình khó chịu khi gặp Grégoire với những yếu hèn của ngài ? Trong khi mong tìm gặp một Giám Mục thì người ta lại gặp thấy một con người . và một Giám Mục. Nhưng nói cho cùng thì nỗi yếu hèn của ngài chỉ là yếu hèn theo kiểu thánh Phaolô. Mặc dù, hay đúng hơn là xuyên qua sự yếu hèn đó, ngài đã thực hiện được những điều lớn lao, trong tư cách một mục tử, một nhà thần học, nhà thần bí và là một nghệ sĩ.

I. MỤC TỬ BẤT ÐẮC DĨ - GIÁM MỤC KHÔNG ÐỊA PHẬN

THỜI CHUẨN BỊ

Grégoire sinh tại Azianze vào khoảng năm 329, thuộc gia đình quý tộc. Ngài là con của bà Nonna, một Kitô hữu đạo hạnh và cha là Grégoire, Giám Mục thành Nazianza. Vị này đã trở lại từ một giáo phái gốc Dothái - gốc lương dân. Gia đình gửi ngài theo học lần lượt tại Nazianze, Césarée de Palestine, Alexandrie, ở đây ngài được học với Didyme lAveugle và thân với một người tên Jérome. Với tám năm lưu ngụ tại Athène (350 -358), ngài hoàn thành việc học bên cạnh Basile, và cả Julien, trở thành hoàng đế ba năm sau đó. Grégoire đã trau dồi thông thạo về ngôn ngữ, nhưng, nhất là như Basile, ngài tin chắc rằng văn hóa Hylạp có thể giúp đào luyện trí dục, ngay cả đối với hàng giáo sĩ. Về điểm này, ngài sớm đụng phải những quyết định của Julien (361 - 363) cấm Kitô hữu dạy văn chương Hylạp. Tuy nhiên, tâm hồn chiêm niệm của ngài lại muốn là "một tấm gương trong về Thiên Chúa và về những thực tại thần linh". Ngài có đến chỗ Basile, bên sông Iris, cộng tác với Basile mà dường như không hoàn toàn gia nhập cộng đoàn. Ðây là thời những người theo bè Arius lộng hành, cả ở Ðông phương cũng như Tây phương. Giám Mục Grégoire de Nazianze, cha ngài, đã ký nhận bản tuyên tín của Công Ðồng Rimini - Séleucie, rồi sau rút lại. Vị này phải nhờ đến uy tín của con trai mình (ngài thuyết phục cha đưa ra một tuyên tín hoàn toàn Công Giáo năm 364). Vào khoảng năm 362, phần nào bị cha thúc ép, ngài đã được cha Rửa Tội (vì thời này người ta có thói quen rửa tội khi đã trưởng thành), và phong chức Linh Mục. Vị tân giáo sĩ bỏ trốn vào chốn cô tịch, rồi trở về và biện minh cho cử chỉ của mình là vì lòng kính sợ đối với chức Linh Mục.

 

"CHÚNG TÔI CHỈ CÓ MỘT TÂM HỒN" :

GRÉGOIRE VÀ BASILE Ờ ATHÈNE

Thiên Chúa còn ban cho tôi một ơn lành nữa : đó là cho tôi được làm bạn với một người khôn ngoan bạt chúng, một người mà đời sống và kiến thức quả là siêu quần. Thế người đó là ai ? Hẳn các bạn có thể đoán ra dễ dàng : đó là Basile, một con người quá đổi hữu ích cho thời đại chúng ta. Tôi đã cùng ngài chia sẻ việc học hành, nơi ở, suy tư, và nếu được phép vinh vang một chút, tôi sẽ nói rằng cả hai chúng tôi không phải là không tên tuổi khi sống tại Hylạp. Giữa chúng tôi tất cả đều chung, thân xác khác nhau nhưng được nối kết bởi cùng một tâm hồn, và điều khiến chúng tôi gắn bó với nhau hơn cả đó là Thiên Chúa và lòng yêu sự thiện. Vì, khi chúng tôi thân thiết với nhau đẻ để bộc lộ đáy lòng mình cho nhau, thì tình bạn của chúng tôi càng thêm chí thiết, chính sự đồng nhất trong khát vọng bảo đảm sự hiệp nhất các tâm hồn.

Poèmes "Sur ma vie V, 221 - 236, PG. 37, 1044A - 1045A. Trad. P. Galley, Grégoire de Nazianze,  Poèmes et Lettres, Lyon, Paris, 1941, p. 32 - 33

 

NHỮNG LỜI ÐẦU TIÊN CỦA NHÀ GIẢNG THUYẾT

(PHỤC SINH 362) :

NGÀI GIẢI THÍCH VỀ VIỆC TRỐN TRÁNH CỦA MÌNH

1. Ngày lễ Phục Sinh : Ðây là một khởi đầu thật hứa hẹn. Ước gì ngày lễ long trọng này khoác lên chúng ta ánh huy hoàng của nó ! Chúng ta hãy ôm hôn nhau, hãy gọi là anh em cả những người thù ghét chúng ta, huống chi là những người mà chúng tôi phải chịu đựng hay những người phải chịu đựng chúng tôi, mà có lẽ do lòng mến không được phải lẽ lắm. Chúng ta hãy vì ngày lễ Phục Sinh mà khoan nhượng tất cả. Chúng ta hãy tha thứ cho nhau, tôi, kẻ đã là nạn nhân của điều mà giờ đây tôi xin được gọi là một sự "áp bức đầy hảo ý", và anh em, những người đã có hành vi cao đẹp đó đối với tôi, (hãy tha thứ) nếu như anh em có sự trách móc nào đó về sự chậm trễ của tôi, vì biết đâu sự chậm trễ này trước mắt Thiên Chúa lại tốt hơn, có giá trị hơn sự mau mắn mà những người khác đã chứng tỏ. Thực vậy, thối lui chút ít trước mặt Thiên Chúa như Môsê vĩ đại ngày xưa và như Jérémia sau này, hoặc mau mắn chạy đến với lời Ngài kêu gọi như Aaron và Isaia thì đều tốt như nhau, miễn là trong cả hai trường hợp chúng ta đều hành động do lòng đạo đức, vì lẽ trong trường hợp thứ nhất chúng ta ý thức về sự yếu đuối của mình còn trong trường hợp thứ hai, là ý thức về quyền năng của Ðấng kêu gọi.

2. Tôi đã chịu xức dầu huyền nhiệm, tôi đã biểu lộ một sự thối lui nào đó trước huyền nhiệm, đó là thời gian tôi xét mình, bây giờ tôi trở về với huyền nhiệm và nại đến ngày tốt đẹp này để nâng đỡ sự nhút nhát và yếu đuối của tôi, ngõ hầu Ðấng được Phục Sinh từ trong kẻ chết vào ngày hôm nay cũng đổi mới tôi bằng Thần Khí của Ngài, và sau khi đã mặc cho tôi con người mới, Ngài ban cho công trình sáng tạo mới, cho những người đã được sinh ra theo ý Thiên Chúa, một nhà đào luyện giỏi, một thầy dạy tốt, hăng say trong việc chết với Ðức Kitô cũng như trong việc sống lại với Ngài.

(Discours, I, 1- 2, Sur Pâques,

SC no. 127, p. 72 - 75, Trad. J. Bernadi).

 

 

GIÁM MỤC KHÔNG NƠI THƯỜNG TRÚ

Mười năm trôi qua : cứ luân phiên, một thời gian ngài giúp cha phục vụ cộng đồng Kitô hữu mà ngài cho là quá khô khan nguội lạnh, rồi một thời gian ngài đi tu dưỡng "cùng với các thiên thần" vào năm 372. Do sự can thiệp của Basile là Giám Mục Césarée vào năm 370, Grégoire được đặt làm Giám Mục Sasimes, một địa danh mà ngài than là "một thị trấn nhỏ nghèo nàn và thậm tệ", nằm tiếp giáp với hai vùng Cappadoce mà Valens, thành viên của bè Arius vừa tạo ra do việc chia tỉnh. Basile, một con người năng nổ, đã lập ra các Tòa Giám Mục như vậy nhằm tăng số các Giám Mục thuộc quyền tín cẩn, trong số đó có Grégoire em ngài. Bất chấp Anthime, Giám Mục của Tyane ; vị này đang mong làm Tổng Giám Mục Cappadoce thứ hai này. Grégoire chấp nhận, nhưng liền lánh vào miền núi. Sau đó thay vì đến nhận Tòa, ngài lại đi phục vụ Hội Thánh tại Nazianze, như giám Mục phó xen kẽ một vài lần lui vào cô tịch. Cha ngài qua đời vào năm 374 ; ngài từ chối kế vị cha, và giữa lúc phát tang, ngài than khóc : "Thân tôi yếu đau, cái già đã chụp xuống đầu ; lo âu kìm kẹp tôi ; công việc đè nặng lên tôi ; tôi không thể tin vào bạn bè ; Giáo Hội không còn mục tử, cũng chẳng còn ai để lèo lái con thuyền Giáo Hội , con thuyền của chúng ta đang ngang qua những ba đào mịt mùng, không hải đăng soi lối ; Chúa Kitô đang ngủ". Sau khi thay thế cha một thời gian, ngài lui vào Setencie, ở Isaurie, trong khổ hạnh suy tư và chiêm niệm (375 - 379).

 

THỬ THÁCH Ở SASIMES VÀ THỬ THÁCH VỀ TÌNH BẠN

Sasimes là vùng đất ven biển, thuộc hai Giám Mục đối địch. Một cuộc chiến dữ dội đã bùng lên giữa hai bên, bởi người ta đã chia quê hương chúng tôi thành hai tỉnh, và vì thế mà có hai Tổng Giáo Phận (métropoles). Các linh hồn chỉ là cái cớ, nguyên nhân đích thực ấy là tham vọng. Tôi thật không dám hé môi ; các suất thuế và các khoản lợi tức lại xáo trộn thế giới tệ hại đến mức như vậy.

Vậy, hãy nói cho tôi, nhân danh Thiên Chúa, phải làm gì bây giờ ! Phải bằng lòng chăng? Dập tắt trong bùn chăng? Thế tuổi già của tôi không tìm được nơi ẩn náu sao? Cứ mãi bị bức bách ra khỏi mái nhà che chở tôi sao ? Nghèo khổ như tôi mà lại phải gánh trách nhiệm điều khiển một đám dân nghèo khổ ư? Tôi nào thấy điều gì mình có thể thực hiện? Phải chăng là gánh mọi sự dữ đang tác oai tác quái trên các thành phố ? Phải chăng là gặt lấy gai góc mà chẳng thấy đâu hoa hồng, thu về toàn sự dữ mà không thấy đâu sự thiện? Nếu bạn muốn, hãy yêu cầu tôi một loại can đảm khác, còn định mệnh ấy xin hãy đề nghị với những người khôn ngoan hơn tôi! Những gì Athène mang lại là thế đấy, những nổ lực chung của chúng ta học hỏi văn chương, cuộc sống của chúng ta dưới cùng một mái ấm, sự duy nhất của hai tâm hồn chúng ta - điều kỳ diệu mà xứ Hylạp vốn ngưỡng mộ - rồi những lời chúng ta hứa với nhau vứt bỏ thế gian xa khỏi chúng ta, hứa cùng chung sống vì Chúa, cống hiến tài năng của chúng ta cho Ngôi Lời, Ðấng duy nhất khôn ngoan ! Thế là tan biến tất cả, tất cả đã sụp đổ, những giấc mơ ngày xưa của chúng ta cũng theo gió cuốn bay! Tốn đâu bây giờ! A ! Những con thú hung dữ, các ngươi không đón nhận ta sao ? Nơi các ngươi hẳn ta sẽ tìm được tình bạn thủy chung hơn đấy !

(Poèmes "Sur ma vie" câu 455 - 485, PG. 37, 1060A - 1061A. Trad. P.Galley, Grégoire de Nazianze, Poèmes et Lettres, Lyon, Paris, 1941, p. 46 - 48).

 

 

VÀ BẤT NGỜ TẠI CONSTANTINOPLE

Các biến cố đột nhiên cho thấy tầm cỡ mục tử của ngài. Valens băng hà (378), trước Basile ít lâu. Gratien rồi Théodose, cả hai đều tái lập lại giáo lý chính thống. Vị sau này cho triệu mời Grégoire nhằm đưa Constantinople về với đức tin chân thật, nhưng không trao tòa ấy cho ngài. Hết mọi nhà thờ đều bị các người thuộc bè Arius chiếm giữ. Ngài phải lập một nguyện đường và đặt tên là Anastasis (Phục sinh), bên trong ngôi nhà của một thân nhân. Từ đấy, ngài đem lòng quảng đại và tài hùng biện phục vụ cộng đoàn "Nicée" bé nhỏ ; ngài cũng đem lối đối thoại ý nhị phục vụ hết thảy mọi người. Ngài đặc biệt công bố năm bài diễn luận thần học (trong số 45 bài) gây được sự thán phục. Ngài tiếp nhận người bạn cũ Jérome ; vị này, về sau, có viết về ngài : "Trong số các vị thuộc Latinh, không ai được giống như ngài. Ngài từng là bậc thầy của tôi, tôi vui mừng hãnh diện về điều ấy".

Tuy nhiên, những gnười theo bè Arius luôn tìm cách đột phá : ngay cả một số tín hữu cũng chỉ trích thần học về Ba Ngôi của vị mục tử. Vả lại, bước đi lên của Constantinople không hề làm hài lòng các thủ phủ kỳ cựu. Một ngày nọ, Grégoire long trọng tiếp nhận vào cộng đoàn "Nicée" một vị tên Maxime, một "triết gia". Ngài rước vị này về nhà và còn viết lời ca ngợi vị ấy nữa. Ngài đâu dè rằng vị khách quý ấy lại là ứng viên bí mật mà vị Thượng Phụ thành Alexandrie muốn đặt vào tòa của thủ đô (Constantinople). Vị đang ngấp nghé này được lén đem truyền chức vào ban đêm. Nhưng Théodose kịp ra tay chận đứng sự phiêu lưu này.

Dù có bị chống đối, thành công của Grégoire vẫn thật đáng kể. Théodose ngự giá vào dịp lễ Noel năm 380 ; vị Giám Mục thuộc bè Arius bị trục xuất ; nhà thờ chánh tòa cùng các thánh điện khác, đều được trao lại cho người Công Giáo, và Grégoire tiến vào nhà thờ chánh tòa cùng với hoàng đế. Tại buổi khai mạc Công đồng Constantinople (381), sau này được nhìn nhận là Công Ðồng Chung (concile oecuménique) ngài được bổ nhậm tòa của Tân-Rome. Phải chăng đây là vinh quang bền vững ?

RÚT LUI

Sự ghen tuông và những mưu hại mỗi ngày dồn dập quanh ngai Giám Mục : càng gay hơn vì Grégoire nguyên chính thức là Giám Mục của Sasimes, và theo những điều khoản đề ra ở Nicée, thì ngài không còn có thể được chuyển sang một tòa khác. Những chie rẽ trầm trọng còn xảy ra tại Công Ðồng mà Grégoire được mời làm chủ tọa, vì Mélèce d Antioche qua đời. Nản chí, ngài thoái vị, rời bỏ tòa lúc mới được một năm, đấy là tòa độc nhất mà ngài được bổ nhiệm chính thức, và đã ngỏ với các tín hữu lời giã biệt vĩnh viễn, một lời từ biệt hết sức tao nhã cả về ý tưởng lẫn ngôn từ.

 

Sau đó ngài lại lui về Nazianze (382), ở đấy Tòa Giám Mục vẫn bị trống ngôi, ngài tạm thời thi hành chức vụ Giám Mục thế chỗ cha ngài và sau cùng ngài về Azianze, nơi chôn nhau và là nơi ẩn dật cuối đời, tại đây ngài ngẫm suy lại, với niềm cay đắng nào đó, kinh nghiệm về hàng Giám Mục và về Công Ðồng. Ngài có qua một vài lần tranh luận với những người theo Apollinaire, ngài soạn các học thuyết của mình bằng văn xuôi, và nhất là bằng văn vần, ngài cũng nói đến cả những suy nghĩ của mình về sự vô ơn của các tín hữu và về trình độ văn hóa kém cỏi của các Giám Mục đồng sự. Ngài theo đuổi sinh hoạt tinh thần qua một số lớn thư từ, trong đó ngài đề cập đến tất cả ngay cả đến nghệ thuật viết thư. Hiện còn lưu lại 249 bức thư, mà số xác thực do ngài viết thì không được rõ, phần lớn số thư này được thảo vào lúc cuối đời. Chính Grégoire sưu tập các bức thư lại nhằm cho xuất bản. Cũng trong ý định ấy, ngài tu chỉnh lại các diễn luận của ngài (Discours). Ngài vẫn ý thức mình là một văn sĩ. Ngài qua đời vào khoảng năm 389 hay 390.

Với trí thông minh phi thường của ngài, từng cung cấp cho các Kitô hữu một lương thực phong phú, với nhiệt tình và tâm hồn hết sức nhạy cảm, với tài hùng biện uyên bác và lôi cuốn, tất cả những ưu điểm ấy vẫn không thắng được tâm tính ít thích ứng với hoạt động của ngài. Ba mươi năm ở chức vụ Giám Mục, hầu như ngài luôn ở "ngoài giới địa", và dù cũng có nhiều thành công vang dội, nhưng tựu trung - và xét theo bề ngoài, là một thất bại. Trong khi Basile de Césarée là một Giám Mục được thoả chí, thì Grégoire vẫn cứ mãi là "de Nazianze", một thành phố nhỏ mà ở đó, ngài thi hành chức vụ mục tử lâu nhất, nhưng không hề là Giám Mục bản quyền.

 

NHỮNG LỜI CUỐI CỦA "CUỘC ÐỜI TÔI" :

CUỘC HỒI HƯU BUỒN BÃ

Thế là chấm dứt. Này tôi, một thân xác dở chết, thất bại, nhưng đồng thời - có điều đặc biệt - tôi lại được đội triều thiên. Tôi có Thiên Chúa và những người bạn thần thiêng thay vì một ngai tòa và tiếng ồn ào phù phiếm.

Ôi những kẻ khôn ngoan, hãy lên mặt tự hào, hãy hỉ hoan, hãy nhảy nhót, hãy soạn những khúc ca về chiến bại của ta trong cộng đoàn các ngươi, trong các buổi yến tiệc và trong thánh điện của các người ! Các người là những kẻ chiến thắng : hãy cất tiếng gáy như gà, hãy huých chỏ vào sườn, hãy đứng lên đi, hãy cất cao đầu giữa những kẻ rồ dại. Này tất cả các người, các người chỉ chiến thắng mỗi mình ta thôi và bởi vì ta đã rât muốn thế. Ôi lòng ghen ghét ! Nếu quả thực là ta muốn thế thì các ngươi đã tước mất tự do của ta khi các ngươi vênh vang là đã đuổi ta đi, còn nếu ngược lại, ta đã phải miễn cưỡng ra đi thì các ngươi hãy hổ thẹn vì việc làm xấu xa của các ngươi : Hôm qua thì đưa ta lên ngai hôm nay các ngươi lại trục xuất ta.

Khi trốn khỏi các ngươi, ta sẽ làm gì nhỉ ?

Tôi sẽ rút vào trong hội các Thiên Thần. Cuộc đời tôi, như nó là thế, sẽ chẳng còn ai làm hại, cũng chẳng còn ai có ích cho nó. Tôi sẽ để hết tâm trí vào Thiên Chúa. Dù cho những cái lưỡi có múa may, cũng chỉ vô ích như gió thoảng ngoài. Tôi đã chán nghe lắm rồi, vì tôi phải thường xuyên phải chịu những lời sỉ nhục, và những lời khen lao quá đáng.

Tôi tìm một chốn cư ngụ, một nơi không có những kẻ độc ác, một nơi mà tuổi già của tôi sẽ được dưỡng nuôi bởi Thiên Chúa, Ðấng mà thần trí tôi vươn tới trong niềm cô tịch, và bởi niềm hy vọng về những điều thiên thai, những điều vốn làm chúng ta thấy nhẹ lòng thanh thoát.

Còn với các Giáo Hội, tôi biết cho điều gì nhỉ ? Nước mắt mà thôi. Thiên Chúa đã buộc tôi phải gánh vác để rồi trải cuộc đời tôi cho bao thăng trầm nơi các Giáo Hội.

Và cuộc đời này, đâu sẽ là điểm kết thúc. Xin hãy nói cho con, Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa. Tôi nguyện xin để ước gì đó sẽ là chỗ ở vững bền không lay chuyển, nơi nhà Ba Ngôi của tôi cư ngụ. Người là Ánh Quang Huy độc nhất, chính từ Người mà những tia phản chiếu nhạt nhòa giờ đây đang dọi trên chúng ta, làm chúng ta ngây ngất.

(Thơ "cuộc đời tôi", câu 1119 - 1949, PG 37, 1163A - 1166A. Trad. P. Gallay. Grégoire de Nazianze, Poèmes et Lettres, Lyon - Paris, 1941, p. 114 - 114).

 


 

II. NHÀ THẦN HỌC

Ðối với hậu thế, Grégoire de Nazianze vẫn được coi là "nhà thần học". Ðiều này có thể gây ngạc nhiên, nếu chỉ xét theo những đề mục các trước tác của ngài. Ngài không để lại một bản chú giải nào, không một thiên khảo luận quan trọng nào cả. Phần chính công trình của ngài là 45 (thực tế là 44) bài diễn từ (Discours) hoặc bài giảng lễ (Homélies) ; 5 bài (từ số 27 - 31) được gọi rõ là "thần học". Ðược công bố tại Constantinople vào năm 380, về sự đồng bản thể của Ngôi Lời, chống lại những người theo Arius, và về thần tính của Chúa Thánh Thần, chống lại bè Macédoniens. Nhiều bài giảng khác nữa cũng đáng được coi là "thần học", đặc biệt là những bài ngài giảng trong các lễ trọng, và ngay cả một số thư từ. Cuối cùng, có một vài bài thơ cũng thực sự mang chất tín lý.

NHÀ LUÂN LÝ

Grégoire không dửng dưng trước những vấn đề luân lý, ngài hay chạnh thương trước những người nghèo, ngài tin ở sự "bình đẳng nguyên thủy", ấy là điều Thiên Chúa muốn - nếu sự bình đẳng đó có bị phá vỡ, thì như Basile thường nói, những người giàu chỉ là những người quản lý của cải trần thế, họ có nhiệm vụ phải tái lập lại sự quân bình vì lợi ích của người anh em khốn khổ, là những người được đồng hóa với Chúa Giêsu : "Hãy cứu trợ Ðức Kitô, hãy cho Ðức Kitô ăn, hãy kính mến Người". Ngài cảm xúc sâu xa trước những người phong cùi, "những con người nửa sống, nửa chết, bị cắt cụt tàn nhẫn, quá dị dạng đến nỗi không còn có thể nhận ra là người . Những con người đấy ư ? Ðúng hơn, đó là những mảng tàn tạ của họ". Với những vị đồng thời, Grégoire cũng đặt vấn đề hôn nhân và trinh khiết. Dĩ nhiên, ngài tuyên dương sự trỗi vượt của đức trinh khiết, nhất là vì đức này hiển hiện nơi Maria, "Ðức Mẹ khiết trinh" : "Cuối cùng thì đức trinh khiết cũng sáng lên nơi đôi mắt của con người cát bụi được thoát khỏi ràng buộc thế gian, đức khiết trinh giải thoát thế gian yếu đuối hư hèn ; như linh hồn vượt xa xác thịt bao nhiêu thì đức ấy cũng vượt xa việc hôn nhân và những ràng buộc của cuộc sống bấy nhiêu". Tuy nhiên, ngài cũng không quên khẳng định rằng, hôn nhân là "luật nguyên thủy của trái đất, cũng là luật của Thiên Chúa". Ngài ca ngợi "hành vi tôn quý này của Éros", coi đấy như "dấu ấn của một tình thương bền vững", nguồn phúc lộc cho chính đôi bạn và cho thế giới. "Hôn nhân không làm xa cách Thiên Chúa, nhưng đem đến gần Người, nhất là vì chính Người thúc đẩy chúng ta đến đó". Nếu Grégoire không phải lúc nào cũng bao dung như thế đối với "thức uống độc nhất từ một nguồn suối niêm phong ; mà những kẻ ngoài cuộc không nếm được" thì có điều chắc chắn là quan niệm của ngài về đời sống hôn nhân ít bi quan hơn quan niệm của Basile.

 

"SỰ BÌNH ÐẲNG NGUYÊN THỦY"

Chúng ta hãy bắt chước các quy luật tối thượng và đầu tiên của Vị Thiên Chúa, Ðấng cho mưa rơi trên người công chính và kẻ ác nhân, cho mặt trời mọc trên tất cả mọi người không phân biệt. Ðối với những tạo vật sống trên mặt đất, Người ban cho những khoảng rộng mênh mông, những con suối, những dòng sông, những cánh rừng. Với những loài có cánh, Ngài sáng tạo ra không trung và nước cho động vật dưới nước. Ngài cung cấp dồi dào cho mỗi người lương thực sinh nhai thuở ban đầu, và những ơn huệ của Ngài không rơi vào tay kẻ mạnh, không theo qui luật đo lường, cũng chẳng bị các quốc gia chia chác. Tất cả là của chung, tất cả đều dư thừa. Ngài chẳng hề ban điều gì mà lại không lớn lao vĩ đại. Như thế, qua việc phân chia đồng đều các ân sủng, Ngài biểu dương sự bình đẳng tự nhiên và làm rạng tỏ tấm lòng Ngài đại lượng.

Nhưng khi con người, chính họ, đã thu tích vào rương, nào vàng, nào bạc, nào những y trang thật xa hoa mà cũng thật vô ích, rồi những kim cương ngọc ngà, những thứ vốn là dấu hiệu của chiến tranh, của bất hòa, của bạo quyền, thì bấy giờ một sự ngạo nghễ khùng điên làm chai cứng khuôn mặt họ : đối với anh em cùng quẫn, họ chẳng chút xót thương, của dư thừa cũng chẳng cung cấp cho người ta chút gì để sống. Ôi sự mù lòa thô bỉ ! Họ không suy nghĩ được rằng nghèo khổ và giàu có, hoặc như chúng ta nói, thân phận tự do và thân phận nô lệ hay những phạm trù tương tự, chỉ sau này mới xảy ra nơi nhân loại, những điều đó đã ùa vào như những cơn dịch tễ vì tội đã dẫn chúng tới và chúng là những phát minh của tội. Nhưng thuở ban đầu "thì không như thế". Thuở khai thiên Thiên Chúa tạo dựng con người, cho con người tự do, hành động tùy như ý muốn, Ngài chỉ cấm một điều, còn thì để cho con người mặc sức với những vui thú nơi vườn địa đàng. Thiên Chúa mong muốn tất cả con cháu được tham dự vào hạnh phúc của con người đầu tiên. Tự do và giàu có được gắn liền với một lệnh truyền duy nhất. Khi vi phạm lệnh truyền đó, người ta đã đưa mình thực sự vào kiếp nghèo và thân nô lệ.

(Discours 14, 25. Le larmour les pauvres, PG 35, 889B - 892B, dans A.G. Hamman, Riches et Pauvres,  p. 122 - 123 ; Trad. Fr. Quéré - Jaulmes).

 

Ba vị Giáo Phụ miền Cappadoce nhắc lại sự bình đẳng nguyên thủy và phản bác việc chiếm đoạt tài sản. Thông điệp "sollicitudo rei socialis" (30.12.1987) của Ðức Gioan Phaolô II cũng viết như vậy : "Từ ban đầu, những tài sản của thế giới này được dành cho mọi người. Quyền tư hữu có giá trị và cần thiết nhưng nó không hề loại bỏ giá trị của nguyên tắc đó". Thành ngữ "dành cho mọi người" xuất hiện trong Thông Ðiệp ba lần.

 

"NHỮNG CON NGƯỜI NỬA SỐNG NỬA CHẾT"

Một cảnh thương tâm và khủng khiếp bày ra trước mắt chúng ta : phải chứng kiến mới tin nổi : những con người vừa là kẻ sống vửa là kẻ chết, chân tay bị cắt cụt đến tàn nhẫn, quá dị dạng đến nỗi không còn có thể nhận ra là người. Những con người đấy ư ? Ðúng hơn, đó là những mảng tàn tạ của họ. Họ kể tên cha, tên mẹ, tên anh, tên quê hương mình để cố làm cho người ta nhận ra : "Tôi là con của ông nọ bà kia, người ta gọi tên tôi như thế, ngày xưa anh là bạn của tôi mà". Ðó là những chỉ dẫn cần thiết chứ nhìn họ nào có đoán được gì đâu. Chẳng có ai như họ, những con người vừa thương thân, vừa hận mình, và không biết nên than khóc vì đã mất đi các chi thể hay vì còn giữ lại được phần thân thể, không biết có nên khóc vì bệnh tật đã lấy đi của họ tất cả. Ðối với họ, mất cả tứ chi thay vì giữ lại những mỏm cụt có lẽ còn đỡ bi thảm hơn. Một phần thân thể đã chết trước khi thân thể chết, và phần kia lại chẳng có ai buồn chôn cất. Những tâm hồn nhạy cảm và quảng đại nhất cũng không mảy may xúc động trước nỗi tuyệt vọng của người tật phong. Chẳng lẽ chúng ta lại quên rằng, nơi trần ai này chúng ta chỉ là một thân xác bị nỗi khốn cùng bao bọc, và thay vì nghĩ đến người lân cận, chúng ta cho rằng phải xa lánh họ để bảo đảm an toàn cho mình sao ? Thường người ta đâu có sợ lại gần một tử thi đang tan rữa, đâu có cảm thấy kinh tởm khi gặp phải mùi hôi thối từ loài vật xông ra, người ta chịu cả chuyện bị lún sâu trong bùn. Ấy thế mà chúng ta lại chạy trốn những người yếu đau bệnh hoạn đó. Ôi ! thật là man rợ, hít thở cùng một không khí mà đã như thấy rợn mình kinh khiếp.

Discours 14, 16. De lamour des pauvres, PG 35, 869AB, Paris, A.G. Hamman, Riches et Pauvres, p. 111, Trad. Fr. Quéré - Jaulmes.

 

LỜI BIỆN HỘ CHO ÐỜI SỐNG HÔN NHÂN

(nằm trong bài Cappadoce tụng đức trinh khiết)

 

Những người mà các cuộc hôn lễ và những mối dây liên kết cuộc đời đối với họ là những điều quí giá.

(Họ nói với chúng tôi): Chúng tôi sống theo luật mà Người Con của Chúa Cha vĩnh hằng đã định.

Khi Ngài kết hợp Ađam đầu tiên với người phụ nữ rút ra từ cạnh sườn.

Ðể con người sinh tự con người như hoa trái trổ sinh, và để qua các thế hệ, 

Dù vẫn là thân cát bụi, vẫn tiếp tục tồn tại nơi cháu con, như hạt lúa nằm trong bông lúa.

Khi chu toàn luật định và sự kết hợp của Tình Yêu 

Chúng tôi giúp đở lẫn nhau và, bởi sinh ra từ đất, 

Chúng tôi tuân theo luật ban đầu của đất, và cũng là luật định của trời.

Bạn hãy xem những đám cưới tốt đẹp mang lại cho loài người : 

Ai đã dạy lẽ khôn ngoan, đã đi vào những miền sâu thẳm

Dò xét mọi điều, trên mặt đất, trong biển khơi, dưới bầu trời

Ai đã ban hành luật cho các thành phố, nhưng trước khi có luật

Ai đã xây dựng các thành phố ? Rồi các ngành nghệ thuật ai đã tìm ra

Ai đã cung cấp dân cư cho nghị trường, đấu trường, nhà cửa

Quân đội cho các cuộc chiến chinh và bàn ăn cho những lần yến tiệc

Ai đã tập họp ca đoàn xướng hát trong các đền thờ

Ai chế ngự sự dữ tợn của cuộc sống ban sơ, đất đai canh tác

Xuyên qua các đại dương, thế ai đã nối liền những miền chia cách

Nếu không phải là những cuộc hôn nhân ? Nhưng còn có điều tốt đẹp hơn thế nữa

Chúng tôi là tay, là tai, là chân của nhau

Nhờ hôn nhân mà chúng tôi được nhân đôi sức mạnh

Lo âu cùng chia làm nhẹ gánh gian nan

Mừng vui chung hưởng lại càng thêm dịu ngọt

Thuận vợ thuận chồng khiến giàu sang thêm quý giá

Nhưng nếu không biết đến giàu sang, thì vợ chồng thuận hòa thậm chí lại quí hơn tất cả

Hôn nhân là chìa khoá của tiết độ và của những khát khao

Dấu niêm ấn của tình bạn không tài nào phá vỡ

Là suối nước kín quanh mà kẻ đứng ngoài không thể nào thưởng nếm

Suối không chảy tràn lan, tìm đâu ra kín múc

Những người kết hợp trong thân xác làm nên một tâm hồn

Và vì yêu nhau, lòng đạo đức càng thêm thánh đức

Bởi hôn nhân nào có làm rời xa Thiên Chúa

Nhưng lại càng đem đến gần Ngài, vì chính Ngài thúc đẩy chúng tôi đến với hôn nhân .

Poème théologiques, 2 moraux, IIe section 1, Eloge De la Virginité, vers 223 - 227, PG 37. 539 - 543A Selon L. Bouyer,  La spritualité du Nouveau Testament et des Pères, Paris 1960, p. 417.

 

 

MẦU NHIỆM CHÚA KITÔ VÀ CON NGƯỜI

Tư tưởng của ngài nghiêng về tín lý nhiều hơn là về luân lý. Hai tâm điểm của giáo huấn của ngài, cũng như của cả thời ấy là : Chúa Kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi. Cùng với các bạn Cappadoce, ngài đào sâu di sản của Nicée, nhằm đưa di sản ấy đến chỗ được Công Ðồng Constantinople định thức hóa. Grégoire tin ở những khả năng của lý trí đối với thế giới này : tất cả là phản ánh, tất cả là dấu hiệu, cần phải mạnh dạn đi vào, và ngài còn đi xa hơn Basile. Dù vậy tất cả chỉ là hình ảnh rất bất toàn của "Ðấng Khôn Tả" tưởng nắm bắt được Ngài thì thật là "lấy gáo mà đong biển khơi". Ngài kịch liệt chống lại những người theo Arius thời đó, những kẻ giản lược huyền nhiệm vào những công thức tam đoạn luận. Con đường chắc chắn hơn cả đó là làm trỗi lên nơi "khát vọng phổ quát" của tạo vật một "ca khúc của thinh lặng" thấu tận "bên kia của tất cả" (lau delà de tout). Vả lại ngài chấp nhận một loạt những vấn đề bỏ ngỏ, tự do tranh luận, nếu có "sai lầm thì cũng chẳng nguy hại gì", điều đáng ngạc nhiên là trong số đó có những chủ đề như linh hồn, sự sống lại hoặc phán xét.

Sự khiêm tốn của lý trí đứng trước mầu nhiệm vẫn không ngăn cản Grégoire diễn đạt giáo lý về mầu nhiệm Nhập Thể bằng những từ ngữ chính xác và trang trọng. Ðể cứu nhân loại khỏi bất hạnh, "chính Ngôi Lời Thiên Chúa, vượt trên thời gian (.) Nguyên Lý bởi Nguyên Lý (.) trọn vẹn giống (Chúa Cha) (.), đi đến với chính hình ảnh của mình, mặc lấy thân xác vì thân xác, nhận lấy hồn nhân loại vì linh hồn tôi, dùng điều tương tự để thanh tẩy điều tương tự (le semblable) (.). Trong tư cách là Thiên Chúa, Ngài tiến vào trong nhân tính được đảm nhận (lhumanité assumée), một hữu thể duy nhất, kết quả của hai nguyên lý đối nghịch, thân xác và tinh thần, một bên được thần hóa (déifiée) bên kia thì thần hóa (déifiant). Ôi ! sự kết hợp kỳ diệu. Ôi ! sự phối hợp nghịch lý. Ðấng ở giữa sự trở thành (le devenir) và không được tạo thành (incrée) lại được tạo thành (crée)". Ðây là đoạn trích bài giảng lễ Phục Sinh - với văn phong uy nghiêm thanh thản như muốn chế giễu các cuộc tranh cãi, nhưng trong thực tế lại ứng đới từng điểm với mọi khía cạnh của thuyết Arius trong sự tiến triển của nó : Ngôi Lời ở ngoài thời gian nhưng lại sinh ra bởi Chúa Cha, "giống Cha trong mọi sự", đảm nhận con người toàn thể, không chỉ là xác và hồn nhưng cả tinh thần nữa, phần "nous" này (intelligence, trí tuệ), bị những người theo Apollinaire gạt bỏ, nhưng Grégoire đã khẳng định rõ ràng trong một bức thư : "Vì tinh thần (nous) của chúng ta, nhất thiết Người cũng phải có một tinh thần. Vả chăng tinh thần ấy đã không phạm tội nơi Ađam, và ngay cả trước thân xác sao ? (.) ; vậy nó cần ơn cứu độ hơn phần còn lại. Ðiều không được đảm nhận thì không thể được chữa lành". Ngài không chỉ nhấn mạnh trên sự toàn vẹn của hai bản tính, nhưng còn dám đánh vào những dữ kiện nền tảng của thuyết Arius : "Vĩnh cửu chịu sự biến dịch" (léternel soumis au devenir). Ngài tìm cách đào sâu vấn đề "hai bản tính gặp nhau trong sự duy nhất". "Hai bản tính kết hợp và nối kết với nhau theo bản thể" (ousia), "Không phải là hai, nhưng là một bởi hai", ngài nhìn ra ở đấy "một điều và một điều khác", chứ không phải "một Ngôi Vị và một Ngôi vị khác" - Chỉ có một Chúa Kitô, sự kết hợp mật thiết đến nỗi : "Các danh xưng đan vào nhau". "Chuyển đổi với nhau do sự hỗn hợp" (mélange) ; đó là cách nói xưa của Origène, thầy của ngài và của Tertullien. Các bản tính chia sẻ với nhau các đặc tính, một cách nào đó là sự chuyển thông các đặc tính (communication des idiomes) : Thiên Chúa được sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, hoặc Maria là "Mẹ Thiên Chúa". Thiên Chúa chịu đóng đinh.

Grégoire nhấn mạnh ngay cả đến sự yếu đuối và những đau khổ thuộc nhân tính của Chúa Kitô, nhưng không luôn luôn đưa ra lời giải thích, Chúa Kitô cần phải hoàn toàn trở nên người, để đổi lại, nhân tính được hoàn toàn thần hóa, theo như bài giàng đã trích ở trên. Việc con người được thần hóa là hiệu quả và, ngay cả là mục đích của việc Thiên Chúa Nhập Thể. Ðó hầu như là hai mặc của cùng một thực tại : "Xin cho con trở nên Thiên Chúa, cùng mức độ như Ngài đã trở thành người. Ấy là mầu nhiệm vĩ đại đối với chúng ta". Việc đồng hóa với Thiên Chúa này có màu sắc Platon hay Plotin là hai triết gia mà Grégoire chịu ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng linh đạo của Plotin là một sự đào thoát, qua đó, con người cậy vào sức riêng mình mà tự giải thoát khỏi vật chất. Còn ở đây, Thiên Chúa đi đến với con người, nắm bắt lấy con người tận trong thân xác và những bất toàn của nó, ngõ hầu trong con người đó, đưa nhân tính trở lại hình ảnh của Thiên Chúa, và như thế biến đổi con người tự trong bản chất, nhờ ân sủng của một đời sống trong Ðức Kitô, dưới tác động của Thánh Thần, "Ðấng Kiện Toàn". Giáo lý về mầu nhiệm Nhập Thể nơi Grégoire vững chắc so với các vị Cappadoce khác, luôn luôn bao hàm linh đạo về thần hóa (spiritualité de la divinisation). Mầu nhiệm Nhập Thể được hoàn thành tối đa nơi các Bí Tích và nơi các cử hành phụng vụ, do việc tưởng niệm các hành vi cứu độ của Chúa Kitô, đồng thời tháp nhập chúng ta vào với Ngài : "Người làm tôi trở nên Thiên Chúa ; có biết bao nhiêu là ngày lễ cho tôi trong từng mầu nhiệm của Ðức Kitô ! Tất cả những ngày lễ đó, tóm tắt lại là để tôi được nên hoàn hảo, được tái tạo". Nhiệm cục (mystère de léconomie) của Thiên Chúa, một từ ngữ mà Grégoire thích dùng trong khi nơi các vị Tây phương, nhập thể thường dẫn đến những đòi hỏi luân lý, thì ở đây, mầu nhiệm ấy dẫn vào một tương quan mật thiết với Ðức Kitô.

 

"ÐẤNG CỨU THẾ" LÀ "MỘT ÐIỀU VÀ MỘT ÐIỀU KHÁC"

16. Nếu ai không tin rằng Ðức Maria thánh thiện là Mẹ Thiên Chúa, người đó đã tách lìa khỏi Thiên Chúa. Nếu ai nói rằng Ðức Kitô đã đi ngang qua Ðức Nữ Trinh như ngang qua một con kênh, mà không được hình thành (formé) ở trong Người một cách vừa thần linh vừa nhân loại - Thần Linh, vì đó không phải là hành động của một nam nhân, và nhân loại vì điều đó xảy ra theo tiến trình bình thường của việc mang thai - Cả kẻ đó cũng thật xa lạ với Thiên Chúa.

17. Nếu ai nói rằng con người được tạo nên trước và rồi tiếp đến Thiên Chúa len vào (se glisser) trong con người đó, kẻ đó đáng bị kết án. Thực vậy, đó không phải là chấp nhận rằng Thiên Chúa đã được hạ sinh nhưng là né tránh việc sinh ra đó.

18. Nếu ai chủ trương có hai Người Con, một là Con của Thiên Chúa và là Cha, và Người Con thứ hai là con của Người Mẹ, thay vì chỉ có một và cùng Một Người Con (un seul et même fils) thì kẻ đó phải bị tước quyền nghĩa tử đã được hứa cho những người có đức tin ngay thẳng.

19. Các bản tính, xét về số thì quả là hai, bản tính Thiên Chúa và bản tính con người - vì cùng một lúc có một linh hồn và một thân xác ; nhưng không có hai người con cũng chẳng có hai Thiên Chúa, và ở đây cũng không có hai con người, dẫu rằng thánh Phaolô đã dùng thành ngữ này để chỉ con người bên trong và bên ngoài.

20. Và nếu phải nói cách ngắn gọn Ðấng Cứu Thế là gì, thì (câu trả lời) là "một điều" và "một điều khác" (allo kai allo), nếu quảe điều hữu hình và điều vô hình là hai điều khác nhau, và nếu điều ở ngoài thời gian và điều lệ thuộc thời gian cũng vậy. Nhưng Ðấng Cứu Thế không phải là "một Ðấng" và "một Ðấng khác" (allos kai allos), không hề có như thế.

21. Vì, do sự kết hiệp, cả hai "chỉ là một" (hen) : Một đàng Thiên Chúa đã làm người, đàng khác con người được làm thành Thiên Chúa - hay bất cứ một cách nào khác dùng để gọi điều đó. Ở đây, tôi nói "một điều" và "một điều khác" (Allo kai Allos) để chúng ta không lẫn lộn các Ngôi Vị, chứ không phải "một điều" và "một điều khác" (allo kai allo) vì do thần tính, cả ba chỉ là một điều và cũng chỉ một điều thôi (hen kai tauton).

(Thư 101, 16 - 21, Gửi Cledonius, SC no. 208, p. 42 - 47, Trad. P. Gallay)

 

 

Cũng chính "mầu nhiệm cao cả" này cho chúng ta thấy được ý nghĩa con người : "bé nhỏ và lớn lao, hèn mọn và cao quý, hữu hạn (mortel, khả tử) và bất tử, trần ai và thiên thai". Grégoire thường nói đến, theo giọng của Pascal, ý nghĩa tương phản này của định nghĩa con người : "là hình ảnh Thiên chúa đồng thời được nhào nặn từ bùn đất", "kẻ thừa hưởng ánh sáng và lửa, hoặc bị kết án vào chốn tối tăm". Ngài nhấn mạnh đến bùn đất, là khía cạnh kéo chúng ta xuống thấp, và đó là điều ngài muốn làm nổi bật (note dominante), nhưng không bao giờ quên khía cạnh tạo dựng. Ngài biết rằng thân xác là "đồng thừa tự" là nguồn gốc của các công trình, "kẻ thù đáng yêu và là anh bạn phỉnh phờ ! Ôi 1 Ðồng tình biết bao mà cũng là phân cách biết bao". Tóm lại, "cần phải săn sóc thân xác chúng ta, người bạn đồng lao cộng khổ (.) yêu quý nó như một người anh em, vì kính trọng Ðấng đã kết hợp chúng ta lại" và, trong đức ái, Ngài đã hướng sự quan tâm đó tới mọi thân thể con người, những kẻ cùng tạo nên Thân Thể Ðức Kitô.

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

Ðây là chủ đề mà Grégoire tỏ ra xuất sắc hơn cả. Ngài đặt mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi trong một vận hành rộng lớn của lịch sử, được sắp đặt do đường lối giáo dục của Thiên Chúa, một đường lối tôn trọng phẩm giá và khả năng tiếp nhận của con người. Cựu Ước tỏ rõ về Chúa Cha (cho thấy) lờ mờ về Chúa Con. Tân Ước đã mạc khải về Chúa Con và hé cho thấy Thần Tính của Thánh Thần. Ngày nay Thánh Thần sống giữa chúng ta và Ngài tỏ mình ra rõ hơn trong mức độ chính thần tính của Ðấng Cứu Thế từ nay được khẳng định vững chắc hơn.

Grégoire là sứ giả làm sáng tỏ khía cạnh này để chống lại những kẻ bài bác Chúa Thánh Thần (pneumatomaque). Trong khi Basile, trong khảo luận về Thánh Thần, do một sự e ngại có tính toán, đã không công bố minh nhiên thần tính của Chúa Thánh Thần, thì "nhà thần học", ngay trong bài giảng nhằm biện chính cho sự trì hoãn khai mạc đó, đã công bố : "Thánh Thần là Thiên Chúa ư ? Ðúng thế, thật như vậy". Vậy Người có đồng bản thể không ? (consubtantiel) - Chắc chắn rồi bởi vì Người là Thiên Chúa. Như Ðức Kitô, ngài gọi Chúa Thánh Thần là "Người Bạn của ruột thịt", "Người Thân Thiết của con" (compagnon naturel, monfamilier). Thiên Chúa Ba Ngôi là tâm điểm của tác phẩm của ngài. Ngài không chấp nhận chủ trương "nhất thể" của những người nghiêng về Dothái giáo, cũng như chủ trương "đa thể" (Multiplicité) của những người nghiêng theo tư tưởng Hylạp, nhưng là "ba hiến thánh trong sự duy nhất của thần tính" (une triple consécration dans lunité de la divinité). Ngài nhìn thấy cả ba trong "chỉ một ngọn đuốc, mà không thể phân chia hay phân tích, một ánh sáng duy nhất" "ánh sáng đơn thuần của ba nguồn hòa nhập lại thành một dòng rực cháy duy nhất", ba làn ánh sáng (triple lumìere) của vinh quang bất khả phân. Khi ngài nói về "ba chỉ như một, ấy là ba cùng mang thần tính, hay nói chính xác hơn cả ba là thần tính". Có lẽ Grégoire nhấn mạnh hơn Basile về sự duy nhất (unité) hay đồng nhất (identité) của yếu tính "chỉ một bản tính (nature) trong ba đặc tính (propriétés)", nhưng thường, trong chi tiết, khi không sợ lạc xa khỏi thuật ngữ của Kinh Thánh hay truyền thống, ngài nhấn mạnh đến sự phân chia ba "hypostases" (tam vị), các đặc tính hay nét riêng biệt (particularités) và các mối tương quan với nhau của Tam Vị : Chúa Cha không được sinh ra (inengendré). Sự sinh ra vĩnh hằng của Chúa Con (génération éternelle) - một khái niệm sau này được khai triển rất nhiều - sự nhiệm xuất của Thánh Thần, "ba đặc tính (propriétés) thuộc bình diện trí tuệ, hoàn hảo, tồn hữu, phân biệt theo số chứ không theo thần tính".

 

HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI: GRÉGOIRE VÀ PASCAL

TỪ "PHA TRỘN" ÐẾN "MỚ HỖN ÐỘN"

Nhưng huyền nhiệm nào đã liên kết tôi với thân xác này ?Tôi không biết. Mà làm sao tôi, kẻ được nhào nặn từ bùn đất, lại là hình ảnh Thiên Chúa ? Thân xác tôi cường tráng ư ? Nó quấy nhiễu tôi. Nó đau yếu ư ? Nó làm tôi cau có. Tôi yêu nó như một người bạn tù. Tôi kinh tởm nó như kẻ thù của tôi. Tôi trốn chạy nó như thể tù ngục. Tôi kính trong nó như một người đồng thừa tự. Nếu tôi tìm cách làm nó suy yếu, ai sẽ giúp tôi thực hiện những dự phóng lớn lao. Và rốt cuộc, tôi đã biết cùng đích cuộc đời mình : bằng các việc làm, tôi phải vươn mình lên về phía Chúa.

Nếu tôi nhẹ nhàng với anh bạn này, thì lại có vấn đề làm cách nào né tránh được đón tấn công của hắn và đứng vững bên Chúa, khi xiềng xích nặng nề làm tôi lảo đảo, ngăn không cho tôi chỗi dậy ? Một kẻ thù đáng yêu và là anh bạn phỉnh phờ ! Ôi ! đồng tình biết bao mà cũng phân cách biết bao ! Tôi yêu quý điều tôi sợ hãi và e sợ điều tôi âu yếm. Trước cuộc chiến thì chúng tôi làm hòa với nhau. Hòa bình đến lại chống nhau, đâu đâu lại hoàn đó.

Khôn ngoan nào cai quản tôi ? Mầu nhiệm sâu thẳm nào ? Chúng ta là một phần của Thiên Chúa, chúng ta phát xuất từ thần tính của Người : phẩm vị cao là thế khiến chúng ta dễ ngây ngất tự cao, rồi đi đến chỗ kinh thường Ðấng Sáng Tạo : vì thế Người mong muốn chúng ta nhìn ngắm Người luôn luôn là từ giữa lòng cuộc chiến, cuộc đọ sức của chúng ta với thân xác, sự yếu đuối gắn liền với chúng ta, sửa chữa lòng kiêu hãnh của chúng ta. Như thế, chúng ta tự biết mình vừa cao cả vừa hèn mọn, vừa thuộc trần giới vừa thuộc thiên giới, vừa hữu hạn vừa bất tử, là những người thừa hưởng ánh sáng và lửa hay bị kết án vào chốn tối tăm tùy theo con đường mà chúng ta sẽ đi vào.

Sự pha trộn đó chính là chúng ta : nếu chúng ta quá vênh vang vì là hình ảnh Thiên Chúa thì bùn đất mà từ đó chúng ta được nhào nặn sẽ kéo chúng ta trở lại với thái độ khiêm tốn hơn. Anh em hãy suy niệm vấn đề đó nếu lòng anh em muốn. Phần chúng tôi, chúng tôi sẽ có dịp nói lại điều ấy ở nơi khác.

Giờ đây, tôi xin trở lại vấn đề ban đầu : vì thân xác tôi là đối tượng đáng thương như thế, cũng như sự yếu đuối của tôi hiện tỏ nơi những đau khổ của tha nhân, nên, thưa anh em, cần phải săn sóc thân xác chúng ta, người bạn đồng lao cộng khổ. Tôi đã hoài công phí sức tố cáo nó là kẻ thù vì những hỗn loạn nó gây ra nơi tâm hồn tôi, tuy vậy, tôi vẫn yêu quý nó như người anh em, vì lòng kính trong đối với Ðấng đã liên kết chúng ta lại. Chúng ta hãy chăm sóc cho sức khoẻ của người lân cận, với sự ân cần như cho chính chúng ta, dù người đó lực lưỡng hay suy sụp vì chứng bịnh chung của mọi người. Chúng ta tất cả chỉ là một trong Chúa, giàu, nghèo, nô lệ, tự do, khoẻ mạnh, đau yếu. Chỉ có một đầu, nguyên lý của mọi sự, cho mọi người : Ðức Kitô. Vì như những chi thể của cùng một thân thể vẫn làm, mỗi người cũng hãy lo cho mỗi người và mọi người lo cho mọi người. Vậy chúng ta đừng xao lãng, cũng đừng bỏ rơi những người phải chịu yếu đau suy sụp trước chúng ta, một sự yếu suy vốn rình rập tất cả mọi người. Thay vì vui sướng vì mình được khoẻ mạnh, chúng ta nên lấy làm đau buồn cho những nỗi yếu đau của anh em và hãy nghĩ rằng sự an toàn của tâm hồn và thân xác chúng ta chỉ phụ thuộc vào lòng nhân đạo mà chúng ta chứng tỏ đối với những anh em đó.

(Discours 14, 6 - 8), De larmour des pauvres, PG 35, 865A - 868B dans 2 - 6 Hamman, Riches et Pauvres, p. 109 - 110, Trad. Fr. Quéré-Jaulmes).

 

"Vậy loài người là con quái vật dị hình nào thế ? Một điều mới mẻ ? Một quái vật ? Một mớ hỗn mang ? Một chủ thể đầy mâu thuẩn ? Một sự diệu kỳ. Kẻ phân xử mọi điều nhưng lại là loài sâu đất xuẩn ngu. Kẻ được ký thác sự thật nhưng lại chất đầy sai lầm và thiếu chắc chắn, là vinh quang và là đồ phế thải của vũ hoàn".

(Pascal, Pensées, éd. L. Brunschvieg, no. 434, p. 531)

 

SỰ TIẾN TRIỂN TRONG MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

Quả là không thận trọng khi chưa tuyên xưng thần tính của Chúa Cha mà đã công bố Chúa Con, cũng như khi thần tính của Chúa Con chưa được chấp thuận mà đã thêm vào Chúa Thánh Thần thì - nếu dùng một kiểu nói có hơi táo bạo - như chất thêm một gánh nặng : nếu không, có thể nói như người ta bị dồn một thứ thức ăn quá nặng, phải nhìn vào ánh sáng mặt trời khi đôi mắt còn quá yếu, và người ta có nguy cơ mất hết mọi khả năng tiếp nhận : ngược lại, bằng cách thêm vào từng phần, bằng những "bước đi lên", theo kiểu nói của Ðavít, bằng những bứơc tiến tới, tiến "từ vinh quang này sang vinh quang khác" thì ánh sáng của Ba Ngôi sẽ càng chiếu tỏa rạng rỡ hơn.

Có một ý tưởng mà có lẽ những người khác đã có, nhưng với tôi thì nó là kết quả suy tư của mình : tôi sẽ nói đến suy nghĩ này thêm vào những điều nói ở trên. Ðấng Cứu Thế đã truyền dạy cho các môn đệ của Ngài vô vàn giáo huấn, nhưng Ngài nói, có một số điều lúc này họ chưa thể hiểu được, chắc hẳn vì những lý do mà tôi đã nói đến, vì thế Ngài giữ kín những điều đó. Và Ngài thêm rằng, khi Thánh Thần đến, Người sẽ dạy bảo chúng ta mọi điều. Tôi tin rằng, một trong những giáo huấn này là chính thần tính của Chúa Thánh Thần. Thần tính của Chúa ThánhThần về sau mới được sáng tỏ, sau khi Ðức Kitô đã được khôi phục trong vinh quang của Ngài, và trước điều kỳ diệu đó người ta không còn từ khước tin vào Ngài, lúc đó mới là thời điểm thích hợp để có thể nhận biết Thần Tính của Chúa Thánh Thần. Liệu chính Ngài còn có thể hứa hay Thánh Thần còn có thể dạy điều gì lớn lao hơn chăng ? Nếu quả thực có một điều mà người ta phải coi là lớn lao, xứng với Thiên Chúa, Ðấng thực hiện những kỳ công vĩ đại, thì đó chính là lời hứa hay giáo huấn này.

Ðó là suy nghĩ của tôi về những vấn đề đó. Ước gì, tôi còn giữ được suy nghĩ như thế, như các bạn của tôi, và có thể kính thờ Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thánh Thần Thiên Chúa, ba đặc tính, một thần tính, không phân chia về vinh quang, vinh dự, bản thể và vương quyền.

(Discours théologiques, 31, 26 - 28, SC no. 250,

p. 327 - 331, Trad. Galla).

 

"MỘT LÀ BA VỀ PHƯƠNG DIỆN CÁC ÐẶC TÍNH"

9. Ngài nói, vậy nơi Thánh Thần còn thiếu điều gì để là Chúa Con ? Vì nếu Ngài không thiếu điều gì cả, vì Thiên Chúa thì không hề thiếu điều gì, nhưng, nếu tôi có thể nói, chính sự khác biệt trong biểu lộ (manifestation) hay trong tương quan giữa Các Vị cũng tạo nên sự khác biệt về danh xưng của Các Vị. Nơi Chúa Con cũng chẳng hề thiếu điều gì để là Cha. -vì tử hệ không phải là sự thiếu thốn - nhưng dù vậy Ngài không phải là Cha ; bằng không thì nơi Chúa Cha cũng thiếu điều gì đó để là Con, vì Cha không phải là Con. Nhưng những từ ngữ này không hề diễn tả sự thiếu thốn hay sự phụ thuộc theo bản thể, chính những kiểu nói "không được sinh ra", "được sinh ra" và "nhiệm xuất" là chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Ðấng được đề cập ở đây, Chúa Thánh Thần ; như thế người ta bảo toàn được sự phân biệt Ba Ngôi Vị trong một bản tính duy nhất và một phẩm vị (dignité) duy nhất của thần tính. Thực vậy, Chúa Con không phải là Cha bởi vì chỉ có một Cha, nhưng Ngài là điều Chúa Cha là ; Thánh Thần không phải là Chúa Con do việc Ngài đến từ Thiên Chúa, bởi vì chỉ có một (Chúa Con), Con Ðộc Nhất, nhưng Ngài là điều Chúa Con là. Ba Ðấng là Một về phương diện thần tính, và Một là Ba về phương diện các đặc tính (propiétés). Như vậy Một không phải là một hiểu theo Sebellins và Ba không phải là ba theo kiểu phân chia nguy hại này.

10. Sao ? Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa ư ? Chắc chắn rồi. Sao ? Ngài đồng Bản Thể ư? (Consubstantiel) ư ? Phải, vì Ngài là Thiên Chúa. 

(Discours théologiques, 31, 9 - 10, SC no. 250,

p. 290 - 293, Trad. P. Gallay).

 

 

III. NGƯỜI SAY MÊ THIÊN CHÚA

Nói như trên là làm méo mó tinh thần của Grégoire. Bài trình bày của ngài không hề có tính suy lý khô khan ; phải nhận rằng lòng đạo nhiệt thành của ngài bàng bạc khắp cả. Thần học của Giáo Hội được diễn tả ở Nicée và "nơi các thánh Giáo Phụ", còn ngài thì sống thần học đó cách mãnh liệt trong kinh nghiệm bản thân mình - rất nhiều lần ngài viết "Ba Ngôi của con".

Thần học về Ba Ngôi của ngài thường đượm vẻ thần bí. Lý thuyết về thần hóa (divinisation) đáp ứng lại mầu nhiệm Nhập Thể, đòi hỏi người KItô hữu theo linh đạo của thánh Phaolô phải kết hợp mật thiết với Ðức Kitô, Ðấng biến đổi họ thực sự "thành hình ảnh" của Người, hầu làm cho họ nên đồng hình với Thiên Chúa (Déiforme). Ðó là ơn gọi của mỗi người. Nhưng chiêm niệm đòi hỏi phải được chuẩn bị bằng việc thanh tẩy và thực hành các giới luật.

Grégoire nói : "Ai không yêu mến Thiên Chúa thì không thể biết Người", ngài nhận ra nơi cây tri thức (larbre de la connaissance, cây sự biết tốt xấu) - cây mà Thiên Chúa, vì lòng nhân lành, đã cấm lại gần trong vườn địa đàng ; chính là "cây chiêm niệm, nơi đó, chỉ những người đạt tới một nếp sống hoàn hảo đủ mới có thể leo lên mà không nguy hại. Ngược lại cây đó chỉ có thể là điều sai lạc, cho những tâm hồn quá thô kệch, chứa đầy dục vọng".

Tất cả thần học của Grégoire mang nặng tâm tình hướng về Thiên Chúa. Ðôi lúc việc nâng tâm hồn lên chỉ còn là niềm khao khát vượt qua "các sự vật hữu hình", các "hình sắc chóng qua của trần gian", để vươn tới sự duy nhất, nguyên tuyền của Thiên Chúa, theo tinh thần của Plotin. Rất thường khi, khát vọng đó được Kitô hóa ở chiều sâu, hướng về Ðức Kitô "Nhớ đến Ðức Kitô của tôi - Grégoire nói - và khi suy nghĩ về việc người ta khinh bỉ, hạ nhục Người . là lòng tôi đầy buồn giận". Ngài còn nói : "Ðức Kitô của tôi, Vua của tôi", hay "Giêsu của tôi", "Người Bạn của tôi". Bài giảng hoặc điếu văn thường kết thúc bằng lời nguyện :

"Lạy Chủ Tể và là Ðấng Tác Tạo muôn loài . xin đón nhận chúng con vào lúc thuận lợi . Ngày ly trần, ước gì chúng con ra đi (.) trong niềm hăng hái lao về đời sống bất tử và vĩnh phúc, đời sống trong Kitô GIêsu, Chúa chúng con, vinh quang thuộc về Người đến muôn đời muôn thuở. Amen".

Phần trình bày thần học thường trở thành như lời cầu nguyện, thấm nhuầm tinh thần tôn thờ : khao khát khôn nguôi về Thiên Chúa và những điều thuộc về Thiên Chúa. "Những ai tiếp nhận Người thì được Người ban cho hơn nữa. Niềm khát khao của Người là chớ gì chúng ta khao khát Người". Tác giả chuyển sang ngôi thứ nhất, như để thú nhận kinh nghiệm thần bí của mình : "Tôi đã ruỗi theo Thiên Chúa, tôi đã trèo núi, đã đi sâu vào trong áng mây, khi đi vào trong chính mình, khi định tâm, định trí". Sau khổ chế và sau một giai đoạn chiêm niệm bằng trí tuệ, ngài được hưởng sự bình an cô tịch. Từ nay, con người đã được thanh luyện của mình, là "gương trong không tỳ vết, về Thiên Chúa và về các điều thần linh", ngài đã tìm lại được hình ảnh Thiên Chúa.

 

"TÔI ÐÃ TRÈO LÊN NÚI" : GRÉGOIRE THẦN BÍ

Chuyện gì đã xảy đến với tôi, hỡi các bạn, những người sẽ được khai tâm, và khao khát chân lý với tôi ? Tôi đã chạy để đạt tới Thiên Chúa : Tôi đã trèo lên núi, đã đi sâu vào trong mây bằng cách để lòng tôi thoát xa khỏi vật chất và những chuyện vật chất, và để lòng mình thật hết sức lắng sâu : lúc tôi mở mắt nhìn, tôi đã thoáng thấy Thiên Chúa từ phía sau, và còn điều này nữa, tôi đã được náu mình nơi Ðá Tảng, nơi Ngôi Lời làm người vì chúng ta. Rồi khi tôi khẽ nghiêng mình, tôi đã nhìn thấy, không phải bản tính uyên nguyên, thuần khiết và tư thức - tôi muốn nói đến Ba Ngôi - và tất cả những gì ở sau bức màn đầu tiên, được các Chérubins che phủ, mà chỉ là điều nằm ở mút cùng, trải đến tận chúng ta, và như tôi được biết, đó chính là sự lớn lao, vĩ đại của Thiên Chúa nơi các tạo vật, nơi những điều tay Người làm ra và cai quản, hay có thể gọi như Ðavít, đó là những "kiệt tác" của Người. Ðấy là những gì chúng ta nhìn thấy nơi Thiên Chúa từ phía sau, những gì ta nhận biết sau khi Người đi qua, cũng như bóng của mặt trời trên các làn nước, chính hình ảnh đó biển thị mặt trời cho những đôi mắt yếu nhược, bởi lẽ không thể nào nhìn thẳng vào mặt trời : ánh sáng của nó thuần khiết quá, giác quan chúng ta không thể chịu nổi. Nếu bạn có bàn về thần học thì cũng phải theo như thế đó, dù bạn có là một Môsê, "một vị thần đối với Pharaon", dù bạn có lên đến "tầng trời thứ ba" như Phaolô, một cách nào đó đứng vào phận vào hàng thiên thần hay tổng lãnh thiên thần đi nữa. Bởi chưng mọi hữu thể, cả đến những hữu thể thuộc thượng giới hay siêu thuộng giới (supracéleste), cho dù, do bản tính của mình, hữu thể đó cao trọng hơn chúng ta vạn bội và ở gần Thiên Chúa hơn, thì cũng còn xa Thiên Chúa, xa sự hiểu biết trọn vẹn về Người hơn là sự vượt trội của hữu thể đó trên chúng ta, một pha trộn phức tạp, thấp hèn và hướng về đất.

(Discours théologiques 28.3, SC no. 250, p. 104 - 107, Trad. P. Gallay).

 

 

IV. NGƯỜI TRAU CHUỐT THI VĂN

Qua những năm dài học tập, Grégoire đã học được tất cả các nghệ thuật văn thơ. Các phép hành văn được ưa chuộng nhất như phép láy âm (allitération), phép liên ngôn vận (homéotéleute), phép đa cú đồng ngôn (lisocole) hay phép đối ngẫu chéo (le chiasme), đều được dùng để trau chuốt các diễn từ hay ngay cả các bức thư của ngài. Cú pháp lúc thì đàng tả, lúc thì gãy gọn cách khéo léo. Ngài xử dụng hình ảnh để minh họa những ý niệm quá trừu tuợng hay những tình cảm ý nhị nhất. Ngài thường được gọi là "Démosthène Kitô giáo" - và, với những ý tứ cao nhã, mặc dù, theo cái nhìn của chúng ta, ngài tìm cách diễn tả có phần kiểu cách màu mè, ngài quả là một trong những văn sĩ cừ khôi nhất về văn chương Hylạp - Kitô giáo.

Thơ của ngài là bị tranh cãi nhiều nhất. Việc quá quen thuộc với những nguồn vô tận của âm luật thường khiến ngài trở thành gượng ép và ngay cả khó hiểu. Tuy nhiên tác phẩm đồ sộ gần 17.000 câu thơ này cũng có nét độc đáo của nó. Thơ trong đó rất chuẩn và nhuyễn về dấu nhấn, về số âm tiết (syllbles) cũng như về các luật của thi phú. Như vậy thơ của ngài phản ánh một sự tiến triển tương ứng với tiến triển mà người ta nhận thấy trong nền thi ca Latinh.

Cũng như trong các bức thư, tác phẩm này đầy dẫy những nỗi niềm riêng của ngài, nỗi niềm được phổ thành thơ nhằm diễn tả một tâm tình đạo đức mênh mang cũng như những khốn khổ thấp hèn của một con tim quá nhạy cảm.

        Tóc trắng thời gian, thiên nga xoãi cánh

        Cho vơi nhọc nhằn, cũng thế tôi có thể tự ủi an

        Khi hát lên, không phải lời than vãn, nhưng là một khúc ly tan.

Một trong những bài thơ (XI) mang tựa đề "Cuộc đời tôi" (Sur ma vie) 1949 câu, là một lời tự thuật sâu kín, không xa lạ gì với "Lời trần tình" (Confessions) của một thánh Augustin, và có lẽ đã khởi xướng một thể loại thi Cappadoce trong lịch sử văn chương Hylạp. Có những bài thơ thật hay thật đẹp, chẳng hạn như bài thánh thi ban chiều này :

        Xin cho đôi bờ mắt

        Khép giấc mộng yên lành

        Cho tiếng nói trong con

        Thôi không còn câm lặng.

Lúc Grégoire de Nazianze thực sự thi hành chức Giám Mục, cũng chính là lúc ngài thực hiện được một công trình lớn lao. Với sự hỗ trợ của Théodose ở Công Ðồng Constantinople, ngài đã hầu như kết liễu bè Arius, hoàn thành một cách khá dễ dàng cuộc chiến thắng dai dẳng của bạn mình là Basile. Riêng ngài, nhất là xuyên qua các diễn từ thần học (Discours théologiques), ngài đã đem lại cho đức tin Ba Ngôi, một đức tin mà Giáo Hội đang sống, tất cả sự chính xác về mặt tín lý, trong mức độ mà sự tôn trọng huyền nhiệm cho phép. Tất nhiên, kỳ tài hùng biện, lý luận sắc bén, văn phong tao nhã, hứng cảm thần bí trong lời lẽ của ngài đã góp phần rất lớn cho danh tiếng ngài. Dẫu sao, từ các vị cùng thời (Jérome đồ đệ của ngài, Rufin người chuyển dịch tác phẩm của ngài, Evagre le Pontique, Augustin), cho tới các vị kế tục ngài, ngay cả mãi sau này (Diadoque de Plotique, nhất là Maxime le Confesseur và Jean Damascène) đều nhìn nhận là chịu ảnh hưởng của ngài, ngay cả trong lãnh vực mà dường như không thấy ngài đề cập đến ; và, dù có những vị khác đã làm nhiều hơn và có khi còn giỏi hơn, nhưng không ai chối cãi ảnh hưởng của ngài, đó quả là điều hiếm hoi giữa các nhà thần học với nhau. Trí tuệ cao thâm của Grégoire vừa hoàn toàn thấm nhuần Thiên Chúa, vừa được một nền văn hóa phong phú nhất của nhân loại trợ giúp, đã cho ra đời đúng lúc những lời lẽ, suy tư cần phải có. Ngài thật xứng là "théologos" là người "phát ngôn" của Thiên Chúa (Héraut de Dieu) như lòng ngài mong ước.

Vị Giám Mục này còn là và luôn luôn là một con người, ý thức về phẩm giá của mình và đau khổ về nỗi khốn cùng của mình. Ngài nói lên điều đó một cách trực tiếp chứ không xa xôi như Augustin và nói một cách thẳng thắn mạch lạc và mạnh bạo hơn. Ngài thường ngẫm ngợi điều đó, và đôi khi diễn tả cách nghệ thuật. Nếu các nhà lãng mạn (romantique) có ý tìm kiếm một nhà tiền phong và một vị thánh bảo trợ, thì hẳn họ có thể nhận ngài.

 

THÁNH THI BAN CHIỀU

Grégoire de Nazianze (phỏng dịch)

 

        Giờ đây, chúng con chúc tụng Ngài

        Lạy Ðức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa.

        Là Ánh Sáng tự Ánh Sáng uyên nguyên

        Và là Ðấng phát ban Thần Khí.

 

        Chúng con chúc tụng Ngài, Ba lần Ánh Sáng

        Triều ánh quang bất khả phân chia

        Bóng tối xua tan cho ánh sáng chói lòa

        Trong rực rỡ Ngài tạo thành muôn sự.

 

        Vật chất phàm hèn, thời khai nguyên ấy

        Ngài nắn hình, định vẻ thắm tươi xinh

        Nên trần gian nên cả cõi hữu hình      

        Cho thường hữu, bởi tình Ngài nhuần thắm.

 

        Còn phàm nhân Ngài sáng soi tâm trí

        Bằng khôn ngoan, bằng trí tuệ tinh khôn

        Và nơi nơi, phản ánh "SÁNG" ngàn đời

        Mắt bừng tỏ, cả vũ hoàn ngời sáng.

 

        Trời xanh thẳm, sáng muôn tia rực rỡ

        Nắng lung linh, ngời toả xuống nhân gian

        Và ngày, đêm Ngài sắp đặt luân phiên

        Tình qua lại, như bạn hiền chung thuỷ.

 

        Ðêm buông xuống, đêm buông đời trĩu nặng

        Gánh nhọc nhằn, thôi nhắm mắt để quên

        Rồi hừng đông, hừng đông mới đã lên

        Ðời thức giấc, gánh lao lung lại bước.

 

        Nhưng đêm tối, chúng con mau xa lánh

        Ðể vội về với Ngày Mới đẹp tươi

        Ngày đã lên và lên mãi không thôi

        Không biết đến nỗi buồn chiều tàn xế !

 

        Xin cho đôi bờ mắt - khép giấc mộng yên lành

        Cho tiếng nói trong con - thôi không còn câm lặng

        Tạo vật sẽ thức giấc - vịnh ca với Thiên Thần

        Ðể giấc ngủ nơi con - đong đầy Ngài hiện diện

        Và cho dù thần trí - chia xa khỏi xác thân

        Vẫn cất hát vang lên - Kính chúc Ngài, lạy Chúa

        Chúa Cha, Chúa Con với Thánh Thần

        Quyền năng, vinh quang và danh dự

        Ðến muôn đời muôn thuở. Amen,

(Poèmes dogmetique, I, 32, PG. 37,  511A - 514A, Selon O. Clément)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt