Triết học tôn giáo

Các giáo phụ ở Alaexandre: Đà tri thức vươn mạnh

GIÁO PHỤ - Mục lục

 

CÁC GIÁO PHỤ Ở ALEXANDRIE

ÐÀ TRI THỨC VƯƠN MẠNH

 

J. LIÉBAERT

 


J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.


 

KHAI SINH VĂN HÓA KITÔ GIÁO Ở ALEXANDRIE

 

Là thủ phủ của Aicập, thành phố thứ hai của đế quốc, vào khoảng đầu Công Nguyên, Alexandrie đã là một trung tâm trí thức có uy tín, với những cơ quan, tổ chức lừng danh: Thư viện, Nuséon -một loại Hàn lâm viện trong đó có các văn sĩ, các bác học làm việc với chi phí của Nhà Nước. Chúng ta đã biết một nền văn hóa Dothái độc đáo phát triển tại đây từ thế kỷ III trước Công Nguyên đến thế kỷ I sau Công Nguyên. Alexandrie trở thành nôi của triết học Tân-Platon với Plotin, người có tư tưởng cao siêu và khuynh hướng thần bí tôn giáo sau này sẽ lôi cuốn nhiều Giáo Phụ.

Môi trường Alexandrie, chắc chắn được truyền giáo rất sớm, hẳn phải là môi trường hết sức thuận lợi cho một nền văn hóa Kitô giáo xán lạn triển nở. Tuy nhiên, thế kỷ II chỉ để lại cho chúng ta ít dấu vết về sự hiện diện của Kitô giáo, "không kể thư được gọi là của Barnabé" và những vết tích của văn chương nguỵ thư hay của phái ngộ đạo (ngộ đạo của Vallentin). Khoảng cuối thế kỷ mới có dấu báo hiệu sự nẩy nở đầu tiên : chúng ta biết tên ít nhất là của người gợi hứng cho các bậc thầy Kitô giáo ở Alexandrie : đó là Platène, triết gia trở lại, người mà Clément dAlexandrie đã thụ huấn.

Clément hoạt động trong phần tư đầu của thế kỷ III, đã được xem là "nhà nhân bản" Kitô giáo, thể hiện sự trung thành của các Giáo Phụ, trung thành vừa với truyền thống Kitô giáo, vừa với văn hóa đương thời, hai yếu tố hòa nhập với nhau chặc chẽ như chúng ta sẽ thấy nhiều ví dụ ở các thế kỷ IV và V. Ðàng khác, Clément là chứng nhân quan trọng ngay cả đối với lịch sử văn hóa Hylạp, do những chỉ dẫn ông cung cấp, chẳng hạn về các triết gia trước Socrate, hoặc về các tôn giáo huyền bí. Ông là người Hylạp và là Kitô hữu một cách thật tự nhiên dễ dàng, thật bình an thanh thản, không có gì phải đặt vấn đề, trong khi một Tertullien, lại sống cuộc gặp gỡ đó trong niềm băn khoăn khắc khoải.

Tác phẩm của ông đa dạng, độc đáo, xuất sắc, với một lối văn thanh nhã, tinh tế. Tác giả gây được thiện cảm nhờ một tinh thần cởi mở, nhiệt tình và rất đạo đức. Nhưng ông khiến người ta ngạc nhiên về thiếu phương pháp, thiếu sáng sủa, và đôi khi ông cố ý làm như vậy. Vì thế ông không có được chỗ đứng mà lẽ ra có thể chiếm được trong số những tác giả cổ điển lớn của Kitô giáo. Người ta còn lưu giữ được ba tác phẩm chính của ông : cuốn Protrepticos ("Khuyến Dụ") là một lời mời gọi hoán cải tha thiết, và là một lời biện hộ cho sự gắn bó với Ðức Kitô, lồng trong một ngôn ngữ hoàn toàn là ngôn ngữ văn chương đương thời. Cuốn "Nhà sư phạm" , viết cho những người đã chịu Phép Rửa : Ðức Kitô là nhà sư phạm đào luyện người Kitô hữu trong đời sống luân lý. Clément trình bày một cách sống Phúc Âm giữa lòng xã hội, chứ không đoạn tuyệt thẳng thừng với xã hội như nơi Tertullien ; nếu tác giả này có vẻ là một ngôn sứ hơn thì Clément có vẻ là nhà giáo dục hơn. Cuối cùng là cuốn Stromates ("Những tấm thảm"), một sưu tập lớn những ghi chú về nhều đề tài rất khác nhau, không theo thứ tự nào cả : một kho ý tưởng vẫn còn được nghiên cứu quá ít.

Tuy nhiên, tác phẩm và ảnh hưởng của Clément vẫn còn khi6m tốn so với tác phẩm và ảnh hưởng của Origène, một bậc thầy vĩ đại ở Alexandrie thế kỷ III, mà tinh thần của ông đã được các môn đệ tiếp tục gìn giữ. Ngay ở Alexandrie, người ta có thể nhận thấy sự liên tục của một ngành giáo dục Kitô giáo cao cấp theo truyền thống của Origène cho tới đầu thế kỷ IV, và còn tiếp tục trong hậu bán thế kỷ này với Didyme dAveugle (Didyme : người mù) người cuối cùng thuộc hàng ngũ các bậc thầy Kitô giáo này.

 

 

TRIẾT HỌC HY LẠP, CHUẨN BỊ CHO KITÔ GIÁO

Trước khi Chúa đến, triết học cần thiết cho người Hylạp trong việc dẫn dắt họ tới sự công chính : giờ đây nó là điều hữu ích trong việc dẫn dắt họ tới kính thờ Thiên Chúa. Triết học là giai đoạn dự bị cho các tâm trí muốn đạt tới đức tin bằng con đường chứng minh. Như lời Thánh Kinh "Chân ngươi sẽ không lảo đảo", nếu ngươi quy về sự quan phòng của Thiên Chúa tất cả những gì là tốt đẹp dù điều đó thuộc Hylạp hay thuộc Kitô giáo. Thiên chúa là nguyên nhân của mọi điều thiện hảo, có những điều Ngài là nguyên nhân trực tiếp và vì chính chúng, chẳng hạn như Cựu Ước và Tân Ước, có những điều chỉ do hệ luận, chẳng hạn như triết học. Có thể ngay cả triết học cũng đã được ban trực tiếp cho người Hylạp như một điều thiện hảo, trước khi chúa nới rộng lời kêu gọi của Ngài tới cả họ nữa : vì triết học giáo dục họ, y như Lề Luật đối với người Dothái, để họ đi đến với Ðức Kitô. Triết học là công việc chuẩn bị : nó mở lối cho kẻ mà sau đó Ðức Kitô sẽ làm cho thành toàn.

Tất nhiên chỉ có một con đường chân lý, nhưng nó như dòng sông cái không hề cạn vơi, nơi mà những dòng nước khác từ muôn phương đổ về. Từ đó mới có những lời linh hứng thế này : "Hãy nghe, hỡi con Ta và hãy đón nhận những lời lẽ của Ta để con có thật nhiều con đường dẫn tới sự sống. Ta dạy con những đường nẻo khôn ngoan để con không thiếu mất các nguồn suối" những nguồn suối trào vọt (tất cả) từ cùng một lòng đất mẹ. Và không phải chỉ cho một ngưòi công chính duy nhất mà Người nói đến rất nhiều con đường cứu độ ; Người thêm rằng : có hằng bao nhiêu con đường khác cho bao đám người công chính ; Người nói như sau : các lối đường của người công chính chiếu tỏa như ánh sáng. Thế thì, những lời dạy dỗ, giáo huấn dự bị hẳn nhiên là những con đường, những cái làm cho cuộc đời chúng ta khởi động.

Cũng như chu trình các môn học là điều hữu ích để đạt tới triết học, thầy của các môn học đó, cũng thế tới phiên triết học cũng góp phần thủ đắc sự khôn ngoan, nhưng khôn ngoan lại là khoa học về những điều thuộc Thiên Chúa và thuộc con người cũng như về nguyên nhân của chúng. Vì thế khôn ngoan là thầy của triết học, cũng như triết học là thầy của nền giáo dục dự bị.

Clément dAlexandrie, "Stromates" 1, 5. 28-29

"Sources Chrétiennes" no. 30, p. 65-67

 

 

 

HÀNH TRÌNH TRI THỨC CỦA ORIGÈNE

 

Sinh khoảng năm 185 trong một gia đình thấm nhuần Kitô giáo sâu xa, ngay từ thiếu thời, Origène đã sống trong bầu khí bách hại Giáo Hội do chính quyền thời Septime-Sévère. Cha ông chịu tử đạo khoảng năm 220 và có lẽ việc cưỡng bách lưu đày của hàng giáo sĩ Alexandrie giải thích tại sao chỉ sau đó ít lâu, Origène đã được Giám Mục Démétrius giao nhiệm vụ huấn luyện các dự tòng ("Trường huấn giáo"), lúc ông mới khoảng 18 tuổi. Ông không những coi trọng nhiệm vụ mà còn coi là quá nghiêm trọng nữa, đến nỗi ông bán đi tất cả những sách vở thế tục của mình và tự đặt cho mình một cuộc sống khổ chế lạ thường, ngay cả tự hoạn nữa : một sự kiện lạ nhưng bị quá nhiều người biết và chỉ trích nên những người thán phục ông cuồng nhiệt nhất cũng không thể phủ nhận điều đó.

Trong số thính giả của ông có những người có nhu cầu trí thức cao, và thậm chí có cả những người ngoại hay những người theo các giáo phái vốn đã bị tiếng tăm của ông lôi cuốn. Ðám công chúng mới mẻ này khiến ông cảm thấy cần thiết phải hướng đến việc nghiên cứu Thánh Kinh một cách chặc chẽ, có hệ thống và hướng đến việc đào sâu tư duy thần học. Từ đó ông dứt khoát chọn theo con đường nghiên cứu và giảng dạy một cách khoa học, dựa vào các môn học đời. Như thế, ông đã khai mào một nền giáo dục Kitô giáo cao đẳng ("Trường học đức tin đầu tiên", như người ta nói), các sinh viên phải qua chu trình các môn học cổ điển rồi mới học Thánh Kinh và giáo lý. Chính ông cũng bắt đầu học triết học. Có lẽ ông đã theo học Ammonius Saccas, người mà sau đó ít lâu là thầy dạy của Plotin và được coi như người khởi xướng chủ thuyết Tân-Platon. Ðiều này có tầm quan trọng hàng đầu đối với lịch sử tư tưởng Giáo Phụ : cùng với Origène, ảnh hưởng của truyền thống Platon, tuy không hoàn toàn độc chiếm, nhưng đã vượt trội so với các trào lưu triết học khác nơi một số lớn các Giáo Phụ. Trong lịch sử tổng quát của triết học, Origène là một nhân chứng của giai đoạn chuyển từ thuyết "Platon-trung bình" sang thuyết Tân-Platon. Tuy nhiên, ông đã không biết Plotin, trẻ hơn ông 20 tuổi.

 

 

VIỆC GIÁO DỤC ORIGÈNE

Lúc bấy giờ, ngọn lữa bách hại đang lan rộng và hàng ngàn tín hữu đã đội triều thiên tử đạo : niềm khát khao được tử đạo xâm chiếm tâm hồn Origène, lúc đó còn là một đứa trẻ, đến nỗi em đầy lòng hăng say đương đầu với các hiểm nguy, muốn vùng dậy và lao vào cuộc chiến đấu.

Ðã có lúc, chỉ suýt nữa là đời ông kết thúc, nhưng sự quan phòng của Thiên chúa, vì lợi ích của rất nhiều người, đã dùng mẹ ông để ngăn cản sự hăng say của ông. Trước tiên bà dùng lời lẽ để xin ông, khuyên ông hãy biết xót thương tình mẫu tử mà bà đã dành cho ông ; nhưng khi thấy ông càng hăng hơn lúc biết cha bị bắt và bị tống ngục, và hoàn toàn bị chế ngự bởi niềm khao khát được tử đạo, bà đã giấu tất cả quần áo của ông để buộc ông ở nhà. Phần ông, vì không còn có thể làm bất cứ điều gì khác, và vì niềm khao khát vượt lên trên tuổi đời của mình không cho phép ông ngồi không, ông đã gửi cho cha một lá thư chứa đầy những lời khuyến khích tử đạo, trong thư ông khích lệ cha bằng lời nguyên văn như sau : "cha đừng vì chúng con mà đổi ý". Ðiều này thật đáng được ghi lại như là bằng chứng đầu tiên về tinh thần hăng say của Origène thời niên thiếu cũng như về những thái độ rất xác tín của ông đối với tôn giáo.

Và thực vậy, ông đã đặt nền vững chắc trong các khoa học đức tin, vì từ tấm bé đã trau dồi các Sách Thánh : ông chuyên tâm học hỏi Kinh Thánh, nhưng không phải theo mức độ thông thường, vì cha ông, không chỉ bằng lòng với việc bắt ông theo chu trình các môn học, đã không xem mối bận tâm về Sách Thánh như là điều phụ thuộc. Vì vậy, trước hết cha ông rất quan tâm tới các môn học Hylạp, thúc đẩy ông trau dồi các môn học thánh, mỗi ngày bắt ông phải học thuộc lòng và làm nhiều bài .

Trong thâm tâm, cha ông hết sức vui sướng và vô cùng đội ơn Thiên Chúa, nguyên nhân của mọi thiện hảo, vì Ngài đã đoái thương cho ông được làm cha một đứa trẻ như thế. Người ta kể rằng, lúc đó ông thường dừng bước bên đứa trẻ đang ngủ, vạch ngực nó ra như thể có Thần Khí Thiên Chúa ngự bên trong, kính cẩn ôm lấy nó mà lòng thấy hạnh phúc vì có được đứa con nối dòng tốt đẹp như thế.

Eusèbe de Césarée. Lịch sử Giáo Hội, VI. 2. 3-11. Sources Chrétiennes no. 44, p 83-85

 

VIỆC GIẢNG DẠY CỦA ORIGÈNE TẠI ALEXANDRIE

Khi thấy mình không đủ sức để nghiên cứu sâu xa, để tìm tòi, để giải thích các Thánh Thư, rồi còn việc dạy giáo lý cho những người đến với ông, thậm chí thở cũng không nổi, vì từ sáng tới chiều, hết người này tới người kia nườm nượp lui tới trường của ông, ông chia đám đông ra, và trong số các môn đệ, ông chọn Héraclas, một người nhiệt thành với các môn học thánh, hơn nữa là người kín đáo và không phải là không biết triết học. Ông đặt người bạn đồng sự này phụ trách giáo lý, giao phó cho anh khai tâm bước đầu cho những người mới theo học, còn ông vẫn phụ trách giảng dạy cho những người ở trình độ cao hơn.

Khi tiếng tăm của Origène đã lừng lẫy khắp nơi, rất nhiều người có học thức để đến xem con người đó thông hiểu các khoa học thánh đến thế nào. Hàng ngàn kẻ lạc giáo và một số lớn những triết gia danh tiếng nhất theo ông cách nhiệt thành, để học nơi ông, hầu như có thể nói như thế, không chỉ những điều thuộc về các môn học thánh, mà còn cả những điều thuộc về triết đời.

Thật vậy, tất cả những người nào ông nhận thấy thực sự có năng khiếu tự nhiên, thì ông dẫn họ vào các môn triết học, hình học, đại số và các môn học dự bị khác, sau đó ông cho họ biết về các phái triết học, giải thích tác phẩm của các triết gia, bình giảng và khảo sát chi tiết, đến nỗi chính người Hylạp cũng tôn xưng ông là một triết gia vĩ đại . Những người ít có năng khiếu hơn, chiếm phần lớn, ông cho họ học theo chu trình (chu trình các môn học cổ điển), ông cho biết các môn học đó mang lại lợi ích không nhỏ cho kiến thức cũng như cho sự chuẩn bị học các Sách Thánh. Vì thế ông coi việc trau dồi triết học, các môn học đời là hoàn toàn cần thiết, ngay cả đối với bản thân.

Chính các triết gia Hy lạp, mà thời của ông xuất hiện rất nhiều, là những nhân chứng về sự thành công của ông trong những vấn đề này, và trong các tác phẩm của họ, chúng ta thấy ông được nói đến rất nhiều : họ đề tặng ông tác phẩm của mình hoặc trình tác phẩm để có được nhận định của ông như là nhận định của một bậc thầy.

Eusèbe de Césarée. Lịch sử Giáo Hội, VI. 15, 18-19. Sources Chrétiennes no 41, p. 106-113

 

 

Cũng có lẽ trong thời gian đó ông đã khám phá ra công trình của Philon dAlexandrie mà sau này sẽ trở thành một trong những dụng cụ làm việc của ông. Ðối với các Giáo Phụ ở Alexandrie thì công trình của Philon, một nhà chú giải thần học và là nhà thần bí Dothái dễ dàng được kể ngang hàng với những nguồn của khoa chú giải và của linh đạo Kitô giáo.

Cũng thời gian này ở Alexandrie, các tác phẩm của Origène ra đời, giữa những năm 215 và 230. Một trong những tác phẩm được soạn thảo đầu tiên và quan trọng nhất là khảo luận vầ Các Nguyên Lý (Peri Archôn) : Ðây là một tựa đề cổ điển vào thời đó, nhưng ở đây Origène muốn trình bày các "nguyên lý" của đức tin Kitô giáo. Ðây là khảo luận đầu tiên trình bày có phương pháp một nhân quan về Thiên Chúa, về con người, về thế giới, khởi đi từ Thánh Kinh (tác phẩm kết thúc bằng một tiểu luận về khoa chú giải) và Truyền Thống Giáo Hội, sử dụng lối suy tư triết-thần học. Với tác phẩm này, Origène là người tiên phong của thời đại trong nỗ lực hiểu biết đức tin. Ðôi khi ông dấn mình vào những giả thiết phiêu lưu mà sau khi mất, ông còn phải chịu đựng những di họa. Tầm nhìn rộng lớn có thể nói là chưa từng thấy đối với sự phát triển tư tưởng Giáo Phụ ; các Giáo Phụ sau này khó có tác phẩm nào tương đương với cuốn sách trên.

Cùng lúc đó, Origène khởi sự nghiên cứu bản văn Cựu Ước và thực hiện việc chú giải Thánh Kinh, đặc biệt là công trình chú giải Phúc Âm Gioan rất đồ sộ, để đáp lại tác phẩm tương tự của Héracléon, một người ngộ đạo. Nhờ một người bạn giàu có, ông có được những phương tiện quan trọng để làm việc, đặc biệt là những người tốc ký ("Tachygraphes") và những người sao chép. Chúng ta sẽ thấy công trình nghiên cứu của Origène về bản văn Thánh Kinh chỉ có thể thực hiện được trên thực tế là nhờ cả một nhóm làm việc. Ông đi đây đó : tới Rome, sang Palestine là nơi ông kết tình thân hữu với các Giám Mục như Alexandrie de Jérusalem và Théoctise de Césarée, và thực hiện một số khám phá : trong một chiếc vò gần Jéricho, ông khám phá thấy một bản dịch Thánh Vịnh bằng tiếng Hy lạp khác với các bản dịch đã biết thời ấy : mở đầu cho những khám phá ngày nay ở Palestine ! Các cận thần của hoàng đế Alexandre Sévère (222-235) rất quan tâm tới các vấn đề tôn giáo đã lưu ý tới ông, và hoàng thái hậu Julia Mamaea cho vời ông tới để tham khảo ý kiến.

Trong một lần Origène du hành sang Palestine, Alexandre và Théoctise tưởng dành cho ông một vinh dự chính đáng bằng cách phong chức linh mục cho ông, và trước đó ông đã từng được mời giảng thuyết. Thế nhưng những sáng kiến đó bị Démétrius dAlexandrie công khai phản đối, lý do chính có thể là vì có những nghi ngờ đối với Origène, một nhà thần học táo bạo. Chúng ta biết rằng ông đã bị chỉ trích ở một số nơi và sau này ông sẽ phải bảo vệ sự chính thống của mình cũng như phải biện minh cho thái độ cởi mở của ông đối với triết học. Cuộc khủng hoảng này khiến Origène vĩnh viễn rời bỏ Alexandrie ; từ nay ông sẽ theo đuổi công trình của mình tại Césarée thuộc Palestine, chuyển thư viện và trường của ông về đó. Các sách chú giải thánh Kinh lần lượt ra đời, và cả những tập bài giảng về Cựu và Tân Ước trong đó nổi bật giáo lý về tu đức. Ngoài ra Origène còn đề cập đến nhiều đề tài khác, chẳng hạn khoảng năm 248, ông soạn một tác phẩm đồ sộ phản bác cuốn sách của Celse, cũng chính vì thế mà phần lớn bản văn của triết gia ngoại giáo này được cứu vãn là nhờ những trích dẫn của ông. Ông đào tạo các môn đệ, chẳng hạn Grégoire gọi là Thaumaturge (người làm phép lạ) mà sau này sẽ là người rao giảng Phúc Âm tại tỉnh Pont thuộc Tiểu Á. Nhờ Origène, Césarée thuộc Palestine sẽ còn là một trung tâm trí thức Kitô giáo rất hoạt động cho tới cuối thế kỷ thứ IV. Tại đây, người ta đặc biệt ra sức truyền đạt Thánh Kinh bằng tiếng Hylạp. Dù bận công việc, Origène vẫn đi đây đó, đối khi được các Giám Mục mời đến tham khảo ý kiến : nhờ một lô thủ bản tìm thấy ở Aicập năm 1941, trong đó chứa đựng các tác phẩm của Origène, chúng ta có được bản tường thuật về một trong những lần tham khảo này do một nhóm Giám Mục phía nam Palestine. Năm 250, cuộc bách hại đột ngột của Dèce làm nhiều người tử đạo trong tỉnh này ; Origène bị bắt, bị tra tấn nhưng sống sót ; vài năm sau ông mất, thọ 69 tuổi, vào năm 253 hoặc 254.

 

 

LỜI KHUYÊN CỦA THẦY ÐỐI VỚI

MỘT MÔN SINH

Thư của Prigère viết cho Grégoire le Thaumatuge.

Năng khiếu của anh hẳn có thể làm cho anh trở thành một luật gia Rome có hạng và một triết gia Hylạp thuộc vào một trong những trường danh tiếng nhất. Nhưng tôi, tôi muốn anh vận dụng tất cả năng khiếu của mình để phục vụ cho giáo lý Kitô giáo. Còn về phương cách xử dụng cho mục đích đó, tôi mong anh hãy học lấy từ triết học Hylạp tất cả những gì có thể dùng như một môn học theo chu trình hay như một môn dự bị để dẫn nhập vào Kitô giáo, cả môn hình học và thiên văn học cũng thế, hãy học lấy tất cả những gì giúp ích cho việc giải thích Kinh Thánh. Và như vậy, điều mà các triết gia nói về hình học, âm nhạc, ngữ pháp, thiên văn học, gọi đó là những môn phụ của triết học, thì chúng ta, chúng ta sẽ áp dụng điều đó với chính triết học so với Kitô giáo .

Vậy hỡi anh, người chủ và là người con của ta, anh hãy chuyên tâm cách đặc biệt vào việc đọc các Sách Thánh : hãy hết sức chuyên chú vào điều đó. Vì chúng ta cần phải hết sức cần mẫn khi đọc các Sách Thánh, kẻo lại buông ra những lời hoặc có những tư tưởng quá võ đoán về các sách đó. Một khi chuyên cần đọc Sách Thánh, với chủ tâm muốn tin và muốn làm đẹp lòng Chúa, lúc đọc sách anh hãy gõ vào cánh cửa của những gì đang bị đóng kín, và người đó sẽ mở cho anh, người gác cửa mà Chúa Giêsu nói đến : "Người gác sẽ mở cửa cho người đó". Khi chuyên chú đọc Sách Thánh như thế anh hãy tìm kiếm, một cách ngay thẳng và với niềm tín thác không nao vào Thiên Chúa, ý nghĩa của các Sách Thánh vốn giấu ẩn đối với phần lớn người khác. Anh đừng chỉ bằng lòng với việc gõ cửa và tìm kiếm, vì điều tuyệt đối cần thiết để có thể hiểu được những điều thuộc về Thiên Chúa là cầu nguyện. Chính vì muốn khuyến khích chúng ta làm điều đó mà Ðấng Cứu Thế không chỉ nói : "Hãy gõ thì sẽ mở" và "Hãy tìm thì sẽ gặp" mà Ngài còn nói : "Hãy xin thì sẽ được". Sở dĩ tôi dám nói như thế là vì tình phụ tử của tôi dành cho anh. Còn dám nói như thế là hay hoặc dở thì chỉ có Thiên Chúa biết và Ðức Kitô của Người, và kẻ nào tham dự vào Thần Khí của Thiên Chúa và Thần Khí của Ðức Kitô.

Sources Crétiennes no. 148, p.187-195

 


 

MỘT LỊCH SỬ ÐỂ LẠI SAU KHI MẤT

 

Sự tỏa sáng của Origène vượt xa ngoài biên giới Aicập và Palestine, cũng như vượt xa thời kỳ đó. Con người vĩ đại của Alexandrie đã tạo nên một sự kích thích trí thức trong Giáo Hội mà các thế kỷ sau sẽ thừa hưởng. Ông đã tạo ra các môn đệ và gợi hứng về sau cho các nhà thần học như các Giáo Phụ vùng Cappadocia, thánh Ambroise thành Milan hoặc một nhà chú giải như thánh Jérome. Tư tưởng của Origène đã có một vận mệnh khá đặc biệt nhưng cũng thật trái nghịch. Hẳn không một tác giả cổ thời nào lại được những người kế tục sử dụng và bị đạo văn nhiều như thế, và cũng không một tác giả nào bị người ta tranh cãi kịch liệt hơn, đôi khi do chính những người vay mượn ông nhiều nhất. Có thể nói rằng tất cả những nhà thần học lớn của thế kỷ IV đều nhờ vào Origène một điều gì đó, dù ở mức độ rất khác nhau, và dầu vậy, ba thế kỷ sau khi ông mất, ông bị coi là lạc đạo.

Căn nguyên của những thăng trầm đó là do những luận đề hay giả thuyết có thể bị bác bỏ trong Peri Archôn : Sự "tiền hữu của các linh hồn" (trước tiên Thiên Chúa tạo dựng một thế giới tinh thần, trong đó các linh hồn đã phạm tội, và từ thế giới đó sa xuống nhập vào thân xác : thực tế đây là huyền thoại Platon), "apocatastasis" ("sự phục hồi" chung cuộc của mọi tinh thần trong sự thiện ; và như thế không có hỏa ngục đời đời). Những luận đề này đã bị một số nhà thần học đả kích mạnh mẽ khoảng thời gian trước sau năm 300. Cuộc tranh luận đầu tiên liên quan đến Origène này giúp các Giáo Phụ biết biện biệt khi xử dụng công trình của ông, và để Origène chịu trách nhiệm về những ý tưởng quá phiêu lưu của ông. Từ đó, chỉ họa hiếm người ta mới gặp được một chủ thuyết Origène nguyên vẹn : có thể nêu ra trường hợp đan sĩ Evagre người Pont thế kỷ IV, ông này đã không trình bày đúng tư tưởng của Origène khi hệ thống hóa nó. Những cuộc "tranh luận về Origène" khác tiếp tục xảy ra : trước sau năm 400, rồi ở thế kỷ IV, nhưng có tính cách giả tạo hơn, vì lấy lời tố cáo theo chủ thuyết Origène để khép tội những đối thủ mà mình đang chống lại vì những lý do khác. Trong bối cảnh đó, nói chung người ta muốn công đồng chung Constantinople II (553) chính thức lên án các luận đề bị bác bỏ, nhưng lối trình bày các luận đề lại không phải là lối trình bày của chính Origène : một giai đoạn tai hại cho ký ức về Origène và cho việc bảo tồn các trước tác của ông. Công trình nghiên cứu hiện nay đã phục hồi uy tín cho con người vĩ đại này của Alexandrie.

 

 

SỰ HIỂU BIẾT VÀ KHIÊM TỐN CỦA ORIGÈNE

Pamphile de Césarée trong tác phẩm "Biện hộ cho Origène" đã có một nhận định rất chính xác và thông thạo về tư tưởng và phương pháp của Origène :

 

"Còn chúng tôi, chúng tôi lại thường thấy ông nói với thái độ rất mực kính sợ Thiên Chúa, và khi trình bày những điều mình suy nghĩ thấy trong những cuộc tranh luận hết sức chi tiết và với sự nghiên cứu dồi dào về các Sách Thánh, thì ông xin lỗi với tất cả sự khiêm tốn : trong bài thuyết trình, ông thường nói thêm và thường thừa nhận mình không phát biểu như một ý kiến quyết định, cũng không trình bày một giáo lý đã được xác định nhưng chỉ là người tìm tòi hết sức có thể, ông tranh luận nghĩa của các Sách Thánh, nhưng không cho rằng mình đã hiểu nghĩa đó cách tòan triệt, tòan hảo : ông nói rằng, đúng hơn ông chỉ mới có một linh cảm về nhiều điểm, nhưng không chắc đã đạt tới sự hoàn hảo hay giải đáp toàn vẹn trong mọi sự. Ðôi lúc, chúng tôi thấy ông nhìn nhận mình lưỡng lự về nhiều điểm, và nêu lên những vấn nạn xảy ra trong tâm trí về các điểm đó : ông không giải đáp các vấn nạn, nhưng cũng không thẹn mà thừa nhận, trong tất cả sự thật và khiêm tốn, rằng đối với ông, mọi sự không có gì rõ ràng cả. Trong các bài thuyết trình, chúng tôi thường nghe ông xen vào những lời lẽ mà ngày nay, ngay cả những kẻ ngu dốt nhất trong những kẻ dèm pha ông cũng không dám thốt ra những lời nói như thế, ông nói : Nếu có ai nói hoặc trình bày về những đề tài này hay hơn ông, thì tốt hơn hãy nghe người đó hơn là nghe ông. Hơn nữa, có những khi chúng tôi thấy ông đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về cùng một đề tài : và với tất cả sự cung kính, như một người biết mình đang nói về các Sách Thánh, sau khi đã trình bày nhiều tư tưởng mình suy nghĩ thấy, ông xin những người đọc ông hãy nghiệm xét những điều ông khẳng định và giữ lấy những gì một độc giả khôn ngoan xét là đúng nhất : ông nói như thế chắc chắn là vì tất cả những vấn đề ông đã nêu ra và tranh luận không nên coi như đáng được tán đồng, không nên coi như đã được quyết định dứt khoát, vì rằng, theo đức tin của chúng ta, trong các Sách Thánh có rất nhiều điều huyền nhiệm và giấu kín trong bí ẩn. Nếu chúng ta để ý kỹ hơn, trong lời mở đầu ông soạn về sách Khởi Nguyên, ông chứng tỏ một sự chân thành và một ý thức công giáo đến như thế nào đối với tất cả các trước tác của mình, từ bản văn đó, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được tất cả tư tưởng của ông".

Apologie dOrigène.

Origène, Paris 1985, p. 317-318

(Trangsách này của Pamphile bác bỏ trước những lời kết án sẽ nêu ra sau chống lại Origène)

 

 

 

CÔNG TRÌNH CỦA ORIGÈNE VỀ THÁNH KINH,

NGƯỜI KHỞI XƯỚNG KHOA PHÊ BÌNH VĂN BẢN

 

Origène tiên vàn là con người của Thánh Kinh, và ông đã nghiên cứu Thánh Kinh với một tinh thần vừa khoa học, vừa đạo đức sâu xa. Theo ông, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu Thánh Kinh đòi phải có đặc sủng của Thiên chúa, và nhiệm vụ này hệ tại ở việc "bẻ" và chia sẻ cho các tín hữu tấm bánh Lời Chúa. Các Giáo Phụ ở Alexandrie đã du nhập việc nghiên cứu Thánh Kinh một cách có hệ thống. Họ làm nổi bật chính việc đọc Thánh Kinh, một cách đọc suy niệm để nội tâm hóa và đón lấy Lời Chúa làm của mình.

Thế nhưng nghiên cứu Thánh Kinh trước hết đòi hỏi phải có một văn bản đúng. Origène là nhà bác học Kitô giáo đầu tiên đã hiểu được đòi hỏi này, đặc biệt là đối với Cựu Ước. Cuộc tranh luận với người Dothái đã để lộ cho thấy có những dị biệt giữa bản Hipri và bản Bảy Mươi mà các Kitô hữu tham chiếu. Hơn nữa, ngoài bản LXX, còn có những bản dịch Hylạp khác, cả những bản này cũng có nguồn gốc Dothái. Cuối cùng, ngay cả những cảo bản LXX cũng cho thấy có những chỗ dị biệt giữa chúng.

Origène đã đề cập vấn đề lớn lao này với một tinh thần mới mẻ, không cắt nghĩa những dị biệt bằng cách cho rằng bản văn Hipri đã bị ngụy tạo, nhưng nhìn nhận giá trị của bản Hipri như là bản gốc, và công nhận nó có trước về phương diện lịch sử. Ông làm việc với các Kinh Sư, khởi sự học tiếng Hipri và bắt tay vào việc thu thập tài liệu hiện có để có thể xử dụng vào việc nghiên cứu bản văn Cựu Ước. Chính từ đó mà một tác phẩm đồ sộ đã ra đời, tác phẩm Hexaples, nghĩa là "Sáu cột",vì trong đó bản Thánh Kinh Dothái được trình bày theo cách nhất lãm trên sáu cột : bản Hipri, rồi bản chép sang tiếng Hylạp, bản dịch của Aquila (tiền bán thế kỷ II sau Công Nguyên - dịch rất sát), bản của Symmaque (hậu bán thế kỷ II), bản LXX và cuối cùng là bản của Théodotion (thế kỷ I sau Công Nguyên ?). đối với một số sách như sách Thánh Vịnh, những khám phá riêng của Origène cho phép ông xếp 7, 8 hoặc tới 9 cột. "Chưa từng có người nào có được một tư liệu đầy đủ về Thánh Kinh tiếng Hylạp như tư liệu mà Origène đã thu thập" (P. Barthélémy). Dụng cụ làm việc này, có lẽ chỉ có một bản duy nhất được lưu giữ tại Césarée. Người ta đã đến đó để tham khảo, nhưng rồi nó biến mất, gây thiệt hại lớn lao cho khoa Thánh Kinh.

Từ công trình trên, Origène đã rút ra một cách trình bày bản LXX, trong đó những chỗ khác biệt nhau, những chỗ bản LXX thêm vào bản Hipri, hay những chỗ thiếu trong bản LXX được bổ khuyết nhờ vào những bản dịch Hylạp khác, tất cả được đánh dấu bằng những ký hiệu thuộc khoa phê bình lấy ở những ấn bản của các bản văn cổ. Như vậy, dù Origène không cho phép mình sửa chữa bản LXX, độc giả vẫn biết được những chỗ dị biệt. Chúng ta chỉ còn có được những dấu vết nhỏ của công trình này. Việc tôn trọng bản LXX một cách tỉ mỉ của Origène có thể hiểu được là vì đối với ông, nếu bản Thánh Kinh Hipri có trước về mặt lịch sử, thì bản LXX lại là Thánh Kinh của Kitô giáo do Giáo Hội truyền lại, chỉ mình nó mới có giá trị chuẩn mực cho đức tin. Chính thánh Jérome sẽ là người làm cho uy tín của bản LXX bị sứt mẻ khi ngài đưa ra một bản dịch Latinh được hiệu đính dựa trên bản Hipri. Origène đã không vượt qua bước này. Tuy nhiên, ông đã chứng tỏ một tinh thần phê bình khá táo bạo, chẳng hạn về Tân Ước, ông nói đến tính chất "lịch sử" đặc biệt của các sách Phúc Âm hoặc nói đến tác giả của thư Dothái : không phải chính Phaolô, nhưng là một môn đệ hay một người bạn quen thuộc với tư tưởng của ngài : khoa chú giải hiện nay cũng nói như vậy.

 

 

NHỮNG BẢN DỊCH KINH THÁNH CỔ THỜI

                     Thánh kinh Do Thái

Các bản dịch Do Thái.                                    

 

 

 

 

  

Bản dịch Hy Lạp LXX từ thế kỷ III đến I trước Công nguyên được Giáo hội Hy Lạp công nhận vào thế kỷ II

 

 

 

  

- Các bản dịch Hy Lạp khác toàn bộ hay từng phần.

- Trước Công nguyên (chỉ còn lại những dấu vết)

- Sau Công nguyên các bản dịch của Théodotion, Aquila (tk. II) và nhiều bản dịch từng phần khác mà Origène tìm thấy

Công trình của Origène   HAXAPLES (SÁU CỘT) và ấn bản thống nhất của LXX
Các bản dịch Kitô giáo cổ và công trình của thánh Jérome        

Bản dịch La tinh của Kitô cổ thời (tk II-III)

 

 

 

     
    Thánh Jérome hiệu đính bản La tinh (chết năm 419). Hiệu đính dựa vào bản Hipri do thánh Jérome nhờ cuốn Hexaples (Sáu cột) = bản Vulgata (Phổ thông) được Giáo hội La tinh chấp nhận cho tới thế kỷ XX      

Sau đó là các bản dịch bằng các ngôn ngữ hiện đại khởi từ thế kỷ XVI, ở Tây phương, các bản dịch đó trước hết dựa vào bản Phẩn Thông và hiện nay dựa vào bản Hipri.

 

 

 

ORIGÈNE VÀ VIỆC GIẢI THÍCH THÁNH KINH

 

Giải thích thánh Kinh, đó là bận tâm chính của Oreigène. Vấn đề được đặt ra cho ông cách hết sức rõ ràng do việc đối chiếu cách đọc Kinh Thánh của Kitô giáo đã trở thành truyền thống với cách đọc của Dothái giáo, của Ngộ Ðạo hay của bè Marcion ; Origène nhận thấy rằng, chính dân Kitô giáo cần phải được soi sáng trong cách hiểu Thánh Kinh của mình, vì đôi khi họ đọc Thánh Kinh theo nghĩa văn tự một cách ngây ngô theo sát từng chữ, mà không hề biết lùi lại.

Ông vạch rõ những nguyên tắc làm cơ sở cho tất cả cách đọc Kinh Thánh của Kitô giáo cổ thời :

1. Toàn bộ Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần linh hứng.

2. Thánh Kinh có một nghĩa sâu xa ẩn dưới nghĩa trực tiếp : nguyên tắc về tính đa nghĩa của bản văn Kinh Thánh này là đặc điểm của tất cả khoa chú giải cổ thời ; thánh Phaolô đã phân biệt "văn tự" với "tinh thần" của Lề Luật (2Cr 3, 6). Origène cố gắng tìm ra mọi ý nghĩa của bản văn vì nghĩa ẩn giấu thì vô tận, và mọi chi tiết của bản văn đều như thế, vì Thiên Chúa không để cho điều gì là ngẫu nhiên cả.

3. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với chúng ta, những Kitô hữu hôm nay : Các Giáo Phụ không tiếp cận Thánh Kinh như một tài liệu lịch sử thuần túy, như luôn luôn như một cuốn sách của sự sống, nhằm "giáo huấn chúng ta" (x. thánh Phaolô, Rm 15,4). Vì thế, theo các ngài, chỉ có cách đọc của Kitô giáo trong ánh sáng mầu nhiệm Ðức Kitô, mới là cách đọc Cựu Ước đích thực.

Lấy hứng từ Philon, Origène cố gắng xây dựng một lý thuyết về các "nghĩa" khác nhau của Kinh Thánh, dựa vào ba yếu tố cấu tạo con người : thể xác, linh hồn và tinh thần. Như vậy trên nguyên tắc, ông phân biệt ba nghĩa : nghĩa xác thịt hay văn tự, nghĩa "tâm linh" (psychique) hay luân lý, nghĩa thiêng liêng hay thần bí. Tuy nhiên, trên thực tế ông không tuân theo cách phân loại này và không thể tuân theo được vì trong kinh nghiệm Kitô giáo, việc gắn bó với huyền nhiệm Ðức Kitô điều khiển đời sống luân lý và thiêng liêng. Vì vậy, ông thường đi từ nghĩa văn tự sang nghĩa "thần bí" liên hệ tới lịch sử cứu độ, tới Ðức Kitô, Giáo Hội . và từ đó áp dụng vào đời sống luân lý. Một cách thường xuyên hơn, ông kết hợp nghĩa thần bí và nghĩa luân lý, và lúc đó chỉ nói đến nghĩa "thiêng liêng", vượt lên trên nghĩa "văn tự" hay "lịch sử". Do vậy, ý niệm về nghĩa thiêng liêng có một nội dung rất rộng.

 

 

ORIGÈNE TRÌNH BÀY NGHIÊN CỨU CỦA MÌNH

VỀ BẢN VĂN KINH THÁNH HY LẠP

Ðã có rất nhiều điểm dị biệt giữa các bản, hoặc do sơ suất của các người sao chép, hoặc do sự cả gan tai ác của một số người, hoặc do sự vô tâm khi hiệu chỉnh các bản sao, hoặc do việc có những người khi hiệu chỉnh đã thêm hoặc bớt những gì họ ho là đúng. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi đã có thể sửa chữa những điểm dị biệt trong các bản Cựu Ước, bằng cách lấy những ấn bản khác làm tiêu chuẩn (nghĩa là các bản dịch Dothái). Khi có sự lưỡng lự liên quan tới bản LXX do những dị biệt giữa các bản, thì chúng tôi dựa vào các ấn bản khác để phân định và chúng tôi đã giữ lại những gì ăn khớp với các ấn bản đó. Chúng tôi đánh dấu chỗ sai (+) chỗ nào không có trong bản Hipri, chứ không dám gạch bỏ hoàn toàn ; những chỗ nào chúng tôi thêm vào thì có đánh dấu hoa thị (*) để cho biết rõ là những chỗ đó không có trong bản LXX, nhưng những chỗ thêm vào là dựa vào những ấn bản khác ăn khớp với bản Hipri. Vậy, người nào muốn thì có thể chấp nhận những chỗ thêm vào ; người nào lấy làm gai chướng với phương thức đó thì chấp nhận hay không là tùy anh ta. Tuy nhiên theo thiển ý, đối với các bản Tân Ước thì tôi không thể làm y như thế mà không nguy hại. Tôi thiết nghĩ, không phải là vô lý khi tôi bằng lòng nêu lên những khó khăn, những lý do và nguyên nhân của các khó khăn đó.

 

BÌNH GIẢNG VỀ MATTHÊU XV, 14

Origène nghĩ rằng Giáo Hội có quyền duy trì bản Kinh Thánh Bảy Mươi, lúc đó đã trở thành Kinh Thánh truyền thống của Kitô giáo

 

Vậy chẳng lẽ lại . hủy bỏ các bản Kinh Thánh đang dùng trong các Giáo Hội và truyền cho cộng đoàn vứt bỏ các Sách Thánh đang xử dụng, và thay vào đó, chúng ta vuốt ve nịnh hót người Dothái để họ trao cho chúng ta những bản văn nguyên tuyền, không có gì là "chế tác" hay sao ? Thiên Chúa quan phòng, khi trao lời khuyến thiện các Sách Thánh cho tất cả các Giáo Hội của Ðức Kitô, chẳng lẽ lại không lo đến "những người đã được cứu chuộc giá cả hẳn hoi", "những người mà vì họ, Ðức Kitô đã chết", Ðấng mà Thiên Chúa, là tình Yêu, đã "không dung tha", dù đó là Con của Người, nhưng "đã phó nộp vì tất cả chúng ta" ngõ hầu "mọi sự được ban cho ta cùng với Ngài". Về điều này, có một bản văn thật đáng cho chúng ta nhớ lại : "người sẽ không xê dịch biên giới vĩnh viễn mà các tiền nhân của ngươi đã thiết lập".

Thư gửi Jules Africain

Sources Chrétiennes no. 308, p. 533

 

 

Ðiều quan trọng đáng để ý là Origène và các Giáo Phụ không làm tiêu tan nghĩa lịch sử hay văn tự. Nó là nghĩa đầu tiên của bản văn và là cơ sở của mọi giải thích. Origène rất chú tâm tới việc xác định nghĩa văn tự và thường làm một cách tỉ mỉ : không hề có "chủ thuyết ảo thân" nào về Thánh Kinh trong khoa chú giải của ông. Tuy nhiên, nghĩa đầu tiên này không là tất cả ý nghĩa của Thánh Kinh, cũng như người ta không thể dừng lại ở "thân xác" của Ðức Kitô. Cần phải đi tới tầm mức thiêng liêng của bản văn, tầm mức mà, tong Cựu Ước, mạc khải những tiên trưng của mầu nhiệm Kitô giáo và trong Tân Ước, mạc khải lời loan báo về những thực tại hiện thời và chung cuộc. "Lịch sử" hay "văn tự" và "tinh thần" : đó là hai mức đọc Thánh Kinh, và ở đây, vị thầy mà Origène nại đến không phải là Philon cho bằng thánh Phaolô mà ông không ngừng nhắc lại những thí dụ tiêu biểu về giải thích Cựu Ước theo nghĩa "thiêng liêng" : Gal. 4, 22tt ; 1Cor 10, 1-11 ; x. Hr 10, 1. Về phương diện tín lý, cách đọc này đặt nền tảng trên tính liên tục của hai Giao Ước và trên tính duy nhất của chương trình Thiên Chúa.

Khoa chú giải của các Giáo Phụ vẫn còn bổ ích cho chúng ta khi trình bày Thánh Kinh như một toàn thể gắn bó, sống động và luôn luôn hiện tại. Nhưng đặc biệt do ảnh hưởng của Philon, Origène không chỉ hài lòng với việc đào sâu việc đọc Thánh Kinh dưới sự soi sáng của đức tin và của kinh nghiệm Kitô giáo, ông còn dựa vào phép "ẩn dụ" một cách có phương pháp để tìm ra mọi loại ý nghĩa biểu trưng trong mọi chi tiết của bản văn. Tuy nhiên, phương pháp này nhanh chóng đưa đến chỗ tùy tiện, và biến Thánh Kinh thành một "rừng biểu tượng" mà không có những tiêu chuẩn có thể biện minh. Vì vậy, Origène có phần trách nhiệm của mình trong việc phát triển khía cạnh này của khoa chú giải thời các Giáo Phụ và thời Trung cổ, cho dù ông cố gắng xác định một số giới hạn, tỷ như đặt ra nguyên tắc theo đó, Thánh Kinh phải được cắt nghĩa bằng chính Thánh Kinh, Thánh Kinh phải luôn hợp lý chặc chẽ với chính nó, các biểu tượng được khai thác phải có chỗ dựa trong Thánh Kinh. Thực ra, phương pháp trên là một hiện tượng văn hóa. Phép ẩn dụ đã được các Kinh Sư dùng trong việc chú giải Lề Luật, cũng như các nhà luân lý ngoại giáo dùng trong việc cắt nghĩa Homère và thần thoại. Thêm vào đó, Origène theo thế giới quan của Platon, nhãn quan này đi tới chỗ cho rằng mọi thực tại đều có hai mặt : mặt "khả giác", hữu hình, bất tất, và mặt vô hình, thiêng liêng, vĩnh cửu.Philon đã viết : "giải thích theo văn tự (là) như biểu tượng của một vũ trụ ẩn giấu mà nghĩa ẩn dụ vén mở" (Về đời sống chiêm niệm 3, 28).

Cách đọc thánh Kinh theo lối ẩn dụ này đã ghi dấu sâu xa trên khâu chú giải Kitô giáo cho tới hết thời Trung cổ. Tuy nhiên cần phải ghi nhận rằng, nơi các Giáo Phụ cũng đã có phản ứng chống lại lối giải thích ẩn dụ triệt để. Về điểm này, người ta phân biệt hai "trường phái" chú giải : Trường phái Alexandrie và trường phái Antioche. Ðặc điểm của trường phái sau không phải là lối chú giải thuần túy theo "văn tự" như người ta thường nói, nhưng là khước từ sự tùy tiện, và do đó trường phái này đi đến chỗ giới hạn phạm vi của các biểu tượng, các hình bóng, chú trọng tới sự chính xác khi giải thích và đặc biệt chú ý tới các văn mạch với một óc phê bình đôi khi đạt tới mức rất sắc bén. Theo một nghĩa nào đó, lối chú giải này hiện đại hơn, và theo kiểu nói của Théodore de Mopsueste, nó không cho phép "thấy Ðức Kitô ở mọi chỗ trong Kinh Thánh", đại diện cho lối chú giải này chỉ có một ít nhà chú giải thế kỷ IV và V, và trên thực tế họ thuộc vùng Antioche. Chúng ta sẽ nói sau. Về phần các Giáo Phụ Latinh, nói chung các ngài theo lối chú giải của Origène, tuy không đồng hóa với khoa chú giải của Giáo Phụ, dù sao cũng tiêu biểu cho khuynh hướng của khoa chú giải này, và điều người ta nói về lối chú giải của Origène thì cũng có giá trị rộng rãi cho toàn bộ khoa chú giải của các giáo Phụ.

 

 

THÁNH PHAOLÔ, BẬC THẦY VỀ CHÚ GIẢI

Khi chú giải sách Xuất Hành, Origène lập ra một số nguyên tắc chú giải dựa vào các thư của thánh Phaolô.

 

Lề luật thì thiêng liêng và phải được hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Phần chúng ta, chúng ta biết rằng Kinh Thánh không được soạn ra để kể lại những sự tích ngày xưa, nhưng là giáo huấn đem lại cho ta ơn cứu độ: vì thế chúng ta hiểu rằng điều người ta vừa đọc cho chúng ta là những gì luôn luôn hiện tại, và không phải chỉ trong thế giới này, mà Aicập là hình bóng, nhưng còn trong mỗi người chúng ta.

Hãy xem quy luật giải thích mà tông đồ Phaolô đã để lại cho chúng ta: Khi viết cho tín hữu Corinthô, ngài có nói ở đâu đó: "chúng ta biết rằng cha ông chúng ta, hết thảy đã ở dưới áng mây, hết thảy đã thanh tẩy mình trong Môsê dưới áng mây, trong lòng biển, hết thảy đã cùng được ăn một lương thực thần thiêng (thiêng liêng), hết thảy đã được uống cùng một của uống thần thiêng, quả họ đã uống từ Tảng đá thần thiêng đi theo họ. Tảng Ðá ấy tức là Ðức Kitô". Anh em thấy có sự khác biệt giữa cách đọc thuần túy lịch sử và giáo huấn của Phaolô. Ðối với người Dothái là việc ngang qua biển, Phaolô gọi đó là một phép rửa, điều họ tin là áng mây thì Phaolô nhìn thấy thánh Thần: "Ai không tái sinh bởi Nước và Thánh Thần, kẻ ấy không thể vào Nước Trời". Manna mà người Dothái chỉ thấy là lương thực nuôi thân, thỏa mãn thèm khát, thì Phaolô gọi đó là một lương thực thần thiêng. Và không phải chỉ có Phaolô, chính Chúa cũng đã nói tới điều đó trong tin Mừng: "Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết, nhưng người nào ăn bánh Ta ban, chính Ta, người ấy sẽ không hề chết bao giờ". Và Người thêm : "Ta là Bánh từ trời xuống". Phaolô tiếp đó nói rõ ràng về tảng đá đi theo họ, ông nói: "Tảng đá ấy, tức là Ðức Kitô". Vậy chúng ta sẽ làm gì, chúng ta những kẻ đã lãnh nhận từ Phaolô, bậc thầy của Giáo Hội, những quy luật giải thích như thế? Việc chúng ta áp dụng vào những trường hợp khác quy luật mà Ngài đã truyền lại cho chúng ta qua một thí dụ như thế lại không đúng sao? Hay là, theo ý kiến của một số kẻ, không kể gì đến điều mà một vị Tông Ðồ tuyệt vời và vĩ đại như thế truyền lại cho chúng ta, chúng ta sẽ trở lại với những "ngụ ngôn Do thái" sao? Vậy một khi lãnh nhận từ Tông Ðồ Phaolô vinh phúc những mầm giống của tri thức thiêng liêng, chúng ta hãy vun xới chúng trong mức độ, nhờ lời anh em cầu nguyện, Chúa sẽ đoái thương soi sáng chúng ta.

 

 

Con người và tác phẩm của Origène còn nêu ra nhiều khía cạnh khác mà chúng ta không thể trình bày ở đây. Ông là một triết gia lớn và là một nhà thần học suy lý, "trí óc quảng bác nhất thời đại của mình cùng với Plotin" (H.I. Marrou). Ông cũng là một nhà tu đức lớn và ngay cả một nhà thần bí nữa. Các tác phẩm của ông vẫn là nguồn suối đầy sức sống, nơi mà các nhà thần bí hàng đầu của thế kỷ IV đến để kín múc. Một tinh thần mạnh mẽ và phong phú đến lạ lùng trong nột Giáo Hội hãy còn non trẻ, ông đã vượt trên thế kỷ của mình và mở ra những con đường phong phú mà người ta không ngừng khám phá. Erasme, một trong những nhà nhân bản lớn của thời Phục Hưng đã tỏ lòng kính phục không đến nỗi tầm thường đối với ông khi tuyên bố rằng mình học được nhiều triết học Kitô giáo trong một trang của Origène hơn là trong mười trang của thánh Augustin !

 

 

HIỂU KINH THÁNH

Ðây là một thí dụ về cách Origène chuyển từ giải thích văn tự, có tham chiếu truyền thống các KInh Sư, sang nghĩa "thần bí" lớn lao, để rồii đưa tới áp dụng luân lý.

 

"Môsê được lệnh dùng gậy của ông mà đập xuống biển, để biển rẽ ra và rút lui cho Dân Chúa đi qua, và khối nước vốn là điều khiến ông sợ hãi, phải tuân theo thiên ý, làm nên "hai bên tả hữu" một "bức tường thành" không phải là mối hiểm nguy những là một sự che chở. Sóng cuốn lui thành núi và nước uốn mình cuộn lại, trở nên rắn chắc, lòng biển chỉ còn trơ cát.

Ở đây anh em hãy hiểu Thiên Chúa, Ðấng Hóa Công nhân lành dường bao. Nếu anh em vâng phục Thánh Ý Người, nếu anh em bước theo Lề Luật của Người. Người sẽ bắt cả trời đất hành động nghịch lại với bản tính của chúng để phục vụ anh em. Tôi nghe người xưa có nói rằng khi vượt qua biển, có bao nhiêu chi tộc Israel thì khối nước biển sẽ rẽ ra làm bấy nhiêu phần, và mỗi chi tộc có con đường riêng cho mình mở ra trong lòng biển. Lời trong Thánh Vịnh sẽ là bằng chứng cho điều đó : "Ðấng đã phân rẽ Biển Ðỏ thành nhiều phần" . vì lòng thành kính, tôi thiết tưởng không nên bỏ qua nhận xét này của người xưa về các Sách Thánh.

Vậy đâu là giáo huấn được ban cho chúng ta qua điều đó ? Ở trên, chúng ta đã nói đến giải thích của thánh Tông Ðồ. Ngài gọi đó là "một phép rửa thực hiện trong Môsê, dưới áng mây, trong lòng biển" ngõ hầu anh em, những người đã chịu Phép Rửa trong Ðức Kitô, trong Nước và Thánh Thần, anh em biết rằng người Aicập đuổi theo dấu vết của anh em, họ muốn lôi anh em về kiếp nô lệ cũ, nghĩa là về với "những đầu mục thế gian này" và những "thần khí xấu" mà anh em đã từng là nô lệ. Họ tìm cách bắt kịp anh em, nhưng anh em đã xuống nước và ra khỏi nước bình an vô sự : khi đã rửa sạch các vết nhơ tội lỗi, anh em bước lên với "con người mới" sẵn sàng hát lên "bài ca mới" . Vì kẻ tiêu diệt tên Aicập, ấy là người không thực hiện những "công việc của tối tăm", người tiêu diệt tên Aicập, ấy là người không sống theo xác thịt nhưng là theo Thần Khí, người tiêu diệt tên Aicập, ấy là người đuổi xa khỏi tâm hồn những ý nghĩ ô uế, dơ bẩn, hoặc ngay cả đón nhận chúng cũng không hề, như lời của thánh Tông Ðồ : "Hãy mang lấy khiên thuẩn đức tin để dập tắt tến lửa của Ác thần". Chính vì vậy đến ngày hôm nay, chúng ta còn có thể thấy "xác của người Aicập sóng sượt trên bãi biển", xa mã bị nhận chìm. Chúng ta có thể chứng kiến chính bản thân Pharaon bị cuốn trôi nếu chúng ta sống với đủ niềm tin, hầu "Thiên chúa nhanh chóng quật ngã Satan dưới chân chúng ta" nhờ Ðức Giêsu Kitô chúa chúng ta".

Giảng về sách Xuất Hành V, 5

Dịch theo Sources Chrétiennes no. 16, p. 143-146

 

 

SUY NIỆM CỦA ORIGÈNE

Về một bản văn của thánh Gioan (người ta nhớ tới Pascal: "Ðức Kitô hấp hối cho đến ngày tận thế").

 

Nếu chúng ta đã hiểu thế nào là cơn say của các thánh và cơn say đó được hứa ban cho niềm vui của họ là như thế nào, thì giờ đây chúng ta hãy xem vì sao Ðấng Cứu Chuộc chúng ta không còn uống rượu cho tới khi Ngài uống thứ rượu mới cùng với các thánh trong Nước Thiên Chúa.

Ngay cả ngày hôm nay, Ðấng Cứu Chuộc tôi vẫn đau đớn vì tội lỗi tôi. Ðấng Cứu Chuộc không thể nào vui được, bao lâu tôi còn sống trong sự bất chính. Tại sao Ngài không thể vui? Vì chính Ngài là "trạng sư bào chữa cho tội lỗi chúng ta bên Chúa Cha", như Gioan, người môn đệ Chúa yêu, đã tuyên bố điều đó khi ông nói : "Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô như Trạng Sư bên Chúa Cha, Ngài là Ðấng vô tội, nhưng chính Ngài là của lễ đền tội chúng ta". Vậy Ðấng Trạng Sư của chúng ta, làm sao Ngài lại có thể uống thứ rượu hoan lạc, trong lúc tôi vẫn phạm tội làm phiền lòng Ngài ? Ðấng đang tiến đến bàn thờ dâng mình đền tội cho tôi, một kẻ tội lỗi, và trong trái tim Ngài không ngừng trào dâng nỗi buồn vì lầm lỗi tôi, lẽ nào Ngài có thể vui được? Ngài nói: "Ta sẽ uống rượu này với anh em trong Nước của Cha Ta". Bao lâu chúng ta không sống như thể đang tiến bước vào Nước Trời thì Ngài, Ðấng đã hứa uống thứ rượu đó cùng với chúng ta, Ngài không thể nào uống một mình được. Vì vậy, Ngài sẽ ở mãi trong buồn phiền bao lâu chúng ta đứng lỳ trong lầm lạc. Nếu quả vị Tông Ðồ của Ngài "khóc thương một số người phạm tội vì đã không sám hối tội ác của họ", thì còn phải nói thế nào nữa về chính Ngài, Ðấng được gọi là người con của tình yêu, Ðấng đã tự hủy ra không vì tình yêu Ngài dành cho chúng ta, Ðấng đã không tìm lợi lộc gì cho mình trong khi Ngài là Ðấng đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tìm kiếm điều lành cho chúng ta, giờ đây lẽ nào Ngài không còn tìm kiếm chúng ta, lẽ nào Ngài không còn nghĩ đến lợi ích của chúng ta, lẽ nào Ngài không còn đau khổ vì những lầm lạc của chúng ta? Ðấng đã khóc thương Jérusalem và nói với nó: "Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, một thể như gà mẹ thâu hợp gà con dưới cánh ; mà ngươi đã không muốn", lẽ nào Ngài lại không còn thương khóc sự hư mất của chúng ta? Ðấng đã mang lấy thương tích của chúng ta, đã đau khổ vì chúng ta như người thầy thuốc của tâm hồn và thân xác chúng ta, giờ đây lẽ nào Ngài lại không chăm sóc gì đến những vết thương thối rữa của chúng ta? Vì thế, vì tất cả chúng ta ngày hôm nay Ngài đang đứng trước mặt Thiên Chúa, chuyển cầu cho chúng ta, Ngài đang đứng nơi bàn thờ hiến dâng lễ đền tội cho chúng ta. Ngài đang mong chờ chúng ta hoán cải, bắt chước mẫu gương của Ngài, đi theo dấu chân Ngài, để rồi được vui mừng hoan hỷ vói chúng ta và "cùng với chúng ta uống thứ rượu trong Nước của Cha Ngài".

Bài giảng VII về sách Lêvi

H. de Lubac. Catholicisme

Paris 1938, p. 322-323

 

 

 

SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM

 

H. CROUZEL, Origène, coll. "Le Sycomore". Paris, Lethielleux 1985.

M. HARL, Origène et la fonction révélatrice du Verbe incarné, Paris, Le Seul, 1958.

H. de LUBAC, Histoire et esprit, Lintelligence de lEcriture daprès Origène, coll. "Théologie", Paris, Aubier.

 

Về môi trường Alexandrie :

Encyclopedia Universalis, "Alexandrie", t.I.1984, p. 699 - 703

 

Các bản dịch :

La prière : coll. "Les Pères dans la foi"

Traité des principes, coll. "Etudes augustiniennes" Paris 1976

Commentaire sur saint Jean, "Homélies" sur lEcriture

Contre Celse . coll. "Sources Chrétiennes".

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt