Triết học tôn giáo

Cây cối và thú vật [như là những hình thái của tôn giáo]


TÔN GIÁO TỰ NHIÊN

 

b

CÂY CỐI VÀ THÚ VẬT

[NHƯ LÀ NHỮNG HÌNH THÁI CỦA TÔN GIÁO]*

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 1339-1358. | Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 689

Tinh thần tự-giác – đã chuyển hóa từ bản chất không có hình thái [“Ánh sáng”, “Lửa”] để đi vào bên trong chính mình; hay nói cách khác, đã nâng tính trực tiếp của mình lên đến cấp độ của Tự ngã nói chung – quy định tính [nhất thể] đơn giản của mình như là một sự đa tạp của [những] cái “tồn tại-cho-mình”, và đó là tôn giáo của sự Tri giác mang tính tinh thần (geistige Wahrnehnung). | Ở đây, Tinh thần phân hóa thành một đa thể gồm vô số “những Tinh thần” (Geister) [“những vị thần”] khác nhau ở chỗ mạnh hơn và yếu hơn, phong phú hơn và nghèo nàn hơn. [Xem lại: Chương II: Tri giác về “sự vật với nhiều thuộc tính khác nhau”. N.D]. Thuyết phiếm thần này (Pantheismus) thoạt đầu là sự tự tồn im lìm, thụ động của những “nguyên tử” mang tính tinh thần [những “vị thần” độc lập, cùng tồn tại bên nhau] phát triển thành một tiến trình thù địch trong nội bộ. Sự hồn nhiên vô tội vốn là đặc tính của tôn giáo [thực vật] thờ hoa [và cây cối] và đơn thuần là biểu tượng không có tính tự ngã về cái Tự ngã nhường chỗ cho sự nghiêm trọng của cuộc sống đấu tranh, cho tội lỗi của tôn giáo thờ động vật; nghĩa là, sự bình lặng và bất lực của tính cá nhân trực quan chuyển hóa thành sự tồn tại-cho-mình [độc lập, tách rời] mang tính hủy diệt [lẫn nhau][1].

     Rút bỏ sự trừu tượng chết cứng ra khỏi những sự vật của tri giác và nâng chúng lên cấp độ của những bản chất của tri giác tinh thần đã là những việc làm không mang lại hiệu quả: vương quốc của “những Tinh thần” này – khi đã được làm cho sống động lên – chứa đựng sự chết này ngay trong lòng nó bởi đã mang tính quy định nhất định và tính phủ định, những đặc tính đã thắng vượt sự dửng dưng hồn nhiên vô tội [giữa những loại thực vật] đối với nhau trước đây. Do tính quy định và tính phủ định này, sự phân hóa của Tinh thần thành đa thể của những hình thái thực vật thụ động trước đây trở thành một tiến trình thù nghịch, trong đó sự thù ghét – được kích động bởi sự tồn tại cho-mình độc lập của chúng – bột phát và phá hủy những hình thái ấy.

     Tự-ý thức hiện thực của [loại] Tinh thần bị phân tán và phân hóa này mang hình thức của một số lượng lớn những vị thần của các cộng đồng người (Vưlkergeister) được cá thể hóa và có ác cảm với nhau, hận thù và đấu tranh với nhau cho tới chết và, một cách tự nguyện và có ý thức, mang lấy những hình thái đặc thù của những con vật nhất định, xem chúng là bản chất của mình: bởi những vị thần ấy không gì khác hơn là những vị thần thú vật, là đời sống súc sinh tách biệt với nhau và không hề có trong đó tính phổ biến được ý thức[2].

§ 690

Tuy nhiên, đặc điểm quy định nhất định của sự tồn tại cho-mình thuần túy và phủ định này tự tiêu hủy đi trong sự thù ghét lẫn nhau; và qua tiến trình ấy của Khái niệm, Tinh thần bước vào một hình thái khác. Sự tồn tại-cho-mình bị thủ tiêu và vượt bỏ chính là hình thức của đối tượng; một hình thức được tạo ra bởi Tự ngã, hay nói đúng hơn, là cái Tự ngã được tạo ra, là cái Tự ngã tự-tiêu thụ chính mình, tức là, tự biến mình thành “sự vật” (Ding). Vì thế, [bây giờ] tác nhân lao động giữ vị trí ưu thế hơn hẳn những vị thần thú vật chỉ đơn thuần cắn xé lẫn nhau. | Hành động của tác nhân lao động không đơn thuần phủ định, trái lại, là trầm tĩnh và khẳng định. Cho nên, từ nay, ý thức của Tinh thần là tiến trình đứng lên trên và bên ngoài sự tồn tại-tự-mình trực tiếp [sự tồn tại phổ biến], cũng như vượt lên trên và ở bên ngoài sự tồn tại-cho-mình trừu tượng [sự tồn tại cô lập, tách rời][3]. Vì lẽ sự tồn tại-tự-mình [mặc nhiên] – thông qua sự đối lập –, bị hạ thấp xuống cấp độ của một tính quy định nhất định (Bestimmheit), nó không còn là hình thức riêng có của Tinh thần tuyệt đối nữa, mà là một hiện thực được ý thức tìm thấy như là một hiện hữu bình thường đang đứng đối lập lại với chính mình và sẽ bị mình thủ tiêu đi; đồng thời, ý thức này không chỉ là sự tồn tại cho-mình làm công việc phủ định, thủ tiêu đơn thuần đối tượng của mình, trái lại, tác tạo ra biểu tượng khách quan về chính mình, tức, sự tồn tại-cho-mình này được thiết định ra bên ngoài (herausgesetzt) [ngoại tại hóa] trong hình thức của một đối tượng. Song, tiến trình tác tạo (Hervorbringen) này chưa phải là sự tác tạo trọn vẹn mà là một hoạt động có điều kiện, tức là sự nhào nặn, tạo nên hình thể (das Formieren) cho một chất liệu đã có sẵn.



* Về mặt lịch sử, hình thái tôn giáo này tương ứng với các tôn giáo nguyên thủy của Ấn Độ. Nếu hình thái trước đây tương ứng với cấp độ “xác tín cảm tính”, thì hình thái này tương ứng với “tri giác”, còn hình thái tiếp theo sau (Tinh thần tuyệt đối như “Người Thợ tác tạo”) sẽ tương ứng với “giác tính” (cả ba đều nằm trong giai đoạn “ý thức”).

[1] Sự “thống nhất cao cả” của Tinh thần tự tan vỡ thành một sự đa tạp của “những Tinh thần” (Geister) giống như những “thuộc tính” của sự vật trong tri giác cảm tính. Thoạt đầu, những thuộc tính này sống chung hòa bình trong sự hồn nhiên vô tội của tôn giáo thực vật (thờ hoa và cây cối) vì giới thực vật thì không có cái “tồn tại-cho mình”. Nhưng, khi tính phủ định xuất hiện ở trong thuộc tính [“cái CŨNG loại trừ”: §121], tức thuộc tính này đối lập và loại trừ thuộc tính kia, thì đó là tôn giáo động vật, trong đó “những thú vật khác nhau được tôn thờ trong nhiều dân tộc, nhất là ở Ấn Độ và Châu Phi và cũng được tôn thờ trong mọi quốc gia” (Hegel, Triết học về tôn giáo, Sđd, tr. 94).

[2] Như đã nói, Hegel luôn cố liên kết Tinh thần của một tôn giáo nhất định với Tinh thần hiện thực, tức Tinh thần ở trong thế giới [hiện thực]. Ở đây, tôn giáo thờ thú vật tương ứng với sự phân bố rộng rãi những cộng đồng người thành những cộng đồng thù địch lẫn nhau. Rồi ở bước tiếp theo sau (“Người thợ tác tạo” (§§691-698), Tinh thần hiện thực sẽ là bước ngược lại, tức sự hợp nhất của các cộng đồng người (hay các bộ lạc) để kiến tạo nên “một sự nghiệp chung, là phương tiện và biểu trưng cho sự tập hợp của họ” như khi Hegel trình bày về bộ môn kiến trúc trong các bài giảng về Mỹ học.

[3] Như thế, cái “tồn tại-tự mình trực tiếp” tương ứng với Thượng đế như là Thần Ánh Sáng; cái “tồn tại-cho mình trừu tượng” tương ứng với tôn giáo động vật. Bây giờ, cái tồn tại-tự mình sẽ là chất liệu cho lao động tác tạo, còn cái tồn tại-cho mình sẽ là lao động tác tạo, nhào nặn chất liệu ấy.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt