[DẪN NHẬP: VỀ TÔN GIÁO NÓI CHUNG]
GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.
§ 672 Trong những hình thái [của kinh nghiệm] được bàn cho đến nay và được phân biệt một cách khái quát [thành những cấp độ] như là: Ý thức, Tự-ý thức, Lý tính và Tinh thần, quả nhiên tôn giáo – với tư cách là ý thức về Bản chất [hay Hữu thể] tuyệt đối nói chung – đã từng xuất hiện nhiều lần nơi các hình thái ấy. | Nhưng đấy là tôn giáo từ quan điểm của ý thức, khi ý thức có ý thức về Hữu thể-tuyệt đối (absolutes Wesen). | Còn Hữu thể-tuyệt đối trong bản tính tự-mình và cho-mình, tức như Tự-ý thức của Tinh thần thì chưa xuất hiện trong những hình thái ấy[1][2]. § 673 Ngay cả [trong bình diện] ý thức, tức khi ý thức mang hình thái của giác tính, nó cũng đã trở thành một ý thức về cái siêu-cảm tính, hay về cái “Bên trong” của hiện hữu khách quan. [Xem lại: §157]. Nhưng, cái siêu-cảm tính, cái vĩnh cửu hay dù được gọi tên như thế nào, đều là cái không có Tự-ngã (selbstlos). | Nó chỉ mới đơn thuần là cái gì phổ biến, chứ còn rất xa mới trở thành Tinh thần tự nhận biết chính mình như là Tinh thần. Rồi đến Tự-ý thức khi đạt tới hình thái tối hậu của nó là “Ý thức bất hạnh” thì chỉ là sự đau khổ của Tinh thần cố vượt thoát để vươn đến tính đối tượng khách quan một lần nữa nhưng không thành công. Do đó sự thống nhất của Tự-ý thức cá biệt với Bản chất bất biến của nó ở giai đoạn này vẫn là một cái “ở Bên kia”, xa cách với nó. [Xem lại: §207]. Chuyển sang sự hiện hữu trực tiếp của Lý tính, – tức với ta [người quan sát] là thoát thai từ trạng thái đau khổ nói trên –, các hình thái riêng biệt của Lý tính không mang hình thức tôn giáo nào cả, bởi lẽ Tự-ý thức nói chung tự nhận biết chính mình hay đi tìm chính mình ở trong cái hiện tại trực tiếp. § 674 Ngược lại, trong thế giới của [trật tự] đạo đức, ta lại gặp một hình thức tôn giáo, đó là tôn giáo về “thế giới bên kia” ở cõi âm. | Đây là lòng tin vào đêm tối mù mịt, đáng sợ của Định mệnh và vào những oan hồn[3] của Tinh thần đã quá cố: cái trước là tính phủ định thuần túy mang hình thức của tính phổ biến; cái sau cũng là tính phủ định như thế nhưng trong hình thức của tính cá biệt. Vậy, trong hình thái sau, Bản chất-tuyệt đối (absolutes Wesen) tuy là Tự ngã và là Tự ngã đang hiện diện, bởi Tự ngã không có phương cách tồn tại nào khác ngoài hiện diện trong hiện tại, thế nhưng, chỉ có điều, Tự ngã cá biệt là vong linh (Schatten: bóng mờ) [của cá nhân] tách rời chính mình với tính phổ biến là Định mệnh. Tuy là vong linh, nghĩa là một “Cái này” [một cá thể đặc thù] đã bị phủ định và vượt bỏ và như thế là Tự ngã phổ biến, song, ý nghĩa tiêu cực, phủ định này [của vong linh] vẫn chưa hoàn toàn được chuyển hóa thành ý nghĩa tích cực, khẳng định [của Tự ngã phổ biến], nên Tự ngã bị phủ định và vượt bỏ ấy đồng thời vẫn còn có ý nghĩa trực tiếp của cái tồn tại đặc thù và không có bản chất (wesenlos) này. Trong khi đó, định mệnh, vì không có Tự ngã, nên vẫn còn nguyên là một đêm tối thiếu vắng ý thức, chưa đạt đến chỗ có được sự phân biệt bên trong chính nó, chưa đạt được sự sáng sủa của cái biết về chính mình[4]. § 675 Lòng tin này vào sự tất yếu vốn hư vô hóa tất cả[5] và vào thế giới cõi âm trở thành lòng tin hướng lên Trời, bởi Tự ngã đã quá cố phải hợp nhất với tính phổ biến của nó, phải phơi bày (auseinanderschlagen) hết những gì nó chứa đựng trong tính phổ biến, và như thế, phải trở thành sáng tỏ với chính mình. Tuy nhiên, như ta đã thấy, vương quốc này của Lòng tin chỉ đơn thuần phơi bày nội dung của nó trong môi trường (im Elemente) của tư duy [của tư tưởng phản tư] không có Khái niệm (Begriff) [cụ thể], do đó, đã tiêu vong nơi số phận tối hậu của nó, tức nơi tôn giáo của sự Khai sáng. Trong tôn giáo này [thời Khai sáng], cái Bên kia siêu cảm tính của giai đoạn “giác tính” đã được phục hồi, nhưng theo phương cách là: Tự-ý thức ở yên và cảm thấy được thỏa mãn trong thế giới trần thế “ở bên này”, chứ không biết tới cái thế giới “bên kia” siêu cảm tính – tức không biết tới cái “Bên kia” trống rỗng, vừa “bất khả tri” vừa không có gì đáng sợ –, nghĩa là, cái Bên kia ấy vừa không phải là Tự ngã, vừa không phải là quyền năng (Macht) gì cả[6]. § 676 Sau cùng, trong tôn giáo của [giai đoạn] luân lý, tư tưởng cho rằng Bản chất [hay Hữu thể] tuyệt đối là một nội dung khẳng định, tích cực lại được khôi phục, nhưng nội dung này được hợp nhất với tính phủ định của sự Khai sáng. Nội dung là một tồn tại nhưng đồng thời được thu hồi lại vào trong Tự ngã, và ở yên một cách khép kín trong Tự ngã, và là một nội dung được phân biệt, [song] những bộ phận của nó cũng đều bị lập tức thủ tiêu ngay khi chúng được nêu lên. Nhưng, Định mệnh – trong đó tiến trình đầy mâu thuẫn này chìm đắm vào – là cái Tự ngã ý thức về chính mình như là ý thức về Định mệnh của cái gì có tính bản chất (Wesenheit)[7] và hiện thực[8]. § 677 Trong tôn giáo, Tinh thần biết về chính mình như là Tự-ý thức thuần túy của chính nó một cách trực tiếp. Những hình thái của Tinh thần đã được xem xét cho đến nay – đó là: Tinh thần chân thực [Tinh thần khách quan], Tinh thần bị tự-tha hóa, và Tinh thần xác tín về chính mình –, tất cả các hình thái ấy cùng tạo nên Tinh thần trong tình trạng ý thức của nó, tức tình trạng trong đó nó được đặt vào vị trí đối lập lại với chính thế giới của nó; [do đó] nó không nhận ra chính mình trong đó [không lãnh hội và chiếm hữu chính mình một cách có ý thức]. Nhưng, trong hình thái lương tâm, Tinh thần buộc thế giới khách quan của nó nói chung, cũng như sự hình dung những Khái niệm nhất định của nó phải phục tùng; và từ nay, là Tự-ý thức tự tại nơi ngôi nhà của chính mình (bei sich seiendes Selbstbewusstsein) [Tự ý thức tương thông với chính Tự ngã của mình]. Ở trong lương tâm, Tinh thần – được hình dung như một đối tượng – có ý nghĩa là Tinh thần phổ biến cho-mình, chứa đựng trong bản thân nó tất cả những gì mang tính bản chất và hiện thực, tuy nhiên, chưa ở trong hình thức của hiện thực [tự tồn một cách] tự do hay của giới Tự nhiên xuất hiện ra một cách độc lập tự chủ. Tất nhiên, nó [Tinh thần] có hình thái hay hình thức của tồn tại khách quan trong việc nó là đối tượng của chính ý thức của nó, nhưng bởi lẽ ý thức này, trong tôn giáo, thiết yếu mang tính quy định của Tự-ý thức [tức: tự giác, có ý thức về chính mình], nên hình thái hay hình thức này là hoàn toàn trong suốt đối với chính nó, và hiện thực mà Tinh thần chứa đựng là bị gói trọn ở bên trong Tinh thần, hay nói cách khác, bị vượt bỏ ở trong đó, giống hệt theo phương cách khi ta nói về “tất cả hiện thực”: nó đúng là “tất cả hiện thực” nhưng là hiện thực phổ biến được suy tưởng mà thôi (die gedachte, allgemeine Wirk-lichkeit) [hiện thực như là tư tưởng]. § 678 Vậy, bởi lẽ trong tôn giáo, sự quy định của ý thức đích thực của Tinh thần không có hình thức của cái tồn tại-khác tự do [độc lập, tách rời], nên sự hiện hữu (Dasein) của Tinh thần[9] được phân biệt với Tự-ý thức của nó, và hiện thực đích thực của nó thì rơi ra bên ngoài tôn giáo. | Tất nhiên, chỉ có MỘT Tinh thần ở trong cả hai, nhưng ý thức của nó không bao trùm được cả hai cùng một lúc; nên tôn giáo xuất hiện ra như một phần của sự hiện hữu, hoạt động và nỗ lực [của con người]; còn phần còn lại là đời sống [của Tinh thần] ở bên trong thế giới hiện thực của chính Tinh thần. Nếu bây giờ ta đã biết rằng Tinh thần trong thế giới của nó và Tinh thần có ý thức về chính mình như là Tinh thần, tức Tinh thần trong lãnh vực tôn giáo đều là một mà thôi, thì hẳn nhiên sự hoàn tất trọn vẹn của tôn giáo là ở chỗ: hai hình thức này trở thành ngang bằng với nhau: không chỉ đơn thuần ở chỗ hiện thực của Tinh thân được tôn giáo nắm bắt và bao trùm, mà ngược lại, Tinh thần làm cho mình trở thành hiện thực như là Tinh thần có ý thức về chính mình và trở thành đối tượng cho ý thức của mình[10]. Trong chừng mực Tinh thần tự hình dung chính mình cho chính mình [bằng hình tượng] ở trong tôn giáo, nó quả là ý thức; và hiện thực được bao hàm bên trong tôn giáo là hình thái và là xiêm áo để khoác vào cho tư duy-hình tượng của nó [về chính nó]. Tuy nhiên, trong sự hình dung bằng hình tượng (Vorstellung) này, hiện thực không được hưởng trọn vẹn quyền của nó, nghĩa là quyền của nó không phải chỉ là một lớp xiêm áo bên ngoài mà là một hiện hữu độc lập và tự do. | Trái lại, vì lẽ hiện thực còn thiếu sự toàn vẹn ở bên trong bản thân nó, cho nên là một hình thái nhất định, không đạt đến được điều mà lẽ ra nó phải diễn tả, đó là Tinh thần có ý thức về chính mình. Lẽ ra để cho hình thái của Tinh thần có thể diễn tả được bản thân Tinh thần thì hình thái ấy ắt không thể là gì khác hơn là chính Tinh thần, và Tinh thần ắt phải xuất hiện ra cho chính mình hay trở thành hiện thực đúng như là mình trong bản chất. Chỉ có điều, như thế hóa ra là đạt được điều có vẻ như là sự đòi hỏi trái ngược, đó là: đối tượng của ý thức của nó lại đồng thời có hình thức của hiện thực tự do. | Thế nhưng, chỉ có Tinh thần là đối tượng cho chính mình với tư cách là Tinh Thần Tuyệt đối mới vừa có ý thức về chính mình như là một hiện thực tự do, vừa đồng thời vẫn có ý thức về bản thân mình ở trong [hiện thực] ấy[11]. § 679 Bởi lẽ trước hết có sự phân biệt giữa Tự-ý thức và ý thức đơn thuần, [tức] giữa tôn giáo và Tinh thần [đang tồn tại một cách ngoại tại] trong thế giới của nó, hay nói cách khác, giữa tôn giáo và sự hiện hữu [khách quan] của Tinh thần, nên sự hiện hữu khách quan này là ở trong cái toàn bộ (das Ganze) của Tinh thần, trong chừng mực những yếu tố của nó tách biệt lẫn nhau và mỗi yếu tố tự thể hiện cho riêng mình. Những yếu tố này là “Ý thức”, “Tự-ý thức”, “Lý tính” và “Tinh thần” – Tinh thần [ở đây] là Tinh thần trực tiếp, chưa phải là ý thức của Tinh thần. Tính toàn thể (Totalität) này của chúng, – gộp chung lại – tạo nên sự hiện hữu trần thế (weltliches Dasein) nói chung của Tinh thần; còn Tinh thần, xét như Tinh thần, bao gồm những hình thái hiện thân cho tới nay trong hình thức của những quy định khái quát, [tức] trong những mô-men (Momente) vừa được gọi tên như trên. Tôn giáo tiền-giả định rằng những yếu tố ấy đã đi trọn hết diễn trình của chúng, và tôn giáo là tính toàn thể đơn giản (einfache Totalität), hay là Tự ngã tuyệt đối [linh hồn] của chúng. Thêm nữa, trong quan hệ [quy chiếu] với tôn giáo, diễn trình mà các yếu tố ấy trải qua không được hình dung [như một sự tiếp diễn] trong thời gian. Chỉ có Tinh thần trong tính toàn bộ của nó (der ganze Geist) mới ở trong thời gian, và những hình thái như là những hình thái [hiện thân riêng biệt] của Tinh thần toàn bộ xét như Tinh thần toàn bộ tự thể hiện ra theo một chuỗi tiếp diễn [về thời gian]. | Bởi chỉ có cái toàn bộ mới có hiện thực đích thực, và do đó, mới có hình thức của sự tự do thuần túy đối với bất kỳ cái gì khác, đó là hình thức tự thể hiện như là thời gian, Còn những mô-men (Momente) của cái toàn bộ này như: “Ý thức”, “Tự-ý thức”, “Lý tính” và “Tinh thần” – bởi chỉ là những mô-men (Momente) – nên không có sự hiện hữu khác biệt với nhau. Giống như Tinh thần đã tự phân biệt với những yếu tố của nó, điểm thứ ba là còn cần phải phân biệt bản thân những yếu tố ấy với [các] quy định cá thể hóa của chúng. Nơi mỗi yếu tố, ta đã thấy nó lại dị biệt hóa trong bản thân nó thành một tiến trình phát triển riêng với nhiều hình thái khác nhau, chẳng hạn như trong trường hợp ý thức thì sự xác tín cảm tính và tri giác là phân biệt với nhau. Những phương diện này tách biệt nhau trong thời gian và cùng thuộc về một toàn bộ đặc thù. Bởi vì Tinh thần đi từ tính phổ biến của nó xuống tính cá biệt thông qua sự quy định [đặc thù]. Sự quy định này hay yếu tố trung giới này là “Ý thức”, “Tự-ý thức” và v.v.. Còn tính cá biệt là do những hình thái của các yếu tố này tạo ra. Vì thế, những hình thái này diễn tả Tinh thần trong tính cá biệt, hay diễn tả hiện thực của Tinh thần và phân biệt với nhau trong thời gian, tuy nhiên theo kiểu là: hình thái đi sau bảo lưu các hình thái đi trước ở trong chính nó[12]. § 680 Do đó, trong khi tôn giáo là sự hoàn tất trọn vẹn của Tinh thần, trong đó những yếu tố cá biệt của nó như “Ý thức”, “Tự-ý thức”, “Lý tính” và “Tinh thần” đều đang và đã quay về như quay về với nền tảng của chúng, thì, tất cả những yếu tố này gộp chung lại đồng thời tạo nên hiện thực khách quan (daseiende Wirklichkeit) của Tinh thần toàn bộ; và như thế, Tinh thần toàn bộ chỉ tồn tại như là tiến trình phân biệt hóa và [tự] quay trở về lại vào trong chính mình của những phương diện này của nó[13]. Chính sự trở thành [phát triển] (das Werden) của tôn giáo nói chung được chứa đựng trong tiến trình vận động của những yếu tố phổ biến. Tuy nhiên, vì lẽ từng mỗi thuộc tính (Attribute) của những thuộc tính [yếu tố] này đã được trình bày không chỉ theo cách nó tự xác định chính mình một cách khái quát mà còn như nó trong tình trạng tự-mình và cho-mình, nghĩa là, như nó đã đi trọn hết tiến trình ở bên trong chính mình như một toàn bộ, nên chính nơi đây đã làm nảy sinh không chỉ sự trở thành [phát triển] của tôn giáo nói chung, trái lại, chính các diễn trình hoàn chỉnh này của những phương diện cá biệt cũng đồng thời chứa đựng những tính quy định (Bestimmheiten) [những hình thức nhất định] của bản thân tôn giáo. Tinh thần toàn bộ, [tức] Tinh thần của tôn giáo, một lần nữa, là tiến trình đi từ tính trực tiếp của nó đến chỗ đạt được cái biết[14] về những gì vốn là tự-mình [mặc nhiên] hay vốn là một cách trực tiếp; và là tiến trình rút cục nhằm đạt tới chỗ: hình thái trong đó Tinh thần xuất hiện ra cho ý thức của nó sẽ hoàn toàn ngang bằng với bản chất của nó; và là chỗ Tinh thần trực quan chính mình (sich auschaue) như là chính mình. Như thế, trong sự trở thành [phát triển] này [của tôn giáo], bản thân Tinh thần mang những hình thái nhất định; những hình thái tạo nên những sự khác biệt của tiến trình này; và đồng thời, một hình thức tôn giáo nhất định cũng có một Tinh thần hiện thực nhất định. Cho nên, nếu “Ý thức”, “Tự-ý thức”, “Lý tính” và “Tinh thần” nói chung đều thuộc về Tinh thần đang đạt đến cái biết về chính mình, thì, cũng một cách như thế, những hình thái (Gestalt) đặc thù nhất định của Tinh thần đang tự-nhận-thức này cũng mang lấy những hình thức (Form) nhất định được phát triển một cách đặc thù ở bên trong [từng mỗi giai đoạn]: “Ý thức”, “Tự-ý thức”, “Lý tính” và “Tinh thần”. Hình thái nhất định của tôn giáo chọn ra trong số những hình thức thuộc về mỗi yếu tố của nó một hình thức tương ứng với nó và biến hình thức ấy thành Tinh thần hiện thực của mình. Một tính quy định duy nhất nào đó của tôn giáo thâm nhập vào mọi phương diện của sự hiện hữu hiện thực của nó và in dấu ấn chung này lên trên tất cả mọi phương diện ấy[15]. § 681 Bằng cách ấy, những hình thái đã xuất hiện trước nay bây giờ tự sắp xếp lại khác với cách chúng đã xuất hiện theo trật tự riêng của chúng. | Về điểm này, ta nên lưu ý ngắn gọn một vài ý sơ bộ và cần thiết như sau: Trong chuỗi đã được xem xét, mỗi yếu tố – đi sâu vào tận cùng nội dung của nó – tự hình thành nên một toàn bộ ở bên trong nguyên tắc riêng đặc thù của nó. | Và việc nhận thức (das Erkennen) là cái chiều sâu bên trong, hay là Tinh thần, nhờ đó những yếu tố – vốn không có sự tự tồn cho riêng mình – có được bản thể [hay thực thể] (Substanz) của chúng. Nhưng từ nay, chính bản thể này đã xuất hiện ra bên ngoài (herausgetreten). | Nó là chiều sâu của Tinh thần xác tín về chính mình, không cho phép cái nguyên tắc riêng lẻ vốn thuộc về mỗi yếu tố cá biệt được tự cô lập và tạo nên một toàn bộ bên trong bản thân nó; trái lại, nó thâu góp, tập hợp tất cả những yếu tố này lại một cách thống nhất ở bên trong nó, và bản thể ấy tiến lên bên trong sự phong phú toàn diện này của Tinh thần hiện thực của nó; và mọi yếu tố đặc thù của Tinh thần này nắm lấy và tiếp nhận chung cùng một tính quy định của cái toàn bộ. Tinh thần xác tín về chính mình này và tiến trình vận động của nó là hiện thực đích thực và là sự tồn tại tự-mình và cho-mình thuộc về từng mỗi yếu tố cá biệt ấy. Như vậy, trong khi một chuỗi [tuyến tính] được xem xét trước đây, trong sự tiến lên, biểu thị những bước lùi (Rückgänge: những bước quay trở lại, trong sự “nhận thức”) của nó bằng những điểm nút (Knoten), nhưng rồi từ những điểm nút ấy, lại vẫn tiếp tục theo một chiều dài [tuyến tính], thì từ nay, hầu như chuỗi ấy bị gãy vỡ ở những điểm nút ấy – tức ở những yếu tố phổ biến –, và phân hóa thành nhiều đường kẽ (Linien). | Những đường kẽ này – kết hợp lại thành một bó (Bund) duy nhất –, đồng thời tự hợp nhất một cách đối xứng, khiến cho những sự phân biệt tương tự – trong đó mỗi đường kẻ đặc thù đã hình thành bên trong chuỗi – gặp gỡ lẫn nhau[16]. Ngoài ra, từ toàn bộ sự trình bày như trên, tự nó đã sáng tỏ việc phải hiểu sự kết hợp được hình dung ở đây của những phương hướng khái quát như thế nào, khiến cho trở thành thừa khi lưu ý rằng những sự phân biệt này, về bản chất, phải được hiểu chỉ như là những yếu tố, những bước (Momente) của tiến trình trở thành [phát triển], chứ không phải là những bộ phận (Teile) của tiến trình ấy. | Nơi Tinh thần hiện thực, chúng là những tùy thể (Attribute) của bản thể của chúng; còn trong tôn giáo, chúng chỉ là những thuộc tính (Prädikate) của Chủ thể. Cũng thế, “tự-mình” hay “cho ta” [người quan sát], mọi hình thức nói chung đều được chứa đựng ở trong Tinh thần và trong mỗi Tinh thần. | Nhưng, khi xem xét hiện thực của Tinh thần, điều quan trọng hàng đầu là phải biết tính quy định (Bestimmheit) nào là minh nhiên (cho nó) trong ý thức của nó; nó đã diễn tả Tự ngã của nó trong tính quy định nào, hay nói khác đi, nó nhận biết bản chất của nó trong hình thái nào. § 682 Sự phân biệt đã được tạo ra giữa Tinh thần hiện thực với cùng Tinh thần ấy nhưng tự nhận biết chính mình như là Tinh thần, hay nói cách khác, giữa bản thân Tinh thần với tư cách là ý thức và Tinh thần với tư cách là Tự-ý thức đã được thủ tiêu và vượt bỏ ở trong Tinh thần khi nhận biết chính mình ở trong chân lý đúng thật của nó. | Ý thức và Tự-ý thức của nó đã được điều hòa, nhất trí với nhau (ausgeglichen). Nhưng ở đây, khi tôn giáo mới bắt đầu và mới là trực tiếp, sự khác biệt này chưa được quay trở vào lại trong Tinh thần. Chỉ mới có Khái niệm [nguyên tắc] của tôn giáo là được thiết định. | Trong Khái niệm này, yếu tố bản chất là Tự-ý thức; Tự-ý thức ý thức rằng mình là tất cả sự thật và chứa đựng mọi hiện thực ở bên trong sự thật này. Tự-ý thức này, – vì là ý thức [tức có ý thức về một đối tượng. N.D] – nên có chính nó làm đối tượng cho nó. | Tinh thần, – thoạt tiên mới chỉ nhận biết chính mình một cách trực tiếp – là Tinh thần trong hình thức của tính trực tiếp đối với chính mình; và đặc điểm của hình thái trong đó nó xuất hiện cho chính nó là hình thái của sự tồn tại [đơn thuần, đơn giản]. Quả thật, tồn tại [hay hiện hữu đơn thuần] này không phải được lấp đầy bằng những gì được rút ra từ cảm giác hay chất liệu đa tạp, cũng không phải từ bất kỳ yếu tố một chiều nào đó, từ những mục đích và những sự quy định; trái lại, sự lấp đầy của nó chỉ là bằng Tinh thần và được biết bởi chính mình như là tất cả sự thật và hiện thực. Trong hình thức đầu tiên này, sự lấp đầy như thế không nhất trí trọn vẹn với hình thái của nó; Tinh thần, với tư cách là bản chất [tối hậu] không nhất trí hay không ngang bằng với ý thức của nó. Nó chỉ trở thành hiện thực với tư cách là Tinh thần-tuyệt đối khi nó ở trong sự thật [chân lý] của nó giống như nó đang ở trong sự xác tín về chính mình; hay nói khác đi, khi những đối cực trong đó Tinh thần tự phân ly với tư cách là ý thức, đều trở thành tồn tại [minh nhiên] cho nhau ở trong hình thái-Tinh thần (Geistsgestalt). Hình thái hiện thân – mà Tinh thần mang lấy với tư cách là đối tượng của ý thức của chính nó – vẫn tiếp tục được lấp đầy bởi sự xác tín của Tinh thần như là bởi bản thể [hay thực thể] của nó. | Thông qua nội dung này, việc hạ thấp đối tượng xuống thành tính khách quan đơn thuần, thành hình thức của cái gì phủ định Tự-ý thức sẽ tiêu biến đi. Sự thống nhất trực tiếp của Tinh thần với chính mình là cơ sở nền tảng, hay là ý thức thuần túy, mà bên trong đó ý thức phân hóa thành những yếu tố cấu thành [tức thành một đối tượng cùng với chủ thể đối lập lại với nó. N.D]. Bằng cách ấy, tức bị khép kín bên trong Tự-ý thức thuần túy của mình, Tinh thần không hiện hữu ở trong tôn giáo như là đấng sáng tạo của một Tự nhiên nói chung; mà đúng hơn, những gì nó tạo ra trong diễn trình này là những hình thái của nó với tư cách là những [bản chất] Tinh thần” (Geister); “những Tinh thần” này – đến lượt chúng – cùng tạo nên tính hoàn chỉnh (Vollständigkeit) của sự xuất hiện (Erscheinung) của Tinh thần. | Và bản thân tiến trình này là sự phát triển của hiện thực hoàn hảo và trọn vẹn (vollkommen) của nó thông qua những phương diện cá biệt của hiện thực, tức là, thông qua những phương cách hiện thực hóa không hoàn hảo của Tinh thần[17]. § 683 Hiện thực [hay việc hiện thực hóa] đầu tiên của Tinh thần chính là Khái niệm [nguyên tắc] của bản thân tôn giáo: tôn giáo như là tôn giáo trực tiếp và do đó, là tôn giáo tự nhiên. | Ở đây, Tinh thần nhận biết chính mình như là đối tượng của mình trong một hình thái “tự nhiên” hay “trực tiếp”. Nhưng, hiện thực [hay việc hiện thực hóa] thứ hai nhất thiết phải là việc Tinh thần biết chính mình trong hình thái của tính tự nhiên đã được thủ tiêu, đã được vượt bỏ, tức là, trong hình thái của Tự ngã. Vì thế, đây là Tôn giáo trong hình thức của nghệ thuật. | Bởi hình thái ở đây đã được nâng lên thành hình thức của Tự ngã thông qua hoạt động tác tạo (Hervorbringen) của ý thức, nhờ đó ý thức này trực nhận được chính việc làm hay Tự ngã của mình ở trong đối tượng của mình. Sau cùng, hiện thực [hay việc hiện thực hóa] thứ ba khắc phục tính một chiều, phiến diện của hai lần trước: Tự ngã là một Tự ngã trực tiếp cũng như tính trực tiếp là Tự ngã. Nếu trong việc hiện thực hóa đầu tiên, Tinh thần nói chung ở trong hình thức của ý thức, và trong lần thứ hai là ở trong hình thức của Tự-ý thức, thì trong lần thứ ba này, Tinh thần ở trong hình thức của sự thống nhất của cả hai. | Như thế, Tinh thần có hình thái của sự tồn tại tự-mình và cho-mình; và bởi lẽ Tinh thần được hình dung đúng như là nó trong trạng thái tự-mình và cho-mình, nên đấy là tôn giáo khải thị (die offenbare Religion)[18]. Tuy nhiên, mặc dù ở đây Tinh thần đã đạt tới hình thái chân thực của mình, nhưng chính bản thân hình thái và tư duy-hình tượng của nó vẫn còn là một phương diện hay giai đoạn chưa thể vượt qua được [chưa được khắc phục]; và từ hình thái này, Tinh thần còn phải chuyển hóa sang Khái niệm, để trong đó, nó hoàn toàn trút bỏ được hình thức của tính đối tượng khách quan; bởi vì Khái niệm bao hàm ngay bên trong lòng mình cái đối lập này của chính nó. Chỉ đến lúc ấy, Tinh thần mới nắm bắt được (erfasst) [thấu hiểu] Khái niệm về chính nó, giống như [hiện nay] chỉ mới có chúng ta [người phân tích về Tinh thần] là đã nắm bắt được điều ấy; và bấy giờ hình thái của nó hay môi trường (Element) của sự hiện hữu của nó, – vì hình thái ấy chính là Khái niệm – mới thật là Bản Thân Tinh thần. [Xem: Chương cuối: Tri thức tuyệt đối][19]. [1] Theo tiểu đoạn §672 mở đầu chương VII này, Hegel sẽ bàn về tôn giáo theo nghĩa đó là Tự-ý thức của Tinh thần, tức Bản chất hay Hữu thể tuyệt đối trong tiến trình tự nâng mình lên đến chỗ có ý thức về chính mình. Còn các hình thái có mang màu sắc “tôn giáo” trước đây (như ông sẽ ôn lại trong các tiểu đoạn §§673-677) chỉ có Hữu thể tuyệt đối như là một đối tượng cho ý thức của chủ thể, nghĩa là, ở đó, chủ thể và đối tượng vẫn còn tách rời nhau chứ không phải bản thân Hữu thể tuyệt đối tự nhận thức chính mình với tư cách là Chủ thể. Tiền đề cho bước phát triển này chính là sự “xuất hiện” của Tinh thần-tuyệt đối như là sự thống nhất của cái Phổ biến và cái Cá biệt ở cuối chương trước. (§§670-671). Tham vọng trình bày tiến trình tự nhận thức của Hữu thể tuyệt đối là quá to tát, nhưng, như J.H nhận xét, ta có cảm tưởng ở đây Hegel cũng chỉ trình bày một Hiện tượng học về tôn giáo, tức trình bày một tư tưởng về nội dung của tôn giáo tùy theo mỗi cộng đồng tôn giáo khác nhau trong lịch sử, xét như trên bình diện “kinh nghiệm của ý thức”. Về chỗ hàm hồ trong quan niệm này về tôn giáo trong quyển Hiện tượng học, J.H giới thiệu quyển: “Hegel, Sein Wollen und sein Werk”/ “Hegel, ý đồ và tác phẩm” của Th Haering, 2 tập, Leibzig/Berlin 1929-1938 (ấn bản mới: Aalen 1963), tập II, 1938, tr. 512. [2] (1040) Ở đây có một khó khăn không thể tránh khỏi trong việc dịch thuật ngữ “absolutes Wesen” của Hegel ra tiếng Việt. Thông thường, chữ này được dịch là “Hữu thể tuyệt đối” = “Hữu thể tối cao” (hưchtes Wesen) = Thượng đế (và, tương tự như thế, “vernünftiges Wesen” = hữu thể có lý tính = con người) (trong tiếng Pháp, tiếng Anh cũng có cách dịch quen thuộc ấy: “l’Être suprême”, “l’Être absolue”/the supreme Being; và cho con người: l’être rational/the rational being). Chữ “Hữu thể” trong trường hợp này, (Wesen, Being, Être) đều có nghĩa là “tồn tại”. Trong khi đó, như chúng ta biết, trong Lô-gíc học của Hegel, có một sự phân biệt cơ bản giữa “tồn tại” (Sein) và “bản chất” (Wesen). “Bản chất” là “tồn tại hiện thực” chứ không phải đơn thuần là thực thể trong tư tưởng. Cho nên, lẽ ra, từ nay phải được dịch là “Bản chất tuyệt đối”/“Bản chất tối cao” đúng theo tinh thần “Lô-gíc học” của Hegel. (Đó là lý do khiến J. Hyppolite dịch sang tiếng Pháp là “l’essence absolue” thay vì “l’Etre absolue”, và, trong bản dịch sang tiếng Anh quyển Lô-gíc học (Bách khoa thứ I), các dịch giả T. F. Geracts, W. A. Suchting, H. S. Harris dứt khoát không dùng chữ “supreme Being” nữa mà thay vào đó là “supreme Essence”. Xem: Hegel, The Encyclopadia Logic, bản dịch của ba dịch giả trên, Cambrigde, 1991, tr. XVIII). Ở đây, trong các chương trước cũng như trong chương “Tôn giáo” này, sở dĩ chúng tôi dùng cả hai cách dịch (“Hữu thể tuyệt đối”, vd: ở §672 và “Bản chất tuyệt đối”, vd: ở §§674- 676) là để giúp người đọc làm quen dần, và mặt khác, quan trong hơn, vì cho rằng ta chưa thực sự bước vào môi trường “tư duy thuần túy” của Khoa học Lô-gíc mà vẫn còn ở trong lãnh vực “kinh nghiệm hiện tượng học về ý thức”. Trong chừng mực đó, “Bản chất tuyệt đối” còn phải “xuất hiện ra” (hiện tượng học!) như là “Hữu thể tuyệt đối”. [3] Eumenide: tên gọi khác của Erinnye: những nữ thần báo thù, kêu đòi báo oán trong thần thoại Hy Lạp. [4] Xem lại chương VI: Tinh thần, mục A, b (§§464-476): “Hành động đạo đức; cái biết của người và của thần linh; Tội lỗi và Định mệnh”: Trong hình thức “tín ngưỡng” ở giai đoạn này, điều còn thiếu là sự thống nhất giữa Định mệnh (cái phổ biến) và Tự ngã (cái cá biệt). Tự ngã, như là “vong linh”, “bóng mờ”, không hợp nhất với Định mệnh, vẫn là tính cá biệt; còn Định mệnh – không có Tự ngã – vẫn là cái phổ biến trừu tượng không đi đến chỗ nhận biết về chính mình. Trên bình diện tôn giáo, như sẽ thấy ở phần nghiên cứu về “Tôn giáo nghệ thuật” (§699 và tiếp), toàn bộ sự phát triển của hình thái tôn giáo này là nỗ lực hiện thực hóa sự thống nhất ấy. Còn trên bình diện không phải tôn giáo, như đã thấy, sự thật của Định mệnh trở thành cái Tự ngã của nhân cách pháp quyền (xem: “Tình trạng pháp quyền” §477 và tiếp). [5] “Dieser Glaube an das Nichts der Notwendigkeit”: Dịch xuôi như Miller: “this belief in the nothingness of necessity” dễ gây hiểu lầm, nên chúng tôi theo cách dịch của J.H: “Cette croyance à la nécessité anéantissante” và của Baillie: “this belief in a necessity that produces nothingness”... (“sự tất yếu” ở đây là “định mệnh”, là cái phổ biến không có Tự ngã nói ở trên). [6] Ôn lại các phần trước đây về “Lòng tin và sự Thức nhận thuần túy” (§527 và tiếp) và “Sự Khai sáng” (§538 và tiếp): Thế giới hay “cõi Trời” của Lòng tin trong giai đoạn ấy tuy đã là sự thống nhất giữa Tự ngã và Định mệnh, nhưng chỉ mới là sự thống nhất trong tư tưởng: sự thống nhất ấy chưa được nhận thức bằng Khái niệm, do đó, bị tan vỡ, tiêu biến trước sự phê phán phủ định của sự Khai sáng. Cho nên, như đã thấy, Lòng tin chỉ còn là một cái Bên kia trống rỗng của giác tính (“Hữu thể tối cao”) và đối lập lại với nó là thế giới “bên này”, đơn thuần cảm tính của ý thức. [7] “Wesenheit”: “tính bản chất” (Pháp: l’essentialité/Anh: essentiality). Trong thuật ngữ Hegel, “Wesenheit” là cái gì tạo nên bản chất của một sự vật. (Phân biệt với “Wesentlichkeit” là “đặc tính bản chất”, tức “chất” (Qualität) của cái gì mang “tính bản chất” (Wesenheit) ấy). Khi dùng ở dạng số nhiều = “Wesenheiten”, chúng tương đương với “các quy định phản tư” (Reflexionsbestimmungen), tức với các quy định tạo nên bản chất của sự vật. Các quy định này được tạo ra bởi hay tương thích với sự phản tư và được nghiên cứu trong “Học thuyết về Bản chất”, phần hai của “Khoa học lô-gíc”. [8] Ý nghĩa của tiểu đoạn §676: Trong “Cái nhìn luân lý về thế giới” (§599 và tiếp), ta đã thấy cái “Bên kia” (tức cái Phổ biến, “Bản chất tuyệt đối”) được tái lập dưới hình thức các định đề của lý tính thực hành của Kant: Cái “Bên kia” này có một nội dung; nội dung này vừa được thiết định ở trong Tự ngã (như là định đề) vừa không ngừng vượt khỏi Tự ngã như là cái vô tận không bao giờ đạt đến được (nhớ lại phép biện chứng của sự “tiến bộ đến vô tận” về luân lý (§602). Tuy nhiên, sự thật của “cái nhìn” này vẫn là cái Tự ngã xét như Định mệnh được đặt ở phía “bên kia”: cái Tự ngã (luân lý) đã trở thành phong phú hơn thông qua toàn bộ tiến trình trước đó và nay đủ điều kiện để trở thành Tự-ý thức của Tinh thần-tuyệt đối thống nhất trong bản thân mình cả cái Bản chất – luôn bị đặt ở phía “bên kia” – lẫn hiện thực, luôn được đặt ra ở phía “bên này”. Mục đích của Chương “Tôn giáo” này là trình bày “sự hiện diện” của Tinh thần tự-ý thức về mình (Tinh thần tự giác/Tinh thần tuyệt đối), không còn bị đặt “ở phía bên kia” lẫn “ở phía bên này” một cách tách rời nữa. (Như đã biết, Hegel luôn đối lập Lòng tin và Tôn giáo: Lòng tin hướng đến sự không-hiện diện (hiện thực) của cái Bên-kia, còn Tôn giáo hướng đến sự hiện diện của Tinh thần-tự giác). [9] “sein Dasein”: J.H dịch là: “hiện hữu của ý thức này” (l’être-là de cette conscience); Baillie và Miller dịch là: “hiện hữu của Tinh thần” (“the existence of Spirit”/Spirit’s existence). Hai cách dịch tuy khác nhau, nhưng không ảnh hưởng đến ý nghĩa. (Xem chú thích tiếp theo đây). [10] J.H giảng đoạn này như sau: Tôn giáo là Tự-ý thức của Tinh thần, nhưng, với tư cách ấy, nó đối lập lại với ý thức của Tinh thần, tức với ý thức về một hiện hữu nhất định, về một “đời sống nào đó ở trong thế giới”. Chính sự khác biệt này làm nảy sinh một [diễn trình] biện chứng của tôn giáo. Thật thế, Tự-ý thức này của cái Tuyệt đối tự hình dung cho chính mình bằng cách sử dụng cái [đối tượng] hiện hữu của ý thức, do đó, sự hình dung của nó về chính mình là không tương xứng trọn vẹn với bản chất của nó; đồng thời, cái hiện hữu được dùng để hình dung bản chất ấy cũng không được đối xử như một hiện thực tự do [độc lập tự chủ] mà chỉ như một biểu trưng. Vì thế, vấn đề là phải làm cho hiện thực, tức đối tượng của ý thức, trở nên tương xứng trọn vẹn với Tinh thần-tuyệt đối, cũng như Tinh thần-tuyệt đối tự hình dung chính mình cho chính mình đúng như là bản thân nó. Trong chừng mực đòi hỏi hai mặt này – tức đòi hỏi cả hai phải trở thành một – chưa được đáp ứng đầy đủ, thì Tinh thần của tôn giáo và Tinh thần ở trong thế giới không tương xứng trọn vẹn với nhau; và đó là lý do khiến phải có một tiến trình trở thành, phát triển, tức phải có một Hiện tượng học về tôn giáo. [11] ... “Aber nur der Geist, der sich als absoluter Geist Gegenstand ist, ist sich eine ebenso freie Wirklichkeit, als er darin seiner selbst bewußt bleibt”. Chữ “ebenso... als” được J.H và Baillie hiểu là “vừa... đồng thời” (“est..., et en même temps”/“ as much ... as”); Miller hiểu là “là... trong chừng mực” (as... to the extent that...). [12] Tiểu đoạn §679 này khá tối tăm. Ta có thể hiểu như sau: tôn giáo tiền giả định hay lấy mọi yếu tố của Tinh thần làm tiền đề; nhưng khi xem xét các yếu tố này (Ý thức, Tự-ý thức, Lý tính...) trong quan hệ quy chiếu với tôn giáo, ta không được xem các yếu tố ấy như một chuỗi tiếp diễn về thời gian, vì chỉ có cái toàn bộ của Tinh thần mới ở trong thời gian. Có nghĩa là: tôn giáo, trong tiến trình biện chứng của mình, tuy sử dụng các yếu tố khác nhau của Tinh thần (như Ý thức, Tự-ý thức v.v..) và cả các yếu tố của các yếu tố này (vd: sự xác tín cảm tính, tri giác, giác tính trong yếu tố “Ý thức”...), nhưng nó bao giờ cũng là cái Toàn bộ, có thể sử dụng các yếu tố ấy một cách tổng hợp chứ không theo trình tự “thời gian”. Chẳng hạn, như ta sẽ thấy, trong hình thái “Tôn giáo tự nhiên” (§§684-698) – tương ứng một cách đặc thù với cấp độ “Ý thức” –, vừa có mặt tính quy định của sự xác tín cảm tính (thuộc về cấp độ “Ý thức”) vừa có mặt tính quy định của sự “làm Chủ” [trong Chủ/Nô] (vốn thuộc về cấp độ của Tự-ý thức trực tiếp). Như thế, mỗi yếu tố hay giai đoạn của Tôn giáo là cái Toàn bộ của Tinh thần được thể hiện trong một quy định đặc thù. [13] ... “ welcher [der ganze Geist] nur ist, als die unterscheidende und in sich zurückgehende Bewegung dieser seiner Seiten”. Chúng tôi dịch như Miller vì xét thấy hợp với ý nghĩa của các câu tiếp theo: “which [the totality of Spirit] is only as the differentiating and self-returning movement of these its aspects”. Trong khi đó, J. Hyppolite dịch có hơi khác: “... qui [l’esprit entier] seulement est comme le mouvement de ces côtés qu’il possède, le mouvement de les distinguer et de retourner en soi-même”. [Theo đó, tiến trình phân biệt và quay trở lại vào trong chính mình là của “Tinh thần toàn bộ” chứ không phải của “những phương diện này của nó”]. [14] Wissen: cái biết. Cho tới nay, chữ Wissen được dịch là “biết” hay “cái biết” (chủ quan); từ nay, chữ Wissen sẽ còn có nghĩa là tri thức, vì đó là cái biết tự-mình và cho-mình của Tinh thần-tuyệt đối. [15] Tôn giáo là Tự-ý thức của Tinh thần-toàn bộ, nhưng tiến trình “trở thành” (hay phát triển) của nó được quy định một cách khái quát bằng tiến trình vận động của các “yếu tố” của Tinh thần. Như sẽ thấy, “tôn giáo tự nhiên” sẽ tương ứng với “Ý thức”; “tôn giáo nghệ thuật” tương ứng với “Tự-ý thức”; “tôn giáo khải thị” tương ứng với “Lý tính”. Đi sâu hơn nữa vào sự quy định, ta sẽ thấy chẳng hạn trong “tôn giáo tự nhiên”, hình thái sơ khai là tôn giáo thờ Ánh sáng (Bái hỏa giáo) tương ứng với cấp độ xác tín cảm tính (cấp độ đầu tiên trong “ý thức”); tôn giáo thờ cây cối và thú vật tương ứng với tri giác và sau cùng, tôn giáo của “Người thợ tác tạo” tương ứng với giác tính. [16] “Những bước quay trở lại” trong sự “nhận thức” (sau mỗi cấp độ phát triển) là bề sâu, là bản thể chung của sự phát triển hiện tượng học. Bản thể này bây giờ đã xuất hiện đầy đủ, nên sự phát triển tuyến tính (theo đường thẳng) thể hiện sự phát triển của Ý thức, Tự-ý thức... tiếp nối theo nhau nay được tập hợp lại thành một bó và mỗi bước của cấp độ này tương ứng với bước đối xứng của cấp độ kia, chẳng hạn sự xác tín cảm tính trong cấp độ Ý thức “gặp gỡ” hay đi liền với vấn đề quan hệ “Chủ-Nô” trong cấp độ Tự-ý thức v.v.. [17] Nguyên tắc của tiến trình “trở thành” của tôn giáo tương ứng với tính đa tạp của những hình thái của cái Tuyệt đối đối với ý thức. [18] Tóm lược ba hình thức khái quát của tôn giáo: “tôn giáo tự nhiên” là khi Tinh thần tự xuất hiện cho chính mình một cách trực tiếp, tức dưới hình thái của tồn tại (các tôn giáo ở phương đông cổ đại) (§§684-698), tương ứng với cấp độ “ý thức”; “tôn giáo nghệ thuật” là khi Tinh thần vượt bỏ tính trực tiếp này và tự xuất hiện cho chính mình trong hình thái do chính mình tác tạo, biến thái (tôn giáo cổ Hy Lạp) (§§699-747), tương ứng với cấp độ “Tự-ý thức”; và sau cùng, là “tôn giáo khải thị” khi Tinh thần tự xuất hiện cho chính mình như là Tinh thần thực tồn và hiện thực, và tồn tại tự-mình và cho-mình (§§748-787), tương ứng với cấp độ “Lý tính” (“sự thống nhất giữa Ý thức và Tự-ý thức). Mỗi hình thức tôn giáo tương ứng với một tinh thần hiện thực nhất định; và chỉ trong hình thức sau cùng, Tinh thần trong thế giới mới trở thành ngang bằng, đồng nhất với Tinh thần-tuyệt đối. [19] Giai đoạn sau cùng này là Tri thức-tuyệt đối (§§788-808), là khi Tinh thần tự xuất hiện cho chính mình như là Khái niệm, chứ không còn như là hình tượng trong giai đoạn tôn giáo nữa. Ở đây, Khái niệm không có nghĩa là thực tại bị tiêu biến đi trong một công thức trừu tượng như cách hiểu thông thường, mà trái lại, Khái niệm theo nghĩa của Hegel bao hàm trong chính mình cả cái đối lập: nó là tư tưởng được lấp đầy bằng toàn bộ thực tại tinh thần, trong khi tư duy hình tượng không bao giờ tương xứng trọn vẹn (adequat) được với hiện thực này. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC