Triết học tôn giáo

Giáo phụ (từ thế kỷ I đến thế kỷ IV). Lời nói đầu

GIÁO PHỤ - Mục lục

Giáo phụ

Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV

LỜI NÓI ĐẦU

 

J. LIÉBAERT

 


J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.


 

Tác phẩm này được soạn thảo nhằm giúp các độc giả có thể khám phá các văn sĩ, các tư tưởng Kitô giáo thuộc những thế kỷ đầu mà người ta gọi là các Giáo phụ, những chứng nhân về thời thanh xuân của Giáo hội.

Các "Giáo phụ" là ai? Theo nghĩa hẹp, kiểu nói này chỉ các tác giả Kitô giáo cổ thời, giáo sĩ cũng như giáo dân, trổi vượt do phẩm chất giáo lý, có đời sống mẫu mực, và được Giáo hội về sau chuẩn nhận. Ðó là định nghĩa của các sách giáo khoa về "Giáo phụ".

Theo một nghĩa rộng và thông dụng hơn, người ta cũng kể vào số các Giáo phụ những tác giả Kitô giáo trổi vượt khác của những thế kỷ đầu, cho dù đời sống hay giáo lý của họ không hoàn toàn tránh khỏi những khuyết điểm kể cả những sai lầm nghiêm trọng: Chẳng hạn Tertulien (chết trong ly giáo) hay Origène (có một số luận đề bị coi là phi chính thống, dĩ nhiên là nhiều thế kỷ sau khi ông mất), do giá trị phi thường của toàn bộ công trình của họ và do ảnh hưởng của nó đối với Kitô giáo cổ thời.

"Giáo phụ học" (Patrologie) và "Khoa học về tư tưởng các Giáo phụ" (Patristique) là khoa học có mục đích nghiên cứu về các Giáo phụ, thế nhưng trong thực tế, nó bao trùm tất cả văn chương Kitô Giáo của những thế kỷ đầu, kể cả những tác phẩm vô danh, bên lề, thậm chí cả những tác phẩm phi chính thống: Nghĩa là mọi tư liệu văn chương về Giáo hội cổ thời.

Thời kỳ các Giáo phụ kéo dài từ hậu bán thế kỷ I thuộc kỷ nguyên này (những tác phẩm "Giáo phụ" đầu tiên xuất hiện cùng thời với một phần các tác phẩm Tân ước) tới thế kỷ IV bên Tây Phương và thế kỷ VII bên Ðông phương.

Tư liệu của chúng ta bao gồm các tác phẩm của các Giáo phụ Hy Lạp, các Giáo phụ La tinh, ngoài ra còn có những tài liệu được viết bằng ngôn ngữ Ðông phương cổ: Syriaque (thổ ngữ phát xuất từ tiếng Aram) Copte, Aménien.

Ngày nay, giữa lòng phong trào trở về nguồn Kitô Giáo, một trong những nét phong phú của thế kỷ 20 này, nghiên cứu về các Giáo phụ đã có một bước phát triển đáng kể. Việc trở về với các Giáo phụ đã đóng góp rất nhiều cho sự đổi mới trên bình diện thần học, phụng vụ trước và sau Công đồng Vaticanô và hiện nay nó đóng một vai trò chính yếu trong cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo hội ly khai.

Bốn sự kiện sau đây đủ để cho ta thấy rõ hiểu biết về các Giáo phụ có tầm quan trọng như thế nào đối với việc thấu hiểu đức tin Kitô giáo:

a) Sự kiện đầu tiên là mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời giữa Kinh Thánh, Cựu và Tân ước, và Giáo hội của các Giáo phụ. Thánh Kinh là điểm qui chiếu hàng đầu của đức tin, nhưng đó là Thánh Kinh đã được đón nhận, được đọc trong Giáo hội, cộng đồng các tín hữu, được đức tin của Giáo hội soi sáng và được Giáo hội giải thích. Làm sao chúng ta có thể biết được tác phẩm này của thế kỷ thứ I là thuộc Thánh Kinh, là lời được linh hứng chứ không phải tác phẫm kia mặc dầu được viết cùng thời gian đó, nếu Giáo hội thế kỷ II đã không ấn định "qui điểm" của Tân ước nghĩa là xác định, ít ra là trong những gì chính yếu, đâu là những tác phẩm diễn tả đích thật sứ điệp tông đồ, đồng thời gạt ra những tác phẩm khác?

Các Giáo phụ đã đón nhận Thánh Kinh từ Giáo hội các Tông đồ. Nhưng chính các Ngài đã truyền đạt Thánh Kinh cho chúng ta, vì các Ngài đã là những người đầu tiên học hỏi, chú giải và suy niệm Thánh Kinh. Khi chúng ta đọc, hiểu Thánh kinh theo như Giáo hội trình bày cho chúng ta hôm nay, là chúng ta gắn bó với cách đọc, cách hiểu của Giáo hội cổ thời, vừa nối dài và làm cho thêm phong phú dưới ánh sáng của kinh nghiệm riêng của mỗi người. Mà đồng thời vẫn luôn lấy nó làm kim chỉ nam.

b) Chính Giáo hội của các Giáo phụ đã đem lại cho chúng ta những "tuyên tín" nền tảng của tất cả cộng đồng Kitô hữu trong các Công đồng chung đầu tiên: Nicée (325), Constantinople (381), Ephèse (431), Chalcédoine (451). Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng trong Thánh Lễ chính là bản tuyên tín của Công đồng Nicée, và được Công đồng Constantinople bổ túc, vì thế mỗi lần tuyên xưng là chúng ta được dìm vào trong đức tin của Giáo hội thế kỷ IV. Là những vị đã hăng say bảo vệ và tuyên xưng đức tin lãnh nhận từ các Tông Ðồ, với tất cả sự trong sáng và chính xác có thể có được, các Giáo phụ thực sự là những "người cha trong đức tin" của chúng ta! Không thể tách rời các Giáo phụ khỏi lời tuyên tín của Giáo hội, các Ngài là kho tàng chung mà các Giáo hội Kitô quan trọng đều có quyền thừa hưởng, là những "tiến sĩ chung" của đức tin.

c) Giáo hội của các Giáo phụ cũng đặt ra những cơ cấu nền tảng cho Phụng Vụ Giáo hội, chính vì thế mà mọi canh tân phụng vụ, mọi cải cách về phụng vụ khi cần thiết, đều phải thường xuyên tham chiếu Giáo hội của các Giáo phụ về khía cạnh này. Giáo hội không hề nghĩ rằng các hình thức cử hành phụng vụ phải giữ y nguyên, bất di bất dịch qua các thế kỷ, lịch sử về phụng vụ trong Giáo hội thời các Giáo phụ, ngay từ đầu đã chứng minh điều đó, tuy nhiên có những cơ cấu, nền tảng cần phải giữ gìn nguyên vẹn, những cơ cấu làm nền cho các truyền thống phụng vụ lớn ở Ðông phương và Tây phương. Cả về điểm này Giáo hội của các Giáo phụ vẫn là người dẫn đạo thiết yếu.

d) Cuối cùng, chính giữa lòng Giáo hội, các Giáo phụ, mà cơ cấu các thừa tác viên chức thánh đã được thiết lập: Chức Giám mục, Linh mục, Phó tế. Cơ cấu này chưa được định hình rõ ràng trong Tân ước. Các Kitô hữu luôn luôn sống những thực tại mà Giáo hội của những thế kỷ đầu đã thiết lập, cũng vì thế Giáo hội cổ thời không phải là một thế giới xa lạ đối với các tín hữu hôm nay.

TÍNH HIỆN ÐẠI CỦA CÁC GIÁO PHỤ

Nghiên cứu về các Giáo phụ tuyệt đối không phải là một môn khảo cổ. Tính hiện đại của các Giáo phụ là điều có thực, không những vì, như chúng ta đã nói, ngày nay người ta quan tâm nhiều đến các ngài, mà một cách sâu xa hơn vì các ngài là những chứng nhân của một lịch sử sống động, một lịch sử mã mãi liên quan đến chúng ta và đôi khi hoặc ngay cả thường khi chính chúng ta đang sống, đang trải qua lịch sử đó trong tư cách là người Kitô hữu.

Ðàng khác, để có thể hiểu được Kitô Giáo, điều quan trọng là phải có một kiến thức tối thiểu, phải có một ý thức lịch sử, hay có thể nói: một ý thức sáng suốt về lịch sử ngõ hầu chúng ta tránh được hai điều: Thứ nhất, tránh tuyệt đối hóa những điều mang tính chất đặc thù của một thời đại, hoặc những điều vẫn luôn xảy ra trong Giáo hội, vì Giáo hội chấp nhận những tiến triển, những thích nghi tùy theo sư tiến triển ngay cả của những nhu cầu mục vụ và những đòi hỏi truyền giáo. Thứ đến tránh tương đối hóa những điều vốn luôn luôn mang tính chất nền tảng trong đức tin và trong đời sống Giáo hội, những điều làm nên nền móng bất diệt của Kitô Giáo. Nghiên cứu các Giáo phụ sẽ giúp thực hiện sự biện biệt này. Trang Giáo phụ này không hề có tham vọng trình bày thấu đáo về các Giáo phụ, mà chỉ tập trung vào một số khuôn mặt chính, và mở ra những viễn tượng rộng lớn hơn khi nói về các ngài. Ðối chiếu đức tin Kitô Giáo với văn hóa xung quanh, sự thai nghén tư tưởng Kitô Giáo, đó là mội bận tâm chính, xuyên suốt tác phẩm về Giáo phụ.

 

THƯ MỤC TỔNG QUÁT

 

H. Vou Campenhausen – Les Pères Grecs, L’Orante 1963

– Les Pères Latins, L’Orante 1967

A. Malingrey – La Litérature Grecque chrétienne coll. Que Sais-je? 1968.

J. Foutaine - La Litérature Latine chrétienne coll. Que Sais-je? 1968.

Khung cảnh lịch sử

J. Danielou et H.I. Marrou - Nouvelle Histoire se L’Église, t.1 Le Seuil 1963.

M. Simon – La civilisation de l’antiquité et le Christianisme coll. “Les grandes Civilisations” Arthaud 1972.

Giáo thuyết và linh đạo

J. Kelly – Initiation à la doctrine des Pères de l’E1glise, Le Cerf 1968.

L. Bouyer – La spiritualité du Nouveau Testement et des Pères, Aubier, 1968.

O. Clément – Sources, Les mystiques chrétiens des Origines, Stock, 1982.

Thủ bản môn Giáo phụ

J. Quasten. Initiation aux Prères de l’Eglise, 3 vol. Le Cerf, 1955-1963.

A. Altarer et H. Chirat. Précis de patrologie, Mulhouse, Ed. Salvator, 1963.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt