Triết học tôn giáo

Justin nhà thần học giáo dân và là triết gia Kitô giáo

GIÁO PHỤ - Mục lục
 

CUỘC GẶP GỠ GIỮA KITÔ GIÁO VÀ VĂN HÓA HY LẠP

----------------

 

JUSTIN NHÀ THẦN HỌC GIÁO DÂN 

VÀ LÀ TRIẾT GIA KITÔ GIÁO

 

J. LIÉBAERT

 


J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.


 
 

CON NGƯỜI VÀ HÀNH TRÌNH TRI THỨC CỦA JUSTIN

Với Justin, chúng ta đang ở giữa thế kỷ II. Xét về thời gian, Giáo Hội đang xa dần cội nguồn, đi vào một thời kỳ mới trong lịch sử của mình. Các Gíao Hội Kitô Giáo gốc Do Thái đã thấy ảnh hưởng của mình bị giảm sút trước sự bành trướng của Kitô giáo phát xuất từ Thánh Phaolô. Từ nay, phần đông các Kitô hữu đến từ ngoại giáo, nhiều người trở lại khi đã trưởng thành và đó là trường hợp của Justin. Những vần đề đức tin phải đương đầu đang chuyển sang những lãnh vực khác.

Kitô giáo ngày càng gặp gỡ rộng rãi với thế giới Hy-La, một thế giới ý thức về các giá trị của mình, tự hào về một số thành quả chính trị ("Hòa bình Roma" - Pax romana) và nhất là về văn hóa. Người cổ thời ý thức mình thừa kế cả một di sản trí thức, nghệ thuật, tôn giáo (vì ngoại giáo cổ thời là một tôn giáo đa thần), tự hào về khôn ngoan và truyền thống trí thức của mình.

Ðặc biệt, người thời đó đã thành công trong việc xây dựng nên một nền văn hóa có giá trị toàn cầu. Ðiều này có thể thấy rất rõ trong khoảng thời gian đầu Công Nguyên; được đánh dấu bằng việc thống nhất thực sự về văn hóa trong vùng Ðịa Trung hải: Tiếng Hy Lạp được dùng khắp nơi, đó là ngôn ngữ chung (koinè), ngôn ngữ của thương mại, của triết học, của khoa học. Cả các tôn giáo cũng hòa nhập với nhau, phổ cập hóa. Văn hóa La Tinh của Tây phương bị văn hóa Hy lạp thâm nhập (Marc-Aurèle, Hoàng đế Roma viết cuốn "tư tưởng" bằng tiếng Hy lạp). Văn hóa Hy Lạp đã phát triển một tinh thần phổ quát nào đó, dù thành quả của nó còn mang những nhược điểm, nhưng dù sao nó vẫn là "nền văn hóa" của thời bấy giờ.

Như vậy, khi ra khỏi chiếc nôi ban đầu, Giáo Hội đã gặp gỡ thế giới văn hóa Hy lạp. Ðối chiếu là điều thiết yếu và không thể tránh khỏi. Hai con người, một Kitô hữu và một dân ngoại, sẽ đánh dấu một giai đoạn đầy ý nghĩa của việc đối chiếu này: Phía Kitô Giáo là Justin, một trong những "Giáo Phụ" đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với tư tưởng Hi lạp, vị tiên phong mở đường, và là người gợi hứng cho các "Giáo Phụ hộ giáo"; phía ngoại giáo là triết gia Celce, người mà sau đó ít lâu (khoảng năm 178) đã viết cuốn phê bình duy lý đầu tiên về Kitô giáo (đồng thời phê bình cả Do Thái giáo).

Về phần Justin, khoảng năm 150, Ngài xuất bản cuốn Hộ giáo thứ nhất gửi hoàng đế Antonin nhằm bảo vệ Kitô giáo và các Kitô Hữu. Tiếp đến là cuốn "Ðối thoại với Tryphon", người mà chắc hẳn Ngài đã gặp ở Ephèse vào lúc có cuộc nổi dậy thứ hai của người Do Thái. Cuộc tranh luận giữa Kitô hữu với người Do Thái là một cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài rất lâu nơi các Giáo Phụ.

Tác phẩm của Justin trước tiên nhằm đặt nền cho cách đọc Cựu Ước theo nhãn quan Kitô Giáo; Ngài sử dụng rất nhiều các luận chứng của khoa chú giải Do thái-Kitô giáo (Judéo-Chrétiennes). Sau đó, Justin xuất bản cuốn Hộ giáo II, bổ sung cho cuốn I, vào dịp 3 Kitô Hữu bị hành quyết tại Roma. Người ta không còn giữ được các tác phẩm thực sự là tác phẩm thần học của Ngài chống lại phái Ngộ đạo và thuyết của Marcion, vì thế chúng ta không được rõ mọi khía cạnh trong tư tưởng và tác phẩm của Ngài.

JUSTIN LÀ AI? Ngài nguyên là người Palestin (Flavia Neapolis hay Naplouse). Ðược hấp thụ nền văn hóa Hy lạp, nhưng nguồn gốc Palestine của Ngài có lẽ phần nào đóng góp vào kiến thức về các truyền thống chú giải Do thái - Kitô giáo (Judéo-Chrétiennes) của Ngài.

Vào khoảng năm 132, Ngài trở thành Kitô hữu, nhưng việc Ngài trở lại Kitô giáo là thành quả của cả một hành trình tri thức và thiêng liêng mà Ngài mô tả ở đầu cuốn Ðối Thoại.

Tâm hồn của Justin là một tâm hồn tôn giáo, thao thức khám phá sự thật về Thiên Chúa và con đường dẫn tới Người. Ngài tìm kiếm, điều đó nơi các triết thuyết lớn, vì như Ngài nói, mục đích của triết học chính là tìm kiếm Thiên Chúa và kết hợp với Ngài. Về điểm này triết gia ngoại giáo Celse cũng diễn tả tương tự, vì xét chung, triết học thời bấy giờ thiên nhiều về những bận tâm tôn giáo.

Trên đường tìm kiếm, Justin đã rong ruổi từ thành này đến thành khác, tìm kiếm các bậc thầy đại diện cho các truyền thống triết học chính. Cuối cùng, Ngài đã trở thành một môn đệ nhiệt thành của chủ thuyết Platon (II,6), bị chinh phục bởi ý tưởng rất cao siêu về Thiên Chúa, bởi chiêm niệm thần bí giải thoát tinh thần, đưa tinh thần đến chỗ nên giống Thiên Chúa và kết hiệp với Thiên Chúa. Nhưng rồi, một ngày kia, Ngài gặp một cụ già vừa là Kitô hữu, vừa là triết gia, cụ đã giúp Ngài nhận thức được rằng triết học tự nó không đủ để dẫn tới chỗ kết hiệp với Thiên Chúa trong một cuộc đối thoại điển hình kiểu "socrate". Cụ mặc khải cho Justin về các tiên tri và về Ðức Kitô: Chính việc đón nhận mạc khải này là con đường dẫn tới Thiên Chúa, vì đây là sự tự khải của Thiên Chúa. Justin khám phá ra rằng "không ai có thể thấy được hoặc hiểu biết nếu chính Thiên Chúa và Ðức Kitô của Ngài không cho người đó hiểu (VII,3). Khám phá này đối với Justin là một sự giác ngộ: Từ nay Ngài nhiệt thành gắn bó với đức tin Kitô giáo, là "triết học" chân thật duy nhất. Ngài đặt mục đích cho đời mình là đưa những người đương thời, Do Thái hay dân ngoại, đến chỗ chia sẻ, khám phá và xác tín của Ngài. Ngài thâu tóm khám phá này trong công thức: đức tin Kitô giáo là "triết học duy nhất chắc chắn và bổ ích", tất nhiên công thức này cần được giải thích. Người ta luôn tranh cãi về lập trường của Justin đối với tương quan giữa Kitô giáo và triết học Hy lạp, giữa đức tin và lý trí. Ðôi lúc, người ta coi Ngài là một triết gia chỉ có một chút màu sắc Kitô giáo, và xét cho cùng là con người của thuyết Platon hơn là của Kitô giáo - hoặc ngược lại, người ta xem Ngài như một triết gia đã từ bỏ triết học khi chấp nhận đức tin Kitô giáo, coi đó là "triết học" duy nhất có giá trị đối với Ngài. Tất nhiên, thực tế không hẳn rõ ràng như thế.

Là triết gia trở lại, Justin vẫn là triết gia. Ngài vẫn tiếp tục làm một triết gia, nghĩa là, theo tinh thần thời đó, làm thầy dạy sự khôn ngoan, vận áo choàng ngắn, có các môn đệ vây quanh và mở rộng cửa trường. Ngài tạo nên một kiểu mẫu Kitô hữu chưa từng được biết đến, qua việc mở đầu một cách làm tông đồ mới. Ngài định vị mình như một nhà thần học giáo dân, xét là một thành viên trong Giáo Hội và như một triết gia Kitô giáo trong thế giới đương thời.

Justin, cuối cùng, đã đến ở hẳn tại Roma. Trong môi trường sôi động của các bậc thầy về triết học và của các nhà thuyết giảng sự khôn ngoan, Justin phải đương đầu với sự thù nghịch của một ông thầy ngoại giáo bên cạnh (x. Hộ Giáo II). Sự thù nghịch này phải chăng phần nào dẫn đến cái chết của Ngài? Khoảng 165, Ngài bị bắt cùng với 6 môn sinh và bị xử tử như một Kitô hữu: Về cuộc tử đạo của Ngài, người ta còn giữ biên bản phiên tòa xử án ngài.

 

CÁC NHÀ HỘ GIÁO HY LẠP THẾ KỶ THỨ II

Hoàng đế Roma
Hadrien (117-138) 
Antonin (161-161)

 

Aristide thành Athènes
Thánh Justin "Hộ Giáo I"
(Ít lâu sau 150).
(Ðối thoại với Tryphone).

     

Marc-Aurèle (161-180) 
Khoảng 178. "Luận
Thuyết đích thực" 
"Discours véritable)
Của Celse chống Do
Thái Giáo và Kitô giáo 

 

 

 

"Hộ giáo II" (trước 165, năm 
Ngài tử đạo)
Tatien, môn đệ của Justin. 
"Lời ngỏ với người Hylạp".
Athenagore thành Athènes:
"Lời thỉnh cầu cho các Kitô
Hữu" (khoảng năm 177) 
(Sources Chrétiennes n. 3, 
1943)

     

Commode (180-192)

 

 

Théophile d'Antioche. "Ba 
cuốn sách gửi Autolycos 
(khoảng 180) (Sources 
Chrétiennes n. 20, 1966)

     

Septime-Sévère (192-211)

 

 

Tác giả vô danh: "Gửi 
Diognète"
(khoảng năm 200) (Sources
Chrétiennes n. 33 bis, 1965).

 

MỘT TRIẾT GIA TÌM KIẾM THIÊN CHÚA

Justin mô tả hành trình tri thức của mình và việc khám phá ra thuyết Platon đầy phấn khởi.

 

"Triết học quả là điều thiện hảo lớn lao và quí giá trước mặt Thiên Chúa, chỉ có triết học mới dẫn chúng ta và cho chúng ta kết hợp với ngài. Những người để tâm trí vào triết học mới thực là bậc thiêng thánh. Vì thế, ngay từ đầu, tôi đã khát khao lui tới với họ (các triết gia), và đã đặt tin tưởng vào một triết gia khắc kỷ - nhưng rồi, chẳng được biết gì thêm về Thiên Chúa - bởi chính ông ta cũng không biết gì về Ngài, và cũng không coi sự hiểu biết Thiên Chúa là điều thiết yếu - tôi đành ra đi và tìm đến với một người khác theo thuyết Aristote (môn đệ của Aristote), một người tinh tế - ông ta nghĩ mình như thế - Những ngày đầu ông chấp nhận tôi, nhưng sau đó ông muốn tôi xác định tiền học phí để sự gặp gỡi của chúng tôi không ra vô ích. Chính vì lý do này, tôi ra đi mặc ông ta, vì tôi nghĩ ông cũng chẳng có gì là triết gia cả. (Justin cũng thất vọng như thế về một triết gia theo thuyết Pythagore). Trong lúc lúng túng, tôi nghĩ tốt hơn là nhờ đến các triết gia theo thuyết Platon.

Có một người thông thái mới đến trú ngụ trong thành chúng tôi, ông là người trổi vượt trong số các triết gia theo thuyết Platon: Tôi tìm mọi cách lui tới với ông, và mỗi ngày tôi tấn tới hết sức. Tôi bị cuốn hút mãnh liệt vào việc hiểu biết những điều vô thể vô chất: Việc chiêm ngắm các Ý niệm (idée) làm tinh thần tôi bay bổng; Chỉ một ít thời gian, tôi những tưởng mình đã thành bậc hiền triết và do sự trì độn, tôi hi vọng được nhìn thấy Thiên Chúa ngay, bởi đó là cùng đích của triết thuyết Platon". 

(Dialogue II, 3-6)

 

Một cụ già, triết gia Kitô giáo, làm cho Justin xác tín về sự hiện hữu của một nguồn suối cao hơn của chân lý, thành quả của ân sủng Thiên Chúa.

"Ngày xưa, có. những con người đáng kính, công chính và là bạn hữu của Thiên Chúa, họ nói bằng Thần Khí Thiên Chúa và tuyên sấm về tương lai: Người ta gọi họ là các Tiên Tri. Chỉ mình họ đã thấy và loan báo chân lý cho con người, không kiêng nể cũng chẳng giao động trước bất kỳ ai. Họ chỉ nói những điều mắt thấy tai nghe và lòng đầy tràn Thánh Khí. Họ không khai triển lời lẽ của mình bằng con đường chứng minh; trên tất cả mọi minh chứng, họ là chứng nhân khả tín của chân lý; các biến cố trong quá khứ và hiện tại buộc chúng ta tin vào những gì họ đã nói. Cả những phép lạ họ thực hiện cũng khiến họ trở thành đáng tin khi họ tôn dương Thiên Chúa là Cha, Ðấng Tạo Dựng muôn loài và khi họ loan báo Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng đến từ Ngài. Nhưng trước hết, anh hãy cầu nguyện để cánh cửa của ánh sáng mở ra cho anh, bởi lẽ không ai có thể thấy hay hiểu biết Thiên Chúa nếu Thiên Chúa và Ðức Kitô của Ngài không cho người đó hiểu biết". 

(Dialogue VII, 1-3)

 

 

THÁCH ÐỐ CỦA TRIẾT HỌC

Tư tưởng của Justin triết gia, tất nhiên vận hành trong bầu khí triết học đương thời, nhất là trong hai truyền thống ngự trị thời đó: Truyền thống Platon và truyền thống Khắc Kỷ. Hai truyền thống này giữ một vị trí lớn trong tư tưởng các Giáo Phụ.

Truyền thống Platon phân biệt triệt để giữa thế giới thần linh, thế giới của tinh thần, vĩnh cửu, bất biến và chỉ có thế giới đó mới thực hữu, với thế giới "khả giác", trần tục, vật chất, thế giới của các hiện tượng, và ý nghĩa cao nhất của nó là phản ánh thế giới bên trên; thế giới của thân xác, và tinh thần có tham dự vào thân xác cũng chỉ vì bị sa xuống vật chất: thân xác là "mồ chôn", là "tù ngục" của linh hồn; linh hồn được mời gọi thoát ra khỏi thân xác để kết hợp với thần linh, tìm lại bản tính đích thực của mình. Ðể giải thích sự hiện hữu của hạ giới, truyền thống Platon nại tới các trung gian vũ trụ (intermédiaires cosmiques) ("Hóa công" của Platon, "Thiên Chúa đệ II" của Numénius, Trí năng và Linh Hồn thế giới của Plotin.). Dưới mắt các trí giả Kitô giáo, chủ thuyết Platon được ưa chuộng bởi ý tưởng cao siêu về thần linh, hoặc về "Thiên Chúa" như các triết gia thế kỷ II thích nói đến, bởi các khát vọng duy linh và ngay cả thần bí của nó, bởi lý tưởng tôn giáo hết sức thuần khiết. Ngược lại, nhãn quan về thế giới và về con người, việc đánh giá thấp vật chất và thân xác của chủ thuyết Platon lại là những nét, trong số những nét khác, mâu thuẫn với các dữ kiện Thánh Kinh. Vì thế một vấn đề thường xuyên đặt ra nơi các Giáo Phụ là cân nhắc mức độ thiện cảm hay xa tránh một triết thuyết vừa có những mặt lôi cuốn, vừa có những khía cạnh hàm hồ như thế.

 

TỰ THUẬT CỦA JUSTIN VỀ CUỘC HOÁN CẢI

 

  • Cú "sốc" trong cuộc gặp gỡ với cụ già Kitô hữu: Kitô giáo là triết học đích thực.

"Cụ nói với tôi những điều này và rất nhiều điều khác nữa; nhưng đây không phải là lúc kể lại, cụ cất bước ra đi, bảo tôi hãy suy nghĩ về những điều ấy và tôi không còn thấy cụ đâu nữa. Nhưng bất thần, một ngọn lửa cháy lên trong hồn tôi, tình mến đối với các tiên tri, các bạn hữu của Ðức Kitô tràn ngập lòng tôi. Gẫm suy lại lời của cụ, tôi khám phá ra rằng, chỉ duy có triết học này, tôi khám phá ra rằng, chỉ duy có triết học này mới chắc chắn và bổ ích. Chính như thế và vì những lý do đó mà tôi là triết gia. Tôi mong ước mọi người có được những tâm tình như tôi cảm nghiệm, và không xa lánh lời của Ðấng Cứu Thế".

  • Cú "sốc" trước chứng từ của các vị tử đạo:

"Chính tôi, lúc còn đang thích thú với giáo huấn của Platon, tôi đã muốn kết án Kitô hữu, nhưng khi thấy họ đứng trước cái chết và trước tất cả những gì khiến người ta kinh khiếp mà không mảy may sợ hãi, tôi hiểu ra rằng, không thể nào có chuyện họ sống xấu xa đồi bại được. Tôi coi thường những lời dối trá, sự vu khống và ý kiến của đám đông. Tôi muốn được người ta thấy mình là Kitô hữu và bằng mọi cách tôi chiến đấu vì điều đó, tôi tuyên xưng điều đó."

  • Justin gới thiệu mình là Kitô hữu khi đệ đạt cuốn Hộ Giáo I lên Hoàng đế Antonin và Hoàng tử:

"Gửi Hoàng đế Titus Aelius Hadrianus Antonius Pius (Antonin mộ đạo) Augustus Caesar, và gửi Verissimus hoàng tử của Ngài, Triết gia (Marc-Aurèle) và gửi Lucius triết gia, thuộc César theo huyết tộc và thuộc Pius theo dưỡng tộc, người bạn của văn hóa và gửi Nguyên lão viện đáng kính và gửi toàn dân Roma, vì quyền lợi những người thuộc mọi chủng tộc bì thù ghét và bách hại cách bất công, tôi, một người trong số họ, Justin con của Pricos, con của Baccheios, là những công dân ở Flavia Neapolis (Naplouse) vùng Syrie thuộc Palestine, tôi soạn lời biện giải và thỉnh cầu này".

 

THIÊN CHÚA CỦA PLATON, DO JUSTIN TRÌNH BÀY

"Không phải bằng mắt phàm mà các triết gia có thể thấy thần linh, nhưng duy chỉ có tinh thần mới nắm bắt được, như Platon đã nói và tôi tin như thế. Platon thực đã nói rằng con mắt tinh tần quả là như vậy và chúng ta được ban con mắt tinh thần là để có thể chiêm ngắm hữu thể trong chính sự trong suốt của nó; Hữu thể này là uyên nguyên của mọi thực tại khả tri, không hình, không sắc, không kích thước, không là những gì mắt thường trông thấy, nhưng lại chính là cái vượt trên mọi bản thể, khôn tả, là Thiện và Mỹ đơn thuần. (con mắt đó) trực tiếp bẩm sinh nơi những linh hồn tôn quí nhờ mối liên hệ gần gũi và niềm khát khao nhìn ngắm Hữu Thể. Và bao lâu (linh hồn) còn ở trong hình hài con người thì sự hưởng kiến đó có thể được ban cho linh hồn, nhờ tinh thần, nhưng nhất là khi linh hồn lìa khỏi thể xác, trở thành thực sự là mình và đạt được điều mà nó hằng khao khát"

(Ðối thoại III, 7-IV, 1.5).

(Ðây là một quan niệm tâm linh hóa rất cao về Thiên Chúa và do đó rất hấp dẫn đối với các nhà trí thức Kitô giáo. Các Giáo Phụ đã phải sửa đổi khía cạnh phiếm thần (linh hồn và thần linh tương tự về bản chất) và nhị nguyên (linh hồn chỉ là mình khi được giải thoát khỏi thân xác).

 

 

Khi phái Khắc Kỷ đưa ra một thế giới quan một cách nào đó hoàn toàn đối ngược lại, theo nghĩa đây là một nhãn quan hết sức thống nhất. Ở nguyên lý cũng như ở trong tâm vạn vật, có khí thần (pneuma divin), cũng là Lý Tính (Logos) thần linh, khơi động, thấm nhập linh hoạt mọi vật thể cả thiêng liêng (vì theo phái Khắc Kỷ, cả tinh thần, linh hồn đều có một nền thể, dù là một cái nền rất tế vi) lẫn vật chất. Sự thống nhất của vũ trụ tương tự như một vật thể vĩ đại, được Khí Thần làm cho chuyển động, sự thống nhất đó cũng gặp thấy nơi con người, "công dân của vũ trụ", tham dự vào vũ trụ bằng linh hồn cá thể của mình - linh hồn thì tương tự và bằng nhau nơi mỗi cá vị - và bằng thể xác của mình. Vì có nguyên lý là lý tính thần linh nên sự phát triển của vũ trụ chỉ có thể là một sự phát triển hợp lý, tốt đẹp (quan niệm lạc quan của phái Khắc Kỷ trước sự dữ), bất biến (các chu kỳ vũ trụ đồng nhất trở đi trở lại vô hạn định). Tuy nhiên, do sự thiếu nhất quán phản ánh các nguồn gốc khác nhau của triết thuyết này, phái Khắc kỷ lại đề cao không kém niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa cũng như vai trò của ý chí và tự do con người. Lý tưởng đạo đức của con người là làm cho ý chí của mình phù hợp với lý trí hoặc với thiên nhiên; chính nhờ khai triển suy tư về khía cạnh này mà các người khắc kỷ đã trở thành những nhà luân lý lớn cổ thời.

Về khía cạnh này, các nhà tư tưởng Kitô giáo cũng tìm thấy những âm hưởng rất tích cực: trong quan niệm về sự "tốt đẹp" tự căn bản của tạo dựng, trong quan niệm nhất nguyên về con người, về sự duy nhất và bình đẳng của nhân loại. Tất nhiên, các ngài không thể chấp nhận quan điểm phiếm thần (Thiên Chúa bị đồng hóa với linh hồn vũ trụ) và tất định của triết học Khắc kỷ, cũng không theo quan niệm quá duy lý của phái này.

 

THIÊN CHÚA CỦA NGƯỜI KHẮC KỶ

Trích lời cầu nguyện của Cléanthe (thế kỷ III trước Công nguyên).

 

Hỡi Zéus, Ðấng Vĩnh sinh muôn trùng vinh hiển, toàn năng đời đời,
Ðấng chúng nhân kêu cầu dưới bao danh hiệu,
Là tác giả của thiên nhiên, điều khiển mọi sự theo định luật,
Con xin kính bái Ngài, vì lẽ mọi con người đều có thể thưa lên với Ngài, mà không nghịch đạo.
Vì chính từ Ngài mà chúng con hiện hữu, và vì, trong mọi thọ sinh mọi loài có sự sống và di chuyển trên mặt đất, chỉ duy chúng con được Ngài thông ban âm thanh phỏng theo vạn vật.
Chính vì thế con sẽ hát ca ngợi khen và chúc tụng quyền năng Ngài mãi mãi..
Vâng, cả khối trời lồng lộng xoay quanh trái đất
Ðều tuân phục Ngài, nơi nao Ngài dẫn đến,
Không điều gì xảy ra mà lại không có Ngài,
Lạy Thiên Chúa, dù là nơi đất thấp, dù là chốn cao xanh thăm thẳm, hay trong biển khơi, trừ phi là tội ác của bọn xấu xa trong cơn rồ dại.
Ðến mức, một Lý Tính (Logos) độc nhất phát sinh từ chúng tất cả và sẽ tồn tại muôn đời.

La Revélation d'Hermes Trismegiste t. II, p.311

 

 

"Logos", phải là thước đo vạn vật, đó là xác tín mà các nhà triết học, khoa học thời đó không ngừng lập đi lập lại. Chính từ đó đã nẩy sinh một trong những bác bẻ nền tảng nhất mà các nhà trí thức thường xuyên đặt ra đối với thái độ "tin" mà Do Thái Giáo và Kitô giáo đòi hỏi: Theo họ, đức tin là cái đi ngược với lý lẽ, là sự phủ nhận lý trí. Chúng ta thấy bác bẻ này đã được đưa ra vào thế kỷ II, dưới ngòi bút của một triết gia chiết trung như Celse, và do cả những bậc thầy của phái Khắc Kỷ như Épithète, Marc-Aurèle, hay do một y sĩ như Galien, tất cả đều cho rằng chỉ duy có "lý lẽ" và sự "chứng minh" mới là những tiêu chuẩn của chân lý. Chắc chắn rằng, lời bác bẻ đó thường phát xuất từ một tinh thần thực sự là duy lý, tiên thiên gạt bỏ tất cả những gì không thể chứng minh được theo lý trí. Thế nhưng, trong mức độ đòi hỏi những quyền chính đáng của lý trí, nó hiển nhiên đặt ra một vấn đề mà người Kitô hữu không thể tránh né.

Quyền chính đáng của lý trí, đó là điều mà các nhà trí thức Kitô giáo như Justin vẫn thao thức. Họ thuộc về một thế giới đang đặt ra những đòi hỏi mới của lý tính so với bối cảnh sơ khai, và họ cảm thấy việc nhìn thẳng vào những đòi hỏi này là một nhu cầu sinh tử đối với đức tin. Về điểm này, có lẽ không một Giáo phụ nào đã có những lời lẽ mạnh như Clément d'Alexandrie ở đầu thế kỷ thứ III: "Nhiều Kitô hữu sợ triết học Hylạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế. nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận, thì hãy để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý" (Stromate VI, 10.80.5). Nói khác đi, nếu đức tin không muốn phủ nhận chính mình, thì phải chấp nhận nhìn thẳng và trả lẽ về mình cho thế giới trong đó mình sống.

Ðây cũng chính là xác tín của Justin, nhà trí thức Kitô giáo đầu tiên có một lập trường triệt để trước triết học Hy Lạp và nỗ lực của lý trí con người.

 

MỘT NGƯỜI NGOẠI GIÁO PHÊ PHÁN ÐỨC TIN KITÔ GIÁO

Celse, một triết gia ngoại giáo thế kỷ II, tố giác Kitô giáo là kẻ thù của lý trí, của văn hóa và của nhân đức.

 

Các giáo thuyết chỉ có thể chấp nhận khi có sự hướng dẫn của lý trí và của người dẫn đạo biết suy nghĩ, bởi nếu không thận trọng như thế, thì sai lầm là điều không thể tránh khỏi khi người ta tin theo một số người. Những kẻ tin cách vô lý như thế, là những kẻ, chẳng hạn, tin vào các tăng lữ của Cybèle, tin vào các thầy bói, vào những kẻ sùng tín thần Mithra và Sabazios, tin vào tất cả những gì họ gặp thấy, những lần hiện ra của Hécate, của thần này quỉ nọ. Vì, nếu như trong số bọn chúng thường có những tên bại hoại, lợi dụng sự ngu dốt của những kẻ cả tin, lừa phỉnh và xỏ mũi họ theo như chúng muốn, thì bọn Kitô hữu cũng thế. Một số người không suy nghĩ cũng chẳng nghe theo lý lẽ của ai, đã dùng những kiểu nói này. "Ðừng xem xét, nhưng hãy tin; đức tin sẽ cứu người" . Họ nói: khôn ngoan, trong thế gian này, là một sự dữ và điên rồ là một sự thiện.

Ðây là lệnh của chúng: Hãy lui xa, hỡi kẻ có văn hóa, những kẻ khôn ngoan, những ai biết phán đoán! Và bao nhiêu danh xưng như thế mà chúng cho là xấu xa. Nhưng nếu có kẻ nào ngu muội, ngớ, ngẩn, không có văn hóa, con nít, thì kẻ đó mạnh dạn đến đây! Khi cho rằng, chỉ những người như thế mới xứng với Thiên Chúa của chúng, chúng chứng tỏ rằng, chúng chỉ muốn và chỉ có thể thuyết phục bọn người ngu ngơ, tầm thường, xuẩn ngốc: bọn nô lệ, đàn bà, trẻ con. Có văn hóa, học hỏi những học thuyết cao đẹp, khôn ngoan và tỏ ra là người khôn ngoan, những điều đó có gì là xấu? Nó cản trở tri thức về Thiên Chúa? Nó lại không là một sự hỗ trợ, một phương thế hiệu nghiệm hơn để đạt tới chân lý hay sao?.

Chúng nói rằng Thiên Chúa đã được phái đến với người tội lỗi. Thế thì tại sao Ngài lại không được gửi đến với những người không sống trong tội lỗi. Sống không tội lỗi thì có gì xấu? Chúng nói: Chớ gì kẻ bất chính hãy tự hạ trong ý thức về sự khốn cùng của mình, Thiên Chúa sẽ đón nhận người đó; nhưng người công chính trong nhân đức nguyên sơ của mình ngước mắt nhìn lên Ngài thì Ngài lại không đón nhận (.). Cũng có thể đúng là nhân loại có khuynh hướng tự nhiên phạm tội, và nếu quả thực mọi người là tội nhân, thì hẳn Ngài phải kêu gọi mọi người, không trừ ai. Vậy tại sao lại có sự ưu ái đối với người tội lỗi?

(Theo Origène, Contre Celse: Sources Chrétiennes n. 132, p.97ss; n. 136, p.106ss)

 

 

 

ÐỨC TIN VÀ TRIẾT HỌC HY LẠP, ÐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ THEO JUSTIN

Ở đây, cần nhắc lại rằng, mối liên hệ so sánh, đối chiếu giữa mạc khải Thánh Kinh và tư tưởng Hy Lạp đã khởi sự từ trước Công Nguyên, bên trong Do Thái giáo - Hy hóa, và cách riêng là ở Alexandrie. Chính ở đây, Thánh Kinh Do Thái đã được dịch sang tiếng Hy Lạp (bản "Bảy mươi" LXX) bắt đầu từ thế kỷ III trước Công Nguyên và một nền văn học Do Thái hình thành, mang dấu ấn đặc biệt của sự tiếp xúc với văn hóa và tư tưởng Hy Lạp; ngay cả một cuốn sách thuộc Thánh Kinh như sách Khôn Ngoan cũng chứng tỏ điều đó. Ðại biểu chính của Do Thái Giáo - Hy hóa là Philon thành Alexandrie, nhà chú giải, nhà triết học, thần học, nhà hộ giáo và thần bí, đồng thời với Ðức Kitô. Ông tìm cách đem lại cho nội dung đặc thù của Thánh kinh một ý nghĩa phổ quát bằng phương pháp giải thích theo nghĩa ẩn dụ, mà sau này các Giáo Phụ sẽ theo ông, khai triển một thần học mang tính ngôi vị về Lời của Thiên Chúa, so sánh Lời này với Logos Hy Lạp.

Người ta vẫn chưa phát hiện thấy ảnh hưởng trực tiếp của Philon trên các nhà Hộ giáo Kitô giáo thế kỷ II, nhưng hẳn các Ngài không thể không biết và không dựa vào khoa hộ giáo Do Thái trước đây. Bận tâm của các ngài là muốn trình bày khuôn mặt thật của Kitô giáo hầu đánh tan những thành kiến và sự thiếu hiểu biết của dân ngoại, trình bày đức tin sao cho người đương thời đón nhận được, và chứng minh rằng việc tin theo mạc khải Kitô giáo không phải là sự từ bỏ lý trí. Một số vị còn triển khai phê bình đa thần thuyết và các tôn giáo dân ngoại cũng như chỉ trích pháp chế bách hại đạo.

Về phần Justin, Ngài làm cho độc giả ngạc nhiên về tinh thần lạc quan và tinh thần rộng mở của Ngài trong việc đối chiếu đức tin với lý trí và với triết học Hy Lạp. Nhiệt tình hộ giáo của Justin dựa trên niềm xác tín rằng đức tin và lý trí không thể mâu thuẫn nhau, vì chân lý là một, chân lý chỉ có một nguồn suối độc nhất nơi Thiên Chúa và nơi Logos, Lời (Verbe) của Người, Lời mà Người đã thông ban cho nhân loại ngay từ ban đầu. Tương tự như Philon, khi ông đặt ở trọng tâm thần học của mình Logos (Lời) của Thánh Kinh như mối liên kết giữa Thiên Chúa và thế giới, và tương tự như Gioan, khi Ngài trình bày Ðức Kitô như là Lời (Logos), Ðấng đã "có từ khởi thủy" và "đã mặc lấy xác phàm", Justin giữ lại từ ngữ này, một từ ngữ mang bao âm hưởng trong tư tưởng Hy Lạp: vừa là lời vừa là lý tính, nhất là một lý tính thần linh thấm nhập và điều khiển thế giới. Justin mang lại cho tư tưởng của Gioan, theo đó Ngôi Lời "soi sáng mọi người", một ngữ điệu triết lý hơn và hoàn toàn phổ quát: suốt dòng lịch sử và ngay cả trước khi Nhập thể, Logos đang và đã luôn hiện diện nơi mọi người, vì do lý trí của mình, mọi người đều tham dự vào Logos thần linh, và đều có khả năng "sống theo Logos". Justin không ngại quả quyết rằng, những ai sống trước Ðức Kitô, Do Thái hay dân ngoại, và đã trung thành với ánh sáng của Logos có nơi họ, thì theo một nghĩa nào đó, họ là những "Kitô hữu", nghĩa là đã mở lòng đón nhận những giá trị tôn giáo và đạo đức, những giá trị tuy xa nhưng đã là một tiếp cận thực sự với Tin Mừng. Chẳng hạn Socrate, người mà Justin hết lòng ca ngợi và nhấn mạnh rằng: ông đã bị coi là "vô thần" và bị bách hại như các Kitô hữu. Người ta thấy đây là khởi điểm của ý tưởng về một sự "chuẩn bị cho Tin Mừng" (kiểu nói này là tựa đề một tác phẩm của Eusèbe de Césarée) trong thế giới ngoại giáo, ý tưởng này được lấy lại và nới rộng thêm trong rất nhiều bản văn của Công Ðồng Vatican II, với những tham chiếu các Giáo Phụ thế kỷ II.

 

PHILON THÀNH ALEXANDRIE HAY

PHILON NGƯỜI DO THÁI

 

Tác phẩm của ông là một trường hợp khá nghịch lý vì đã được người Kitô hữu chấp nhận và cứu cho khỏi bị phá hủy. Theo chỗ chúng ta được biết, các Giáo Phụ ở Alexandrie thế kỷ II là những người đầu tiên sử dụng một cách có hệ thống các bài chú giải Thánh Kinh của Ông, và Philon có một ảnh hưởng đáng kể nơi các Giáo Phụ Hy Lạp và La Tinh thế kỷ thứ IV, một Grégoire de Nysse, một Ambroise chẳng hạn.

Sinh khoảng giữa những năm 20 và 10 trước Công Nguyên, Philon là người đồng thời với Ðức Kitô, nhưng ông đã không đề cập gì đến Ngài cũng như về Kitô Giáo. Ông sống ở Alexandrie, thuộc giới thượng lưu Do Thái trong thành. Gia đình có những mối giao hảo với gia đình Hérodes. Là nhân vật trọng yếu của cộng đồng Do Thái, Ông đã được cử làm đại sứ tại Roma thời hoàng đế Caligula, để bảo vệ cương vị pháp lý của người Do Thái.

Ðược giáo dục trong Do Thái Giáo, là một kẻ tin và thực hành đạo, Justin còn có một nền học vấn Hy Lạp vững chắc. Ông là một sự tiêu biểu cho sự pha trộn hai nền văn hóa. Phần lớn tác phẩm của ông là những bài chú giải Cựu Ước, nhưng ông còn soạn thảo những khảo luận triết học và những tác phẩm hộ giáo mà sau này các văn sĩ Kitô giáo mượn lại.

Người Do Thái ở Alexandrie, đặc biệt là Philon, đã đi trước các Kitô hữu trong mối quan tâm làm sáng tỏ ý nghĩa phổ quát của sứ điệp Thánh Kinh, như là lời gửi đến mọi người đều có thể đón nhận. Chính một phần vì mục đích này mà Philon đã khai triển lối đọc Thánh Kinh theo nghĩa ẩn dụ (lecture allégorisante), nhờ cách đọc này, các sự kiện đặc thù được chuyển thành những biểu tượng phổ quát (symboles universelles). Lịch sử Abraham. Cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, hành trình trong sa mạc, trở thành những hình ảnh hành trình tâm linh hướng về Thiên Chúa. Chúng ta sẽ gặp lại dấu vết lối giải nghia ẩn dụ này của Philon nơi các Giáo Phụ.

Ðàng khác, Philon còn xây dựng một thần học về Logos thần linh, là Tư Tưởng và là Lời của Thiên Chúa về thế giới, và ông đi đến chỗ quan niệm Logos như một Ngôi Vị trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới. Người ta luôn tự hỏi về ý nghĩa chính xác của quan niệm này, một quan niệm chắc chắn là rất khác với các quan niệm của các tác giả Tự Ngôn Phúc Âm Gioan và của thánh Justin. Tuy nhiên một nhận xét đáng lưu ý là: để trình bày sứ điệp mạc khải trong một bối cảnh mà văn hóa Hy Lạp ngự trị, cả ba tác giả đều đưa ra ý niệm về Logos thần linh.

Tác phẩm của Philon đã bị các Rabbi thế kỷ II sau Công Nguyên kết án cùng với văn chương Do Thái giáo - Hy hóa. Qua việc đón nhận và khai thác tác phẩm của ông, người Kitô hữu đã khiến Philon trở thành một Giáo Phụ ngoài Giáo Hội.

 

 

Tuy nhiên, phải nhận rằng, nơi các Giáo Phụ và trước hết nơi thánh Justin, việc tìm kiếm những điểm hội tụ với triết học Hy Lạp đôi khi dẫn đến một chủ trương tương hợp (concordisme) dễ dãi và thực tế là sai lạc. Chẳng hạn khi các ngài quan niệm về Ba Ngôi trong Kitô giáo tương tự như Tam vị tối cao mà truyền thống Platon và sau này thuyết Tân Platon nói tới, hay nơi một số khía cạnh trong thần học của các ngài về Ðức Kitô Logos, Ðức Kitô phần nào bị đồng hóa với một hữu thể nằm giữa Thiên Chúa và thế giới. Tuy nhiên, Justin, triết gia Kitô giáo, cũng đã biết giữ những khoảng cách đối với một số khía cạnh của triết học Hy Lạp. Chẳng hạn, dù đánh giá cao luân lý của phái Khắc Kỷ: chủ trương tất định phổ quát, phiếm thần, không có vận mệnh cá nhân sau khi chết. (Hộ giáo 11, 7).

Khi đưa ra những đối lập căn bản như thế, Justin đã khai mào cuộc tranh luận, và đây cũng là một trong những khía cạnh của cuộc gặp gỡ giữa đức tin của các Giáo phụ và tư tưởng cổ thời. Dù sống giữa lòng văn hóa Hy Lạp, các Giáo Phụ vẫn tỏ ra hết sức tự do, đôi khi còn đến chỗ đưa ra một bản tổng kết rất tiêu cực về nền văn hóa đó, như đã xảy ra trong trường hợp của Tatien. Tuy là môn đệ trực tiếp của Justin ở Roma, nhưng Tatien lại đi theo một lối hộ giáo với những nguyên tắc ít cởi mở hơn nhiều.

Cuối cùng, Justin hết sức nhấn mạnh đến tính siêu việt của mạc khải Kitô giáo. Ngoài Ðức Kitô, nhân loại chỉ có được những "hạt giống", những "mầm mống" của Logos: những chân lý rời rạc và dò dẫm, mâu thuẫn giữa các triết gia chứng minh điều đó. Chỉ duy Phúc âm mới mạc khải "tất cả Logos", nguồn suối của chân lý toàn vẹn. Cuốn Hộ giáo II, chương 10, phác họa một sự đối lập giữa Socrate và Ðức Giêsu: người ta không hiến mình vì Socrate, bởi vì sự khôn ngoan của ông chỉ là sản phẩm của lý trí con người; nhưng người ta có thể hiến mình vì Ðức Kitô, bởi lẽ chính Ngài là sự hiện diện của Thiên Chúa và của chân lý tuyệt đối, vả lại chân lý này được trao hiến cho hết mọi người chứ không phải cho một thành phần tinh hoa của các triết gia.

Là con người của thời đại và đã hấp thụ cho mình nền văn hóa của thời đại, Justin tìm kiếm một sự quân bình giữa đức tin và những gì đã hấp thụ được trên bình diện tri thức mà ông không chối bỏ. Sự đối chiếu mà Ngài khởi sự sẽ tác động sâu xa lên chính Kitô giáo, vì nó vén mở những vấn đề mới, đòi hỏi một nỗ lực lớn lao trong việc đưa ra định thức đức tin, nó còn đòi hỏi một nỗ lực rất lớn trong việc vượt thắng những khía cạnh hàm hồ của mọi nền văn hóa, mọi triết thuyết đứng trước mặc khải. Ðó sẽ là công trình chung của các Giáo Phụ, trong đó Justin đóng vai người khai sáng, với những hạn chế hiển nhiên, nhưng cũng phải kể đến cái nhìn lạc quan của Ngài, một cái nhìn được nhiều người theo sau này.

 

SOCRATE VÀ ÐỨC GIÊSU

Giáo lý của chúng tôi vượt trên mọi học thuyết nhân loại, vì lẽ chúng tôi có tất cả Logos trong Ðức Kitô. Tất cả những điều đúng đắn mà các triết gia, các nhà lập pháp đã trình bày và khám phá thấy, đó là nhờ những gì họ tìm ra và chiêm ngắm một phần về Logos. Nhưng vì không hiểu biết Logos toàn thể, tức là Ðức Kitô, họ thường mâu thuẫn với nhau. Những người sống trước Ðức Kitô, tìm cách chiêm ngắm các sự vật và lý giải chúng theo lý trí (Logos nhân loại, thì đã bị tống ngục, bị coi như phường vô đạo, phạm thánh. Socrate, người đã để tâm huyết vào việc đó hơn ai hết, đã chịu cùng những lời kết án như chúng tôi. Người ta nói rằng ông đã du nhập những thần minh mới, rằng ông không tin vào các thần minh đã được chấp nhận trong thành. Khi đuổi Homère và các thi nhân khác, ông đã dạy người ta biết quay lưng lại với các ngụy thần. và ông đã khích lệ họ, hãy dùng lý trí mà tìm kiếm ra vị Thiên Chúa mà họ không hay biết. Ông nói: "Tìm thấy Ðấng là Cha và là Ðấng kiến tạo vũ trụ không phải là điều dễ dàng, nhưng đối với kẻ đã tìm thấy Ngài thì việc mạc khải Ngài cho mọi người là điều thiếu khôn ngoan". Nhưng đó là những gì mà Ðức Kitô của chúng tôi đã thực hiện (nghĩa là: mạc khải Thiên Chúa cho mọi người) bằng chính quyền năng của Người. Vì chưng không ai đã tin Socrate đến mức chịu chết vì học thuyết của ông ta, nhưng Ðức Kitô, mà Socrate chỉ biết một phần - Người quả đã hiện diện trong tất cả. Ðức Kitô là đối tượng đức tin không phải chỉ của các triết gia, của những người trí thức, mà còn là của những người thợ, những người vô học ngu dốt nhất, họ khinh thường dư luận, coi thường sợ hãi và cái chết, bởi Người là Quyền Năng khôn tả của Cha chứ không phải là sản phẩm của lý trí con người (Logos).

Giáo huấn của Platon không phải là xa lạ với Ðức Kitô, nhưng cũng như các giáo huấn khác của người Khắc Kỷ, của các thi nhân, văn sĩ. Các giáo huấn đó không hoàn toàn giống với giáo huấn của Ngài. Mỗi người trong họ nói rất có lý, nhờ chiêm ngắm một phần nào Logos thần linh tản mát (trong thế giới) và vì họ thấy được những điều tương tự như Logos, thế nhưng, vì họ mâu thuẫn với nhau về những điều chính yếu, nên họ chứng tỏ mình không nắm được khoa học cao siêu cũng không có được một tri thức chắc chắn không thể bác được. Vì chưng một "hạt giống" và một sự bắt chước chân lý được ban cho tùy theo khả năng con người là một chuyện, còn chính đối tượng của sự tham dự và bắt chước nghĩa là: chân lý, và chân lý đó là Ðức Kitô nhờ ân sủng Thiên Chúa lại là chuyện khác.

(Hộ Giáo II, 10 và 13)

(LƯU Ý: những chữ trong ngoặc là đúng theo bản văn, không phải do người dịch thêm vào).

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt