KHỞI ÐẦU MỘT ÐẠI TRUYỀN THỐNG GIÁO PHỤ EUSTATHE THÀNH ANTIOCHE
JACQUES LIÉBAERT
J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Phân III: "Bình minh của một giai đoạn mới - Các giáo phụ đầu tiên của thế kỷ IV". Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.
ÐỊCH THỦ SỐ MỘT CỦA PHÁI ARIUS Eustathe, một con người mạnh mẽ, nhân vật chủ chốt, bên cạnh Alexandre thành Alexandre và Ossius thành Cordoue khi cuộc khủng hoảng Arius khởi phát. Số phận bi thảm của Eustathe đã chấm dứt đời Giám Mục ngắn ngủi của ngài cách tàn nhẫn và ảnh hưởng tai hại đến việc lưu giữ các tác phẩm của ngài. Ngài nhận Tòa Giám Mục Antioche trong những năm trước Công Ðồng Nicée (giữa những năm 319 - 324). Ngay từ những giây phút đầu, ngài đã tỏ lập trường chống lại những ý tưởng của Arius. Nếu đúng như Théodoret, sử gia người Atioche thế kỷ V nói, thì chính ngài là người được vinh dự khai mạc Công Ðồng và đọc bài diễn văn tiếp đón hoàng đế Constantin. Dù sao không thể nghi ngờ việc ngài là một trong những người hướng dẫn Công Ðồng trong tư cách là người "Bênh vực chân lý", theo cách nói của Théodoret, đương đầu với các Giám Mục có thiện cảm với Arius, chẳng hạn Eusèbe thành Césarée, người mà ngài nghiêm khắc phê phán. Thái độ hăng hái quyết liệt và những tác phẩm chống thuyết Arius đã khiến ngài bị phe Arius coi là đối thủ phải triệt hạ khi những người này có thể ngóc đầu dậy sau Nicée, nhờ những biến động về chính trị trong đế quốc, một hội nghị phục vụ cho phe Arius được tổ chức ở Antioche tuyên bố bãi chức Eustathe, việc này có lẽ xảy ra ngay từ năm 327 và muộn nhất là vào năm 330 - 331, hoàng đế đã lưu đày ngài sang Thrace. Kẻ bất hạnh bị phát vãng đã chết trước khi triều đại Constantin kết thúc. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ tín hữu cùng với vài thành viên trong hàng giáo sĩ vẫn nhớ đến ngài một cách mãnh liệt, không nhận quyền bính của các Giám Mục thuộc phái Arius lên thế Eustathe, và gây nên cuộc ly khai với những hệ lụy ảnh hưởng đến toàn Giáo Hội Ðông phương trong suốt thế kỷ IV. Người ta có thể hiểu được Eustathe đã không có thời gian để chứng tỏ tất cả tầm cỡ của mình. Vả lại chúng ta chỉ còn giữ được những mãnh rời rạc từ các trước tác của ngài, các trước tác đó ban đầu được một cộng đoàn nhỏ theo Eustathe ở Antioche bảo quản kỹ lưỡng, nhưng rồi, sau cuộc khủng hoảng ở thế kỷ IV, đã được phổ biến rộng rãi, và được khai thác trong suốt các cuộc tranh luận về Kitô học, để cuối cùng bị quên lãng và thất lạc. Eustathe đã trước tác trước khi có vụ Arius. Vụ Arius chỉ là yếu tố kích thích hoạt động văn chương của ngài. Qua thánh Jérôme, chúng ta biết ngài đã để lại số lượng thư tín rất lớn. Trong số các tác phẩm bị thất lạc, người ta chỉ còn giữ được toàn phần một tác phẩm nhỏ : "Về bà đồng bóng ở Endore" (1Samuel 28, 7 - 25), trong đó Eustathe không chấp nhận việc bà đồng bóng đã có thể thực sự chiêu hồn Samuel, và xem sự việc đó chỉ là sự gian trá của ma quỷ, trong khi Origène lại tin sự kiện đó là thực. Di sản của Eustathe chỉ còn là những mảnh nhỏ, và qua những mảnh đó, chúng ta biết được có nhiều tác phẩm đã biến mất : một khảo luận "Về linh hồn" (De anima) chống lại các triết gia, một khảo luận khác "Về linh hồn chống lại phe Arius", một chú giải "Cách ngôn 8, 22", các tác phẩm khác nhau chống lại chủ thuyết Arius, các bài giảng . Những nghiên cứu hiện nay đưa ra ánh sáng tầm quan trọng của công trình bị quên lãng này trong lịch sử thần học đồng thời làm sáng tỏ chỗ đứng đặc biệt của Eustathe trong truyền thống Ðông phương Kitô giáo cổ thời.
NGƯỜI KHỞI XƯỚNG TRUYỀN THỐNG KITÔ HỌC Ở ANTIOCHE Trong tập sách nhỏ "về bà đồng bóng ở Endor", Eustathe bác bỏ cách giải thích của Origène, và nhân tiện phê bình việc lạm dụng phép ẩn dụ. Do đó, ngài bị mang tiếng mãi là "chống thuyết Origène", điều này có lẽ không được đúng lắm, ngay cả về khoa chú giải. Tuy nhiên, dường như người ta thấy tiên báo nơi ngài một phương pháp chuuyên biệt giải thích Thánh Kinh mà sau này sẽ xuất hiện nơi những "người Antioche". Truyền thống chú giải Antioche như người ta thấy rất phát triển vào hậu bán thế kỷ IV rất có thể đã bắt đầu từ ngài. Ðàng khác, Eustathe chính là người đã khởi đầu một truyền thống Kitô học đặc sắc. Khác với Méthode thành Olympe và Eusèbe thành Césarée, ngài giữ lại giáo huấn của Origène, như Pamphile trước đó không lâu, về linh hồn nhân loại của Ðức Kitô, về sự thánh thiện và những đặc ân của linh hồn kết hợp với Ngôi Lời. Ðiều ngài bày tỏ trong tập sách "về bà đồng bóng ở Endor", trước khi xảy ra vụ Arius, đó là niềm thành kính chân thật đối với "linh hồn thánh" của Ðấng Cứu Thế, và người ta không thể nhận ra ở đó tiếng vọng trực tiếp của Kitô học Origène. Thực ra, về điểm này, chính nơi nhà thần học bị xếp vào loại chống Origène này mà người ta gặp lại được nhiều hơn hết là tư tưởng của vị thầy người Alexandrie. Eustathe cũng là người đầu tiên khám phá và tố giác một trong những nhược điểm quan trọng trong Kitô học của Arius : giản lược chính Ngôi Lời "khả biến" và "khả thụ" vào hàng linh hồn trong Nhập Thể, và như vậy Ngôi Lời thế chỗ linh hồn nhân loại của Ðức Kitô. Quan niệm này, tước bỏ tâm lý nhân loại của Ngôi Lời Nhập Thể và giới hạn "nhân tính" của Ngài vào thân xác, và như thế là cắt bỏ đi một chiều kích cốt yếu của nhân tính. Ðối lại với quan niệm cho rằng Ðức Kitô là Ngôi Lời kết hợp với một thân xác, Eustathe đưa ra quan niệm Ngôi Lời kết hợp với "một con người", một con người trọn vẹn là người, "con người của Ðức Kitô". Thứ ngôn ngữ này, tất nhiên có sắc thái nhị nguyên thái quá, chứa đựng một chân lý chính yếu ; sự toàn vẹn nhân tính của Nhập Thể, nhân tính đầy đủ của Ðấng Cứu Thế, nếu không như thế thì Ngài sẽ không còn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Vào thời Eustathe, phản ứng chống lại Kitô học của Arius này còn lẽ loi, nhưng các môn đệ của Eustathe đã giữ nguyên vẹn giáo lý của ngài và giáo lý đó sẽ bộc lộ sự phong phú của nó trong các cuộc tranh luận Kitô học về sau. Như thế, cái được gọi là Trường Phái hay đúng hơn : truyền thống Kitô học Antioche ở những thế kỷ IV và V, với ý thức sắc bén của nó về sự toàn vẹn nhân tính của Nhập Thể và ngôn ngữ đặc trưng của nó "Ngôi Lời-con người" đã bắt đầu từ Eustathe là điều không thể chối cãi. Như vậy Eustathe đã đóng góp một phần rất đáng kể vào việc xây dựng một trong những thành phần của nền thần học vĩ đại của các Giáo Phụ.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC