Triết học tôn giáo

Kitô giáo và Ngộ đạo. Thánh Irénée thành Lyon

GIÁO PHỤ - Mục lục

 

KITÔ GIÁO VÀ NGỘ ÐẠO

THÁNH IRÉNÉE THÀNH LYON

 

J. LIÉBAERT

 


J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.


 

 

IRÉNÉE TRONG GIÁO HỘI THỜI NGÀI

 

Với Irénée, Giáo Hội xứ Gaule đi vào lịch sử. Tuy nhiên nguyên quán của Ngài lại ở Tiểu Á, như một phần Kitô Hữu của Lyon lúc bấy giờ. Ngài sống thời niên thiếu tại Smyrne, bên Thánh Giám Mục Polycarpe và các "presbyteri" khác (trưởng lão), là những nhân chứng trực tiếp ít nhiều với thời các Tông đồ. Xuất thân từ môi trường Kitô giáo kỳ cựu, Irénée không phải là người trở lại như Justin, nhưng là người đã được cắm rễ sâu vào Giáo Hội, có một ý thức Kitô giáo vững mạnh khiến cho toàn bộ tư tưởng của Ngài có một sự chắc chắn hơn nhiều so với các nhà Hộ Giáo đương thời, và rất quân bình trước những giáo lý sai lạc đang lan tràn ở Tiểu Á.

Môi trường Irénée xuất thân chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Thánh Phaolô và Thánh Gioan. Irénée là nhà thần học đầu tiên sử dụng các thư của Phaolô một cách có hệ thống, coi đó như nguồn suối thần học, và góp phần phổ biến các tác phẩm của Gioan ở Tây Phương. Ngài coi việc mình gắn bó với các Tông Ðồ qua các "Trưởng lão", nhất là Polycarpe, một môn đệ của Gioan, là điều hết sức quan trọng. Khi đó truyền thống Tông Ðồ đang còn được cảm nghiệm như một thực tại gần gũi và sống động, và Irénée sẽ là nhà thần học đầu tiên về "truyền thống" Giáo Hội, truyền thống theo nghĩa là sự thông truyền đức tin cách trực tiếp, sống động, một đức tin được sống và như được tái khám phá từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Ở Smyrna, Irénée hẳn có dịp tiếp xúc với nhiều luồng giáo thuyết và tôn giáo, đặc biệt những luồng bên lề Kitô giáo hoặc ngay cả hoàn toàn phi chính thống, trước đó Ngài đã quan tâm tới Ngộ đạo thuyết mà một trong những trung tâm của nó ở thế kỷ thứ II là Tiểu Á, chẳng hạn thuyết Marcion (lấy tên của Marcion, tiền bán thế kỷ thứ II, thuyết của ông có những nét giống Ngộ đạo) hoặc thuyết Montan (montanisme- Lấy tên của Montan, hậu bán thế kỷ thứ II: là một trào lưu "đặc sủng" - charismatique, ly khai với Giáo Hội). Ngoài ra, ảnh hưởng Do Thái - Kitô giáo (judéo-chrétienne) vẫn còn tồn tại ở Tiểu Á; điều này có lẽ cho chúng ta hiểu được tại sao Irénée gắn bó với niềm tin của phái Thiên Niên, dù Ngài nhìn nhận rằng niềm tin đó không phải là cách giải thích duy nhất rút từ sách Khải Huyền của Gioan trong Giáo Hội thời bấy giờ. Như vậy, Irénée ở vào thời điểm giao lưu của nhiều luồng tư tưởng và Ngài là văn sĩ duy nhất của thế kỷ II mà chúng ta còn giữ được những tác phẩm liên quan đến những vấn đề giáo lý quan trọng trong Giáo Hội thời Ngài.

 

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI THƠ ẤU CỦA IRÉNÉE

Irénée thụ huấn với Thánh Giám mục Polycarpe ở Smyrne

 

"Tôi nhớ rõ về thời ấy hơn là về những biến cố gần đây, vì những điều tôi học biết thưở thơ ấu lớn lên cùng với tâm hồn tôi, là một với tâm hồn tôi, nhờ đó mà ngày nay tôi có thể nói rõ chỗ thầy Polycarpe vinh phúc đã ngồi để giảng dạy ở đâu, những lối vào ra của Người, cung cách sống của Người, diện mạo của Người, những cuộc nói chuyện của Người với cộng đoàn, Người đã kể lại làm sao những mối liên hệ của Người với Gioan và với những người khác, là những kẻ đã nhìn thấy Chúa, Người nhớ lại như thế nào về những lời lẽ, những điều họ nói với Người về Chúa, về các phép lạ và về giáo huấn của Ngài: Polycarpe đã lãnh nhận tất cả những điều ấy từ cá thị-chứng-nhân của Lời sự sống làm sao và thuật lại đúng với Thánh Kinh như thế nào. Cả về những điều này nữa, nhờ lòng thương xót Chúa, tôi đã ân cần lắng nghe và lưu ký, không phải trên giấy tờ mà là trong trái tim tôi. Và mãi mãi tình yêu Chúa , tôi nghiền ngẫm thực sự những lời ấy và có thể đoan chứng trước Thiên Chúa rằng" Nếu vị trưởng lão (presbyte), người tông đồ vinh phúc ấy, đã nghe thấy điều gì tương tự như điều này (tức là các giáo thuyết ngộ đạo), hẳn Người sẽ kêu lên và bịt tai lại, hẳn Ngài sẽ nói như kiểu người thường nói: Ôi lạy Chúa! Các người còn để ta phải chịu đựng điều đó đến bao giờ nữa! Và dù đang đứng hay ngồi, hẳn người sẽ lập tức rời bỏ nơi mà người nghe thấy những giáo thuyết như thế. Vả lại, người ta có thể chứng minh điều đó qua thư từ người gửi cho các giáo đoàn lân cận để củng cố hoặc cho một số anh em để cảnh giác và khích lệ họ".

(Thư của Irénée gửi Florius, trong lịch sử Giáo Hội cuốn 20, 4-8 của Eusèbe de Césarée)

 

 

 

IRÉNÉE GIÁM MỤC LYON

 

Chúng ta không rõ hoàn cảnh nào đưa đẩy Irénée tới Tây Phương, nơi Ngài cư ngụ vĩnh viễn. Dường như Ngài có qua Roma và có lẽ ở đó một thời gian. Ngài quả có biết các truyền thống của giáo đoàn này (chính Ngài đã lưu giữ danh sách các Giám Mục đầu tiên của Roma, từ khởi thủy cho tới thơi Ngài). Ngài cho ta những chi tiết về cuộc hành trình của Polycarpe tới Roma thời Giáo hoàng Anicet, về thái độ của Giáo đoàn Roma trong cuộc tranh luận với các giáo đoàn ở Tiểu Á về ngày mừng lễ Phục Sinh. Ngài cũng biết các tác phẩm của Justin.

 

TÍNH DUY NHẤT CẦN THIẾT VÀ

SỰ DỊ BIỆT CHÍNH ĐÁNG

 

Thư của Irénée gửi Victor, Giám mục Roma, liên quan đến cuộc tranh luận về lễ Phục Sinh. Irénée khuyên Ðức Victor hãy có một thánh độ khoan dung hầu bảo vệ sự chính đáng của một số dị biệt về các tập tục bên trong Giáo Hội Công Giáo.

"Một sự dị biệt như thế nơi những người tuân giữ (về việc giữ chay trước lễ Phục sinh) không phải ngày nay mới có nơi chúng ta, nhưng đã xảy ra từ lâu nơi các tiền bối của chúng ta, và thế hệ sau một cách đơn sơ và theo thói quen: dù như thế, tất cả các vị đó vẫn giữ được sự hòa hảo với nhau, còn sự dị biệt về việc giữ chay lại ủng cố sự đồng tâm nhất trí của đức tin.

Các trưởng lão (presbytres) điều khiển Giáo Hội mà ngày nay Ngài cai quản. đã không giữ (luật của các Giáo Hội Tiểu Á) cũng không truyền cho những người thuộc quyền phải giữ, nhưng dù như thế, các vị vẫn giữ được sự thuận hòa với những người thuộc các cộng đồng tuân giữ luật đó, khi các vị đến với họ. chưa từng có ai bị thải loại vì đã giữ như thế. Ngược lại, các trưởng lão tiền nhiệm của Ngài (các Giám Mục Roma tiền nhiệm), dù chính họ không giữ, song đã gửi Thánh Thể đến cho những người thuộc các cộng đoàn tuân giữ luật đó. Chân phúc Polycarpe lưu lại Roma thời Giám Mục Anicet: các Ngài đã tranh luận với nhau, không cãi cọ gì về chuyện này nữa. Anicet không thể thuyết phục Polycarpe đừng theo luật giữ mà Polycarpe đã hằng tuân thủ cùng với Gioan, môn đệ Chúa, và các Tông đồ khác Ngài quen biết. Phần Polycarpe cũng không thuyết phục nổi Ðức Anicet giữ luật đó, vì Ðức Anicet nói mình phải giữ tập tục của các trưởng lão tiền nhiệm: Dù sự thể là như thế, các vị vẫn hiệp thông với nhau và trong nhà thờ. Ðức Anicet đã nhường cho Polycarpe cử hành Thánh Thể hiển nhiên là vì kính trọng, rồi các ngài chia tay trong hòa bình, mọi người hòa hảo với nhau trong Giáo Hội, kẻ giữ cũng như người không giữ luật đó".

(Eusèbe, Lịch sữ Giáo Hội, V. 24, 12-17)

Eusèbe viết thêm:

 "Tên của Irénée thực hợp với người (Irénée tiếng Hy Lạp có nghĩa là: "bình an") và xét về cách sống, Ngài là người tác tạo hòa bình: với cách thức tương tự như thế, Ngài đã khuyên bảo, can thiệp nhằm đem lại hòa bình cho các Giáo Hội. Không phải chỉ với Ðức Victor, mà còn với cả các vị thủ lãnh các Giáo Hội khác, Ngài đã đưa ra những lời lẽ tương tự, qua thư từ, về vấn đề sang sôi động".

 

 

Năm 177, chúng ta thấy Irénée có mặt tại Lyon, vào lúc thái độ thù nghịch của quần chúng đối với các Kitô hữu lên cao, dẫn tới cuộc tử đạo của 50 người trong họ. Các tình tiết rất giống với những gì xảy ra ít lâu trước đó tại Smyrne, và đã được thuật lại trong thư gửi Giáo Hội Smyrne về cuộc tử đạo của Polycarpe và các bạn. Một lá thư của các Giáo Hội Vienne và Lyon gửi các Giáo Hội Tiểu Á cũng để lại cho chúng ta một trình thuật cảm động về cuộc bách hại năm 177, lá thư này được viết ngay sau các biến cố. Chính vào thời điểm đó, Irénée lên kế vị thánh Pothin, Giám Mục tử đạo, và sẽ đảm nhận nhiệm vụ này cho tới khoảng năm 200. Phụng vụ cũng tôn kính Ngài là Thánh Tử đạo.

Chúng ta không được biết nhiều về hoạt động Giám Mục của Ngài, ngoài việc Ngài rất nhiều lần dùng thư từ can thiệp với các Giáo Hội khác (Roma, Ðông Phương) trong nhiều cuộc tranh luận khác nhau. Một trong những lần can thiệp nổi tiếng nhất xảy ra dưới triều ÐGH Victor (189-199) nhân có tranh cãi giữa Giáo Hội Roma và các Giáo Hội ở Tiểu Á về việc cử hành lễ Phục Sinh. Ðức Victor có một lập trường cố chấp, hai bên có nguy cơ đi đến chỗ đoạn giao. Bấy giờ Iréné can thiệp mạnh mẽ nhằm đưa đến sự hòa giải: Dị biệt về các tục lệ phụng vụ không làm phương hại đến tính duy nhất, ngược lại nó còn làm nổi bật sự hiệp thông nền tảng trong đức tin; vị Giám mục Lyon nhắc cho Ðức Victor về mẫu gương khoan dung của Polycarpe và Anicet. Tính Công Giáo (catholicité) không phải là tính đồng loạt, đồng dạng (uniformité). Lời kêu gọi vừa kiên quyết vừa bình thản này góp phần, nếu không giải quyết vấn đề, thì ít ra cũng mang lại một tinh thần hòa dịu, điều này cho thấy rõ uy tín của Iréné trong Giáo Hội thời ấy. (Sử gia Eusèbe nhấn mạnh đến tên của Ngài: tên thật hợp với người, vì Iréné trong tiếng Hy Lạp gợi lên sự "hòa bình"). Có thể ức đoán hoạt động truyền giáo của Iréné còn vượt ra ngoài Lyon, nhưng người ta chỉ ghi nhận được sự hiện diện của người Kitô hữu ở Autun vào khoảng cuối thế kỷ thứ II (lời khắc trên bia mộ Pectorius) và sau đó tới thế kỷ thứ III, thấy có sự hiện diện của cả chục tòa Giám Mục ở Gaule.

Iréné tiên vàn là một mục tử, chính những bận tâm mục vụ đã khiến Ngài viết các tác phẩm mà chúng ta còn lưu giữ. Tác phẩm quan trọng nhất, xét về mọi phương diện, thường được gọi là cuốn "Chống lạc giáo", nhưng tựa đề gốc của nó là: "Trình bày và phản bác cái gọi là Ngộ đạo" Tác phẩm này nhằm chống lại sự truyền bá các giáo phái Ngộ đạo tại thung lũng sông Rhône. Có thể coi nó như một thứ "Tổng Luận" chống Ngộ đạo, viết bằng tiếng Hy Lạp, nhưng toàn bộ tác phẩm đó chỉ đến tay chúng ta qua bản dịch Latinh rất cổ xưa và rất sát. Tác phẩm này ảnh hưởng rất rõ trên các thần học gia về sau như Tertullien, Hippolyte thành Roma, hay Athanase.

Bên cạnh khảo luận đồ sộ đó, Iréné còn để lại cho chúng ta một tập sách nhỏ mang tựa đề "Chứng minh Lời rao giảng Tông Ðồ", được lưu giữ qua bản dịch tiếng Arménie. Trong phần đầu, vị Giám Mục Lyon trình bày một bản toát yếu đặc sắc về giáo lý chống Ngộ đạo ("Lời rao giảng Tông Ðồ"), sau đó tới phần "Chứng minh" Lời loan báo về Ðức Kitô trong Cựu Ước, phần này nhằm đến người Do Thái.

Hai tác phẩm này là những cột trụ của thần học giáo phụ. Ðặt lại trong bối cảnh của chúng, có thể nói đây là công trình của sự sáng suốt trong tri thức đức tin, công trình của sự lành mạnh chống lại thứ thần bí bệnh hoạn của Ngộ đạo, một công trình luôn luôn hiện đại nhờ các viễn tượng thần học của Iréné mang đặc tính hết sức nền tảng. Tuy nhiên có thể phần nào đi vào các viễn tượng đó, thiết tưởng cần phải được hình dung Ngộ đạo thế kỷ II là như thế nào.

 

"QUI LUẬT ÐỨC TIN"

DO THÁNH IRÉNÉ SOẠN THẢO

 

"Ðây là qui luật đức tin của chúng tôi, là nền tảng tòa nhà, và là điều đem lại sự vững chắc cho lối sống của chúng tôi:

Thiên Chúa Cha, bất thụ tạo, Ðấng không bị chứa đựng, vô hình, một Thiên Chúa, Ðấng sáng tạo vũ hoàn - Ðó (là) điều khoản trước tiên của đức tin chúng tôi. Nhưng như điều khoản thứ hai: Ngôi Lời của Thiên Chúa, Con của Thiên Chúa, (Ðức) Kitô Giêsu Chúa chúng tôi, Ðấng đã hiện ra với các tiên tri tùy theo loại sấm ngôn của các ngài và tùy theo tình trạng của nhiệm cục cứu độ của Cha, nhờ Người mà mọi sự được tạo thành: hơn nữa, là Ðấng, khi thời đã mãn, đã làm người giữa loài người, hữu hình có thể sờ chạm đến, để thâu họp mọi sự, để tiêu diệt sự chết, làm xuất hiện sự sống và thực hiện sự hiệp thông của Thiên Chúa và của con người.

Và như điều khoản thứ ba:

Thánh thần, Ðấng mà nhờ Ngài các Tiên tri đã tuyên sấm và các Tổ phụ đã hiểu biết những điều liên quan đến Thiên Chúa, và những người công chính được dẫn dắt trong đường công chính và là Ðấng khi thời đã mãn, đã được đổ tràn cách mới mẻ trên nhân loại chúng ta, hầu đổi mới con người trên khắp mặt đất cho Thiên Chúa. Và vì vậy trong sự tái sinh của chúng tôi, phép rửa diễn ra qua ba điều khoản này, (phép rửa đó) ban cho chúng tôi ơn tái sinh trong Thiên Chúa Cha, nhờ Con của Ngài trong Thánh Thần. Vì chưng, những ai mang Thần Khí của Thiên Chúa thì được dẫn tới Ngôi Lời, nghĩa là tới Con; nhưng Con lại trình diện (họ) với Cha, và Cha ban cho (họ) sự bất hoại. Như thế không có Thánh Thần thì không (thể) nhìn thấy Con của Thiên Chúa và không có Con thì không ai có thể tiến gần đến Cha, vì chưng tri thức về Cha, (đó là) Con và tri thức về Con của Thiên Chúa (có được) là nhờ Thánh Thần: còn về Thánh Thần, thì tùy theo ý Cha mà Con ban phát (Thánh Thần) với tư cách là thừa tác viên, cho ai muốn và như là Cha muốn".

(Chứng minh Lời rao giảng tông đồ, 6-7, Sources Chrétiennes, n. 62)

 

 

 

NGỘ ĐẠO LÀ GÌ?

 

"Ngộ đạo" (Gnose) là từ ngữ được dùng để chỉ một hiện tượng tổng quát mà người ta có thể khám phá thấy những biểu hiện qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử, khởi từ thế kỷ I, sau Công Nguyên, cho tới thời hiện đại, và "ngộ đạo thuyết" (gnosticisme) chỉ hiện tượng đặc biệt của thế kỷ II.

Xét là hiện tượng tổng quát, Ngộ đạo (từ Hy Lạp thông dụng có nghĩa là tri thức") là ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo, được mạc khải, được chiếm hữu và truyền đạt bởi những người được khai tâm, với tham vọng đưa ra một giải thích toàn triệt về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu, dựa trên cơ sở nhị nguyên (đối lập giữa thế giới sự thiện và thế giới sự dữ), và qua đó mở ra con đường cứu độ cho tinh thần. Ngộ đạo không chỉ là một phong trào cứu độ bằng tri thức; dưới góc độ lịch sử các tôn giáo, bản chất của ngộ đạo là một quan niệm nhị nguyên bài-vũ trụ (dualime anticosmique): Tri thức và cứu độ tự bản chất là xa lạ với thế giới xấu xa này. Cũng cần lưu ý đặc tính bí mật của nó, đặc tính này biến Ngộ đạo thành một tôn giáo của những người đã được khai tâm, và nội dung thường là thần thoại.

Hiện tượng này, một hiện tượng vừa đáng ngại vừa lôi cuốn, có thể nói đã bùng nổ vào thế kỷ II. Nhưng từ lâu nay, người ta chỉ biết về Ngộ đạo thuyết xuyên qua các tác phẩm Giáo Phụ, trong đó có tác phẩm của Irénée. Ngày nay với khám phá mới, công cuộc nghiên cứu đã có những tiến bộ lớn lao, đặc biệt là việc khám phá ra thư viện của một giáo phái Ngộ đạo ở Nag-Hammadi (Ai Cập, 1947): Khoảng 50 tác phẩm khác nhau, có cả một số tác phẩm được soạn thảo tận thế kỷ II, và đang được công bố.

Các khuynh hướng Ngộ đạo đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ I trong một khung cảnh địa lý chạy dài từ Palestine đến Tiểu Á. Những khuynh hướng này có lẽ đã có mặt trong bối cảnh của một vài tác phẩm Tân Ước. Thế rồi giáo phái hình thành và lan tràn khắp nơi. Vào thế kỷ II, nó lan tới Alexandria biến nơi này thành trung tâm của Ngộ đạo thuyết, đặc biệt là của một thứ Ngộ đạo thuyết "Kitô Giáo", cho mình là kẻ được ký thác truyền thống chính thực, và bậc thầy có ảnh hưởng nhất của chủ thuyết này là Valantin. Oâng này truyền bá giáo thuyết của mình sang tận Tây Phương. Đối tượng chính mà Irénée chống lại đó là Ngộ đạo của Valantin. Ngộ đạo chìm dần ở thế kỷ III, để rồi hầu như ngay lập tức, phái Maniché trỗi dậy thay thế, đây là chủ thuyết mà các Giáo phụ sẽ phải chống lại bắt đầu từ thế kỷ IV. Thánh Augustinô một thời là môn đồ của phái này trước khi trở thành đối thủ đáng sợ của nó.

Và một thời kỳ đầy biến chuyển về tôn giáo và văn hóa như là thời kỳ đầu Công Nguyên, nguyên nhân các giáo phái tuyên truyền thành công hẳn có thể hiều là vì các chủ đề mà Ngộ giáo khai triển đánh động con người một cách sâu xa. Chủ đề căn bản của Ngộ đạo là nỗi khắc khoải về sự dữ của cuộc hiện hữu trong thế giới này. Ngộ đạo xuất hiện như một biểu hiện của ý thức bất hạnh. Ý thức này làm nảy sinh nơi người Ngộ đạo cảm thức về một sự vong thân, một cuộc lưu đày, một sự tước bỏ so với một thiên đàng đã mất, so với sự hoàn hảo đã bị lãng quên. Ở trần gian này, con người cảm thấy lạc loài, bị xâu xé giữa thiện và ác, vật chất và tinh thần, linh hồn và thể xác, bị phá vỡ thành hai phái tính riêng biệt, tản mát trong thời gian. Con người mang nỗi hoài vọng da diết về sự duy nhất thuở đầu, một sự duy nhất mà chỉ có một thảm họa vũ trụ mới có thể phá tan để rồi sinh ra cái thế giới đổ vỡ này. Cứu độ hệ tại ở chỗ thoát khỏi vật chất và mọi thứ nhị nguyên mà nó đẻ ra, cứu độ là trốn thoát và trở về với thế giới hoàn hảo và thống nhất của tinh thần.

Con đường cứu độ nàm trong "tri thức", tri thức này vừa là nhận thức bẩm sinh về thân phận của tinh thần ở trần gian này, đồng thời là sự đắc thủ tri thức hoàn hảo, làm tăng triển nhận thức trên. Nhờ tri thức, con người ý thức về bản tính đích thực của mình là một hữu thể tinh thần. Ngộ đạo là việc tinh thần trở về với chính mình. Là tự biết mình, đúng như câu ngạn ngữ: "Anh hãy tự biết mình". Người khai tâm (initié) là người thủ đắc trí thức giải thoát này và như thế là đã được cứu độ. Nơi những kẻ khác, tinh thần còn đang ngủ yên, nhưng lời chỉ dạy có thể đánh thức nó. Cuối cùng những người khác, những "ngươi vật chất" chỉ được cấu tạo bằng những yếu tố xác thịt, tất sẽ bị hủy diệt vô phương cứu chữa. Như thế, các Kitô hữu theo Ngộ đạo tự xem mình như Giáo Hội của những người hoàn hảo, nòng cốt của những người được tuyển chọn, khai mào cho tất cả các trào lưu "Cathares" (tinh tuyền, thanh sạch) trong lịch sử Kitô giáo.

Về bản chất tai họa vũ trụ, nguyên lai của thế giới đổ vỡ này, các giáo phái mạnh ai nấy thêu dệt trên một phác thảo hoàn toàn mang tính chất thần thoại. Chính từ giai trật các hữu thể cấu tạo nên thượng giới, đã xảy ra biến chuyển làm phát sinh một Đấng tạo hóa dị hình, tác giả của thế giới này. Cũng chính từ thượng giới, một Quyền Năng đã xuống giải thoát những mảnh tinh thần bằng cách đem tri thức đến. Ở đây, cũng như chủ thuyết Maniché, Ngộ đạo thuyết hòa trộn đủ thứ thần thoại vay mượn ở các tôn giáo rất khác nhau, Người ta có những lý do để nghĩ rằng các Kitô hữu Ngộ đạo không nhất thiết lấy lại thần thoại này, nhưng không vì thế mà họ tránh được việc hủy hoại tận căn hữu thể và vai trò của Đức Kitô Cứu Thế.

 

PHÚC ÂM THEO THOMAS

(Khoảng năm 140)

Trình bày những chủ đề Ngộ đạo hay gần với Ngộ đạo: quan niệm nhị nguyên về con người, từ khước tính dục (trở về tình trạng ấu thơ), hoài vọng về sự duy nhất đã mất.

 

"Đức Giêsu nhìn thấy những đứa trẻ còn bú. Ngài nói với các môn đệ: Những trẻ bú này giống như những người bước vào Nước Trời.

Họ nói với Ngài: Vậy khi trở thành trẻ nhỏ, chúng con vào Nước Trời ư?

Đức Giêsu nói với họ: Khi các ngươi coi hai là một, và khi các ngươi coi nội giới như ngoại giới và ngoại giới như nội giới, và điều trên cao như diều dưới thấp, và khi các ngươi coi, đàn ông với đàn bà, chỉ là một thứ đến mức đàn ông chẳng phải đàn ông, đàn bà chẳng phải đàn bà, khi các ngươi làm hai mắt thay cho một mắt, một tay thay cho một tay, và một chân thay cho một chân, một hình ảnh thay cho một hình ảnh, bấy giờ các ngươi sẽ vào Nước Trời".

(Dịch từ P.V.F.LEvangile selon Thomas, 1959, p. 17-19)

 

THÁNH THI NGỘ ĐẠO DO HIPPOLYTE

THÀNH ROMA LƯU GIỮ

Sự dữ của thế giới và hành động của Đức Kitô Cứu Thế

"Luật đầu tiên làm phát sinh vũ trụ là trí tuệ

Nguyên lý thứ hai, sau thọ sinh thứ nhất, là hỗn mang hỗn độn: hàng thứ ba, theo định chế của luật, rơi về phần linh hồn.

Vì lẽ đó, mang hình thái nước, linh hồn phiền sầu, là đồ chơi, nô lệ sự chết.

Có lúc được ban vương quyền, linh hồn vui hưởng ánh quang.

Khi bị đẩy vào bất hạnh, linh hồn đớn đau than khóc.

Rốt cuộc, có những lúc cùng đường nghẽn lối

Kiếp lang thang bất hạnh dẫn tới mê lộ khôn cùng

Bấy giờ Đức Giêsu nói: Lạy Cha, xin hãy nhìn!

Linh hồn gặp bất hạnh đang phiêu bạt trên thế gian, xa khỏi khí thiêng của Người.

Nó tìm cách trốn khỏi hỗn mang kinh tởm, nhưng biết đâu là lối ngõ băng qua.

Vì vậy, Lạy Cha, xin hãy sai con đến! Con sẽ xuống thế mang theo ấn tín

Con sẽ băng qua các hữu thể thần linh (éons): và mọi mầu nhiệm con sẽ mạc khải và dưới danh xưng Ngộ đạo, con sẽ truyền đạt những bí mật của thánh đạo..."

(Philosophoumena, V.10 A. Siouville, Paris 1928, p. 162-163)

 

TÌM THẤY THƯ VIỆN CỦA MỘT PHÁI NGỘ ĐẠO

Vào năm 1945 hoặc 1946, các nông dân tình cờ khám phá thấy một chiếc chum đầy những cảo bản trong một ngôi mộ cổ, vùng Nag-Hammadi thượng Ai Cập. Ban đầu, chiếc chum bị bọn lái buôn dấu ở Ai Cập. Sau đó thu hồi lại được và giao cho các nhà chuyên môn. Trong chum có 13 quyển bằng chỉ thảo (papyrus) có bìa da bọc ngoài, chứa tất cả 49 văn phẩm khác nhau, viết bằng tiếng Copte. Các quyển này có từ thế kỷ II và IV. Qua nội dung các tác phẩm, người ta có thể biết chắc nguồn gốc của chúng: đây là thư viện của một phái Ngộ đạo, được đưa ra ánh sáng, sau 15 thế kỷ bị chôn vùi, nhờ khám phá đó.

Tập bản văn này cung cấp một tư liệu hầu như hoàn toàn mới mẻ về một nền văn chương hình thành từ thế kỷ II. Trong số các tác phẩm được tìm thấy, một số đã được Irénée và Hippolyte biết đến.

Chỉ nguyên tựa đề các tác phẩm cũng cho thấy tính chất lạ lùng và hết sức bí hiểm của nền văn chương này: Chúng ta thấy những tựa đề như: "Sách Thánh của Thần Khi vĩ đại vô hình", "Tư tưởng của Quyền lực vĩ đại", "Mạc khải của Adam cho con trai là Seth", "Khôn ngoan của Đức Giêsu" (đây thuần túy là sự phỏng tác có màu sắc Kitô giáo rập theo một khuôn mẫu ngoại giáo), "Tin mừng về chân lý" (Theo Irénée, Valentin có viết một tác phẩm mang tựa đề này), "Tin mừng theo Thomas", "Sách bí nhiệm của Gioan", "Khải huyền của Phêrô".v.v.

Các tác phẩm này cho thấy Ngộ dạo hầu chắc phát xuất từ bên ngoài Kitô giáo: với sự pha trộn đến lạ lùng các tôn giáo khác, ngộ đạo rõ ràng xuất hiện như một hình thái tôn giáo có khả năng hòa nhập vào những khung tôn giáo hết sức khác biệt. Ngoài ra, các văn phẩm đó mang lại một tư liệu chưa từng có về ngộ đạo "theo Kitô giáo", là thứ Ngộ đạo mà Irénée đã lên tiếng chống lại phái Ngộ đạo này, khi sát nhập Kitô giáo, đã tự cho mình mới là người biểu lộ Kitô giáo trong sự thuần khiết của nó. Vả lại, người ta nhận thấy nơi các phái Ngộ đạo, dù là theo Kitô giáo hay không, có những luận thuyết hết sức khác biệt nhau. Tuy nhiên, cái nhìn của chúng vẫn luôn luôn là sự đối lập giữa hai thế giới. Và do đó, trong các phái đạo theo Kitô giáo, họ không nhìn nhận vị Chúa thần linh nơi Đức Yêsu nhân trần, nơi Đấng chịu đóng đinh, cũng như không nhìn nhận Giáo Hội đích thực nơi cộng đoàn hữu hình, cơ chế của Giáo Hội Công Giáo.

Các luận đề lớn của ngộ đạo sẽ xuất hiện nơi học thuyết Manichée khởi từ thế kỷ III, và sẽ tiếp tục xuất hiện dọc theo các thời đại, chẳng hạn nơi phong trào Cathres hoặc Albigeois trong thời Trung cổ.

 

 

Là mục tử, Irénée hết sức nhạy cảm với sự tuyên truyền tích cực và khéo léo của các giáo phái trong các môi trường Kitô giáo, và là nhà thần học, Ngài cũng hết sức nhạy cảm với việc chính nền tảng đức tin bị đặt thành vấn đề bởi Ngộ đạo: nó dẫn tới tất cả những chia cắt hủy hoại - chia cắt giữa Thiên Chúa Tối cao và Đấng Sáng tạo, giữa công trình tạo dựng và công trình cứu độ, giữa con người và vũ trụ, giữa thân xác và linh hồn, giữa Cựu Ước, công trình của Đấng Sáng Tạo, và Tân Ước, mạc khải duy nhất của Chúa Cha. Nó đụng tới cả bản chất cứu độ: vong thân đích thực của con người là ở chỗ nào? Phải chăng chỉ duy có tri thức mới cứu thoát? Đâu là ý nghĩa của đời sống luân lý, của đời sống bí tích?. Hữu thể nhân linh phải chăng chỉ là bãi chiến trường của cuộc chiến siêu việt giữa Thiện và Aùc, và phải chăng Đức Kitô, Đấng Cứu độ, từ trời cao nhảy dù xuống trần gian này mà chẳng liên lụy gì với trần thế, và vai trò chính của Ngài chỉ là Đấng mạc khải của Ngộ đạo?. Nhập thể và mầu nhiệm Vượt qua mất hết ý nghĩa. Ngay cả nguồn mạch của đức tin cũng ra hư hoại vì nó không còn ở trong truyền thống Giáo Hội giải thích Thánh Kinh nữa, mà là trong truyền thống và các kinh thư bí mật của phái Ngộ đạo.

Bấy nhiêu vấn đề thường xuyên nằm trong chân trời tư tưởng của Irénée và đã đưa Ngài đến chỗ hình thành một nhãn quan ăn rễ sâu trong các thư Phaolô nhưng đồng thời có những nét độc đáo và đặc sắc riêng của nó.

 

MỘT HỆ THỐNG NGỘ ĐẠO

Giáo thuyết của Basilide (Ngộ đạo ở Alexandrie), do Irénée mô tả (Chống Ngộ đạo I, 24, 3-5).

 

"Theo ông ta, từ Chúa Cha không được sinh ra, trước tiên Trí Tuệ được sinh ra, rồi từ Trí Tuệ sinh ra Logos, từ Logos sinh ra Minh Triết, rồi từ Minh Triết sinh ra Khôn Ngoan và Sức mạnh, từ Sức mạnh và Khôn Ngoan sinh ra Đức hạnh, các Hữu Thể Thượng Đẳng (Archontes) và các Thiên Thần mà ông gọi là các Thiên Thần đệ nhất và do các vị này mà trời thứ nhất được dựng nên. Rồi, do lưu xuất từ cac thiên thần đó, những thiên thần khác ra đời, và đã dựng nên trời thứ hai tương tự như trời thứ nhất. Cũng thể cách như thế, những thiên thần khác nữa. đã làm ra trời thứ ba. Rồi từ hạng thiên thần đệ tam này, một hạng thứ tư phát xuất, cấp thấp hơn và cứ thế tiếp tục. Theo cách đó, các hạng Hữu thể thượng đẳng và các thiên thần nối tiếp nhau xuất hiện và cho đến 365 tầng trời. Chính vì lẽ này mà có cùng con số ngày trong năm, hợp với số các tầng trời.

Các thiên thần ở tầng trời bên dưới, tầng trời mà chúng ta nhìn thấy, đã tạo nên tất cả những gì trần gian chứa đựng và chia sẻ với nhau mặt đất và các quốc gia trên đất. Vị Tổng lãnh Thiên Thần này được coi như là Thiên Chúa của người Do Thái. Vị này, vì muốn đặt mọi dân tộc khác dưới tay người của mình, nghĩa là người Do Thái, đã bị các Hữu thể thượng đẳng khác đứng lên đánh lại. Cũng vì lẽ đó mà các dân tộc khác đứng lên chống lại dân tộc Do Thái. Bất giờ Chúa Cha, Đấng không được sinh ra, không thể gọi tên, nhìn thấy sự gian ác của Hữu thể thượng đẳng, đã sai phái Trí Tuệ, Trưởng tử của Người - chính là Đấng mà người ta gọi là Kitô - để giải thoát những ai tin vào Ngài khỏi ách thống trị của nhữngTác giả tạo nên thế gian này. Ngài xuất hiện nơi các dân tộc của các Hữu thể Thượng đẳng, trên trần gian, dưới hình dạng một con người và Ngài thực hiện những việc lạ lùng. Bởi thế, chính Ngài không chịu khổ nạn, nhưng một Simon de Cyréné nào đó đã bị trưng dụng và đã vác thập giá thay cho Ngài. Và chính Simon, vì không biết và lầm lạc, đã bị đóng đinh.

Vậy kẻ nào "biết" điều đó thì được giải thoát khỏi các Hữu thể Thượng đẳng, tác giả của thế giới này. Và người ta không cần tuyên xưng những kẻ đã bị đóng đinh, nhưng là Đấng đã đến dưới hình dạng con người, ra vẻ bị đóng đinh, được gọi là Giêsu, và đã được Chúa Cha sai đến để triệt hạ những công trình của các Tác giả tạo thành thế giới, nhờ "nhiệm cục" đó. Basilide nói: Nếu ai tuyên xưng Đấng-bị-đóng-đinh, kẻ đó còn đang là nô lệ và ở dưới sự thống trị của những kẻ đã tạo nên các thân xác; nhưng người nào chối bỏ Đấng ấy, người đó được giải thoát khỏi quyền lực của họ và nhận biết "nhiệm cục" của Chúa Cha, Đấng-không-được-sinh-ra.

Cứu độ chỉ dành cho linh hồn, vì thân xác tự bản tính là hư hoại.

(Sources Chrétiennes, No. 264, p. 327-329)

 

 

 

NHỮNG KHÍA CẠNH CỦA MỘT THẦN HỌC CƠ BẢN

 

Suy tư và luận chứng của Irénée xoay quanh những trục lớn, và có thể coi như là những căn bản tư tưởng của Ngài.

Đứng trước những lập luận vừa tùy tiện, vừa kỳ bí của ngộ đạo, thần học của Ngài là một thần học về "truyền thống" Giáo Hội theo nghĩa năng động của từ Hy Lạp (Paradosis): Truyền thống là sự thông truyền đức tin cách sống động, đồng thời là sự thông truyền công khai, theo cơ chế vì được bảo đảm bằng sự "kế tục" của Giám Mục đoàn kể từ thời các Tông Đồ; chính trong truyền thống sống động này mà chúng ta tiếp nhận Thánh Kinh chính thực. Về điểm này, chứng từ của Justin có tính chất quyết định vì nó đề ra những yếu tố căn bản giúp biện biệt giáo lý; chúng ta có thể tìm thấy tiếng vọng của chứng từ ấy trong Hiến chế về Mạc Khải (Dei Verbum) của Công Đồng Vatican II.

Đứng trước quan niệm nhị nguyên của Ngộ Đạo, thần học của Irénée là một thần học về "Tính duy nhất" trên rất nhiều bình diện và theo một ý nghĩa đặc biệt phù hợp với các vấn đề đặt ra: Đó là sự bác bỏ mọi chia cắt mà ngộ đạo thuyết chủ trương. Tính duy nhất của Thiên Chúa và của công trình của Ngài. Kính Tin Kính mà chúng ta đọc trong phụng vụ hầu như lấy lại các kiểu nói của Irénée: Chỉ một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng mọi vật mọi loài, vật chất và thiêng liêng, hữu hình và vô hình, nhờ Con và Thánh Thần. Một chương trình duy nhất của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ vì con người và tạo dựng con người là để kết hiệp với Thiên Chúa; một mục đích duy nhất mà Đấng Tạo dựng theo đuổi từ khởi nguyên, bất kể tội lỗi của con người, và Đức Kitô đảm nhận tạo vật để đưa tạo vật tới đích mà ngay từ đầu Thiên Chúa đã nhằm đến. Vì thế, có sự duy nhất của Mạc khải trong hai Giao Ước. Sự duy nhất của Đức Kitô, Đấng mà qua việc nhập thể, đã thực hiện thực sự nới chính hữu thể mình ("Thiên Chúa thật" và "người thật") sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người. Cuối cùng là tính duy nhất của hữu thể con người, thần xác và linh hồn, ơn cứu độ nhắm đến toàn thể bản tính con người, cũng giống như các bí tích dùng các yếu tố "lấy từ trong tạo vật" thánh hóa toàn diện con người.

Cuối cùng, đứng trước thần học ngộ đạo, có thể nói thần học của Irénée là một thần học, dù chưa hoàn bị, về lịch sử cứu độ, một ơn cứu độ được thực hiện không phải bên ngoài không gian và thời gian của chúng ta, cho dù nó dẫn vào một thế giới khác, nhưng là ơn cứu độ được Thiên Chúa chuẩn bị và đã thực hiện trong thời gian, qua những giai đoạn liên tiếp và tiệm tiến (đó là giải đáp của Irénée cho những vấn nạn nêu ra về sự tương phản giữa hai giao ước. Irénée dứt khoát loại bỏ cám dỗ giản lược Mạc khải thành một tri thức phi thời gian và cứu độ thành một biến thể của sự "trở về muôn thuở" (retour éternel), trong đó không có chỗ cho vai trò của thời gian và lịch sử.

Một chủ đề khác được Irénée ưa thích, vừa liên quan, vừa diễn tả lại tất cả những điều trên bằng một ngôn ngữ khác: Đó là chủ đề "thâu họp" (récapitulation) vạn vật trong Đức Kitô. Đức Kitô thực hiện ơn cứu độ bằng cách thâu họp (từ ngữ này đã có nơi thánh Phaolô), nghĩa là thâu lại, họp lại và hoàn tất nhân loại và lịch sử nhân loại nơi chính mình Ngài, nhất là những biến cố nguyên thủy dựa theo sự song đối (parallélisme antithétique) giữa Đức Kitô và Ađam, Maria và Eva. Cũng thế, Đức Kitô thâu họp nơi mình Ngài toàn bộ thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi: Đây là một cách để loại bỏ mọi thuyết ảo thân. Như thế, Irénée đã đặt những nền tảng cho sự đánh giá hết sức tích cực về tạo dựng, về các thực tại trần thế, về Nhập Thể như là con đường cứu độ. Ngài nhận thức rất rõ mối liên hệ chặt chẽ nối kết các dữ kiện lớn lao của Đức Tin: Việc tạo dựng vạn vật bởi Thiên Chúa, việc nhập thể thực sự của Ngôi Lời vào thế giới tạo vật, việc phục sinh thân xác, sự trung gian của các bí tích Kitô giáo, và tính hữu hình của Giáo Hội, đến nỗi, dưới mắt Ngài, hủy hoại một trong những dữ kiện đó là hủy hoại mọi dữ kiện khác.

 

THÁNH KINH VÀ TRUYỀN THỐNG

 

Truyền thống Tông Đồ là nguồn của Thánh Kinh, các sách Phúc Aâm nằm trong truyền thống đó, và việc lưu truyền được bảo đảm trong Giáo Hội nhờ sự kế tục của các Giám Mục. Những người Ngộ đạo đã thay thế Truyền Thống tông đồ bằng truyền thống riêng của họ.

 

"Chúa của vạn vật đã ban cho các Tông đồ của Người quyền loan báo Tin Mừng, và chính nhờ họ mà chúng ta biết chân lý, nghĩa là giáo huấn của Con Thiên Chúa. Vì chưng không phải nhờ những kẻ khác mà chúng ta biết được nhiệm cục cứu độ; nhưng là nhờ những người mà qua họ Tin Mừng đã đến với chúng ta. Tin Mừng này mới đầu họ rao giảng, sau đó, do thánh ý Thiên Chúa, họ đã truyền lại trong các sách Thánh Kinh, ngõ hầu Tin Mừng đó trở thành nền tảng và cột trụ của đức tin chúng ta. Trong khi chúng ta nại tới Truyền Thống đến từ các Tông Đồ, và là truyền thống được giữ gìn trong Giáo Hội nhờ sự kế tục các Trưởng lão (nghĩa là các Giám Mục) thì họ chống lại Truyền thống đó: Nghĩ mình khôn ngoan hơn các Trưởng lão, thậm chí hơn cả các Tông Đồ, họ chắc rằng mình đã tìm thấy chân lý tinh tuyền, vì lẽ các Tông đồ đã pha trộn những qui tắc của Lề Luật vào trong Lời của Đấng Cứu Thế: và không chỉ các Tông Đồ, mà ngay chính Chúa cũng nói ra những lời lúc thì đến từ vị "Tạo Hóa", lúc thì từ vị "Trung Gian" khi thì từ "Quyền lực tối cao": Còn về phần họ, họ biết được mầu nhiệm bí ẩn cách chắc chắn, không chút nghi ngờ, không mảy may pha trộn và trong tình trạng nguyên tuyền. Và đây quả là lời lộng ngôn phạm thượng trâng tráo nhất đối với Đấng tạo dựng nên họ! Vì thế mới có việc họ không còn nhất trí với các Sách Thánh cũng như với Truyền Thống".

Nếu vạn nhất không có các Sách Thánh do các Tông Đồ soạn đi nữa thì chúng ta vẫn còn truyền thống sống động:

"Giả sử ngay cả việc các Tông Đồ không để lại cho chúng ta các Sách Thánh thì lúc đó chúng ta lại không phải theo trật tự của Truyền Thống mà các Ngài truyền lại cho những ai được các ngài ủy thác Giáo Hội hay sao? Chính đó là trật tự mà rất nhiều dân tộc man di tin vào Đức Kitô đã ưng thuận: Họ được ơn cứu độ, viết không phải bằng giấy mực nhưng là bằng Thánh Thần trong tâm hồn họ và họ giữ gìn chu đáo Truyền Thống cổ xưa, tin vào chỉ một mình Thiên Chúa độc nhất, Đấng tạo dựng trời, đất và tất cả những gì chúng chứa đựng, tin vào Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng, vì tình yêu sung mãn của Ngài dành cho tác phẩm Ngài nắn đúc, đã thuận tình để được sinh ra bởi Đức Nữ Trinh, hầu hiệp nhất con người với Thiên Chúa nơi chính mình Ngài, Đấng đã chịu nạn dưới thời Ponce Pilate, đã phục sinh và được cất lên trong vinh quang, Đấng sẽ đến trong vinh quang với tư cách là Đấng Cứu Độ của những ai sẽ được cứu độ và là Thẩm phán của những kẻ sẽ bị phán xử".

Irénée, Chống lạc giáo III. Lời tựa 1, 2, 4. Dịch theo Sources Chrétiennes n. 211, p. 21, 27-29, 47-49.

 

SỰ NỐI KẾT GIỮA CÁC MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

Thật vô lối, hoàn toàn vô lối, những kẻ bác bỏ tất cả nhiệm cuộc của Thiên Chúa, phủ nhận việc cứu độ thân xác, coi thường việc tái sinh của thân xác, vì cho rằng nó không thể đón nhận sự bất hoại. Nếu không có việc cứu độ thân xác, thì Chúa cũng đã không cứu chuộc chúng ta bằng máu Ngài, chén Tạ Ơn không phải là sự thông hiệp máu Ngài và bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự thông hiệp thân mình Ngài. Vì chưng, máu chỉ có thể trào vọt từ mạch máu, từ xác thịt và từ tất cả những gì làm nên bản thể con người, và chính vì để thực sự trở thành tất cả những điều đó mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta bằng máu Ngài. Và bởi vì chúng ta là chi thể Ngài và được dưỡng nuôi bằng tạo vật - tạo vật mà chính Ngài ban cho chúng ta, qua việc làm cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống tùy theo thánh ý Ngài - Chén, lấy từ tạo vật, Ngài tuyên bố đó là chính máu Ngài, và bánh, lấy từ tạo vật, Ngài đã công bố đó là chính thân mình Ngài, nhờ đó mà thân xác chúng ta được bổ sức.

Vậy, nếu chén đã pha và bánh được làm ra đón nhận lời của Thiên Chúa và trở thành Thánh Thể, nghĩa là Mình và Máu Đức Kitô, và nếu nhờ Mình và Máu đó mà bản thể thân xác chúng ta được bổ sức và nên vững mạnh, làm sao những kẻ đó lại có thể cho rằng thân xác không thể đón nhận ơn sống đời vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Irénée, Chống lạc giáo, V. 2, 2-3, Sources Chrétiennes, n. 153, p. 31-35

 

VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA, LÀ CON NGƯỜI...

Vậy, ngay từ khởi thủy, Con là Đấng Mạc khải Cha, vì ngay từ khởi thủy Ngài đã ở với Cha: các thị kiến của các tiên tri, các ân sủng khác nhau, các thừa tác vụ, việc tôn vinh Cha, tất cả những điều đó, vào thời đã định và vì lợi ích con người, Ngài đã trải ra trước mặt loài người như thể một giai điệu hài hòa, tuyệt tác. Thực vậy, ở đâu có sáng tác, ở đấy có giai điệu; ở đâu có giai điệu, ở đấy có thời đã định, có lợi ích. Vì vậy, Ngôi Lời đã làm người phân phát ân sủng của Cha vì lợi ích nhân loại, vì họ, Ngài đã thực hiện những biến cố cứu độ lớn lao, biểu lộ Thiên Chúa cho loài người và trình diện con người với Thiên Chúa, vừa bảo vệ sự vô hình của Cha, ngõ hầu con người không đi đến chỗ khinh thường Thiên Chúa và để con người luôn luôn phải hành trình tiến về với Người, và đồng thời làm cho Thiên Chúa nên hữu hình trước mắt nhân loại, bằng nhiều hành vi cứu độ, vì e rằng, nếu hoàn toàn thiếu Thiên Chúa, con người có nguy cơ mất đi chính sự hiện hữu. Vì chưng, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự tỏ hiện của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng mà ban sự sống cho mọi vật trên mặt đất thì sự Mạc Khải của Cha nhờ Ngôi Lời còn ban sự sống cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa đến ngần nào!

Irénée, Chống Ngộ đạo IV, 20,7, Dịch theo Sources Chrétiennes, n. 100, p. 647-649

 

 

Mỗi một khía cạnh trong tư tưởng của Irénée đều hàm chứa những viễn tượng đó. Chẳng hạn "nhãn quan" của Ngài về con người. Đối nghịch với mọi quan điểm nhị nguyên bi quan, nhãn quan này đem lại giá trị cho con người cụ thể và vũ trụ của nó, giá trị chỗ đứng của con người trong chương trình của Thiên Chúa, nhất là vai trò nhân tính của Đức Giêsu trong ơn cứu độ. Đó chính là điều được cô đọng trong công thức hay được trích dẫn nhất của Irénée: "Vinh quang của Thiên Chúa, là con người sống", nghĩa là vinh quang của Thiên Chúa tương hợp với sự triển nở "sự sống" của con người. Nhưng Irénée nói thêm: "Sự sống của con người, đó là được nhìn thấy Thiên Chúa" và Ngài còn có một công thức bổ túc: "Vinh quang của con người, chính là Thiên Chúa". Kitô giáo không buộc chọn giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa muốn con người được hoàn tất trong tư cách là người, nhưng sự hoàn tất trọn vẹn chỉ có thể có trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Như vậy, nhân học của Irénée là một cách thức định vị con người trong tương quan với Thiên Chúa, nghĩa là:

Là hữu thể được Thiên Chúa tạo dựng: 

Không phải một tinh thần thuộc thượng giới sa xuống, cũng không phải là một mảnh thần linh, nhưng là một thụ tạo giữa lòng vũ trụ, khác biệt cách tuyệt đối với Đấng Tạo Dựng. "Thiên Chúa làm, con người được làm ra". Con người, với cả linh hồn và thân xác, là công trình của Thiên Chúa: "Những tinh thần không có thân xác sẽ không bao giờ là những con người thần thiêng, nghĩa là những Kitô hữu thành toàn", Irénée gạt bỏ mọi chủ thuyết thần bí phiếm thần, hoặc xuất thể (désincarné), mọi quan niệm tôn con người thành thiên thần (angélisme).

Là hữu thể được tạo dựng "để sống": 

"Với vị Thiên Chúa hằng sống, cần phải có những con người sống" bằng sự sống được thổi vào Adam và được mời gọi triển nở trong sự chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa trong Đức Kitô và Thánh Thần. Theo Irénée, "con người hoàn hảo" là một hữu thể mang ba chiều kích: Thân xác, linh hồn và thần khí, thần khí ở đây là sự tham dự vào Thiên Chúa, đây là ba chiều kích được Đức Kitô phục hồi và sẽ triển nở trong sự phục sinh. Nói cách khác, ơn cứu độ hoàn tất nơi con người, vừa là "hình ảnh" vừa là "họa ảnh" mà theo đó con người đã được dựng nên. "Họa ảnh" ở đây là ơn huệ của Thánh Thần đã mất đi do tội. Trước khi phạm tội, Adam có cả hai, nhưng chỉ mới phôi thai và mong manh, vì lẽ con người là một hữu thể đang tăng trưởng và trở thành.

Là hữu thể đang trở thành

Là tạo vật khác với Thiên Chúa, từ ban đầu, con người là một hữu thể chưa hoàn tất: "Thiên Chúa là. con người trở thành" theo một "luật tăng trưởng", một sự "tiến triển", một "quá trình trưởng thành" nằm trong thân phận con người. Vì vậy, thân phận này hướng đến sự phát triển trên bình diện hiện hữu cá nhân cũng như trên bình diện lịch sử tâm linh của nhân loại, và cuối cùng hướng đến một sự siêu việt. Đôi khi Irénée diễn tả viễn tượng này bằng cách trình bày Adam lúc phạm tội như đang còn trong tình trạng thơ ấu: lúc ban đầu, nhân loại trải qua thời thơ ấu, con người thần thiêng hay hoàn hảo chỉ có thể là kết quả của một sự chín mùi lâu dài. Khi đặt sự hoàn hảo của con người không phải ở khởi điểm nhưng là ở tận điểm lịch sử của nó, viễn tượng này thực sự mới mẻ so với não trạng cổ thời, một não trạng thường coi trọng những gì thuộc về khởi thủy. Chúng ta thấy Mạc khải Thánh kinh và Kitô giáo đã khởi đầu một sự giải thích về con người và về thế giới như thế nào: thể xác, vũ trụ đều liên kết với vận mệnh của con người; thời gian và lịch sử được cảm nghiệm không phải như là điều khiến ta mỏi mòn, mất kiên nhẫn, nhưng như là không gian cho sự chín mùi, trong đó ý định của Thiên Chúa được hoàn thành.

Là hữu thể tự do và có trách nhiệm

Theo Irénée, tự do của hữu thể con người trước vận mệnh của mình là một khía cạnh của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người: con người được tự do như Thiên Chúa là Đấng tự do. Thiên Chúa đã dựng nên con người như thế, "có quyền riêng của mình như là linh hồn mình", và Ngài tôn trọng cách toàn vẹn tự do này. Vậy sự hoàn hảo của con người sẽ không có được nếu con người không thuận theo chương trình của Thiên Chúa. Thế nhưng, khi sử dụng tự do, con người có nguy cơ phạm tội, và thực tế con người đã phạm tội. Tội lỗi không phá vỡ chương trình của Thiên Chúa nhưng làm cho con người không thể tiến tới ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Từ đây, chỉ duy Đức Kitô mới có thể khai thông con đường tiến tới này. Hành động của Thiên Chúa, vì nhắm tới một hữu thể tự do, đang trở thành, sẽ là một giáo dục nhân loại từng bước: đề tài "đường lối sư phạm" của Thiên Chúa là một chủ đề cổ điển nơi các Giáo Phụ, một đàng, nó nói lên sáng kiến của Thiên Chúa, đàng khác, nói lên sự tôn trọng tự do của thụ tạo và những giai đoạn cần thiết của hành trình đi tới. Ngôi Lời và Thần Khí, "hai bàn tay" của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, là những tác viên của đường lối sư phạm này qua dòng lịch sử. Ở đây, Irénée tiếp nối những quan điểm của justin về sự hiện diện và hoạt động phổ quát của Ngôi Lời.

Như ta thấy, tư tưởng của Irénée, tuy được diễn tả trong một ngôn ngữ còn ít chuyên môn, nhưng là một tư tưởng hết sức tích cực, năng động và dù có một khoảng cách lịch sử, nó phù hợp với ý tưởng của khoa học ngày nay về nguồn gốc con người nhiều hơn là với các thần học phát sinh sau thời Irénée, và có khuynh hướng coi Adam như nguyên mẫu đã thành toàn của hữu thể con người. Irénée là một trong những Giáo Phụ mà con người thời nay dễ "đồng cảm" hơn cả.

 

CON NGƯỜI, MỘT HỮU THỂ

MANG BA CHIỀU KÍCH

"Con người hoàn hảo, đó là sự hòa lẫn và là sự kết hợp của linh hồn đã đón nhận Thần Khí của Cha và được hòa trộn với thân xác, được nắn đúc theo hình ảnh Thiên Chúa. Ba điều đó phải được phục hồi và kết hợp lại và chỉ có một và cùng một ơn cứu độ cho chúng. Vì chưng, những tinh thần không có thân xác sẽ không bao giờ là những người thần thiêng, nhưng chính bản thể của chúng ta, nghĩa là hợp thể linh hồn và thân xác, một khi đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa, mới làm nên con người thần thiêng".

Irénée, Chống lạc giáo, V.6.1:8.2, Sources Chrétiennes, n. 153, p. 73, 79-81.91

 

SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA CON NGƯỜI

Ở đây, hẳn người ta sẽ bác bẻ: Sao? Thiên Chúa lại không thể làm ra con người hoàn hảo ngay từ khởi thủy ư? Hãy biết rằng, đối với Thiên Chúa, Đấng, luôn luôn đồng nhất với chính mình và là Đấng bất thụ tạo, thì mọi sự đều có thể, nếu chỉ xét về phía Ngài. Nhưng các hữu thể thụ tạo, xét rằng chúng chỉ khởi đầu hiện hữu là nhờ đón nhận về sau, nên tất yếu chúng thấp hơn Đấng đã dựng nên chúng. Vì không phải là những hữu thể bất thụ tạo, chúng ở bên dưới sự hoàn hảo: vì, xét rằng chúng mới được tạo thành, chúng là những trẻ nhỏ và, xét là những trẻ nhỏ, chúng chưa quen cũng như chưa già dặn trong đời sống hoàn hảo. Về phần Thiên Chúa, Ngài có thể ban sự hoàn hảo cho con người ngay từ đầu, nhưng con người không có khả năng đón nhận vì mới chỉ là một em bé. Và cũng vì thế, Chúa chúng ta, trong thời sau hết, khi Ngài thâu họp mọi sự nơi Ngài, sẽ đến với chúng ta, không phải như Ngài có thể, nhưng như chúng ta có thể nhìn thấy Ngài: quả vậy, Ngài hẳn có thể đến với chúng ta trong vinh quang khôn tả của Ngài, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ khả năng chịu nổi sự lớn lao của vinh quang Ngài.

Đó là trình tự, đó là nhịp độ, đó là tiến trình qua đó con người thụ tạo và được nắn đúc trở thành theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa bất thụ tạo: Chúa Cha quyết định và điều khiển. Chúa Con thi hành và nắn đúc, Thánh Thần nuôi dưỡng và làm tăng trưởng, con người tiến bộ dần dần và vươn đến sự hoàn hảo, nghĩa là đến gần Đấng bất thụ tạo, vì chỉ có Đấng bất thụ tạo mới hoàn hảo, và Đấng đó là Thiên Chúa. Về phần con người, tiên vàn nó phải được dựng nên, khi đã trưởng thành thì nó tăng bội, khi tăng bội thì nó nên mạnh mẽ, khi đã nên mạnh mẽ thì nó được tôn vinh và cuối cùng khi đã được tôn vinh thì nó nhìn thấy Chúa của mình: vì chưng, ngày kia nó phải được nhìn thấy Thiên Chúa, và việc nhìn thấy Thiên Chúa mang lại sự bất hoại và "sự bất hoại cho ta được ở bên Thiên Chúa".

Irénée, Chống Ngộ đạo IV, 38,1và 3, Sources Chrétiennes, n. 100, p. 943-947; 955-957

 

KITÔ HỮU CON NGƯỜI ĐỨNG THẲNG

Tự do của con người

(Khi lên án tội ngay cả trong sự ao ước, Đức Kitô): "qua đó muốn dạy chúng ta hiểu rằng, chúng ta phải trả lẽ cho Thiên Chúa không những về các hành vi của mình, như những kẻ nô lệ, mà còn cả về những lời lẽ và tư tưởng của chúng ta, như những người đã lãnh quyền tự do nhất là vì chính trong sự thực thi quyền đó mà ta nghiệm ra con người có kính trọng và yêu mến Chúa hay không: Chính vì vậy Phaolô nói rằng chúng ta có tự do không phải để che đậy ác tâm của mình, nhưng là để đức tin của chúng ta được thử luyện và hiện tỏ".

Việc hiến dâng của lễ trong Giáo Hội là hiến dâng của những con người tự do lên Thiên Chúa, theo Irénée đây là điểm phân biệt giữa lễ dâng của Giáo Hội với các lễ dâng của Cựu Ước.

"Xét về giống (genre) các lễ tế đã không bị hủy bỏ, ở kia có lễ tế thì ở đây cũng có; có những hy tế trong dân, thì trong Giáo Hội cũng có như thế. Chỉ duy về loại là thay đổi: không còn phải là những nô lệ, mà là những con người tự do hiến dâng của những kẻ nô lệ có một đặc tính riêng và lễ tế của những người tự do có một đặc tính riêng, ngõ hầu, dấu đặc trưng của tự do cũng được tỏ lộ ngay trong việc dâng lễ: vì, không một điều gì là vô ích hay vô nghĩa đối với Ngài".

Con người tự do như Thiên Chúa là Đấng tự do

"Lời nói: "Đã bao lần ta muốn tập họp con cái các ngươi và các ngươi đã không muốn" minh họa rất rõ luật xa xưa về tự do của con người. Vì chưng, Thiên Chúa dựng nên con người tự do, ngay từ ban đầu đã có quyền tự chủ thuộc về mình, giống như linh hồn thuộc về mình, để nghe theo lời khuyên của Thiên Chúa cách tự nguyện và không bị cưỡng ép. Quả vậy, không có sự cưỡng bách về phía Thiên Chúa, nhưng nơi Ngài luôn luôn có lời khuyên tốt lành. Và vì vậy, một đàng, Ngài ban lời khuyên cho mọi người, đàng khác, Ngài đặt vào con người    quyền lựa chọn, như Ngài đã từng thực hiện đối với các thiên thần, vì các thiên thần cũng là loài có lý trí.

Con người tự do ngay từ ban đầu, vì Thiên Chúa cũng là Đấng tự do, và con người đã được dựng nên giống như Ngài; vì thế con người luôn được khuyên hãy giữ điều lành, điều này được thực hiện nhờ sự tuân phục đối với Thiên Chúa."

Irénée, Chống Ngộ đạo IV, 16.5; 18.2; 37.1 và 4, Sources Chrétiennes, n. 100, p.573-574; 599. 919-921, 933.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt