LUẬN VĂN THI TỐT NGHIỆP CỦA K. MARX VỀ TÔN GIÁO
SỰ THỐNG NHẤT CỦA NHỮNG NGƯỜI THEO ĐẠO VỚI CHÚA CRI-XTÔ THEO KINH PHÚC ÂM CỦA THÁNH GIOAN, CH.15, ĐIỀU 1-14, NGUYÊN NHÂN VÀ THỰC CHẤT, SỰ CẦN THIẾT TUYỆT ĐỐI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ*
KARX MARX
Trước khi xem xét nguyên nhân, thực chất và ảnh hưởng của sự thống nhất của Chúa Cri-xtô với những người theo đạo, chúng ta phải xác định xem có cần sự thống nhất ấy hay không, nó có do bản tính con người quy định hay không, con người có khả năng độc lập đạt được mục đích mà vì nó, Chúa đã tạo ra con người từ cõi hư vô hay không.
Nếu nhìn vào lịch sử, người thầy vĩ đại này của loài người, chúng ta sẽ thấy trong đó ghi khắc rằng mọi dân tộc, ngay cả khi nó đã đạt được mức độ văn hoá cao nhất, nếu trong dân tộc ấy có những người vĩ đại nhất được sinh ra, nếu các nghệ thuật của dân tộc ấy đã đạt được sự phát triển hết sức rực rỡ, nếu các khoa học đã giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, - mặc dù tất cả những điều đó, dân tộc ấy không thể trút bỏ khỏi mình những xiềng xích mê tín, rằng dân tộc ấy không có khái niệm đích thực và xứng đáng cả về bản thân mình lẫn về các đấng thần linh, rằng trong dân tộc ấy cả đạo đức lẫn tinh thần đều không bao giờ thoát khỏi những sự thêm thắt của người khác, khỏi những hạn chế không cao cả, rằng ngay cả những đức hạnh của dân tộc ấy do sức mạnh thô bạo, do thói ích kỷ không kiềm chế được, do lòng khao khát vinh quang và do những hành động mạnh dạn tạo ra hơn là do ý nguyện vươn tới sự hoàn thiện chân chính.
Còn những dân tộc cổ đại, những người mông muội chưa nhận thức được học thuyết của Chúa Cri-xtô, thấy bất an trong lòng, thấy sợ hãi bị các thánh thần nổi giận, thấy niềm tin nội tâm đinh ninh rằng mình bị ruồng bỏ và mang lễ vật đến cho các thánh thần của mình, hy vọng bằng cách đó chuộc được tội lỗi của mình.
Ngay cả Pla-tôn thần thánh, nhà thông thái vĩ đại nhất thời cổ đại, ở nhiều chỗ cũng bày tỏ sự buồn phiền sâu sắc về sinh vật tối cao mà sự xuất hiện của nó sẽ thoả mãn ước vọng chưa được thoả mãn muốn vươn tới ánh sáng và chân lý.
Như vậy, lịch sử các dân tộc cho chúng ta thấy sự cần thiết của sự thống nhất với Chúa Cri-xtô.
Nhưng cả khi chúng ta xét lịch sử của một người riêng lẻ, bản tính của con người, chúng ta tuy có thấy trong ngực người ấy tia lửa thần thánh, niềm say mê cái thiện, khát vọng nhận thức, nỗi buồn nhớ chân lý, nhưng ngọn lửa ước vọng thậm chí ngấu nghiến tia lửa của cái vĩnh cửu: tiếng nói cám dỗ của tội lỗi át đi cái khát vọng vươn tới đức hạnh, khát vọng đó bị khinh bỉ quẳng đi khi cuộc sống cho chúng ta cảm thấy toàn bộ quyền lực của mình. Khát vọng thấp hèn hướng tới lợi ích trần gian lấn át khát vọng nhận thức, nỗi buồn nhớ chân lý bị tiếng nói vỗ về của sự dối trá át đi, và bằng cách ấy con người, sinh vật duy nhất trong giới tự nhiên không đạt được mục đích của mình, thành viên duy nhất trong toàn vũ trụ không xứng đáng với Chúa, người đã tạo ra con người. Nhưng tạo hoá tốt bụng không thể ghét cái mình sáng tạo ra; Người muốn nâng cao lên bằng mình và đã cử người con trai của mình và qua người con trai ấy đã báo cho chúng ta:
"Các ngươi đã được trong sạch nhờ lời ta giảng dạy cho ngươi" (Gioan, 15, 3).
"Các ngươi hãy ở trong ta, và ta ở trong các ngươi" (Gioan, 15,4).
Sau khi chúng ta đã thấy lịch sử của các nhân vật và những điều suy ngẫm của những cá nhân riêng lẻ chứng minh sự cần thiết thống nhất với Chúa Cri-xtô, giờ đây, chúng ta xét đến bằng chứng cuối cùng và khó khăn nhất, đó là bản thân lời của Chúa Cri-xtô.
Vậy ở đâu Người biểu hiện rõ hơn sự cần thiết thống nhất với Người nếu không phải ở sự so sánh tuyệt vời với dây nho và cành nho, nơi Người gọi mình là dây nho, gọi mọi người là cành nho. Cành tự nó không thể mang lại quả, cũng như các ngươi, Cri-xtô nói, không thể làm được gì nếu không có ta. Người phát biểu càng mạnh hơn về điều này khi nói:
"Ai không ở trong ta" v.v. (Gioan, 15, 4, 5, 6).
Trong khi đó, điều ấy cần phải hiểu chỉ đối với những người đã có thể nhận biết lời của Chúa Cri-xtô. Vì chúng ta không thể xét đoán những quyết định của Chúa về những dân tộc khác, vì chúng ta thậm chí cũng không hiểu nổi Người.
Trái tim, lý trí, lịch sử của chúng ta, lời của Chúa Cri-xtô nói to và đầy sức thuyết phục với chúng ta rằng sự thống nhất với Người là tuyệt đối cần thiết, rằng không có Người thì chúng ta không thể đạt được mục đích của mình, rằng không có Người thì chúng ta sẽ bị Chúa ruồng bỏ, rằng chỉ có Người là có thể cứu vớt chúng ta.
Thấm sâu niềm tin rằng sự thống nhất ấy là tuyệt đối cần thiết, chúng ta muốn biết vậy món quà tặng cao cả này là gì, tia sáng ấy từ các thế giới cao xa đi vào trái tim chúng ta, khích lệ nó, và đưa chúng ta, những người đã trở nên tươi tỉnh, lên trời, - thực chất và nguyên nhân nội tại của nó là gì?
Một khi chúng ta đã hiểu sự cần thiết phải thống nhất, thì nguyên nhân của nó, đòi hỏi của chúng ta cần được cứu rỗi, bản tính chúng ta có khuynh hướng ngả về tội lỗi, lý trí đang dao động của chúng ta, trái tim hư hỏng của chúng ta, việc chúng ta bị ruồng bỏ khỏi Chúa là rõ ràng đối với chúng ta, và chúng ta chẳng cần tìm nguyên nhân của nó làm gì nữa, dù cho nguyên nhân đó là như thế nào.
Nhưng ai có thể diễn đạt bản chất của sự thống nhất hay hơn là Cri-xtô đã làm trong việc so sánh dây nho với cành nho? Ai có thể mô tả trong những luận văn dài tất cả mọi bộ phận, bộ phận thầm kín nhất của sự thống nhất ấy một cách toàn diện như vậy, nếu không phải là bản thân Cri-xtô bằng những từ:
"Ta là dây nho đích thực, còn cha ta là người trồng nho" (Gioan, 15,1).
"Ta là dây nho, còn các ngươi là cành nho" (Gioan, 15, 5).
Nếu cành cây có thể cảm nhận được, nó sẽ nhìn một cách thật vui vẻ người làm vườn đã chăm sóc nó, cẩn thận dọn sạch cỏ dại quanh nó và buộc chặt nó vào dây, qua đó mà nó đưa thức ăn và nhựa đi nuôi những bông hoa đẹp.
Trong sự thống nhất với Chúa Cri-xtô, chúng ta trước hết hướng những ánh mắt trìu mến tới Chúa, cảm thấy lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Chúa, chúng ta vui sướng quỳ trước Chúa.
Rồi sau đó, khi nhờ sự thống nhất của chúng ta với Chúa Cri-xtô, đối với chúng ta, mặt trời sẽ mọc sáng hơn, khi chúng ta cảm thấy toàn bộ thân phận bị ruồng bỏ của chúng ta, đồng thời chúng ta sẽ hân hoan vì được cứu rỗi, chỉ khi ấy chúng ta mới có thể yêu mến vị chúa mà trước đây chúng ta cảm thấy là vị chúa tể cáu giận, còn giờ đây là người cha rất mực độ lượng,người thầy đôn hậu.
Nhưng cành nho không chỉ cần người trồng nho mà thôi, nếu cành nho có thể có cảm giác, nó sẽ bám chặt vào dây nho, nó sẽ cảm thấy gắn bó hết sức chặt chẽ với những dây nho và với những cành mọc ra từ dây nho, do vậy sẽ yêu mến những cành khác vì đều là cùng một người trồng nho chăm sóc cùng một thân cây cho chúng sức mạnh.
Như vậy, sự thống nhất với Chúa Cri-xtô là ở chính sự giao tiếp chặt chẽ và sinh động với Người, là ở chỗ chúng ta luôn luôn có Người trước mắt và trong trái tim chúng ta, và thấm sâu lòng mến yêu hết sức lớn lao đối với Người, chúng ta đồng thời hướng trái tim tới những người anh em của chúng ta mà Người đã gắn chặt họ với chúng ta, vì họ mà Người cũng đã hy sinh thân mình.
Nhưng lòng mến yêu ấy đối với Chúa Cri-xtô không phải không có kết quả, nó không chỉ làm cho chúng ta tràn đầy sự tôn sùng và kính trọng vô cùng trong trắng đối với Người, mà còn dẫn tới chỗ chúng ta tuân thủ những di huấn của Người, hy sinh mình cho nhau, là những người đức hạnh, nhưng đức hạnh chỉ vì mến yêu Người (Gioan, 15, điều 9, 10, 12, 13, 14).
Đó là vực thẳm to lớn ngăn cản đức hạnh Cơ đốc giáo với mọi đức hạnh khác và nâng nó lên cao hơn mọi đức hạnh khác, đó là một trong những hành động lớn lao nhất làm nảy sinh trong con người sự thống nhất với Chúa Cri-xtô.
Ở đây, đức hạnh không còn là con quái vật đen tối như triết học khắc kỷ mô tả nó; nó không phải là con đẻ của học thuyết khắc nghiệt về bổn phận mà chúng ta gặp ở tất cả các dân tộc đa thần giáo, nhưng những điều nó làm thì nó làm vì yêu mến Chúa Cri-xtô, vì yêu mến sinh linh thần thánh, và thoát thai từ cái nguồn thuần khiết đó, nó thoát khỏi mọi cái trần tục và nó thật là thần thánh. Mọi mặt có tác dụng xua đuổi không còn nữa, tất cả mọi cái trần tục ra đi, mọi cái thô kệch đều mất đi, và toàn bộ đức hạnh được cải biến, đồng thời trở nên mềm dịu hơn và có tính người hơn.
Chưa bao giờ lý trí con người có thể mô tả đức hạnh theo cách như vậy, đức hạnh của lý trí con người bao giờ cũng vẫn là đức hạnh có hạn, trần tục.
Sau khi đạt tới đức hạnh ấy, sự thống nhất ấy với Chúa Cri-xtô, con người sẽ lặng lẽ và bình thản chờ đợi những đòn đánh của số phận, sẽ anh dũng đứng vững chống bão tố đam mê, sẽ dũng cảm chịu đựng cơn thịnh nộ của cái ác, vì ai đè nén nổi nó, ai có khả năng tước lấy của nó vị Chúa cứu thế của nó?
Con người biết rằng tất cả những cái con người cầu xin đều sẽ được cho, vì con người chỉ xin về sự thống nhất với Chúa Cri-xtô, do đó, chỉ về cái thần thánh, và lời mà Chúa cứu thế tự mình thông báo ấy sẽ không nâng cao và không an ủi ai đây? (Gioan, 15, 7).
Và ai sẽ không vui lòng chịu đựng đau khổ khi biết rằng sự kính trọng đối với chính Chúa được biểu hiện bằng việc mình ở trong Chúa Cri-xtô, bằng việc làm của mình, rằng sự hoàn hảo của chúa tôn cao ngôi vị chúa tể thế giới? (Gioan, 15, 8).
Như vậy, sự thống nhất với Chúa Cri-xtô đang tôn cao trong ý nghĩ thầm kín, an ủi trong đau khổ, làm yên lòng và trao trái tim đã mở ra trước tình yêu của con người cho tất cả những cái vĩ đại, cao thượng không phải vì hám danh, không phải vì khát vọng vươn tới niềm vinh quang, mà chỉ vì Chúa Cri-xtô. Như vậy, sự thống nhất với Chúa Cri-xtô đem lại niềm vui mà một người thuộc phái Ê-pi-quya hoài công cố gắng tìm trong triết học hời hợt của mình, một nhà tư tưởng sâu sắc hơn thì cố gắng tìm trong những tầm sâu ẩn kín của tri thức, niềm vui mà chỉ có trái tim con trẻ chất phác được liên kết với Cri-xtô và thông qua Cri-xtô với Chúa, là biết đến, và, niềm vui ấy làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn và cao thượng hơn (Gioan, 15, 11).
Do C. Mác viết ngày 10 tháng Tám năm 1835. Công bố lần đầu trong ấn phẩm: "Archiv fỹr die Geschichte des Sozialismus und der arbeiterbewegung Jg.11, Leipzig, 1925. |
In theo bản viết tay Nguyên văn là tiếng Đức |
Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 40. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn
* Tác phẩm này đã được thầy giáo Kiu-pơ đánh giá ngày 17 tháng Tám 1835 như sau: "Phong phú về tư tưởng, cách trình bày xuất sắc và mạnh mẽ, đáng được khen ngợi, mặc dù bản chất của sự thống nhất, mà ở đây nói tới, chưa được xác định rõ ràng, nguyên nhân của nó chỉ đề cập từ một phía, còn tính tất yếu của nó thì chứng minh chưa đầy đủ".-
Ý KIẾN BẠN ĐỌC