Triết học tôn giáo

Ludwig Feuerbach và quan niệm vô thần mới

 

LUDWIG FEUERBACH

VÀ QUAN-NIỆM VÔ-THẦN LỐI MỚI

TRẦN VĂN TOÀN 

 

Vào quãng năm 1965 trở đi, cho đến quãng 10 năm sau, trong lúc phe xã-hội chủ-nghĩa (cộng-sản) ở Đông-Âu còn mạnh, thì vấn-đề vô-thần được đưa ra thảo-luận, sách vở viết ra cũng nhiều[1]. Ngoài bộ Marx-Engels Tác-phẩm toàn-tập (gọi là bộ MEGA), là nền tảng cho chế-độ, nhà cầm quyền Đông-Đức còn đốc-thúc cho thâu lượm và xuất-bản tất cả tác-phẩm của Ludwig Feuerbach.  Đó là điều rất dễ hiểu : họ đã đánh giá đúng vai trò của triết-gia đó, tuy ít người nói đến, nhưng thực sự là ông tổ rất độc-đáo của thuyết vô-thần ngày nay.

Tài-liệu nghiên-cứu về Feuerbach 

Năm 1959-1960, nhà xuất-bản Frommann-Holzboog tại Stuttgart-Bad Cannstadt (Tây-Đức) có cho tái-bản bộ Tác-phẩm toàn-tập (Saemtliche Werke, viết tắt là SW), 10 tập, từ I đến X), mà chính  Feuerbach đã cho xuất-bản từ năm 1846 đến năm 1866, và do Wilhelm Bolin cho in lại vào đầu thế kỷ XX ; sau đó thì năm 1964, lại cho in thêm 3 tập nữa, do Hans Martin Sass sưu tầm : trong tập XI cho in lại hai tác-phẩm theo đúng như chính văn, khi chưa được đưa vào bộ Tác-phẩm toàn-tập ; còn trong tập XII-XIII thì cho in tiểu-sử của Feuerbach do Wilhelm Bolin biên soạn, và các thư từ Feuerbach trao đổi với bạn bè và đồng nghiệp. Về thư-mục thì H. M. Sass  đã kê từ đầu cho đến năm 1964 trong tập XI, trang 341-374, còn từ đó cho đến năm 1973, thì Uwe Schott đã làm sổ thêm trong sách của ông, Die Jugendentwicklung Ludwig Feuerbachs bis zum Fakultaetswechsel 1825[2] (Goettingen, 1973), trang 234-245. Có thể nói như thế là đủ rồi.

Nhưng vào những năm đó, nước Đức còn bị cắt đôi, đi lại trao đổi khó-khăn. Nhà cầm quyền Đông-Đức giao cho Werner Schuffenhauer và nhóm nghiên-cứu của ông[3]  công việc sưu-tầm tác-phẩm của Feuerbach, theo phương-pháp lịch-sử và phê-bình, và từ năm 1967 thì cho xuất-bản bộ Tác-phẩm sưu-tầm (Gesammelte Werke, viết tắt là GW), trù tính tất cả là 16 tập.  So sánh với bộ Tác-phẩm toàn-tập, SW, thì cũng không có nhiều yếu-tố mới lạ. Tuy vậy cũng phải nhận rằng tác-phẩm căn-bản là Bản-chất đạo Thiên-Chúa đã được in ra trong bộ mới GW này năm 1973, theo như bản A, in năm 1841, với đầy đủ những câu, những đoạn đã sửa chữa trong hai bản B và C, in năm 1843 và 1849 ; còn trong bộ cũ SW do Bolin cho xuất-bản thì chỉ có bản C in năm 1849 mà thôi.

Tiếp theo đó thì tại đại-học Heidelberg, hai học-giả Erich Thies (người Đức) và Carlo Ascheri (người Ý) đã sưu-tầm trong văn-khố các bài khóa-trình mà Feuerbach chưa cho in ra, gồm những khóa-trình về Lý-học (Logik), Siêu-hình-học và Lịch-sử triết-học, mà tác-giả đã giảng dạy tại Erlangen từ năm 1829 cho tới năm 1836. Nhà xuất-bản Wissenschaftliche Buchgesellschaft  tại Darmstadt đã cho in ra được ba tập[4].

Về công-trình nghiên-cứu thì người Đức, rồi đến người Ý đã đóng góp nhiều. Nhưng ở khu-vực nói tiếng Pháp thì không có bao nhiêu. Năm 1944 thì Linh-mục Henri de Lubac dành một chương vắn tắt cho Feuerbach trong tác-phẩm Le drame de l’humanisme athée (Thảm-trạng của lập-trường nhân-bản vô-thần). Ít người biết đến những trang nghiên-cứu nghiêm-túc của LM Franz Grégoire (giáo-sư đại học Louvain (Bỉ), chuyên-môn về tư-tưởng Hegel và Marx) viết năm 1947 trong tác-phẩm Aux sources de la pensée de Marx : Hegel, Marx (Trở về nguồn gốc tư-tưởng của Marx : Hegel, Feuerbach). Năm 1957, Henri Arvon viết cuốn Feuerbach ou la Transformation du sacré (Feuerbach và sự biến-hình của yếu-tố thần thánh). Phải chờ khá lâu mới có những tác-phẩm tổng-luận, như của Marcel Xhaufflaire, Feuerbach et la Théologie de la Sécularisation (Feuerbach và thần-học về phong trào tục hóa), 1970, và của Alexis Philonenko, La jeunesse de Feuerbach (1928-1841). Introduction à ses positions fondamentales (Thời-kỳ thanh-niên của Feuerbach . Dẫn nhập vào những lập-trường căn-bản của ông), 1990.

Nếu ở Pháp ít người biết đến Feuerbach thì có lẽ một là vì phần lớn tác-phẩm của ông chưa được phiên-dịch. Năm 1960 có Louis Althusser trích dịch một số bản văn quan-trọng, đề tên chung là Manifestes philosophiques (Những tuyên-ngôn triết-lý). Năm 1973, Jean-Pierre Osier cho xuất-bản bản dịch cuốn Bản-chất đạo Thiên-Chúa . Nói chung thì dịch hay, nhưng cũng có một ít chỗ dịch sai nghĩa và sai chữ, vì dịch-giả không am-tường về tôn giáo và từ-ngữ chuyên môn về tôn-giáo. Phải chờ mãi đến năm 1991 mới có bản dịch cuốn sách đầu tiên (in năm 1831) của Feuerbach, Todesgedanken (Pensées sur la mort le l’immortalité = Những tư-tưởng về cái chết và sự bất-tử ) do Christian Bernier trình-bày, phiên-dịch và dẫn-giải. Một lý-do khác nữa là vì Feuerbach là một nhà tư-tưởng sống ẩn-dật : ông không phải là giáo-sư đại-học như Hegel, ngồi ở Berlin, ‘’nói truyện trên trời dưới đất nghe’’,  cũng không phải là người sáng-lập ra một phong-trào chính-trị, có tham-vọng là ‘’chọc trời quấy nước’’ như Marx. Marx đã được cả một thế-giới cộng-sản cho in, cho dịch và phổ-biến rất rộng, mãi cho đến khi Liên-Xô tan rã mới thôi. Vì thế khi nói tới Feuerbach, người ta thường đem so sánh ông với hai nhân-vật vừa kể trên đây. Một đàng thì người ta bảo rằng tư-tưởng của ông chưa tới được những suy-luận cao-siêu như Hegel, đàng khác thì lại bảo rằng những suy luận lý-thuyết của ông đã bị thực-hành cách-mạng của Marx vượt lên trên từ lâu rồi. Người có cảm-tình lắm với ông thì cũng chỉ cho rằng ông là người bác cầu giữa Hegel và Marx, nhưng họ cũng nói suông thế thôi, chứ chẳng đem ra bằng chứng gì cả.

Ngày nay người ta bắt đầu khám-phá ra tính-cách độc-đáo của Feuerbach, ít là trong phạm-vi triết-lý về tôn-giáo. Trong phạm-vi đó, ông chấm dứt được những suy-luận của Hegel, và cũng trong phạm-vi đó, Marx không có phê-bình gì được ông cả. Đối với người chủ-trương vô-tín-ngưỡng thì việc trở về Feuerbach là trở về nguồn, để tìm cho ra nền tảng lý-thuyết của lập-trường vô-thần. Đối với người có tín-ngưỡng thì tư-tưởng của Feuerbach là một lời cảnh-cáo, đòi họ phải nói lên cho rõ lòng tin của họ có gì là độc-đáo, có gì là đích-thực, vì lý-do là Feuerbach cho rằng chủ-trương vô-thần của ông không phải là để khước-từ đạo Thiên-Chúa, nhưng chính nó mới là đạo Thiên-Chúa đích-thực, chính nó là chân-lý của đạo Thiên-Chúa, chính là chỗ mà đáng lý ra đạo Thiên-Chúa phải tiến tới. Đây mới thực là vô-thần lối mới vậy. Và đây cũng là điểm cần phải bàn luận cho rõ.

Nền tảng của lập-trường vô-thần 

Từ gần hai thế-kỷ, thuyết vô-thần được truyền-bá ở Âu-châu, rồi được một số chính-phủ cộng-sản nhận là quốc-sách và bắt buộc nhân-dân phải học trong nhà trường. Hồi đó Enver Hodja tuyên-bố nước Albania là nước vô-thần thứ nhất trên thế-giới. Nhưng không thấy ai đặt vấn-dề nền-tảng của nó cho đáo-lý. Vì hai lý-do sau đây.           

Lý-do thứ nhất : người ta cho rằng về công-việc phê-bình tôn-giáo, nhất là đạo Thiên-Chúa, thì Feuerbach đã thanh-toán một cách dứt khoát, không ai có thể làm hơn được nữa. Marx là người rất có óc phê-bình, các sách vở quan-trọng của ông thường có chữ ‘’phê-bình’’ trong phụ-đề, thế mà ba năm sau khi cuốn Bản-chất đạo Thiên-Chúa(1841) ra đời, thì Marx viết trên mặt báo là ở Đức người ta đã phê-bình xong tôn-giáo rồi, cho nên từ nay, sau khi đã phê-bình những cái trên trời rồi, thì phải phê-bình những cái ở dưới đất, nghĩa là những chế-độ chính-trị và kinh-tế đang áp-bức con người.

Feuerbach lập-luận thế này : con người có tín-ngưỡng đã tự bóc lột hết những đặc-tính của mình rồi đặt tất cả vào trong một bản-thể vô-biên ở bên ngoài mình, và gọi bản-thể ấy là Thiên-Chúa. Như thế là vong-thân (Entfremdung), nghĩa là đã đánh mất bản-thân hay là quên mất bản thân, mà vẫn không biết là mình làm như thế. Lập-luận ấy làm cho người có tín-ngưỡng ở vào thế bí : nếu đồng ý với Feuerbach, thì tức là nhìn nhận rằng niềm tin của mình thiếu tính-cách chân-thực ; nhưng nếu không đồng ý vì không thấy là đúng, thì Feuerbach lại càng được cuộc, vì ông đã bảo trước là người có tín-ngưỡng tự mình vong-thân mà không thấy, không biết ! Nếu nói về Thiên-Chúa, thì tất-nhiên là phải dùng lời nói và các ý-niệm của loài người, và Feuerbach sẽ vặn lại  rằng một vị Thiên-Chúa mà lại có các đặc-điểm của loài người thì tựu chung cũng chỉ là người ta, hay là nhân-loại mà thôi. Nếu bảo rằng Thiên-Chúa khác xa người ta, và vì thế không thể nói gì được về ngài cả[5], thì còn nói làm gì, vì có liên-can gì đến ta đâu.

Phương-pháp làm việc của Feuerbach là : không có nói với người tín-hữu, không có đối-thoại hay trao đổi gì cả, nhưng chỉ nói về người tín-hữu, vì đã tiên đoán dứt khoát rằng người tín-hữu có cái ý-thức sai lạc ngay từ đầu mà không biết, cho nên có nói cũng vô ích. Phương-pháp này sẽ được ba triết-gia, mà Paul Ricoeur gọi là ‘các ông thày dạy hoài-nghi’, tức là Marx, Nietzsche và Freud sử-dụng. Dùng phương-pháp đó thì bao giờ mình cũng có lý, vì đối phương không được quyền mở miệng. Thực là khác xa truyền thống triết-học Âu-châu, phát nguồn từ phương-pháp đối-thoại của Platôn, và được Descartes tiếp-tục vì lẽ công nhận rằng ai nấy đều có lý-trí như nhau. Đó là phương-pháp độc-đoán : chỉ có mình mình là có lý, còn người khác thì sai lạc ngay từ đầu, mở miệng mắc quai. Dùng nó trong phạm-vi tư-tưởng thì đưa tới lập-trường giáo-điều, khủng-bố tinh-thần ; nhưng dùng nó trong phạm-vi thực-hành lại càng khó chấp nhận hơn, vì nó đưa tới chuyên-chế.  Ai không đồng ý thì một là ngu-dốt, hai là phản-loạn ; ngu-dốt thì phải học-tập cải tạo, phản loạn thì phải trừng-trị. Chắc Feuerbach chưa nghĩ tới những hậu-quả nguy-hại như thế, nhưng suy cho đáo-lý ra thì phương-pháp của ông sẽ phải đi tới chỗ đó.

Có điều là những người dùng phương-pháp đó, nghi-hoặc tất cả mọi người, nhưng không bao giờ nghi-hoặc chính mình, thì dĩ-nhiên là cũng sẽ bị người khác nghi-hoặc, nếu họ không bị bịt miệng. 

Lý-do thứ hai : thời đó người ta không muốn tiếp-tục lý-thuyết nữa, cho nên không muôn bàn cãi thêm về sách phê-bình tôn-giáo của Feuerbach, mà muốn chuyển sang hoạt-động chính-trị. Đó là trường hợp của Marx.

Người ta nhắc đi nhắc lại rằng tư-tưởng của Marx có tính-cách biện-chứng và lịch-sử, nhưng xét lập-trường của Marx về tôn-giáo thì không thấy biện-chứng và lịch-sử là bao nhiêu. Thực ra, đối với Hegel và Feuerbach thì tôn-giáo là hình-thức thứ nhất của cái tự-kỷ ý-thức của con người, tuy là chưa hoàn-hảo vì còn ở trạng-thái vô-thức, nhưng có thể từ đó mà vượt  tới bước sau hoàn-hảo hơn, tức là cái tự-kỷ ý-thức chính hiệu. Tuy rằng tôn-giáo là đánh mất hay là quên mất bản-thân, nhưng không mất hẳn, vì tất cả những cái đó đều có thể vớt lại được. Vì thế Feuerbach cho rằng những đặc-điểm mà người ta gán cho Thiên-Chúa, thì có thể lấy lại được cả và trả lại cho con người. Như thế là Hegel và Feuerbach đã chú trọng vào con đường lịch sử đưa tới quan-niệm mới về con người. Thấy kết-quả đó Marx cho là không cần đi qua giai đoạn tôn-giáo, không cần phủ-nhận tôn-giáo, thì người ta cũng ý-thức được một cách trực-tiếp về vị-trí của mình trong vũ-trụ. Như thế là quên lịch-sử, quên rằng nhân-loại đã suy-nghĩ hàng nghìn năm mới tới lập-trường đó.  Marx cho rằng từ khởi thủy đã như thế, cho nên nếu tôn-giáo có lập-trường trái lại thì phải vứt hẳn đi, chứ không có gì vớt vát được cả. Như thế là thiếu tính-cách biện-chứng.

Có điều đáng ngạc-nhiên là: F. Engels, đồng-chí của Marx, là người không học triết-học ở đại-học như Marx, cho nên khi ông nói về Thiên-nhiên biện-chứng, thì không thấy gì là biện-chứng cả. Ấy vậy mà khi nói về tôn-giáo thì Engels lại có vẻ biện-chứng và lịch-sử hơn Marx. Thực vậy, ông nhận thấy trong cộng-đoàn đầu tiên theo đạo Giêsu Cứu Thế, đã có những ý-tưởng cách-mệnh, những ý-tưởng đó đã bị các giáo-hội đi đôi với chính-quyền làm lu mờ đi, nhưng lại được các giáo-phái thiểu-số đề cao, vì họ nhân danh Tin Mừng của Đức Giêsu đòi cho mọi người được bình-đẳng. Marx thì lại bỏ qua lịch-sử, và cho rằng các nguyên-tắc của đạo Giêsu chỉ là để cho giai-cấp này dùng để áp-bức giai-cấp kia mà thôi, cho nên không cứu vãn gì dược.

Sự-kiện đó làm cho ta hiểu chính-sách của các chế-độ cộng-sản về tôn-giáo có thể theo hai hướng khác nhau : nếu theo Marx, thì phải hoàn-toàn chống lại những người có tín-ngưỡng, nếu theo Engels thì có thể căn-cứ vào lập-trường tranh-đấu cho bình-đẳng của họ để cộng-tác và giúp họ tiến xa hơn, nhưng không động gì đến thần-linh hay Thiên-Chúa nào cả.

Feuerbach và các tín-hữu 

Người có đạo thường không để ý đến vô-thần lối mới của Feuerbach. Theo lối thông thường thì vô-thần chống lại đạo Thiên-Chúa : một bên bảo là có, một bên bảo là không có Thiên-Chúa, tranh-luận không bao giờ xong vì một là đứng ngoài quan-điểm lịch-sử, hai là thường không hiểu từ-ngữ ‘Thiên-Chúa’ hay từ-ngữ ‘có’ theo một nghĩa như nhau. Nhưng từ khi đem lý-luận biện-chứng áp-dụng vào lịch-sử tôn-giáo, thì Hegel trình bày các tôn-giáo như là những hình-thức cụ-thể kế-tiếp nhau để thực-hiện cái ý-niệm tôn-giáo, đi từ những hình-thức đơn-sơ, mâu-thuẫn với nhau, tới những hình-thức vượt lên trên và tổng-hợp được nội-dung các hình-thức trước, và theo như ông nghĩ thì đạo Thiên-Chúa là hình-thức tổng-hợp được tất cả. Cái ưu-điểm của Hegel là thay vì nhìn hiện-tượng tôn-giáo như là những điều tưởng-tượng rời rạc, vô-lý-sự, thì nhận ra rằng ý-hướng tôn-giáo của nhân-loại là một nỗ-lực có một lịch-sử thống-nhất, được thực-hiện qua nhiều dân-tộc và nhiều thời-đại. Về sau này, khi nói về lập-trường của Hegel, thì Marx cho rằng Hegel còn để cho tôn-giáo có chỗ dung-thân trong hệ-thống triết-học của mình và như thế là chưa đáo-lý, nghĩa là chưa đi đến chỗ phủ-nhận tất cả các tôn-giáo, chưa đến chỗ vô-thần thực sự.

Thực ra,  đối với Hegel, tôn-giáo thuộc về phạm-vi của Tinh-thần tuyệt-đối, nhưng mới chỉ là giai-đoạn thứ hai thôi. Vì trong trong giai-đoạn thứ nhất, thuộc về phạm-vi Cảm-giác (Aesthetik), người ta cảm được thực-thể tuyệt-đối trong cái đẹp, đó là thẩm-mỹ (cũng gọi là Aesthetik). Giai-đoạn thứ hai là Biểu-tượng: ở đây người ta dùng các biểu-tượng tôn-giáo để nhằm về thực-thể tuyệt-đối, gọi là Thiên-Chúa. Còn giai đoạn thứ ba là Triết-lý: người ta dùng Tư-tưởng, dùng các ý-niệm để hiểu thấu thực-thể tuyệt-đối, gọi là Tinh-thần tuyệt-đối. Nói thế khác, nhờ có triết-lý của con người (của Hegel), mà thực-thể tuyệt-đối mới ý-thức được về chính mình, mới tới tự-kỷ ý-thức, chứ tôn-giáo thì mới chỉ tới bình-diện biểu-tượng mà thôi. Do đó, tuy Hegel không tuyên-bố rõ ra, nhưng có một số đồ-đệ cho rằng ông đã thành ra vô-thần. Lại có một số khác cho rằng ông là một nhà thần-học đích-thực, đã dùng lý-trí mà hiểu đạo Thiên-Chúa cho đáo-lý. Thực ra đối với Hegel thì tôn-giáo không có mâu-thuẫn với lý-trí, vì cùng có một nội-dung, nhưng chỉ khác là vì ở hai giai đoạn tiến-triển khác nhau.

  Feuerbach muốn dùng biện-chứng của Hegel để đi xa hơn. Nếu đạo Thiên-Chúa tổng-hợp được tất cả các tôn-giáo, thì chỉ cần lật đổ đạo Thiên-Chúa là lật đổ được hết tất cả các tôn-giáo. Vì thế Feuerbach không muốn tốn công phê-bình các tôn-giáo khác làm gì nữa, mà chỉ phê-bình có một đạo Thiên-Chúa mà thôi. Lập-trường vô-thần của ông khác hẳn vô-thần lối thông-thường của đại-chúng, chỉ biết nói là ‘’không’’, khi người ta nói là ‘’có’’. Vô-thần lối mới của ông tế-nhị hơn nhiều : ông không phủ-nhận  hoàn-toàn đạo Thiên-Chúa, trái lại ông cho rằng đạo Thiên-Chúa đã đi trước chỉ đường cho vô-thần. Nhưng thay vì làm như Hegel, lấy cái Tinh-thần tuyệt-đối trong Triết-lý, vẫn có tính-cách trừu-tượng, để vượt lên trên tôn-giáo, thì Feuerbach lấy con người, cụ-thể hơn, làm căn-bản cho tôn-giáo, vì con người mới là mục-đích của tôn-giáo[6].

Nói cho rõ hơn, vô-thần của Feuerbach là thứ vô-thần đến sau đạo Thiên-Chúa. Nó luôn luôn khiêu-khích người theo đạo ấy, đòi phải suy-nghĩ về đức tin của mình, để làm sao cho đời sống đức tin được đích-thực. Feuerbach nhận-định rằng tôn-giáo mới chỉ là tự-kỷ ý-thức cấp thứ nhất của con người, còn triết-lý mới là tự-kỷ ý-thức cấp thứ hai. Ông kết-luận rằng : những điều mà ở cấp thứ nhất, tôn-giáo nói lên về Thiên-Chúa, thì ở cấp thứ hai, triết-lý cho ta biết rằng phải nói về con người mới là đúng.  Vì thế không thể nói như Hegel là không có mâu-thuẫn giữa tôn-giáo và triết-lý: nếu triết-lý làm cho ta tới tự-kỷ ý-thức hoàn-hảo, thì tôn-giáo là tự-kỷ ý-thức chưa hoàn hảo, chưa đạt-thân, nghĩa là còn vong-thân (entfremdetes, aliénée). Từ đây trở đi thì con người mới thật là vị tối cao đối với con người. Marx lấy lại của Feuerbach lập-trường như thế, nhưng lại coi như là sự-kiện hiển-nhiên và lấy đó làm căn-bản đầu tiên, làm khởi-điểm để suy-luận.

Thực ra lập-trường này không phải là hiển-nhiên,  nhưng đó là kết-quả của ba đợt suy-luận và nghiên-cứu, mà Feuerbach đã trình-bày trong ba tác-phẩm: ông tìm cách minh-chứng rằng các đặc-tính mà người ta gán cho Thiên-Chúa thì thực ra là của con người (Xem : Bản-chất đạo Thiên-Chúa, 1841), hay là của thiên-nhiên (Xem : Bản-chất của tôn-giáo, 1851) ; và sau cùng thì Thiên-Chúa hay các thần-linh đều được tạo nên do ước muốn của con người ta mà thôi (Xem : Nguồn gốc các thần-linh, Theogonie, 1857). Như ta biết, Marx không có thắc-mắc hay phê-bình gì về suy-luận của Feuerbach cả.

Một vài nhận xét

 Đối với người tín-hữu, đọc sách của Feuerbach tức là đi qua suối lửa[7], vì lửa là để thử vàng xem có tinh-tuyền hay không, xem niềm tin của mình có đích-thực hay không. Từ đó có thể nhận xét hai điểm :

Một là từ nay không thể nói về Thiên-Chúa theo quan-điểm hoàn-toàn vụ-lợi mà thôi. Không phải vì Thiên-Chúa có ích-lợi cho con người ta, mà tất-nhiên phải có Thiên-Chúa. Đostoievski, nhà văn-hào Nga, đã nói một câu thời-danh : nếu không có Thiên-Chúa thì con người ta làm gì cũng được, nhà văn-hào Pháp, Maurice Clavel thêm vào đó câu nữa : thì ai làm gì con người ta cũng được. Trong cuốn sách Đạo Giê-su Cứu Thế có ích gì ? (Wozu das Christentum ?), tác-giả người Đức, Heinz Zahrnt, viết : ’’Người ta hay đặt câu hỏi : ‘’Vì sao các ngài cần có Thiên-Chúa ?’’, và ta thường nghe lập-luận sau đây : ‘’Ai tin có Thiên-Chúa thì có một đời sống dễ dãi hơn, vì không phải sợ chết’’. Chúng ta có thể trả lời thế này : xét về mặt thực-hành sao cho đạt đích, - như sống cho yên lành, có địa-vị trong xã-hội, tu-thân cho phải đạo, giải-thích vũ-trụ cho ổn thỏa, bảo vệ nhà nước, thay đổi xã-hội - thì con người ta không cần gì phải có Thiên-Chúa cả. Người nào viện lẽ rằng đức tin có ích lợi cho con người, cho xã-hội, cho nhà nước, hay là cho phạm-vi này khác trong đời người, thì người đó đánh giá quá thấp các khả-năng đạo-đức, tinh-thần và sản-xuất của con người, đồng thời lại coi Thiên-Chúa như chỉ là một phương-tiện sinh-sống, hay là một kẻ cung-cấp các đồ phụ-tùng để sửa chữa vá-víu cho cái đời người đã đổ nát’’[8]. Đó là điều Feuerbach đã minh-chứng : ai tin vào Thiên-Chúa, vì Thiên-Chúa có ích, có ích cho mình, thì người đó thực ra chỉ tôn-thờ chính mình mà thôi. 

Hai là từ nay người tín-hữu sẽ không còn dám lấy hệ-thống ý-niệm của mình làm như cái khung, cái lồng, để nhốt vị Thiên-Chúa, Thượng-đế tuyệt-đối trong đó. Vẫn biết rằng lòng tín-cẩn thì thuộc về phạm-vi  đời sống thực-hành, nhưng cũng cần phải biết nói lên cho rõ, nhưng ngôn-ngữ của con người ta thì có giới-hạn, cho nên  bao giờ cũng là bất cập, nghĩa là nói lên không bao giờ đúng hẳn. Đó là điều mà các nhà thần-học đều nhận-thức được cả. Chỉ có triết-gia duy-lý Hegel là dám cho rằng lời nói của mình là lời nói của Thiên-Chúa, ý-thức của mình là ý-thức của Thiên-Chúa. Feuerbach là người đã đặt Hegel vào đúng chỗ của ông : hệ-thống thần-học của Hegel thực ra chỉ là lời nói của con người về Thiên-Chúa và về con người mà thôi. Có điều ông lầm tưởng rằng nhà thần-học nào cũng bạo ăn bạo nói như Hegel cả.

Nhận xét như thế xong thì vẫn chưa hết vấn-đề. Thực thế, chẳng lẽ cứ hễ ta tìm ra vị thần nào, hay là vị Thiên-Chúa nào hoàn-toàn vô-ích đối với con người, hoàn-toàn không đáp ứng lại nguyện-vọng của con người, thì mới chắc được rằng vị đó mới là đích thực và có thực ? Hơn nữa, vẫn biết ta không thể dùng  ngôn-ngữ của loài người để nói đầy đủ về Thiên-Chúa, nhưng cũng phải dùng một phương pháp nào để trí khôn ta hướng về Thiên-Chúa, và trao đổi với nhau kinh-nghiệm và quan-niệm về Thiên-Chúa. Cho nên ngôn-ngữ dùng trong tôn-giáo không thể là ngôn-ngữ tả chân, như khi nói về các sự-vật và nhân-vật trong trời đất, nhưng phải là một thứ ngôn-ngữ đặc-biệt. Đó là vấn-đề mà các nhà thần-học từ thời Trung-cổ đã tìm cách giải-quyết. Nhưng Feuerbach không biết đến vấn-đề ấy.

Mãi gần đây người ta mới nhận-định ra rằng ngôn-ngữ của con người ta thật là phong-phú, nó được dùng trên khá nhiều bình-diện, nó đưa ta vào nhiều thế-giới khác nhau, mà mỗi thế-giới có cái lý-sự riêng của nó. Ta không thể dùng ngôn-ngữ khoa-học, với những tiêu-chuẩn toán, lý, hóa học để đi vào thế-giối của thi-sĩ, của nghệ-sĩ, hay là của tôn-giáo. Vì thế ngày nay người ta nghiên-cứu thật nhiều về ngôn-ngữ. Chúng ta quen với bình-diện mô-tả, nói đúng hay nói sai về những cái ta thấy ở bên ngoài như mọi người khác. Nhưng nhiều khi chúng ta không muốn nói ra cái đúng hay cái sai : có lúc chúng ta có ý-định nói đùa, nói chơi, nói mánh, nói kháy, nói phét, và người nghe hiểu ra được ; chúng ta lại cũng có thể nói lầm hay là cố ý nói dối cho người ta hiểu sai. Ngoài những ý-định đó ra, ngôn-ngữ của ta lại có nhiều hình-thái, như : quả-quyết, thách-thức, hứa-hẹn, mong ước, truyền lệnh, van xin, nguyền rủa, v.v. Về những thực-thể hay tình-cảm vô-hình, thì chỉ có thể dùng lời thơ hay dùng hình-ảnh cụ-thể, để nói lên một cách tượng-trưng.

Ngần ấy thôi cũng đủ thấy là ngôn-ngữ đưa ta vào nhiều thế-giới khác nhau, chứ không có hạn hẹp vào cái hữu-hình hữu-sắc ở trước mắt, như trường-hợp loài vật chung quanh  ta. Thế-giới tôn-giáo là một trong những thế-giới đó, cho nên phải biết dùng ngôn-ngữ và lối diễn-tả thích-hợp mới hiểu được. Chứ nếu chỉ biết dùng ngôn-ngữ của triết-học, của khoa-học, của kinh-tế-học, hay là của máy điện-toán, thì làm sao có thể đi vào những thế-giới đó của con người được.  Nhưng vào thời Feuerbach thiên-hạ chưa có những suy-tư về ngôn-ngữ như thế, cho nên chưa có nhiều dụng-cụ tinh-thần để đặt vấn-đề tôn-giáo vào đúng chỗ của nó.

Lambersart 15/2/2014

 


Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net



[1] Tôi chỉ xin đan kể ra đây mấy bộ sách lớn có tính cách khá tiêu biểu : 1) Hermann LEY, Geschichte de Aufklärung und des Antheismus (Lịch sử phong trào Khai-minh và Vô-thần), xuất bản tại Berlin (Đông Đức), từ năm 1966 trở đi, cứ 4 hay 5 năm một tập, cho tới năm 1980 thì đã được 5 tập, mỗi tập trung bình là 600 trang khổ lớn, thế mà cũng chỉ mới tới thế kỷ XVIII mà thôi.  2) Tác phẩm tập thể, do Giulio GIRARDI (đại học Salesianum, Roma) chủ biên, nhan đề là L’athéisme dans la vie et la culture contemporaine (Vô thần trong nếp sống và văn hóa hiện đại), Paris, Desclée, 3 tập,1967, 1968, 1970, 530+488+716 trang.  3) Cornelio FABRO, Introduzione all’atheismo moderno (Dẫn nhập vào thuyết vô thần thời Cận-đại), Editrice Studium, Roma, 1969, 2 tập, 1268 trang.

[2] Cuộc tiến triển của Ludwig Feuerbach lúc còn thanh niên, cho đến năm 1825, khi ông đổi phân khoa đại học.

[3] Trong nhóm có Wolfgang HARIG là người chủ chốt. Nhưng đến năm 1956 (nghĩa là vào thời « trăm hoa đua nở » ở Việt Nam), Harig lên tiếng bênh cho cuộc vùng dậy ở Budapest, và vì thế năm 1957 đã lĩnh án tù 10 năm. Năm 1964 được phóng thích và năm 1990 được hội phục. Ông mất tại Berlin năm 1995.

[4] Ba tập đó là : Vorlesung über die Geschichte der neueren Philosophie (1974), Einleitung in die Logik und Metaphysik (1975) và Vorlesung über Logik und Metaphysik (1976).

[5] Các nhà thần học thời Trung-cổ đã nhận định rõ tính cách bất cập của các ý niệm mà người ta dùng để chỉ về Thiên Chúa ; vì thế họ chủ trương rằng mổi khi dùng như thế, thì phải áp dụng phép analogia, nghĩa là phải nói thêm rằng Thiên Chúa có các đặc điểm như thế, nhưng ngài có một cách siêu việt, và không có những khuyết điểm như ta ; nói thế khác, các ý niệm đó chỉ có ý nghĩa tương đối, theo một tỷ lệ nào đó. Nhưng vào thời Feuerbach, thì người ta đã quên hẳn và không biết gì đến phép analogia đó nữa.

[6] Trong lập trường đó ta hiểu vì sao  trong cuốn sách Atheismus im Christentum (Lập trường vô thần trong đạo Thiên Chúa), Frankfurt/Main, 1968, triết gia cộng sản Ernst BLOCH, khi còn làm giáo sư đại học Leipzig, có viết câu phụ đề có tính cách khiêu khích như sau : « Chì có người vô thần mới có thể là tín hữu tố của đạo Thiên Chúa, chỉ có người theo đạo Thiên Chúa mới có thể là người vô thần tốt ». Trong vấn đề này, Bloch đi theo Feuerbach, chứ không đi theo Marx.

[7] Feuer = lửa, Bach = suối. Đã từ lâu người ta đinh ninh rằng lối tán chữ như thế là do Marx đặt ra, nhưng Hans Marin SASS đã tìm ra tông tích và cho rằng đó là do chính Feuerbach đặt ra.

[8] Trưng dẫn theo bản dịch Pháp văn À quoi sert le christianisme ? NXB Le Centurion, 1976, tr 47.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

NGUYEN ANH THUONG, TIEN SY TRIET HOC - 22:28 19/02/2017
BAI VIET RAT HAY, DUNG VAN PHONG NGHIEN CUU TRIET HOC. RAT CAM ON TAC GIA. HY VONG DUOC DOC NHUNG BAI HAY NHU THE NUA.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt