MỘT NHÀ NHÂN BẢN KITÔ GIÁO: LACTANCE
J. LIÉBAERT
J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.
Lactance là một trong những tác giả cổ thời mà người ta có thể xếp vào loại tác giả hạng hai, thế nhưng những nghiên cứu khoa học mới đây về ông lại cho thấy có sự lý thú và tầm quan trọng thực sự. Chắc chắn ông không có ảnh hưởng lâu dài như Tertullien hay Cyprien, cũng không có bề rộng và sự tỏa sáng của một Origène. Tuy nhiên, danh tiếng của ông như một "Cicéron Kitô giáo", có từ thời Phục Hưng, chứng tỏ người ta đã thừa nhận tài năng văn chương của ông. Nhưng nhất là, cho dù không phải là nhà triết học lớn hay nhà thần học lớn, ông đã chứng tỏ một đầu óc độc đáo, xứng đáng giữ một chỗ đứng đặc biệt trong hàng các Giáo Phụ.
MỘT CUỘC ÐỜI KHÔNG ÐẾN NỖI TẦM THƯỜNG Ở VÀO MỘT THỜI KỲ QUYẾT ÐỊNH
Với Lactance, chúng ta gặp lại một Kitô hữu giáo dân, trở lại đạo khi đã lớn, là văn sĩ và là thầy dạy độc lập theo kiểu Justin và Tertullien. Cả ông cũng không từ bỏ văn hóa thế tục của mình, ngược lại là khác, vì nghề của ông là làm giáo sư tu từ học, nghĩa là dạy cả ngữ pháp, văn chương lẫn khoa hùng biện. Văn của ông cao nhã và trong sáng, đúng theo truyền thống lớn cổ điển. Ông sống giữa lòng xã hội đương thời và thậm chí là một nhân chứng đặc biệt về thời đại của mình, vì ông đảm nhận các chức vụ nằm trong quỹ đạo của triều đình, trước hết là triều đình của hoàng đế Dioclétien, rồi của Constantin. Sinh khoảng giữa thế kỷ III và mất vào khoảng năm 25 của thế kỷ IV, ông ở vào khúc quanh quan trọng của lịch sữ Giáo Hội cổ thời, cùng với Eusèbe thành Césarée, người Hylạp, đồng thời và trẻ hơn ông chừng 10 tuổi. Cả hai đều trãi qua giai đoạn mấu chốt, chuyển từ thời bách hại đạo (cuộc bách hại sau cùng do Dioclétien phát động năm 302) sang thời thiết lập sự khoan dung đối với tôn giáo trong những năm 312 - 313, và là thời chuyển quyền hành vào tay Constantin, hoàng đế đầu tiên theo Kitô giáo. Lactance hiểu rằng, từ đây, một vận mệnh mới mở ra cho Giáo Hội, và với suy tư của ông về chính trị tôn giáo, ông đã thực sự là người của giai đoạn mới này, ngang với Eusèbe. Tuy nhiên, trong lúc công trình thần học của Eusèbe trực tiếp đi vào những cuộc tranh luận về giáo lý đặc biệt của thế kỷ IV kể từ năm 320, thì công trình của Lactance, trên thực tế, lại xa lạ với những tranh luận ấy, và xét theo những mối bận tâm của ông thì công trình thần học của ông thuộc về thời kỳ trước. Vì ông thuộc về hai triền dốc lịch sử, với mức độ khác nhau, nên không dễ gì xác định vị trí của ông khi khai triển khoa Giáo Phụ. Ở đây chúng ta buộc phải nói trước ít điều về một bối cảnh mà sau này chúng ta sẽ bàn tới cách thích hợp hơn khi nói về Eusèbe.
Chúng ta chỉ được biết một ít chi tiết về tiểu sử Lactance, hơn nữa các sử gia ngày nay vẫn còn tranh luận về các chi tiết này. Theo thánh Jérôme, Lactance sinh tại Bắc Phi. Ông được đào tạo ở đó, nhất là tại trường Arnobe, và rồi trở lại đạo. Cũng tại đây, ông khởi đầu làm thầy dạy khoa tu từ : sau đó, vào những năm cuối thế kỷ III, ông rời Phi Châu khi hoàng đế Dioclétien cho vời ông sang thủ đô Nicomédie ở Tiểu Á để giữ một ghế chính thức. Ngay cả ở Ðông Phương, Latinh thực sự vẫn là ngôn ngữ hành chánh của đế quốc ; song tại môi trường Hylạp này, ông thầy mới vào nghề gặp một số khó khăn trong việc chiêu nạp học trò. Nói chung người ta nghĩ rằng, Lactance trở lại với đức tin Kitô giáo chính là ở Nicomédie, nhưng một số sử gia cho là ông trở lại sớm hơn, lúc còn ở Phi Châu. Có điều chắc chắn là sau những chỉ dụ cấm đạo vào các năm 302 - 303, ông đã phải bỏ nhiệm sở. Ông rời xa thủ đô trong suốt thời gian có cuộc đàn áp Kitô giáo. Sau những năm thất sủng này, ông tìm lại được những chức vụ đặc biệt trong triều đình Constantin. Vị hoàng đế này có thể đã biết đến Lactance tại Nicomédie vì có một thời gian ông phải làm con tin tại đây : một phương thế mà Dioclétien đã sử dụng để bảo đảm cho mình sự trung thành của Constance Chlore, thân phụ của Constantin, khi đó là hoàng đế Tây Phương. Khi đến lượt mình làm chủ Tây Phương, Constantin đã chọn Lactance làm thái phó dạy hoàng tử cả là Crispus, sinh năm 303. Bấy giờ, nhà tu từ Latinh rời Tiểu Á để đến lập cư tại Trèves. Khi Constantin đóng đô ở Nicomédie sau ngày chiến thắng đồng sự của mình ở Ðông Phương là Licinius năm 324, Lactance không đi theo hoàng đế ; và có lẽ ông mất sau đó ít lâu. Chính trong phần tư đầu của thế kỷ IV, và với tư cách là văn sĩ Kitô giáo, LActance đã soạn ra tác phẩm còn truyền lại cho chúng ta. Cũng ở đây, những vấn đề về niên biểu biên soạn và đôi khi cả về tính chính thực đã là đề tài tranh luận giữa các nhà chuyên môn. Tác phẩm biên soạn đầu tiên có lẽ khảo luận "Về công trình của Thiên Chúa" (De opficio Dei), biện hộ cho lòng tin vào Thiên Chúa Tạo Dựng và Quan Phòng, bằng cách mô tả sự hài hòa nơi con người, xét là một hữu thể phức hợp, và nhất là nơi thân xác. Sau đó là tác phẩm chủ chốt : "Các định chế của Thiên Chúa" (Divina Institutiones), mà việc soạn thảo có thể trải dài trong những năm khó khăn của cuộc bách hại và trong thời gian đầu của kỷ nguyên Constantin ; và "Epitome", một loại sách giản yếu dường như do chính Lactance soạn thảo. Một khảo luận "Về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa", có thể được soạn vào năm 313 hoặc 314, nhưng cũng có thể muộn hơn. Cuối cùng, chúng ta phải kể đến tác phẩm nửa lịch sử, nửa hộ giáo : "Về cái chết của những kẻ bách hại", trải dài cho tới những biến cố của năm 313 ; tư cách tác giả của Lactance nói chung được công nhận kể từ thời thánh Jérôme, nhưng gần đây đôi khi bị người ta phủ nhận.
MỘT NHÀ HỘ GIÁO MUỐN LÀ NHÀ SƯ PHẠM
Vào thời kỳ của Constantin và Lactance, Kitô giáo đã tạo được vị thế của mình trên thế giới. Các môi trường ngoại giáo hẳn có thể nhạo báng Kitô giáo, nhưng không còn có thể không biết đến nó và phải nhìn nhận như một sự kiện phải thừa nhận. Vả lại, rất nhiều người ngoài Kitô giáo đã ngấm ngầm phản đối lại chính sách bất khoan dung của chính quyền đối với Kitô giáo, khi họ không chỉ dừng lại ở việc phá hoại những biện pháp bách hại. Ý thức được tình thế đó, Lactance biết quan tâm rút ra những lợi điểm của nó hơn những nhà hộ giáo trước kia đã làm, theo ông, họ đã vụng về khi ngỏ lời với một cử tọa không phải là Kitô hữu. Tất cả đều tìm cách trình bày đức tin sao cho thuyết phục và dễ hiểu, phần Lactance, ông có tham vọng đạt tới điều đó nhờ vào sự am hiểu của bản thân về giới trí thức ngoại giáo đương thời. Ông trách Tertullien là đã có những lời lẽ quá đáng, và thái độ chỉ biết phòng thủ ; ông lấy làm tiếc về cách dụng ngữ của Cyprien là quá vay mượn ở cung đình, khó có thể hiểu được đối với những người không am tường. Ông nghĩ rằng chính ngôn ngữ của Thánh Kinh có thể làm cho người học thức cảm thấy khó chịu. Có thể nói tất cả tác phẩm của ông đều do mối bận tâm hộ giáo thúc đẩy, thêm vào đó là sự cao nhã, thi vị, tính hữu lý và khách quan do sự tìm tòi, nghiên cứu của riêng ông. Chỉ có tác phẩm "Về cái chết của những kẻ bách hại" của ông là có giọng điệu đả kích và phô bày một thái độ đắc thắng của Kitô giáo dễ gây khó chịu. Tuy nhiên, trong sự hồ hởi của những năm 313 và những năm kế tiếp, chắc hẳn thái độ đắc thắng đó chẳng phải là riêng gì của Lactance. Nhân tiện, chúng ta nên lưu ý là trong tác phẩm này đã có nét phác họa về một thần học chính trị mà Constantin và Eusèbe rất tâm đắc, mơ ước một liên minh vĩnh viễn giữa những lợi ích của đế quốc và những lợi ích của Giáo Hội, giữa lý tưởng của một công dân tốt và lý tưởng một Kitô hữu tốt. Mục tiêu của Lactance là thuyết phục dân ngoại để họ tin rằng chân lý Kitô giáo hoàn tất và vượt trên sự khôn ngoan thế tục, đồng thời củng cố đức tin của các Kitô hữu trước những cám dỗ của văn hóa ngoại giáo. Ðể thực hiện, trước hết phải dựa trên cơ sở thuần lý, mặc dầu ông xác tín rằng chân lý mạc khải vượt trên khả năng của lý trí. Việc đặt hai mục tiêu và hai bình diện gần nhau như thế làm cho toàn bộ tác phẩm của ông luôn mang tính lưỡng diện, vừa chỉ trích không thương tiếc, vừa đánh giá hết sức tích cực di sản ngoại giáo. Chẳng hạn, ông không ngần ngại lật ngược lời trách cứ cho rằng đức tin Kitô giáo là không có lý lẽ bằng cách tố giác sự võ đoán và phi lý của các truyền thống và các thành kiến của ngoại giáo (Institutiones, cuốn I, III, V) : vả lại, đây là lối phê bình mà ông đã tìm thấy kiểu mẫu trong cuốn "Về bản tính các thần minh" (De natura deorum) của Cicéron. Ông có lối nhấn mạnh riêng của mình về những nhược điểm luân lý của ngoại giáo, về sự mâu thuẫn giữa học thuyết của các triết gia với đời sống của họ, trong khi, dưới mắt ông, chứng từ của đời sống luân lý và đời sống Kitô hữu là luận cứ hộ giáo quan trọng. Nhưng, cùng lúc đó, vì muốn được giới học thức lắng nghe và không làm cho họ cảm thấy đụng chạm trong nếp suy nghĩ của mình, ông khai triển một cách tiếp cận Kitô giáo khởi từ nền văn hóa cổ, cho thấy rằng Kitô giáo và khôn ngoan Kitô giáo là sự hoàn thành các tôn giáo, các nền khôn ngoan dò dẫm đi trước trong lịch sử. Lúc này, nhà bút chiến ẩn mình sau nhà nhân bản, và đối với nhà nhân bản, văn hóa cổ cống hiến nhiều cửa ngõ dẫn tới sứ điệp Phúc Âm. Vì vậy ở đây, chúng ta thấy Lactance lợi dụng kiến thức rộng rãi của mình về văn chương và văn minh cổ, chủ yếu là Latinh, đến mức những tác phẩm của ông là cả một nguồn phong phú cho sử gia về thế giới cổ thời. Cicéron là thầy của ông, lôi cuốn ông với những cái nhìn cao siêu, với lý tưởng về "nhân loại", về tình huynh đệ, không chấp nhận kẻ mạnh áp bức người yếu . và còn nhiều nguồn khác phải kể đến, từ Virgile mà ông coi như một "tiên tri" ngoại giáo - đến Quintilien, từ những người theo thuyết Platon cho đến những nhà Khắc Kỷ - nhất là Sénéque - thông qua những trích dẫn đôi khi bất ngờ, chẳng hạn Épicure và học thuyết của ông về sự đồng hiện hữu của những cặp đối nghịch trong tác phẩm "Về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa". Chính tác phẩm cuối cùng này, cũng như cuốn "Về công trình của Thiên Chúa", chứng tỏ, có thể nói như thế, ông có định kiến không đề cập gì đến các nguồn riêng của giáo lý Kitô giáo. Trong khi vấn đề "Cơn thịnh nộ" của Thiên Chúa là vấn đề chính yếu đặt ra khi đọc Cựu Ước, thì Lactance lại chỉ bàn đến trên bình diện thuần lý mà thôi. Hơn nữa, là để chống lại luận đề về tính "bất khả thụ" của Thiên Chúa, một luận đề mà các triết gia và cả các thần học gia Kitô giáo thường nói tới. Tác phẩm "Công trình của Thiên Chúa" cũng thế, đặc biệt khai triển những đề tài lấy hứng từ Cyprien và các sách giáo khoa triết học, y học, mặc dù mục tiêu cuối cùng của nó là nhằm bảo vệ một quan niệm Kitô giáo về sự Quan Phòng. Thái độ thận trọng này đối với Cựu Ước và Tân Ước có thể làm cho người ta ngạc nhiên : nhưng nó không hề ẩn chứa sự thiếu hiểu biết Kinh Thánh. Ở những chỗ khác, Lactance trích dẫn Thánh Kinh, và nhiều hồi ức chứng tỏ ông là nguời thấm nhuần Kinh Thánh. Luận cứ truyền thống về các sấm ngôn và sự liên tục của hai giao ước đều có chỗ đứng trong khoa hộ giáo của ông. Và như đã nói trên, Lời Chúa đối với ông là nguồn suối duy nhất của chân lý viên mãn về tôn giáo và luân lý. Dù sao, trong số các Kitô hữu tiền bối của mình, Lactance đã muốn đi theo con đường của Minucius Felix hơn là con đường của Tertullien hay của Cyprien.
MỘT THẦN HỌC GIA NHIỀU THAM VỌNG
Lactance còn có tham vọng đưa độc giả đi xa hơn nữa qua tác phẩm đồ sộ của ông về "Các định chế của Thiên Chúa" : một tựa đề có lẽ gợi hứng từ các luật gia lớn của Roma. Hơn nữa "công chính" là một trong những ý tưởng chìa khoá của tác phẩm. Tác giả có tham vọng trình bày đầy đủ đức tin Kitô giáo, từ phần mở đầu có tính cách hộ giáo cho đến nội dung căn bản của nó : Thiên Chúa, Ðức Kitô và công trình của Ngài, luân lý và phụng tự Kitô giáo, các thực tại chung cuộc : ngày tận thế và thế giới bên kia. Phía Hylạp, nhờ các Giáo Phụ Alexandrie, người ta đã chuyển rất sớm từ sự trình bày huấn giáo và các khảo luận bút chiến sang những tiểu luận đầu tiên mang tính tổng hợp và xây dựng giáo thuyết. Phía Latinh, chính công trình của Lactance đánh dấu bước chuyển biến này. Tham vọng lớn lao, nhưng thực hiện thì phải nói thật không cân xứng bao nhiêu. Về thần học, Lactance là một người tự học, do đó có những khiếm khuyết trầm trọng và có vẻ không chuyên khi vận dụng nguồn kiến thức của mình. Ít ra điều này cũng đúng với phần ông trình bày về mầu nhiệm Kitô giáo. Suy tư của ông về Chúa Cha và Chúa Con ít nhất cũng là mơ hồ và trình bày thẳng Ngôi Lời kém hơn Thiên Chúa. Trong phần đó ông cũng không nói gì về Chúa Thánh Thần, một điều quá lạ lùng nơi một người từng đọc Tertullien. Bù lại khi bàn về Nhập Thể, Lactance đã giữ lại từ vị tiền bối của mình một cái nhìn rất đúng về khía cạnh thần tính và khía cạnh nhân tính nơi Ðức Kitô, nhưng ông nhìn thấy nơi Ngài, trước tiên là một thầy dạy và là một gương mẫu, tuy không phải không biết vai trò là Ðấng Cứu Thế của Ngài cũng như mầu nhiệm Ðóng Ðinh và Phục Sinh. Khi mô tả phụng tự người Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa, ông nhấn mạnh cách chính đáng các khía cạnh nội tâm và đạo đức, còn đời sống Giáo Hội và đời sống Bí Tích thì chỉ nhắc qua. Về các thực tại chung cuộc, nhất là về ngày tận thế, người ta lấy làm ngạc nhiên về cách hiểu sát mặt chữ của ông khi đọc sách Khải Huyền của thánh Gioan. Tóm lại, chính Lactance đã đưa ra chững cứ đầy đủ cho thấy ông không phải là điều mà ngày nay người ta gọi là "một nhà tín lý học" (un dogmaticien). Xét về mặt suy tư có hệ thống, ơn gọi của ông là ơn gọi của một nhà luân lý, và chính với tư cách một nhà luân lý mà ông tỏ rõ khả năng của mình khi để lại một đóng góp độc đáo và sáng tạo. Ông không phải là nhà luân lý Kitô giáo đầu tiên. Trước ông, Tertullien và Cyprien đã cố gắng giải đáp các vấn đề cụ thể của đời sống Kitô hữu nhưng không tìm cách xây dựng một luân lý học có hệ thống. Chỉ Clémant thành Alexandrie, trong cuốn "nhà sư phạm" (Pédagogue) là có phác họa một khảo luận về đời sống Kitô hữu, nhưng chỉ lướt qua phần suy tư căn bản để rồi đi ngay vào các chi tiết của đời sống hàng ngày, thậm chí chỉ là những phép xử thế. Chính Lactance, trong các cuốn V và VI của tác phẩm "Các Ðịnh chế" mới là người đều tiên đề ra một cách có phương pháp những nền tảng triết học và thần học của khoa luân lý khởi từ kiến thức ngoài đời cũng như từ kinh nghiệm Kitô hữu của ông. Một trong những ý tưởng chủ lực của ông đó là : luân lý và tôn giáo kết hợp chặt chẽ với nhau. Con người là một hữu thể tôn giáo, được dựng nên để gặp gỡ thiên Chúa, một "con vật thần linh" (Animal divin). Luân lý chỉ hữu hiệu khi đặt nền trên tôn giáo, và tôn giáo chỉ đích thực khi đưa tới cách xử sự ngay chính. Lactance tuy không chấp nhận đồng hóa nhân đức với tri thức theo kiểu các triết gia Hylạp, nhưng theo ông, luân lý và tôn giáo đòi hỏi phải có được khôn ngoan đích thực, thứ khôn ngoan đã dược mạc khải và bao hàm hiểu biết thật sự về con người, về thế giới và về Thiên Chúa. Dưới mắt ông, cội rễ của sự hỗn loạn về luân lý trong nhân loại là vì không biết đến thứ khôn ngoan này. Ðiều ông đặc biệt nhấn mạnh đó là cần phải hiểu biết điều mà ông sẵn lòng gọi là "huyền nhiệm con người", trong sự cao cả và nỗi yếu hèn của một hữu thể tự do, đứng ở điểm gặp gỡ của thế giới vật chất và thế giới tinh thần, phải tuân theo tiếng gọi của lý trí và sự thúc đẩy của bản năng. Lactance mang khuôn mặt riêng biệt so với các nhà luân lý cổ thời, dù trong hay ngoài Kitô giáo, khi ông khôi phục giá trị của thị dục và khoái lạc : thị dục và khoái lạc chỉ xấu khi chùng bị định hướng sai, cũng như có những cơn giận chính đáng . Xét về đời sống thực tiễn, luân lý và tôn giáo gặp nhau trong sự "công chính" , một ý niệm trọng tâm trong đó Lactance nối kết sự công chính giữa con người với nhau cũng như các mối tương quan giữa con người với Thiên chúa và sự thánh thiện Kitô giáo. Theo ông, sự công chính của con người đối với Thiên Chúa được thực hiện qua lòng kính sợ, qua thờ phượng nội tâm và hy tế thiêng liêng. Còn về sự công chính đối với con người, ông giải thích và định nghĩa một cách hết sức đặc sắc : thật đáng ngại vì trong đó, đòi hỏi hiện đại nhất về tình huynh đệ đại đồng, về tự do lương tâm, về các quyền con người đều được báo trước và ở đó cũng hội tụ những đề tài của Cicéron và những tiếng vọng của Tin Mừng. Mọi người đều là anh em, không chỉ do mối liên hệ tự nhiên mà còn do mối liên hệ linh thánh nối kết họ với Thiên Chúa ; mọi người tự bản chất là bình đẳng. Con người, mọi người và từng người, đáng được hưởng sự "nhân đạo" và lòng thương xót. Nhân đạo hệ tại ở việc "yêu thương mỗi người vì anh ta là người" và Lactance không ngần ngại đẩy nhân đạo tới mức từ khước các quyền riêng, tới thái độ bất bạo động, tới việc không kháng cự lại sự dữ. Thương xót là nhân đức của sự tương trợ giữa con người với nhau, vì mọi người, một cách nào đó đều thiếu thốn. Lactance không phải là người không thực tế, theo ông, đời sống luân lý luôn luôn là một cuộc chiến đấu gian nan. Chiến đấu dũng cảm, khiêm tốn, kiên trì là hoa quả của sự "nhẫn nại", bà chúa của mọi nhân đức mà Ðức Kitô và các vị tử đạo là những mẫu gương mãi mãi sống động. Người ta có thể cho rằng cách trình bày như thế về luân lý chưa có được âm điệu hoàn toàn là của Kitô giáo như mong đợi : ngôn ngữ là ngôn ngữ của triết học hơn là của Thánh Kinh, việc tôn giá trị của tôn giáo luân lý và nội tâm khá phiến diện, lòng kính sợ Thiên Chúa vượt trên tình yêu . Ở đây, chúng ta gặp lại biểu hiện của mối bận tâm của ông đối với công chúng ngoại giáo. Dầu vậy, không vì thế mà người ta có thể phủ nhận khảo luận của ông là công trình của một Kitô hữu xác tín, làm nên một giai đoạn trong lịch sử khoa luân lý.
SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM
J. R. LAURIN, Orientations maitresses des Apologistes chrétiens de 270 à 361, Univ. Grégor. 1954. E. LAMIRANDE, "lactance" dans Dictionnaire de Spirritualité, t. IX, 1976, coll. 48 - 49. M. SPANNEUT, Tertullien et les premiers moralistes africains, p. 125 - 179. J. FONTAINE - M. PERRIN, Lactance et son temps, coll, "Théologie historique" Beauchesne, Paris, 1978. M. PERRIN, Lhomme antique et chrétien, lanthropologie de Lactance, coll. "Théologie historique", Beauchesne, Paris, 1981. Các bản dịch trong "Sources Chrétiennes" : La Mort des persécuteurs (no. 39) Institutions divines 1. V (no. 204 - 205) - Loeuvre de Dieu (no. 213 -214) - La colère de Dieu (no. 289).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC