Triết học tôn giáo

Một nhân chứng quan trọng thời Giáo hội cổ thời: Ausèbe de Césarée

GIÁO PHỤ - Mục lục

 

MỘT NHÂN CHỨNG QUAN TRỌNG 

THỜI GIÁO HỘI CỔ THỜI: EUSÈBE DE CÉSARÉE

 

JACQUES LIÉBAERT

 


J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Phân III: "Bình minh của một giai đoạn mới - Các giáo phụ đầu tiên của thế kỷ IV". Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.


 

Eusèbe là nhân chứng cho chúng ta theo hai danh nghĩa. Một đàng, sinh khoảng năm 263 và mất năm 339, bản thân ông đã trải qua và đã sống cách mạnh mẽ "thời bình an đầu tiên" của Giáo Hội, rồi cuộc bách hại rộng lớn, tiếp đến là sự lật ngược vị thế của người Kitô hữu trong đế quốc vào những năm 312 - 313 -chính vào thời điểm này, ngài trở thành Giám Mục Césarée thuộc Palestine- và cuối cùng là triều đại Constantin, về vấn đề Arius, Công Ðồng Nicée và những hậu kết của nó. Ngài là người chủ chốt hoạt động trong cuộc tranh cãi về Origène, trong cuộc tranh luận về Arius, nhất là trong chính Công Ðồng Nicée. Như Lactance, ngài cũng thuộc về cả hai triều lịch sử, và còn hơn Lactance, vì ngài sống đủ để tham dự vào giai đoạn đầu của cuộc tranh luận Arius, khác với người cùng thời của ngài bên Latinh. Cả hai cùng thuộc một thời kỳ, cả hai đều chứng kiến tiến triển hoàn toàn đảo lộn về chính trị - tôn giáo những năm 302 - 324. Cho dù tất cả những ngăn cách giữa kẻ Latinh và người Hylạp, giữa nhà nhân bản giáo dân với người của Giáo Hội, giữa nhà tu từ say mê ngôn ngữ văn hoa với nhà thông thái, tác phẩm của các ngài vẫn có một số điểm đồng quy rất lạ lùng, cho thấy rõ cả hai chia sẻ những mối bận tâm, những khát vọng của cùng một thời đại. Cả hai đều có tham vọng xây dựng một tổng hợp lớn lao về hộ giáo và giáo lý, nhưng đều tỏ ra là những người được trang bị tốt cho hộ giáo hơn là cho thần học. Cả hai đều là những người tiên phong trong suy tư mang chiều kích vừa chính trị vừa tôn giáo về lịch sử và về các quan hệ giữa Giáo Hội và đế quốc theo Kitô giáo. Cả hai đều mơ tưởng tới việc đảm nhận cách dứt khoát, với sự khách quan và thích đáng hơn những người đi trước họ, di sản của văn hóa Latinh, với Lactance, và của văn hóa Hylạp, với Eusèbe, trong một nhãn quan Kitô giáo toàn thắng.

Ðàng khác, và đây là nét đặc biệt của Eusèbe, sự tò mò trí thức của ngài, cộng với một ý hướng về truyền thống Kitô giáo giữa lòng truyền thống nhân loại, dẫn ngài tới chỗ quan tâm không biết mệt mỏi đến quá khứ dù gần hay xa, tới việc sưu tầm các tài liệu và khai thác một nền văn chương còn tồn tại ở thời ngài. Ngài đã truyền lại cho chúng ta một kho tài liệu tham khảo vô giá về các thời đại cổ xưa, nhất là về các thời đại của Kitô giáo. Thông tin chúng ta có được về lịch sử Giáo Hội ở các thế kỷ II và III sẽ rất sơ sài nếu không có bộ "Lịch sử Giáo Hội" của Eusèbe. Một Kitô hữu, vừa biết để ý hết sức tới thời đại của mình, vừa chú tâm thu góp di sản của một quá khứ mà mình là một trong những người am tường nhất thời bấy giờ, đó là Eusèbe, với những hạn chế, nhưng có cả những công lao rất lớn của ngài.

 

NIỀM LUYẾN TIẾC TỰ DO ÐÃ MẤT

Eusèbe Césarée mô tả thời niên thiếu của mình, thời bình an đầu tiên của Giáo Hội - từ năm 260 đến 302 - nhưng có phần hơi gượng ép.

"Trước khi xảy ra các cuộc bách hại hiện nay, việc rao giảng về đạo của Vị Thiên Chúa hoàn vũ, đạo mà Ðức Kitô loan báo cho thế giới, nơi mọi người, Hylạp và man di, được nể trọng đồng thời được tự do đến như thế nào, kể lại điều đó cho xứng thật là vượt quá sức chúng tôi. Bằng chứng là các vua quan đã đối đãi với người của chúng ta thật nhân hậu, giao phó ngay cả việc cai trị các tỉnh hạt và chước miễn cho chúng ta khỏi phải lo âu về chuyện cúng tế, vì lẽ họ rất có thiện cảm với giáo lý của chúng ta. Biết nói thế nào về những người sống trong các cung điện vua chúa và về chính các vua quan ? Họ cho phép những người thân cận được hoàn toàn tự do thực hiện những gì liên quan đến tôn giáo trước mặt họ, bằng lời hay bằng cử chỉ, họ cũng xử sự như thế đối với vợ, con và các gia nhân của mình, hầu như cho phép các gia nhân đó tự hào về quyền tự do tôn giáo và cho rằng họ đáng được gia ân hơn các gia nhân khác . Người ta có thể thấy các vị thủ lãnh trong mỗi Giáo Hội có vinh dự được các vị tổng trấn, thống đốc đón tiếp như thế nào. Ðàng khác, làm sao có thể tả cơ man nào là những cuộc tụ họp và rất nhiều cuộc hội họp trong mỗi thành và những lần quy tụ đáng kể trong các nhà cầu nguyện ? Vì lý do đó, từ nay người ta không còn bằng lòng với các kiến trúc ngày xưa nữa, nhưng đã xây nhiều thánh đường to rộng từ mặt đất vươn lên, trong mỗi thành phố. Các việc làm của chúng ta tiến triển cùng với thời gian, mỗi ngày tầm mức một rộng lớn hơn mà không hề vấp phải sự thù ghét nào ; không một quỷ dữ hiểm ác nào có thể làm hại đến vận mệnh Giáo Hội hay dùng mưu mô của con người để cản trở, đó là vì bàn tay Thiên Chúa cao cả đã ủ ấp chở che Dân của Người, vả lại Dân Người cũng xứng đáng được như thế.

Thế nhưng, vì được tự do hoàn toàn, các việc làm của chúng ta rơi vào tình trạng yếu nhược, uể oải. Chúng ta ghen ghét lẫn nhau, chúng ta nhục mạ lẫn nhau thiếu điều chúng ta dùng vũ khí gây chiến với nhau, nếu có cơ hội, và lấy lời lẽ làm giáo gươm, thủ lãnh xâu xé thủ lãnh, con chiên đứng lên chống lại con chiên. Lối giả hình đốn mạt, và sự giấu diếm che đậy đã lên đến tột điểm tội ác. Thế rồi, phán quyết của Thiên Chúa đã ra tay, một cách thận trọng, như Người vẫn thích hành động như thế (các cộng đoàn vẫn còn tụ họp) ; Người đã thực thi chức năng cai trị của Người cách nhẹ nhàng và có chừng mực. Và cuộc bách hại đã bắt đầu với các anh em đang ở trong quân đội ."

Lịch sử Giáo Hội, VIII, 1 - 7

Sources Chrétines no. 55, p. 3 - 5

 

ÐƠN ÐẶT HÀNG CỦA HOÀNG ÐẾ

Hoàng đế Constantin đặt 50 cuốn Thánh Kinh tại cơ sở ở Césarée :

"Trong thành phố mang tên chúng tôi (Constantinope), nhờ sự quan phòng của Ðấng Cứu Thế thần linh trợ giúp, đã có một lượng người rất lớn gia nhập Giáo Hội rất thánh. Vì ở đây, tất cả đều phát triển với tầm mức rộng lớn, thiết tưởng việc bố trí thật nhiều các nhà thờ là điều hết sức cần thiết. Vậy mong ngài hãy ân cần đón nhận những gì mà chúng tôi thấy cần phải quyết định. Chúng tôi xét thấy nên báo cho ngài, để ngài cho lệnh ấn hành năm mươi cuốn trên giấy da thuộc kỹ, dễ đọc, khổ sách tiện dụng do thợ chuyên viết chữ đẹp, lành nghề và các sách đó sẽ chứa đựng các Sách Thánh. Vì ngài cũng đã biết việc có được và sử dụng các Sách Thánh một điều đặc biệt cần thiết cho việc giáo huấn của Giáo Hội. Các chỉ dẫn đã được gửi cho "catholicos" của Giáo Phận để anh ta lo việc cung cấp cho ngài tất cả những gì cần thiết cho việc ấn hành các sách đó. Chớ gì công việc này sẽ hoàn tất nhanh hết sức có thể, và ngài sẽ hết sức sốt sắng với việc đó".

Eusèbe, Vie de Constantin 4, 36

J. Laporte, trong J. Quasten

Initiation aux père de lEglise, t. III, p. 473

 

NHÀ TRÍ THỨC KITÔ GIÁO

Những dấu vết về công việc của Pamphile và Eusèbe trong các cảo bản Kinh Thánh cổ. Ghi chú nằm trong một cảo bản của sách Cách Ngôn :

Sách Cách Ngôn đã được rút ra từ một bản sao rất chính xác và đã đối chiếu với bản đó. Bên lề các trang sách có những ghi chú do chính tay Pamphile và Eusèbe viết, trong đó có lời ký nhận này: "(Bản văn) được rút ra từ những gì chúng tôi đã tìm thấy trong cuốn Hexaples của Origène", và ngoài ra, chính tay họ viết: "Pamphile và Eusèbe đã hiệu chính bản này".

 

 

NGƯỜI MÔN ÐỆ CỦA PAMPHILE VÀ ORIGÈNE

Eusèbe được đào tạo tại Césarée thuộc Palestine. Những người thầy đào luyện ngài trở thành người làm việc hăng say và trở thành nhà thông thái là Pamphile, và qua Pamphile, là Origène. Eusèbe thừa hưởng truyền thống trí thức của Alexandrie mà Pamphile tiếp tục thắp sáng. Với nhiệt tình và sự thông minh, Pamphile đã biến Césarée thành một trung tâm phổ biến tư tưởng và các phương pháp khoa học của Origène. Là người bênh vực xác tín nhưng không cuồng tín, cho vị thầy người Alexandrie trong những cuộc tranh luận đầu tiên xoay quanh các khía cạnh gây tranh cãi trong tổng hợp của Origène.

Pamphile trước hết là người bảo tồn sưu tập các cảo bản do Origène thiết lập trước đây. Ông tìm kiếm và thu góp các tác phẩm tản mác. Chung quanh "kho sách Origène" này, ông tổ chức một thư viện, lập các thư mục, và làm phong phú với các cảo bản và bản sao. Ðây là bộ sưu tập lớn đầu tiên của Kitô giáo về các sách thuộc cổ thời. Trong nhà của ông có một cộng đoàn chuyên lo nghiên cứu và sống khổ hạnh. Ông nhận thức được những năng khiếu của Eusèbe, hướng dẫn cách làm việc khoa học về Thánh Kinh, dạy cho Eusèbe hiểu biết và khâm phục công trình của Origène. "Eusèbe (con) của Pamphile" đó là danh xưng Eusèbe tự đặt cho mình - và danh xưng đó sẽ mãi mãi gắn liền với ngài - để ghi ơn người cha tinh thần. Eusèbe thừa hưởng từ Pamphile sự yêu thích các cảo bản, mối quan tâm truyền đạt các bản văn có đối chiếu phê bình, lòng nhiệt thành đối với các bản văn thánh của Thánh Kinh.

Thầy trò trở thành những người cùng cộng tác, cùng nhau làm việc trên bản LXX dựa vào bộ Hexaples (Sáu Cột). Các ngài cố gắng hoàn chỉnh những ấn bản Cựu và Tân Ước. Dưới sự thúc đẩy của các ngài, Césarée thực sự trở thành một trung tâm ấn hành Thánh Kinh Hylạp, và về sau, khi đóng đô tại Constantinople, Constantin muốn có được 50 bản Kinh Thánh dành cho các nhà thờ khác nhau, ông đã nhờ đến cơ sở ở Césarée, qua trung gian của Eusèbe.

Pamphile và Eusèbe cùng nhau điều hành và làm phong phú thư viện do Origène để lại. Các ngài thu thập thư từ của Origène, cùng nhau biện hộ cho vị tôn sư người Alexandrie trước những bác bẻ kịch liệt và quá đáng về con người và tư tưởng Origène tại một số nơi, đặc biệt là ở Palestine. Bị bắt năm 307, trong nhà tù, Pamphile với sự giúp đỡ của môn đệ, đã soạn được tác phẩm "Biện hộ" cho Origène chia thành năm cuốn. Sau đó Eusèbe thêm vào cuốn thứ sáu, nhưng chúng ta chỉ còn giữ được cuốn 1, qua bản dịch Latinh. Sau cái chết anh hùng của thầy mình, Eusèbe bày tỏ lòng tôn kính lần cuối bằng cách viết về "Cuộc Ðời" ngài, cuốn này cũng bị thất lạc. Chính Eusèbe cũng phải trốn sang tận Aicập và chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc.

Eusèbe khi trở thành nhà Kinh Thánh, đã góp phần độc đáo của mình qua việc cung cấp những dụng cụ làm việc cho khoa Kinh Thánh. Ngài soạn thảo một tác phẩm quan trọng về địa lý Thánh Kinh, nhưng chúng ta chỉ còn giữ được một trong bốn phần nguyên thuỷ, được biết dưới tên gọi "Oncmasticon" : đó là danh mục các địa danh trong Thánh Kinh (từ Hylạp onoma có nghĩa là tên), có chú thích địa lý và lịch sử về mỗi địa danh. Thánh Jérôme sẽ dịch cuốn này sang tiếng Latinh và phổ biến ở Tây phương. Ðây là nguồn tài liệu về Thánh Ðịa ngày nay vẫn còn hữu dụng. Eusèbe cũng muốn làm cho việc nghiên cứu các sách Phúc Âm được dễ dàng : noi theo sáng kiến của Ammonius, một nhà thông thái ở Alexandrie thế kỷ III, ngài chia Phúc Âm thành những đoạn ngắn (chưa phải là cách chúng ta chia thành chương, câu, nhưng là cách đánh số liên tục cho mỗi Phúc Âm). Tiếp đến, ngài dựa vào cách đánh số đó lập ra những bản chỉ ra các đoạn chung của bốn Phúc Âm hoặc của ba, hoặc riêng của mỗi Phúc Âm. Hệ thống đối chiếu này sẽ được thánh Jérôme dùng lại trong bản Phổ Thông của ngài. Mặt khác, người ta đã có thể tái tạo lại phần lớn hai tác phẩm chú giải quan trọng của Eusèbe : một cuốn "Chú giải về Isaia" và một cuốn "Chú giải các Thánh Vịnh".

 

LỜI BIỆN HỘ CHO ORIGÈNE

Pamphile bênh vực cho tính chính thống căn bản của Origène, chống lại những kẻ đã bài xích ông :

Ðó là những gì ông (Origène) đã trình bày trong phần mở đầu cuốn sách đầu tiên "Những nguyên lý" chỉ ra những điểm rõ ràng đã được truyền lại trong lời rao giảng của Giáo Hội, và những điểm không được định tín cách minh nhiên. Về mỗi điểm này, ông biện giải đây đó trong phần còn lại của tác phẩm theo sự phân chia đã đưa ra từ đầu. Những gì ông dạy ở trên như là điều được Giáo Hội rao giảng cách xác quyết thì ông khẳng định điều đó, với đầy đủ chứng cứ, một cách còn rõ ràng hơn, vững chắc hơn, khởi đầu từ các Sách Thánh. Ðàng khác, về những điểm mà ông cho biết đó là những điểm Giáo Hội không rao giảng cách minh nhiên và xác quyết thì ông thích dùng đến những trực cảm có thể nảy ra khi tranh luận, và dùng đến sự khảo sát hơn là những khẳng quyết chắc chắn và xác định. Ông biện giải và khảo sát hơn là khẳng định. Trong mọi lời lẽ đưa ra, ông vẫn nhớ tới điều mình đã trình bày ở trên khi nói rằng chỉ có chân lý nào không một chút nghịch lại với giáo lý của các Tông đồ và của Giáo Hội thì mới phải đón nhận và tin. Không những nơi tác phẩm chúng ta đang nói tới, mà cả nơi mọi tác phẩm giải thích Kinh Thánh của ông, ông vẫn thường quy chiếu về nguyên tắc đó và đồng thời xác định rõ rằng, chính vì không muốn bỏ sót những điều bản văn có thể nói lên mà ông đưa ra nhiều giải thích hoặc những lối giải thích khác biệt nhau, theo như ông có thể hình dung được. Ông cũng làm như thế khi tranh luận với những phái lạc giáo ; sau khi bác bỏ các lạc giáo đó, ông nắm giữ giáo lý Công Giáo mà mình đã trình bày.

Biện hộ cho Origène I Patrologie grecque 17, col. 552

 


 

SỬ GIA KITÔ GIÁO

Eusèbe đã sớm quan tâm đến lịch sử. Tác phẩm đầu tiên của ngài dường như là cuốn "Biên niên sử" (khoảng năm 303), tác phẩm này trước hết trình bày tóm tắt lịch sử cổ đại, từ người Chaldée đến người Roma, dựa vào sử liệuDothái và dân ngoại, sau đó là những bản đối chiếu niên đại Thánh Kinh và niên đại lịch sử các dân tộc. Ðây không phải là cố gắng đầu tiên về niên đại thế giới. Có những người đi trước, cả Dothái lẫn Kitô hữu, đã thử làm, chẳng hạn Jules người Phi Châu, bạn của Origène, đã thực hiện nhằm một mục đích nhất định : chứng minh mạc khải của Môsê xưa hơn nên đáng kính hơn triết học Hylạp và rằng triết học này dựa vào mạc khải của Môsê. Ở đây, lịch sử là con đẻ của khoa hộ giáo, nhưng sự uyên bác lạ lùng của Eusèbe đã làm cho kho sách của ngài thực sự là tác phẩm của một sử gia, một tác phẩm sẽ được rút tỉa trong nhiều thế kỷ và đến nay vẫn là nguồn hiểu biết của chúng ta về thồi thượng cổ.

Tiếp theo là tác phẩm "Lịch sử giáo Hội" mà chắc hẳn tác giả đã thu góp chất liệu trong một thời gian lâu trước khi cho phát hành ấn bản đầu tiên năm 312, được bổ túc giữa các năm 315 và 317, và cuối cùng được sửa chữa sau khi Constantin chiến thắng Licinius (324) để xóa bỏ hết sức có thể ký ức về ông này. Tác phẩm dừng lại chính vào năm 324. Trái với điều chúng ta mong đợi, Eusèbe không tường thuật Công Ðồng Nicée và những biến cố tiếp theo trong Giáo Hội mà ngài là một trong những người đóng vai chính, vì ngài cho điều đó là không hay. Lý do có thể nằm trong phần nào lập trường mơ hồ của ngài, tuy không tán đồng những ý tưởng của Arius, nhưng ngài lại là một trong những người bảo vệ Arius. Về cuối đời, ngài còn viết một vài tác phẩm ca ngợi Constantin, trong đó có cuốn mang tựa đề "Cuộc đời của Constantin", nhưng những tác phẩm này không làm thoả mãn ham muốn hiểu biết của chúng ta.

Có thể nói rằng Eusèbe là người phò Constantin vô điều kiện. Cũng như các tín hữu đương thời, bị lóa mắt về những biến cố năm 312 - 313, từ đây, ngài nhìn thấy nơi vị anh hùng của mình dụng cụ của Thiên Chúa Quan Phòng, kiểu mẫu của một hoàng đế theo Kitô giáo, người kiến tạo sự phối hợp mẫu mực giữa đế quốc và Giáo Hội, người bảo trợ Giáo Hội, và một cách nào đó, theo kiểu nói của chính Constantin, "là người canh giữ bên ngoài" : liên minh thật vĩ đại và quyến rũ, nhưng dường như Eusèbe đã không linh cảm được những nguy cơ tiềm ẩn đối với tự do của Giáo Hội. Thứ thần học chính trị nhuốm màu sắc đắc thắng này sẽ mau chóng bị các sự kiện phi bác.

Vinh quang của Eusèbe sử gia đó là ký ức ngài để lại cho chúng ta về Giáo Hội của ba thế kỷ đầu. Tư liệu của ngài tất nhiên là rất phiến diện. Ngài xử dụng những gì còn tồn tại của văn chương Kitô giáo cổ thời, và có thể ngài còn đọc nhiều tác phẩm mà chúng ta đã thất lạc ; ngài cũng xử dụng rất nhiều các hồ sơ thư tín : thư của các Giám Mục được thu thập lại trước đó xoay quanh một đề tài tranh luận, người ta đã lập các hồ sơ liên quan chẳng hạn đến ngày mừng lễ Phục Sinh (đặc biệt các thư của Irénée mà Eusèbe đã trích dẫn những đoạn quý giá), đến chủ thuyết luân lý tiết dục (encratisme) hoặc vấn đề lapsi . ngài cũng lợi dụng thư tín của Origène . Bộ "Lịch sử Giáo Hội" không cố ý dựng lại cách liên tục quá trình phát triển của Giáo Hội, đúng hơn, nó trình bày một loạt "ảnh chớp nhoáng" (flashes) tùy theo nội dung các tài liệu mà tác giả có trong tay. Dầu như thế, nó vẫn vô cùng quý giá nhờ các nhân vật, sự kiện, tác phẩm được nó nêu lên, mà có khi chúng ta sẽ hoàn toàn không biết đến nếu không có bộ lịch sử đó. Làm sao chúng ta không biết ơn Eusèbe được, khi ông lưu giữ cho chúng ta bức thư đầy xúc động của các Giáo Hội Vienne và Lyon về cuộc bách hại năm 177 tại Lyon ? Hay những nét phác họa về tiểu sử Origène ?

 

CA TỤNG CONSTANTIN, HOÀNG ÐẾ THEO KITÔ GIÁO

Eusèbe nhìn thấy nơi ông sự thực hiện liên minh thế quyền và thần quyền: 

 

Ngôi Lời, Con Một Thiên Chúa, ngự trị cùng với Cha của ngài từ muôn thuở, không có khởi đầu, cho đến muôn đời vô cùng vô tận. Người bạn thuỷ chung của Ngài, được vận ánh quang rạng chiếu từ vương quyền Thiên Quốc, được chứng thực bởi danh xưng thần linh (ám chỉ các tước hiệu của Constantin ? Ðặc biệt là danh xưng Pasileus, Vua ?), cai trị các cư dân mặt đất suốt bao năm dài (triều đại của Constantin quả thực là khá lâu dài : 25 năm, nếu chỉ tính từ năm 312.

Ðấng Cứu Thế của hoàn vũ chuẩn bị cho Cha của Ngài toàn thể trời đất và Vương Quốc trên cao. Người bạn của Ngài, trong số cư dân mặt đất, dẫn dắt thần dân của mình về với Ngôi Lời, Con độc nhất và là Ðấng Cứu Thế, và chuẩn bị cho họ bước vào Vương Quốc của Ngài.

Ngôi Lời hiện hữu trước thế giới và là Ðấng Cứu Thế hoàn vũ phú cho các môn đệ của Ngài những mầm giống của lý trí và của ơn cứu độ và làm cho họ trở thành những hữu thể có lý trí và hiểu biết về Vương Quốc của Cha. Bạn của Ngài, như một thông dịch viên của Ngôi Lời Thiên Chúa, kêu gọi toàn thể nhân loại tới sự nhận biết sự thiện tối cao, dùng tiếngnói uy mãnh của mình mà công bố cho mọi cư dân mặt đất biết các luật của lòng đạo đích thật và của chân lý.

Ðấng Cứu Thế hoàn vũ mở các cánh cửa dẫn vào Vương Quốc của Cha cho những kẻ di cư từ trần thế này tiến về Thiên Quốc. Phần hoàng đế, bởi lòng nhiệt thành với sự kiện tối cao thúc đẩy, ông đã gột sạch vương quốc trần gian khỏi mọi nhơ bẩn của lầm lạc vô thần (lời kêu gọi tới thế quyền trong việc chống lại lạc giáo thật nguy hiểm !) kêu gọi đoàn người thánh thiện và đạo đức vào trong hoàng cung (ám chỉ tới việc triệu tập Công Ðồng Nicée ?) . Ðược mang lấy hình ảnh của vương quyền thiên quốc, đôi mắt ngước cao, ông dùng sự cai trị của mình mà dẫn dắt các kẻ dưới thế này theo khuôn mẫu của mình, vững tâm vì đã có mẫu gương về quyền tối thượng duy nhất của Chúa Cha".

Lời tán dương Constantin 2 - 3

 


 

MỘT DỰ ÐỊNH HỘ GIÁO RỘNG LỚN

Eusèbe được kể vào số những nhà hộ giáo chính của cổ thời, và cả về điểm này, ngài là người thừa kế một truyền thống xa xưa. Cũng có thể nói đây là khía cạnh cơ bản nhất trong công trình của ngài. Quả vậy, dường như toàn bộ các tác phẩm của ngài về lịch sử, hộ giáo, tín lý đều nhằm thực hiện một dự định rộng lớn và độc nhất. Cuốn "Nhập môn căn bản tổng quát", soạn thảo trước khi ngài làm Giám Mục. Hẳn phải phác họa những đường nét chính của dự phóng : đi từ những sự kiện và tài liệu trích dẫn dồi dào (đây là một trong những đặc tính độc đáo trong công trình của nhà hộ giáo Eusèbe). Ông cho thấy Kitô giáo chẳng những không phải là một sự cách tân ngạo ngược, mà lại là sự chín mùi và kết trái của những truyền thống đáng kính nhất mà người ta tìm lại được các dấu vết trong ngoại giáo cũng như trong Dothái giáo, một khi lột bỏ đi lớp vỏ thô thiển bên ngoài : Eusèbe đặc biệt nhạy cảm về lời trách cứ của văn hóa Hylạp chống lại đức tin Kitô giáo : cho rằng đức tin còn "mới mẻ" và chỉ "mới có" . Ðối với người thời đó, tính "cổ xưa" là tiêu chuẩn của chân lý và chủ chăn của chân lý là truyền thống. Ðã từng có một tác giả Kitô giáo chống lại vị trí ưu việt đó của truyền thống hoặc của "tục lệ" con người. Về phần mình, Eusèbe nghĩ Kitô giáo từ đây đã đủ mạnh, đủ hội nhập vào xã hội để có thể tự giới thiệu mình như là sự hoàn chỉnh của truyền thống chính thực và cổ xưa nhất, nó có thể vừa tiếp nhận truyền thống đó vừa gạn lọc nó một cách khắt khe, và như vậy dung hòa được tính mới mẻ thực sự của Kitô giáo và sự trung thành với quá khứ, đồng thời chứng minh được tính chất hữu lý của mình. Chính các tôn giáo dân ngoại mới bị xem là bước thụt lùi vô lý.

Eusèbe đặt câu hỏi : Các Kitô hữu có phải là người Hylạp không ? Có phải là người "man di" không (tức không phải là người Hylạp) ? Hay là một chủng tộc thứ ba ? Cảm tưởng người Kitô hữu tạo nên một "tertium genus" không phải là hiếm nơi các nhà hộ giáo trước đó. Câu trả lời của Eusèbe tinh tế hơn : chủng tộc thứ ba, nếu có, sẽ không chối từ hai chủng tộc kia ; các Kitô hữu "Hylạp theo chủng tộc, Hylạp theo tinh thần" khước từ di sản tôn giáo ngoại đạo, chứ không khước từ phần đóng góp tích cực của di sản văn hóa và triết học của nó. Cũng thế, họ đảm nhận cả phần di sản "man di" của Dothái giáo. Kitô giáo vượt qua điều có trước mình bằng cách hoàn tất nó, có thể đảm nhận những gì tốt nhất của nó vì đó là một sự "chuẩn bị cho Phúc Âm" do Ý Chúa Quan Phòng.

Dưới mắt của Eusèbe, lịch sử cho thấy rằng ngay từ đầu Thiên Chúa đã nhẫn nại hướng dẫn việc dạy dỗ nhân loại. Với giờ của Kitô giáo thì sự lên ngôi của một nhân loại thành toàn đã điểm. "Chiến thắng" của Giáo Hội do ý Chúa quan phòng đối với những kẻ bách hại hiển nhiên xác nhận điều đó. Chiến thắng này đem lại cho niềm hy vọng Kitô giáo một màu sắc mới. Nước Trời đã được xây dựng trong thế giới này. Song song với tác phẩm lịch sử, Eusèbe còn soạn thảo một công trình hộ giáo cách có phương pháp. Những cuốn chính của công trình này là : "Chuẩn bị Phúc Âm", "Minh chứng Phúc Âm" và "Thần hiển". Cuốn thứ nhất cho thấy mạc khải Dothái giáo ưu việt hơn ngoại giáo cũng như sự hài hòa của nó với triết học ; cuốn thứ hai muốn minh chứng rằng mầu nhiệm Ðức Kitô được loan báo trong tất cả Cựu Ước ; cuốn thứ ba trình bày công trình của Ngôi Lời trong tạo dựng và nhập thể. Ngoài những mục tiêu tổng quát, tất cả chứng minh ngài đưa ra là nhắm vào cuốn "Chống người Kitô hữu", một cuốn sách có lời lẽ đanh thép, và tương đối mới ra của Porphyre, triết gia lừng danh theo khuynh hướng Tân-Platon. Eusèbe hiểu tầm quan trọng của cuốn sách này và chúng ta biết ngài đã soạn cả một tác phẩm lớn có hệ thống để phản bác lại, tiếc rằng tác phẩm đó đã bị thất lạc.

 

EUSÈBE GIỚI THIỆU CUỐN "LỊCH SỬ

GIÁO HỘI" CỦA MÌNH

Những đấng kế vị các thánh Tông Ðồ và các thời đại trôi qua kể từ Ðấng Cứu Thế cho đến chúng ta, tất cả những việc lớn lao mà người ta nói là đã được thực hiện theo dòng lịch sử, tất cả những vị đã cai quản và điều khiển cách vẻ vang những cộng đoàn danh tiếng nhất . những tên tuổi, phẩm chất và thời đại của những kẻ, bị đẩy tới chỗ lầm lạc tột cùng vì ham mê điều mới lạ, đã nên như loài sói dữ, đánh tan tác đoàn chiên của Ðức Kitô cách không thương tiếc . Tất cả những cuộc chiến đấu, với bản chất và thời gian của nó, mà các dân nước tiến hành chống lại Lời Chúa, những con người đã vì Lời Chúa mà dấn thân chiến đấu theo dòng thời gian, với giá máu và gian truân cùng khốn và cả những cuộc tử đạo xảy ra trong thời đại chúng ta : đó là những gì tôi muốn viết để truyền đạt lại .

Hiện tại, là người đầu tiên đi vào đề tài này, chúng tôi quyết vượt qua một con đường có thể nói là hoang vắng, chưa dấu chân người, đồng thời chúng tôi cầu nguyện để được Chúa dẫn dắt và được sức mạnh của Người trợ giúp. Chúng tôi không thể tìm thấy ngay cả dấu vết của những người đi trước chúng tôi trên cùng một con đường, nhưng chỉ là những chỉ dẫn mờ nhạt mà mỗi người trong họ, mỗi người một cách, đã để lại tường thuật về một khía cạnh nào đó của các thời đại mình trải qua. Họ trao cho chúng tôi lời nói của họ như những ngọn đuốc thấp thoáng đàng xa ; họ kêu lên như thể từ một tháp cao để chỉ cho chúng tôi biết phải đi qua nơi nào, phải tường thuật theo con đường nào cho chắc chắn, không rơi vào sai lầm. Tất cả những gì chúng tôi xét thấy là có ích cho mục đích nhắm tới, thì chúng tôi lựa chọn nó trong những ghi nhớ tản mác của họ và hái lấy như thể trong những vườn văn, các lời nói hữu ích của những văn sĩ thời xưa đó, và chúng tôi cố gắng kết chúng lại thành một toàn thể theo trình tự lịch sử .

Tôi tin việc làm của tôi là hoàn toàn cần thiết, vì cho đến nay tôi chưa thấy có ai trong số các văn sĩ của Giáo Hội chịu khó đi vào phần văn chương này. Tôi hy vọng rằng có lẽ nó sẽ hết sức hữu ích cho những ai hăng say nghiên cứu những bài học của lịch sử".

Lịch sử Giáo Hội, Bài Tựa 1, 1 - 5

 

EUSÈBE XÁC ÐỊNH DỰ TÍNH HỘ GIÁO CỦA MÌNH

"Vì có ý định trình bày cho những ai không biết đích xác Kitô giáo là như thế nào . thiết tưởng cần phải xác định rõ ý nghĩ của cái mà chúng ta gọi là Phúc Âm : Phúc Âm trình bày Tin Mừng cho mọi người, về sự hiện diện của những điều thiện hảo cao quý nhất, lớn lao nhất giữa chúng ta, đã được tiên báo từ xa xưa, nhưng chỉ gần đây mới chiếu sáng cho mọi người ; nó không bảo trợ cho sự giàu sang mù quáng, cho cuộc hiện hữu tầm thường và đu khổ nơi trần thế này, hay cho tất cả những gì bị phó nộp cho xác thịt và sự tàn hoại, nhưng là cho tất cả những gì làm vui thoả và thích hợp với những linh hồn được phú ban một bản tính trí thức mà những thân xác tuỳ phụ cũng tùy thuộc vào như thể là bóng của các linh hồn đó.

Một số kẻ tưởng rằng Kitô giáo không tôn trọng bất cứ luận lý nào, rằng những người nhận mình là Kitô hữu chẳng có gì bảo đảm niềm tin của họ ngoài một đức tin phi lý và một sự ưng thuận thiếu suy xét ; nếu cứ tin ở họ, thì như vậy là không ai có thể chứng tỏ sự thật về các lời hứa của chúng ta bằng một minh chứng hiển nhiên, và các tín đồ của chúng ta nghĩ rằng chỉ cần chú ý tới đức tin thôi là đủ, vì vậy họ mới mang danh là tín hữu, tin mà không biện biệt, không suy xét. Trong tình trạng như thế, lẽ dĩ nhiên khi đề cập tới việc chứng minh Tin Mừng, thay vì lời mở đầu cho toàn bộ đề tài, tôi cho rằng cần phải khởi đầu bằng cách vắn tắt xét đến các vấn nạn hợp lý mà những người Hylạp, những người cắt bì cũng như tất cả những ai khảo sát cặn kẽ đạo của chúng ta, có thể đặt ra đối với chúng ta.

Theo cách đó, có lẽ phần trình bày của tôi sẽ khai triễn theo trình tự, đi đến chỗ trình bày đầy đủ hơn về việc chứng minh Tin Mừng và đưa tới sự hiểu biết sâu xa hơn về các tín điều, miễn là phần chuẩn bị đạt được vai trò của nó, nghĩa là có tính nhập môn, cung cấp kiến thức sơ đẳng, và phù hợp với những người dân ngoại mới trở lại với chúng ta. Một khi vượt qua bước này, độc giả đã được chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận những giáo huấn cao hơn, và sau đó sẽ tiếp nhận sự hiểu biết chính xác các ý niệm cốt yếu về nhiệm cục liên quan đến Ðấng Cứu Thế của chúng ta, Chúa Giêsu, Ðức Kitô của Thiên Chúa".

Chuẩn bị Tin Mừng I. 1, 1- 12

Sources Chrétiennes no. 206, p. 97 - 105

 

 

MỘT THẦN HỌC CÒN TRANH CÃI

Tác phẩm hộ giáo của Eusèbe rất dồi dào và hết sức uyên bác gây thích thú cho khoa học ngày nay, các tác phẩm đó còn là một dẫn nhập vào thần học. Những năm cuối đời, Eusèbe quả thực đã hoàn thành được tác phẩm "Thần học của Giáo Hội" (Théologie ecclesiastique), trong đó chủ yếu ngài khai triển học thuyết của mình về Ðức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Trong tác phẩm đó, ngài cũng rõ ràng nhắm vào một đối thủ lúc bấy giờ là Giám Mục Marcel thành Ancyre (Ankara), nhà thần học cuối cùng theo hình thái thuyết, còn sót lại ngay giữa thế kỷ IV. Eusèbe đã từng lên tiếng chống lại ông trong cuốn "Chống Marcel" (Contra Marcellum). Hai tác phẩm tín lý này hoàn toàn có lý khi bác bỏ hình thái thuyết, dầu vậy vẫn để lộ những hạn chế của Eusèbe nhà thần học. Giáo lý của ngài về Ngôi Lời thoát thai điển hình từ một quan niệm phẩm trật trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần được xếp vào hàng thấp hơn về thần tính, dù vẫn siêu việt trên các thụ tạo. Từ nơi Origène, Eusèbe chỉ còn giữ lại khuynh hướng hạ phục thuyết này nhưng lại không có những sửa chữa mà vị thầy đã thực hiện. Cách hiểu của ngài về Nhập Thể như là sự kết hợp của Logos với một thân xác nhân loại, trong đó Logos đóng vai trò linh hồn, là một sai lạc do hoàn toàn quên đi giáo lý phong phú của Origène về linh hồn nhân loại của Ðấng Cứu Thế. Thần học của ngài tuy không yếu kém như thần học của Lactance, dầu vậy vẫn là thứ thần học chắc chắn đã lỗi thời.

Niềm tin của Eusèbe vào Ðức Kitô Con Thiên Chúa chắc chắn là điều khong thể nghi ngờ, ngài không bao giờ tán đồng những luận đề táo bạo nhất của Arius, nhưng ngài không phải là không có thiện cảm với các ý tưởng của Arius. Ở Nicée, ngài cố gắng làm sao cho tín biểu của Giáo Hội Césarée được chấp thuận, vì tín biểu này có những từ ngữ đủ rộng để mở ngõ cho Arius. Ngài tán thành từ ngữ "đồng bản thể" (Comsubstantiel) nhưng với sự ngập ngừng và lúng túng. Sau Công Ðồng, ngài mau mắn đứng vào hàng ngũ các Giám Mục che chở nhóm Arius, ngài đã dự phần vào những vận động mưu mô, có sự hỗ trợ của hoàng đế, nhằm chống lại những người bênh vực tín biểu Nicée là Eustathe thànhAntioche và thánh Athanase thành Alexandrie. Khi cùng với các Giám Mục mưu mô tiếp tay cho cuộc bút chiến tệ hại này, ngài chịu một phần trách nhiệm về việc làm cho tranh luận về Arius kéo dài một cách tai hại. Tuy nhiên, người ta có thể tin được rằng ngài là con người ngay thật và vô vị lợi ; để thưởng công cho các việc làm của ngài, Constantin muốn đưa ngài lên Tòa Giám Mục Antioche lừng tiếng, Eusèbe đã từ chối, ngài muốn ở lại nơi ngài đã làm việc lâu năm, bên cạnh thư viện Césarée. Có thể nói, chính nhờ những con người như Origène, Pamphyle, Eusèbe mà Giáo Hội Ðông phương đã có được một hàng giáo sĩ có trình độ trí thức rất cao trong suốt thế kỷ IV.

 

ÐỨC KITÔ ÐỨNG GIỮA THIÊN CHÚA

VÀ THẾ GIỚI

Một trong những nhược điểm nơi thần học của Eusèbe : ngài không thể chịu được việc đặt Ngôi Lời trên cùng một bình diện với Thiên Chúa Cha. Sau đây là giải thích ngài đưa ra, khi dựa vào các bản văn của Phaolô về Ðức Kitô Trung Gian của Lề Luật (Gal 4, 4) và là Trung Gian của Thiên Chúa và của con người (1Tm 2, 5) để rút ra luận chứng chống lại hình thái thuyết :

"Thiên Chúa không phải là vị trung gian, vì Ngài sẽ là vị trung gian giữa những ai bây giờ? Vị nào trung gian thì vị đó - vì là trung gian - không phải là chính thiên Chúa, vì "không có chuyện trung gian của một người độc nhất". Vậy, vị trung gian đứng giữa hai bên. Những bên nào ? Ngài (Phaolô) cho biết đó là các thiên thần và Thiên Chúa (Gal 4, 4), ngài khẳng định rằng Con Thiên Chúa đứng giữa thiên thần và Thiên Chúa, tự tay Ngài nhận lãnh lề luật từ Chúa Cha, và thông truyền cho dân tộc đứng đầu qua các thiên thần. Như vậy, Con hiện hữu như vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài không đơn thuần là Lời của Thiên Chúa, không có hiện hữu riêng, lẫn lộn với chỉ một và cùng một Thiên Chúa (như những gnười theo hình thái thuyết chủ trương).

Ngài đã hiện hữu và tiền hữu như "Con độc nhất đầy ân sủng và chân lý", Ngài đã là vị trung gian cho Chúa Cha, Ngài đưa Lề Luật ra cho loài người qua tác vụ của các thiên thần. Vị trung gian nhất thiết phải ở giữa hai bên, khác biệt với các bên mà Ngài đứng giữa. Như thế, người ta không thể nghĩ rằng Ngài là Vị Thiên Chúa tối cao, cũng không phải là một trong các thiên thần, nhưng Ngài ở giữa hai bên và làm trung gian cho hai bên, vì lẽ Ngài đứng giữa vị trí nằm giữa Thiên Chúa và các thiên thần. Cũng một thể cách như thế, khi Ngài trở thành vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (qua Nhập Thể), Ngài ở giữa Ðấng này và những người kia, Ngài không thuộc hàng Ðấng này cũng không thuộc hàng những người kia, nhưng Ngài là trung gian, không là Vị Thiên Chúa độc nhất và duy nhất, cũng không là con người như những người khác . Vậy chỉ có một Thiên Chúa (Chúa Cha), chỉ có một Ðấng Trung Gian của Thiên Chúa và của mọi loài thụ tạo.

Contre Marcel (dAncyre) ch. 1

 

CESARÉE DE PALESTINE

SAU KHI EUSÈBE MẤT

Kế nhiệm Eusèbe trước hết là các Giám Mục theo phe Arius : cho chúng ta biết rằng họ đã hết sức bảo toàn thư viện và tiếp nối các nghiên cứu của Pamphile và của Eusèbe về bản văn Thánh Kinh. Thánh Jérôme cho chúng ta biết rằng Acace (340 - 360) rồi Euzois (366 - 379) đã ra sức khôi phục các sưu tập về cảo bản đã bị hư hỏng theo thời gian : các vị cho viết lại các chỉ cảo (papirus) trên giấy da thuộc (parchemin) vì các chỉ cảo rất mong manh đã bị hư hại.

Trong phần tư cuối thế kỷ IV và phần tư đầu thế kỷ V, thư viện đã có được một người sử dụng đủ năng lực và cần mẫn đó là thánh Jérôme, lập cư tại Bethleem : ngài đã đến đây, đặc biệt là đã hơn một lần tra cứu bộ Hexaples (Sáu Cột) : nhờ ngài mà những kho tàng do Pamphile và Eusèbe đã say mê thu thập tiếp tục làm giàu cho tri thức Kitô giáo.

Sau Jérôme, người ta không còn nghe nói bao nhiêu về thư viện này. Vả lại, Césarée mất đi vị trí là thủ phủ của Palestine, nhường lại cho Jérusalem. Trong đời sống Giáo Hội, thành phố này sẽ không tìm lại được ảnh hưởng trên bình diện trí thức mà nó đã từng có một cách hết sức lừng lẫy vào các thế kỷ III và IV. Những sưu tập quý giá về các cảo bản đã bị thất tán trong các cuộc xâm lăng của người Batư và Ảrập.

 

 

 

SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM

 

G. BARDY. "La théologie dEusèbe de Césarée daprès lhistoire ecclésiatique" Revue dHistoire Ecclésiastique, t. 50. 1955, p. 5 - 20.

M. J. ROUDEAU - J. KIRCHMEYER, "Eusèbe de Césarée" dans Dictionnaire de Spiritualité, t. IV, 1960, col, 1687 - 1690.

Các bản dịch trong "Sources Chrétiennes" : Histoire ecclésiastique, Préparation évanggélique I - XIII.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt