Triết học tôn giáo

Những thuyết trình về thần-nhân loại

 

NHỮNG THUYẾT TRÌNH VỀ THẦN-NHÂN LOẠI

- THUYẾT TRÌNH MỘT -

VLADIMIR SOLOVIEV

 

Tôi sẽ nói về những chân lý của tôn giáo chính thực - về những đối tượng khá xa xôi và lạ lẫm đối với ý thức con người hiện thời, đối với những lợi ích của văn minh hiện thời. Những lợi ích của văn minh hiện thời là cái mà hôm qua còn chưa có và ngày mai sẽ không còn nữa. Con người được phép yêu chuộng hơn cái là quan trọng đối với mọi thời đại.

Tôi sẽ không tranh luận với những ai đương gĩư thái độ phủ định đối với yếu tố tôn giáo, không tranh luận với các đối thủ hiện thời của tôn giáo - bởi vì thực ra họ có lý. Tôi nói những người bài bác tôn giáo ngày nay có lý, vì tình trạng hiện nay của tôn giáo khiến phải phủ định nó, vì tôn giáo trong thực tại không đáp ứng yêu cầu về cái cần phải có.

Nói một cách chung và trừu tượng, tôn giáo là mối quan hệ giữa con người và thế giới với bản nguyên tuyệt đối và tâm điểm của tất cả những gì tồn hữu. Từ đó trở nên hiển nhiên rằng nếu thừa nhận tính hữu thực của bản nguyên ấy, thì nó phải quy định tất cả các lợi ích, toàn bộ nội dung của đời sống và ý thức con người; tất cả những gì là hệ trọng trong cái mà con người nhận thức, hành xử và làm ra đều phải phụ thuộc vào nó và có quan hệ với nó. Nếu giả định có một tâm điểm tuyệt đối của cuộc sống, thì tất cả các điểm trên chu vi cuộc sống phải liên kết với tâm điểm ấy bằng những tia bằng nhau. Chỉ khi ấy mới có thể thống nhất, tính vẹn toàn và sự hoà hợp trong cuộc sống và ý thức con người, chỉ khi ấy những hành động và những đau khổ trong đời sống lớn và đời sống nhỏ của con người mới từ những hiện tượng vô đích và vô nghĩa trở thành những sự kiện có ý nghĩa và mang tính tất yếu nội tại. Tuyệt không thể hồ nghi rằng cái ý nghĩa phổ quát, ý nghĩa trung tâm ấy phải thuộc về yếu tố tôn giáo, nếu nói chung thừa nhận yếu tố ấy, và cũng tuyệt không thể hồ nghi rằng trong thực tại, đối với nhân loại văn minh hiện thời, ngay cả đối với những người thừa nhận yếu tố tôn giáo, tôn giáo không có dược cái ý nghĩa phổ quát và trung tâm ấy. Thay vì là tất cả trong tất cả, tôn giáo giờ đây ẩn náu trong một góc rất nhỏ và xa xăm của thế giới nội tâm chúng ta, nó chỉ là một trong rất nhiều mối quan tâm khác nhau xé lẻ tâm thức chúng ta.

Tôn giáo thời nay là một cái gì đó đáng thương đến thảm hại - nếu nói đúng thì tôn giáo, với tư cách một yếu tố thống ngự, một trung tâm của lực hấp dẫn tinh thần, tuyệt không có nữa, mà thay thế nó có một cái gì đó được gọi là “tính mộ đạo” - như là một não trạng, một thị hiếu cá nhân: ở người này có, ở người kia không có , chẳng khác nào có những người yêu và có những người không yêu âm nhạc.

Do thiếu vắng một tâm điểm tuyệt đối, cho nên ở chúng ta có bao nhiêu yêu cầu và lợi ích, thị hiếu và ham muốn, ý kiến và quan điểm khác nhau, thì cũng xuất hiện bấy nhiêu trung tâm tương đối, nhất thời của đời sống và ý thức.

Sẽ là dư thừa dừng lại ở tình trạng hỗn loạn và thiếu yếu tố lãnh đạo về phương diện tinh thần và đạo đức ngự trị hiện nay không chỉ trong xã hội mà còn trong tâm trí của từng con người cá thể - đó là hiện thực quá rõ đối với tất cả những ai có khi nào đó đã để tâm nhìn vào bên trong mình và xung quanh mình.

Sự thiếu yếu tố hướng đạo ấy, tình trạng hỗn loạn ấy là một thực tại hiển nhiên, không thể hồ nghi; nhưng cũng hiển nhiên và không thể hồ nghi một thực tại khác là loài người không thể dừng lại ở trạng thái hiện nay và vô luận thế nào đi nữa nó vẫn kiếm tìm một khởi nguyên nhất thống và liên kết tất cả. Quả thật, chúng ta thấy rằng cả nền văn minh phương Tây hiện đại đã bác bỏ yếu tố tôn giáo như là cái dưới hình thức hiện thời của nó đã tỏ ra hết sức chủ quan và bất lực - cả nền văn minh ấy tuy vậy vẫn cố gắng tìm ra ở bên ngoài lĩnh vực tôn giáo một vài khởi nguyên liên kết cho đời sống và ý thức của con người, cố gắng tìm ra một cái gì đó thay thế cho những thần linh đã bị hạ bệ. Mặc dù theo quan niệm thống ngự hiện thời, tất cả mọi khởi đầu và kết thúc của sự sống con người đều được quy về thực tại hiện hữu, về cái tự nhiên hiện tồn, và toàn bộ cuộc sống của chúng ta bị khép kín “trong vòng chật hẹp của những ấn tượng cõi trần”, tuy vậy ngay trong cái vòng chật hẹp ấy, nền văn minh hiện đại vẫn gắng sức tìm ra cho loài người một khởi nguyên có sức mạnh nhất thống và tổ chức.

Sự cố gắng tổ chức đời sống nhân loại bên ngoài lĩnh vực tuyệt đối của tôn giáo, tự khẳng định và tự thu xếp trong khu vực những lợi ích nhất thời, hữu hạn là đặc tính nổi bật của nền văn minh hiện đại.

Chí hướng ấy được thể hiện một cách nhất quán hơn cả, hữu thức và đầy đủ hơn cả trong hai học thuyết đương đại, trong đó một học thuyết - tôi nói đến chủ nghĩa xã hội - có quan hệ chủ yếu với những lợi ích thực tiễn của đời sống xã hội, còn học thuyết khác - tôi nói đến chủ nghĩa thực chứng - nhằm vào lĩnh vực lý thuyết của tri thức khoa học.

Cả chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa thực chứng đều không ở trong quan hệ trực tiếp khẳng định hay là phủ định tôn giáo: chúng chỉ muốn chiếm cái chỗ trống, mà tôn giáo để lại trong đời sống và tâm thức của nhân loại văn minh hiện đại. Chính từ điểm nhìn ấy chúng ta phải đánh giá chúng.

Xin được nói trước là tôi sẽ không bài bác chủ nghĩa xã hội. Thông thường nó hay bị bài bác bởi những người sợ chân lý của nó. Nhưng chúng ta bảo trì những khởi nguyên mà đối với chúng chủ nghĩa xã hội không đáng sợ. Cho nên chúng ta có thể thoải mái nói về chân lý của chủ nghĩa xã hội. Nó trước hết được biện minh bởi lịch sử, như là một hệ quả tất yếu, như là lời nói cuối cùng của toàn bộ sự phát triển lịch sử trước đó của phương Tây.

Cuộc cách mạng Pháp, mà từ đấy đã hiện rõ tính chất cơ bản của nền văn minh phương Tây như là một nền văn minh phi tôn giáo, như là một thử nghiệm kiến thiết một toà nhà văn minh toàn cầu, tổ chức đời sống nhân loại trên những nguyên lý thuần tuý thế tục, ngoại tại - cuộc cách mạng Pháp, tôi nói, đã tuyên cáo một nguyên lý mới cho chế độ xã hội - những quyền con người thay thế cho thần quyền xưa kia. Những quyền con người ấy có thể được quy về hai quyền cơ bản: tự dobình đẳng, hai quyền này phải dàn hoà với nhau trong tình bác ái [1]. Cuộc cách mạng vĩ đại ấy đã tuyên bố tự do, bình đẳng và bác ái. Tuyên bố nhưng không thực hiện: ba chữ ấy vẫn chỉ là ba chữ trống rỗng. Chủ nghĩa xã hội là một nỗ lực thật sự thực hiện ba nguyên tắc ấy. Cách mạng đã ban bố quyền tự do công dân. Nhưng trong tình trạng bất bình đẳng xã hội hiện tồn, sự giải phóng khỏi một giai cấp thống trị này chỉ là sự rơi vào ách thống trị của một giai cấp khác. Quyền lực của vua chúa và giai cấp phong kiến chỉ được thay thế bằng quyền lực của tư bản và giai cấp tư sản. Chỉ một tự do còn chưa đem lại cái gì cả cho đa số dân chúng, nếu không có bình đẳng. Cách mạng đã tuyên bố cả cái sau. Nhưng trong thế giới của chúng ta được dựng xây trên cơ sở sự đấu tranh, sự cạnh tranh vô giới hạn của các cá nhân, sự bình đẳng về quyền còn chưa là cái gì cả, nếu không có sự bình đẳng về lực. Nguyên tắc bình đẳng, bình quyền hoá ra chỉ hữu hiệu đối với những ai có sức mạnh trong thời điểm lịch sử này.

Nhưng sức mạnh lịch sử di chuyển từ tay người này sang tay người khác, và nếu giai cấp tư sản, hay là giai cấp có của, đã tận dụng nguyên tắc bình đẳng một cách có lợi cho mình, bởi vì trong giờ phút lịch sử này sức mạnh thuộc về nó, thì cũng đúng như thế, giai cấp vô sản, hay là giai cấp không có của, cũng theo lẽ tự nhiên ấy ước muốn tận dụng nguyên tắc bình đẳng một cách có lợi cho mình, chỉ cần sức mạnh rơi vào tay nó.

Mọi chế độ xã hội phải dựa vào một căn cứ chính diện nào đó. Cái căn cứ ấy hoặc mang tính vô điều kiện, siêu nhiên và siêu nhân, hoặc nó thuộc về lĩnh vực có điều kiện của bản tính hiện hữu của con người. Xã hội dựa vào hoặc ý chí của Thượng Đế, hoặc ý chí của những con người, hay là ý chí của dân chúng. Không thể phản bác cái song đề ấy bằng lập luận nói rằng chế độ xã hội có thể được quy định bởi sức mạnh của quyền lực nhà nước cuả chính phủ, bởi lẽ bản thân cái quyền lực nhà nước ấy, bản thân chính phủ ấy phải dựa vào một cái gì đó: hoặc vào ý chí của Thượng Đế, hoặc vào ý chí của dân chúng.

Thành phần đầu của song đề đã bị nền văn minh phương Tây bác bỏ: cách mạng Pháp, cương quyết đoạn tuyệt với những yếu tố truyền thống, đã nhất quyết thiết lập nguyên tắc dân chủ, mà theo nó thì chế độ xã hội dựa vào ý dân. ý chí của dân, xét từ điểm nhìn ấy, không phải là cái gì khác, mà là ý chí của tập hợp những cá nhân hợp thành nhân dân. Quả là như thế, cuộc cách mạng vĩ đại đã bắt đầu từ việc tuyên bố rằng con người tự nhiên có những quyền vô điều kiện, có những quyền ấy do bản chất, do phẩm giá con người của mình; và vì tất cả mọi người đều có như nhau phẩm giá con người như là cội nguồn của mọi quyền, cho nên tất cả mọi người tất yếu bình quyền. Mỗi một cá nhân tự nó có quyền lập pháp, cho nên cuối cùng quyền lập pháp thuộc về đa số các cá nhân, hay là đa số dân chúng.

Nếu ý chí của đa số dân chúng là căn cứ, mà lại là căn cứ duy nhất của mọi quyền và mọi pháp luật, và nếu ý chí của đa số dân chúng đương nhiên coi phúc lợi của mình là mục tiêu hành động, thì cái phúc lợi ấy trở nên một quyền và một luật tối cao. Và nếu một giai cấp, hay là một thiểu số của nhân dân trong thực tế được hưởng một phúc lợi vật chất nhiều hơn đa số, thì cái đó, xét từ quan điểm ấy, là sự hà lạm bất chính.

Tình hình hiện nay là như thế. Cách mạng, khẳng định về nguyên tắc nền dân chủ, trên thực tế chỉ đẻ ra nền tài phiệt. Nhân dân tự quản chỉ de jure (trong pháp lý), còn de facto (trong thực tại) thì quyền lực tối cao thuộc về một bộ phận rất nhỏ - tầng lớp tư sản giàu có, những nhà tư bản. Do nền tài phiệt, về bản chất của mình, nói chung là khả thủ đối với mọi người, cho nên chính nó là vương quốc của thi đua và cạnh tranh tự do. Nhưng cái tự do và bình quyền ấy đối với đa số dân chúng chỉ là một khả năng trừu tượng. Sự tồn tại của sở hữu được thừa kế và sự tập trung nó vào trong tay một số ít người biến các nhà tư sản thành một giai cấp đặc quyền đặc lợi riêng biệt, còn tuyệt đại đa số nhân dân, bị tước đoạt mọi sở hữu, với tất cả sự tự do và bình quyền trừu tượng của mình trong thực tế biến thành giai cấp vô sản bị nô dịch, mà ở đấy sự bình đẳng là bình đẳng trong nghèo khổ bần cùng, còn tự do thì rất hay xuất hiện như là tự do chết đói. Nhưng sự tồn tại của giai cấp vô sản thường trực, là một nét đặc trưng của nền văn minh phương Tây hiện đại, chính trong nền văn minh ấy lại không tìm được một sự biện minh nào cho mình. Bởi vì nếu chế độ cũ dựa vào một số nguyên tắc tuyệt đối nhất định thì nền tài phiệt hiện thời để biện minh cho mình chỉ có thể viện dẫn sức mạnh của thực tại, viện dẫn những điều kiện lịch sử. Nhưng những điều kiện ấy đổi thay; chế độ nô lệ cổ xưa cũng được dựng xây trên những điều kiện lịch sử, song cái đó không ngăn cản được sự tiêu vong của nó. Còn nếu nói về công lý, thì lẽ nào không là công bằng, nếu của cải thuộc về người sản xuất ra nó, tức là những công nhân? Dĩ nhiên, tư bản, tức là kết quả của lao động trước đó, cũng cần thiết cho sự sản xuất ra của cải như là lao động trong hiện tại, nhưng chưa bao giờ có ai chứng minh được tính tất yếu của sự phân chia loại biệt giữa chúng, tức là tình trạng một số người phải chỉ là những nhà tư bản, còn những người khác thì phải chỉ là công nhân.

Như vậy, chí hướng của chủ nghĩa xã hội nhằm đạt tới sự đồng đều của phúc lợi vật chất, chuyển phúc lợi ấy từ tay một thiểu số sang tay đa số nhân dân là hoàn toàn tự nhiên và chính đáng, xét từ quan điểm của những nguyên tắc đã được cách mạng Pháp tuyên bố và đã trở thành nền móng của toàn bộ nền văn minh hiện đại.

Chủ nghĩa xã hội xuất hiện như một sức mạnh lịch sử chính đáng, và ở phương Tây tương lai gần nhất rõ ràng thuộc về nó. Nhưng nó không muốn chỉ là một sức mạnh lịch sử, chỉ được biện chính một cách có điều kiện, nó còn muốn là một sức mạnh đạo đức-tinh thần tối cao, ôm ấp tham vọng thực hiện chân lý tuyệt đối trong lĩnh vực các quan hệ xã hội. Nhưng chính ở đây chủ nghĩa xã hội tất yếu, một cách định mệnh, bước vào mâu thuẫn với chính mình và sự thất bại của nó trở nên hiển nhiên. Chủ nghĩa xã hội muốn thực hiện công lý và chân lý trong xã hội - song công lý và chân lý ấy là ở đâu? Lại ở sự đồng đều của phúc lợi vật chất. Một trong hai cái: hoặc phúc lợi vật chất là mục đích tự thân - thế thì trong trường hợp ấy, vì ước muốn phúc lợi vật chất chỉ là một thực tại tự nhiên của bản tính con người, cho nên sự khẳng định ước muốn ấy với tư cách một nguyên tắc không thể có được một ý nghĩa đạo đức-tinh thần nào. Chủ nghĩa xã hội, khi nó xuất hiện lần đầu tiên, tuyên cáo sự phục hồi các quyền của vật chất; vật chất quả là có những quyền của nó, và ý nguyện thực hiện những quyền ấy rất tự nhiên, nhưng đó chỉ là một trong nhiều ý nguyện tự nhiên của con người và tất nhiên không phải là ý nguyện cao quý nhất: ở đây rõ ràng không thể có ý nghĩa của chân lý tuyệt đối. Tuyên cáo phục hồi các quyền của vật chất, như là một nguyên tắc đạo đức, chẳng khác nào tuyên bố phục hồi các quyền của chủ nghĩa vị kỷ, như một vị sáng lập một giáo phái xã hội ở Mỹ đã làm, vị ấy đã thay mười giới luật của Moise bằng mười hai giới luật của mình, trong đó giới luật đầu tiên dạy: “hãy yêu bản thân mình” - một yêu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng trong mọi trường hợp đều là dư thừa. Hoặc phúc lợi vật chất tự nó không phải là mục đích của chủ nghĩa xã hội, mục đích là sự công bằng trong phân phối phúc lợi ấy.

Công bằng, theo nghĩa đạo đức, là một kiểu tự giới hạn những tham vọng của mình vì quyền lợi của những người khác; như vậy công bằng là một kiểu hy sinh, một kiểu tự phủ định nào đó, và càng tự hy sinh nhiều hơn, tự phủ định nhiều hơn thì càng cao quý hơn về phương diện đạo đức. Trong trường hợp ấy, đứng trên quan điểm đạo đức, không thể tìm ra một ý nghĩa hữu luân hữu đức nào từ phía giai cấp công nhân trong sự đòi hỏi phân phối đồng đều phúc lợi vật chất, bởi vì đối với giai cấp ấy công lý - nếu có công lý ở đây - đồng nghĩa với lợi ích của chính họ - một yêu cầu tư lợi và vì thế không thể mang một ý nghĩa đạo đức nào.

Chủ nghĩa xã hội đôi khi bày tỏ tham vọng thực hiện luân lý của đạo Kitô. Về việc này một ai đó đã nói hóm hỉnh và sắc sảo rằng giữa đạo Kitô và chủ nghĩa xã hội về mặt này chỉ có một sự khác biệt nhỏ là đạo Kitô đòi hỏi cho đi cái của mình, còn chủ nghĩa xã hội thì đòi hỏi lấy cho mình cái của người khác.

Nhưng nếu thậm chí giả định rằng sự đòi hỏi bình đẳng kinh tế từ phía giai cấp vô sản chỉ là sự đòi hỏi cái của mình, cái theo công lý thuộc về mình, thì ngay cả trong trường hợp ấy đòi hỏi ấy vẫn không thể có ý nghĩa đạo đức chính thực, bởi vì lấy lại cái của mình chỉ là quyền, chứ tuyệt không phải là công trạng. Trong những yêu sách của mình, nếu thừa nhận chúng là chính nghĩa, giai cấp công nhân đứng trên quan điểm pháp lý, chứ không phải luân lý.

Nhưng nếu chủ nghĩa xã hội, với tư cách một ý nguyện tư lợi của giai cấp vô sản, không thể có ý nghĩa đạo đức, thì điều ấy đương nhiên vẫn không cản trở nó có tính đạo đức, với tư cách một yêu cầu công lý xã hội không liên quan đến người đưa ra yêu cầu ấy. Và quả thật, vô luận thế nào đi nữa chủ nghĩa xã hội vẫn có lẽ phải, khi nó đứng dậy chống lại sự bất công xã hội hiện hữu - nhưng cội nguồn của cái bất công ấy là ở đâu? Rõ ràng ở chỗ chế độ xã hội được dựng xây trên cơ sở chủ nghĩa vị kỷ của từng cá nhân riêng rẽ, từ đó mà có sự cạnh tranh, đấu tranh, mối thù địch, với tất cả cái ác nảy sinh từ đấy.

Nếu cội nguồn của mọi sự bất công bất chính xã hội là ở chủ nghĩa vị kỷ, thì lẽ ra nghĩa xã hội phải dựa vào cái đối lập, tức là dựa vào nguyên tắc tự phủ định hay là tình yêu.

Để thực hiện lẽ phải, mỗi một cá nhân riêng lẻ hợp thành xã hội phải đặt giới hạn cho sự tự khẳng định một chiều của mình, đứng trên quan điểm tự phủ định, chối từ ý chí ngoại biệt của mình, hy sinh nó. Nhưng cho ai? Xét từ quan điểm đạo đức, phải hy sinh ý chí của mình cho ai? Phải chăng cho những cá nhân riêng lẻ khác, mà người nào trong họ cũng đứng trên lập trường vị kỷ, tự khẳng định - hay là cho tất cả họ hợp lại? Nhưng thứ nhất, hy sinh ý chí của mình, hy sinh sự tự khẳng định mình cho tất cả là một điều bất khả, bởi vì tất cả, như là tập hợp của các cá nhân riêng lẻ, không là và không thể là mục đích thật sự của hoạt động con người, cái “tất cả” ấy không hiện diện như một đối tượng hiện thực có thật, đối tượng ấy chỉ có thể là một số người, chứ không tất cả; thứ hai, một sự tự hy sinh như thế sẽ còn là sự bất công nữa cơ, bởi vì, phủ định chủ nghĩa vị kỷ ở trong ta, sẽ là bất công khẳng định nó ở những người khác, nâng đỡ chủ nghĩa vị kỷ của người khác.

Như vậy, chỉ có thể thực hiện công lý hay là nguyên lý đạo đức đối với cái mà theo ngay bản chất của mình là công lý. Giới hạn đạo đức của chủ nghĩa vị kỷ trong trường hợp này không thể là chủ nghĩa vị kỷ của những người khác, không thể là ý chí tự khẳng định của họ, mà chỉ có thể là cái mà tự nó không thể là riêng biệt và vị kỷ, cái mà tự nó, theo bản chất của nó, là công lý. Chỉ khi nào tất cả mọi người tự thực hiện công lý, tự dự phần vào nguyên lý đạo đức vô điều kiện, thì khi ấy ý chí của họ mới có thể là luật đạo đức đối với tôi. Do đó tình thương yêu và sự tự hy sinh vì những người khác chỉ hữu khả, khi mà ở trong những người ấy được hiện thực hoá một bản nguyên tuyệt đối, đứng bên trên loài người, mà trong quan hệ với bản nguyên ấy thì tất cả mọi người đều là bất công bất chính như nhau và tất cả đều phải từ bỏ sự bất công bất chính ấy.

Trong trường hợp ngược lại, nếu một bản nguyên tuyệt đối như thế không được thừa nhận, nếu tất cả những người khác chỉ là những sinh linh tương đối, đại diện cho một sức mạnh tự nhiên nhất định, thì phục tùng họ sẽ chỉ là chịu sự cưỡng ép từ phía họ. Mọi quyền lực không đại diện cho bản nguyên tuyệt đối của công lý và chân lý - mọi quyền lực như thế chỉ có thể là cưỡng ép và sự phục tùng nó chỉ có thể là miễn cưỡng [2]. Còn sự phục tùng tự do của từng người trong quan hệ với tất cả rõ ràng chỉ có thể có được, khi mà tất cả mọi người tuân phục một bản nguyên tinh thần tuyệt đối, mà trong quan hệ với nó tất cả họ đều bình đẳng với nhau, chẳng khác nào tất cả các đại lượng hữu hạn đều bình đẳng trong quan hệ với cái vô hạn. Về bản chất, những con người không bình đẳng với nhau, bởi vì có những sức lực khác nhau, và do có sự không bình đẳng sức lực ấy họ tất yếu phải phục tùng nhau một cách miễn cưỡng; vì thế về bản chất họ không có tự do. Cuối cùng, loài người về bản chất là xa lạ và thù địch lẫn nhau, và nhân loại tự nhiên tuyệt không phải là một thể bác ái. Nếu vì thế mà không thể thực hiện được chân lý và công lý trên “thổ nhưỡng”của những điều kiện tự nhiên hiện hữu - trong vương quốc của cái tự nhiên, thì sự thực hiện ấy là hữu khả chỉ trong vương quốc của thiên ân, tức là trên cơ sở một khởi nguyên đạo đức-tinh thần vô điều kiện , hay là thần thánh.

Như vậy, chủ nghĩa xã hội bằng yêu cầu thực hiện công lý xã hội và bằng sự bất khả thực hiện công lý ấy trên những cơ sở tự nhiên hữu hạn, một cách lôgic dẫn dắt đến sự thừa nhận một bản nguyên vô điều kiện trong cuộc sống, tức là thừa nhận tôn giáo. Trong lĩnh vực tri thức cả chủ nghĩa thực chứng cũng dẫn đến kết luận như thế.

Chống lại nền thần học truyền thống, trong thế kỷ XVIII cái gọi là phong trào khai sáng đã tuyên cáo những quyền của trí tuệ con người. Nhưng trí tuệ chỉ là phương tiện, là công cụ hay môi trường, chứ không phải là nội dung của nhận thức. Trí tuệ cung cấp một hình thức lý tưởng, còn nội dung của trí tuệ hay là của nhận thức lý trí là thực tại, mà vì cái thực tại siêu nhiên, siêu hình đã bị các nhà khai sáng duy lý bác bỏ, cho nên chỉ còn lại cái thực tại có điều kiện của những hiện tượng tự nhiên nhất định. Chân lý là cái hiện hữu, cái đang xảy ra hay thường xảy ra. Đây là nguyên tắc chung của chủ nghĩa thực chứng. Không thể không nhìn thấy ở đây một chí hướng chính đáng hiện thực hoá chân lý, thực hiện nó trong những đường biên rộng nhất của thực tại, chứng thực nó như là cái thấy được và sờ mó được; cũng đúng như thế, không thể không nhìn thấy cả ở chủ nghĩa xã hội một chí hướng chính đáng hiện thực hoá yếu tố đạo đức, đưa nó vào đời sống tới những biên thuỳ xa xôi nhất, vào lĩnh vực của những quan hệ kinh tế. Nhưng giống như trước khi công lý có thể được con người thực hiện trong lĩnh vực hạ đẳng của sự sống, nó phải tồn tại không phụ thuộc vào con người, cũng đúng như thế, chân lý trước khi trở thành thực tại cho con người, phải có tính thực tại của chính mình. Quả thật, chẳng khác nào một ý chí cá nhân của ai đó tự nó không thể là điều thiện hay công lý, mà chỉ có thể trở nên chí thiện chí công thông qua quan hệ hợp chuẩn hay là sự hoà hợp với ý chí phổ biến - phổ biến không theo nghĩa một sự tập hợp cơ học ý chí của nhiều người hay của tất cả mọi người, mà theo nghĩa một ý chí phổ biến về bản chất, tức là ý chí của Đấng-là-tất-cả, ý chí của Thượng Đế; cũng hệt như thế, một thực tại riêng biệt, một hiện tượng riêng lẻ rõ ràng tự nó, trong thể riêng rẽ của nó, không thể là chân lý, mà chỉ có thể được thừa nhận là chân lý trong quan hệ hợp chuẩn, trong mối liên quan lôgic hay hoà hợp với tất cả hay là với thực tại của tất cả - mà cái tất cả ở đây cũng lại không thể được hiểu theo nghĩa cơ học, theo nghĩa sự tập hợp tất cả các hiện tượng và sự việc, bởi vì thứ nhất, một tập hợp như thế không thể tồn tại trong ý thức của chúng ta, do số lượng những hiện tượng và sự việc là vô hạn và không thể quy về một tổng số xác định nào đó, và thứ hai, giả dụ nếu có một tổng số như thế thì tự nó vẫn không là chân lý, bởi lẽ nếu mỗi một hiện tượng không phải là chân lý thì rõ ràng từ sự tập hợp tất cả những hiện tượng không là chân lý ấy không thể có được một chân lý nào cả (giống như nhiều số không không tạo nên được một đơn vị và nhiều kẻ vô lại không hợp thành được một người công chính); do đó thực tại của tất cả, cái thực tại phổ biến và thập toàn phải là thực tại của Đấng-là-tất-cả - thực tại của Thượng Đế. Nhưng thực tại ấy tự nó chỉ có thể được lĩnh hội trực tiếp, được mặc khải trong nội tâm, có nghĩa nó là đối tượng của tâm thức tôn giáo.

Như vậy, cả chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa thực chứng, nếu phát triển đến cùng những nguyên tắc của chúng, đều dẫn đến sự thừa nhận yếu tố tôn giáo trong đời sống và tri thức con người.

Tôn giáo là sự tái hợp con người và thế giới với bản nguyên tuyệt đối và thập toàn. Cái bản nguyên ấy, với tư cách yếu tố thập toàn và phổ biến, không loại trừ một cái gì, vì thế mà sự tái hợp với nó, tức là tôn giáo chân chính, không thể loại trừ hay trấn át hay bắt phục tùng mình một cách cưỡng bức bất cứ một phần tử nào, bất cứ một sức mạnh sống nào trong con người và trong thế giới của nó.

Sự tái hợp hay là tôn giáo chính là sự đưa tất cả các biểu hiện tự nhiên của cuộc sống con người, tất cả các yếu tố và sức mạnh cục bộ của nhân loại vào quan hệ đúng đắn với một trung tâm tuyệt đối, thông qua và trong cái trung tâm ấy mà thiết lập quan hệ hoà hợp đúng đắn giữa chúng với nhau.

Vì cái bản nguyên tuyệt đối ấy, theo bản chất của mình, không cho phép sự loại biệt và sự bạo lực, cho nên sự tái hợp những phương diện cục bộ của đời sống và những sức mạnh cá thể với bản nguyên thập toàn và với nhau phải là tự do hoàn toàn; và tất cả những yếu tố và sức mạnh ấy, mỗi cái trong khuôn khổ của mình, trong khuôn khổ của sứ mệnh và ý tưởng của mình, đều có quyền bình đẳng tồn tại và phát triển. Nhưng vì tất cả chúng liên kết với nhau hợp thành một chỉnh thể chung vô đIều kiện, mà trong quan hệ với nó chúng là những phần tử khác biệt, nhưng đều thiết yếu như nhau, cho nên chúng có tình đoàn kết, hay là bác ái đầy đủ với nhau.

Tôi đã nói rằng, theo ý nghĩa của ý tưởng tôn giáo, sự tái hợp của những sinh linh cá thể và những yếu tố và sức mạnh cục bộ với bản nguyên tuyệt đối phải mang tính tự do; cái đó có nghĩa là những sinh linh cá thể ấy và những sức mạnh cục bộ ấy phải tự mình hay là tuân theo ý chí của mình đi tới sự tái hợp và sự hoà hợp vô điều kiện, tự mình chối bỏ tính ngoại biệt của mình, chối bỏ sự tự khẳng định hay là chủ nghĩa vị kỷ của mình.

Con đường dẫn đến sự cứu rỗi, đến sự thực hiện bình đẳng, tự do và bác ái chân chính phải thông qua sự tự phủ định. Nhưng để tự phủ định, tất yếu cần có sự tự khẳng định sơ bộ: để chối từ ý chí ngoại biệt của mình, cần có trước ý chí ấy; để cho những yếu tố và sức mạnh cục bộ tái hợp tự do với bản nguyên tuyệt đối, chúng trước đó phải tách rời nó, phải khẳng định cái của mình, hướng tới sự thống trị và ý nghĩa tuyệt đối chỉ của mình, bởi vì chỉ có kinh nghiệm thực tế, chỉ có mâu thuẫn đã trải nghiệm, chỉ có sự thất bại đã nếm trải của sự tự khẳng định ấy mới có thể dẫn dắt đến sự tự do chối bỏ nó và sự tự do và tự giác đòi hỏi tái hợp với bản nguyên tuyệt đối.

Từ đó có thể thấy được ý nghĩa vĩ đại của sự phát triển mang tính phản diện của phương Tây, sứ mệnh vĩ đại của nền văn minh phương Tây. Nền văn minh ấy là sự ly khai hoàn toàn và triệt để của tất cả các sức mạnh nhân tính tự nhiên khỏi bản nguyên thần thánh, là sự tự khẳng định một mình của chúng, là chí hướng dựng xây trên bản thân mình toà nhà của văn minh toàn thế giới. Thông qua sự không thành, sự thất bại định mệnh của chí hướng ấy mà xuất hiện sự tự phủ định, còn sự tự phủ định thì dẫn đến sự tái hợp tự do với bản nguyên thần thánh.

Bước ngoặt cơ bản, cuộc khủng hoảng vĩ đại trong ý thức con người phương Tây đã bắt đầu. Biểu hiện rõ ràng là sự phát triển và uy tín của những tư tưởng bi quan chủ nghĩa, mà theo chúng thực tại hiện hữu là ác độc, lừa dối và khổ đau, còn nguồn gốc của cái thực tại ấy và từ đó của cả sự ác độc, lừa dối và khổ đau ấy nằm trong ý chí tự khẳng định của con người, trong lòng ham sống, vì thế sự cứu rỗi không phải ở đâu khác mà ở trong chính sự phủ định ý chí ấy, trong sự tự phủ định của con người.

Quan điểm bi quan chủ nghĩa ấy, bước ngoặt về phía tự phủ định ấy tạm thời mới xuất hiện trong lý thuyết, trong hệ thống triết học, nhưng có thể chắc chắn tiên đoán rằng sắp tới, chính vào lúc mà ở phương Tây cách mạng xã hội sẽ thắng lợi và khi đã thắng lợi rồi thì sẽ nghiệm chứng sự vô ích của thắng lợi ấy, sẽ nghiệm chứng sự thất bại của chính mình, sự bất khả thiết lập một chế độ xã hội đúng đắn và hài hoà trên cơ sở một kiểu sinh tồn nhất thời và có điều kiện, chính khi ấy nhân loại phương Tây bằng thực tế, bằng hiện thực lịch sử sẽ nhận ra rằng sự tự khẳng định một chiều của ý chí con người, dù nó được thể hiện thế nào đi nữa, chính là nguồn gốc của mọi độc ác và khổ đau - và khi ấy chủ nghĩa bi quan, bước ngoặt về phía tự phủ định sẽ từ lý thuyết chuyển hoá vào đời sống, và nhân loại phương Tây sẽ sẵn sàng tiếp nhận khởi nguyên tôn giáo, tiếp nhận sự mặc khải chính diện của tôn giáo chân chính.

Theo quy luật phân công lao động lịch sử, cũng một kiểu văn minh ấy, cũng những dân tộc xác định ấy không thể cùng một lúc thực hiện được hai ý tưởng hoàn vũ, không thể làm nên được hai sự nghiệp lịch sử, cho nên nếu nền văn minh phương Tây đã hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh hoàn vũ của mình bằng sự thực hiện sự chuyển bước phản diện từ quá khứ tôn giáo sang tương lai tôn giáo thì nhiệm vụ khởi đầu cho chính tương lai tôn giáo ấy lại được giao phó cho một sức mạnh lịch sử khác.

Phạm Vĩnh Cư dịch

 


Nguồn: http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/2445-nhung-thuyet-trinh-ve-than-nhan-loai.html


 

[1]  Nếu thừa nhận ý nghĩa tối thượng của con người như tự nó, thừa nhận tính tự trị tự quyết ( samozakoonnost' ) của nó, thì từ đấy tất yếu phải công nhận tự do của con người, bởi lẽ không có cái gì có thể có quyền lực đối với nó, nó là cội nguồn của mọi quyền lực; và do tính người là thuộc tính như nhau ở tất cả mọi người, cho nên từ đó mà phát sinh cả nguyên tắc bình đẳng giữa người với người.

[2]  Mà hoàn toàn không quan trọng, một con người riêng lẻ, hay đa số dân chúng, hay thậm chí đa số nhân loại đòi cho mình quyền lực như thế, bởi vì số lượng tự nó rõ ràng không giao cho ai bất kỳ một quyền hữu luân hữu đức nào, và số đông như là số đông tự nó không mang trong mình một nét ưu việt nội tại nào (còn nếu nói về sự tiện lợi, thì không thể hồ nghi, chủ nghĩa độc tài của một người tiện lợi hơn rất nhiều so với chủ nghĩa độc tài của đám đông).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt