Triết học tôn giáo

Schelling - Nhà triết học trong đạo Kito

SÊ-LINH – NHÀ TRIẾT HỌC TRONG KI-TÔ,
HOẶC VIỆC CẢI BIẾN ĐẠO LÝ
THẾ TỤC THÀNH ĐẠO LÝ THẦN THÁNH

DÀNH CHO NHỮNG TÍN ĐỒ CƠ ĐỐC GIÁO SÙNG ĐẠO
KHÔNG BIẾT CÁCH DÙNG TỪ TRIẾT HỌC

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 

"Ta bảo anh em, ở trên thiên đường một người có tội biết sám hối còn vui hơn là chín mươi chín người mộ đạo không cần sám hối" (Lu-ca, 15.7).

Lời nói đó của chúa được nhớ tới khi đề cập đến Sê-linh, vì trong ông ta thể hiện một cách hiển nhiên những phép mầu phúc âm thần thánh để tên của chúa được ca ngợi. Vì chúa thương xót ông ta giống như ông ta có hồi đã thương xót thánh Pôn, người mà trước khi quay lại cũng đã đi tàn phá các công xã và thở ra những lời đe dọa và giết chóc đối với những học trò của chúa. Còn khi ông ta đến gần Đa-ma-xcơ, ông ta bỗng nhiên được ánh sáng chiếu rọi và ông ta phủ phục xuống; còn chúa thì bắt chuyện với ông ta và lôi kéo ông ta về phía mình, thành thử ông ta lập tức tin ngay, làm dấu thánh và thuyết giáo vì chúa cho tất cả các dân tộc và ông ta đã trở thành công cụ được lựa chọn trước chúa. Như vậy là lòng từ bi của vị cứu tinh đã giơ bàn tay của mình trên đầu Sê-linh, và đến lúc nào đó ánh sáng vĩ đại soi sáng ông ta. Vậy ai - do sự tiên kiến của con người - lúc nào đó có thể đoán trước rằng con người mà vào đầu thế kỷ này cùng với người bạn lúc ấy của mình, Hê-ghen nổi tiếng, đã đặt cơ sở cho đạo lý thế tục đáng khinh bỉ mà giờ đây không còn trong bóng tối, nhưng giữa ban ngày thì làm hại mọi người bằng những mũi tên của mình – rằng con người ấy lúc nào đó sẽ cầm lấy chiếc thánh giá của mình và đi theo Ki-tô? Nhưng chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Người đang chỉ đạo trái tim con người như lái những dòng nước, đã chọn cả ông ta do lòng từ bi của mình và chỉ đợi giờ thích đáng để lôi kéo ông ta về phía mình. Và giờ đây người ấy đã làm việc đó, khai sáng ông ta và thu nạp ông ta vào số chiến hữu của mình trong cuộc đấu tranh chống thái độ không mộ đạo và tư tưởng vô thần. Điều đó không còn nghi ngờ gì nữa; ông ta tự mình tuyên cáo điều đó từ bục giảng cho những người theo đạo: Các vị hãy đến, hãy nhìn và hãy ca ngợi lòng từ bi của chúa đối với tôi! Đúng, đội canh phòng ở I-xra-en không ngủ và không ngái ngủ, chúa cổ xưa còn sống làm cho những người hay giễu cợt tức tối, và chúa còn tạo ra những điềm và phép mầu cho tất cả những ai muốn thấy. Họ, những người vô thần, làm ầm ĩ và tự nhủ trong lòng mình: không có chúa; nhưng người sống trên thiên đường đang cười họ, và chúa đang chế nhạo họ. Chúa chiến thắng họ từ khi tồn tại thế giới, và chúa sẽ thắng họ vĩnh viễn. Chúa cai trị bằng bàn tay mạnh và ở khắp nơi chúa đã dựng lên cho mình những công cụ để ca ngợi tên tuổi của mình. Và giờ đây chúa lại thắng một cách rực rỡ những nhà triết học luôn luôn làm cho chúa ghê tởm và bằng cách chọn trong giới họ người tốt nhất và có năng lực nhất, người thực sự đặt nền móng cho học thuyết của họ, biến anh ta thành người đày tớ của mình. Vì qua những tác phẩm trước đây của Sê-linh ta thấy rõ như ban ngày rằng, trước kia bản thân ông ta trong dáng vẻ quả thật thảm hại, đã lún sâu trong cái gọi là thuyết phiếm thần này, trong việc thần thánh hóa này đối với thế giới và đối với chính mình. Có điều ông ta chưa hiểu thích đáng mối liên hệ qua lại của toàn bộ và chưa biết rõ con đường đó sẽ dẫn tới đâu. Mong ông ta cảm ơn chúa về việc chúa đã đưa ông ta đi chệch con đường ấy và lái vào một con đường hẹp dẫn tới trời và, như vậy, đã thể hiện rõ hơn cả trong ông ta sự hùng mạnh của mình bất chấp tất cả mọi kẻ thù của tín ngưỡng. Giờ đây họ không còn có thể nói: chúa của các vị ở đâu? Chúa đang tìm gì? Chúa đang lang thang ở đâu? Vì sao chúa không tạo nên nhiều phép mầu nữa? Vì rằng chúa đang ở đây, bàn tay của chúa, giống như tia chớp, hạ xuống đám đông bọn họ và biến nước thành lửa, biến đen thành trắng, biến cái không chính nghĩa thành cái chính nghĩa. Vậy ai còn có thể phủ nhận rằng ở đây thấy có ngón tay của chúa?

Nhưng chưa phải đã hết. Bằng cách kêu gọi Sê-linh, chúa đã chuẩn bị thêm cho chúng ta cả một thắng lợi khác đối với những kẻ vô thần và những kẻ báng bổ chúa. Chúa đã chọn đích danh Sê-linh, vì với tư cách là người nắm được đạo lý của thế giới này, Sê-linh thích hợp hơn cả để lật đổ những nhà triết học kiêu hãnh, ngạo mạn, và như thế, do lòng từ bi và lòng mến yêu vô hạn của mình, ông ta đã mở ra cho họ một con đường, mà đi con đường ấy họ có thể trở về với chúa. Có thể đòi hỏi ở chúa nhiều hơn nữa hay không? Những kẻ phỉ báng chúa, điên cuồng bác bỏ sự tồn tại của chúa, những người là kẻ thù điên rồ nhất, điên cuồng nhất, kịch liệt nhất của chúa thì thay vì xóa sạch họ khỏi mặt đất và quẳng họ vào vực sâu địa ngục, chúa không ngừng chìa tay phải cứu rỗi để đưa họ ra ánh sáng từ vực thẳm chết chóc, nơi họ đang ở; vì rằng phúc âm của chúa trải ra tất cả bầu trời, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, và lòng từ bi của chúa là vô tận. Ai có thể chống lại sự chịu đựng lâu dài như vậy và tình yêu như vậy? Nhưng trái tim của họ đã trở nên tàn nhẫn và chai sạn trong tội lỗi đến mức cả giờ đây họ vẫn còn xua đẩy bàn tay muốn cứu vớt họ – họ bị mù quáng bởi những cám dỗ của thế gian và bởi quỷ dữ, của lòng kiêu hãnh của chính họ biết dường nào. Họ đào cho mình những cái giếng không đáy và bác bỏ nguồn sống chảy trong máu của Ki-tô. Họ bịt tai mình, bác bỏ sự cứu vớt đến từ trên cao; những cái không hợp lòng chúa đem lại cho họ niềm vui.

"Nét mặt của họ chứng tỏ điều chống lại họ, và họ kể một cách công khai tội lỗi của mình như dân thành Xô-đôm, không che giấu: khốn khổ thay cho tâm hồn của họ! vì chính họ chuốc lấy cái xấu cho mình" (I-xai-a, 3.9).

Nhưng chúa vẫn không ngừng kêu gọi họ đến với mình để họ không có bất cứ lời thanh minh nào. Qua Sê-linh, chúa cho họ thấy lý trí của con người yếu đuối và nhỏ bé dường nào. Nếu giờ đây họ không quay lại, thì toàn bộ tội lỗi chỉ rơi vào họ, và họ sẽ không thể nói rằng họ không biết kinh Phúc âm.

Mà vì chúa đã làm nên sự nghiệp hết sức vĩ đại và đã đem lại cho toàn bộ thế giới Cơ Đốc giáo một cái điềm có tác dụng an ủi rằng chúa gần gũi và không muốn để họ lâm vào cảnh túng thiếu và những cuộc vật lộn của thế giới này, nên mọi người có đạo đều phải chăm lo báo tin vui này cả cho những người anh em của mình sao cho đẹp lòng Ki-tô. Nhưng vì hiện nay Sê-linh đã trình bày niềm tin của mình vào Ki-tô dưới dạng các bài giảng [1], nên một mặt, niềm tin ấy chỉ được một số ít người biết, mặt khác, nó được biểu đạt bằng ngôn ngữ triết học chuyên môn khó đến mức chỉ có những người từng nghiên cứu lâu dài đạo lý thế tục là hiểu được mà thôi, thứ ba, nhiều cái nhằm đối tượng là các nhà triết học, còn những cái khác thì nhằm đối tượng là những người có đạo, thành thử các tín đồ Cơ Đốc giáo chất phác sẽ khó hiểu được tất cả những điều đó. Vì vậy, người viết những dòng này cho là không thừa nếu vẫn không nhàn tản trong vườn nho của chúa, trình bày một cách ngắn gọn và rõ ràng thực chất vấn đề cho tất cả những người không có thời gian, cũng không có hứng thú làm cái việc nghiên cứu một cách vô bổ cái đạo lý thế tục, thế nhưng lại muốn biết chính xác điều gì đã xảy ra với Sê-linh nổi tiếng. Và xin chúa chúc phúc cho việc làm này để nó mang lại lợi ích cho sự trị vì của chúa.

Nhưng cần phải nhận xét trước rằng Sê-linh tuy có công lao đối với đạo Cơ Đốc chân chính, nhưng vẫn không thể hoàn toàn từ bỏ đạo lý sai lệch trước đây của ông ta. Một số quan điểm của ông ta còn buộc phải giả định rằng ông ta vẫn chưa thể hoàn toàn khắc phục được sự kiêu ngạo lý trí của chính ông ta và rằng dường như ông ta còn hơi hổ thẹn phải thừa nhận một cách đầy đủ trước thiên hạ sự thay đổi đã diễn ra trong ông ta một cách hoàn toàn thích thú và biết ơn đối với Ki-tô. Chúng tôi sẽ không quá coi trọng điều đó; người nào đã từng thể hiện một cách kỳ diệu như vậy sự biết ơn đối với ông ta, sẽ rửa sạch cả cái vết này của ông ta; người nào đã bắt đầu công việc thì người đó cũng sẽ làm đến nơi đến chốn. Nhưng người chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho sự thật mà chúng ta nói đến, hãy nhớ lại cái dằm này trong thân thể mình, khi con quỷ kiêu ngạo thắng và cám dỗ ông ta. Mong ông ta thôi kiêu hãnh với triết học trước đây của mình, thứ triết học chỉ đẻ ra những sự say đắm vô thần, và mong ông ta chỉ tự hào về người mà do lòng từ bi tự do vô hạn đã làm cho ông ta thoát khỏi sự tử nạn đó.

Điều thứ nhất mà Sê-linh đã làm ở đây trên bục giảng là ông ta trực tiếp và công khai tấn công triết học và làm cho triết học mất cái cơ sở của nó là lý trí. Ông ta đã chứng minh cho họ bằng những lý lẽ cực kỳ có sức thuyết phục vay mượn từ kho vũ khí của chính họ, rằng lý trí tự nhiên không đủ sức chứng minh thậm chí tồn tại của một cọng cỏ nào đó; rằng bằng tất cả mọi bằng chứng, lý lẽ và suy lý của mình, ông ta sẽ không nhử được ai, và rằng ông ta không thể nào vươn lên tới thần thánh, vì do sự vụng về của mình, ông ta luôn luôn ở lại trên mặt đất. Tuy chúng ta đã biết được điều đó từ lâu, nhưng điều đó chưa được nói lên một cách hoa mỹ và rành mạch như thế cho những nhà triết học bướng bỉnh. Ông ta đã làm điều đó trong cả một hệ thống rộng lớn cái gọi là triết học phủ định, trong đó ông ta giải thích hoàn toàn rõ ràng cho họ rằng lý trí của họ chỉ có thể nhận thức cái có thể, nhưng không thể nhận thức được cái gì thực tế cả, lại càng ít có thể nhận thức được chúa và những bí mật của đạo Cơ Đốc. Cái công trình mà ông ta đã hết lòng hết sức vì nó, ngụ ý nói đến một đối tượng hết sức vô bổ như là những bóng ma đạo lý thế tục, đáng được sự biết ơn to lớn vì sự trị vì của chúa. Vì chừng nào những nhà triết học ấy còn có thể khoe khoang lý trí của mình thì không thể đối phó với họ được. Song giờ đây, khi họ đã được chứng minh cả từ quan điểm của chính họ rằng lý trí của họ hoàn toàn không thể dùng được để nhận thức cái chân thực và chỉ tạo ra những điều tưởng tượng trống rỗng, nhảm nhí, hoàn toàn không có quyền tồn tại, thì cần có đầu óc đã trở nên tàn nhẫn và cái đầu đã bạc tóc trong tội lỗi để tiếp tục theo học thuyết đa thần giáo, và rất có thể là với sự phù hộ của thần thánh mà người này hoặc người kia sẽ từ bỏ cách xử sự xấu xa. Điều rất xác đáng, và điều này cần phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại, là lý trí đã trở nên u ám của con người hoàn toàn không vững vàng và không xứng đáng được lời khen mà nó phải có trước chúa, vì thành trì chủ yếu của những người không theo đạo là lời khẳng định rằng lý trí của họ nói với họ điều khác với lời của chúa. Nhưng tội phạm thánh đối với đấng tối cao là việc muốn nhận thức đấng tối cao, kẻ thù của mọi tội lỗi, thông qua lý trí đã bị tội lỗi làm hoen ố và làm lóa mắt, và thậm chí muốn đặt lý trí dễ chấp nhận mọi niềm vui trần thế, bị mọi cám dỗ của qủy xa-tăng ấy, cao hơn bản thân chúa; nhưng đó chính là điều những người thông thái trên trần gian đang làm khi họ phê phán lời của chúa bằng lý trí hư hỏng của mình, bác bỏ cái họ không thích, và thậm chí không chỉ dùng bàn tay phạm thượng xúc phạm tính chất thần thánh của kinh thánh, mà còn phủ nhận sự tồn tại của bản thân chúa, để thần thánh hóa chính mình thay vào chúa. Những hệ quả tự nhiên của việc lý trí, như hồi nào đó, trong những ngày đẫm máu của cuộc cách mạng Pháp, biểu hiện ra như một người phụ nữ dâm đãng ngồi lên ngai chúa và dám phê phán những chỉ thị của vị chúa tể vạn năng của thế giới là như vậy. Chính ở đây cần sự chữa trị, hơn nữa, không phải chữa trị hời hợt mà là chữa trị chặn đứng cái ác tận gốc rễ. Chẳng lẽ người ta đặt miếng vá mới lên quần áo cũ hay sao? Làm sao dung hòa được Ki-tô với Ve-li-an? Điều đó không thể làm được, đó là sự báng bổ chúa, khi người ta muốn dùng lý trí tự nhiên để hiểu thấu cái chết chuộc tội của chúa, hiểu thấu sự phục sinh và việc lên thiên đường. Vì vậy, cần phải kiên quyết bắt đầu hành động cùng với Sê-linh và dồn đuổi lý trí từ đạo Cơ Đốc sang đa thần giáo, vì đấy là chỗ đứng của nó, ở đấy lý trí có thể nổi dậy chống chúa và coi là thần thánh cái thế giới cùng với những của ngọt và lòng tham của nó mà chúng ta đã từ bỏ, có thể tha thứ tất cả mọi tội lỗi và tệ nạn, những nỗi khủng khiếp của nạn nghiện rượu và thói phóng đãng, như là những đức hạnh và sự cúng tế, và coi sự tự sát của Ca-tô, sự không trinh tiết của Lai-xa và A-xpa-xi-a, việc Bru-tút giết người bà con của mình, chủ nghĩa khắc kỷ của Mác A-vre-li và việc ông ta điên cuồng bức hại những tín đồ đạo Cơ Đốc là mẫu mực cho loài người. Lúc đó ông ta rõ ràng là mâu thuẫn với đạo Cơ Đốc, và mọi người đều biết ông ta là người như thế nào. Nhưng sự ranh mãnh chủ yếu của người cám dỗ là ở chỗ ông ta lén lút đưa lý trí vào đạo Cơ Đốc, nơi mà sau đó ông ta đẻ ra những đứa con bất hợp pháp đáng yêu, cụ thể là: giáo lý Pê-la-giơ, giáo lý Xô-xanh [2], chủ nghĩa duy lý [3] và thần học tư biện.

"Nhưng chúa đã chọn cái dại dột ở thế gian để làm cho những kẻ khôn ngoan phải xấu hổ" (Bức thư thứ nhất gửi giáo dân Cô-rin-tơ, 1,27); vì vậy "con người tốt bụng không chấp nhận những cái từ thần linh của chúa, vì họ coi điều đó là sự điên rồ, mà điều đó cần phải xét đoán nhờ thần linh" (Bức thư thứ nhất gửi giáo dân Cô-rin-tơ, 2,14).

Cần phải thừa nhận là đích thực của Cơ Đốc giáo cái ý muốn mà Sê-linh, trong khoa học thuần túy của lý trí – chính là triết học phủ định – , không cho phép lý trí tâng bốc mình bằng bất cứ cách nào, mà hạ thấp lý trí và làm cho lý trí quy phục một cách sâu sắc để lý trí đi tới chỗ ý thức được sự yếu kém và tội lỗi của mình và trong khi bày tỏ sẵn sàng sám hối, hướng tới sự từ bi, vì chỉ có sự từ bi mới có thể thần thánh hóa, khai sáng và hồi sinh lý trí như thế nào để nó trở nên có năng lực nhận thức chúa. Đóng đinh lý trí vào thánh giá khó hơn và do đó quan trọng hơn đóng đinh xác thịt lên thánh giá. Xác thịt dù sao cũng phục tùng  lương tâm đã đem lại cho cả những người đa thần giáo để chế ngự những nhục dục của họ và dưới dạng quan tòa nội tâm xét xử tội lỗi của họ; còn lý trí thì đặt mình cao hơn lương tâm và thậm chí chung sống rất tốt với lương tâm, và chỉ có tín đồ đạo Cơ Đốc là có khả năng đặt ách tín ngưỡng mềm mại lên nó. Nhưng kinh thánh đòi hỏi chúng ta điều đó và ở đây bất kỳ sự phản bác hoặc cớ thoái thác nào cũng không có ý nghĩa: hoặc là hãy bắt lý trí của mình phục tùng niềm tin hoặc là hãy chuyển sang phía trái, đến với những phần tử xấu (những kẻ độc ác nhất trong số những người tự thần thánh hóa, dường như để giễu cợt gọi mình là phía tả), thế là ta đứng đúng chỗ!

Bằng cách đó Sê-linh giờ đây đã đặt cơ sở cho mình. Tất cả mọi tàn tích của đa thần giáo mà trong thời đại chúng ta lại được ca tụng và được mạo nhận là chân lý mới, tất cả mọi con đẻ bị bóp méo của lý trí không trinh bạch, dâm đãng đều đã bị trừ bỏ, và giờ đây những người nghe ông ta giảng có thể tiếp nhận dòng sữa Kinh phúc âm vào người. Con đường đúng đắn là như vậy. Đã có thể vạch mặt những người đa thần giáo thông qua những sự khoái lạc và đam mê trần tục của họ, nhưng các nhà triết học của chúng ta, ít ra là giờ đây, đang làm ra vẻ họ còn muốn thừa nhận đạo đức Cơ Đốc giáo. Vì thế, nếu các tông đồ đòi hỏi những người đa thần giáo để trái tim của họ sẵn sàng sám hối, ân hận, bị đập vỡ và tan nát, thì đối với những người thông thái trần tục ngạo mạn của thời đại hiện nay cần phải đòi hỏi lý trí của họ sẵn sàng sám hối, bị làm nhục và bị đập nát trước khi họ trở nên có khả năng hưởng ân tứ phúc âm. Và bằng cách như vậy; Sê-linh mãi giờ đây mới có thể xét đoán đúng về người đồng chí vô thần trước kia của mình, về Hê-ghen đã bị làm nhục. Vì rằng ông Hê-ghen ấy tự hào về lý trí đến mức ông thẳng thắn tuyên bố lý trí là chúa, khi ông thấy rằng do lý trí mà ông không thể đi đến vị chúa khác, chúa chân chính, đứng cao hơn con người. Chính vì vậy mà Sê-linh tuyên bố công khai rằng ông ta không muốn biết con người ấy và học thuyết của con người ấy nữa, và hoàn toàn không tiếp tục đề cập đến người ấy nữa.

Còn sau khi lý trí đã quy phục và bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp nhận sự cứu thế, thì nó lại có thể vươn lên cao và được tinh thần của chân lý khai hóa. Điều đó diễn ra trong triết học thực chứng [4], nơi mà thông qua tư duy tự do, nghĩa là tư duy đã được khai sáng, nhờ có mặc khải thần thánh mà lý trí được phép đi tới những ân tứ của đạo Cơ Đốc. Còn giờ đây, khi lý trí bắt đầu hiểu được thế giới tối cao, nó lập tức hiểu thấu toàn bộ mối liên hệ kỳ diệu được mở ra trong lịch sử sự trị vì của chúa, và những cái mà trước đây nó tưởng là không thể hiểu thấu được thì nay rõ ràng và dễ hiểu, dường như không thể khác thế được. Vì chỉ có những con mắt được chúa khai sáng mới trở nên những con mắt thực sự và đã sáng ra; còn ở những nơi ngự trị bóng tối và những khoái lạc cùng đam mê trần tục thì không ai có thể thấy gì cả. Sê-linh lý giải tác động của phúc âm đó, nói rằng triết học ấy chỉ tồn tại đối với những người muốn lĩnh hội nó và những người sáng suốt và rằng triết học ấy tìm thấy sự khẳng định của mình trong mặc khải. Vậy đối với những người không tin mặc khải thì triết học cũng không tồn tại. Nói cách khác, đúng ra, đó không phải là triết học thực sự, nhưng tên gọi ấy được lựa chọn chỉ để cho những người thông thái trần tục, vì trong kinh thánh có nói: "hãy sáng suốt như những con rắn và giản dị như những con bồ câu" (Ma-thi-ơ, 10, 16); còn về tất cả những mặt khác thì đó là đạo Cơ Đốc chân chính và đích thực, như chúng ta sắp thấy rõ. Sê-linh đã đưa trở lại thời buổi tốt lành cũ, khi mà lý trí bị tín ngưỡng giam hãm, và đạo lý trần tục phục tùng thần học, đạo lý thần thánh, như là người đày tớ, được cải biến thành đạo lý thần thánh, "vì ai nâng mình lên cao thì người đó sẽ bị hạ nhục; còn người nào hạ thấp mình thì người đó sẽ được đề cao" (Ma-thi-ơ, 23, 12).

Đi theo con đường tư duy được khai sáng đó, nhân vật đáng kính mà chúng tôi nói đến ấy lập tức đi tới học thuyết cơ bản chân chính của toàn bộ đạo Cơ Đốc, cụ thể là đến chúa ba ngôi. Đối với bạn đọc sợ chúa, không thể đòi hỏi người đó cũng đi theo chính con đường ấy, vì người đó biết và tin rằng con đường ấy chỉ có thể dẫn tới chân lý; điều đó được nói ra chỉ để cho những người không tin đạo, để cho họ thấy làm thế nào họ có thể đi tới chân lý và lý trí của họ phải được thanh lọc và thần thánh hóa đến mức nào để có khả năng nhận thức và hiểu thấu sự chuộc tội trong Giê-xu Ki-tô. Vì thế chúng tôi sẽ không nói đến những chuyện đó, vì rằng chúng không cần cho những người tin đạo để nhận thức sự cứu rỗi. Vậy là, tuân theo kinh thánh, Sê-linh mô tả Thượng đế đã sáng tạo ra thế giới từ hư vô, và con người bị qủy xa-tăng dưới dạng con rắn cám dỗ nên đã mất giống loài ban đầu của mình và đã trở thành miếng mồi của hầu tước bóng tối. Bằng cách đó ông ta đã tách toàn thế giới khỏi Thượng đế và giao thế giới cho qủy xa-tăng chi phối. Tất cả những lực lượng trước kia được sự thống nhất thần thánh kìm giữ, giờ đây đã tan rã và trở nên đối địch không thể điều hòa với nhau, để qủy xa-tăng có thể tung hoành trong thế giới. Có điều không nên để phương thức biểu hiện triết học của các nhà thần học chúng ta lừa bịp chúng ta. Trong thời kỳ vô thần của chúng ta, các nhà thông thái trần tục không còn hiểu ngôn ngữ đơn giản, do chính chúa khơi gợi, của kinh thánh nữa; cần phải giảng dạy kinh thánh dưới một hình thức dễ hiểu đối với họ, chừng nào họ chưa thành thục đến mức hiểu được kinh thánh như đã được viết trong kinh thánh:

"... lạy cha, chúa của trời và đất, con ca ngợi người vì người đã che giấu những điều này không cho những người sáng suốt và có lý trí biết và đã mở những cái đó ra cho con trẻ" (Ma-thi-ơ, 11, 25).

Vì vậy, khi nói về "Về những thiên thần không giữ phẩm giá của mình, mà lại bỏ chỗ ở của mình" (Thư của Giu-đa, 6), về qủy và về những băng nhóm vô thần của quỷ, Sê-linh dùng từ ngữ "những tiềm năng vũ trụ", có nghĩa là các vua chúa của thế giới này. Giờ đây, lẽ tự nhiên, thế giới không còn có thể được chúa thích nữa. Nói đúng ra, ông ta tách chúa khỏi mình, và ở những nơi ông ta hành động trong thế giới đó thì ông ta làm việc ấy trong sự phẫn nộ của mình và không có ý chí hoàn toàn tự do của mình. Nhưng chúa nhân từ vĩnh viễn không thể rời thế gian; chúa lời "mà muôn vật đều bởi đó mà có, và không có chúa lời thì chẳng có vật nào" (Giăng, 1, 3), người con độc nhất của chúa, ở lại cùng với tình yêu và phúc đức vô tận của mình trong thế giới nghèo nàn, bị ruồng bỏ. Những đau khổ của người đó bắt đầu từ tội tổ tông, chứ không phải chỉ từ việc hóa thành người của người đó dưới thời I-rốt, vì do tội tổ tông mà người đó bị gạt ra khỏi loài người, trong đó ông ta sống còn nhiều hơn chúa cha. Đúng, khi người con đặt mình giữa chúa đã nổi giận và thế gian đã sụp đổ mà chúa muốn tiêu diệt và đã đứng về phía thế gian, thì người con đã tách khỏi chúa cha và vì vậy mà bằng cách nào đó đã trở thành người đồng lõa với tội lỗi và không thể đề ra bất cứ yêu cầu nào đòi được có tầm vĩ đại thần thánh chừng nào chúa cha chưa dàn hòa. Mà sự nghiệp dàn hòa vĩ đại ấy, cuộc đấu tranh với vua chúa của thế giới này được ông ta bắt đầu dưới dạng phi thần thánh và phi con người ấy, trong việc tách rời ấy với chúa cha, tạo nên sự đau khổ và đau đớn của ông ta. Chương 53 cuốn sấm truyền của nhà tiên tri I-xai-a trong đó nói đến sự đau khổ hiện tại, chứ không phải sự đau khổ tương lai, cho thấy rõ hơn cả rằng sự lý giải ấy được kinh thánh biện minh. Và cuộc đấu tranh vĩ đại ấy bắt đầu trong đạo Do Thái và trong đa thần giáo. Lịch sử của nhân dân I-xra-en trong kinh Cựu ước chứng tỏ chúa chi phối đạo Do Thái như thế nào, và những con đường vẻ vang mà chúa dẫn dắt nhân dân mình đi thì các tín đồ đạo Cơ Đốc biết rõ. Còn trong đa thần giáo thì sao? Có phải chính quỷ là chúa của những người đa thần giáo hay không? Chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra lời giải đáp càng rõ ràng càng tốt về vấn đề này mà không đi chệch những lời viết trong kinh thánh.

Tất nhiên, mọi người đều đã nghe nói rằng cả ở những người đa thần giáo, trong các sách Xi-vi-lin [5] và ở một số chỗ nữa người ta đã thấy có những lời tiên đoán có liên quan tới Ki-tô. Vậy, ngay ở đây đã bộc lộ ra rằng những người đa thần giáo không bị chúa hoàn toàn rời bỏ như người ta thường nghĩ, vì nguồn gốc của những lời tiên đoán ấy có tính chất thần thánh. Nhưng như thế chưa phải đã hết. Vậy tại sao trong sự từ bi của mình chúa phải cho phép họ hoàn toàn lầm lạc và rơi vào nanh vuốt của quỷ như vậy? Vì rằng chính chúa cho phép trời mưa cho người hiền lành và người độc ác và cho phép mặt trời chiếu sáng cho những người chính trực và những người không chính trực cơ mà! Đúng, nếu những người đa thần giáo hoàn toàn không có sự che chở và sự lãnh đạo của chúa mà bị thần ác chi phối đến mức như vậy, thì tội của họ có nặng và có to lớn hơn tội lỗi của họ trong thực tế hay không? Lúc đó, liệu tất cả mọi khoái lạc đáng xấu hổ và những đam mê trái tự nhiên, những tội lỗi xác thịt, sự giết người, sự thông dâm, sự dâm đãng, sự trộm cắp, sự nham hiểm, sự trâng tráo có to tiếng gào thét với trời đến mức chúa phải lập tức trừ diệt chúng hay không? Và liệu tự chúng có không đâm ra giết hại và cấu xé lẫn nhau hay không? Từ đó đã toát lên rằng chúa ắt hẳn thương hại cả những người đa thần giáo và ban tặng họ một ít ánh sáng từ trên cao, và điều đó thể hiện ở chỗ họ dần dần, – và như vậy bản thân họ không nhận thấy, – đi qua tất cả mọi nấc thang kính chúa, đã được đưa đến chỗ tôn sùng Ki-tô chân chính, tuy họ không biết rằng chúa của họ đồng nhất với chúa của các tín đồ đạo Cơ Đốc và người nào không được biết đến trong đa thần giáo thì nay đã là người như thế trong Cơ Đốc giáo. Còn những người không thừa nhận điều đó khi họ được thuyết giáo kinh phúc âm, từ đấy họ cầu nguyện không phải là Ki-tô ẩn dật nữa, vì họ truy đuổi Ki-tô đã hiện diện, nhưng chúa của họ giờ đây đã là kẻ thù của Ki-tô – đó là qủy. Công lao to lớn của Sê-linh ở chỗ ông ta là người đầu tiên cố gắng tìm kiếm biểu hiện sự quan tâm của nghề thần thánh đối với những người đa thần giáo và bằng cách đó đền đáp sự khen ngợi mới cho tình yêu của Ki-tô đối với những người có tội.

Còn sau khi các tín đồ đạo Do Thái có ý thức, còn những người đa thần giáo thì không hề hay biết và dưới một hình thức sai lệch, được đưa tới chỗ nhận thức chúa chân chính, khi các lâu đài kiêu hãnh của thế giới Hy Lạp đã sụp đổ và bàn tay sắt của hoàng đế La Mã bắt đầu đè nặng lên toàn thế giới, – tới lúc đó chúa đã cử người con của mình đến để tất cả những ai tin chúa đều không chết, mà tìm được cuộc sống vĩnh hằng. Điều đó đã xảy ra như sau. Khi Ki-tô chi phối đa thần giáo, ông ta là chúa của đa thần giáo, nhưng không phải là chúa đích thực, ông ta không thể là chúa như vậy nếu thiếu chúa cha. Như vậy, ông ta đã giành lại thế giới từ tay quỷ và có thể làm với nó những điều ông ta muốn, ông ta có thể giữ thế giới cho mình và một mình ngự trị thế giới cả trong hình ảnh chúa ấy; nhưng ông ta tự nguyện phục tùng, đã không làm điều đó, đã trao thế giới cho cha mình, từ bỏ hình ảnh chúa và trở thành con người.

"Là hình ảnh của Thiên chúa, nhưng Người chẳng nghĩ mình ngang hàng với Thiên chúa, song Người đã tự hạ, nhận lấy hàng tôi tớ, tự làm cho mình giống với phàm nhân và về hình hài đã trở thành giống với phàm nhân. Người còn tự kìm nén mình, Người đã vâng phục cho đến chết và đã chết trên thập giá" (Thư gửi giáo dân Phi-líp-pi 2, 6-8).

Còn có nhiều chỗ khác trong kinh thánh làm rõ và chứng minh sự đúng đắn của cách lý giải ấy và, như vậy, có thể hiểu toàn bộ một cách hoàn toàn đơn giản và đúng nguyên văn, không cần nhiều lần nói thêm và không cần đến sự uyên bác.

Tầm lớn lao của sự vâng phục của Ki-tô chính là ở chỗ chúa cứu thế có thể tự mình chiếm lĩnh trọn thế giới và tách khỏi chúa cha và ở chỗ chúa cứu thế không muốn làm như vậy, mà lại đặt dưới chân cha mình cái thế giới đã giành lại được ở con qủy và đã chịu cái chết để chuộc tội cho nhiều người.

Ở đây chúng ta cũng thấy việc trần thuật về sự cám dỗ đối với Ki-tô có nghĩa gì. Nếu việc phục tùng chúa cha hay không phục tùng không phụ thuộc vào sự lựa chọn tự do của Giê-xu, thì con qủy tuyệt nhiên sẽ không thể cám dỗ ông ta, vì nó phải biết rằng những điều đó dù sao cũng sẽ phí công vô ích. Vậy, cách lý giải dẫn ra trên đây của Sê-linh tất nhiên là đúng.

Như vậy, việc Ki-tô là chúa đích thực thì chúng ta đã nghe rồi, và giờ đây nhân vật uyên bác của chúng ta chuyển sang bản chất thứ hai, bản chất con người. Và ông ta tin một cách không gì lay chuyển được rằng Ki-tô thực ra là một con người đích thực, chứ không chỉ là một hình ảnh hoặc thần thánh giáng thế nhập vào con người vốn đang tồn tại, như nhiều người tà giáo nghĩ.

Trong khi Ki-tô bảo vệ thế gian trước chúa, nhận lãnh trách nhiệm về thế gian, ông ta hành động bên ngoài chúa và chống lại chúa. Vậy, chừng nào thế gian lại chưa dàn hòa với chúa, thì Ki-tô chưa phải là chúa, nhưng đã ở vào trạng thái trung gian, nhờ thắng lợi đối với đa thần giáo, trạng thái này đã trở thành hình ảnh thần thánh, nhưng tự nó không phải là trạng thái thần thánh đích thực. Để lại chuyển thành trạng thái ấy, Ki-tô phải trao cho chúa cha của mình cái thế gian mà ông đã giành lại được ở con quỷ, đã phải từ bỏ hình ảnh thần thánh và nhẫn nhục phục tùng chúa cha để nhận lấy sự trừng phạt về trạng thái không có pháp luật của thế gian. Ông ta đã thể hiện sự ẩn nhẫn đó bằng cách trở thành con người do một người đàn bà sinh ra, và ngoan ngoãn cho đến chết, thậm chí nhận cái chết trên cây thánh giá. Tất cả mọi sự thanh lọc và hy sinh đều không thể làm động lòng từ tâm của chúa và chỉ là bước dạo đầu của một sự hy sinh duy nhất, vĩ đại, trong đó không chỉ cái ác bị tiêu diệt, mà cả sự phẫn nộ của chúa cũng được làm nguôi. Chỉ có thể làm động lòng chúa bằng sự ngoan ngoãn cực kỳ lớn, cực kỳ tự nguyện, cực kỳ ẩn nhẫn, và điều đó chỉ có người con mới có thể làm được, chứ không phải là con người mà nỗi sợ hãi và sự đau khổ của lương tâm, sự phẫn nộ đáng sợ của chúa bắt phải ngoan ngoãn. Giờ đây Ki-tô có thể bênh vực trước chúa cả cho loài người, vì ông ta đã trở thành người chủ của họ, người bảo vệ họ, nhờ sự tôn sùng mà họ đã đền đáp cho ông ta, mặc dù họ không biết điều đó. Và để thay cho con người, thực sự chịu sự trừng phạt mà con người đáng bị, ông ta đã trở thành con người; việc quyết định trở thành con người là một phép mầu của lòng từ bi thần thánh. Như vậy, người mà lúc đầu ở nơi chúa và thậm chí tự mình là chúa, còn sau khi mắc tội tổ tông thì đã là "hình ảnh chúa", giờ đây được sinh ra ở Béc-lê-em với tư cách là một con người, cụ thể là bởi quyền phép của chúa thánh thần qua bà Ma-ri-a, không có sự giúp sức của ông chồng nào.

Ai dám hy vọng rằng vào năm 1842 sẽ xảy ra một sự đổi thay đáng mừng như thế với nhà triết học và thậm chí với người sáng lập ra một trường phái mới báng bổ chúa và ông ta sẽ theo một cách hân hoan như vậy những học thuyết cơ bản của tín ngưỡng Cơ Đốc giáo? Những điều mà trước hết luôn luôn gây ra sự ngờ vực, những điều mà từ lâu những người nửa Cơ Đốc giáo bác bỏ nhưng đồng thời là hòn đá tảng của tín ngưỡng Cơ Đốc giáo – việc đức bà Ma-ri-a không ăn ở cùng chồng mà sinh ra Ki-tô – những điều mà Sê-linh đã phát biểu và phát biểu với tư cách niềm tin của mình, là một trong những đặc trưng đáng vui mừng nhất của thời đại, và đấng trượng phu được phú cho lòng nhân từ cao cả đã dám làm điều đó, có quyền được mỗi người có đạo biết ơn. Nhưng ai mà không nhận biết ở đây bàn tay của chúa trong sự định trước kỳ diệu, vẻ vang ấy? Ai mà không thấy rằng ở đây chúa đem lại cho nhà thờ của mình cái dấu hiệu chứng minh rằng chúa không rời bỏ nhà thờ và ngày đêm nhớ đến nhà thờ?

Về cái chết của chúa, Sê-linh diễn đạt cũng với tính chất Cơ Đốc giáo chân chính và bổ  ích như vậy. Vì việc sáng tạo thế giới, cái chết ấy đã được quyết định tại hội đồng những người canh giữ và là sự hy sinh mà lòng từ bi thần thánh đã đòi hỏi. Chúa công bằng cả đối với xa-tăng và tính đến quyền của xa-tăng đến mức hiến dâng người con trai của chính mình để tất cả những người tin chúa đều không chết mà tìm được cuộc sống vĩnh hằng, để con quỷ không có mảy may cơ sở nói rằng nó bị lật đổ oan chỉ vì chúa mạnh hơn. Tầm vĩ đại và niềm vinh quang của bản thân chúa không cho phép mảy may sự chê trách như vậy. Vì thế Ki-tô đã phải trở thành con người và tự chấp nhận hành động phi pháp của loài người đã bị chúa rời bỏ và chịu cái chết trên thánh giá, để nhờ cái chết của một người mà đem lại sự sống cho nhiều người. Vì vậy, nhờ phúc đức của mình và nhờ lòng từ bi của mình mà chúa đã phải hy sinh mình vì chúng ta, nhận lấy trách nhiệm về những người có tội trước chúa cha và chuộc tội cho chúng ta để chúng ta lại có thể tiếp cận với ngai vàng phúc âm. Tuy tất cả những người khác không trừ một ai đều phải chết, song không ai chết như chúa, không ai chịu cái chết chuộc tội như Giê-xu Ki-tô. Như vậy, vòng nguyệt quế tín ngưỡng này, việc quét sạch tội lỗi trong dòng máu của Ki-tô, lại được cứu một cách mầu nhiệm khỏi nanh vuốt của con rồng cổ mà nay đang xuất hiện dưới dạng đạo lý trần thế và tinh thần nguy hại của thời đại, và chúa lại khẳng định lời hứa qúy báu rằng cổng địa ngục sẽ không thắng nhà thờ của chúa. Tiếp nữa, Sê-linh nói rất hay về Ki-tô: cái chết đó là phép mầu vĩ đại đến mức chúng ta sẽ không dám tin nó, nếu chúng ta không biết về nó một cách hết sức xác thực. Khi Ki-tô chết có mặt đại diện của toàn thể loài người, có mặt các tín đồ đạo Do Thái và đa thần giáo, và họ là hai phía của toàn bộ loài người. Khởi nguyên đa thần giáo dưới dạng mà Ki-tô trở thành như hiện trạng nhờ cuộc đấu tranh của mình với xa-tăng trong đa thần giáo, phải chết cái chết của những người đa thần giáo, cái chết trên thánh giá. Việc đóng đinh trên thánh giá chỉ là việc giải quyết sự căng thẳng lâu dài mà Ki-tô chịu đựng giữa những người đa thần giáo, nghĩa là trạng thái ngoài thần thánh của chúa đã chấm dứt, và nhờ cái chết mà ông ta lại kết hợp với chúa như đã nói trong kinh thánh:

"Người đã bị điệu ra khỏi chỗ bị xích và phán xét; nhưng ai sẽ giải thích dòng tộc của người? Vì người đã bị tách khỏi miếng đất của những người đang sống; vì tội lỗi của nhân dân tôi mà người đã bị hành hình" (I-xai-a, 53, 8).

Còn về sự phục sinh của chúa thì Sê-linh nói rằng nó là bằng cứ chứng minh rằng Ki-tô nhận lấy hình ảnh con người không phải lấy lệ mà là một cách nghiêm túc và đã vĩnh viễn trở thành con người và lại để cho bản chất con người đi tới phúc âm, cụ thể là không chỉ loài người trong Ki-tô, mà là toàn bộ loài người nói chung mà Ki-tô chỉ là đại diện. Thực ra không phải từng tội lỗi riêng lẻ không hợp ý chúa đến mức vì vậy chúa phải rời bỏ loài người, nhưng tệ hơn cả là toàn bộ trạng thái có tội, trung thành với cái ác của toàn thể loài người, mà vì vậy con người đã trở nên không hợp lòng chúa ngay trước khi con người mắc tội, thành thử là con người dường như đã có nghĩa là tội lỗi trước chúa. Vì vậy, trên thế gian không thể tìm được bất cứ thiện chí nào hợp ý chúa, không thể tìm thấy một hành vi nào tốt đẹp, chính trực trước khi Ki-tô chết, vì vậy mà cả bây giờ chỉ có những người có đạo là có thể làm những việc tốt và có thiện chí. Nhưng nhờ sự phục sinh của chúa mà trạng thái con người lại được thanh minh trước chúa và được chúa thừa nhận là đã được tẩy sạch tội lỗi, và như vậy, việc chuộc tội chỉ hoàn thành nhờ sự phục sinh. Ki-tô đã được đưa lên thiên đường như vậy và giờ đây đang ngồi bên phải chúa cha với tư cách là con người chân chính và chúa chân chính, đồng thời là người bảo vệ nhân loại trước chúa cha.

Tiếp nữa, đối với chúng ta, sự phục sinh là bằng cứ chứng minh sự bất tử của linh hồn của chính chúng ta và sự phục sinh của xác thịt. Sê-linh cũng thừa nhận cả điều này và nói thêm rằng nếu trong cuộc đời này xác thịt thống trị tinh thần, thì sau đó ắt sẽ nảy sinh cuộc đời thứ hai, nơi mà tinh thần sẽ vượt qua thể xác và cuối cùng cần có sự cân bằng của cả hai phía. Điều này hoàn toàn phù hợp với học thuyết của kinh thánh, vì trạng thái cuối cùng sau sự phục sinh và sau sự phán xét khủng khiếp, sau sự cải biến của thân thể chẳng qua là cái mà Sê-linh gọi là sự cân bằng giữa linh hồn và thể xác. Về trạng thái của những người không sám hối và bị phán xét đã chết trong sự không tin tưởng, trong sự nhẫn tâm và trong tội lỗi, Sê-linh cũng nêu lên một giả thiết nhất định. Ông ta coi cái chết thứ hai, cái chết vĩnh cửu là sự tiêu vong vĩnh viễn không bao giờ có thể kết thúc bằng cái chết thực tế. Tất nhiên, có thể không suy ngẫm về điều đó và để cho chúa quyết định xem ông ta nên trừng trị và hành hạ những người khinh bỉ và chê bai ông ta như thế nào.

Cuối cùng, ông Sê-linh đáng kính dẫn ra lời xác nhận quý báu sau đây về sự phục sinh của chúa và chúa cứu thế của chúng ta là Giê-xu Ki-tô: sự phục sinh ấy là một tia chớp sáng loáng từ lịch sử bên trong ra lịch sử bên ngoài. Đối với người bác bỏ những hiện tượng như vậy, lịch sử trị vì của chúa vẫn chỉ là một loạt những sự kiện ngẫu nhiên bên ngoài không có bất kỳ nội dung thần thánh nào, không có cái siêu nghiệm (vượt qua sức mạnh của lý trí), mà chỉ là lịch sử theo đúng nghĩa của từ này. Thiếu cái đó thì lịch sử chỉ là việc bên ngoài của trí nhớ, nhưng tuyệt nhiên không phải là sự hiểu biết chân chính, đầy đủ về các sự kiện. – Đó là những từ tốt đẹp và từ Cơ Đốc giáo. Trái lại, sự ba hoa của những nhà thông thái thế tục về chúa trong lịch sử và trong sự phát triển của ý thức giống nòi là những lời nói suông và là sự phỉ báng chúa một cách ghê tởm. Vì nếu những kẻ ngạo mạn quyến rũ thanh thiếu niên ấy nhìn thấy chúa của mình trong lai lịch của tất cả mọi tội lỗi và tội ác của con người, thì chúa còn ở đâu ở bên ngoài những tội lỗi ấy. Những người hay chế giễu ấy không muốn hiểu rằng lịch sử toàn thế giới là một loạt những điều bất công, những điều độc ác, giết chóc, thông dâm, dâm đãng, trộm cắp, phỉ báng chúa, báng bổ thần thánh, những cơn phẫn nộ và giận dữ và những cuộc chè chén say sưa mà tự chúng nhất định sẽ đẩy mình xuống địa ngục và cùng với mình đẩy cả toàn thế giới, nếu ở khắp nơi không thấy bàn tay cứu vớt của chúa đang đấu tranh với cái ác và ngăn ngừa cái ác; và vũ đài tệ nạn nhục nhã ấy là bầu trời của chúng, là toàn bộ sự bất tử của chúng, điều này chính họ đã công khai tuyên bố. Đó là những hậu quả dễ thương của việc tất cả mọi hành động của chúa đều bị gạt khỏi lịch sử. Vì mình mà chúa trả thù họ bằng việc giấu không cho họ thấy bản chất thật sự của mình và để cho họ tự tạo ra cho mình một vị chúa thậm chí nhỏ hơn cả một bức tường câm lặng làm bằng gỗ và rơm, thực chất chỉ là bóng ma trống rỗng, cái gọi là tinh thần thế giới và tinh thần của lịch sử. Chúng ta thấy được cái gì với cách nhìn như vậy đối với lịch sử, mà người đề xướng chủ yếu lại là Hê-ghen, người mang tiếng xấu giữa tất cả những tín đồ Cơ Đốc giáo tốt; vậy chúng ta hãy so sánh với cái đó bức tranh lịch sử mà con người thần thánh như Sê-linh đã vẽ ra.

Sê-linh nói, trong số mười hai vị luôn vây quanh chúa và được chúa gọi là những tông đồ, ông ta tỏ ra có cảm tình đặc biệt với ba vị, cụ thể là Pi-e, Giắc và Giăng, khi nào cũng thích họ hơn so với những vị khác. Trong ba vị tông đồ ấy đã có những nguyên mẫu của toàn bộ giáo hội Cơ Đốc giáo, nếu chúng ta thay Giắc, bị giết sớm vì Ki-tô, bằng thánh Pôn được thay thế với tư cách là người kế thừa ông ta vào khoảng thời gian đó. Pi-e, Pôn và Giăng là chúa tể của ba thời kỳ phát triển của giáo hội Cơ Đốc giáo, giống như trong kinh Cựu ước của Mô-i-dơ, I-li-a và Giăng Rửa tội là ba đại diện của ba thời kỳ. Mô-i-dơ là nhà lập pháp mà qua ông này chúa đặt nền móng; I-li-a là chúa thánh thần nồng nhiệt đã làm sống lại và kích thích hoạt động của dân chúng thủ cựu, đã từ bỏ tín ngưỡng của những người cha; Giăng Rửa tội là người hoàn tất, nhờ ông mà diễn ra bước chuyển từ kinh Cựu ước sang kinh Tân ước. Như vậy là đối với giáo hội Tân ước, Pi-e là Mô-i-dơ, là người sáng lập, nhờ ông mà tính chất Do Thái giáo thời bấy giờ thể hiện trong giáo hội Cơ Đốc giáo; Pôn là I-li-a nồng nhiệt thúc đẩy hành động, không cho những người có đạo nguội lạnh và ngủ thiếp đi, và là người đại diện cho bản chất của đa thần giáo, của học vấn, sự uyên bác và đạo lý thế tục vì nó phục tùng niềm tin; còn Giăng thì vẫn sẽ là người hoàn tất, chỉ ra tương lai, vì ông ta giao việc hoàn tất cho những người mà chúa yêu mến. Như vậy, chính Giăng là người đã viết Mặc Khải, lúc còn sống ông đã dự báo trước tương lai. Còn giáo hội của tông đồ Pi-e là giáo hội Thiên chúa giáo mà việc thờ cúng theo lễ nghi của nó, cũng như cả học thuyết của nó về việc thiện phù hợp với luật của đạo Do Thái; và không thể phủ nhận lời của chúa: "ngươi là Pi-e [6], trên đá này ta sẽ xây dựng giáo hội của ta, và sức mạnh địa ngục sẽ không phá được nó" [7], có liên quan với giáo hội mà chúa đã thành lập. Giống như ông ta ba lần từ bỏ chúa, có thể chỉ ra rằng giáo hội La Mã đã ba lần từ bỏ chúa. Lần thứ nhất khi giáo hội này bắt đầu vươn tới quyền lực thế tục; sau đó, khi nó đã sử dụng được quyền lực thế tục cho mục đích của mình và cuối cùng, khi nó xoay ra làm công cụ cho quyền lực thế tục để đạt được các mục tiêu của nó. Còn giáo hội thứ hai của tông đồ Pôn là giáo hội Tin lành, trong đó chiếm ưu thế là sự uyên bác và mọi sự anh minh thánh thiện, vì vậy cũng là bản chất của những người Cơ Đốc giáo chuyển từ đa thần giáo sang và trong đó thay vì yếu tố không gì lay chuyển được, bền vững vốn có của giáo hội Thiên chúa giáo xuất hiện hoạt động của giáo hội Phúc âm, sôi động, tạo dựng ra nhiều đảng phái, sau này giáo hội này bị chia ra thành nhiều giáo phái. Ai biết được liệu trước sau ý đồ và khát vọng của những người Cơ Đốc giáo đa thần giáo ấy có ích lợi hơn cho sự trị vì của chúa so với hoạt động của người Cơ Dốc giáo Do Thái giáo không!

Song không một giáo phái nào trong hai giáo phái ấy là giáo hội chân chính, cuối cùng của chúa cả, nhưng chỉ có giáo hội xuất phát từ Pi-e với tư cách là cơ sở, thông qua Pôn vươn tới Giăng và, như vậy, chuẩn bị những thời đại gần đây nhất mới là giáo hội như thế. Giáo hội cuối cùng này là giáo hội tình yêu, giống như Giăng là sứ giả truyền tin tình yêu; trong đó giáo hội đạt tới sự hoàn tất mà vào thời buổi của nó sẽ xảy ra sự đại bội giáo đã dự đoán vào thời điểm cuối, tiếp theo đó là sự phán quyết khủng khiếp. Người ta xây dựng nhiều nhà thờ cho tất cả mọi tông đồ, nhưng cho thánh Giăng thì lại quá ít. Nếu như tôi có dịp xây dựng nhà thờ thì tôi sẽ dành cho ông này; nhưng đến lúc nào đó nhà thờ sẽ được xây dựng để thờ tất cả ba tông đồ, và nhà thờ ấy sẽ là điện Păng-tê-ông Cơ Đốc giáo chân chính cuối cùng.

Những lời mà nhà triết học Cơ Đốc giáo thực sự đầu tiên dùng để kết thúc các bài giảng của ông ta là như thế, và như vậy, chúng tôi dường như đã tái tạo diễn biến tư tưởng của ông ta từ đầu đến cuối. Người viết những dòng này cho rằng người này đã chỉ ra một cách đầy đủ rằng chúa đã dựng lên công cụ được lựa chọn nào cho giáo hội của mình qua nhân vật xứng đáng này. Ông ta chính là bậc hảo hán, ông ta sẽ đánh đuổi những người đa thần giáo của thời đại chúng ta, những người đang sáng tạo công việc của họ dưới những hình thức đa dạng như những người trần tục, như nhóm "Nước Đức trẻ" [8], như các nhà triết học và như họ còn lấy tên gì gì đi nữa. Thực ra, sau khi đến giảng đường nơi Sê-linh giảng bài và nghe những lời giễu cợt và những lời hóm hỉnh của những người ấy về người thông thái được lựa chọn trong số các nhà thông thái thế tục, người ta phải nhớ lại tông đồ Pôn khi ông này giảng đạo ở A-ten. Tình hình diễn ra đúng là như thể lặp lại câu chuyện được kể trong "Sách tông đồ công vụ" dòng 17, 16, và các dòng tiếp theo, có nói:

"Trong khi chờ đợi họ ở A-ten, Pôn căm giận trong lòng khi thấy thành phố đó đầy những thần tượng. Thế là ông bàn luận trong thánh đường với những người theo đạo Do Thái và những người tôn thờ chúa, và với những người hàng ngày gặp trên quảng trường. Một số những nhà triết học thuộc phái Ê-pi-quya và khắc kỷ đã tranh cãi với ông; một số đã nói: "người mê tín đó muốn nói gì?", những người khác thì nói: "hình như ông ta thuyết giáo về thần thánh của những đạo khác", vì ông ta nói với họ về Giê-xu và sự phục sinh".

Tất nhiên, cả Sê-linh cũng có thể nổi giận ở đây, tại Béc-lin, khi thấy thành phố tôn thờ thần tượng như vậy. Vì, so với ở đây thì ở đâu người ta tôn thờ thần tượng và những đồ vật trần gian, thần tài và những nghi lễ của thế giới này và cái "Tôi" quý báu của chính mình nhiều hơn, và ở đâu người ta coi thường chúa chân chính hơn? Ở đâu cuộc sống trần tục với sự lộng lẫy của nó, với sự xa hoa của nó, với sự hùng vĩ bận rộn trống rỗng của nó, với những tệ nạn nở rộ và những tội lỗi được che đậy của nó đã đạt đến mức độ cao hơn so với chính nơi đây? Liệu các nhà thông thái của các vị, các nhà văn hời hợt và phi Cơ Đốc giáo của các vị có muốn nịnh hót các vị, khi họ thường so sánh thành phố của các vị với A-ten không? Ôi, họ đã nói với các vị cái chân lý cay đắng dường nào! Vâng, tất nhiên, đó là A-ten đầy học thức và văn minh kiêu hãnh đa thần giáo đã làm cho mắt của các vị lóa đến mức các vị không thấy rõ chân lý đơn giản của kinh Phúc âm; A-ten đầy hào nhoáng, lừa bịp và sự huy hoàng trần thế, A-ten, nơi mà con người quen với sự đầy đủ và tiện nghi, duỗi dài chân tay và ngáp trên những chiếc giường mềm mại và coi những bài nói về thánh giá là quá tẻ nhạt và coi việc sám hối là quá vất vả; A-ten đầy sự say mê kiêu căng, man rợ và sự ngây ngất nhục dục, trong đó tiếng nói oang oang của lương tâm bị lấn át, sự bất an và sự đau khổ nội tâm được che đậy bằng lớp vỏ bọc tuyệt vời! Vâng, tất nhiên, A-ten với những người thông thái thế tục ngạo mạn, vò đầu bứt trán về vấn đề tồn tại và không tồn tại và những điều vô lý khác và từ lâu đã thắng chúa và thế gian, song lại cười chê những lời nói về nhẫn nhục và về những người nghèo nàn tinh thần, như cười sự điên rồ và những điều vô lý của những thời đã qua. A-ten có nhiều nhà thông thái vững vàng biết thuộc lòng tất cả mọi loại thảo trùng và tất cả các chương của luật La Mã và vì thế mà quên sự cứu rỗi vĩnh viễn thể hiện sự khoái lạc của tâm hồn! Ở đây, tất nhiên, cả Sê-linh cũng có thể nổi giận, như có hồi Pôn đã nổi giận khi ông ta đến thành phố tương tự như vậy. Và khi ông ta xuất hiện thì những người thông thái thế tục, như trước kia đã từng xảy ra, những người thuộc phái Ê-pi-quya và những người khắc kỷ ở A-ten đã nói rằng: người mê tín này muốn nói gì? Họ nhận xét xấu về ông ta ngay trước khi ông ta mở miệng; họ chửi bới ông ta ngay trước khi ông ta xuất hiện trong thành phố của họ. Song chúng ta thấy kinh thánh tiếp tục thuật lại cho chúng ta như thế nào:

"Và sau khi túm lấy ông ta, họ dẫn ông ta tới tòa án tối cao và họ nói: liệu chúng ta có thể biết cái học thuyết mới mà ngươi thuyết giáo là gì không? Vì ngươi rót vào tai chúng ta điều gì đó lạ lùng; vì vậy chúng ta muốn biết đó là cái gì? Còn tất cả người A-ten cũng như những người nước ngoài và khách sống ở chỗ họ không gì thích thú bằng bỏ thời gian vào việc nói hoặc nghe một điều mới lạ nào đó" [9].

Chẳng lẽ đó không phải là những người Béc-lin còn sống hay sao? Liệu họ có bỏ thời gian vào việc nghe và thấy điều mới nào đó không? Các vị hãy thử ghé vào các quán cà phê và quán bánh kẹo của các vị xem những người A-ten  mới vồ lấy các tờ báo như thế nào, trong khi kinh thánh thì vứt ở nhà, phủ một lớp bụi dày, và không một người nào mở nó ra. Các vị hãy lắng nghe những lời chào hỏi của họ khi gặp nhau, các vị sẽ không nghe thấy gì ngoài những câu hỏi: có gì mới không? Không có gì mới à? Họ luôn luôn cần điều gì đó mới, cái chưa từng biết nào đó, nếu không thì họ buồn đến chết với trình độ học thức, mức sống rất sang trọng và nhiều thú vui của họ. Họ coi ai là lịch sự, lý thú và đáng chú ý? Người được chúa thánh thần khai sáng hơn cả ư? Không, dó là người luôn biết kể nhiều tin tức hơn cả. Họ quan tâm hơn cả đến cái gì? Đến việc một người có tội nào đó có tìm về con đường chân chính hay không, đến điều mà các thiên thần của chúa vui mừng ư? Không, họ quan tâm đến những chuyện lôi thôi nào đó đã xảy ra ban đêm, đến việc người ta viết gì trên báo "Leipziger Allgemeine Zeitung" từ Béc-lin! Nhưng tệ hơn cả là một nhóm tai quái gồm những nhà chính trị và những kẻ ba hoa say mê tin tức nhiều hơn cả. Lẽ ra phải để cho nhà vua giải quyết những công việc ấy theo thiện ý của ông ta thì những kẻ giả dối ấy lại xía một cách trắng trợn nhất vào công việc quản lý nhà nước, và hoàn toàn không quan tâm đến việc cứu vớt linh hồn bất tử của mình; họ muốn bới ra cái lỗi cỏn con của chính phủ nhưng lại không muốn thấy cái xấu tày đình của chính mình, kẻ không có lòng mến yêu đối với Ki-tô. Những kẻ ấy đặc biệt giống những người A-ten cổ đại cũng suốt ngày đi lang thang ngoài chợ, cố gắng nghe ngóng tin tức mới, còn những chân lý cũ thì họ bỏ xó không đụng đến. Họ muốn gì ở Sê-linh ngoài việc muốn nghe điều gì đó mới, và họ đã nhăn mặt khinh khỉnh như thế nào khi ông ta chỉ giảng cho họ kinh Phúc âm cũ! Trong số họ có thật quá ít người không bao giờ  khao khát những điều mới mẻ, nhưng lại muốn Sê-linh chỉ nói chân lý cũ rích, nói những lời về sự chuộc tội thông qua Giê-xu Ki-tô!

Và như vậy, ở đây đã lặp lại với Sê-linh tất cả những điều đã xảy ra với Pôn trước kia. Họ lắng nghe lời thuyết giáo của ông ta với nét mặt phê phán, thỉnh thoảng mỉm cười một cách đạo mạo, lắc đầu liếc nhìn nhau đầy hàm ý, rồi nhìn Sê-linh với vẻ thương hại; "sau khi nghe nói về sự phục sinh của những người chết, họ bèn cười rộ lên" ("Sách tông đồ công vụ", dòng 17, 32). Chỉ có một số ít người trở thành môn đồ của ông ta, vì ngay cả giờ đây sự thể cũng diễn ra y như ở A-ten: chuyện người chết sống lại gây cho họ sự bực tức đặc biệt. Đa số thật thà đến mức không muốn nghe nói về bất cứ sự bất tử nào; một số ít người cho là có sự bất tử của linh hồn nhưng rất không xác thực, rất không rõ ràng, rất lờ mờ, nhưng theo ý kiến của những người này thì thân thể vĩnh viễn mục rữa, và tất cả họ đều cười nhạo sự phục sinh thực tế, xác định và rõ rệt của xác thịt, cho rằng sự phục sinh ấy hoàn toàn không thể có được, dường như trong kinh thánh không hề viết: đối với chúa không có gì không thể làm được.

Song thêm vào câu chuyện giáo hội Ki-tô đã được trình bày cho bạn đọc mộ đạo, như nó được trình bày một cách tượng trưng cho chúng ta qua ba tông đồ – Pi-e, Pôn và Giăng – chúng tôi còn phải nêu thêm một nhận xét nữa. Từ đó toát lên rằng nếu chúng ta – như một số người còn làm cả bây giờ nữa – muốn khinh bỉ giáo hội Thiên chúa giáo và sỉ nhục nó so với giáo hội của chúng ta, thì điều đó hết sức không chính đáng, là tội lỗi và mâu thuẫn với các quyết định của bản thân chúa. Vì cả giáo hội ấy, cũng như giáo hội Tin lành, đều được thiết lập bởi quyết định thần thánh, và chúng ta còn có thể học được ở nó một số điều. Trong giáo hội Thiên chúa giáo còn duy trì kỷ cương giáo hội tông đồ cổ mà ở nước ta thì nó đã hoàn toàn biến mất. Qua kinh thánh chúng ta biết rằng các tông đồ và các giáo đoàn đã gạt ra khỏi sự giao tiếp của chúa thánh thần tất cả những người vô đạo, những ông thầy giả hiệu và những kẻ có tội vốn là sự cám dỗ đối với giáo đoàn. Có phải Pôn nói rằng (Thư thứ nhất gửi giáo dân Cô-rin-tơ, dòng 5, 3-5):

"Phần tôi, tuy thân xác xa cách, nhưng lòng trí vẫn ở giữa anh chị em, tôi đã lên án kẻ phạm tội ấy như thể tôi có mặt tại chỗ. Theo ý tôi, anh chị em hãy nhân danh chúa Giê-xu, họp nhau lại và dùng quyền phép chúa Giê-xu mà giao phó kẻ ấy cho xa-tăng hủy hoại phần xác, mong phần hồn kẻ ấy được cứu rỗi, trong ngày của chúa Giê-xu Ki-tô của chúng ta".

Có phải Ki-tô đã nói Pi-e rằng:

"Ta sẽ cho ngươi các chìa khóa của vương quốc thiên đường; và những gì ngươi ràng buộc trên trái đất, thì sẽ được ràng buộc trên thiên đường; và điều gì ngươi cho phép trên trái đất, thì sẽ được cho phép trên thiên đường" (Ma-thi-ơ, dòng 16, 19).

Sau khi phục sinh, có phải Ki-tô đã nói với tất cả các học trò của mình:

"Các người tha thứ tội lỗi cho ai thì người đó sẽ được xá tội; các người để lại tội lỗi cho ai thì tội lỗi vẫn sẽ ở lại với người ấy" (kinh Phúc âm của Giăng, dòng 20, 23).

Những đoạn như vậy trích từ kinh thánh có liên quan với kỷ cương nghiêm khắc của giáo hội dưới dạng như nó đã phát triển mạnh mẽ trong giáo hội của các tông đồ và còn tồn tại ở các  tín đồ đạo Thiên chúa, và nếu giáo hội của các tông đồ là mẫu mực của chúng ta và kinh thánh là sách chỉ nam của chúng ta, thì cả chúng ta cũng phải cố gắng làm cho quy định cổ đã nhắc đến ở trên có hiệu lực, và với sự điên cuồng mà kẻ thù độc ác hiện đang bức hại giáo hội của chúa và tấn công giáo hội ấy, tất nhiên chúng ta cần phải chăm lo để chúng ta được trang bị không chỉ trong nội tâm, bằng niềm tin và hy vọng, mà cả bên ngoài, bằng sự đoàn kết của những người tin đạo và tống cổ những kẻ tiên tri giả hiệu. Không thể để cho con sói thâm nhập vào đàn cừu mà lại không tống cổ nó ra khỏi đó. Tiếp nữa, cũng không nên hoàn toàn bác bỏ chế độ không hôn nhân của các linh mục Thiên chúa giáo. Trong kinh Phúc âm của Ma-thi-ơ dòng 19, 10-12 có nói:

"Những người học trò của Người nói với Người: nếu trách nhiệm của con người đối với vợ là như vậy, thì tốt hơn là đừng lấy vợ. Còn Người thì đã nói với họ: không phải tất cả mọi người đều hiểu được câu này, mà chỉ có kẻ nào được hiểu mới hiểu được; vì có những người bị thiến từ trong lòng mẹ sinh ra đã là như thế; rồi cũng có những người bị thiến bởi con người; cũng có những người vì vương quốc trên trời mà tự làm cho mình trở thành như bị thiến. Ai hiểu được thì hiểu".

Sau đó trong thư 1 gửi người Cô-rin-tơ, chương 7, từ đầu đến cuối đều nói đến những điểm ưu việt của việc không kết hôn so với hôn nhân, và tôi chỉ xin trích ra mấy đoạn:

Dòng thơ 1, 2: "Con người không động chạm đến phụ nữ là tốt; nhưng, để tránh sự dâm đãng, mỗi người đều cần có vợ, và mỗi phụ nữ đều cần có chồng".

Dòng thơ 8: "Tôi xin nói với những người không kết hôn và những bà góa: họ cứ ở vậy như tôi là tốt".

Dòng thơ 27: "Có ở vậy không lấy vợ hay không? xin đừng tìm vợ".

Dòng thơ 32, 33: "Người không lấy vợ quan tâm đến chúa, làm thế nào được lòng chúa; còn người có vợ thì quan tâm đến chuyện đời thường, làm thế nào để vừa lòng vợ".

Dòng thơ 38 và tiếp theo: "Vì vậy người gả chồng cho con gái đã hành động tốt; còn người không gả thì hành động tốt hơn. Người vợ bị pháp luật trói buộc chừng nào chồng người đó còn sống; còn nếu chồng người đó chết thì người đó tự do lấy ai mình muốn, có điều là phải liệu cho đẹp lòng chúa. Nhưng người đó sẽ sung sướng hơn nếu cứ ở vậy, theo lời khuyên của tôi; tôi nghĩ là tôi được ơn chúa thánh thần soi sáng mà khuyên bảo như vậy".

Chính những lời nói đó khá rõ và khó hiểu, vậy thì với những quy định như thế việc không kết hôn tại sao lại có thể bị tiếng xấu như vậy ở các tín đồ đạo Tin lành. Vậy, chúng ta thấy rằng về một số mặt, giáo hội Thiên chúa giáo gần gũi với kinh thánh hơn chúng ta, và chúng ta hoàn toàn không có cơ sở để khinh bỉ nó. Trái lại, những người anh em chúng ta trong giáo hội Thiên chúa giáo, những người tin đạo và kính chúa, đứng gần chúng ta hơn là các tín đồ đạo Tin lành đã từ bỏ tín ngưỡng và không còn là những tín đồ Cơ Đốc giáo nữa, và đã đến lúc chúng ta phải bắt đầu việc tổ chức giáo hội của Giăng bằng cách liên kết với các tín đồ đạo Thiên chúa chống lại những kẻ thù chung đe dọa toàn bộ đạo Cơ Đốc. Giờ đây không còn là lúc tranh cãi về những điểm khác nhau của những tín ngưỡng riêng lẻ nữa, - chúng ta phải để chúa giải quyết vấn đề này; sau khi chúng ta, những người mà trong vòng ba trăm năm không thể đi tới một giải pháp dứt khoát, chúng ta phải tỉnh táo và cầu nguyện, phải sẵn sàng trong mọi lúc.

"lấy chân lý làm dây lưng, lấy sự chính trực làm áo giáp, lấy lòng nhiệt thành truyền bá Phúc âm bình an làm giày đỏ; còn chúng ta phải lấy đức tin làm thuẫn trong tay để giập tắt mọi tên lửa của ác thần, dùng ơn cứu độ làm mũ chiến và lấy chúa thánh thần tức là lời chúa làm gươm giáo (Thư gửi giáo dân Ê-phê-xi, 6-14-17). Vì thời buổi xấu xa đã tới và "kẻ thù như con sư tử gầm thét, hằng lượn quanh kiếm mồi (Thư thứ nhất của Pi-e, 5, 8) [10].

Và nếu tác giả có thể cả gan nhẫn nhục bày tỏ ý kiến của mình ở nơi mà nhiều nhân vật mộ đạo và thông minh như vậy có thể nói, thì tác giả cho rằng giáo hội của Giăng và cùng với nó là những ngày vừa qua là gần gũi. Chẳng lẽ người nào đó có thể theo dõi các sự kiện những năm vừa qua với ý nghĩ về chúa và có thể không nhận thấy rằng những công việc vĩ đại đang tới gần và bàn tay của chúa đang điều khiển sự diễn biến của những sự kiện đang diễn ra với các ông vua và các nước! Từ thời cuộc cách mạng Pháp khủng khiếp, tinh thần  qủy dữ hoàn toàn mới đã thâm nhập vào một bộ phận đáng kể của loài người, và tư tưởng vô thần ngẩng cái đầu xấc xược của mình một cách trâng tráo và ngạo mạn đến mức cần phải nghĩ đến việc thực hiện những lời tiên tri của kinh thánh vào lúc này. Song chúng ta hãy xem trong kinh thánh đã nói gì về lòng không tin đạo của những thời đại gần đây. Chúa Giê-xu nói, Ma-thi-ơ, 24, 11-14:

"Và nhiều kẻ tiên tri giả hiệu sẽ xuất hiện và cám dỗ nhiều người. Và vì lý do sự phi pháp tăng lên mà tình yêu trong nhiều người trở nên nguội lạnh. Còn người đã chịu đựng đến cùng thì sẽ được cứu vớt. Và tin lành về nước Thiên chúa sẽ được rao giảng khắp toàn vũ trụ, được tất cả các dân tộc chứng kiến; và lúc đó sự tận cùng sẽ đến". Và dòng thơ 24... "Những Ki-tô giả và những kẻ tiên tri giả sẽ xuất hiện và sẽ làm những phép lạ to lớn để cám dỗ cả những người được lựa chọn, nếu có thể". Và Pôn nói, Thư thứ hai gửi giáo dân Phê-xa-lô-ni-ki 2,3 và tiếp theo: "và sẽ xuất hiện người gian ác, tức là tên hư hỏng, tên thù địch này sẽ tôn mình lên trên mọi sự mang danh Thiên chúa, hay thuộc về sự thờ phụng;... sẽ dùng quyền phép của xa-tăng mà làm các phép lạ và sự kỳ diệu giả dối, sẽ cùng mọi mưu chước gian ác để lừa dối các kẻ hư hỏng vì đã chối bỏ, không mến mộ sự thật để được cứu rỗi. Do đó Thiên Chúa đã để cho chúng mắc phải sự lầm lạc, mà tin theo sự giả trá. Như vậy là chúa lên án tất cả các kẻ không tin nhận sự thật và đi theo sự gian ác". Và Thư thứ nhất gửi ông Ti-mô-phây 4, 1: "Chúa thánh thần đã nói tỏ tường rằng trong thời kỳ cuối cùng, một số người sẽ chối bỏ đức tin và đi theo các tà thần giả dối và các lý thuyết ma quái".

Điều đó có chứng minh rằng chúa và Pôn dường như đã tận mắt thấy thời đại chúng ta như là thời đại sống động hay không? Sự bội giáo phổ biến phản lại sự trị vì của chúa ngày càng tăng, lòng không tin đạo và sự báng bổ chúa ngày càng trở nên trắng trợn hơn, như Pi-e nói (Thư thứ hai của Pi-e, 3, 3):

"Và anh chị em hãy biết rằng trong những ngày cuối cùng sẽ xuất hiện những kẻ phỉ báng, và mê theo tình dục".

Tất cả mọi kẻ thù của chúa hiện đang liên kết lại và tấn công những người có đạo với mọi thứ vũ khí, những người bàng quan rơi vào những thú vui thế tục và đối với họ nghe nói về thánh giá là quá buồn tẻ, giờ đây đang liên hiệp lại, những người bị lương tâm giày vò, cùng với những người thông thái thế tục vô thần chính là đang muốn dùng học thuyết của họ để lấn át những sự cắn rứt lương tâm; mặt khác, họ công khai phủ nhận tất cả những gì không thể thấy bằng mắt, phủ nhận chúa và mọi sự tồn tại dưới âm phủ, và lúc đó, lẽ dĩ nhiên, họ đặt thế giới ấy cùng với những khoái lạc xác thịt của nó, với thói tham ăn, nạn say rượu và thói dâm đãng của nó cao hơn cả. Đó là những người đa thần giáo tồi tệ nhất đã trở nên tàn nhẫn và tự họ đã đưa mình tới chỗ ngoan cố phủ phận kinh Phúc âm, và về họ chúa nói rằng trong ngày phán quyết khủng khiếp, cư dân Xô-đôm và Hô-mo-ra sẽ dễ chịu hơn họ. Đó không còn là sự lãnh đạm và sự lạnh lùng đối với chúa nữa; không, đó là sự thù địch công khai, lộ liễu, và thay vì mọi giáo phái và đảng phái giờ đây chúng ta chỉ có hai: các tín đồ đạo Cơ Đốc và những người chống Ki-tô. Nhưng người nào có mắt để nhìn, thì mong họ nhìn và đừng lóa mắt, vì giờ đây không phải là lúc để nằm mơ và thoái thác; khi các đặc trưng của thời đại chứng tỏ rõ ràng như vậy, thì lúc đó cần phải chú ý đến chúng và nghiên cứu kỹ ý nghĩa của những lời tiên tri mà không phải vô cớ chúng ta có được. Chúng ta thấy trong số chúng ta có những người tiên tri giả hiệu,

"và họ nói những lời kiêu căng, phạm thượng, miệng họ luôn thốt ra những lời phạm đến Thiên chúa, đến danh thánh chúa, đến đền thờ chúa và đến các thánh ở trên trời. Họ lại có sức giao chiến với các thánh và "(có cảm tưởng gần như thế) "thắng các đấng ấy". Mặc khải của Giăng, 13, 5-7.

Họ hoàn toàn không còn hổ thẹn, bối rối và sùng kính, và những lời chế giễu ghê tởm của ông Vôn-te nào đó là trò đùa trẻ con so với sự nghiêm túc ghê tởm và với sự báng bổ chúa được suy nghĩ kỹ của những kẻ cám dỗ ấy. Họ chu du khắp nước Đức và đâu đâu họ cũng muốn lén lút thâm nhập, thuyết giáo các học thuyết xa-tăng của họ trên các chợ và chuyển lá cờ quỷ sứ từ thành phố này đến thành phố khác, kéo theo lớp thanh niên nghèo để đẩy họ vào vực thẳm cực kỳ sâu của địa ngục và chết chóc. Sự cám dỗ đã tăng mạnh chưa từng thấy, và không thể có chuyện chúa cho phép điều đó mà không có ý định đặc biệt. Có nên vận dụng lời nói sau đây đối với cả chúng ta nữa hay không:

"Hỡi những kẻ giả dối! các người biết phân biệt bộ mặt của trời, mà các người lại không thể phân biệt những đặc trưng của thời đại hay sao?" Ma-thi-ơ, 16, 3.

Không, chúng ta phải mở to mắt và nhìn xung quanh; thời buổi đáng sợ và cần phải tươi tỉnh và cầu nguyện để chúng ta không rơi vào sự cám dỗ và để chúa sẽ đến, như là kẻ cướp trong đêm tối, không bắt gặp chúng ta đang ngủ. Nhiều tai họa và sức cám dỗ đang chờ đợi chúng ta, nhưng chúa sẽ không rời chúng ta, vì chúa đã nói trong Mặc khải của Giăng, 3, 5:

"Người chiến thắng sẽ mặc áo trắng; và ta sẽ không xóa tên người ấy khỏi quyển sách cuộc đời và ta sẽ tuyên dương tên tuổi của người đó trước cha ta và trước các thiên thần của người". Và câu thơ 11: "Ta sẽ đến một cách nhanh chóng, con hãy giữ lấy cái con đang có để không ai chiếm mất vòng nguyệt quê của con!"

A-men.

Do Ph.Ăng-ghen viết vào đầu năm 1842

Đã in không ký tên thành cuốn sách nhỏ
ở Béc-lin năm 1842

In theo bản in trong cuốn sách nhỏ

Nguyên văn là tiếng Đức

 

Nguồn: http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/4lanhtu/?topic=3&subtopic=88

Đọc thêm bản dịch tiếng Anh: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1841/anti-schelling/ch06.htm


[1] Đa số bài giảng của Sê-linh, trong đó có các bài giảng của ông về triết học mặc khải và triết học thần thoại, mãi sau khi Sê-linh mất mới được công bố trong toàn tập các tác phẩm của ông xuất bản ở Stút-gát trong những năm 1856 -1861.

[2] Giáo lý Pê-la-giơ (theo tên của tu sĩ Xen-tơ Pê-la-giơ) – trào lưu trong đạo Cơ Đốc, thù địch với giáo hội giữ địa vị thống trị, phổ biến ở các nước vùng Địa Trung Hải đầu thế kỷ V. Học thuyết Pê-la-giơ, tuyên truyền cho sự tự do của ý chí con người.

Giáo lý Xô-xanh (theo tên nhà thần học I-ta-li-a Phau-xtơ Xô-xanh) – giáo lý của một giáo phái rất thịnh hành ở Ba Lan vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, về sau cả ở một số nước châu Âu khác. Giáo lý Xô-xanh có thái độ phê phán đối với các giáo điều của giáo hội chính thống và, giống như giáo lý Pê-la-giơ, đã tuyên truyền cho sự tự do của ý chí con người.

[3] Chủ nghĩa duy lý trong thần học – khái niệm ước lệ và rất mâu thuẫn biểu hiện mưu toan của một số nhóm nhà thần học thuộc những thời đại khác nhau tìm cách chứng minh khả năng hiểu thấu "các chân lý thần khải" bằng các phương tiện của lý trí. Trong thần học Tin lành, khuynh hướng duy lý chủ nghĩa đã có ảnh hưởng lớn trong các thế kỷ XVIII – XIX,

[4] Đây muốn nói "triết học thực chứng" – một khuynh hướng tôn giáo thần bí trong triết học, phê phán triết học Hê-ghen từ phía hữu (C.H. Vây-xơ, I.G. Phi-stơ con, A. Guyn-tơ, Ph. Ba-a-đơ, Sê-linh về sau). "Các nhà triết học thực chứng" cố bắt triết học phục tùng tôn giáo, chống nhận thức lý tính và coi thần khải là nguồn duy nhất của tri thức "thực chứng". Họ gọi mọi triết học tuyên bố nguồn gốc của mình là nhận thức lý tính là triết học "phủ định".

[5] Sách Xi-vi-lin – tuyển tập những lời nói mà người ta cho là của "nhà nữ tiên tri" thần thoại Xi-vi-la; ở La Mã cổ đại sách được dùng làm tài liệu bói toán chính thức trong những trường hợp nhà nước có nguy cơ bị đe dọa. Trong thời kỳ Đế chế La Mã cũng đã xuất hiện những quyển sách Xi-vi-lin Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.

[6] Pi-e là tên người, song cũng có nghĩa là đá, vì thế Giê-xu mới nói tiếp "trên đá này ta sẽ xây dựng giáo hội của ta...".

[7] Kinh thánh. Kinh Tân ước. Phúc âm của Ma-thi-ơ, chương 16, dòng thơ 18.

[8] Ăng-ghen có ý nói nhóm "Nước Đức trẻ" – nhóm văn chương này ra đời vào những năm 30 của thế kỷ XIX ở Đức và chịu ảnh hưởng của Hai-nơ và Bớc-nơ. Phản ánh tư tưởng đối lập của giai cấp tiểu tư sản trong các tác phẩm văn nghệ và chính luận của mình, các nhà văn trong nhóm "Nước Đức trẻ" (Gút-xcốp, Vin-bác-gơ, Mun-tơ v.v.) bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tự do báo chí. Các quan điểm của nhóm "Nước Đức trẻ" có đặc điểm là chưa chín chắn về tư tưởng và mơ hồ về chính trị, chẳng bao lâu sau đa só người trong nhóm đó đã thoái hóa thành những phần tử tự do tư sản tầm thường.

[9] Kinh thánh. Kinh Tân ước. Sách tông đồ công vụ, chương 17, dòng thơ 19-21.

[10] Hai đoạn trích kinh thánh này Ăng-ghen dẫn ra có thay đổi chút ít.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Bao Tinh - 16:50 25/05/2014
Bài nầy theo tôi là KHÔNG NÊN ĐỌC vì danh xưng Thiên Chúa mà tác giả không tôn trọng viết hoa từ "Chúa" mà lại cố tình viết chữ thường "chúa" thì thật là vô lễ và trở thành vô giá trị mặc dù nội dung rất công phu .... Mặc dù tôi không phải là người trong đạo nhưng tuyệt đối không khuyến khích những việc làm "vô đạo" như thế. Bảo Tịnh
Lê Quang Hồ - 03:38 30/05/2014
Một lời comment hoàn toàn nhảm nhí. Không hề bàn luận, thắc mắc, đóng góp hay phê phán gì cho bài viết lắm. Bộ đây là nhà thờ cho anh xưng tội kiếm điểm trước Chúa à? Nhân tiện, bài viết này là một trong ba bài viết của Friedrich Engels (tìm ở toàn tập Marx-Engels quyển 41 xuất bản tại Việt Nam), chống lại Schelling khi triết gia này công kích phê phán hệ thống triết học Hegel, Schelling được Bộ Trưởng Văn Hóa mới nhậm chứng của Chế độ Quân Chủ Phổ bảo trợ, việc này diễn ra khi Hegel mới qua đời 10 năm, năm 1941. Rất nhiều tác phẩm nhầm lẫn việc ai đã có mặt trong khóa giảng lừng danh này, Karl Marx theo nhiều nghiên cứu sử gia lúc ấy không hiện diện trong buổi giảng bài đó.
Lê Quang Hồ - 04:23 30/05/2014
Hegel chết vào tháng 11, năm 1831, khi đó Karl Marx 13 tuổi và Frederick Engels 11 tuổi. Mười năm sau, Marx tốt nghiệp Đại học Berlin và hoàn thành luận án tiến sĩ triết học ở Đại học Jena gần sinh nhật 24 tuổi của ông. Lúc đó vào năm 1841, Engels được gửi đến Berlin để tại ngũ một năm trong lực lượng cảnh vệ súng đại bác. Không hề có ghi chép là Marx hay Engels đã gặp nhau tại Berlin lúc đó. Ghi chép đầu tiên về cuộc gặp gỡ của họ là tại Cologne, vào tháng 11 năm 1842. Marx lúc ấy đang là biên tập viên cho một tạp chí gọi là Rheinische Zeitung (đó cũng là công việc đầu tiên của ông) dù vậy lúc đó Engels đang trên đường trở về Manchester để làm việc cho công ty của cha ông. Hai người thành một đội chỉ khi tới tận năm 1844 tại Paris, Pháp. Trong cùng năm 1841, Ludwig Feuerbach đã xuất bản cuốn "Bản Chất Kito giáo" mà Engels viết với lời khen ngợi nhiệt tình vào bốn mươi năm sau đó, năm 1886, trong cuốn Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức. (Tôi không có thời gian tra xem nó ở toàn tập quyển mấy). Nhưng rõ ràng là hiệu hứng cuốn sách là không thể tưởng tượng trong giới thanh niên lúc đó. F. W. J. Schelling đã là bạn, đồng nghiệp và cũng là đối thủ của Hegel, theo nhiều ghi chép ông rất ghét mình phải đứng dưới cái bóng vĩ đại của Hegel. Vào năm 1841, ở tuổi 66, Schelling đã được Bộ trưởng văn hóa (tên là gì thì quên rồi mất rồi, dùng Google đi) mới nhậm chức của Nền Quân Chủ Phổ - Prussian vận động đứng ra chống hệ thống triết học Hegel. Triết học Hegel đã từ lâu là sự tự hào của nền quân chủ Phổ, nhưng hóa ra nó lại là vũ khí tiềm năng trong tay của các nhà trí thức cách mạng cấp tiến ủng hộ giai cấp động. Mặc dù là nền quân chủ nhưng lúc ấy ở Phổ, chủ nghĩa tư bản đã là nền kinh tế chung và sự thống nhất thành nước Đức là không thể tránh khỏi. Những tiếng gào thét bắt đầu với các thanh niên mà lịch sử sau này gọi họ là những người Hegel trẻ. Trong đó có Feuerbach, Marx, Engels, Bruno, Stirner, Bakunin,... Sau đó là sự kiện chính trị, các cuộc cách mạng năm 1848 nổ ra............. Schelling đã đưa ra một loạt bài giảng lột trần hệ thống triết học Hegel. Bài giảng của Schelling là một cột mốc lịch sử quan trọng vì nó gây tiếng vang hơn cả những gì ông ta ngờ đến. Marx lúc ấy không có dấu hiệu là ông dự buổi giảng lừng danh này, đây là một huyền thoại trong lịch sử triết học, khi cho rằng Marx có dự buổi giảng đó của Schelling. Chính Engels, mới là người có mặt trong buổi giảng đó, ngoài ra còn bao gồm, Mikhail Bakunin người Nga, Soren Kierkegaard người Đan Mạch, và nhà sử gia người Thụy Sĩ Jacob Burkhardt. Phản ứng lại bài giảng của Schelling là một loạt các động thái khác nhau, từ nhiều thanh niên sau này trở thành những con người vĩ đại đi theo nhiều lối đi khác nhau. Vào năm 1842, Engels xuất bản tác phẩm mà thế kỷ 20 mới tìm thấy lại, đó là cuốn Chống-Schelling (có thể thấy cuốn này trong Toàn tập Marx-Engels quyển 41). Cho đến giờ vẫn không ai biết Marx đã ở đâu vào năm 1841, khi Schelling công kích Hegel. Theo những gì người ta biết là Marx chỉ liên lạc với Engels, khi ông ta đọc cuốn Lược khảo Phê phán khoa kinh tế chính trị của Engels, vào năm 1842. Và có thể Marx cũng chỉ biết về vụ Schelling vào năm 1842 mà thôi, trong bản thảo Paris năm 1844 không hề có thông tin về việc Marx hứng thú với việc đó.
Lê Quang Hồ - 04:24 30/05/2014
Đây thực sự là một bí ẩn ai có thể điều tra ra xem Karl Marx đang ở đâu vào năm 1841. Xin cho biết, và đừng comment nhảm nhí nha.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt