Triết học tôn giáo

Thánh Bru-nô - Chiến dịch chống Phoi-ơ-bắc

THÁNH BRU-NÔ

 CHIẾN DỊCH" CHỐNG PHOI-Ơ-BẮC

 

KARL MARX (1818-1883)

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


Karl Marx và Friedrich Engels. “Hệ tư tưởng Đức” trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: http://www.dangcongsan.vn


 

Trước khi bàn đến sự tranh luận trang nghiêm giữa tự ý thức của Bau-ơ với bản thân nó và với thế giới, chúng ta phải tiết lộ một điều bí mật. Thánh Bru-nô thổi bùng ngọn lửa binh đao và tung ra những tiếng hô chiến đấu đó, chỉ vì ông ta buộc phải "bảo vệ" con người ông ta và sự phê phán đã ế ẩm và có mùi chua của ông ta khỏi bị công chúng bỏ quên một cách vong ơn bội nghĩa, chỉ vì ông ta phải chỉ rõ rằng ngay cả trong những điều kiện đã thay đổi của năm 1845, sự phê phán vẫn y nguyên và không thay đổi. Ông ta đã viết tập thứ hai của bộ sách "Sự nghiệp chính nghĩa và sự nghiệp của bản thân tôi"[1]; ông ta bảo vệ mảnh đất của ông ta, ông ta chiến đấu pro aris et focis[2]. Nhưng là một nhà thần học thật sự, ông ta che đậy cái mục đích tự thân ấy bằng cái bề ngoài dường như ông ta muốn "nói về đặc điểm" của Phoi-ơ-bắc. Người ta đã hoàn toàn quên ông Bru-nô đáng thương và bằng chứng tốt nhất của điều đó là trong cuộc luận chiến giữa Phoi-ơ-bắc và Stiếc-nơ, ông ta hoàn toàn không được nhắc đến. Chính vì vậy, ông ta bám lấy cuộc luận chiến ấy để có cớ tuyên bố rằng mình đối kháng với hai kẻ đối kháng ấy, và tuyên bố rằng mình là sự thống nhất tối cao của họ, là tinh thần thần thánh.

Thánh Bru-nô mở đầu "chiến dịch" của mình bằng một loạt pháo bắn vào Phoi-ơ-bắc, c'est à dire[3] bằng việc in lại, có sửa chữa và bổ sung, một bài luận văn đã đăng trên tờ "Norddeutsche Blätter". Phoi-ơ-bắc được phong Hiệp sĩ của "thực thể" để cho "tự ý thức" của Bau-ơ càng nổi bật lên hơn. Trước sự hoá thân mới ấy của Phoi-ơ-bắc, sự hoá thân - như người ta nói, - đã được chứng minh bằng tất cả các tác phẩm của Phoi-ơ-bắc, vị thánh của chúng ta nhảy phắt ngay từ những tác phẩm của Phoi-ơ-bắc viết về Lai-bơ-nít-xơ và Bay-lơ sang "Bản chất đạo Cơ Đốc", bỏ qua bài viết chống lại "các nhà triết học thực chứng" trong "Hallische Jahrbücher"[4]. "Sự sơ suất" ấy "thật là đúng chỗ". Vì trong bài viết đó, Phoi-ơ-bắc, chống lại những đại diện thực chứng luận của "thực thể", đã vạch trần toàn bộ sự sâu sắc của "tự ý thức", trong khi thánh Bru-nô còn đang đắm mình trong những tư biện về thụ thai trinh khiết.

Vị tất cần phải nhắc lại rằng thánh Bru-nô vẫn còn diễu võ dương oai trên con chiến mã phái Hê-ghen già của ông ta. Hãy lắng nghe những lời nói đầu tiên về những khải thị mới nhất của ông ta phát đi từ vương quốc của thượng đế:

"Hê-ghen đã kết hợp thực thể của Xpi-nô-da và cái Tôi của Phi-stơ lại thành một chỉnh thể; sự thống nhất của cả hai, sự kết hợp của hai lĩnh vực đối lập ấy, v.v., chính là cái hay riêng của triết học Hê-ghen, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm của nó. Mâu thuẫn ấy, mâu thuẫn trong đó hệ thống của Hê-ghen đã vận động, phải được giải quyết và xoá bỏ. Nhưng ông ta chỉ có thể thực hiện được điều đó bằng cách làm cho vĩnh viễn không thể đặt ra vấn đề: quan hệ giữa tự ý thức với tinh thần tuyệt đối là gì... Điều đó có thể thực hiện theo hai hướng. Hoặc là tự ý thức bị thiêu cháy một lần nữa trong ngọn lửa của thực thể, tức là quan hệ thuần túy có tính thực thể phải được xác lập và bảo tồn; hoặc là phải vạch rõ rằng nhân cách là kẻ sáng tạo ra những thuộc tính và bản chất của nó, rằng khái niệm nhân cách nói chung bao hàm ý nghĩa là nó phải tự coi bản thân nó" ("khái niệm" hay "nhân cách"?) "là bị giới hạn và lại phải tiêu diệt giới hạn ấy, cái giới hạn mà nhân cách đã đặt ra do bản chất phổ biến của nó, chính là vì bản chất ấy chỉ là kết quả của sự tự phân biệt nội tại của nhân cách, kết quả của hoạt động của nó" (Vi-găng, tr.87, 88).

Triết học Hê-ghen đã được miêu tả, trong "Gia đình thần thánh" (tr.220)[5] như là sự hợp nhất giữa Xpi-nô-da và Phi-stơ, đồng thời mâu thuẫn bao hàm trong sự hợp nhất ấy cũng được nhấn mạnh. Đặc điểm độc đáo của thánh Bru-nô là ở chỗ ông ta, khác với những tác giả của "Gia đình thần thánh", không coi vấn đề mối quan hệ giữa tự ý thức với thực thể là "điểm còn đang tranh luận trong tư biện Hê-ghen", mà là một vấn đề có tính chất lịch sử - thế giới và thậm chí còn là một vấn đề tuyệt đối. Đó là hình thức duy nhất mà ông ta có thể dùng để nói lên những sự xung đột của thời đại ngày nay. Ông ta thực sự tin rằng thắng lợi của tự ý thức đối với thực thể sẽ có ảnh hưởng hết sức chủ yếu chẳng những đối với thế cân bằng ở châu Âu, mà còn đối với toàn bộ sự phát triển tương lai của vấn đề Ô-rê-gôn[6] nữa. Việc hủy bỏ những đạo luật về ngũ cốc ở Anh phụ thuộc vào điều đó đến mức độ nào, đến nay người ta còn biết rất ít.

Những lời lẽ trừu tượng và mù mịt, mà Hê-ghen dùng để thể hiện một cách bóp méo những xung đột hiện thực, được cái đầu óc "phê phán" ấy coi là bản thân sự xung đột hiện thực. Bru-nô tiếp nhận mâu thuẫn tư biện và đem phần này đối lập với phần kia. Đối với ông ta, câu nói triết học về vấn đề hiện thực là bản thân vấn đề hiện thực. Bởi vậy, một mặt đáng lẽ là những con người hiện thực và ý thức hiện thực của họ về những quan hệ xã hội của họ, những quan hệ đối lập với họ như một cái gì đó có vẻ độc lập, thì ở ông ta chỉ còn lại công thức trừu tượng trần trụi là: tự ý thức; cũng như đáng lẽ là sản xuất hiện thực thì ở ông ta chỉ còn là hoạt động đã trở thành độc lập của tự ý thức ấy;và mặt khác, đáng lẽ là tự nhiên hiện thực và những quan hệ xã hội tồn tại trong hiện thực, thì ở ông ta chỉ còn là cái toát yếu triết học của tất cả những phạm trù triết học hoặc những tên gọi triết học của những quan hệ ấy, dưới dạng một công thức trần trụi: thực thể; vì Bru-nô, cùng với tất cả các nhà triết học và các nhà tư tưởng, lầm tưởng rằng tư tưởng và quan niệm, - biểu hiện tư tưởng độc lập về thế giới hiện có, - là cơ sở của thế giới hiện có ấy. Dĩ nhiên là sau đó, với hai sự trừu tượng đã bị biến thành vô nghĩa và không nội dung ấy, ông ta có thể làm đủ các thủ thuật, mà không hề biết đến những con người hiện thực và những quan hệ của họ. (Ngoài ra, xin xem thêm những điều đã bàn về thực thể trong phần nói về Phoi-ơ-bắc và bàn về "chủ nghĩa tự do nhân đạo" và "vật thần thánh" trong phần nói về thánh Ma-xơ). Như vậy, ông ta không từ bỏ miếng đất tư biện để giải quyết những mâu thuẫn của tư biện; ông ta vẫn thao tác trên miếng đất ấy, thậm chí bản thân ông ta còn đứng trên miếng đất đặc thù của Hê-ghen một cách kiên định đến nỗi mối quan hệ của "tự ý thức" với "tinh thần tuyệt đối" không để ông ta yên. Tóm lại là, trước mặt chúng ta, vẫn là cái triết học về tự ý thức đã được tuyên bố trong "Phê phán các cuốn Phúc âm đối quan", đã được trình bày cặn kẽ trong "Chân tướng của đạo Cơ Đốc" và tiếc thay, đã được trình bày trước từ lâu trong "Hiện tượng học" của Hê-ghen[7]. Triết học mới này của Bau-ơ đã được phân tích cặn kẽ trong "Gia đình thần thánh" ở tr.220 và những trang tiếp và những tr.304 - 307[8]. Nhưng ở đây thánh Bru-nô vẫn còn tìm cách vẽ một bức biếm hoạ về bản thân mình, bằng cách lén lút đưa "nhân cách" vào, nhằm có thể, cùng với Stiếc-nơ, mô tả cá nhân thành "sản phẩm của riêng" ông ta, và mô tả Stiếc-nơ thành sản phẩm của Bru-nô. Bước tiến ấy đáng được nhận xét một cách vắn tắt.

Trước hết, độc giả hãy so sánh bức biếm hoạ ấy với nguyên bản, tức là với sự giải thích về tự ý thức trong "Chân tướng của đạo Cơ Đốc", tr.113, sau đó lại so sánh sự giải thích ấy với nguyên mẫu của nó, tức là với "Hiện tượng học" của Hê-ghen, tr.575, 583, v.v.. (Cả hai đoạn đều được in lại trong "Gia đình thần thánh", tr.221, 223, 224[9]). Nhưng chúng ta hãy nhìn qua bức biếm hoạ: "Nhân cách nói chung"! "Khái niệm"! "Bản chất phổ biến"! "Tự coi bản thân nó là bị giới hạn và lại phải tiêu diệt giới hạn ấy"! "Sự tự phân biệt nội tại"! "Kết quả" lớn lao biết bao nhiêu! "Nhân cách nói chung" thì hoặc là một sự phi lý "nói chung", hoặc là một khái niệm trừu tượng về nhân cách. Vì vậy, "khái niệm" về khái niệm nhân cách ấy bao hàm việc "tự coi bản thân là bị giới hạn". Cái giới hạn ấy, bao hàm trong "khái niệm" về khái niệm của nó, được nhân cách đặt ra ngay sau đó, "do bản chất phổ biến của nó". Và sau khi nhân cách lại tiêu diệt giới hạn ấy, thì thấy rằng "chính bản chất ấy" chỉ là "kết quả của sự tự phân biệt nội tại của nhân cách". Như vậy, toàn bộ kết quả vĩ đại của cái đống trùng lặp rắc rối ấy, rút cuộc lại, là cái thủ thuật đã biết từ lâu của Hê-ghen về sự tự phân biệt của con người trong tư tưởng, sự tự phân biệt mà ông Bru-nô bất hạnh cứ khăng khăng tuyên bố là hoạt động duy nhất của "nhân cách nói chung". Trước đây khá lâu, thánh Bru-nô đã được người ta thuyết minh cho biết rằng cái "nhân cách" mà hoạt động của nó chỉ hạn chế ở những bước nhảy lô-gích đã trở thành quen thuộc, thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Đồng thời, đoạn này bao hàm một sự thú nhận ngây thơ rằng bản chất của "nhân cách" của Bau-ơ là khái niệm về một khái niệm, là sự trừu tượng từ một sự trừu tượng.

Sự phê phán của Bru-nô đối với Phoi-ơ-bắc nếu có gì mới, thì cũng chỉ là ở chỗ trình bày một cách giả dối những lời Stiếc-nơ trách cứ Phoi-ơ-bắc và Bau-ơ thành những lời của Bau-ơ trách cứ Phoi-ơ-bắc. Chẳng hạn, ông ta khẳng định rằng "bản chất của con người là bản chất nói chung và là một cái gì thần thánh", rằng "con người là thượng đế của con người", rằng loài người là "cái tuyệt đối", rằng Phoi-ơ-bắc chia cắt con người "thành cái Tôi bản chất và cái Tôi không bản chất" (mặc dù Bru-nô luôn luôn tuyên bố cái trừu tượng là cái bản chất và trong khi đem đối lập Sự phê phán với quần chúng, ông ta hình dung sự chia cắt ấy một cách còn kỳ quặc hơn nhiều so với Phoi-ơ-bắc), rằng phải tiến hành đấu tranh chống "những tân từ của thượng đế", v.v.. Về vấn đề tình yêu vụ lợi và tình yêu không vụ lợi, thì Bru-nô, trong khi luận chiến chống Phoi-ơ-bắc, hầu như sao chép từng câu từng chữ của Stiếc-nơ trong suốt cả ba trang giấy (tr.133 - 135); đúng y như ông ta sao chép một cách hết sức vụng về những câu nói sau đây của Stiếc-nơ:"mỗi một người đều là vật sáng tạo của bản thân mình", "chân lý là một bóng ma", v.v.. Ngoài ra, ở Bru-nô, "vật sáng tạo" còn biến thành "sản phẩm". Chúng ta sẽ còn nói về việc thánh Bru-nô lợi dụng Stiếc-nơ như thế nào.

Vậy điều thứ nhất mà chúng ta đã phát hiện được ở thánh Bru-nô, là sự lệ thuộc thường xuyên của ông ta vào Hê-ghen. Tất nhiên chúng ta không cần bàn thêm về những ý kiến ông ta sao chép của Hê-ghen. Chúng ta chỉ nêu thêm một số đoạn khiến cho có thể thấy rằng ông ta tin vào uy lực của các nhà triết học một cách không thể lay chuyển được và tán thành đến mức nào ảo tưởng của họ cho rằng ý thức đã thay đổi và sự xuất hiện một sắc thái mới trong sự giải thích những quan hệ đang tồn tại, có thể đảo lộn toàn bộ thế giới đang tồn tại cho đến nay. Đầy lòng tin ấy, thánh Bru-nô đã khiến cho một người học trò của mình cấp cho mình một giấy chứng nhận - ở quyển IV "Tạp chí hàng quý Vi-găng", tr.327, - rằng những lời nói đã được dẫn chứng ở trên của ông ta về nhân cách, những lời mà ông ta đã tuyên bố trong quyển III, là những "tư tưởng làm rung chuyển thế giới".

Thánh Bru-nô nói (Vi-găng, tr.95):

"Triết học chẳng qua chỉ là thần học được đưa trở về cái hình thức chung nhất của nó, được đưa trở về sự diễn đạt hợp lý của nó".

Đoạn sau đây, nhằm chống lại Phoi-ơ-bắc, được chép hầu như từng câu từng chữ trong "Triết học tương lai" của Phoi-ơ-bắc (tr.2):

"Triết học tư biện là thần học chân chính, triệt để, hợp lý".

Bru-nô nói tiếp:

"Triết học, liên minh với tôn giáo, luôn luôn ra sức đem lại sự lệ thuộc tuyệt đối của cá nhân và nó đã thực sự thực hiện được điều ấy, bằng cách đòi hỏi và gây ra tình trạng đời sống cá thể tiêu tan trong đời sống phổ biến, ngẫu nhiên tiêu tan trong thực thể, con người tiêu tan trong tinh thần tuyệt đối".

Phải chăng "triết học" của Bru-nô, - "trong sự liên minh với" triết học Hê-ghen và trong sự tiếp xúc của ông ta với thần học, một sự tiếp xúc đã bị cấm nhưng vẫn tiếp tục, - lại không "đòi hỏi" - mặc dù là cũng không "đạt được" điều này, - "con người phải tiêu tan" trong quan niệm về một trong những "ngẫu nhiên" của người ấy, tức là trong quan niệm về tự ý thức, được coi là "thực thể", hay sao? Song căn cứ theo cả đoạn ấy thì có thể thấy rằng Đức cha "ngọt ngào như mật" ấy vẫn tiếp tục tuyên bố một cách hào hứng như thế nào niềm tin "rung chuyển thế giới" của ông ta vào sức mạnh thần bí của các nhà thần học thần thánh và của các nhà triết học. Đương nhiên, đó là vì lợi ích của "sự nghiệp chính nghĩa của tự do và sự nghiệp của bản thân mình".

Ở tr.105, con người kính sợ thần thánh của chúng ta đã cả gan trách cứ Phoi-ơ-bắc rằng:

"Từ cá nhân, từ con người đã mất cá tính của đạo Cơ Đốc, Phoi-ơ-bắc không làm thành một con người, con người chân chính" (!) "thực hiện" (!!) "nhân xưng" (!!!) (những tân từ này là từ "Gia đình thần thánh" và Stiếc-nơ mà ra) "mà là một con người bị hoạn, là một nô lệ", -

và qua đó, ông ta cả gan khẳng định một điều phi lý rằng ông ta, thánh Bru-nô, có thể làm thành con người bằng đầu óc.

Cũng trong đoạn này, sau đó, ông ta viết:

"Theo Phoi-ơ-bắc, cá nhân phải phục tùng loài và phục vụ loài. Loài mà Phoi-ơ-bắc nói, là cái tuyệt đối của Hê-ghen và nó cũng không tồn tại ở đâu cả".

Ở đây cũng như trong tất cả các đoạn khác, thánh Bru-nô đã tô lên cho mình cái vinh quang bằng cách làm cho những quan hệ hiện thực của cá nhân phải lệ thuộc vào sự giải thích triết học về những quan hệ đó. Ông ta không biết một chút gì về mối quan hệ giữa những quan niệm về "tinh thần tuyệt đối" của Hê-ghen và về "loài" của Phoi-ơ-bắc, với thế giới đang tồn tại.

Ở tr.104, Đức cha hết sức ghê tởm cái tà thuyết mà Phoi-ơ-bắc dùng để biến cái tam vị nhất thể thần thánh, tức là lẽ phải, tình yêu và ý chí, thành một cái gì "tồn tại trong cá nhân và trên cá nhân", - tựa hồ như ngày nay, mọi thiên hướng, mọi ham muốn, mọi yêu cầu khi hoàn cảnh ngăn cản việc thoả mãn chúng, thì không tự khẳng định là một lực lượng "tồn tại trong cá nhân và trên cá nhân". Nếu như Đức cha Bru-nô thấy đói chẳng hạn mà không có cách gì làm cho khỏi đói, thì ngay cả cái dạ dày của ông ta cũng trở thành một lực lượng "tồn tại trong ông ta và trên ông ta". Sai lầm của Phoi-ơ-bắc không phải là ở chỗ ông ta đã nói lên sự thật ấy, mà là ở chỗ ông ta độc lập hoá nó theo lối duy tâm chủ nghĩa, chứ không coi nó là sản phẩm của một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, tạm thời.

Tr.111: "Phoi-ơ-bắc là một nô lệ và tính chất nô lệ của ông ta không cho phép ông ta hoàn thành sự nghiệp của con người, không cho phép ông ta nhận thức được bản chất của tôn giáo" ("sự nghiệp của con người", thật là hết chỗ nói!)... "Ông ta không hiểu nổi bản chất của tôn giáo, vì ông ta không biết cái cầu qua đó ông ta có thể đi tới những nguồn gốc của tôn giáo".

Thánh Bru-nô vẫn tin một cách nghiêm túc rằng tôn giáo có một "bản chất" riêng của nó. Còn về cái "cầu" mà người ta phải đi "qua đó" để tới "nguồn gốc của tôn giáo", thì cái cầu cho lừa[10] ấy tất nhiên phải là cái cầu dẫn nước. Đồng thời thánh Bru-nô đóng vai một Sa-rông được hiện đại hoá đến buồn cười, hắn nhờ việc dựng cầu ấy, đã rút lui về nhà làm tollkeeper[11], thu halfpenny[12] mỗi một người qua cầu đi tới cái vương quốc u ám của tôn giáo.

Ở tr. 120, vị thánh ấy nhận xét:

"Phoi-ơ-bắc làm sao có thể tồn tại được nếu không có chân lý và nếu chân lý chỉ là một bóng ma" (Stiếc-nơ, hãy cứu giúp!) "mà đến nay con người vẫn sợ?".

"Con người" sợ cái "bóng ma" "chân lý" chẳng phải ai khác mà chính là ông Bru-nô đáng tôn kính. Cách đó mười trang, tức là ở tr.110, trước "bóng ma" của chân lý, ông ta đã thốt ra tiếng kêu thất thanh làm rung chuyển thế giới sau đây:

"Chân lý, cái tự nó chưa từng xuất hiện ở đâu với tính cách là khách thể đã có sẵn và chỉ trong sự phát triển của nhân cách, nó mới tự phát triển và đạt tới sự thống nhất".

Như vậy là ở đây, chân lý - cái bóng ma ấy, - không những biến thành một người đang tự phát triển và đạt tới sự thống nhất, mà còn hơn thế nữa, cái trò thủ thuật ấy được thực hiện ở ngoài chân lý, theo kiểu của con sán, ở một con người thứ ba. Về quan hệ luyến ái xưa kia của vị thánh ấy với chân lý hồi ông ta còn trẻ và khi tình dục còn sôi sục trong lòng, xin xem "Gia đình thần thánh". tr.115 và các trang tiếp[13].

Hiện giờ, vị thánh đã gột sạch mọi nhục dục và những ham muốn phàm tục đến mức nào, cuộc luận chiến dữ dội của ông ta chống cái cảm giác được của Phoi-ơ-bắc cho ta thấy điều đó. Bru-nô không hề phản đối cái phương pháp cực kỳ hạn chế mà Phoi-ơ-bắc dùng để thừa nhận cái cảm giác được. Theo ông ta, cái mưu toan đã thất bại của Phoi-ơ-bắc - được coi là một mưu toan hòng thoát khỏi hệ tư tưởng, - là một tội lỗi. Tất nhiên rồi! Cái cảm giác được là tính dâm dục của con mắt, tính dâm dục của xác thịt và ngạo mạn - là đáng ghê tởm và ti tiện đối với con mắt của chúa! Các người há không biết rằng những ý nghĩ đến nhục dục là chết, còn những ý nghĩ đến tinh thần mới là sự sống và hoà bình; bởi vì những ý nghĩ đến nhục dục là sự thù địch với Sự phê phán, và tất cả mọi cái của nhục dục là từ cõi trần này mà ra; các người há không biết rằng sách đã viết: những việc làm của xác thịt thì rõ trông thấy: ngoại tình, dâm ô, nhơ bẩn, dâm loạn, sùng bái thần tượng, mê hoặc, thù địch, cãi lộn, ghen ghét, tức giận, hay gây sự, bất hoà, lập bè phái, hận thù, giết người, rượu chè, tham ăn, v.v.. Ta nói trước với các người và bây giờ ta nói lại với các người rằng những kẻ nào làm những việc như vậy thì không thể thừa kế vương quốc của Sự phê phán được; khốn thay cho họ, vì họ đi theo con đường của Ca-in và sự thèm khát hưởng thụ khiến  cho họ sa vào sai lầm của Ba-lam và chết trong khi nổi loạn như Cô-rát vậy. Những kẻ bất chính ấy phung phí bừa bãi những của bố thí của người, đó là những con cừu không người chăn. Đó là những đám mây không có nước, bay theo làn gió, những cây trơ trụi và không ra hoa kết quả, đã chết hai lần và bật rễ, đó là những đợt sót biển cuồn cuộn sủi lên những đám bọt sỉ nhục, những ngôi sang lang thang, vĩnh viễn phó thân mình cho bóng đêm đen tối. Vì chúng ta đã đọc thấy rằng trong những ngày cuối cùng, sẽ xuất hiện những thời kỳ đáng sợ, những kẻ tự cao tự đại, những kẻ bất kính, vô độ, ham lạc thú hơn là ham Sự phê phán, những kẻ chống đối - nói tóm lại, những tên nô lệ của nhục dục. Những bọn đó, thánh Bru-nô rất ghê tởm vì ông ta đang bận tâm về tinh thần và căm ghét cái vỏ ngoài tội lỗi của nhục dục. Vì vậy ông ta kết án Phoi-ơ-bắc, coi Phoi-ơ-bắc là một Cô-rát của cuộc nổi dậy, phải ở ngoài cửa cùng với một lũ chó và bọn ảo thuật, bọn gian dâm và bọn giết người. "Cái cảm giác được" - thật là ghê tởm! Từ đó chẳng những làm cho Đức cha của chúng ta lên cơn kinh giật dữ dội, mà thậm chí còn làm cho ông ta hát lên và ở tr. 121 ông ta đã hát "bài thánh ca của sự kết thúc và sự kết thúc của bài thánh ca". Cái cảm giác được nhưng mà anh, một kẻ bất hạnh, anh có biết cái cảm giác được là gì không? Cái cảm giác được, đó là một "cái gậy" (tr.130). Toàn thân vật vã trong cơn lên kinh giật, thánh Bru-nô thậm chí có chỗ lại đấu tranh chống một trong những luận đề của mình, như xưa kia Gia-cốp đấu tranh chống thượng đế, chỉ khác một điều là thượng đế đánh trẹo đùi Gia-cốp, còn người động kinh thần thánh của chúng ta thì đánh cho rời rạc tất cả những bộ phận và dây chằng của luận đề của ông ta, khiến ông ta có thể lấy một số thí dụ rõ ràng để cắt nghĩa sự đồng nhất của chủ thể và khách thể như sau:

"Dù Phoi-ơ-bắc có nói gì thì nói... nhưng không vì thế mà ông ta không tiêu diệt" (!) "Con người, vì ông ta biến cái từ con người thành một câu nói trống rỗng..., vì ông ta không làm ra" (!) "và không sáng tạo ra" (!) "Con người trong tổng thể của nó, mà nâng toàn bộ loài người lên thành cái tuyệt đối, vì ngoài ra, ông ta tuyên bố rằng không phải loài ngườicảm giác mới là cơ quan của cái tuyệt đối; ông ta coi đối tượng của cảm giác, của trực quan, của cảm biết, - nói vắn tắt - cái cảmgiác được, là cái tuyệt đối, cái hiển nhiên, cái xác thực trực tiếp". Làm như vậy, Phoi-ơ-bắc, - đây là ý kiến của thánh Bru-nô, - "tuy có thể làm rung chuyển các lớp không khí, nhưng không thể xoá bỏ những hiện tượng của bản chất con người, vì bản chất sâu xa nhất" (!) "của con người và linh hồn của con người tức là cái mang lại đời sống (...) đã phá hủy từ trước mọi âm thanh bên ngoài" (!) "và làm cho những âm thanh đó trở thành trống rỗng chối tai" (tr.121).

Thánh Bru-nô tự mình đem lại cho chúng ta một lời giải thích tuy có tính chất thần bí nhưng lại quyết định về những nguyên nhân của thái độ vô lý của ông ta:

"Làm như thể cái Tôi của tôi cũng không thể có cái giới tính xác định, duy nhất ấy so với tất cả những giới tính khác, và những khí quan giới tính xác định và duy nhất ấy". (Ngoài những "khí quan giới tính duy nhất" của mình, nhân vật cao quý này còn có một "giới tính duy nhất" và đặc biệt!).

Giới tính duy nhất ấy được giải thích ở tr.121 như sau:

"Cái cảm giác được, như con quỷ hút máu, hút tất cả tủy và máu của đời sống con người. Đó là cái hàng rào không thể vượt qua được, vấp phải nó, con người không thể tránh khỏi tự giác vào mình một đòn đến chết".

Nhưng con người thần thánh nhất thế giới cũng không phải là trong trắng! Tất cả bọn họ đều là kẻ có tội và không có cái vinh quang mà trước con mắt của "tự ý thức" họ phải có. Thánh Bru-nô không khỏi bị những trước tác phóng túng của kẻ dị giáo Phoi-ơ-bắc lôi cuốn khiến ông ta nghĩ tới người đàn bà và sắc đẹp đàn bà, khi ông ta nửa đêm vật lộn với cái "thực thể" trong căn phòng cô quạnh của ông ta. Bỗng nhiên, mắt ông ta sa sầm lại; tự ý thức thuần túy của ông ta bị vấy bẩn vào trí tưởng tượng nhục dục và tội lỗi làm cho những hình ảnh dậm dật lượn lờ xung quanh, nhà phê phán băn khoăn lo sợ. Tinh thần thì mẫn tiệp, nhưng xác thịt thì yếu đuối. Bru-nô chuệnh choạng, ông ta ngã, ông ta quên mất rằng ông ta là cái quyền lực "có thể trói buộc, giải phóng và thống trị thế giới bằng sức mạnh của mình", rằng những sản vật ấy của trí tưởng tượng của ông ta là "tinh thần của tinh thần của ông ta"; ông ta mất hết mọi "tự ý thức" và trong cơn say ngây ngất, ông ta ấp úng ca ngợi sắc đẹp đàn bà, "yêu kiều, dịu dàng, yểu điệu", ca ngợi "sự đầy đặn và tròn trĩnh của chân tay" và "cơ thể lượn cong, sôi nổi, nồng nàn, rung rinh, rập rờn như sóng" của người đàn bà. Nhưng sự trong trắng bao giờ cũng tự biểu lộ ra, ngay cả khi nó phạm tội. Ai không biết rằng cái "cơ thể, lượn cong, rập rờn như sóng" là một cái gì đó mà không mắt ai thấy được, không một tai nào nghe được? Vì vậy, hãy bình tĩnh, hỡi linh hồn thân yêu, rồi tinh thần sẽ chi phối ngay xác thịt nổi loạn và dựng trước tính nhục dục tràn trề "một hàng rào" không thể vượt qua, "vấp phải nó" thì tính nhục dục sẽ lập tức giáng vào mình "một đòn đến chết".

"Nhờ hiểu một cách phê phán "Gia đình thần thánh", cuối cùng vị thánh đã đi đến chỗ nói như sau: "Phoi-ơ-bắc là một nhà duy tâm tiêm nhiễm chủ nghĩa nhân đạo và bị chủ nghĩa nhân đạo làm cho hư hỏng, tức là một người duy vật chủ nghĩa không thể chịu đựng nổi trái đất và sự tồn tại của trái đất" (thánh Bru-nô biết một sự tồn tại của trái đất khác với trái đất và còn biết phải làm như thế nào để có thể "chịu đựng nổi sự tồn tại của trái đất" đấy!) "nhưng ông ta muốn tự tinh thần hoá và lên trời, và đồng thời ông ta là nhà nhân đạo chủ nghĩa không thể nghĩ ra và xây dựng được một thế giới tinh thần, nhưng là nhà nhân đạo chủ nghĩa tiêm nhiễm chủ nghĩa duy vật, v.v." (tr.123).

Đối với thánh Bru-nô, chủ nghĩa nhân đạo - xét theo những lời trên đây, - là ở chỗ "nghĩ ra" và "xây dựng một thế giới tinh thần"; giống hệt như vậy, chủ nghĩa duy vật là như sau:

"Người duy vật chủ nghĩa chỉ thừa nhận cái hiện có tồn tại hiện thực, tức là vật chất", (làm như thể con người với tất cả những thuộc tính của con người, kể cả tư duy, không phải là "cái hiện có, tồn tại hiện thực") "và thừa nhận đó giới tự nhiên tự biểu hiện và tự thực hiện một cách tích cực trong tính đa dạng" (tr.123).

Trước hết, vật chất là cái hiện có, tồn tại hiện thực, nhưng chỉ là cái tự tại, ẩn giấu. Chỉ khi nào nó "tự biểu hiện và tự thực hiện một cách tích cực trong tính đa dạng" ("cái hiện có tồn tại hiện thực" "tự thực hiện" !!) thì nó mới trở thành giới tự nhiên. Trước hết, có khái niệm về vật chất, một sự trừu tượng, một quan niệm, v.v., và quan niệm này tự thực hiện trong tự nhiên hiện thực. Thật đúng y hệt lý luận của Hê-ghen về sự tồn tại trước của những phạm trù có sức sáng tạo. Xét theo quan điểm đó thì hoàn toàn dễ hiểu rằng thánh Bru-nô đã phạm sai lầm khi coi những công thức triết học của những người duy vật chủ nghĩa về vật chất là hạt nhân hiện thực và nội dung của thế giới quan của họ.

 

Do C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết vào năm
1845-1846

Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin công bố toàn văn lần đầu tiên bằng tiếng viết trong nguyên bản năm 1932, bằng tiếng Nga năm 1933

In theo bản thảo

Nguyên văn là tiếng Đức

 



[1] Bài báo của B.Bau-ơ nói về Phoi-ơ-bắc trong tạp chí "Wigand's Vierteljahrsschrift" (Xem chú thích 13) ở đây được gọi một cách châm biếm là tập thứ hai tác phẩm của B.Bau-ơ "Die gute Sache der Freiheit und meine eigene Angelegenheit". Zürich und Winterthur, 1842 ("Sự nghiệp chính nghĩa của tự do và sự nghiệp của bản thân tôi". Xuy-rích và Vin-téc-bua, 1842). - 118.

[2] - nghĩa đen là để bảo vệ bàn thờ và bếp; nghĩa bóng là bảo vệ nhà cửa và gia đình của mình, sự nghiệp của mình

[3] - tức là

[4] Đây là nói về những tác phẩm của L.Phoi-ơ-bắc: Geschichte der neuen Philosophie Darstellung, Entwicklung und Kritik der Leibnitz'schen Philosophie". Ansbach, 1837 ("Lịch sử triết học cận đại. Trình bày, phân tích và phê phán triết học của Lai-bơ-nít-xơ". An-xbắc, 1837); "Pierre Bayle". Ansbach, 1838 ("Pi-e Bay-lơ" An-xbắc, 1838); "Das Wesen des Christenthums". Leipzig, 1841 ("Bản chất đạo Cơ Đốc". Lai-pxích, 1841), và bài luận văn của Phoi-ơ-bắc "Zür Kritik der "positiven Philosophie"" ("Phê phán "triết học thực chứng"") đăng không ký tên trong "Hallisch Jahrbücher" năm 1838.-119.

[5] Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.II, tr.211-212.-120.

[6] Vấn đề Ô-rê-gôn tức là vấn đề sở hữu vùng Ô-rê-gôn ở miền duyên hải Thái Bình Dương thuộc Bắc Mỹ. Cuộc đấu tranh nhằm chiếm đoạt vùng Ô-rê-gôn được kết thúc vào năm 1846 bằng việc phân chia vùng này giữa Mỹ và Anh.

[7] B.Bauer. "Kritik der evangelischen Geschichte der Synoptiker". Bd.1-2. Leipzig, 1841; Bd. 3, braunschweig, 1842 (B.Bau-ơ. "Phê phán lịch sử các cuốn Phúc âm đối quan trong kinh thánh". T.1-2,Lai-pxích, 1841; t.3, Brau-svai-gơ, 1842).

       B.Bauer. "Das entdeckte Christenthum". Zürich und Winterthur, 1843 (B.Bau-ơ. "Chân tướng của đạo Cơ Đốc", Xuy-rích và Vin-téc-tua, 1843).

       G.W.F.Hegel. "Phänomenologie des Geistes". Bamberg und Wurburg, 1807 (G.V.Ph.Hê-ghen. "Hiện tượng học tinh thần". Băm-béc-gơ và Vuyếc-xbuốc, 1807); tác phẩm này được trích dẫn trong "Hệ tư tưởng Đức" căn cứ theo bản in: G.W.F.Hegel. Werke, 2-te Aufl. Bd.II, Berlin, 1841 (G.V.Ph.Hê-ghen. Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, t.II.Béc-lin, 1841)

[8] Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.211-212, các trang tiếp theo và tr.287

[9] Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.211-215

[10] Chơi chữ: Eselsbrücke (cầu cho lừa) là bài giải sẵn cho những học sinh tối dạ và lười (tựa như "bài giảng viết sẵn để quay cóp").

[11] - người thu thuế

[12] - nửa xu

[13] Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.118-199 và các trang tiếp theo.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt