THỜI KỲ CÁC GIÁO PHỤ ÐẦU TIÊN (THẾ KỶ I-II)
J. LIÉBAERT
J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.
Giáo Hội sống thời thanh xuân của mình giữa lòng đế quốc Roma, mà lúc đó, đã thống nhất về mặt chính trị vùng Ðịa Trung Hải và đạt tới đỉnh cao quyền lực vào thế kỷ II, với nhiều triều đại của dòng họ Antonins: Trajan (98-117), Hadrien (117-138), Antonin (138-161), Marc-Aurèle (161-180). Sự kiện chủ yếu đáng lưu ý ở đây là: Công cuộc thực dân của Roma chỉ là về phương diện quân sự và hành chính chứ không phải về văn hóa hay tôn giáo, vì nói chung nó tôn trọng, và nhất là vẫn chấp nhận những dị biệt, đa tạp của Ðông Phương. Ðế quốc Rôma mang khuôn mặt của một thế giới đại đồng, trong đó hình thành nhiều hình thức pha trộn. Về phương diện văn hóa và tôn giáo, nói đúng ra, chính Ðông Phương đã xâm chiếm đế quốc do sự bành trướng của ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp cũng như do các tôn giáo Ðông Phương đã tràn vào cả Hy Lạp và Roma: Một hiện tượng hoàn toàn đặc trưng của các thế kỷ đầu thuộc kỷ nguyên này. Các vị thần xứ Syrie (Thần Mặt Trời), Ai Cập (Isis), Phrygie (Cybèle), Iran (Mithra) đi đến chỗ thay thế các thần minh trong đền chư thần Hy-La (Phanthéon) hoặc đồng hóa với các thần minh đó. Sự hỗn hợp, pha trộn các tôn giáo là một hiện tượng điển hình của thời kỳ này. Việc tôn thờ hoàng đế, coi hoàng đế như thàn linh, cũng là do du nhập từ Ðông phương. Ðứng trước sự bùng nổ đa thần này, phản ứng tự nhiên của triết học tuy là do dự, nhưng nó cũng biểu lộ một nỗi khát khao, không thỏa mãn, một sự tìm kiếm mang tính tôn giáo: Ði tới chỗ mang màu sắc tâm linh thậm chí cả màu sắc thần bí nữa. Dẫu sao những bận tâm, những khát vọng thuộc lãnh vực tôn giáo đã giữ một vai trò hiển nhiên trong triết học, và đôi khi tìm được ở đó một cách diễn tả cao quí, đáng trọng không thể chối cãi, dù đó là chủ thuyết Platon hay Khắc Kỷ (Stoicisme) hoặc chủ thuyết Tân Pythagore (Tân Pythagore). Ðiều cần ghi nhận ở đây là: Kitô Giáo: Kitô Giáo khi ra khỏi chiếc nôi ban đầu đã bành trướng trong một thế giới bị chi phối bởi cách tổ chức của Rôma, tinh thần của Hy Lạp và tôn giáo của Ðông Phương: Một thế giới mang những khía cạnh tương phản, vừa kết nhập lại với nhau vừa chịu sự tác động qua lại của bao nhiêu trào lưu triết học, tôn giáo mạnh mẽ. Trong một thế giới như thế, Kitô Giáo tìm thấy những cơ may thật sự, nhưng đồng thời phải vạch ra cho mình một con đường giữa những cám dỗ, hoặc co lại, tự cô lập, hoặc xuôi theo những hình thức hỗn hợp tôn giáo đang thịnh hành. Ngoài các tác phẩm Tân Ước, ngay từ hậu bán thế kỷ I cũng đã xuất hiện một nền văn chương Kitô giáo, nhờ các tác phẩm thời kỳ này mà chúng ta có được sự liên tục từ Giáo Hội các Tông Ðồ đến Giáo Hội các Giáo Phụ. Vả lại truyền thống quen gọi thời kỳ Giáo Phụ đầu tiên này, kéo dài từ thế kỷ I tới khoảng giữa thế kỷ II, là thời kỳ các "Giáo Phụ Sứ Ðồ" (Père Apostoliques): Sở dĩ gọi là "Sứ Ðồ" (Apostolique) vì xét thời gian, các ngài gần với các Tông Ðồ, và đời sống đức tin của các ngài vẫn còn đón nhận âm vang sống động của lời các chứng nhân: "Ngài đã thấy các Tông Ðồ. Lời rao giảng của các Tông Ðồ còn vang vọng bên tai ngài" đó là lời của Iréné nói về Clément de Rome. Iréné quả quyết rằng Polycarpe, Giám Mục Smyrna đã là môn đệ của Tông Ðồ Gioan. Ngày nay chứng từ của Giáo Hội ngay sau thời các Tông Ðồ vẫn còn tầm quan trọng hàng đầu bởi lẽ cùng với Tân Ước, nó hé mở cho thấy Kitô Giáo mà chúng ta tiếp tục sống ngày hôm nay đã được nối kết như thế nào với sứ điệp nguyên thủy, và đây là điều cốt yếu xét theo quan điểm đức tin. Khi nhìn vào các Giáo Hội thế kỷ II, sự kiện gây ngạc nhiên nhất có lẽ là tình trạng khác biệt, muôn vẻ của chúng, khác biệt về ngôn ngữ: Bên cạnh tiếng Hy Lạp, Kitô Giáo ở Palestine, Syria, Mésopotanie còn sử dụng tiếng Aram (hay Syriaque) trong khi đó ở Bắc Phi, tiếng Latinh bắt đầu được sử dụng (ở Roma, tiếng Hy lạp sẽ còn ngự trị cho tới thế kỷ III và ngay cả thế kỷ IV) đối với phụng vụ, Giáo Hội cổ thời là một Giáo Hội đa ngữ. Giáo Hội thời đó rất khác nhau về văn hóa: nhiều cộng đồng, ở Palestine cũng như những nơi người Do Thái tứ tán cư ngụ "Diaspora", vẫn ít nhiều gắn bó với những tập tục và lối suy nghĩ của Do Thái Giáo theo truyền thống kinh sư hay đã bị Hy hóa "chẳng hạn ở Alexandria, ngược lại những cộng đồng khác hội nhập sâu xa vào môi trường và văn hóa Hy La. Các tài liệu chúng ta có minh chứng những khác biệt này; trong văn chương gọi là của các "Giáo Phụ Sứ Ðồ" (Père Apostoliques), người ta thấy có những tác giả rất nhuần nhuyễn văn hóa Hy La, chẳng hạn như Clément de Rome, thủ lãnh của cộng đoàn Roma trong thập niên cuối cùng của thế kỷ I khi xảy ra chia rẽ trong giáo đoàn Corintho, ngài đã viết thư kêu gọi giáo đoàn này hãy hiệp nhất với nhau bằng cách nêu lên ý muốn của Ðức Kitô và của các Tông Ðồ, đồng thời dựa vào những mẫu gương cao cả của người ngoại tận tụy cho công ích. Lá thư chứa đựng một lời kinh phổ quát rất hay và qua đó người ta có thể thấy rõ lòng trung thành của người Kitô hữu đối với Nhà Nước, cho dù là Nhà Nước bách hại đạo. Ignace d'Antioche cũng viết như một người Hy Lạp đương thời. Trong khi đó có những tài liệu soạn thảo sấp xỉ thời gian này lại cho thấy một nét tương cận điển hình với môi trường Do Thái: Sách Didachè (Giáo huấn của các Tông Ðồ, được soạn thảo lần thứ nhất có lẽ trước năm 70) là một sưu tập các qui tắc thực hành cho cộng đồng, nhất là lấy lại giáo lý về luân lý đang được sử dụng trong cộng đồng Do Thái phân tán; các "thi khúc của Salomon". Một bộ gồm 42 Thánh Thi lấy hứng sâu xa từ Kitô giáo nhưng theo thể văn hoàn toàn Sémit, được viết bằng tiếng Syriaque (tiền bán thế kỷ II). Thư được coi là Sarnabé, tác phẩm vô danh thuộc trường phái Alexandrie, một loại tiểu luận về cách đọc Cựu Ước theo nhãn quan Kitô Giáo, thì gần với lối chú giải thiêng liêng hóa của Do Thái ở Alexandrie (khoảng năm 140). Pasteur d'Hermas, một cuốn sách đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về việc canh tân luân lý trong Giáo Hội, sau khi sự hăng say ban đầu đã lạt phai, đồng thời cuốn sách đó cũng cho thấy những nét tương cận, gần gũi về mặt thiêng liêng của một số môi trường Kitô Giáo ở Roma với Do Thái giáo (giữa những năm 100 và 140). Ngoài ra, còn phải kể đến cả một văn chương "ngụy thư" (những tác phẩm tự coi là sách thánh, nhưng không được Giáo Hội công nhận như thế), bắt chước những văn thể của Cựu và Tân Ước, chuyên chở nhiều luồng giáo thuyết kể cả những giáo thuyết hoàn toàn không có gì là chính thống, mang bộ mặt của rất nhiều giáo phái khác nhau. Giáo Hội non trẻ phải vạch đường đi cho mình giữa bao nhiêu thách đố phải đương đầu. Ba chương sau đây sẽ minh họa ba thách đố chính mà Giáo Hội phải đối diện: Do Thái giáo, văn hóa Hy-Lạp, ngộ đạo thuyết, xoay quanh ba giáo phụ chính của thế kỷ II: Thánh Ignace thành Antioche, Thánh Justin, Thánh Iréné thành Lyon.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC