THỜI KỲ KHAI SINH KITÔ GIÁO LA TINH TERTULLIEN
J. LIÉBAERT
J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986.
Những biểu hiện đầu tiên của một Kitô giáo sử dụng ngôn ngữ La tinh ở Tây phương đã có từ thế kỷ II : đặc biệt, ngay từ thời kỳ này, người ta thấy dấu vết của những bản dịch Thánh kinh bằng tiếng La tinh ở Bắc Phi và rất có thể là ở Roma nữa. Tài liệu đầu tiên bằng tiếng La tinh của Kitô giáo có ghi ngày tháng là tập Ký sự về vụ xử án các Kitô hữu ở Scilli (một nơi ở Phi châu do Roma cai trị) năm 180. Giáo hội Bắc phi chính là nơi đầu tiên mà việc xử dụng tiếng La tinh trong Kitô giáo được phát triển, và cũng chính từ đó mà những Giáo phụ La tinh có tầm cỡ đã xuất hiện : một Tertullien, một thánh Cyprien. Tại Roma, Hyppolyte, nhà thần học và giám mục (ly khai) của thủ đô, tử đạo và được hoà giải năm 235, vẫn còn soạn tác phẩm bằng tiếng Hy lạp. Phải tới giữa thế kỷ III, tiếng Latinh mới trở thành ngôn ngữ chung cho các văn sĩ Kitô giáo ở Roma và Tây phương.
GIÁO PHỤ LA TINH ĐẦU TIÊN
Đối với chúng ta, Tertullien (Quintus septimius Florens Tertullienus) là nhân vật đầu tiên được biết đến trong Giáo hội Latinh, và may mắn lại là một nhân vật mạnh mẽ và độc đáo, một "khí chất" : đam mê, hiếu chiến, đôi khi thái quá, nhưng lại quảng đại, có tinh thần tông đồ, một Kitô hữu tự hào về đức tin của mình và luôn saün sàng bảo vệ nó, một người tìm kiếm tuyệt đối và không bao giờ thoả mãn. Thánh Jérome sau này nói về ông : "Vir ardens" : Một người bốc lửa. Các trước tác của ông - khoảng 30 tác phẩm có tầm cỡ khác nhau - phần lớn là những tác phẩm được soạn do hoàn cảnh, bút chiến, trừ một số trường hợp, chẳng hạn tiểu luận về "Đức kiên nhẫn" mà tác giả giới thiệu cách hóm hỉnh, khi tự thú nhận rằng mình chẳng thể nào thực hành được nhân đức này, một nhân đức - chúng ta sẽ lưu ý điều này - vừa của Phúc âm, vừa điển hình của phái Khắc Kỷ.
Tertullien là vị tiên phong xuất sắc của các Giáo phụ Latinh ; ông giữ một địa vị rất vẻ vang trong lịch sử tổng quát của nền văn chương cổ thời. So với Justin, nhà biên soạn cần cù, không có gì sáng chói, hoặc với Irénée, không gì khác ngoài một văn sĩ trung thực, thì sự mạnh mẽ, đầy cảm hứng của văn phong, sự hăng say và khôn khéo trong bút chiến, sự trong sáng trong kết cấu, năng khiếu đặc biệt về các công thức, đem lại cho Tertullien một vị trí trỗi vượt không thể chối cãi. Tuy nhiên, đọc tác phẩm của ông không phải là điều dễ dàng,ngược lại là khác. Sở dĩ như thế là vì văn của ông rất đặc biệt và hết sức cô đọng (Vincent de Lerins sau này có nói : Hầu như có bao nhiêu từ là bấy nhiêu ý tưởng), và nhất là vì ông thuộc vào số những người đầu tiên dùng tiếng La tinh để trình bày tổng thể tư tưởng Kitô giáo. Để làm điều này, ông dựa vào các bản dịch Thánh Kinh đã có, nhưng đồng thời cũng tạo ra một phần ngôn ngữ thần học của ông về Thiên Chúa, tạo dựng, nhập thể, các thực tại thuộc về Giáo Hội và bí tích . Ông đã truyền lại cho chúng ta những từ ngữ cơ bản như "Ba Ngôi" (Trinitas) hay "Bí tích" (Sacramentum). Nói như thế để cho thấy đóng góp của ông trong việc diễn tả đức tin Kitô Giáo bằng ngôn ngữ Latinh quan trọng như thế nào. Tertullien sống ở Carthage, ông là người trở lại đạo giống như nhiều Kitô hữu đương thời. Trong cuốn "Hộ giáo", ông nói với các độc giả ngoại giáo mà ông nhằm gửi đến : "Tôi từ hàng ngũ các bạn mà ra, người ta không sinh ra là Kitô hữu, người ta trở thành (Kitô hữu)". Văn hóa của ông hoàn toàn là văn hóa cổ điển thời đó, văn chương là trên hết. ("Tôi còn nhớ đến Homère của tôi") ; ông rất thông thạo tiếng Hylạp, có thể đọc các nhà Hộ Giáo Kitô giáo thế kỷ II và Irénée. Nhờ ông, thần học Latinh bước đầu đã không bị cắt đứt khỏi các nguồn Hylạp. Ngược lại, một trong những sức mạnh của thần học các Giáo phụ Latinh cho tới cuối thế kỷ IV là sự thấm nhuần truyền thống Hylạp. Tác phẩm của Tertullien cũng như các tác phẩm của Hilaire, Ambroise hay Jérome, là một gạch nối giữa hai truyền thống lớn của Kitô giáo cổ thời. Tertullien có một kiến thức vững chắc về triết học cũng như có những hiểu biết về pháp luật mà ông lợi dụng ngay cả trong những lý luận thần học, chẳng hạn, trong khảo luận "De praescriptione hoereticorum" (Về thời hiệu của các kẻ lạc giáo). Ông có gia đình và đã để lại cho chúng ta một tác phẩm về hôn nhân gởi cho vợ ông. Theo thánh Jérome thì ông là một linh mục, nhưng chính Tertullien lại không có một ám chỉ nào về điều đó và cũng không nhận sự uỷ nhiệm nào trong Giáo Hội. Đúng hơn, ông hành động như một văn sĩ giáo dân độc lập, thậm chí quá độc lập nữa, phê bình và tranh biện, đem tài năng phục vụ đức tin theo cách mà ông cho là tốt nhất. Tắt một lời, trong cộng đồng Kitô hữu ở Carthage, ông là một nhân vật tự do, không bảo thủ. Hoạt động của ông trãi dài cả hai chục năm, khoảng từ năm 197 đến 220.
TERTULLIEN NHÀ HỘ GIÁO
Năm 197, ông xuất bản liên tiếp ba tác phẩm : một cuốn khích lệ "Gửi các vị Tử Đạo", một cuốn hộ giáo "Gửi các dân tộc" và nhất là cuốn Apologeticum, một lời biện hộ đầy rung cảm và mạnh mẽ chống lại sự bất công của việc bách hại : chắc chắn đây là tuyệt tác của ông. Ít lâu sau, ông viết một tiểu luận độc đáo nhan đề "Chứng từ của tâm hồn tự bản chất là Kitô hữu", có thể coi đây là một cố gắng hộ giáo dựa vào chứng lý nội tại : khởi từ tâm linh tôn giáo tự nhiên nơi con người chưa bị ngoại giáo làm sai lệch, ông cho rằng niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất, vào sự sống đời sau, vào sự thưởng phạt sau khi chết là điều nằm sâu trong bản chất con người. Sau này, ông còn soạn thảo một tuyên ngôn đòi "quyền tự do tôn giáo" dưới hình thức một lời kêu gọi gửi vị Tổng Trấn Phi Châu (Ad Scapulam). Những đề tài và luận cứ ông triển khai là những gì đã được trình bày trong Apologeticum : pháp chế về bách hại đạo là bất công và bất hợp lý, bác bỏ những điều vu khống của quần chúng bằng cách mô tả đời sống của người Kitô hữu, phê bình các tôn giáo dân ngoại và bản chất đích thực của việc tôn thờ phải đâng lên Thiên Chúa ; đòi hỏi libertas religionis, tức quyền được tôn kính Thiên Chúa theo lương tâm mình, cuối cùng, can đảm từ chối việc tôn thờ hoàng đế, không coi thế quyền là thần thánh (désacralisation du pouvoir temporel). Tertullien phân biệt lãnh vực luật pháp và lãnh vực luân lý, đòi hỏi cho lương tâm được quyền chống lại luật bất công. Hơn nữa, ông quả quyết rằng, ý thức công dân đích thực hệ tại ở lòng tôn trọng hoàng đế vì chức vụ của ông ta, và về mặt này, lòng trung thành của người Kitô hữu không có gì đáng chê trách : họ cầu nguyện cho hoàng đế cũng như tham dự vào tất cả đời sống xã hội. Điều mà Tertullien làm : bênh vực cho thái độ khoan dung đối với tôn giáo và tính thế tục của Nhà Nước, đã không hề mất đi tính thời sự của nó.
TERTULLIEN TRIẾT GIA
Cũng như Justin, Tertullien đi đến chỗ đối chiếu đức tin Kitô giáo với lý trí và triết học thế tục, nhưng cách ông thực hiện khiến người khác có thể hiểu lầm và coi ông như một địch thủ hăng say chông lại lý trí và triết học, con người của credo quia absurdum, một công thức đã được gán cho ông : Tôi tin chính là vì đức tin nghịch lại với lý trí. Trong cuộc bút chiến chống lại ngoại giáo cổ thời, vì không kìm được ngòi bút châm biếm và lối gọi tên cách khiêu khích, tất nhiên Tertullien không khỏi có những điều quá đáng đối với các triết gia, chế diễu triết thuyết của họ, buộc tội các triết thuyết này là nguồn cội sinh ra mọi thứ lạc giáo và qua đó, gợi cho thấy một bản tổng kết có vẻ hoàn toàn tiêu cực về tư tưởng ngoại giáo. Chẳng hạn trong cuốn "La précription des hérétiques" (Về thời hiệu của những người lạc giáo), người ta đọc thấy một lời công kích nẩy lửa kết thúc bằng câu tán thán nổi tiếng : "Có gì chung giữa Athènes và Jérusalem, giữa hàn lâm viện và Giáo Hội !." và trong khảo luận về "Thân xác Đức Kitô", chống phái ảo thân, lời tuyên tín cố ý nghịch lý như thế này : Con Thiên Chúa đã bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại ư ? "Chắc chắn như thế vì đó là điều bất khả" dưới mắt của lý trí ! Người ta không lưu ý đủ là, trước những quan điểm lệch lạc, dựa vào những tiêu chuẩn quả thực là quá "hữu lý" nếu không muốn nói là duy lý để rồi loại bỏ một số khía cạnh của mầu nhiệm Kitô giáo, thì những trang trong đó Tertullien dùng "lối nói quá" như thế rõ ràng là để khai thác nghịch lý mà thánh Phaolô đưa ra : điều trước mắt con người là "điên rồ" lại là "khôn ngoan" của Thiên Chúa. Chướng kỳ của Thập Giá, một sự điên rồ đối với người Hylạp, theo Tertullien, lại chính là dấu chỉ tính siêu việt của mầu nhiệm cứu độ và vì vậy là lý do để tin, không khác gì việc sinh ra làm người của Con Thiên Chúa và sự phục sinh của Ngài. Phải đọc những trang đó dựa trên nền tảng 1Cor 1-2 và 2Cor 6-14tt. Khi viết thêm trong cuốn "Về thời hiệu của những người lạc giáo" . "Sau Phúc Âm, chúng ta không còn cần phải . tìm kiếm". Tertullien muốn khẳng định sự viên mãn của chân lý đức tin trong Phúc Âm trước sự khẳng quyết của phái Ngộ đạo thuyết mang lại một mặc khải cao hơn mặc khải của Phúc Âm. Nói như thế phải chăng tác giả của chúng ta thích thú với việc lật đổ lý trí, phủ nhận mọi nhận thức về chân lý luân lý và tôn giáo bên ngoài Kitô giáo, phủ nhận giá trị của nỗ lực hiểu biết đức tin ? Tất cả công trình triết học và thần học của ông cho thấy hoàn toàn ngược lại. Một minh chứng hết sức thuyết phục về điểm này đó là việc ông am hiểu triết học khắc kỷ và thích sử dụng triết thuyết này, một triết thuyết mà ông minh nhiên nhìn nhận là có những điểm tương đồng với luân lý của Kitô giáo (Ông khẳng định thẳng : "Sénèque thường là người của chúng ta") và hoàn toàn chia sẻ sự sùng bái lý trí của phái khắc kỷ : lý trí tiên vàn là của Thiên Chúa. Thiên Chúa là lý trí : chính vì vậy thế giới là hữu lý (rationel) và nơi con người, với đặc điểm là hữu thể có lý trí, tri thức tự nhiên là một con đường dẫn tới Thiên Chúa (liên hệ với "Linh hồn tự bản chất là Kitô hữu") và tri thức đó không tự mâu thuẩn với đức tin : "Thiên Chúa của thiên nhiên không phải là một Đấng khác với Thiên Chúa chúng ta". Không nên đánh giá Tertullien dựa vào những kiểu nói gay gắt hay nghịch lý của ông, nhất là những câu nói ấy lại bị tách ra khỏi văn mạch. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng đứng trước nền văn hóa ngoại giáo ông không có được sự bình tĩnh của một thánh Justin : phải chăng, ở khúc quanh của thế kỷ III, ý thức Kitô giáo có lẽ nhạy cảm hơn trước những khó khăn và những nguy cơ của một thuyết tương hợp (concordisme) quá đơn giản ? Việc Tertullien phản đối mọi hình thức giản lược Kitô giáo thành "một loại triết học" là rất chính đáng. Nếu Justin quan tâm tìm kiếm sự đồng qui và đối thoại, thì Tertullien lại tha thiết với sự gìn giữ tính độc đáo của Kitô giáo, tính "bất ngờ" của mạc khải. Do đó mà lập trường của ông khó được người nghe chấp nhận hơn nhưng không hề rơi vào chủ trương duy tín.
BÚT CHIẾN VỀ GIÁO LÝ
Nhà thần học Phi Châu của chúng ta tiếp tục cuộc chiến đấu của các vị tiền bối, đặc biệt là của Irénée, chống lại Ngộ đạo và chủ thuyết Marcion. Chình vì muốn chống lại sự huỷ hoại đức tin của chủ thuyết Marcion mà ông đã làm việc khoảng từ năm 200 đến năm 210 để soạn ra tác phẩm đồ sộ nhất của mình và là tác phẩm quan trọng hàng đầu trong thời kỳ đó, đó là cuốn "Chống Marcion". Như những người đi trước, Tertullien tiếp tục bác bỏ Marcion, nhưng dường như ông dựa vào nhiều tài liệu hơn. Ông cho thấy Tân Ước, ngay cả khi bị giới hạn vào số bản văn mà Marcion công nhận, vẫn bác bỏ thuyết Marcion, và vạch rõ bộ mặt của chủ thuyết này, xét cho cùng, là bộ mặt duy lý : dựa vào những tiêu chuẩn cá nhân, Marcion tự cho mình là người có quyền phán quyết về Thánh Kinh và về đức tin. Lời đả kích trong cuốn "Thân xác Đức Kitô" nói trên chính là nhắm vào Marcion. Các giáo phái đua nhau nẩy nở, giáo lý sai lạc lan tràn, đó là một trong những mối bận tâm chính của Tertullien, và đã khiến ông đi đến chỗ cố soạn một tác phẩm nhằm đưa ra những lý chứng cơ bản để một cách nào đó bác bỏ mọi thứ "lạc giáo" (bấy giờ người ta chưa phân biệt bao nhiêu giữa lạc giáo và ly giáo) : nhờ đó có thể tránh được việc tranh luận từng bước với mỗi lạc giáo, đó chính là khảo luận về : "Thời hiệu của các kẻ lạc giáo". "Thời hiệu" ở đây chỉ một sự bác bỏ trước việc khởi tố ở tòa án. Tương tự như Irénée, Tertullien khai triển một quan niệm rất rõ về đức tin tông truyền được truyền đạt cách sống động giữa lòng Truyền Thống Giáo Hội : như vậy, một cách nào đó người ta có quyền bác bỏ trước mọi thứ giáo lý và giáo phái cố ý nằm ngoài Truyền thống đó. Dù đã đưa ra suy tư căn bản như vậy, Tertullien vẫn không tránh được việc phải đương đầu với những lệch lạc mới nẩy sinh vào đầu thế kỷ III, những lệch lạc này, tuy không còn đụng đến những nền móng của đức tin, nhưng lại giải thích điểm này hay điểm nọ theo một cách thức mà Giáo Hội không còn nhận ra niềm tin mình đã lãnh nhận từ các Tông Đồ : Từ đây, đối tượng mà các Giáo Phụ sẽ phải đương đầu chủ yếu là loại "Lạc giáo" này. Nhưng trong lúc này, các vấn nạn nêu lên đụng đến Mầu Nhiệm Đức Kitô, trọng tâm của Kitô Giáo : những vấn nạn đó xuất hiện dưới những hình thái mới mẻ và luôn luôn biến hóa của thuyết ảo thân : đó là dưỡng tử thuyết (adopptianisme) phủ nhận thần tính của Đấng Cứu Thế, và hình thái thuyết (modalisme), biến niềm tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần thành một độc thần thuyết độc ngôi (monothéisme unipersonnel). Bấy nhiêu hình thái "giản lược" đức tin chung đã bị loại bỏ vào thế kỷ III nhờ phản ứng tự nhiên của đức tin, cộng với nỗ lực của các nhà thần học. Tertullien, qua cuộc chiến đấu chống lại ảo thân thuyết và hình thái thuyết, đã mở ra những con đường cho Kitô học và thần học Latinh về Chúa Ba Ngôi. Ông đã cung cấp cho các khoa thần học đó một ngôn ngữ : hai "bản tính" và một "ngôi vị" nơi Đức Kitô, một "bản thể" và ba "ngôi vị" nơi Thiên Chúa ; và như vậy , ông giúp cho người Latinh tránh khỏi những tranh luận gay go của người Hylạp về thuật ngữ trong lãnh vực này.
MỘT NHÀ THẦN HỌC "DẤN THÂN"
Công trình của Tertullien, dựa theo phân nửa số tựa đề, gồm những tác phẩm về các đề tài liên hệ đến đời sống Kitô giáo trong một Giáo Hội đầy dẫy những luồng tu đức khác nhau và đang sống giữa lòng thế giới dân ngoại. Rất nhạy bén với những vần đề thuộc lương tâm Kitô giáo, ông đề cập thẳng vào các vấn đề đó, quyết đoán theo tính cách độc lập và hăng hái của mình. Một nhúm "độc hại" ở Carthage bác bỏ sự cần thiết của Phép Rửa ư ? Ông trả lời bằng một tập sách nhỏ "Về Phép Rửa Tội", rất quý giá đối với lịch sử thần học và việc thực hành bí tích : trong tác phẩm này, ông là Giáo Phụ duy nhất đề cập qua việc rửa tội cho các em bé là không thích hợp. Ông cũng dự vào các cuộc tranh luận liên hệ đến việc tha tội, tái hôn, trốn chạy trước cơn bách hại . chúng ta sẽ trở lại những vấn đề này sau. Ông cũng không tránh né tất cả những gì đụng chạm tới đời sống của các Kitô hữu trong một xã hội mà khía cạnh tôn giáo -tôn giáo dân ngoại- thường pha trộn vào những sinh hoạt công cộng. Ông cố gắng xác định một nền luân lý cho các Kitô hữu trong thế giới thời đó : họ có được tham dự những cuộc vui chơi công cộng, có được đi lính, làm thầy dạy, làm công chức hay quan tòa không ? Dường như ông đã không vượt qua được sự mâu thuẩn nào đó giữa ý muốn hay sự cần thiết phải dấn thân vào đời sống xã hội và một Kitô giáo mang tính tiên tri (christianisme prophétique), bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi bị lây nhiễm, và do đó có khuynh hướng đề cao sự đoạn tuyệt, tách rời hơn. Vì vậy, trên nguyên tắc ông không kết án việc thi hành các chức vụ công quyền, nhưng ông đặt những điều kiện đến nỗi trên thực tế việc thi hành các chức vụ đó không thể làm được. Ông cho phép người Kitô hữu hấp thụ văn hóa thế tục, nhưng không được dạy, vì làm thầy dạy thì phải lụy vào văn hóa đó hơn học trò.
Qua một số đề tài, chúng ta có thể thấy Tertullien rõ ràng ngày càng có một thái độ cứng rắn, cố chấp về luân lý. Nếu như trong "Apologeticum" (Hộ giáo) ông đề cao việc gia nhập quân đội của các Kitô hữu, thì về sau ông lại lên án nhân danh sự bất bạo động tuyệt đối (non-violence absolue). Trong tác phẩm dành cho vợ mình, ông cho phép tái hôn trong trường hợp góa bụa, thì sau đó ông lại bài xích bằng những lời lẽ quá đáng, không thể chấp nhận được vì hạ giá chính hôn nhân. Về việc tha ba loại tội công khai (bội giáo, ngoại tình, sát nhân) hay về việc chạy trốn khi có bách hại, thì ông cũng thay đổi từ chấp nhận sang từ khước. Nói tắt, người ta chỉ có thể ghi nhận thái độ ngày càng cứng rắn, không khoan nhượng của ông. Hẳn nhiên, Tertullien đã không bao giờ là kiểu mẫu của người Kitô hữu trung bình, nhưng ông đã dần dần xa với kiểu mẫu đó, ngày càng trở thành con người quá khích, cực đoan trong cách giải thích Phúc Âm của ông.
TERTULLIEN VÀ THUYẾT MONTAN
Thái độ cố chấp của Tertullien có thể hiểu được trước tiên là do tính khí của ông, nhưng đồng thời cũng do mối thiện cảm của ông, kể từ khoảng năm 210, đối với thuyết Montan, khởi thuỷ là thuyết thiên niên (millénarisme), một phong trào tu đức theo chủ trương nhiệm nhặt. Nhưng theo thuyết Montan trách Giáo Hội chính thức là đã giảm nhẹ những đòi hỏi của Phúc Âm và họ tự cho mình là những người duy nhất có được Thần Khí nguyên thủy. Vào đầu thế kỷ III, họ tuyệt giao với hàng Giám Mục. Phong trào tiên tri chủ trương triệt để này (prophétisme de labsolu) đã quyến rũ Tertullien, quyến rũ chính xác là tới mức nào ? Tới chỗ cắt đứt với Giáo Hội thể chế chăng ? Ông thẳng thắn khẳng định sự cắt đứt này : "Sự hiểu biết và bảo vệ Đấng Bầu Chữa (Chúa Thánh Thần) tách chúng tôi ra khỏi những người khí huyết" (nghĩa là những người không phải là thần thiêng (non-spriti-tuels), những phần tử của Giáo Hội chính thức). Tới mức hoàn toàn gia nhập vào phong trào Montan chăng ? Ở đây người ta có thể đặt dấu hỏi, vì những cách biểu lộ lòng đạo đức cuồng nhiệt, thiếu cơ cấu tổ chức, thiếu thần học, những điều đó không phù hợp lắm với cá tính của Tertullien. Vả lại, người bảo vệ truyền thống Giáo Hội lại có thể từ bỏ quan điểm của mình đến độ đó sao ? Thánh Augustinô cho chúng ta biết rằng Tertullien cuối cùng đã lập một nhóm riêng và chính ngài, Augustino, đã đưa những thành viên cuối cùng của nhóm trở lại Giáo Hội. Như vậy, hẳn Tertullien đã kết thúc cuộc đời mình như một ngôn sứ lẻ loi, khư khư với những đòi hỏi không thể thực hiện của mình. Thoạt nhìn qua, điều đáng ngạc nhiên là : mặc dù ông cắt đứt với Giáo Hội, tác phẩm của ông vẫn được các Kitô hữu ở Tây phương quý trọng, bảo tồn và sau đó được sử dụng rộng rãi. Điều này có thể hiểu được, đó là vì tác phẩm của ông có giá trị đặc biệt trong nhiều lãnh vực : Kitô học của Tertullien ảnh hưởng tới tận thánh Léon, và qua Léon, tới định tín của Công Đồng Chalcédone. Các khẳng định về chức tư tế của mọi người chịu Phép Rửa báo trước những bản văn của Công Đồng Vatican II. Chỉ khoảng vài chục năm sau khi ông mất, thì thánh Cyprien, Giám Mục Carthage, tuy không nêu đích danh, những đã công khai dựa vào ông như vào một "Bậc thầy".
SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM
M. SPANNEUT, Tertullien et les premiers moralistes africains, Gembloux - Paris, Duculot, Lethielleux 1969. J.C. FRELDOUILLE, Tertullien et la convertion de la culture antique, Paris, Études Augustiniennes, 1972. J. DANIELOU, Les Origines du Christianisme Latin, Paris Le Cerf 1978.
Về thuyết Montan : F. BLANCHETTIERE, "Le montanisme originel" dans "Revue des Siences Religieures" (Strabourg) t.52 1978, p. 118-134 ; t. 53 1979, p. 1-32 H. BACHT, "Montanisme" dans Dictionnaire de spiritualité T.X. 1980, col. 1670-1676
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC