TÍNH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG CỦA ÐỨC TIN THÁNH ATHANASE THÀNH ALEXANDRIE
JACQUES LIÉBAERT
J. Liébaert. Giáo phụ. Tập 1: Từ thế kỷ I đến thế kỷ IV. Phân III: "Bình minh của một giai đoạn mới - Các giáo phụ đầu tiên của thế kỷ IV". Nxb. Trở Về Nguồn. | Nguyên bản tiếng Pháp: Les Pères de l’Église. Vol. I, Paris, 1986. MỘT "TRỤ CỘT" CỦA GIÁO HỘI Kiểu nói trên là của thánh Grégoire de Nazianze trong bài tán dương Athanase. Thực vậy, trụ cột hay đá tảng là hình ảnh chúng ta liên tưởng đến khi nhìn tới vai trò của Athanase trong Giáo Hội của thế kỷ IV, một Giáo Hội bị xâu xé bởi cơn khủng hoảng trầm trọng về giáo lý, thêm vào đó, là khủng hoảng về chân tính trước một quyền lực chính trị Kitô giáo đang xâm lấn. Athanase không có được kiến thức của môt Eusèbe thành Césarée, cũng không có được sự sắc bén trí thức của một Eustathe. Thế nhưng, khi tiếp xúc với ngài, người ta đo lường được nơi Eusèbe mức độ khiếm khuyết trầm trọng về mặt thần học chính trị và về thần học nói chung. Hẳn nhiên, do có khiếu hoạt động hơn và may mắn hơn Eustathe, ngài đã đạt đến kết quả cuối cùng của cuộc chiến đấu mà Eustathe đã sớm rời bỏ, nhưng với giá của biết bao nhiêu nỗ lực ! Cuộc đời ngài hầu như trùng với cơn bão Arius : sau khi tháp tùng Giám Mục Alexandrie dAlexandrie của mình với tư cách là thư ký, chính ngài trở thành thủ lãnh Giáo Hội Aicập năm 328, và tiếp tục cương vị đó cho đến khi qua đời năm 373. Lịch sử đời Giám Mục của ngài hòa với chính lịch sử của cuộc tranh luận về Arius ; đó là 45 năm thăng trầm biến chuyển, trong đó có 18 năm phải sống lưu đày hay ẩn náu ; đúng là một pho tiểu thuyết mà chúng ta biết được nhiều chi tiết nhờ những tác phẩm dưới hồ sơ lịch sử mà chính Athanase soạn thảo để tự bênh vực và bênh vực cho Nicée. Tác phẩm của ngài thuộc vào thời kỳ hậu-Nicée đặc biệt này. Thời gian khoảng 60 năm này là khoảng thời gian cần thiết để mọi Kitô hữu có thể tích hợp được phần đóng góp cũng như những hệ lụy của Công Ðồng chung đầu tiên này. Athanase, người bảo vệ không nao núng "đức tin của Nicée", kẻ bênh vực bất khuất cho sự độc lập của Giáo Hội trước các hoàng đế nghiêng theo Arius, người nâng đỡ hữu hiệu phong trào đan tu mới khai sinh, người kiến tạo sự hòa giải giữa các Kitô hữu mặc dầu có tính cách tranh đấu và độc đoán, điều có thể hiểu được một phần là vì đó là thời khó khăn và bạo hành. Athanase đã là một trong những người phòng giữ cho Giáo Hội khỏi phải nhìn thấy, nếu không phải là đức tin của mình, thì ít ra là sự đoàn kết của Giáo Hội tiêu tan trong cơn bão và là một trong những người duy trì sức sống của Giáo Hội trong những thời điểm đặc biệt khó khăn và có tính chất quyết định.
Athanase đã được hấp thụ một nền giáo dục cổ điển truyền thống ở Alexandrie, thông thạo về triết học. Tuy nhiên, ngài xuất hiện như một người của Giáo Hội hơn là một nhà nhân bản theo kiểu các nhà trí thức thời trước ở Alexandrie. Ngài không đi theo hướng nghiên cứu khoa học và duy lý như Origène. Phải nói rằng hoàn cảnh không để ngài còn được bao nhiêu thời giờ để làm công việc đó. Thực vậy, từ lúc nhậm chức Giám Mục Alexandrie thì ngài đã phải ở trong tư thế đương đầu. Ngay ở Aicập, Giáo Hội phát xuất từ nhóm ly khai theo chủ trương nghiêm nhặt của linh mục Mélèce trong thời gian cuộc bách hại cuối cùng, đã không nhìn nhận quyền bính của ngài. Ðàng khác, phe Arius biết ngài là người đặc biệt cương quyết chống lại họ, giống Eutathe thành Antioche. Bị công kích từ cả hai phía, ngài bị buộc phải rời Alexandrie từ năm 331, đến trước Constantin để tự biện hộ, nhưng các địch thủ của ngài toa rập với nhau mở một chiến dịch có hệ thống nhằm bôi nhọ ngài. Một hội nghị nhóm họp ở Tyr do các Giám Mục phần đông là thù nghịch với ngài, đã truất phế ngài và hoàng đế đã đày ngài sang Tréves bên Tây phương. Tại đây, Athanase chiếm được thiện cảm của thế giới Latinh, quân chủ bài có thế lực trong cuộc chiến đấu của ngài. Lúc Constantin mất (337) và ba con trai lên kế vị : Constantin II, Constance và Constant. Ngài đã về lại Alexandrie, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Từ năm 339, ngài bị phe Arius, với sự trợ giúp của binh lính hoàng gia, dùng võ lực trục xuất. Ngài đến Rome nương náu, bên Giáo Hoàng Jules I, và tự biện minh trước một hội nghị do vị Giáo Hoàng này triệu tập. Ngoài ra, ngài còn được hoàng đế Tây phương là Constant hỗ trợ. Cuộc ly khai chính thức giữa Giáo Hội thuộc phái Arius và các Giám Mục theo Nicée xảy ra tại Công Ðồng Sardique (Sofia) năm 343, mặc dầu có những cố gắng của Athanase và của Ossius thành Cordoue, một Giám Mục Tây Ban Nha, trước đây là cố vấn riêng của Constantin và là một trong những người hướng dẫn Công Ðồng Nicée. Sau đó ít lâu, năm 345, vị Giám Mục thuộc phái Arius được đặt coi sóc Alexandrie qua đời. Hoàng đế Ðông phương là Constance, tuy vẫn ủng hộ phái Arius, đã cho phép Athanase trở về và ngài đã trở về cách huy hoàng năm 346. Nhưng cái chết của Constant năm 350 và việc đăng quang của Constance như một hoàng đế độc nhất khiến cho mọi sự đều bị đặt lại vấn đề. Constance ra tay buộc hàng Giám Mục, dù muốn hay không cũng phải theo chính sách phò Arius của mình qua việc ký nhận một công thức đức tin, mà công thức này không đả động gì tới những điểm công Ðồng Nicée đã minh định. Thủ đoạn vừa khôn khéo vừa dọa nạt của ông khiến cho những người kiên quyết bảo vệ Nicée dần bị cô lập, và cuối cùng lại chỉ còn một số rất ít Giám Mục bên Ðông cũng như bên Tây. Trong số này có Hilaire de Poitiers và Athanase. Ở Alexandrie, Athanase tìm thấy sự che chở an toàn nơi lòng thương mến của dân chúng đối với ngài. Một cuộc nỗi dậy giả tạo của quần chúng đã được dàn dựng kỹ lưỡng, với sự trợ giúp của quân lính, một đêm năm 356, họ tấn công nhà thờ nơi vị Giám Mục đang cử hành phụng vụ. Athanase trốn thoát được. Dù không ngừng bị săn lùng, ngài vẫn tiếp tục ở lại Aicập trong sáu năm, sống bí mật trong các làng mạc và các đan viện ở thung lũng sông Nil. Là người hiểu rất rõ về các biến cố xảy ra, ngài đã viết thêm nhiều tác phẩm bút chiến và soạn ra tác phẩm nổi tiếng "Cuộc đời thánh Antoine" cuốn sách này sẽ góp phần rất nhiều vào việc phổ biến lý tưởng đan tu. Quyền lực của phái Arius trong Giáo Hội lên tới tột điểm vào những năm 359 - 360, nhưng cũng bắt đầu suy tàn ngay sau đó với cái chết của Constance năm 361. Hoàng đế Julien, cháu Constantin, được dạy dỗ theo đường lối Kitô giáo, đã bỏ đức tin của mình và mơ tưởng tới việc khôi phục các tôn giáo dân ngoại. Ít ra ông đã không dây mình vào các sự việc của giáo Hội. Các Giám Mục lại được tự do hoạt động. Các Giám Mục Tây phương ngửng đầu lên trước, tiếp đến hàng Giám Mục Ðông phương cũng bắt đầu trấn tĩnh lại. Athanase về lại Tòa Giám Mục năm 362, ngài đã lập tức quy tụ được chung quanh mình một Công Ðồng nhỏ gồm các Giám Mục theo Nicée và đó là một tượng trưng cho sự hồi sinh. Nhưng cũng năm đó, ngài lại phải gánh chịu sự bực bội của Julien vì không thành công trong cố gắng vực lại những tôn giáo cũ, và một lần nữa ngài buộc phải lẫn trốn. Julien bị giết năm 363 và Jovien người kế vị ngắn ngũi đã gọi ngài về. Năm 364, Ðông phương lại rơi vào tay một hoàng đế ủng hộ phe Arius là Valens. Trong lúc Giáo Hội Tây phương may mắn được tiếp tục hưởng bình an, nhờ đường lối chính trị trung lập của Valentin I, em của Valens, thì các Giám Mục Ðông phương theo Nicée một lần nữa nếm cảnh lưu đày, nhất là Athanase. Nhưng, hẳn là vì cảm thấy rõ ảnh hưởng quan trọng của vị Giám Mục này trong dư luận, Valens đã quyết định đưa ngài về lại Alexandrie năm 366, và đây là lần trở về cuối cùng.
Athanase đã không thể giải quyết tình trạng hỗn độn Antioche do việc truất phế Eustathe tạo ra. Ngài kiên quyết hỗ trợ cho cộng đoàn nhỏ theo Eustathe, nhưng điều đó không đưa đến kết quả nào, phần đông người chính thống ở Antioche từ chối tham gia vào hành động đó vì họ ỷ vào sự hỗ trợ của thánh Basile và các bạn của ngài. Một phần do việc tranh chấp không phải lúc làm cho các đối thủ của thuyết Arius thêm chia rẽ, Athanase chỉ được thoáng thấy kết cục của cuộc đại khủng hoảng của thế kỷ, cũng như sự tái thống nhất của Giáo Hội Ðông phương, vì việc tái thống nhất này cho tới những năm 380 mới được thực hiện về cơ bản. Ngài qua đời sớm hơn một chút, bên ngưỡng cửa vào Ðất Hứa, nếu có thể nói được như thế. Nhưng nếu dân Kitô giáo đã có thể lướt thắng một trong những thử thách nặng nề nhất trong lịch sử của mình, thì một phần lớn chính là nhờ con người kiên quyết và bất khuất, nhờ người tín hữu kiên vững đó, nhờ vị Giám Mục ưu tiên lo lắng cho thiện ích Giáo Hội đó. Thái độ của ngài đối với quyền lực của hoàng đế vẫn còn là thái độ kiểu mẫu cho dù hoàng đế Kitô giáo có uy thế lớn lao trong một Giáo Hội vừa hết bị bách hại, ngài không ngại thách thức Constantin và con ông là Constance, kẻ còn đang được hào quang của cha mình bao phủ. Mặc dù ít được hàng Giám Mục Ðông phương theo, ngài đã biết bảo vệ khoảng cách độc lập mà cuối cùng là cần thiết cho Giáo Hội trong việc giữ cho đức tin được tinh tuyền. Tác phẩm "Biện hộ gửi Constance" rắn rỏi của ngài, cũng như bức thư lừng tiếng của Ossius de Cordoue cũng gửi cho hoàng đế này, là những văn kiện định ra các ranh giới giữa quyền lực chính trị và lãnh vực của giáo Hội. Ðòi hỏi mạnh mẽ về quyền tự do của các Giám Mục trong việc thi hành sứ mạng Giáo Hội của mình đã được nêu lên từ Athanase tới thánh Basile và thánh Ambroise. Nó cho thấy nhận thức có từ rất sớm, nhưng sau đó thường phai mờ trong những mối tương quan tế nhị giữa "Tư tế" và "đế quốc" (Sacerdoce et lEmpire).
NGƯỜI BẢO VỆ NICÉE Trong tư cách là mục tử và là nhà thần học. Athanase trước hết là con người của "đức tin Nicée". Mục tiêu hành động của ngài chính là việc làm cho Giáo Hội thừa nhận Công Ðồng, tín biểu phải trở thành qui thức bất khả xâm phạm của đức tin và qua đó khắc sâu ý tưởng này là : quyết định về tín lý của một Công đồng chung có giá trị quy luật cho đức tin. Ðường lối tôn giáo của ngài đối với các ý kiến bất đồng không hề thay đổi, đó là chính thuyết Arius hay những ý kiến lừng khừng đối với tín biểu : ký nhận hoàn toàn công thức Nicée, và chỉ có điều đó, phải được coi là điều kiện để hiệp thông. Do sức ép của những bài bác trực chỉ vào ngài khoảng giữa thế kỷ, bất quá ngài mới chấp nhận cho bổ sung một chút về Chúa Thánh Thần, Ðấng "không phải là một thụ tạo". Các tác phẩm tín lý của ngài, đặc biệt là khảo luận : "Chống phái Arius", lá thư "Về sắc lệnh của Công Ðồng Nicée" vừa phải phản bác các luận đề của Arius cách tỉ mỉ, cũng như cách đọc Thánh Kinh của Arius, đồng thời không ngừng nhắm tới việc bảo vệ và giải thích tín biểu. Các tác phẩm này cũng xác định tín biểu rõ hơn, qua việc Athanase phân tích rõ cho thấy điều này là, nếu nói đến tính đồng nhất tuyệt đối của bản thể hay bản tính nơi Thiên Chúa thì tất yếu phải đi đến chỗ nói rằng chỉ có "một bản thể" hay bản tính của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đó là cách ngài minh giải từ "đồng bản thể", và từ nay đó sẽ là nghĩa tròn đầy của từ ngữ trong cách xử dụng của Kitô giáo ở Ðông phương, và đó cũng là nghĩa mà Tây phương đã hiểu như thế (chúng ta nhớ lại từ "una substantia" của Tertullien). Một đóng góp đáng kể khác của Athanase cho thần học là giáo lý về Chúa Thánh Thần mà ngài đã phác họa trong "Những lá thư gửi Sérapion", Giám Mục Thmuis ở Aicập. Giáo Hội đã luôn luôn tin vào Chúa Thánh Thần và sống mãnh liệt niềm tin này nhưng cho tới lúc đó nó chưa thực sự trở thành đề tài thần học, cho dù Origène đã khởi đầu suy tư về những liên hệ giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con. Logic với chính mình, Arius không nhận thần tính của Chúa Thánh Thần như đã không nhận tính đồng bản thể của Chúa Con. Nhưng trong một thời gian dài, cuộc tranh luận chỉ tập trung vào những tương quan giữa hai Ngôi đầu, Ngôi thứ ba vẫn chìm trong bóng tối. Cho tới những năm 350, tại nhiều nơi khác nhau, thần tính của Chúa Thánh Thần bị bài bác kịch liệt. "Những lá thư gửi Sérapion", viết khoảng năm 360, là câu trả lời đầu tiên của thần học chính thống, và là bản sơ thảo đầu tiên về giáo lý của Chúa ThánhThần trong Ba Ngôi. Trong những bức thư đó, Athanase muốn cho thấy Chúa Thánh Thần có cùng tương quan ngang hàng với Chúa Con như Chúa Con có với Chúa Cha. Tiểu luận của ngài khai thác có hệ thống những bản văn Tân Ước, mở đường cho các nhà thần học Cappadoce và cho thánh Augustine đào sâu suy tư về mầu nhiệm Chúa Thánh Thần. Ðọc các tác phẩm thần học của Athanase, người ta không thể không nhớ đến Irénée, vả lại Irénée cũng là một trong những người mà ngài dựa vào. Chúng ta gặp lại một lối văn trong sáng, một đức tin sáng suốt, một ý thức về điều chính yếu, mối quan tâm trung thành với Thánh Kinh, từ ngữ xử dụng thông thường, ít chuyên môn, tương tự như Irénée. Chỉ có lời lẽ dữ dội trong bút chiến là mạnh mẽ hơn Irénée đúng với một thời kỳ có những tranh luận lớn về tín lý. Thần học của Athanase cũng như của Irénée, có được sự mạnh mẽ vững chắc của nó là nhờ bén rễ sâu trong Thánh Kinh và trong đức tin sống động của Giáo Hội. Chẳng hạn luận cứ quan trọng của ngài biện minh cho thần tính của Chúa Con và Chúa Thánh Thần là, trong phép Rửa Tội, các Ngài ban cho ta tử hệ thần linh hoặc, theo ngôn ngữ của các Giáo Phụ Hylạp kể từ Clément d Alexandrie, các Ngài "Thần hóa" chúng ta : vậy các Ngài làm điều đó thế nào được nếu chính các Ngài không có thần tính ? Ở đây, một lần nữa chúng ta lại thấy được thực hành Phép Rửa cũng như ý thức Giáo Hội về các hiệu quả của Phép Rửa, một ý thức thường hằng, và không chút nghi nan, đã ảnh hưởng lên cách minh giải về niềm tin Ba Ngôi. Ðiều mà cộng đồng Kitô giáo sống trong các bí tích đã đi trước và hướng dẫn suy tư thần học. Cuối cùng, so với các Giáo Phụ khác, Athanase là một chứng nhân đức tin hơn là người tiên phong thực sự trong thần học. Ngoài vấn đề Chúa Thánh Thần, hệ quả lôgic của cuộc tranh luận về Ngôi Lời, điều đáng lưu ý là ngài ít nhạy bén với những vấn đề mà Công Ðồng năm 325 còn bỏ ngỏ, cũng như với những vấn đề mới mẻ xuất hiện trong hậu bán thế kỷ IV. Chẳng hạn khi khẳng định tính duy nhất của Thiên Chúa, Nicée đã không gợi ra một cách nói nào liên quan tới sự phân biệt giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mà chỉ mặc nhiên khẳng định sự phân biệt đó. Làm sao nói chỉ có một bản thể duy nhất trong ba mà không sai lầm và không mâu thuẩn trong chính các từ ngữ ? Kể từ Tertullien, người Latinh nói đến ba "Ngôi Vị" (Personnes). Người Hylạp không có cách nói thống nhất với nhau ; người ta tranh luận mãi về công thức "ba hypostases" nơi Thiên Chúa. Tại hội nghị ở Alexandrie năm 362, đứng trước sự tranh chấp giữa hai bên bênh và chống công thức này, Athanase chỉ giải quyết bằng cách bảo rằng : khi đã đồng ý với nhau về cùng một đức tin Ba Ngôi thì vấn đề thuật ngữ cứ để cho tự do. Giải đáp như vậy chắc chắn là không đủ đối với một vấn đề tế nhị như vấn đề ngôn ngữ đức tin ; thánh Basile, sau đó ít lâu, sẽ giải quyết cuộc tranh luận cách hiệu quả. Cũng vậy, Nicée đã không có xác định nào về niềm tin vào việc Nhập Thể của Ngôi Lời, chỉ tuyên bố rằng Ngôi Lời "đã mặc lấy xác phàm và đã làm người", thời đó hai kiểu nói này đồng nghĩa với nhau. Thế mà, qua Eustathe d Atioche, chúng ta biết phái Arius phủ nhận sự hiện diện của một linh hồn thật sự là linh hồn nhân loại nơi Ðức Kitô. Dường như Athanase không thấy được điểm này vì không hề thấy ngài đề cập gì đến nó. Phái Arius, trong lý luận của họ, nhấn mạnh những giới hạn tâm lý của Ðức Kitô : có tấn tới về khôn ngoan, không biết ngày phán xét, lo buồn, sợ hãi khi cuộc Khổ Nạn đến gần . để từ đó kết luận rằng những giới hạn đó cũng là chính những giới hạn của Ngôi Lời, vì theo họ, qua việc tự hủy, Ngôi Lời biến thành linh hồn của Ðức Kitô. Athanase dừng lại lâu ở những bắt bẻ khác nhau này chống lại thần tính của Ðức Kitô nhưng lại không đưa ra giải đáp như Eustathe, nghĩa là cho thấy rõ nơi Ngôi Lời Nhập Thể có một linh hồn và một tâm lý thực sự nhân loại. Ngài không nghĩ tới việc xét lại chính các dữ kiện của vấn đề đó do phái Arius đưa ra, mà chỉ cắm cúi, cố gắng giải thích những nhược điểm mà phe Arius trưng dẫn hoặc cho đó là cung cách sống hoàn toàn chỉ là bề ngoài của Ðức Kitô hoặc ngay cả cho rằng đó chỉ là thực tại thuần túy thế lý. Kitô học của ngài bộc lộ một khiếm khuyết nào đó trong nhận thức về thực tại nhân loại của Nhập Thể, hay ít ra là về chiều kích tâm lý của nó, vì ngoài ra, ngài vẫn cực lực bác bỏ mọi thứ ảo thân thuyết (thư gửi Epictère). Ngài cũng nhất quyết loại bỏ kiểu nói "Ngôi Lời Con Người" của Antioche. Viễn tượng của ngài nhấn mạnh đến sự chiêm ngắm Ngôi Lời Thiên Chúa đến mức khiến cho một điều gì đó thuộc nhân tính của Ðức Kitô bị chìm vào bóng tối, đó là điều không thể chối cãi, và đó cũng là nét mà từ nay sẽ là đặc điểm của Kitô học ở Alexandrie, và như thế tách biệt rõ ràng với Kitô học ở Antioche. Cho tới hội nghị năm 362 này, Athanase mới bổ túc chút ít Kitô học của mình khi đứng trước việc linh hồn nhân loại của Ðức Kitô một lần nữa bị phi bác. Bấy giờ, cảm thức thần học hết sức chắc chắn của ngài mới làm cho ngài nhận ra rằng : người ta không thể quan niệm Ðấng Cứu Thế mà lại "không có linh hồn" nhân loại : đó là một nhượng bộ đối với trường phái Antioche, nhưng điều đó không làm thay đổi sâu xa viễn tượng riêng của ngài. Như thế, với Eustathe và Athanase, tại Ðông phương có hai lối cảm thụ thần học và tu đức mà trong các thế kỷ kế tiếp sẽ là trọng tâm của những cuộc đối đầu dai dẳng.
Ngoài những tác phẩm thần học chính danh, Athanase vẫn có thời giờ để thử đi vào môn hộ giáo ("Chống người ngoại giáo", "Về việc Nhập Thể của Ngôi Lời") và môn chú giải. Chúng ta có được một sưu tập các "Thư Phục Sinh" của ngài bắt đầu từ năm 329. Nhưng, ngoài cuộc bút chiến để bảo vệ Nicée thì điều đem lại vinh quang đẹp đẽ nhất cho ngài đó là cuốn "Cuộc đời thánh Antoine".
NGƯỜI "ỦNG HỘ" PHONG TRÀO ÐAN TU MỚI KHAI SINH Như Tân Ước chứng thực đời sống khổ hạnh Kitô giáo, đặc biệt việc sống độc thân tự nguyện, cũng xưa như chính Giáo Hội vậy. Tuy nhiên trong một thời gian dài, đời sống này không bao hàm việc xa lánh thế gian, hoặc để sống một cuộc đời hoàn toàn đơn độc (érémitisme hay anachorétisme) hoặc sống cộng đồng (cénobitisme). Chế độ đan tu Kitô giáo đích danh xuất hiện sớm nhất vào khoảng cuối thế kỷ III, với những hình thức sống xa lánh thế gian nói trên. Thế kỷ IV là giai đoạn bành trướng đầu tiên của phong trào đan tu, từ Ðông phương sang Tây phương. Một trong những trung tâm đầu tiên là Aicập. Như vậy, Athanase ở vào một vị trí rất tốt để có thể làm một nhân chứng về kinh nghiệm thiêng liêng này trong bước đầu của nó. Ngài không chỉ quan sát suông, mà còn trở thành một trong những người truyền bá xác tín nhất và hữu hiệu nhất cho phong trào đan tu. Ðàng khác, điều đáng lưu ý là hầu như mọi Giáo Phụ ở thế kỷ IV, từ Athanase đến Augustin, đều có tiếp xúc với đời sống đan tu, hoặc chính các ngài thực hành đời sống này, hoặc ít ra là cổ võ hoặc hướng dẫn việc thiết lập và phát triển đời sống đó. Tài liệu lịch sử xưa nhất mà chúng ta có được về thời kỳ oai hùng của các đan sĩ đầu tiên, chính là cuốn hạnh thánh Antoine do Athanase viết ít lâu sau khi vị "Tổ phụ các Ðan sĩ" qua đời (356). Tập sách nhỏ này nổi tiếng không phải chỉ vì thành công của nó về nghệ thuật và văn chương mang tính dân gian kể từ thời Trung cổ, nhờ những chuyện ma quỷ hiện hình kỳ lạ và cũng qua đó cho thấy nguồn gốc dân gian của đời sống đan tu tiên khởi. Ngay trong thời của nó, cuốn Hạnh Thánh Antoine này đã thực sự thuộc vào loại "best-selles" (sách bán chạy nhất), được dịch sang tiếng Latinh rất sớm và phổ biến trong tất cả cộng đồng Kitô giáo. Như Augustin làm chứng torng cuốn Confessions (Lời trần tình) của ngài, cuốn sách đã mang lại một con số đáng kể những cuộc "hoán cải" thiêng liêng và những ơn gọi đan tu. Nhờ Athanase, Antoine đã trở thành một kiểu mẫu, thậm chí là nhà quán quân về đời sống sa mạc, mà nhiều Kitô hữu muốn bắt chước và hăng say nỗ lực đua tranh với ngài. Khi vẽ lại hình tượng Antoine, chắc chắn Athanase có xen vào một phần nào quan niệm riêng của ngài về lý tưởng và về đời sống đan tu. Cũng vậy, một số đề tài văn chương nhắc lại cuộc đời tuyệt đẹp của các vị anh hùng hoặc một số quan điểm dựa vào triết học chẳng hạn cuộc đấu tranh của "lý trí" chống lại các "đam mê" . hẳn là của Athanase. Dầu vậy, Hạnh thánh Antoine có những mấu cứ lịch sử của nó, đó là điều không thể nghi ngờ. Văn chương đan viện cổ xưa nhất hiển nhiên xác nhận. Athanase đã trình bày một tổng hợp chính xác các yếu tố cấu thành đời sống đan tu nguyên thủy một cách tự nhiên với những sắc thái dân gian và cả những cội nguồn của nó lên đến tận các nhà tu đức lớn ở Alexandrie thế kỷ III là Clémant, Origène, với chương trình sống thấm nhuần Tin Mừng : nghèo khó thật sự, lao động chân tay nhằm thực thi bác ái, kinh nguyện được nuôi dưỡng bằng suy niệm Thánh Kinh, chiến đấu chống ma quỷ mà đan sĩ sẽ gặp trong sa mạc theo gương Chúa Giêsu, và cuối cùng, khi đã được tẩy luyện và đầy tràn Thần Khí, nhà khổ tu trở về với anh em mình, trở về với thế gian. Sự việc Athanase hiểu rất rõ những đan sĩ đều tiên cho phép chúng ta đoán được những nét phong phú tiềm tàng trong nhân cách của ngài. Vị Giám mục tranh đấu và nhà thần học chiến đấu chắc hẳn che mất khỏi chúng ta một phần tâm hồn của ngài, một tâm hồn mở rộng trước sự lôi cuốn của tiếng gọi sa mạc, như tâm hồn của bao nhiêu người đồng thời. Tóm lại, Athanase xuất hiện như một trong những Giáo Phụ trực tiếp chuẩn bị cho việc mở ra thời kỳ vĩ đại của các Giáo Phụ, với những phát triển về giáo lý và tu đức của nó. Basile, Grégoire de Nazianze, Grégoire de Nysse, Ambroise, Augustin và hậu duệ tinh thần của các vị có thể tiến xa được hơn ngài một phần lớn là nhờ ngài.
SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM R. BERNARD. Limage de Dieu daprès saint Athnase, coll. "Théologie", Paris, Aubier, 1952. J. ROLDANUS. Le Christ et lhomme dans la théologie d Athanase, Leyde, Brill, 1968 Politique et théologie chez Athanase dAlexandrie Colloque de Chantilly 1973, Paris, Beuchesne 1973. Các bản văn dịch : Vie de saint Antoine : "Lettres Chrétiennes" no. 4, Paris, Le Centurion-Grasset. "Sources Chrétiennes" : Lettres à Sérapion, no. 15 - Sur l Incarnation du Verbe, no. 199.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC